Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam từng nhận định: "Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay". Để có được một đất nước Việt Nam như thế, dân tộc ta đã trải qua không biết bao nhiêu cuộc chiến đấu kiên cường, đã có không biết bao nhiêu máu, mồ hôi và nước mắt đổ xuống. Suốt lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước trường kỳ, nền văn học Việt Nam đã sinh ra không ít những áng thiên cổ hùng văn thấm đẫm tinh thần và ý chí của dân tộc. Trong số đó, không nhắc đến Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi thì sẽ là một thiếu sót vô cùng lớn. Nguyễn Trãi (1380-1442) hiệu Ức Trai. Ông quê gốc ở làng Chi Ngại, nay thuộc Chí Linh, Hải Dương. Ông sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước và truyền thống văn học. Năm 1407, nước ta mất vào tay giặc Minh. Nguyễn Trãi tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và góp phần to lớn cho thắng lợi của cuộc kháng chiến. Tuy là một Khai quốc công thần, từng sát cánh bên Lê Thái Tổ qua bao buổi gian nguy, ông vẫn không tránh khỏi bị nghi kỵ. Cuối cùng, ông chết tức tưởi dưới án oan Lệ Chi Viên. Sinh thời, Nguyễn Trãi là một nhà thơ, nhà văn kiệt xuất, nhà chính trị, nhà ngoại giao lỗi lạc. Tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước thương dân đã trở thành tư tưởng chủ đạo xuyên suốt cuộc đời Nguyễn Trãi và trở thành một trong những đặc trưng để người đời sau nhớ tới ông. Trong suốt sự nghiệp của mình, Nguyễn Trãi đã để lại cho hậu thế di sản văn chương đồ sộ gồm nhiều thể loại khác nhau, bằng cả chữ Hán và chữ Nôm. Ông nổi tiếng với cả những tác phẩm chính luận xuất sắc lẫn những bài thơ trữ tình dạt dào cảm xúc. Trong số những tác phẩm chính luận của Nguyễn Trãi, xuất sắc và tiêu biểu nhất chắc chắn phải kể đến Bình Ngô đại cáo. Bình Ngô đại cáo được viết trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Bấy giờ, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vừa giành thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế. Nguyễn Trãi thừa lệnh Thái Tổ nhà Hậu Lê viết Bình Ngô đại cáo để bố cáo về thắng lợi của cuộc khởi nghĩa cho gần xa dân chúng được hay. Bình Ngô đại cáo đã ra đời và được coi như bản tuyên ngôn độc lập thứ hai trong lịch sử dân tộc Điểm đặc biệt nhất khiến ai cũng chú ý khi lần đầu biết đến tác phẩm hẳn là nhan đề: Bình Ngô đại cáo. "Đại cáo" là bài cáo lớn, trọng đại, hiển nhiên rồi. Nhưng tại sao đánh tan giặc Minh nhưng nhan đề của bài cáo lại là "Bình Ngô"? Thực ra, gọi như thế là vì Chu Nguyên Chương, thái tổ triều Minh vốn xuất thân từ đất Đông Ngô. Từ "Ngô" trong nhan đề tác phẩm vẫn là chỉ giặc Minh, nhưng cách gọi bản quán thể hiện sự căm ghét và khinh thưởng với kẻ thù xâm lược. Cả nhan đề "Bình Ngô đại cáo" tức là bài cáo trọng đại về việc dẹp yên giặc Minh, đồng thời tỏ thái độ khinh ghét với lũ giặc ngoại xâm. Về thể loại, cáo là một thể văn chính luận cổ, thường được vua chúa hay thủ lĩnh xưa sử dụng để trình bày một chủ trương, vấn đề hay tuyên bố một điều gì cho đông đảo nhân dân được biết. Cáo thường có thể được viết bằng văn xuôi và văn vần, nhưng thường được viết bằng văn biền ngẫu. Một bài cáo thường có lý luận chặt chẽ, lập luận