MÙA CUỐI YÊU THƯƠNG Tác giả: Văn Lợi Mỹ Thể loại: Truyện ngắn * * * Buổi chiều tháng chín, cơn mưa rào cứ dai dẳng rả rích khiến người ta chỉ muốn ngồi yên một chỗ vì lười vận động giữa thời tiết này, hoặc cũng vì tâm hồn lãng mạn, hay đơn giản chỉ là muốn nhìn những giọt mưa rơi. Bà Hạnh ngồi trước hiên nhà. Đôi mắt già nua đã dần chuyển sang màu đục cứ dõi theo từng hạt mưa đọng lại trên mái hiên, rồi rớt xuống nền xi măng tạo âm thanh tí ta tí tách như đang ru người ta vào giấc mộng xa xăm. Cô con gái lớn của bà năm nay cũng đã ngoài bốn mươi, bưng bát cháo ra cho bà, chị ân cần nhắc nhở: - Mẹ, ngoài trời mưa lạnh. Mẹ ăn bát cháo con vừa nấu xong cho ấm người, mấy ngày nay mẹ có ăn được bao nhiêu đâu. Bà Hạnh chầm chậm đưa tay ra bưng bát cháo nóng hổi: - Con về nhà đi, mẹ vẫn còn khỏe lắm, không cần tụi bây phải túc trực ở đây canh chừng mẹ đâu. Ba tụi bây vẫn còn ở với mẹ mà. - Thì mẹ phải ăn uống cho đàng hoàng rồi mới có sức để chờ ba về chứ. Chắc ba đang đi làm thủ tục nhập khẩu mới, sau đó sẽ về tìm mẹ ngay í mà – chị Vĩnh đùa. Ngày làm đám tang chồng, bà Hạnh không khóc lấy một lần, thậm chí đôi mắt đó cũng không hề có cảm xúc đưa tiễn người đã khuất nào, nhưng ai cũng hiểu bà là người đau lòng nhất. Ai đó từng nói nỗi đau lớn nhất là nỗi đau thầm kính, không phô trương, không ồn ào mà cứ lặng lẽ gặm nhấm ăn mòn tâm hồn con người. - Chuyển hộ khẩu gì chứ! Ông ấy vẫn còn ở trong nhà, mỗi đêm ông ấy vẫn thường đứng dưới chân giường chờ mẹ ngủ sâu ông ấy mới đi. Nhờ ông ấy mà giấc ngủ gần đây của mẹ đều tốt hơn lúc trước. Chị Vĩnh thu bát cháo đã cạn đáy, hài lòng gật đầu phụ họa: - Được được, chỉ có mẹ là hiểu ba nhất. - Về nhà cơm nước nghỉ ngơi đi. Mai con bày hàng bán lại phải không? Về nghỉ sớm, mai đi lấy hàng. Mẹ có phải đứa trẻ đâu mà ngày nào cũng ra đây chăm với nom? Tụi bây đừng làm cho bà già này cảm thấy mình già cỗi, tàn phế chứ! - Để con rửa chén xong rồi về. Ở nhà chồng con lo hết cơm nước, dọn dẹp rồi nên con có thời gian ra đây ấy mà, rảnh rỗi cũng muốn đi đây đi đó cho vui thôi. Sau cơn mưa trời lại sáng. Thời khắc chuyển giao ngày và đêm bao giờ cũng đẹp nhất. Nhất là sau một ngày mưa dài, bầu trời cuối cùng cũng lấp ló ánh mặt trời ở phía tây. Ánh nắng đầu tiên, cũng chính là những tia nắng cuối cùng trong ngày chiếu rọi xuống vườn hoa mà chính tay bà và người chồng quá cố đã trồng. Bà Hạnh lúc này chỉ còn lại một mình, bà ngồi trên chiếc xích đu ngắm ánh hoàng hôn, nuối tiếc chậc lưỡi: - Cảnh đẹp thế này mà lại sắp tàn. Ông thấy không, bữa tiệc nào cũng phải đến lúc phải giải tán. Lúc ông còn sống tôi cũng thường phàn nàn ông này nọ kia, đến khi ông đi xa rồi tôi mới cảm thấy dường như những ngày tháng đó chỉ như là giấc mơ. Hồi đó, mấy chục năm về trước, bà và ông gặp nhau trong