"Truyện Kiều" là một tác phẩm vĩ đại, vì vậy sự tiếp nhận của nó không bao giờ là dừng lại. Đã hơn 200 năm nhưng những trang sách Kiều vẫn luôn thôi thúc độc giả khám phá. Sau đây mình xin gửi đến các bạn một vài bài phân tích về đoạn kết "Truyện Kiều". 1, Trở lại đoạn kết Truyện Kiều - Nguyễn Mạnh Hùng Bấm để xem Màn tái hồi Kim Trọng - Thúy Kiều không còn là một đoạn kết theo nghĩa kết là hết, là xong một thiên truyện, là khép lại số phận những con người - những nhân vật, mà trước đó, tác giả đã dày công đưa họ vào cuộc chơi cơ cầu của tạo hóa. Buổi đoàn viên hóa ra không êm thắm trong lòng người đọc mãi đến hôm nay.. Để chống lại quan niệm cho rằng Nguyễn Du lẽ ra không nên cho Kiều sống lại từ sóng Tiền Đường, Xuân Diệu đã từng phát hiện: Kết thúc ấy đưa ra một lời tố cáo mới: "Đây, nạn nhân của mười lăm năm chúng bay!". Quả là một cách cảm kỳ lạ, độc đáo của ông hoàng thơ tình vào những năm đánh giặc. Nhà nghiên cứu văn học Đỗ Đức Dục lại cho rằng: "Nguyễn Du kết thúc Truyện Kiều có hậu trước hết là tuân theo một phong cách văn học dân tộc thích hợp với tâm lí con người Việt Nam, tránh cái cực đoan trong kịch tính, ưa cái đôn hậu, thủy chung (). Cảnh đoàn viên có mặt hiện thực của nó là vì dù nó xảy ra như một trường hợp cá biệt hay ngẫu nhiên, nó vẫn tô đậm tính bi kịch cuộc đời Thúy Kiều theo một cách khác..". Rồi ông liên hệ, "Ôi cái cảnh đoàn viên ấy! Thậm chí ngày nay, sau ngày thống nhất nước nhà, 30 tháng Tư năm 1975, nhân dân ta thấm thía vô cùng!". Không khó lắm để phát hiện sự mâu thuẫn trong nhận xét vừa trích dẫn trên. Khi "chuyển thể" Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân sang Truyện Kiều, nhà thơ của chúng ta đã có những sáng tạo lớn lao trên cả hai bình diện nội dung và nghệ thuật. So sánh từng dòng, từng dòng của hai văn bản, sẽ thấy sự đổi thay tuyệt diệu. Thế nhưng, tại sao ở màn tái hồi, Nguyễn Du hầu như đã giữ y nguyên tác? Ngay cả lời văn, nhiều chỗ cũng gần như không mấy đổi thay: - Kim Vân Kiều truyện: ".. Nhưng Thúy Kiều lại vội gạt đi mà rằng: Xưa kia dẫu có thề thốt, nhưng vì thời sự biến thiên, thì câu chuyện cũ cũng nên phó mặc dòng nước chảy xuôi, còn bàn chi nữa..", "Còn như thân thiếp, chẳng may phải chịu trăm ngàn đày đọa, hoa đã tàn rồi, trăng cũng khuyết rồi, lại còn trơ tráo buộc mái tóc thưa để làm tân nhân, sánh cùng quân tử, thì chẳng tự mình hổ thẹn lắm sao?" (2).. - Truyện Kiều: "Một lời tuy có ước xưa, Xét mình dãi gió dầu mưa đã nhiều. Nói càng hổ thẹn trăm chiều Thà cho ngọn nước thủy triều chảy xuôi." () Chữ trinh đáng giá nghìn vàng Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa Thiếp từ ngộ biến đến giờ, Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa. Bầy chầy gió táp mưa sa, Mấy trăng cũng khuyết, mấy hoa cũng tàn. " - Kim Vân Kiều truyện:".. Chàng Kim thấy mọi người ra cả rồi, bèn dịch cây đèn bạc lại gần để được nhìn kỹ gương mặt Thúy Kiều lần nữa, thấy nàng vẫn còn cặp mắt sao sa lóng lánh, má hồng vẫn đỏ hây hây, chẳng khác nào hơi sương lồng hoa thược dược, mưa xuân phấp phới bông đào. Nhân tiện chàng lại khẽ tay nới rộng đai lụa, cởi bộ áo là, đỡ nàng vô màng uyên ương, bàn tay xoa xát