sắc bén và chứng cứ xác thực. Ở đoạn đầu tiên, Nguyễn Trãi đã nêu lên luận đề chính nghĩa của bản tuyên ngôn. Mở đầu là tư tưởng nhân nghĩa của cuộc chiến đấu giành lại độc lập dân tộc. "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/Quân điếu phạt trước lo trừ bạo". Tư tưởng nhân nghĩa vốn đã xuất hiện rất nhiều trong Nho học, chỉ mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người, trên cơ sở tình thương và lẽ phải. Bản thân dân tộc VN ta cũng có truyền thống yêu thương con người đã ngấm vào từng người con của dân tộc. Thế nhưng, trong bài cáo, tư tưởng nhân nghĩa không chỉ bó hẹp trong quan hệ yêu thương giữa người với người nữa mà rộng ra là diệt trừ lũ tham tàn bạo ngược để đem lại yên ổn cho nhân dân. Vận dụng tư tưởng nhân nghĩa trong Nho giáo và truyền thống dân tộc vào thực tiễn nước ta bấy giờ, Nguyễn Trãi đã khẳng định lập trường chính nghĩa của chúng ta. Lập trường này tạo thành cơ sở để ở phần sau của bài cáo bóc trần luận điệu xảo trá của kẻ xâm lược. Tiếp sau tư tưởng nhân nghĩa, Nguyễn Trãi đã nêu lên những luận điểm chứng minh cho nền độc lập của Đại Việt. Như nước Đại Việt ta từ trước Vốn xưng nền văn hiến đã lâu Núi sông bờ cõi đã chia Phong tục Bắc Nam cũng khác Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập Từ Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, Song hào kiệt đời nào cũng có. Có thể thấy rất rõ, nước Đại Việt ta hội đủ các yếu tố cấu thành nên một đất nước độc lập: Tên nước, nền văn hiến, lãnh thổ, phong tục tập quán riêng, lịch sử và nhân tài. Nguyễn Trãi đã khẳng định chắc chắn tư cách độc lập, tự chủ của nước ta, khẳng định sự độc lập của dân tộc ta là một chân lý khách quan phù hợp với quy luật lịch sử. Vua Nam Hán Lưu Cung vì tham vọng bành trướng của mình mà phải nhận thất bại thảm khốc. Triệu Tiết là tướng nhà Tống, dẫn quân sang xâm lược nước ta bị đánh tan tác. Toa Đô và Ô Mã Nhi là hai viên tướng nhà Nguyên sang xâm lược nước ta, bị quân dân ta lần lượt tiêu diệt trong cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên lần hai và ba. Bằng cách liệt kê kết cục của những kẻ xâm lược nước ta thuở trước, Nguyễn Trãi khép lại đoạn đầu bài cáo với lời cảnh cáo, răn đe đanh thép cho tất cả những kẻ phi nghĩa nào dám lăm le xâm phạm giang sơn của dân tộc. Như vậy, đoạn cáo đầu tiên có thể coi là cơ sở lý luận cho nguyên nhân nổ ra cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, tiền đề để nêu cơ sở thực tiễn ở đoạn tiếp theo. Đoạn thứ hai của bài cáo là một bản cáo trạng hùng hồn, đanh thép về tội ác của quân Minh xâm lược. Nhân họ Hồ chính sự phiền hà Để trong nước lòng dân oán thán Quân cuồng Minh thừa cơ gây họa Bọn gian tà bán nước cầu vinh Khi sang xâm lược nước ta, giặc Minh nêu cao chiêu bài "Phù Trần diệt Hồ", lấy danh nghĩa tiêu diệt nhà Hồ để khôi phục nhà Trần. Nguyễn Trãi đã chứng minh thực chất mọi chiêu bài hoa mĩ chúng trưng ra cũng chỉ là dối trời lừa dân. Trong suốt 20 năm trời đô hộ nước ta, chúng đã gây biết bao nhiêu tội ác với đất nước, nhân dân ta. Chúng bóc lột thậm tệ dân ta bằng đủ thứ thuế khóa vô lý, bắt dân ta cực khổ kiếm tìm sản vật quý hiếm để cống nạp cho chúng. Chúng phá hoại cả môi trường sống, hủy hoại