Vì sao rắn nuốt được con mồi to gấp nhiều lần đầu nó? Rắn nuốt gọn chú chuột bự này trong nháy mắt. Ở đảo Hải Nam, Trung Quốc, người ta bắt được con rắn cạp nong còn nguyên cả một con dê nhỏ trong bụng. Con rắn chuông có thể nuốt chửng một con trăn to ngang ngửa, còn rắn lao có thể tọng vào miệng cả con chim lớn gấp 10 lần đầu nó… “Ăn tham chết nghẹn”, vậy rắn có chết nghẹn không? Không hề. Loài rắn có thể chén được những con mồi to xác hơn nó nhiều lần. Khả năng này nằm ở cấu tạo miệng của nó. Miệng của người chỉ có thể mở to đến 30 độ, còn rắn thì đến… 130 độ. Nguyên do là đầu rắn và các xương hữu quan mở khép không giống như các động vật khác. Cằm rắn (tức hàm dưới) mở rất rộng xuống phía dưới, vì đầu rắn nối với mấy cái xương ở cằm, có thể cử động được, không giống với các động vật khác là gắn chặt với xương đầu, cố định không cử động. Hơn nữa, các xương của bộ hàm đều khớp động với nhau, không những xương hàm mà xương khẩu cái, xương cánh, xương ngang… đều nối với nhau bằng dây chằng rất đàn hồi, có thể mở rộng ra hai bên, vì vậy miệng rắn không những có thể mở ra thật to, mà còn mở được ra hai bên phải trái không bị hạn chế, do vậy rắn có thể nuốt những con mồi to hơn gấp nhiều lần miệng nó. Dù cho kiểu miệng của rắn rất khéo, nhưng trước khi nuốt thức ăn, loài bò sát này còn phải đem con mồi đã bắt gia công một phen. Nó bóp bóp, nặn nặn thành sợi dài, khi nuốt nhờ răng hình móc câu giúp đưa thức ăn vào họng. Ngực rắn không có xương mỏ ác xuyên tới xương sườn, nên xương sườn có thể tự do cử động, vì vậy thức ăn từ hầu xuống họng, vào thẳng nơi da bụng có thể phình to, đồng thời rắn còn tiết ra rất nhiều nước bọt, thật chẳng khác gì cho thêm lượng lớn “dầu nhờn”.
Vì sao dơi ngủ ngược? Ngủ ngược, sở thích kỳ quặc của dơi. Màn đêm buông xuống, trong các hang động cao ráo hay trong gác xép nhà kho, lũ dơi tấp nập vào ra. Chúng treo ngược mình lên, đầu chúc xuống, chỉ dùng vuốt của hai chi sau móc vào khe đá. Không ai làm tình làm tội, mà sao chúng phải ngủ trong trạng thái khổ sở thế? Thực ra, kiểu ngủ kiểu trái khoáy này rất phù hợp với cấu tạo cơ thể dơi. Nếu bạn bắt một con dơi, đặt nó xuống đất, sẽ thấy dơi dùng vuốt của ngón thứ nhất chi trước và 5 ngón của chi sau bò lê lết, cho đến khi trèo được lên một cây gỗ thẳng đứng hoặc vách tường rồi từ đây lại bắt đầu bay tiếp. Nếu đặt dơi vào một cái sọt bằng dây thép, nó sẽ trèo lên chung quanh sọt, giống như con khỉ, lên đến đỉnh sọt thì treo ngược mình lên đó. Dơi là loài thú duy nhất biết bay thực sự, sẵn có màng cánh vừa to vừa rộng. Chân sau thì vừa ngắn, vừa nhỏ, lại còn bị nối liền với màng cánh. Cho nên khi bị rơi xuống đất, dơi còn mỗi cách nằm phủ phục, thân thể và cánh đều dán trên mặt đất, không thể đứng lên được, cũng không đi lại được, càng không thể giang rộng cánh màng mà bay lên, đành lết chậm chạp từng bước nhỏ. Chính vì thế dơi chỉ thích hợp với việc trèo lên một nơi cao, treo ngược mình, khi gặp nguy hiểm mới có thể kịp thời giang rộng hai màng cánh mà bay lên, hoặc nhờ cơ hội rơi xuống để bay lên thật nhanh nhẹn. Ngoài ra, khi gió rét đến, dơi cũng ngủ đông trong tư thế treo ngược mình, như vậy sẽ giảm được sự tiếp xúc trực tiếp với trần hang lạnh giá, hoặc có một số thì vùi đầu và thân vào trong màng cánh, cùng với bộ lông nệm mọc dày trên mình nó, có tác dụng ngăn cách hẳn với không khí lạnh bên ngoài. Tập tính sống này và bản năng phòng ngự của dơi đều là kết quả của sự tiến hoá lâu dài của động vật.