tới chỗ tình nồng, dần dần tỏ ý tham hương tiếc nhụy. Nhưng có ngờ đâu, nàng đối với chàng tình nghĩa dẫu tựa keo sơn, thế mà một khi nghe đến câu chuyện giao hoan, thì nàng lập tức cự tuyệt (), nàng nói thẳng ra rằng: Tấm thân thiếp đây thực là tấm thân tàn tạ, đáng lẽ phải chết từ lâu, lang quân có lòng yêu thiếp vượt bậc, nên phải ngậm ngùi nhận đạo tòng phu ". - Truyện Kiều: Canh khuya bức gấm rủ thao Dưới đèn tỏ rạng má đào thêm xuân Tình nhân lại gặp tình nhân Hoa xưa ong cũ mấy phân chung tình Nàng rằng:" Phận thiếp đã đành, Có làm chi nữa cái mình bỏ đi! Nghĩ chàng nghĩa cũ tình ghi, Chiều lòng gọi có xướng tùy mảy may. Riêng lòng đã thẹn lắm thay, Cũng đà mặt dạn mày dày khó coi! Những như âu yếm vành ngoài Còn toan mở mặt với người cho qua. Lại như những thói người ta Vớt hương dưới đất, bẻ hoa cuối mùa. Cũng là nhơ nhuốc bày trò, Còn tình đâu nữa là thù đấy thôi! Người yêu ta xấu với người, Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau! " Nguyễn Du đã giữ nguyên nhân vật của Thanh Tâm, để họ nói năng như một cái máy phát ngôn cho những đạo đức gượng ép trong Kim Vân Kiều truyện - điều Nguyễn đã vốn xem nhẹ nó ngay từ lúc hai con người ấy đặt chân lên đất thanh minh. Kỳ lạ hơn là cái cách ứng xử tiếp theo của hai tình nhân này trong đêm hợp cẩn: - Kim Vân Kiều truyện:".. Nếu vậy, hiền thê quả thực không phải là hạng yếm khăn, chính là một trong đám hào kiệt đó. Ngày nay hiền thê đã tự đặt mình trong hạng phụ nữ tiết liệt ngày xưa, thì Kim Trọng này đâu dám lại có dục vọng càn rỡ. - Truyện Kiều: "Gương trong chẳng chút bụi trần, Một lời quyết hẳn muôn phần kính thêm () Cho hay thục nữ chí cao, Phải người sớm mận tối đào như ai?" Có phải Thúy Kiều - Kim Trọng đã tự xóa nhòa vầng trăng thề thốt để treo tấm gương tiết liệt trong khoảnh khắc sau cùng? Kiều đã sắc nước hương trời, tài nghệ tót vời, bây giờ xem ra sắp được tôn vinh là anh hùng hào kiệt! Vậy nên, đêm ấy nàng mới.. quyết. Trời ơi, phút giây ấy mà nàng còn "quyết" được sao? Trong đêm hợp cẩn, hai người nói quá nhiều mà không hề tâm sự (nói nhiều nhất trong mấy lần họ gặp nhau, vì nói đến.. Gà đà gáy sáng, trời vừa rạng đông mà chưa chịu lặng im), họ đối đáp mà chẳng hàn huyên, kể khổ mà không vấn vương kỷ niệm, đàn ca trăm chiều vui vẻ mà quên mất chuyện yêu đương.. Không phải chỉ riêng Thúy Kiều - Kim Trọng, cả Vương Quan, Thúy Vân, ông bà Viên ngoại, nhất cử nhất động, lời ăn tiếng nói ở ngày sum họp đều răm rắp như một sự sắp đặt máy móc của cả Thanh Tâm tài nhân và tác giả Truyện Kiều. Nguyễn Du phải tuân thủ kiểu kết thúc có hậu truyền thống? Không, ông đã từng vượt qua rất xa những công thức cổ điển thời ấy. Nguyễn Du muốn đáp ứng "ước mơ phổ biến của nhân dân" (3) ? Chẳng lẽ ông nhìn ước mơ của nhân dân đơn giản và gượng ép vậy sao? Vì quá yêu nhân vật nên Nguyễn Du không để họ có một kết thúc bi kịch? Nếu vì yêu mà cho họ đoàn viên kiểu ấy thì Còn tình chi nữa mà thù đấy thôi.. Trở lại đoạn kết Truyện Kiều là tìm về với một nỗi trái ngang không dứt.. Hình như có một bế tắc không vượt qua ở đoạn cuối một Truyện Kiều, đoạn cuối một thiên tài? Bao nhiêu mâu thuẫn trong triết lý Truyện Kiều