cả nghề thủ công. Nhưng ác độc nhất là tội ác diệt chủng tàn bạo, là tội ác tàn sát nhân dân vô tội: "Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ". Chỉ trong khoảng một phần năm thế kỷ đô hộ nước ta, chúng đã làm cho nước ta xơ xác tiêu điều, nhân dân ta khổ cực điêu linh. Tội ác chất chồng của quân ngoại xâm được khái quát trong mấy câu: Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội Dơ bẩn thay, nước Đông hải không rửa sạch mùi Lẽ nào trời đất dung tha Ai bảo thần nhân chịu được Bản cáo trạng đã làm sống lại thời kỳ đen tối trong lịch sử dân tộc ta, sống lại những tội ác ghê tởm giặc Minh gây ra với nhân dân ta. Tác giả qua đó nêu ra nguyên nhân nổ ra vô cùng chính đáng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, giành lại độc lập tự chủ cho dân tộc, giải phóng nhân dân khỏi kiếp nô lệ đầy khổ đau dưới ách thống trị tàn bạo của giặc Minh. Sau khi đã nêu đầy đủ cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn chứng minh cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra là hoàn toàn hợp lý, Nguyễn Trãi lại tiếp tục củng cố thêm cho cơ sở thực tiễn bằng cách khái quát lại quá trình của cuộc khởi nghĩa. Ở phần đầu, ông tập trung làm nổi bật hình ảnh người lãnh tụ Lê Lợi và những khó khăn buổi đầu phất cờ khởi nghĩa. Lê Lợi đã được nhắc tới trong nhiều tác phẩm của nhiều tác giả nhưng chỉ trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi mới được khắc họa cụ thể, tiêu biểu cho tinh hoa và khí phách Đại Việt. Chủ tướng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là con người xuất thân từ chốn rừng núi, ra đời giữa nhân dân, lớn lên trong lòng dân. Người thù nỗi thù của nước, đau cái đau của dân. Không đội trời chung với bọn ngoại xâm, Lê Lợi ngày đêm đau đáu nỗi niềm cứu dân cứu nước. Thái tổ nhà Lê, với nhãn quan tinh tường nhìn thấu quy luật thịnh suy, đã suy tính kỹ càng, quyết tâm nổi dậy khởi nghĩa hòng khôi phục cơ đồ cho giang san. Lê Lợi, con người hội đủ những phẩm chất của bậc minh quân, xứng đáng là linh hồn dẫn dắt cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Qua sự khắc họa hình ảnh lãnh tụ Lê Lợi xuất thân từ dân với những phẩm chất cao quý, Nguyễn Trãi đã ca ngợi chủ tướng của mình, đồng thời khẳng định tính nhân dân của cuộc khởi nghĩa. Ngẫm thù lớn há đội trời chung, Căm giặc nước thề không cùng sống. Đau lòng nhức óc chốc đà mười mấy năm trời; Nếm mật nằm gai há phải một hai sớm tối. Quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã tinh; Ngẫm trước đến nay, lẽ hưng phế đắn đo kỹ càng. Cuộc khởi nghĩa buổi đầu nổ ra gặp vô vàn khó khăn. Quân ta nổi dậy lúc kẻ thù đương còn mạnh, thế và lực đều quá chênh lệch. Nghĩa quân bấy giờ rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo. Nhân tài tìm theo ít ỏi, việc quân thiếu tướng thao lược, kế sách hiếm người bàn bạc. Quân số thiếu thốn, quân lương khó khăn. Đối mặt với khó khăn chồng khó khăn, đã có nhiều lúc cuộc khởi nghĩa như rơi bế tắc. Vừa khi cờ nghĩa dấy lên, Chính lúc quân thù đương mạnh. * * * Tuấn kiệt như sao buổi sớm, Nhân tài như lá mùa thu. * * * Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần, Khi Khôi Huyện quân không một đội. Những khó khăn gian nan ấy