một lần đi làm hợp tác xã cho thôn. Bà đã ấn tượng với chàng thanh niên da ngăm, dáng vẻ lực lưỡng chỉ bởi vì câu nói: - Con gái làm ít thôi, để đó một lát tôi làm bên này xong tôi qua phụ cho. Hạnh thời ấy chỉ mới 18, 19 tuổi nào có biết yêu đương trai gái là gì đâu. Nhưng khi nghe câu nói đó, trái tim của chị liền không nghe lí trí mách bảo nữa, nó đã bị đánh cắp bởi chàng thanh niên có giọng nói trầm khàn kia. Từ ngày đó về sau, thôn làng Diên Trường có một đôi tình nhân mới. Nhà gái là cô gái mang danh xinh nhất nhì trong làng, nhà trai được tiếng chăm lam chăm làm nhất xóm. Mùa thu năm đó đám cưới giản đơn được tổ chức trong sự chúc phúc của nhiều người. Nhưng niềm vui của chị Hạnh cũng không hoàn toàn được trọn vẹn, bởi trong số những người chúc phúc cho hạnh phúc đôi lứa lại không bao gồm mẹ chồng của chị. Điều đó đánh dấu cho những ngày tháng làm dâu cực nhọc của chị, nhưng ngày ấy chị nào để ý đến lời cảnh báo: "Đừng lấy thằng Chỉnh, nó không tốt như vẻ ngoài đâu. Rồi cô sẽ hối hận thôi." Đúng như lời mẹ chồng chị nói, chị đã hối hận, thật sự hối hận chỉ sau hai năm lấy anh. Thời gian đầu mới cưới chị về anh hứa hẹn đủ điều. Cuộc sống hai vợ chồng son tuy không dư giả gì nhưng được cái hạnh phúc vì chồng nói vợ nghe, vợ góp ý chồng gật đầu. Rồi như định mệnh, cuộc sống luôn có quy luật của nó, không có ai là hoàn hảo tuyệt đối, cũng không có cuộc sống nào trọn vẹn mà không phải đánh đổi. Gia đình của chị Hạnh anh Chỉnh cũng vậy. Từ những mộng mơ ban đầu, rồi dần dần cũng vì hoàn cảnh đưa đẩy, hay nói đúng hơn là do tâm tính con người thay đổi mà biến thành mùa quá khứ của hạnh phúc. Mọi sự bắt đầu từ năm tiếp theo, năm mà anh phải nhập ngũ theo yêu cầu của chính quyền. Cũng năm đó, chị biết mình mang thai đứa con đầu lòng. Ngày lên đường nhập ngũ, anh bịn rịn ôm vợ mình nói: - Thật có lỗi với mình quá! Mình đang mang thai mà tôi lại không có ở nhà để chăm sóc. Chị vuốt nhẹ lên bụng mình, mỉm cười dịu dàng, lắc đầu nói: - Mình ráng phục vụ tổ quốc tốt là đã giúp đỡ em nhiều rồi. Ở nhà hai mẹ con em đợi mình về. Ngày chị chuyển dạ sinh con chỉ có mỗi mẹ ruột và bà mụ đỡ đẻ đến. Mẹ chồng chị thì từ sau đám cưới đều không hề ngó ngàng gì tới gia đình nhỏ của anh chị. Chị đã quen với điều đó, tuy đôi lúc có tủi thân, nhưng dần dà rồi chị cũng không còn đặt cảm xúc quá nhiều nữa. Loài người vốn dĩ là sinh vật có khả năng thích ứng mạnh mẽ nhất trong muôn loài. Một khi đã quen với sự lạnh nhạt thì họ cũng không còn hi vọng và trông đợi nữa. Mẹ chồng chị vì không muốn anh chị ở chung nhà nên mới cho người dựng căn chòi lá sau hồi cho anh chị ở, và còn cấm chị bén mảng vào nhà lớn để xin đồ ăn. Chị Hạnh vốn dĩ còn xem việc không sống chung với mẹ chồng là điều may mắn hơn nhiều so với những bạn bè đồng trang