cũng bắt nguồn từ sự bế tắc ấy chăng? Chỉ có thiên tài mới thấy những đường chân trời và giới hạn không vượt qua của nó. Chưa có nhà văn nào trước đó đăm đắm nỗi văn chương như Nguyễn Tiên Điền. Trong "Mạn hứng", ông viết: "Cuộc đời trăm năm chết xác với văn chương" Ông dùng văn chương để viết về những điều trông thấy (mục trung, sở kiến) với nỗi đau lớn - những điều mà hầu hết là khó - nói - ra thành lời rành rẽ. Văn chương, với ông, là lụy - Văn chương vô mệnh lụy phần dư (5), là đau đòi đoạn, là một thứ nghiệp dĩ. Văn chương của ông là giọt lệ về những điều trông thấy. Trong U cư, ông viết những câu thật khó mà diễn đạt bằng một cách khác: "Ở đất khách giả vụng về để phòng thói tục Gặp đời loạn vì muốn giữ toàn sinh mệnh nên luôn luôn sợ người ta" Đến bài Tạp thi, ông nói rõ hơn: "Lúc loạn lạc cười khóc cũng phải theo thời" Rồi trong Xuân thu lữ thứ, ông cất tiếng lòng u uẩn: "Trên đường danh lợi buồn hay vui cũng không được tự nhiên". Vì thế, ở Truyện Kiều, ta bắt gặp sự mâu thuẫn ngay trong cách đặt và giải quyết vấn đề, trong sự dùng dằng nửa ở nửa về giữa nhiều con người trong một Nguyễn Du. Ở Phản chiêu hồn, ông đã có một khái quát: "Đời sau ai ai cũng đều là Thượng quan Mặt đất đâu đâu cũng là sông Mịch La (9). Ông còn thấu triệt một cái lẽ khó nói nữa, khi ông bàn về Khuất Nguyên: Nếu hiến lệnh của ông mà được ban hành khắp thiên hạ Thì làm gì có Ly tao kế tiếp Quốc phong?" Như vậy, Nguyễn Du không chỉ lên án xã hội phong kiến (ở Trung Hoa hay ở Việt Nam bấy giờ) mà ông nói cả cổ kim hận sự. Ông không chủ yếu bày tỏ nỗi đau riêng mình mà muốn nói đến nỗi kỳ oan của nhân thế - Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu? Ông không chỉ nói cái ghen ghét nhất thời mà ngẫm cái vạn vật đố tài muôn thuở. Ông không chỉ nói một Trăm năm trong cõi người ta mà nhìn vào Đêm trường dạ tối tăm trời đất. Ông nghiệm ra thứ Kinh không chữ mới đúng là chân kinh.. Khi nghiên cứu Truyện Kiều, nhiều người dễ dàng chấp nhận một luận điểm rằng, do Nguyễn Du chưa nhận thức được vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp, cho nên ông chưa đạt đến điển hình xã hội mà mới dừng lại ở trình độ điển hình tâm lý (11). Quan niệm về tính điển hình như thế khi đọc Nguyễn Du e đã làm hẹp tư tưởng của cổ nhân, đưa vùng tiếp nhận của người đọc nhiều dân tộc, nhiều thời đại trở lại một quỹ đạo cố định, bất biến. Có một điều cần phải bàn lại, không rõ từ đâu, có một cách nghĩ gần như đương nhiên: Hễ nói đến tư tưởng hoang mang, bế tắc, luôn giằng xé, kiếm tìm của một tác giả nào đó, người ta thường xem đấy là một "hạn chế". Thực ra, phải hiểu ngược lại mới đúng. Sự trăn trở đến kì cùng, đến nghi ngại, đến vò xé để quán thấu một giá trị minh triết chính là đoạn kết diễm ảo của những thiên tài nghệ thuật. Không phải thiên tài thi ca thì không có nỗi niềm đó. Một thi sĩ thường thường bậc trung sẽ không có những bế tắc không thể giải quyết. Ở điểm này, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Hàn Mạc Tử.. có chỗ gặp nhau.. Đoạn kết Truyện Kiều, vì thế, xem như một kết thúc chưa phải kết thúc. Bi kịch không kết như vậy. Truyện cổ dân gian cũng không có hồi kết băn khoăn ấy. Đó