tưởng như có thể làm nhụt chí bất cứ con người, hạ gục bất cứ đội quân nào. Nhưng Lê Lợi cùng nghĩa quân Lam Sơn, với ý chí kiên cường bất khuất và tinh thần quyết tâm cứu nước, đã vượt qua khó khăn, khắc phục gian nan. Trời thử lòng trao cho mệnh lớn, Ta gắng chí khắc phục gian nan. Với niềm tin bất diệt vào chiến thắng của cuộc chiến đấu chính nghĩa, tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng kết hợp cùng chiến lược đúng đắn và chiến thuật tài tình, nghĩa quân không chỉ vượt qua tình thế hiểm nghèo mà còn ngày một lớn mạnh và trưởng thành. Quân ta từ thế bị động phòng thủ chuyển sang thế chủ động phản công và tiến công vào quân thù. Giai đoạn phản công và chiến thắng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã được Nguyễn Trãi tái hiện đầy sinh động thông qua hàng loạt những trận đánh long trời lở đất. Mở đầu cho chuỗi chiến thắng oanh liệt ấy là trận Bồ Đằng và Trà Lân. Trước thế mạnh như chẻ tre của quân ta, bọn xâm lược bị đánh cho tan tác "trúc chẻ tro bay". Sĩ khí quân ta lại càng lên cao, tiếng thơm vang xa còn địch thì "nghe hơi mà khiếp vía". Tiếp đà chiến thắng, quân ta lại tiếp tục đánh lớn, thu về Tây Kinh, buộc bọn đầu sỏ giặc ở thành Đông Quan phải rút lui cố thủ trong thành. Quân ta lại tiêu diệt đạo viện binh do Vương Thông chỉ huy. Sau khi phải nhận thất bại thảm khốc "Ninh Kiều máu chảy thành sông.. / Tốt Động thây chất đầy đồng..", bọn giặc vẫn ngoan cố không hàng. Nghĩa quân Lam Sơn tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu tiêu diệt hai đạo viện binh do Liễu Thăng và Mộc Thạnh chỉ huy. Quân ta hoàn toàn làm chủ chiến cục, trước "điều binh thủ hiểm, chặn mũi tiên phong", sau lại "sai tướng chẹn đường, tuyệt nguồn lương thực". Đạo quân của Liễu Thăng bị quân ta đánh cho "thây chất đầy đường", "máu trôi đỏ nước". Bọn tướng giặc kẻ "cụt đầu", kẻ "bại trận tử vong", kẻ "cùng kế tự vẫn". Bọn còn sống thì hèn nhát, tham sợ sống sợ chết, vì giữ mạng mà sẵn sàng "quỳ gối dâng tờ tạ tội", "trói tay để tự xin hàng". Đạo của Mộc Thạnh cũng không kém phần thê thảm. Hết "Bị quân ta chẹn ở Lê Hoa" lại "Thua quân ta ở Cần Trạm", bị đánh đến "máu chảy trôi chày", "thây chất thành núi, cỏ nội đầm đìa máu đen". Cuối cùng đạo quân này phải "xéo lên nhau chạy để thoát thân". Cứ thế, các đạo viện binh đông hàng vạn quân do những con cáo già lão luyện Vương Thông, Liễu Thăng, Mộc Thạnh chỉ huy đều lần lượt nhận thất bại hết sức thảm khốc. Đến lúc này, lũ giặc ngoan cố cuối cùng đã phải chịu ra hàng. Bấy giờ, theo lý thường ta có thể xử tử tất thảy để trả thù cho nhân dân bao năm bị chúng chà đạp như cỏ rác. Thế nhưng, các lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa với tầm nhìn xa trông rộng và tư tưởng nhân nghĩa đã rộng đường hiếu sinh, không những không tàn sát mà còn cấp trăm thuyền nghìn ngựa cho chúng về nước. Sự tiếp thu và vận dụng tư tưởng khoan thư sức dân của Hưng Đạo Vương năm xưa kết hợp cùng tư tưởng nhân nghĩa đã tạo nên một "mưu kế kì diệu" mà "chưa thấy xưa nay". Như vậy, Nguyễn Trãi đã làm sống lại toàn bộ quá trình của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, từ bước đầu phất cờ khởi nghĩa, nghĩa quân dần trưởng thành và lớn mạnh trong