lứa khác. Chị đã nghe rất nhiều chuyện mẹ chồng nàng dâu từ bạn bè mình, mặc dù ăn bữa nay lo bữa mai nhưng chị cũng cảm thấy thoải mái hơn họ. Đứa bé tròn 1 tháng tuổi cũng là lúc chị hay tin anh được nghỉ phép một tuần và đang trên đường về. Chị rất háo hức mong chờ ngày đoàn tụ với anh, chị đã tin anh cũng nhớ hai mẹ con chị rất nhiều. Ngày anh về, chị nấu những món anh thích ăn nhất, chị vừa nấu vừa cõng con sau lưng, mà nụ cười chưa bao giờ tắt trên đôi môi của chị. Niềm hạnh phúc sắp được cùng chồng đoàn viên ánh lên cả trên đôi mắt phượng của người phụ nữ. Từ xa, chị nghe tiếng chồng mình đang cười cười nói nói với bạn bè của anh. Chị lau vội bàn tay chạy ra ngõ đón anh, cứ tưởng anh nhìn thấy vợ thì sẽ tạm biệt bạn bè rồi chạy ào đến ôm chầm chị cho thỏa nỗi nhớ mong.. Chị đã nhiều lần mơ và nghĩ đến cảnh tượng đó. Nhưng rồi, anh đi lướt ngang chị, ánh mắt, nụ cười của anh không hề dành cho chị, dường như với anh, chị là người vô hình. Chị vẫn cõng đứa bé trên lưng nhưng tâm trí chị không còn ở lại với chị nữa. Chị nhìn theo anh cùng ba người bạn anh đưa về cùng, suy nghĩ của chị vẫn chưa trở về được với mình, chị không hiểu.. Rồi chị hoàn hồn vì tiếng quát tháo của anh: - Còn đứng ngây ra đó làm gì? Vào dọn đồ ăn cho chúng tôi ăn đi chứ. Vợ với chả con! "Đây là người chồng mình hằng đêm mong nhớ sao? Điều gì khiến anh trở thành người như vậy? Không lẽ vì bạn anh đang ở đây nên anh mới cố tỏ ra có uy trong gia đình?" Chị cứ liên tục biện minh cho anh, nhưng chị nào hay đây mới chính là bản chất thật của người mà chị đã chọn làm chồng. Bi kịch làm dâu, làm vợ, làm mẹ của chị bắt đầu từ đây.. Đã hơn một lần anh đánh đập chị chỉ bởi vì chị không muốn dùng bó củi mà chị phải vất vả leo đồi đốn về để nấu đồ nhấm rượu cho bạn của anh. Anh cũng dằn vặt chị khi anh không hài lòng về tiếng khóc của con mình. Năm tháng anh đi lính đã khiến anh thay đổi rất nhiều. Anh không còn là người chồng yêu thương của chị nữa. Anh cũng không phải là người chăm lam chăm làm như thời còn độc thân. Cũng không biết anh học ai mà từ sau khi anh xuất ngũ thì tiền kiếm được mỗi ngày anh đều dùng để đãi bạn bè ăn nhậu, thậm chí còn ăn vào tiền bán hàng của chị. Cho dù chị có chăn nuôi bao nhiêu con heo, nấu bao nhiêu nồi rượu để bán đi chăng nữa thì vẫn không hề đủ cho những cuộc vui nhậu nhẹt của anh với bạn bè. Đừng nói đến con cái, anh chưa bao giờ dành một chút thời gian cho bọn chúng. Với người ngoài anh là một người hào phóng, với vợ anh là một người chồng vũ phu, với con anh không xứng được gọi là người cha tốt. Những đứa trẻ lớn lên với sự thờ ơ, lạnh nhạt của người cha thì nào có đủ đầy trọn vẹn để hình thành tính cách của người biết sẻ chia với người khác. Sau này, những đứa con của anh chị lớn lên, hiểu chuyện hơn