là cách kết của một tâm hồn giằng xé, bế tắc và đớn đau: Thầm đọc bài ca hỏi trời Trời cao biết đâu mà hỏi? 2, Tìm hiểu tư tưởng Nguyễn Du qua đoạn kết Truyện Kiều - Nguyễn Sĩ Đại Bấm để xem Đoạn kết của Truyện Kiều bắt đầu từ câu 3241 đến 3254, hoàn toàn là lời Nguyễn Du, không phải lời nhân vật. Ngẫm hay muôn sự tại trời, Trời kia đã bắt làm người có thân. Bắt phong trần phải phong trần, Cho thanh cao mới được phần thanh cao. Có đâu thiên vị người nào, Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai, Có tài mà cậy chi tài, Chữ tài liền với chữ tai một vần. Đã mang lấy nghiệp vào thân, Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa. Thiện căn ở tại lòng ta, Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Lời quê chắp nhặt dông dài, Mua vui cũng được một vài trống canh. Câu cuối "Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh" là cách nói khiêm xưng, tránh đi cái họa bút mực dưới thời phong kiến. Theo tôi, ở đây còn một ý nghĩa nữa: Nguyễn Du viết Truyện Kiều là muốn hướng tới người đọc bình dân (người quê), cho nên ông viết thơ Nôm. Ông tin rằng, người đọc bình dân vẫn còn mang nhiều thiên tính tự nhiên, sẽ không bị ràng buộc bởi những giáo lý; và bất cần giáo lý thì cũng được "mua vui" cùng nhau trong những tối rảnh rang hoặc cùng nhau lao động. Sự thật, Truyện Kiều đã đi vào hậu thế bằng sự lưu truyền qua tâm hồn của những người lao động. Ngày 2/12/2015, Tổ chức Liên minh Kỷ lục Thế giới đã xác nhận kỷ lục thế giới mới dành cho Truyện Kiều: "Tác phẩm văn học tạo nên nhiều kỷ lục quốc gia nhất" (trong 27 kỷ lục quốc gia, có kỷ lục nhiều người đọc nhất). Nếu có ai hỏi, người Việt Nam thuộc câu Kiều nào nhất, tôi dám chắc đó là câu "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài". Trong Lễ kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Nguyễn Du được tổ chức vào ngày 5/12/2015 tại TP Hà Tĩnh, bà Katherine Muller Marin - Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam khẳng định: Tác phẩm Nguyễn Du đã có mối liên hệ chặt chẽ với các lĩnh vực trọng tâm của UNESCO như khát vọng hòa bình, chủ nghĩa nhân văn, giá trị gia đình, truyền thống văn hóa.. và dẫn câu "Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài" như một phương châm sống, một giá trị văn hóa tốt đẹp của con người trong mọi đất nước, mọi thời đại. Vậy, có thể nói, chủ đề chính của Truyện Kiều là chữ Tâm. Ở Truyện Kiều cũng như thơ chữ Hán, Nguyễn Du nhiều lần bày tỏ sự thương cảm sâu sắc những con người tài sắc thường bị vùi dập, oan khổ. Ở Truyện Kiều cũng như thơ chữ Hán, Nguyễn Du nhiều lần bày tỏ sự thương cảm sâu sắc những con người tài sắc thường bị vùi dập, oan khổ. Ông cũng tự xếp mình vào đó "Phong vận kỳ oan ngã tự cư". Mặc dù ông viết "Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài đi với chữ tai một vần" nhưng không có nghĩa là ông phủ định chữ Tài. Ông hiểu rõ, chữ Tài mới làm nên sự hoàn thiện nhân cách, làm cho cuộc đời lấp lánh. Chữ Tài là một yếu tố của Cái Đẹp, của hạnh phúc. Thúy Kiều, Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải.. đều là người có tài, vì thế tình yêu của họ mới đẹp, họ mới có những giây phút hạnh phúc