Mở bài Hồn Trương Ba, da hàng thịt gián tiếp

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi ThuyTrang, 29 Tháng sáu 2022.

  1. ThuyTrang artist/writer

    Bài viết:
    199
    Mở bài Hồn Trương Ba, da hàng thịt gián tiếp

    "Đầu xuôi, đuôi lọt" – phần mở bài của một bài văn nghị luận văn học chỉ khoảng 5 – 7 dòng nhưng nếu không "xuôi" thì sẽ tiêu tốn mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến chất lượng cả bài; không "xuôi" còn khó có thể tạo ấn tượng đối với người đọc, khó khiến người đọc "yêu" ngay từ cái nhìn đầu tiên. Vậy làm thế nào để viết được một mở bài vừa ấn tượng, vừa nhanh gọn không mất nhiều thời gian?

    Ngoài cách mở bài trực tiếp: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, giới thiệu đoạn trích và nêu vấn đề, các bạn nên làm quen với cách mở bài gián tiếp. Một trong những cách mở bài gián tiếp dễ nhớ "công thức" nhất là đưa ra một câu danh ngôn, hoặc một vài câu thơ, nhận định văn học.. sau đó mới giới thiệu đến tác giả, tác phẩm, đoạn trích và vấn đề nghị luận.

    Có thể khái quát thành công thức:

    Dẫn thơ (nhận định, danh ngôn, ca dao) -> tác giả -> tác phẩm -> đoạn trích -> vấn đề nghị luận.

    Tùy từng trường hợp có thể đảo trật tự nhưng nhìn chung là phải đầy đủ các bước giới thiệu trên.

    Sau đây là phần mở bài gián tiếp cho bài phân tích màn đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt, hồn Trương Ba và Đế Thích:

    [​IMG]

    Mở bài cho màn đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt:

    Mở bài số 1:

    Danh ngôn có câu: "Tự do tư tưởng là sức sống của linh hồn." (Voltaire) Vậy nếu không có tự do tư tưởng, chẳng phải linh hồn đã chết hay sao? Nhân vật hồn Trương Ba trong vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" vì phải sống trong thân xác người khác mà suy nghĩ, tư tưởng, khát vọng.. đều bị chi phối bởi thân xác. Không được sống là mình, hồn vô cùng đau khổ. Tâm trạng bi kịch và khát vọng tự do mãnh liệt của hồn Trương Ba được Lưu Quang Vũ tái hiện thành công trong màn đối thoại giữa hồn và xác:

    "..."

    (trích câu đầu – câu cuối đoạn kịch)

    Mở bài số 2:

    Kinh Phật có dạy rằng: "Người ta không có tự do khi không làm chủ được chính mình." Phải sống nhờ vào thân xác hàng thịt, nhân vật hồn Trương Ba trong vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" bị xiềng xích bởi sự khuất phục thể xác thô phàm, trở thành kẻ nô lệ khi không được làm chủ chính tư tưởng, cảm xúc của mình. Quãng đời đau khổ và khát vọng sống mãnh liệt của hồn Trương Ba đã được nhà viết kịch Lưu Quang Vũ tái hiện thành công trong màn đối thoại giữa hồn và xác:

    "..."

    (trích câu đầu – câu cuối đoạn kịch)

    Mở bài số 3:

    "Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới" (Mác-xen Pruxt). Với đôi mắt tinh tế, nhạy cảm của một nhà văn luôn trăn trở với những vấn đề nóng bỏng của thời đại, Lưu Quang Vũ đã sáng tạo truyện cổ tích dân gian "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" thành một vở kịch hiện đại giàu triết lý nhân sinh. Nếu trong truyện cổ tích, nhân vật hồn Trương Ba sau khi nhập xác hàng thịt được sống vui vẻ, hạnh phúc bên người thân thì Lưu Quang Vũ đã nhận thấy bao điều vênh lệch, phi lí khi hồn này sống trong thân xác nọ. Nhà văn đã dựng lên tấn bi kịch đau đớn của Trương Ba khi bị thân xác điều khiển để rồi rơi vào tâm trạng đau khổ, bức bối.. đến tột cùng. Bi kịch đó phần nào được tái hiện qua màn đối giữa hồn và xác:

    "..."

    (trích câu đầu – câu cuối đoạn kịch)

    Mở bài số 4:

    Danh ngôn có câu: "Con người nếu thiếu đi cái tôi thì cũng giống như một cỗ máy." Từ khi phải sống trong thân xác thô phàm, nhân vật hồn Trương Ba (Kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" – Lưu Quang Vũ) không còn được sống trọn vẹn với cái "tôi" của mình mà phải chịu sự điều khiển của thân xác. Đau khổ, bức bối, tuyệt vọng, hồn cháy lên khát vọng mãnh liệt: Được sống là mình, sống đúng với những gì mà mình khát khao, theo đuổi. Khát vọng ấy được Lưu Quang Vũ tái hiện thành công trong màn đối thoại giữa hồn và xác:

    "..."

    (trích câu đầu – câu cuối đoạn kịch)

    Mở bài cho màn đối thoại giữa hồn Trương Ba và Đế Thích:

    Mở bài số 5:

    Đề cao sự sáng tạo trong văn chương, V. Huy-go cho rằng: "Bình thường là cái chết của nghệ thuật." Khát vọng sáng tạo mãnh liệt đã thôi thúc mỗi nhà văn tìm ra trong cái bình thường những vấn đề không bình thường và thể hiện khám phá mới mẻ ấy trên trang giấy. Truyện cổ tích "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" im lìm ngủ hàng ngàn năm với cái kết hồn được sống vui vẻ, hạnh phúc trong thân xác khác đã bị "đánh thức" bởi cách khám phá cuộc sống mới của nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ. Hồn không còn được sống vui vẻ, hạnh phúc nữa, vì sự vênh lệch hồn – xác mà phải trải qua đoạn đời vô cùng đau khổ. Thấm thía bi kịch bị tha hóa, bị người thân xa lánh, hồn cháy lên khát vọng giải thoát, khát vọng được sống là chính mình. Khát vọng chính đáng, rất "con người" ấy được Lưu Quang Vũ tái hiện thành công trong màn đối thoại giữa hồn và Đế Thích:

    "..."

    (trích câu đầu – câu cuối đoạn kịch)

    Mở bài số 6:

    Danh ngôn có câu: "Cái đẹp bắt đầu vào khoảnh khắc bạn quyết định là chính mình." Thấm thía quãng đời đau khổ khi phải sống trong nghịch cảnh éo le hồn này xác nọ và bị thân xác điều khiển, tha hóa, nhân vật hồn Trương Ba (Kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" – Lưu Quang Vũ) cháy lên khát vọng mãnh liệt: Được sống là chính mình. Khát vọng ấy đã thôi thúc Trương Ba đi đến quyết định gọi Đế Thích để giải thoát cho mình. Màn đối thoại giữa hồn Trương Ba và Đế Thích không chỉ thể hiện khát vọng sống chính đáng và nhân cách cao đẹp của Trương Ba mà còn là nơi Lưu Quang Vũ gửi gắm những quan niệm nhân sinh về cuộc sống:

    "..."

    (trích câu đầu – câu cuối đoạn kịch)

    Trên đây là một số mở bài cho bài phân tích một số đoạn trích trong vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" – Lưu Quang Vũ. Bài viết chỉ mang tính tham khảo, khuyến khích các bạn hãy tự viết mở bài cho bài làm văn của chính mình.
     
    Chỉnh sửa cuối: 1 Tháng bảy 2022
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...