gian lao, được tôi rèn qua bao trận đại chiến kinh thiên động địa trở thành đội quân chính nghĩa hùng mạnh mà đầy lòng nhân đạo. Đồng thời, ta thấy được sự đối lập hoàn toàn giữa ta với địch, giữa hình ảnh đội quân chính nghĩa chủ động, hùng mạnh với lũ giặc phi nghĩa bị động, hèn nhát. Phần cuối của bài cáo là một lời tuyên bố trịnh trọng khẳng định hòa bình và độc lập chính thức của dân tộc ta. Từ quy luật trời đất trong Kinh Dịch, Nguyễn Trãi đã nêu lên chân lý: Sự thay đổi là để phục hưng, là điều kiện tiên quyết để thiết lập xã tắc vững bền. Đồng thời, tác giả khẳng định sự kết hợp của sức mạnh truyền thống và sức mạnh thời đại đã làm nên chiến thắng hào hùng của dân tộc. Đoạn cuối của bài cáo còn thể hiện sự tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc, vào vận mệnh của đất nước. Đoạn kết Bình Ngô đại cáo đã khép lại quá khứ bi thương mà hào hùng, mở ra cánh cửa đến với tương lai tươi sáng của dân tộc, khép lại một chương đen tối trong lịch sử dân tộc, mở ra một chương mới tràn đầy hy vọng. Giang sơn từ đây đổi mới Xã tắc từ đây vững bền Càn khôn bĩ rồi lại thái Nhật nguyệt hối rồi lại minh Muôn thuở nền thái bình vững chắc Bình Ngô đại cáo mang trong mình giá trị vô cùng sâu sắc đối với lịch sử dân tộc. Bài cáo trước hết là bản tổng kết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân chống lại giặc Minh bạo ngược. Qua đó thể hiện niềm tự hào không gì cân đo đong đếm nổi, niềm vui trước chiến thắng và khí phách hào hùng của dân tộc. Bình Ngô đại cáo còn là một bản tuyên ngôn sáng ngời tư tưởng nhân nghĩa, lòng yêu nước và khát vọng hòa bình, đề cao sức mạnh của nhân dân. Tác phẩm lên án, tố cáo tội ác tàn bạo tới dã man của quân xâm lược, thể hiện nỗi đau lòng, xót xa trước những khổ đau của nhân dân và sự nhân từ, mở đường hiếu sinh cho kẻ thù đã đầu hàng. Về nghệ thuật, Bình Ngô đại cáo là áng văn chính luận mẫu mực với kết câu mạch lạc, hệ thống lập luận chặt chẽ, lý lẽ đanh thép sắc bén. Bài cáo có sự kết hợp hài hòa giữa văn chương truyền cảm với lập luận chặt chẽ và hình tượng nghệ thuật sinh động. Giọng văn có sự thay đổi linh hoạt. Đanh thép, cứng cỏi khi bàn luận chính nghĩa, uất hận sục sôi khi tố cáo tội ác kẻ thù, đau lòng nghẹn ngào trước nỗi lầm than của nhân dân, hùng tráng và cuồn cuộn khí thế khi tái hiện cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, trịnh trọng, trang nghiêm khi tuyên bố độc lập. Câu văn lúc dài, khi ngắn biến hóa linh hoạt cùng các biện pháp ẩn dụ, điệp, liệt kê, phóng đại, tương phản.. đạt hiệu quả cao trong truyền tải nội dung một cách cụ thể và sinh động hơn. Các điển cố văn chương trừu tượng cũng đã được vận dụng một cách khéo léo trở nên gần gũi và quen thuộc hơn. Bình Ngô đại cáo là áng thiên cổ hùng văn bất hủ của dân tộc. Bài cáo truyền cho hậu thế lòng yêu nước, tinh thần kiên cường đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc ngày một vững mạnh. Đã hàng trăm năm trôi qua kể từ khi bài cáo được viết, tư tưởng nhân nghĩa tiến bộ được thể hiện trong Bình Ngô đại cáo vẫn còn nguyên giá trị và sẽ còn nguyên giá trị cho tới muôn đời nữa. Bình Ngô đại cáo đã kết tinh thành một phần hồn cốt của dân tộc và sẽ trường tồn cùng dân tộc.