Nêu suy nghĩ về bài Tự Tình II

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Huongthu2401, 18 Tháng mười hai 2021.

  1. Huongthu2401

    Bài viết:
    483
    [​IMG]

    Thơ là tiếng lòng, là âm thanh của tâm hồn, là nơi dừng chân của trái tim thi sĩ. Nó phản ánh cuộc sống của con người, xã hội, để qua đó người nghệ sĩ bộc bạch nỗi lòng mình. Hay nói cách khác, mỗi bài thơ chính là tiếng hát của trái tim, được thể hiện như một hình thức nghệ thuật cao quý, tinh vi. Trong những nhà thơ tiêu biểu như Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Xuân Diệu.. Hồ Xuân Hương nổi lên như một hiện tượng văn học độc đáo. Được mệnh danh là "bà chúa thơ Nôm", Xuân Hương đem "tiêng lòng" của mình và những người phụ nữ xã hội xưa vào thi ca. Bà có cuộc đời và tình duyên éo le, trắc trở nên đã mượn ngòi bút để cất lên tiếng nói thương cảm cho thân phận người phụ nữ. Hồ Xuân Hương đã để lại cho văn học Việt Nam nhiều bài thơ giá trị như "Bánh trôi nước", "Mời trầu"..

    Tiêu biểu trong đó là "Tự tình II". Bài thơ đã bộc lộ tâm trạng vừa buồn tủi vừa phẫn uất trước duyên phận éo le và khát vọng hạnh phúc trong tâm hồn nhà thơ.

    "Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,

    Trơ cái hồng nhan với nước non.

    Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,

    Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.

    Xiên ngang mặt đất rêu từng đám,

    Đâm toạc chân mây đá mấy hòn.

    Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,

    Mối tình san sẻ tí con con."

    Hồ Xuân Hương là một trong những gương mặt nổi bật trên văn đàn Việt Nam, với tư tưởng mới mẻ và lối làm thơ phá cách, các tác phẩm của bà đã đem lại nhiều giá trị về việc nghiên cứu cho giới phê bình. Mặc dù sự nghiệp văn chương rất thành công nhưng Hồ Xuân Hương lại phải trải qua một cuộc đời nhiều bất hạnh, chính những nỗi đau ấy đã giúp cho tác giả đạt được thành tựu to lớn trên con đường sáng tác thi ca của mình.

    Bà sinh năm 1772, tại Thăng Long có nguyên danh Hồ Phi Mai với biểu tự Xuân Hương, trong cuốn Giai nhân dị mặc chép rằng nhà thơ là con gái của Sinh đồ Hồ Phi Diễn, quê ở Nghệ An. Năm mười ba tuổi, sau khi thân phụ mất thì Hồ Xuân Hương theo mẹ về làng Thọ Xương đi học rồi ở nhà giúp việc. Bà có một tuổi thơ êm đềm ở dinh thự Cổ Nguyệt đường ven hồ Tây, khi ấy là nơi xa hoa bậc nhất Đàng Ngoài. Mặc dù sống trong ràng buộc bởi lễ giáo phong kiến nhưng Hồ Xuân Hương vẫn có được tư chất thông minh và hiếu học, điều này được bộc lộ ở khả năng sáng tác tuyệt vời của bản thân. Thơ Hồ Xuân Hương được đánh giá cao với nét thanh thanh tục tục đặc sắc, những tác phẩm của bà đã đóng góp rất nhiều trong việc Việt hóa thể thơ Đường luật cũng như là thể hiện những tư tưởng tiến bộ vượt khỏi khuôn khổ thời đại bấy giờ.

    Bi kịch của Hồ Xuân Hương bắt đầu khi bà làm lẽ Tổng Cóc, một cường hào có tính ăn chơi và tiêu xài hoang phí nên chẳng bao lâu thì nhà cửa sa sút và cộng thêm việc vợ cả ghen vì ông yêu quý tài nghệ của Hồ Xuân Hương nên bà bỏ đi biệt, chỉ để lại một lá thư từ giã. Sau này bà đến với ông phủ Vĩnh Tường, ông Phủ Vĩnh Tường, tức là Tú tài Phạm Viết Ngạn thế nhưng hơn hai năm sau thì người chồng này của Hồ Xuân Hương cũng tạ thế. Hai lần mất chồng đã khiến Hồ Xuân Hương thấm thía nỗi đau của những người phụ nữ phải chịu cảnh cô đơn nên khi nghe tiếng khóc từ bà lang, nhà thơ viết ra nhiều câu thơ thể hiện nỗi xót xa và đồng cảm sâu sắc. Nhà thơ cũng từng trải qua hai lần làm lẽ nên bà thấu hiểu được cảm giác của những người phụ nữ cùng cảnh ngộ. Trong bài Lấy chồng chung, Hồ Xuân Hương đã thể hiện rất rõ nỗi niềm chua xót ấy, đồng thời bà cũng lên án chế độ đa thê của xã hội phong kiến.

