Chào mọi người, em có câu hỏi thắc mắc cần nhờ mọi người giải đáp. Đó là: Nên học bao nhiêu tiếng một ngày là đủ? Em thấy hiện nay có khá nhiều bạn học với thời lượng khá dài từ 2 tới 3 tiếng, còn em thì khoảng 1 tiếng là bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, uể oải. Hay là em nên chia nhỏ thời gian học ra nhỏ nhiều phần để học tránh áp lực hơn ạ. Mọi người chỉ thêm cho em một số mẹo giúp tập trung hơn với ạ. Em cảm ơn ý kiến của mọi người về vấn đề này rất nhiều ạ!
Về việc học một ngày bao nhiêu tiếng, học bao nhiêu môn, thời gian học mất bao lâu, thời gian sinh hoạt bao lâu là câu hỏi rất đơn giản nhưng khiến nhiều người băn khoăn và không cân bằng được. Quá trình bộ não tiếp thu kiến thức, đưa ra các suy nghĩ, phán đoán và ghi nhớ tốt luôn tập trung ở những phút đầu (đối với mình là từ 5-30phút, phải quay lại đọc lại lần nữa để ghi nhớ sâu thông tin). Đại khái là tùy vào năng lực của mỗi người. Người thì học ít nhưng nhớ nhiều hoặc ngược lại hay học càng nhiều thì nhớ nhiều hơn. Việc bạn học 1 tiếng thường cảm thấy mệt mỏi thì cơ thể bạn có thể đang bị quá tải trong việc xử lý thông tin. Giải quyết: 1. Thư giãn trong vài phút (5-10phút) sau đó học tiếp nếu còn cảm thấy hứng thú. 2. Chuyển đổi sang môn học khác (tự nhiên sang xã hội hoặc ngược lại), cách này giúp bạn thoát khỏi mớ bòng bong khiến bạn tắc đường bí lối đấy. 3. Làm việc khác (việc nhà, đi dạo, ăn cơm, trêu chó chọc mèo) để đánh lạc hướng cơn làm biếng và mất tập trung của bản thân (Nếu có). Cách này t thường áp dụng vì thấy hiệu quả với bản thân t. 4. Chia đều thời gian học các môn ra sẽ khiến não tiếp thu nhiều hơn là ngồi không 2-3 tiếng với tinh thần uể oải, mất tập trung. 5. Note các phần quan trọng trong khi học. Khi học một phần mới thì khoảng 10 phút sau nên đọc lại nó 1 lần nữa. Giúp bạn ghi nhớ lâu hơn. Đối với học tập, thời gian học trên trường liên tục sáng chiều, có bạn còn tranh thủ giờ ra chơi, nghỉ trưa, để luyện đề. Chiều đi học về còn phải đi học thêm đến 8-9h mới về đến nhà. Về nhà còn phải làm bài tập đến 10-11h. Tổng thời gian học là con số rất lớn. Rất dễ gây chán nản, không tập trung, giảm thành tích, sức khoẻ yếu nếu không cân bằng được việc học và sinh hoạt. CHỐT LẠI: Đối với vấn đề bạn đang gặp phải thì mình nghĩ: Bạn nên học đến khi nào bạn cảm thấy hết hứng thú, không tập trung được nữa thì dừng lại. Phần chưa hoàn thành có thể để lại học sau. Giữ cái đầu thoải mái sẽ giải quyết được tất cả. Chúc bạn học tốt nha!
Theo mình thấy bạn nên chia nhỏ thời gian ra khoảng 30p cho từng môn học. Mỗi môn học bạn có thể thấy rảnh rỗi lúc nào học lại bài tập cũ tầm 15 phút. Mình thấy khoảng thời gian buổi sáng 5h đến 6r sáng rất hợp cho học bài cũ. Mình cảm thấy hai khung giờ học khá hiệu quả là 17h đến 19h tối, từ 21: 30 đến 23: 00. Lúc này mình tập trung tốt hơn và bạn nhất định phải tránh tiếng ồn. Tuy nhiên còn tùy vào thời gian của bạn nữa. Bạn có thể note lại khoảng thời gian bạn thấy mình tỉnh táo và học tập tốt nhất. Hơn nữa nếu bạn cứ suy nghĩ mình không làm được thì rất dễ nản, bạn hãy nghĩ đến mục tiêu học, động lực học của mình. Để có cảm hứng thì bạn có thể mở YouTube hay app học để nghe người ta giảng, sau đó sẽ có cảm hứng hơn. Trong lúc học bạn có thể mở một số nhạc alpha, hoặc beta.. Còn tùy môn học và tùy vào bạn nữa. Trước khi học hãy mở nhạc chờ có cảm hứng đã, đừng chơi game hay xem phim, dễ nản lắm Chúc bạn học tập thật tốt.