tuyệt đỉnh. Nhưng tại sao Nguyễn Du lại có vẻ khinh bạc chữ Tài đến thế? Là vì ông nhận ra một quy luật, một quy luật bất biến, bị chi phối bởi Trời và cả Người. Trời cho người này tài thì phải chịu số kiếp gian truân. Người tài thì phải va chạm nhiều, va chạm nhiều thì bị đố kỵ nhiều. Nhưng có Tài thì dù gian truân, dù khổ cũng vượt lên được. "Thánh nhân đãi kẻ khù khờ". Người đã khù khờ mà còn gian truân thì nhân loại tuyệt diệt! Đây là sự tổng kết hiện thực, tổng kết lịch sử, là chân lý tuyệt đối. Khinh bạc chữ Tài còn là vì đem so với chữ Tâm. "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài". Tâm là gì? Trước hết đó là tấm lòng. Người có tài thường hay oan khổ nhưng không phải tất cả. Kim Trọng, Vương Quan có tài nhưng có khổ đâu. Chỉ Thúy Kiều là khổ, vì nàng mang chữ Tâm quá lớn. Lụy vì Tâm. Chưa chi đã khóc Đạm Tiên là người đời xưa. Rồi vì Tâm mà bán mình chuộc cha. Rồi vì Tâm mà khuyên Từ Hải ra hàng. Tục ngữ nói "Thương người hại mình" là thế. Xét về phương diện gây khổ, rõ ràng chữ Tâm quá bằng ba chữ Tài! Chữ Tâm bằng ba chữ Tài còn là một giá trị sống, một con đường dẫn tới hạnh phúc. Nguyễn Du là nhà tư tưởng lớn, đã là nhà tư tưởng lớn phải chỉ cho con người con đường đi tới hạnh phúc. Truyện Kiều có giải pháp ấy. Và giải pháp là chữ Tâm. Tâm là một thái độ ứng xử, một lối sống vị tha, khoan dung. Có được vị tha, khoan dung cũng dựa trên hiểu biết, trên cái Tài thật sự. Bán mình chuộc cha, tha bổng cho Hoạn Thư, thậm chí khuyên Từ Hải ra hàng là vì đại cục, vì muốn để cuộc sống yên bình, không muốn hàng triệu con dân khác phải chết vì nạn binh đao. Tâm còn là An tâm. Thúy Kiều có than thở "Khi sao phong gấm rủ là/ Giờ sao tan tác như hoa giữa đường"; "Giết chồng rồi lại lấy chồng/ Mặt nào còn đứng ở trong cõi đời"; nhưng không ân hận về những hành động theo tấm lòng của mình, dù nó có bắt nàng chịu nhiều khổ nhục. Khuyên Từ Hải ra hàng vì hai chữ hiếu trung, vì lo cho cả Từ Hải. Nàng an tâm chấp nhận mọi hoàn cảnh sống "Thân lươn bao quản lấm đầu; Lớn ra uy lớn, tôi đành phận tôi". Được sống đã là một hạnh phúc! Vì thế, Kiều quyên sinh lần nào, Nguyễn Du cứu sống lần ấy. Làm người biết chấp nhận hoàn cảnh, sẽ tìm cách vượt lên nó sau, còn trước hết nên chấp nhận nó, tìm lấy hạnh phúc trong ngay cả những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất! Tâm còn là Tâm tính, tức thiên tính, tính cách tự nhiên của con người mình. Thúy Kiều là người hiếu nghĩa, hiếu trung, đa tình thì nàng sống theo bản tính ấy của mình. Và bởi sống theo bản tính ấy một cách mạnh mẽ, triệt để mà nàng đau khổ nhưng cũng có tuyệt đỉnh hạnh phúc mà người thường không có, thành người của muôn đời phải nhớ. Đã là tính tự nhiên thì không thay đổi được. Sống mà đổi tính tức là tha hóa. Và cũng sẽ không có hạnh phúc. Trong cuộc đời, dù khắc nghiệt đến mấy, vẫn có những bối cảnh hợp với tâm tính mình. Đến nơi ấy ở, bỏ điều tham không phải sức mình, không phải tính mình, cũng tức là con đường hạnh phúc. Nguyễn Du không nói chỉ người tài giỏi mới có hạnh phúc. Tất cả mọi người đều có thể hạnh phúc, nếu nhận ra tâm tính mình, hoàn cảnh phù hợp với mình và sống với lẽ sống vị