Ngữ văn: Ôn tập các phong cách ngôn ngữ

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi chantbin, 25 Tháng tám 2022.

  1. chantbin

    Bài viết:
    58
    Ôn tập các phong cách ngôn ngữ

    I. Tóm tắt kiến thức:


    1. Phong cách ngôn ngữ chính luận:

    -Phạm vi: Dùng trong lĩnh vực chính trị xã hội nhằm bày tỏ ý kiến, công khai quan điểm chính trị, tư tưởng của mình đối với những vấn đề thời sự nóng hổi của xã hội.

    -Đặc điểm: Đánh giá công khai, lập luận chặt chẽ, tính truyền cảm

    -Nhận biết: Chú ý đến sự có mặt của lớp từ chính trị, (lập pháp, pháp hành, tư pháp, giai cấp, thể chế, chuyên chế, tư bản, dân chủ, cách mạng, phê và tự phê) ; những cấu trúc có kết cấu tầng bậc làm cho tư tưởng nêu ra được xác định chặt chẽ.

    - Ví dụ:

    Hỡi đồng bào cả nước,

    "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".


    (Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh)

    2. Phong cách ngôn ngữ khoa học:

    -Phạm vi: Dùng trong các văn bản khoa học thuộc lĩnh vực tự nhiên xã hội- nhân văn (các văn bản khoa học chuyên ngành, các tài liệu giáo khoa, văn bản khoa học phổ cập).

    -Đặc điểm: Khái quát, trừu tượng, khách quan, chính xác và logic.

    -Nhận biết: Chú ý đến thuật ngữ khoa học; thường sử dụng trong các câu điều kiện- hệ quả, những cấu trúc câu khuyết chủ ngữ hoặc có chủ ngữ không xác định.

    -Ví dụ: luận văn, luận án, sách giáo khoa.

    Đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc là tình trạng nhiễm trùng mắt thường gặp do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc phản ứng dị ứng với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột (cấp tính), lúc đầu ở một mắt sau lây sang mắt kia..

    3. Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt:

    -Phạm vi: Được dùng trong giao tiếp hàng ngày, thuộc hoàn cảnh giao tiếp không mang tính nghi thức. Giao tiếp ở đây thường với tư cách cá nhân nhằm trao đổi tư tưởng, tình cảm của bản thân với người khác.

    -Đặc điểm: Tính cụ thể, tính cảm xúc, tính cá thể.

    -Nhận biết : Dùng trong giao tiếp hàng ngày; chú ý có đoạn hội thoại, đối đáp giữa các nhân vật.

    -Ví dụ:

    Hắn hầm hầm, chĩa vào mặt mụ bảo rằng:

    Cái giống nhà mày không ưa nhẹ! Ông mua chứ ông có xin của nhà mày đâu! Mày tưởng ông quỵt hở? Mày thử hỏi cả làng xem ông có quỵt của đứa nào bao giờ không?


    (Chí Phèo-Nam Cao)

    4. Phong cách ngôn ngữ hành chính:


    -Phạm vi: Dùng trong giao tiếp thuộc lĩnh vực hành chính. Đó là giao tiếp giữa nhà nước và nhân dân, giữa nhân dân với cơ quan nhà nước, giữa cơ quan với cơ quan, giữa nước này với nước khác trên cơ sở pháp lí (thông tư, nghị định, đơn từ, báo cáo)

    -Đặc điểm: Tính khuôn mẫu, tính minh xác và tinh công vụ

    -Nhận biết: Chú ý từ ngữ hành chính có tần số cao, câu thường dài và nhiều ý, mỗi ý quan trọng được tách xuống dòng, viết hoa đầu dòng.

    -Ví dụ: Đơn tố cáo, đơn kiện.

    5. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật:


    -Phạm vi: Dùng trong các văn bản thuộc lĩnh vực văn chương (văn xuôi, thơ, kịch).

    -Đặc điểm: Tính đa nghĩa, tính thẩm mĩ, mang đậm phong cách cá nhân.

    -Nhận biết: Sử dụng đa dạng, phát huy triệt để giá trị của các biện pháp tu từ ngữ âm- ngữ pháp, ngữ nghĩa.

    -Ví dụ:

    Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè

    Tỏa nắng xuống dòng sông lấp loáng.


    (Quê hương – Tế Hanh).

    6. Phong cách ngôn ngữ báo chí

    -Phạm vi: Dùng trong các văn bản cung cấp tin tức thời sự, phản ánh dư luận và ý kiến của quần chúng.

    -Đặc điểm: Tính thời sự, tính tranh đáu, tính hấp dẫn.

    -Nhận biết: Chú ý đến hệ thống các từ ngữ theo lĩnh vực bài báo hướng đến.