Mình nghĩ cái này còn tùy từng người và từng tình huống đó bạn! Nếu là những thứ bạn ghét, việc học chỉ là cưỡng ép và 5 phút hay 10 phút cũng cứ như tra tấn, còn khi bạn học những môn bạn thích, bạn còn không để ý mình bắt đầu từ mấy giờ ấy chứ. Thời gian dài hay ngắn không quá quan trọng, quan trọng là thứ bạn tiếp thu được sau những tiếng học đó. Có người phù hợp với thời gian này, có người phù hợp với thời gian khác. Thế nhưng để học hiệu quả nhất, mình khuyến khích bạn nên chia nhỏ thời gian học ra một chút, tức là có quãng nghỉ từ 5 đến 10 phút. Lí giải cho việc này thì nếu bạn tìm hiểu trên Google, bạn sẽ biết được xu hướng tập trung và ghi nhớ kiến thức của não bộ là ở điểm đầu và điểm cuối, đồng nghĩa với việc bạn càng có nhiều điểm đầu và điểm cuối thì tỉ lệ ghi nhớ sẽ cao hơn. Lấy ví dụ cụ thể hơn một chút: Bạn đang có các mục cần học là Mục A gồm 1, 2, 3 Mục B gồm 4, 5, 6 Mục C gồm 7, 8, 9 Mục D gồm 10, 11 và 12. Nếu bạn học liền một mạch từ A đến D, đa phần mọi người sẽ chỉ nhớ được nhiều nhất ở mục A và D, còn B và C bị đưa vào mục MƠ HỒ, ậm ờ. Nhưng khi bạn chia nhỏ nó ra, bạn học mục A, bạn nhớ được 1 và 3, nghỉ 5 phút, đọc lại mục A, học mục B, nhớ được 4 và 6, nghỉ 5 phút, đọc lại mục A, B, học mục C.. Trình tự cứ lặp đi lặp lại như vậy, nó sẽ khiến cho bạn ghi nhớ được nhiều hơn, nó sẽ không bị nhàm chán và hiệu quả hơn. Một nguyên nhân nữa cho sự mất tập trung và việc học không đạt hiệu quả đó chính là sự nhàm chán. Nhàm chán ở đây có thể do chủ quan hoặc khách quan. Chủ quan là bạn ghét đống kiến thức đó. Bạn có thể thử việc học phân mục như mình đã nêu ở trên và đảm bảo rằng mỗi mục đều có 1 sự liên kết nhất định, học mục này, bạn lại muốn học mục sau để hiểu kĩ hơn mục trước. Còn nguyên nhân khách quan đó chính là sự sao lãng từ bên ngoài: Con mèo bạn nuôi, chương trình TV đang phát sóng, nhóm chat của bạn bè.. Bạn cần tìm nơi yên tĩnh và bỏ những thứ không liên quan ra xa tầm với để có không gian học tốt hơn. Chốt lại nè: 1. Thời gian thế nào cũng được, miễn nó phù hợp với bạn. 2. Phân mục để học 3. Tránh nhàm chán. Sẽ còn rất nhiều lời khuyên khác nữa và những điều mình chia sẻ phía trên có thể sẽ không giúp ích được nhiều cho bạn. Chúc bạn sớm tìm được giải pháp cho mình nhé!
Việc này mình thấy còn tùy người bởi có những người có thể có khoảng thời gian tập trung và dễ phân tâm khác nhau í. Học cũng phải đi đôi với vận động chứ không thể ngồi lì một chỗ mà giỏi lên một cách toàn diện được. Bạn thử chia ra học như trên trường tầm 45 phút một môn, nhưng cái này cũng phải linh hoạt. Bạn nên dành nhiều thời gian hơn cho môn còn yếu hoặc mong muốn tập trung cho môn đó hơn một chút. Các môn thì bạn nghỉ tầm 10-15 phút cho thoải mái. Vấn đề là trong thời gian 45 phút thì phải học cho ra học, tập trung thực sự thì mới có hiệu quả tốt được. Bạn lên một cái thời gian biểu cho mình và theo thực hiện đều đặn nhưng đồng thời vẫn phải linh hoạt một chút. Tối trước khi ngủ thì có thể nhẩm lại bài cũ và những kiến thức mình học được trong ngày. Không cần quan trọng tổng thời gian quá đâu vì tùy người tùy sức, ép quá thì đâm ra lại kiệt sức, áp lực và mau nản. Cuối cùng thì phần lớn thuộc vào sự kiên trì, cố gắng của bạn nữa.
Ớ, 2-3 tiếng mỗi ngày là nhiều á, làm gì có, nếu bạn bảo 2-3 tiếng mỗi ca học thì đúng hơn ấy. Nếu bạn tìm thấy niềm vui trong việc học, thì việc bạn ngồi cả ngày là chuyện bình thường luôn á. Nhiều lúc, tớ ngồi đọc tài liệu, lúc bắt đầu thì không thấy gì, nhưng lúc sau ngẩng đầu lên thì đã qua vài ba tiếng là chuyện bình thường. Đôi khi còn phải tự ép mình đứng dậy đi qua đi lại cho nó đỡ mỏi người ấy chứ. Nên là, hãy tìm niềm vui trong học tập, đừng coi nó là áp lực, bạn sẽ thấy dễ thở hơn nhiều.
Theo mình việc học một số lượng tiếng mỗi ngày phụ thuộc vào mục tiêu học của bạn. Tuy nhiên, theo khuyến nghị của chuyên gia, nên cố gắng dành ít nhất 1-2 tiếng học mỗi ngày để đạt được tiến bộ hiệu quả. Bạn không nên quá tải bản thân bằng việc học quá nhiều, hãy đảm bảo bạn có thời gian nghỉ ngơi và tận hưởng các hoạt động khác. Quan trọng nhất là duy trì sự kiên nhẫn và định sẵn mục tiêu hợp lý cho từng ngày học của bạn. Bạn cũng nên lắng nghe cơ thể và tìm hiểu những phương pháp học phù hợp với bản thân để đạt hiệu quả cao nhất. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin từ giáo viên hoặc những nguồn tài liệu phù hợp. Chúc bạn học tốt!