tha. 3, Lại bàn về đoạn kết của Truyện Kiều - Trần Đình Sử Bấm để xem Đã có nhiều người bàn về đoạn kết Truyện Kiều, có ý kiến cho rằng để Kim Kiều tái hợp trong cái tình "cầm kì", một thứ hôn nhân không có sex, không đẻ con để nối dõi tông đường, không làm vợ và không làm mẹ, chỉ làm bạn, "Khi chén rượu, khi cuộc cờ, Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên" như là một bạn giai, là một cái kết đoàn viên gượng gạo. Nhà thơ Xuân Diệu cũng tán thành là gượng gạo, song ông lại cho rằng cái kết ấy, những lời Kiều kể lại thân thế chìm nổi ô uế của mình, có giá trị tố cáo xã hội sâu sắc mà ông đã gọi là "Bản cáo trạng cuối cùng" do nạn nhân tự nói ra, có vẻ được một thời độc giả tán thưởng. Tôi thấy đó cũng là một cách hiểu, không hẳn đã sai. Nhưng từ năm 2015, kỉ niệm 250 năm năm sinh Nguyễn Du đã có người nói lại, phê bình cách hiểu xã hội học ấy. Tôi thấy phê bình như vậy là cần thiết, bởi không nên chỉ hiểu tác phẩm chỉ trên một bình diện xã hội. Tình cờ gần đây tôi được có dịp tham gia trong một cuộc "Đọc lại Truyện Kiều" do Viện Goethe Hà Nội tổ chức, nghe được nhiều ý kiến diễn giải mới về đoạn kết. Vì nguyên tắc không được tiết lộ danh tính khi chưa được các tác giả cho phép, tôi chỉ nêu qua các ý kiến ấy như những thông tin mới đáng được suy nghĩ, bàn luận. Với khuynh hướng nữ quyền, có ý kiến xem đó là cách để người nữ thoát khỏi sự phụ thuộc vào người nam trong hôn nhân, hướng tới tự do. Kết như thế cũng là cách để không mếch lòng đối với Thuý Vân, người em gái hiền thục đã phải hứng lấy mối tình của chị. Tuy nhiên tôi nghĩ, người đọc hiểu và phân tích thế nào là một chuyện, còn tìm hiểu xem tác giả đã hiểu thế nào với cái kết ấy là một chuyện khác, cần phải được tìm hiểu cẩn thận, có căn cứ thuyết phục. Trong cái kết này có ba chi tiết quan trọng cần được làm rõ. Đó là việc cô Kiều bỏ chăn gối với chồng là chàng Kim Trọng, bỏ đàn và chia tay với Giác Duyên. Tình tiết quan trọng nhất trong cái kết truyện này là cuộc "đoàn viên" của Thuý Kiều và Kim Trọng. Như mọi truyện xưa, nam nữ hết nạn chia xa, được gặp mặt, đoàn viên là hết chuyện. Nhưng số phận Kiều rất đặc biệt, do 15 năm lưu lạc, trong đó có hai lần làm gái lầu xanh, ong qua bướm lại đã thừa xấu xa, cho nên ngày gặp lại Thuý Kiều không tránh khỏi tình cảm hổ thẹn. Nhưng trong nguyên tác, tác giả không muốn dừng lại giản đơn như thế, mà muốn nâng cao lên, biến Kiều thành một cô trinh nữ đặc biệt. Tuy thân thể đã không còn trinh, mà tinh thần thì vẫn trinh nguyên sắt đá. Một lòng tôn trọng chữ trinh. Lí do mà Kiều nêu ra để từ chối chăn gối cùng Kim Trọng, là người phụ nữ đi lấy chồng thì phải trinh tiết, sáng như như trăng rằm, như hoa thơm phong nhụy, như ngọc không có tỳ vết. Nay Kiều đã trăng khuyết hoa tàn rồi, thì từ chối chăn gối là để tôn trọng chữ trinh đó. Và quyết dùng thái độ cự tuyệt đó để đề cao ý thức chữ trinh của mình. Điều này đã được lời Tựa của Thiên Hoa Tàng Chủ nhân khẳng định rành rành. Lúc đầu, Kim Trọng cũng nghĩ rằng Kiều nói từ chối chăn gối, chỉ là nói điều cần nói, còn khi vào cuộc thì nàng sẽ sống theo thiên tính tự nhiên của người đàn bà mới 30 tuổi. Nhưng không, Kiều