    Hồ Xuân Hương còn là một trong những nhà thơ có công trong việc Việt hóa thể thơ Đường luật vì bà không tuân theo hệ thống ước lệ của thơ cổ mà đột phá theo cách riêng của mình. Khi tìm đến bài Tự tình II thì sẽ bắt gặp được những từ ngữ vô cùng bình dị, khác xa với ngôn từ uyên bác mà thơ Đường quy định, nó có sức gợi hình độc đáo và mới mẻ. "Tự tình II" Nằm trong chùm thơ Tự tình gồm 3 bài. Bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật, nhưng cái đặc sắc ở đây là tác giả không viết bằng chữ Hán mà là chữ Nôm. Bà đã "Việt hóa" thể thơ của người Hoa để bộc lộ suy nghĩ người Việt, tâm hồn người Việt. Đúng như giáo sư Lê Trí Viễn từng nói: "Dưới ngòi bút của Hồ Xuân Hương, Đường luật mất hẳn cốt cách quý tộc mà ngoan ngoãn cung hiên vần điệu cần xứng của mình cho và sử dụng theo ý muốn". Nhan đề "Tự tình" của bài thơ là tự bộc lộ, giãi bày tâm trạng, tình cảm của mình, hay nói cách khác, đây chính là sự hé mở nỗi lòng khó nói của tác giả.

    Mở đầu bài thơ, chúng ta như đồng cảm với tâm trạng cô đơn, buồn tủi của Hồ Xuân Hương:

    "Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

    Trơ cái hồng nhan với nước non."

    Câu thơ mở ra không gian vắng lặng, yên tĩnh trong đêm khuya tĩnh mịch. Trong không gian nghệ thuật ấy, cùng với bước đi vội vã của thời gian "trống canh dồn", "trơ" lại "cái hồng nhan với nước non". "Trơ" nghĩa là trơ trọi gợi lên nỗi cô đơn, cô độc nhưng cũng có nghĩa là trơ trẽn gợi lên nỗi xấu hổ, bẽ bàng. "Trơ" lại một "cái hồng nhan" gợi lên sự mỉa mai, rẻ rúng cùng nỗi tủi hổ, bẽ bàng, cô đơn của một thân phận phụ nữ nhỏ bé và bất hạnh.

    Ở đây, Xuân Hương đã khéo léo sử dụng bút pháp nghệ thuật quen thuộc của thi pháp cổ điển là lấy động tả tĩnh. "Trống canh dồn", tiếng trống canh thôi thúc, gấp gáp, liên hồi thể hiện bước đi dồn dập của thời gian. Tiếng trống của tâm trạng – tâm trạng rối bời vì thời gian trôi qua nhanh có nghĩa là tuổi xuân của nhà thơ cũng qua mau. Cách cảm nhận bước đi của thời gian qua tiếng trống điểm canh là cách cảm nhận rất đỗi Á Đông. Đó là thời gian tâm lí thấm đậm chất trữ tình. Đêm khuya là lúc vạn vận chìm trong giấc ngủ, đó lại cũng là lúc lòng người sâu lắng nhất, là lúc con người đối diện với chính bản thân mình. Mở đầu bài thơ, ta đã cảm nhận được cái buồn man mác len lỏi trong từng câu chữ được gợi ra từ sự tĩnh lặng của đêm khuya. Tiếng trống văng vẳng không quá gần mà lại nghe thấy cái nhịp "dồn" vội vàng, gấp gáp.. Bởi, đó là tiếng trống gợi sự bước đi của thời gian, gợi sự tàn phá và nó được nghe bằng tâm trạng của người phụ nữ mang tâm thức cô đơn, ám ảnh trước thời gian. Không gian và thời gian đã được mở ra như thế, rất tài tình và

    Tinh tế. Câu thơ đã gợi lên sự hồng nhan bạc phận. Vì vậy, nỗi xót xa càng thấm thía, đau xót. Nhịp điệu 1/3/3 cũng là để nhấn mạnh sự bẽ bàng. Trong văn

    Cảnh này, chữ "trơ" không chỉ là tủi hổ, bẽ bàng mà còn là thách thức. "Từ" trơ "kết hợp với nước non thể hiện sự bền gan, thanh đố. Như vậy ở đây thấy được bên cạnh nỗi đau Xuân Hương là bản lĩnh Xuân Hương.