cứ lần lượt khuyên răn mẹ mình bỏ ba đi để có cuộc sống hạnh phúc hơn. Nhưng chúng nào suy nghĩ thật của mẹ chúng? Bởi vì lần nào nhận lời khuyên, mẹ chúng cũng chỉ mỉm cười nói: - Sau này các con có gia đình sẽ hiểu. Kể từ ngày ông đi bộ đội về, hơn bốn mươi năm bà Hạnh chỉ biết phục vụ cho chồng, cho con. Cho dù sau này vì kế sinh nhai mà gia đình ông bà phải bỏ quê hương mà đi thì cuộc sống của bà dường như vẫn không thay đổi mấy. Bà nhận được nhiều lời hứa từ ông, nhưng cũng chính là bấy nhiêu điều ông chưa bao giờ giữ lời. Ông càng ngày càng phụ thuộc vào bà. Ông không ăn thức ăn khác ngoài đồ ăn bà nấu. Bà đi đâu nửa ngày thôi là ông đã gọi réo liên tục. Đến việc đơn giản nhất là pha ấm trà cho mình uống hằng ngày ông cũng phải chờ bà về pha. Ông nói: "Trà bà pha, cơm bà nấu mới hợp khẩu vị của tôi." Có người nói với bà rằng bà mắc nợ ông nên giờ phải trả, cũng có người nói rằng ông quá thương bà nên ỷ lại vào bà, chỉ là ông không biết thể hiện tình cảm của mình. Cho dù là lí do gì thì bà cũng không một lời than van, mỗi ngày đều cơm bưng nước rót tận nơi cho ông như vậy cho tận lúc ngày ông gục xuống vì bệnh dạ dày do uống rượu quá nhiều. - Mẹ có bao giờ nghĩ đến việc li hôn với ba không? Câu hỏi của đứa con thứ cũng chính là câu hỏi lớn trong đời của bà Hạnh. Đã bao giờ bà muốn rời bỏ ông chưa? Mãi đến lúc này, ngồi ở khu vườn mà ông và bà vun vén thì bà mới có câu trả lời cho chính mình: "Mặc dù tôi vẫn luôn hối hận vì ngày đó không nghe lời khuyên can của mẹ chồng mà vẫn nhất mực lấy ông, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ rời bỏ ông. Cũng có lẽ do duyên số, cũng có thể do suy nghĩ của cha mẹ xưa truyền dạy lại, hoặc do tình chồng nghĩa vợ.. Cho nên ông bỏ đi như vậy làm cho tôi hụt hẫng lắm!" Không ai biết được suy nghĩ thật của bà Hạnh lúc này. Liệu bà có thấy nhẹ nhõm vì đã được giải thoát không? Hay là bà vẫn mãi luôn yêu người đàn ông một đời là chồng nhưng không có trách nhiệm của người chồng ấy? Chỉ thấy bà cứ ngồi đó, lặng ngắm khu vườn hoa đang được ánh hoàng hôn nhuộm màu vàng ấm áp với đôi mắt và nụ cười dịu dàng thường trực như bao ngày bà trao cho người đối diện. Cũng không ai có thể đặt tên tấm lòng của người phụ nữ một đời vì hạnh phúc của chồng, của con mà không than van, không một tiếng thở dài, tận tâm chăm sóc người đàn ông mà bà đã lựa chọn. Có lẽ với người phụ nữ ấy, trao đi yêu thương là chưa bao giờ mong muốn được nhận lại. Cái cách bà trao đi, cũng là cái điều bà nhận lại. Đâu cứ nhất thiết phải đợi người khác cho mình mới nhận? Bản thân mình cũng có thể tự cho và nhận cơ mà. Xin tạm gọi tên "Mùa cuối yêu thương" để người đàn bà cả một đời cho đi tình yêu ấy được sống tự do, không còn bị ràng buộc bởi trách nhiệm và nghĩa vụ của người vợ hiền nữa. VĂN LỢI MỸ