đã quyết cự tuyệt, và Kim Trọng đã phải kêu lên: "Hóa ra hiền thê không phải là đàn bà, hiền thê là thánh hiền hào kiệt. Kim Trọng tôi với đôi mắt sáng chỉ biết nàng là phu nhân, là chưa biết hết, nay mới biết thêm nàng đã tự coi mình là liệt phụ nghìn xưa. Nàng đã như thế thì quên tình đi cũng được. Kim Trọng tôi đâu còn dám trăng gió được nữa". Nói rồi hai người chỉnh lại y phục, Kim Trọng vái Kiều như vai một liệt phụ, còn Kiều lại vái Kim Trọng do chàng đã giúp cho Kiều thực hiện được giấc mơ làm liệt phụ. Hóa ra cái kết "Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ" là do cái ý muốn nêu một tấm gương trinh tiết, liệt phụ, sống theo khuôn mẫu, chứ không nhằm tố cáo tội ác xã hội nào cả. Chỗ này chắc chắn là ông Xuân Diệu đã nhầm. Việc Kiều nhắc lại chuyện trăng khuyết hoa tàn ở đây không nhằm tố cáo ai, mà chỉ nhằm làm cơ sở để cho nàng tự phong mình là thánh hiền hào kiệt. Vì muốn nêu gương tiết liệt, cho nên, lẽ ra chuyện hai người từ chối làm tình trong quan hệ vợ chồng, vốn là một chuyện rất riêng tư giữa hai người, không cần phải cho ai người ngoài biết làm gì. Nhưng vì muốn nếu gương, nên phải nói cho người ngoài biết mới phát huy được vai trò tấm gương. Thế là Kiều nói với Vân cho Vân biết, Vân lại nói cho bố mẹ, bố mẹ lại nói cho em Vương Quan, và cả nhà đều lấy làm lạ lùng và đều khen Thuý Kiều. Vậy là cuộc tình "cầm cờ" là do Kiều muốn nêu gương tiết liệt mà nên vậy. Sau nhiều năm ê chề nhục nhã, giờ được tái sinh, Kiều không muốn sống một cuộc sống bình thường, thế tục, mà lại muốn sống đời của một đấng liệt phụ để cho đời sau ca ngợi, thật là một điều rất đáng tiếc. Tuy nhiên, xét một mặt khác, kết như vậy vẫn có cái lí của nó. Kiều đã qua 15 năm, nhiều năm làm đĩ, giờ lại lấy chống, không khỏi có cảm giác xấu hổ, từ chối là thành thật. Về phía Kim Trọng tuy là cưới người yêu cũ, những cũng đã làm đĩ nhiều năm, cũng không danh giá vẻ vang gì. Về phía gia đinh Vương ông, tìm được con gái là mừng, nhưng con đã làm đĩ, cũng khổ tâm. Đối với Thúy Vân, thái độ của Kiều khiến cho Vân ít thấy mất mát. Như vậy là cái kết đoàn viên này khiến cho cả nhà âi ai cung x được thỏa mãn, êm đẹp. Dầu vậy, theo tôi cái kết này đã làm giảm sút giá trị của Kim Vân Kiều truyện rất nhiều. Cô Kiều vốn đáng yêu đáng thương bao nhiêu bây giờ có vẻ đáng ghét bấy nhiêu, vì cô muốn làm bậc thánh, mà không muốn làm người thế tục. Cô cũng không hề thương Kim Trọng đã chờ mong cô không biết bao nhiêu tháng ngày, để cự tuyệt chàng. Một yếu tố rất phản nhân văn, đậm đặc tính chất nho giáo kiểu Tống Nho, "diệt nhân dục, tồn thiên lí". Điều này có lẽ là do thiên hướng thuyết giáo của Thanh Tâm Tài Nhân, chứ theo tính cách cô Kiều, thì cô khó mà có thể làm liệt nữ. Điều đáng chú ý là trong bài Tựa viết cho Kim Vân Kiều truyện của Thiên Hoa Tàng chủ nhân thì chính ông này khẳng định chủ đề trinh và dâm của tác phẩm và nhân vật. Đại phàm hễ thân bị đục mà tâm trong thì dâm mà hóa trinh, còn như thân không bị đục mà tâm đục thì tuy bề ngoài xem lf trinh mà thực ra là dâm vậy. Nhịn món chăn gối chính là cách để Kiều chứng minh cho mọi người thấy mình thân tuy bị đục, mà tâm vẫn trong, vậy