    Không chỉ cô đơn, buồn hổ, bài thơ còn thấm đượm nỗi xót xa, bẽ bàng, nỗi đau thân phận của nhân vật trữ tình:

    " Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

    Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn. "

    Tìm đến rượu để quên đi nỗi đau nhưng trớ trêu thay, càng uống, nỗi đau càng thấm thía, càng khắc sâu vào trong trái tim mong manh, yếu đuối. Say lại tỉnh, tỉnh lại say, quá trình diễn ra lặp đi lặp lại như một vòng tuần hoàn. Cuộc đời người phụ nữ chỉ chìm đắm trong chuỗi ngày tẻ nhạt cùng với tâm trạng u uất. Chợt ta nhớ đến nàng Thúy Kiều đáng thương, nàng cũng từng bị giam cầm trong chuỗi thời gian vô vị đó:

    " Bẽ bàng mây sớm đèn khuya

    Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng "

    Hai con người ấy, hai thân phận khác nhau nhưng cùng chung một số phận, một hoàn cảnh, eo le đáng thương làm sao. Hình ảnh" vầng trăng bóng xế "có lẽ là một hình ảnh ẩn dụ hơn là một hình ảnh tả thực. Trăng xế bóng hay cũng là cuộc đời người phụ nữ đã ngả chiều. Trăng thường gợi kỉ niệm, gợi sự tròn đầy viên mãn của hạnh phúc lứa đôi, bao cuộc tình thủy chung nồng thắm cũng diễn ra dưới ánh trăng, nhờ vầng trăng chứng giám:

    " Vầng trăng vằng vặc giữa trời

    Đinh ninh hai miệng một lời song song "

    Nhưng giờ đây, ánh trăng sắp tàn như cuộc tình dang dở của người phụ nữ đã đến hồi dang dở.. Trong thời khắc ấy, khi chủ thể trữ tình vẫn còn thao thức chưa ngủ ắt hẳn có điều gì trăn trở. Như thách thức số phận, nhà thơ mượn rượu để quên đi nỗi sầu. Cụm từ" say lại tỉnh "như là một vòng luẩn quẩn lặp đi lặp lại, tình duyên như trở thành trò đùa, càng say lại càng tỉnh, càng cảm nhận nỗi đau thân phận. Mong muốn chút niềm an ủi từ thiên nhiên, cảnh vật, tác giả dùng câu thơ tả cảnh ngụ tình. Câu thơ là ngoại cảnh mà cũng là tâm cảnh, tạo nên sự đồng nhất giữa ánh trăng và con người. Cảnh tình của Xuân Hương được thể hiện qua hình ảnh thơ chứa đựng sự éo le: Trăng sắp tàn mà vẫn" khuyết chưa tròn ". Tuổi xuân đã trôi qua mà tình duyên còn chưa trọn vẹn. Hương rượu để lại vị đăng chát, hương tình thoảng qua để chỉ còn" phận hẩm duyên ôi ". Sự đối lập giữa" say "-" tỉnh "," khuyết "-" tròn "đã gợi lên cho người đọc cảm giác chông chênh, không xác định được ranh giới giữa không và có, say và tỉnh. Cặp từ trái nghĩa đã giúp ta nhận ra được điều đó giữa hi vọng mong manh về hạnh phúc và hiện thực phũ phàng.

    Nhưng Xuân Hương là thế, một người phụ nữ không bao giờ chịu thua hoàn cảnh, luôn tìm cho mình một lối đi khác người, rất ngông, rất lạ đó, làm sao có thể để nỗi đau lấn át lí trí, tâm hồn? Trong tột cùng của khổ đau, cô độc, nữ sĩ vẫn tin ở chính mình, tìm thấy nguồn sức mạnh lớn lao để làm động lực:

    " Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

    Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn "

    Đưa con mắt lạc lõng ngắm nhìn mọi vật xung quanh, nhân vật trữ tình thấy" rêu từng đám "đang xiên ngang mặt đất," đá "đang đâm toạc chân mây. Khác hẳn với hình ảnh" đá "nhỏ bé trong thơ của Bà Huyện Thanh Quan:

    " Cỏ cây chen đá, lá chen hoa "

