Những câu hỏi kiểm tra sẽ gặp trong bài Hầu Trời của tản đà lớp 11

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Linh babe, 23 Tháng hai 2022.

  1. Linh babe

    Bài viết:
    60
    Câu 1. Vị trí bài thơ Hầu Trời trong sự nghiệp sáng tác của Tản Đà

    Gợi ý:

    Bài thơ có tất cả 108 câu, in trong tập Còn Chơi, xuất bản năm 1921. Xuân Diệu từng đánh giá, trong 29 bài thơ trường thiên của Tản Đa "có ba bài thơ chắc" : Thu khuê oán, Hầu trời, Thăm mã cũ bên đường là những bài thơ đứng lại được với thời gian, ngạo cùng năm tháng.

    Câu 2. Phân tích bốn câu thơ mở đầu bài Hầu Trời của Tản Đà:

    Đêm qua chẳng biết có hay không,

    Chẳng phải hoảng hốt, không mơ mòng,

    Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể!

    Thật được lên tiên -sướng lạ lùng.

    Gợi ý:

    Có thể tham khảo lời bình của nhà thơ Xuân Diệu: "Vào đột ngột câu đầu, cũng ra vẻ đặt vấn đề cho nó khắch quan, nghi ngờ theo khoa học, để ba câu sau toàn là khẳng định, ăn hiếp người ta". Khổ thơ mở đầu đã gây được ở người đọc một mối nghi vấn để gợi trí tò mò. Chuyện có vẻ như mộng mơ, như bịa đặt chẳng biết có hay không nhưng dường như lại là thật, thật hoàn toàn. Bởi tác giả đã bồi đắp liền ba câu thơ bằng những lời khẳng định chắc như đinh đóng cột. Nhắc đi nhắc lại như để củng cố niềm tin:

    Chẳng phải hoảng hốt, không mơ màng

    Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể!

    Thật được lên tiên- sướng lạ lùng.

    Cảm giác đó làm cho câu chuyện mà tác giả sẽ kể trở nên có sức hấp dẫn đặc biệt. Không ai có thể bỏ qua. Cách vào truyện thật độc đáo và có duyên.

    Câu 3. Tản Đà nói đến nhiệm vụ truyền bá "Thiên lương" mà trời giao cho là có ý gì?

    Gợi ý

    Điều đó chứng tỏ Tản Đà lãng mạn, nhưng không hoàn toàn thoát li. Cuộc đời ông vẫn ý thức về trách nhiệm với đời và khát khao được gánh vác việc đời. Đó cũng là một cách tự khẳng định mình. Cuộc đời người nghệ sĩ trong xã hội lúc đó hết sức cơ cực, tỉ li hổ (không tấc đất cắm dùi, thân phận bị rẻ rúng, làm chẳng đủ ăn, bị o ép nhiều chiều). Tản Đà đã vẽ một bức tranh rất chân thực và cảm động về chính cuộc đời mình và cuộc đời nhiều nhà văn khác.

    Câu 4. Những đặc sắc về nghệ thuật bài thơ Hầu Trời của Tản Đà

    Gợi ý

    Thể thơ thất ngôn trường thiên khá tự do, không bị ràng buộc bởi khuôn mẫu kết cấu nào, nguồn cản xúc được bộc lộ thoải mái, tự nhiên, phòng túng.

    Ngôn ngữ chọn lọc, tinh tế, gợi cảm, có duyên lôi cuốn được người đọc

    Tác giả tự hiện diện trong bài thơ với tư cách là người kể chuyện, đồng thời là nhân vật chính. Cảm xúc biểu hiện phóng túng, tự do, không hề gò bó.

    Câu 5. Quê hương của Tản Đà ở đâu?

    A. Hà Đông

    B. Hà Tây

    C. Hà Nam

    D. Hà Bắc

    Đáp án: B

    Câu 6. Tản Đà sinh ra và lớn lên trong:

    A. Buổi giao thời hán học đã tàn, Tây học còn manh nha

    B. Buổi Hán học suy tàn, Tây học phát triển rực rỡ

    Đáp án A

    Câu 7. Dòng thơ nào trong phần trích sau đây chép lại không chính xác?

    Học ăn học mặc hết tháng ngày

    Học ngày một kém tuổi càng cao

    Sức trong non yếu ngoài chen rấp

    Một cây che chống bốn năm chiều

    Trời lại sai con việc nặng quá

    Biết làm có được mà dám theo.

    A. Sức trong non yếu ngoài chen rấp

    B. Học ăn học mặc hết tháng ngày

    C. Một cây che chống bốn năm chiều

    D. Biết làm có được mà dám theo

    Đáp án B

    Câu 8. Giới thiệu về tác giả Tản Đà

    Gợi ý:

    Phải chăng Tản Đà là người thứ nhất yêu dấu cõi tiên, cõi tiên đã cho những nhà thơ mới sau này một nguồn cảm hứng ngọt ngào, xinh đẹp?

    Say, ngông và mộng, ba điểm ấy của Tản Đà đã làm cho thơ ông nhẹ nhàng, phóng khoáng. Tản Đà có một bản ngã, không thiết tha mãnh liệt nhưng có một bản ngã, đó là công trình của ông trong thơ Việt Nam. Thế mà xưa kia có người thấy đó là một điều đáng mỉa mai trách móc. Sao mà học giả có đeo kính lại muốn cản đường của nhà thi sĩ đeo hồ lô?

    Là người thi sĩ đầu tiên tron thơ văn Việt Nam hiện đại, là cái mầm thứ nhất của thơ chân thành, Tản Đà còn là một thi sĩ rất An Nam, có thể nói hoàn toàn là An Nam. Đó là một điều không dễ.

    Những vần thơ nhẹ nhàng, phất qua như gió, những câu ca có duyên, những đoạn phong dao mộc mạc, thi sĩ Tản Đà đã làm rất thuần thục, rất trong trẻo như hơi thở tự nhiên của phong cảnh Việt Nam. Ông có một giọng trôi chảy dễ dàng lẫn với những mặn mà ý nhị. Cách hài hước của ông vừa bóng bẩy, vừa ngộ nghĩnh, điểm một thứ hóm hỉnh nhè nhẹ, đặc biệt là An Nam.

    Thơ Tản Đà thực sự là thơ An Nam, cả đến những bài thất ngôn luật Đường của ông cũng không chút gì gò gẫm, khó như thơ các cụ nhà nho thuở trước. Thi sĩ Tản Đà biết tiếng An Nam cũng đã tường tận mới viết được những khúc thơ thuần thục như những lời ca của dân gian.

    Mà nhờ vậy, thơ Tản Đà xuống tới những lớp dưới của xã hội, đi đến mọi hạng người, những bài hát xóm bình khang, những câu xẩm của người hát dạo mãi mãi truyền đi một cách mặn mà mà thấm thía "cái tình" của Tản Đà thi sĩ.
     
    SunkiiThanh Trắc Nguyễn Văn thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 23 Tháng hai 2022
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...