là cô vẫn trinh đó. Đó chỉ là một mớ ngụy biện. Đó cũng là lí do giải thích vì sao cô Kiều không đi tu theo vãi Giác Duyên được, vì đi tu thì không thể làm liệt nữ. Cô thắp hương thơ Phật trong nhà chỉ là" "Giác Duyên hờ chút nghĩa người", là sự vì nghĩa theo quan niệm nho giáo, chứ không phải vì mộ đạo Phật. Cô vẫn có như cầu lấy chồng. Nhưng cô Kiều cũng chỉ trinh liệt có một nửa. Bởi vì cô không từ bỏ hẳn sự tiếp xúc thân thể của hai vợ chồng, cô vẫn cùng Kim Trọng "âu yếm vành ngoài", chỉ kiêng có một khâu cuối cùng mà thôi, và như vậy cũng không thể nói là cô bỏ hẳn tính dục. Điều đó cũng thể hiện tính phản tự nhiên và giả dối trong ý đồ của tác giả Trung Quốc. Thi hào Nguyễn Du khi kể lại cái kết này đã diễn lại rất hay những lời đau đớn của Kiều, bỏ đi lời than của Kim Trọng, nhưng nhà thơ của chúng ta vẫn tuân theo nguyên tác, nhưng đã làm nhạt đi cái chí làm người tiết liệt của Kiều và sự ngạc nhiên bất ngờ của Kim Trọng, khiến người đọc bớt được cú sốc, giảm bớt cái chí của Kiều. Lời lẽ của Kiều rất dỗi chân thành: "Nàng rằng phận thiếp đã đành, Có làm chi nữa cái mình bỏ đi. Nghĩ chàng nghĩa cũ tình ghi, Chiều lòng gọi có xướng tuỳ mảy may. Riêng lòng đã thẹn lắm thay, Cũng đà mặt dạn mày dày khó coi. Nhưng như âu yếm vành ngoài, Còn toan mở mặt với người cho qua. Lại như những thói người ta, Vớt hương dưới đất bẻ hoa cuối mùa, Cũng là giở duốc bày trò, Còn tình đâu nữa, là thù đấy thôi. Người yêu ta xấu với người, Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau." Nếu trong nguyên tác, Kiều tỏ ra muốn làm người tiết phụ nghìn xưa, thì trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cực tả cảm giác hổ thẹn của Thuý Kiều và Kim Trọng của ông không thấy ý chí muốn làm người liệt nữ trong các lời lẽ phân trần ấy. Và mặt khác Kim Trọng của ông cũng thể tất nhân tình hơn Kim Trọng của Tàu. "Bấy lâu đáy bể mò kim, Là tìm vàng đá phải tìm trăng hoa." Tất nhiên Nguyễn Du vẫn trung thành với nguyên tác khi viết: Cho hay thục nữ chí cao ", nếu ta hỏi" chí cao "đây muốn làm gì? Thì câu trả lời vẫn là chí muốn làm một người trinh liệt, không thể trả lời khác được, và ở đây vẫn để lộ ra ý muốn thuyết giáo của tác phẩm. Nhưng điều khác biệt là ở chỗ, nếu nguyên tác chủ yếu là thể hiện ý chí nêu gương đạo hiếu, đạo trinh, đạo trung, tiết, nghĩa, thì trong Truyện Kiều, Nguyễn Du nêu đạo tu Tâm, một chủ đề có thiên hướng Phật giáo. Đã mang lấy nghiệp vào thân, Cũng đừng trách lẫn Trời gần Trời xa, Thiện căn ở tại lòng ta, Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài". Nếu nguyên tác nặng về nêu gương Trung Hiếu Tiết Nghĩa, Trinh, thì Truyện Kiều nghiêng về Thiện căn và tu Tâm. Chữ Tâm này không thuần túy Phật hay nho, mà hòa trộn nho phật theo tư tưởng Minh nho. Cho đến nay việc cô Kiều bỏ đàn vẫn hơi khó hiểu. Tài đàn là một trong những cái tài của nhân vật. Bài đàn của Kiều đã bày tỏ tình thương đối với bao nhiêu nữ nhi bạc mệnh thì sao lại bỏ đi? Trong bản đàn tái hợp Nguyễn Du đã gửi vào đó biết bao khát khao tình yêu, tình dục đằm thắm thì sao lại bỏ? Có phải cây đàn và tiếng đàn gây nên tai họa cho Kiều đâu? Vậy đây vẫn là chi tiết khó hiểu của truyện.