    Ở thơ của bà chúa thơ Nôm," Xiên ngang, đâm toạc "là những động từ rất mạnh, cùng nghệ thuật đảo ngữ được sử dụng rất đắt đã diễn tả được sức mạnh của sự sinh tồn trong những vật giản dị, đơn sơ. Màu xanh non của rêu hiện diện trên sắc màu xám xịt của đất như khẳng định sức sống mãnh liệt của rêu. Không những thế, nó còn như biểu hiện của một tia hy vọng nhỏ bé nhưng hết sức thiết tha thoát khỏi xã hội đương thời phàm tục, dơ bẩn, cũng chính là thoát khỏi kiếp sống cô độc, lẻ loi như đang bóp nghẹt tuổi xuân của người phụ nữ. Những hòn đá rắn rỏi chen vào khung trời rộng lớn nhưng trống trải cũng đủ làm khung cảnh trở nên sinh động hơn bao giờ hết. Chỉ với hai hình ảnh giản dị, nhỏ bé nhưng nữ sĩ đã đưa người đọc từ sự xót xa trước những khổ đau của người phụ nữ sang trân trọng sức mạnh tinh thần, vẻ đẹp tính cách của họ. Có lẽ vì vậy, nên Xuân Diệu đã từng nói:" Lòng Xuân Hương có lửa, tay Xuân Hương có điện, nên các chữ đều sống cả lên, nó có thể bò lổm ngổm, có thể mấp máy, có thể bay, có thể duỗi, có thể khom khom, ngửa ngửa, nó có thể chũm chọe, hi ha, cốc om, khua, vỗ, nó có thể um, xoe, xóe, loét, rì; nó có thể nối nhau thành chuỗi vần vang động: Bom, chòm, om, mòm, tom, hoặc ọp ẹp: Heo, leo, kheo, teo, lèo; chúng ta có thể đố ai tìm được trong thơ Hồ Xuân Hương những chữ nào mà âm thanh bẹp dí, những chữ chết nào đứng trơ không cựa quậy ở trong câu. Đây không phải là kỹ thuật đâu! Đấy là tâm hồn truyền sức sống cho ngôn ngữ. "

    Với tài năng sử dụng từ ngữ, hình ảnh mạnh mẽ, táo bạo, lấy cảnh ngụ tình, hai câu thơ đã gợi lên cảnh vật sinh động, đầy sức sống. Đó cũng chính là tâm hồn đầy sức sống, cõi lòng nhiều khao khát của Xuân Hương.

    " Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,

    Mối tình san sẻ tí con con. "

    Cho dù có thể hiện mình mạnh mẽ và đầy niềm tin như thế nào nhưng người phụ nữu vẫn không thể phủ nhận hiện thực khắc nghiệt. Hai câu cuối cùng cất lên như một tiếng thở dài đày chua xót, đắng cay, ngán ngẩm về kiếp sống của một kiếp hồng nhan bị giam cầm trong hai từ" định mệnh ". Tuổi xuân- nhan sắc, hai thứ một khi đã ra đi thì không bao giờ có thể quay lại.

    Nàng thở dài" ngán nỗi ". Nàng chán ngán bởi" xuân đi xuân lại lại ". Mùa xuân và vẻ đẹp của nó phai đi nhưng rồi sẽ quay trở lại theo quy luật của tạo hóa. Nhưng" xuân "của người phụ nữ, tuổi trẻ và sắc đẹp của nàng thì không thể nào trở lại được, mà cứ mỗi một mùa xuân trôi đi là lại thêm một lần nữa tuổi xuân của đời người ra đi, thế nên nàng" ngán ". Cụm từ" lại lại "như một sự thở dài ngao ngán trước sự trôi chảy tàn nhẫn của thời gian.

    Nó cứ trôi đi, không thèm để ý đến cái bi kịch đang cướp đi tuổi trẻ của nàng:" Mảnh tình san sẻ ". Tình yêu của nàng vốn dĩ mỏng manh, bé nhỏ, chỉ là một" mảnh ", thế mà còn phải san sẻ", chia năm sẻ bảy ra thật tội nghiệp. Bởi vậy mà nó chỉ còn là một "tí" 'con con ".

    Nghệ thuật tăng tiến theo chiều giảm dần khiến người đọc thấy rõ cái bi kịch xót xa của nữ sĩ và cảm thương cho con người tài hoa mà bạc mệnh. Bi kịch ấy đeo đẳng lấy người phụ nữ khiến nàng không chỉ thốt lên ngao ngán một lần. Trong" Tự tình "(III) nàng cũng từng thở dài:" Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh ".