Vì sao chuột chũi sợ ánh mặt trời? Chuột chũi là loài vật ăn côn trùng sống trong đất. Chúng thường đào hang vào trong lớp đất tơi xốp, ẩm ướt và đẻ con ở đó. Chuột chũi con khi đã lớn vẫn sống ở trong đường hầm đào dưới đất... Chuột chũi rất ít khi đào hang, làm tổ dưới lớp đất sét hoặc đất cát. Chung quanh tổ của chúng có đường hầm, 4 bề liền nhau. Do trong hang luôn ẩm ướt nên giun đất, nhện, rết, sên dễ dàng sinh sôi, trở thành món ăn sẵn sàng cho chuột chũi. Chuột chũi lúc nhỏ mắt hãy còn mở rất to, đến khi cơ thể lớn dần lên, mắt bé đi, cuối cùng thì lặn sâu vào dưới dưới da, thị lực thoái hoá hẳn. Lúc đó nó chỉ có thể phân biệt rất ít về sự sáng tối. Những đặc điểm cấu tạo này được hình thành do sự thích nghi sống lâu dài với môi trường thiếu ánh sáng trong lòng đất. Vì chuột chũi qua một năm không lên trên đất, cái chính là không tiếp xúc với ánh sáng, cho nên không quen với sự chiếu sáng của mặt trời. Thân nhiệt của chuột chũi cao hơn thân nhiệt của người 2-3 độ C. Trong cơ thể nó không có cấu tạo thích nghi với sự toả nhiệt, nếu bị ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào cơ thể, làm nhiệt độ cơ thể biến đổi lớn, tần số hô hấp của nó sẽ tăng lên. Nếu bị lộ sáng hơi lâu, nó sẽ rơi vào trạng thái hôn mê nóng, và có thể chết.
Vì sao chồn sóc bắt được nhím? Nhím là động vật cỡ nhỏ, khắp mình tua tủa đầy gai. Khi bị săn đuổi, nó rụt đầu co chân lại, cuộn tròn mình vào bụng hình thành một quả cầu gai vũ trang, khiến cho các động vật ăn thịt khác phải tiếc rẻ mà bỏ đi. Chỉ có chồn sóc là ngoại lệ. Để đối phó với những chiếc gai nhọn trên mình nhím, chồn sóc sử dụng đến một tuyến hôi trong hậu môn của chúng. Bất cứ lúc nào tuyến này cũng có thể tiết ra một lượng lớn dịch thối. Loại dịch này có uy lực rất lớn. Khi gặp kẻ địch truy đuổi, chồn có thể phun dịch vào mặt kẻ địch, ngăn chặn đường tiến công của nó. Gặp sự tấn công của chồn sóc, theo thói quen, nhím sẽ thu mình lại thành hình cầu. Khi ấy, chồn sóc sẽ tìm một chút khe hở của khối cầu gai đó, đặt hậu môn vào và phun dịch thối. Chẳng bao lâu, con nhím bị dịch thối làm cho mê man, thân thể duỗi thẳng lại. Lúc này chồn sóc có thể ung dung ăn thịt.
Tê tê bắt kiến bằng cách nào? Trong miệng của tê tê không có chiếc răng nào, chỉ có một chiếc lưỡi dài mảnh. Không có răng thì chúng nhai thức ăn làm sao nhỉ? Đừng lo, bởi vì thức ăn của chúng là kiến và mối, không cần phải nhai. Miệng có kết cấu rất thích hợp cho chúng bắt mồi. Toàn thân tê tê được phủ lớp vảy cứng, giống như võ sĩ thời cổ đại khoác áo giáp sắt, nhưng tính cách của nó lại rất ôn thuận, chưa bao giờ đánh nhau với các động vật lớn khác. Khi phát hiện thấy một hang kiến, tê tê liền duỗi móng sắc nhọn như móc câu, vừa đào vừa bới, đuổi đàn kiến từ trong hang ra. Sau đó, chúng thè chiếc lưỡi dài như thắt lưng để liếm sạch đàn kiến chạy qua. Mỗi lần như vậy có cả trăm con bị dính trên lưỡi, trở thành bữa ngon cho nó. Đôi khi không muốn bỏ nhiều công sức để đào hang kiến, tê tê sẽ bố trí một cái bẫy để dụ kiến lên. Cái bẫy này rất thú vị. Trước tiên, nó giả vờ nằm chết bên hang kiến, mở rộng tất cả vảy trên toàn thân. Từ cơ thể nó toả ra mùi tanh nồng nặc, bay vào trong hang. Đàn kiến khi ngửi thấy mùi này lần lượt chui ra ngoài, nhìn thấy tê tê giả vờ chết, tưởng rằng đã phát hiện được một núi thịt, bèn trèo lên thân con vật. Thời cơ tới, tê tê liền căng cơ thịt toàn thân, làm toàn bộ vảy khít lại với nhau, nhốt đa số kiến vào trong vảy. Sau đó, nó mang đầy kiến trên thân, nhảy vào trong một chiếc hồ hoặc ao, rồi thả lỏng vảy ra, lắc mình mấy cái. Đàn kiến rơi xuống, trôi trên mặt nước. Lúc này tê tê mới thè lưỡi dài ra, liếm sạch. (còn nữa)