    -Ví dụ:

    Theo số liệu của UNESCO (2017), tỷ lệ trẻ em và vị thành niên là nạn nhân của bạo lực học đường hàng năm lên đến 246 triệu người trên toàn thế giới.

    Số liệu của Plan International và Trung tâm nghiên cứu quốc tế về phụ nữ (ICRW) khảo sát ở 5 quốc gia gồm Campuchia, Việt Nam, Indonesia, Pakistan và Nepal cho thấy, cứ 10 học sinh thì có 7 em từng phải chịu bạo lực học đường.


    (Bạo lực học đường: Chuyện không chỉ riêng của Việt Nam- Việt Nam plus)

    II. Bài tập vận dụng


    Xác định phong cách ngôn ngữ của các đoạn trích sau:

    A)
    Ta học cây xương rồng

    Trời xanh cùng nắng, bão

    Tôi học trong nụ hồng


    Màu hoa chừng rỏ máu.


    (Ngụ ngôn của mỗi ngày- Đỗ Trung Quân)

    B) Đài BBC dẫn nhận định của PGS. TS Jonathan London - một nhà nghiên cứu xã hội học và chính trị người Mỹ- cho rằng "Việt Nam đã phản ứng một cách nghiêm túc" đối với đại dịch COVID-19.

    "Việt Nam -hình mẫu về cách thức kiềm chế đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong điều kiện hạn chế" là nội dung bài viết được đăng tải trên trang mạng zen. Yandex. Ru của Nga (zen. Yandex. Ru là trang tìm kiếm lớn thứ 4 thế giới).

    Bài viết nhận định Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình lây lan của dịch bệnh khi tính tới cuối tháng 3 ghi nhận hơn 200 ca nhiễm và chưa có ca tử vong, nhờ Chính phủ Việt Nam đã phản ứng nhanh với dịch bệnh.


    (Quốc tế đánh giá Việt Nam phòng chống đại dịch COVID-19 hiệu quả- Bộ y tế công thông tin điện tử)

    c) Tất cả trẻ em trên thế giới đều trong trắng, dễ bị tổn thương và còn phụ thuộc. Đồng thời chúng hiểu biết, ham hoạt động và đầy ước vọng. Tuổi chúng phải được sống trong vui tươi, thanh bình, được chơi, được học và được phát triển.

    d) Những phát hiện của nhà khảo cổ nước ta chứng tỏ Việt Nam xưa kia đã từng là nơi sinh sống của người vượn. Năm 1960 tìm thấy ở núi Đọ (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) nhiều hạch đá, mạnh tước, rìu tay có tuổi 40 vạn năm. Cùng năm đó phát hiện ở núi Voi, cách núi Đọ 3 km, một di chỉ xương (vừa là nơi cư trú, vừa là nơi chế tạo công cụ) của người vượn, diện tích 16 vạn m2. Ở Xuân Lộc (Đồng Nai) cũng đã tìm thấy công cụ đá của người vượn.

    III. Đáp án

    A) Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật

    B) Phong cách ngôn ngữ Báo chí

    C) Phong cách ngôn ngữ Chính luận

    D) Phong cách ngôn ngữ Khoa học
     
    Adminnntc6761 thích bài này.
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,023
    - Văn bản xuất hiện lời đối đáp của các nhân vật, hoặc trích đoạn một bức thư, nhật kí, thì thông thường văn bản đó thuộc phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.

    - Văn bản trích dẫn trong các bản tuyên ngôn, lời kêu gọi kháng chiến hoặc lời lời phát biểu của các nguyên thủ quốc gia trong hội nghị, hội thảo, nói chuyện thời sự thì văn bản đó thuộc phong cách ngôn ngữ chính luận.

    - Văn bản nằm trong một bài thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, tuỳ bút, ca dao.. và các tác phẩm văn học nói chung thì đa phần văn bản đó thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.

    - Nếu văn bản trích dẫn một bản tin trên báo, và ghi rõ nguồn bài viết (ở báo nào? Ngày nào) ; có thời gian, sự kiện, nhân vật, những thông tin trong văn bản có tính thời sự thì văn bản đó thuộc phong cách ngôn ngữ báo chí.

    - Nếu văn bản phổ biến khoa học kĩ thuật.. nhằm phổ biến rộng rãi kiến thức khoa học cho mọi người; hoặc văn bản nghiên cứu sâu về một vấn đề khoa học nào đó thì văn bản đó thuộc phong cách ngôn ngữ khoa học.

    - Nếu văn bản có các dấu hiệu: Có phần tiêu ngữ (Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ở đầu văn bản; có chữ kí hoặc dấu đỏ của các cơ quan chức năng ở cuối văn bản thì văn bản đó thuộc phong cách ngôn ngữ hành chính.
     
    Admin, nntc6761chantbin thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...