    Đây cũng là một cách nói khác của bi kịch tình yêu bị chia năm sẻ bảy. Đọc câu thơ, ta thấy thấm trong từng câu chữ la tâm trạng xót xa của một người phụ nữ tài hoa bạc mệnh Hồ Xuân Hương. Cuộc đời của người phụ nữ ấy là một chuỗi những đắng cay tủi nhục, là cuộc đời của những dòng nước mặt lăn dài: Qua hai lần đò đều không viên mãn. Làm lẽ ông Tổng Cóc, sau đó là ông phủ Vĩnh Tường nhưng cả hai lần, người phụ nữ bất hạnh này đều không có được hạnh phúc tương xứng.

    Nhưng ẩn sâu trong từng câu chứ không phải là một sự tuyệt vọng, đau xót, càng không phải bởi vì đó chính là Hồ Xuân Hương- người phụ nữ mạnh mẽ, bản lĩnh, có đủ dũng cảm để đương đầu lại với cả hiện thực phong kiến, cả những quy tắc lễ giáo ràng buộc. Ta như thấy những tia hy vọng tuy nhỏ bé nhưng hết sức mạnh mẽ, có cơ sở: Thi sĩ vẫn muốn tiếp tục đem san sẻ với mong ước chân thành để cho nhân tình thế thái đỡ xanh như lá, bạc như vôi.

    Bài thơ" Tự tình "không những thành công trên phương diện nội dung mà ở phương diện nghệ thuật cũng đạt được những thành tựu đáng kể. Cách sử dụng từ ngữ cảu Hồ Xuân Hương hết sức giản dị, giàu sức biểu cảm, táo bạo nhưng cũng không kém phần tinh tế. Cách sử dụng từ ngữ cũng góp phần tạo nên tính đa thanh của tác phẩm: Khi thì tủi hổ phiền muộn, lúc phản kháng bực dọc, khi lại chua chát chán chường nhưng vẫn ánh lên niềm lạc quan hy vọng.

    Ngoài ra tác giả còn sử dụng những vế tiểu đối như" hồng nhan "–" nước non "hay phép tăng tiến.. Với những nét đặc sắc về nghệ thuật ấy, Hồ Xuân Hương đã góp phần hoàn thiện một tiếng thơ hết sức táo bạo, mới lạ cho nền văn học trung đại Việt Nam.

    Cùng với" Tự tình II ", Hồ Xuân Hương còn đóng góp rất nhiều tác phẩm khác vào nền văn học trung đại như" Bánh trôi nước "," Cảnh làm lẽ "," Quả mít ".. Nhưng dù viết về đối tượng nào thì cuối cùng điều mà nữ sĩ muốn phản ánh là số phận, cuộc đời cùng với tài năng và tính cách của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

    Ngoài ra bà còn chĩa thẳng ngòi bút của mình vào cả một bộ máy phong kiến cổ hu, lạc hậu, ràng buộc moi quyền sống, quyền hạnh phúc của người phụ nữ bằng một thái độ mạnh mẽ, cứng rắn đậm chất" ngông "của bà, điều này lại một lần nữa tô đậm dấu ấn rất riêng trong phong cách nghệ thuật Hồ Xuân Hương lên văn đàn Việt Nam.

    Tóm lại, Hồ Xuân Hương thực sự là một tài năng thi ca xuất chúng của thời đại, bà không chỉ có những tư tưởng vượt ra khỏi khuôn khổ lễ giáo phong kiến mà còn phá cách trong lối làm thơ. Những điểm độc đáo và mới mẻ trong thơ Hồ Xuân Hương không những giúp cho văn đàn Việt Nam trở nên phong phú mà còn góp phần vào việc nghiên cứu của các nhà phê bình. Hồ Xuân Hương thực sự xứng danh bà chúa thơ Nôm của Việt Nam. Bài thơ" Tự tình "(II) thể hiện bản lĩnh Hồ Xuân Hương qua tâm trạng đầy bi kịch: Vừa buồn tủi, phẫn uất trước tình cảnh éo le, vừa cháy bỏng khao khát được sống hạnh phúc. Đọc thơ, ta vừa thương xót cho số phận bất hạnh, vừa khâm phục bản lĩnh cứng cỏi của nữ sĩ. Bài thơ là minh chứng tiêu biểu cho tài năng ngôn ngữ của" bà chúa thơ Nôm".
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...