Có một cách mở bài mà các bạn học sinh giỏi văn rất hay dùng đó làm mở bài theo kết cấu đầu cuối tương ứng. Không giống như các mở bài và kết bài khác, chỉ cần đúng form dẫn - nêu là được, mở kết đầu cuối tương ứng còn cần thêm một yêu cầu nữa đó là sự liên kết trong mở bài và kết bài. Hiểu một cách đơn giản, trong mở bài bạn dẫn bằng cách gì thì ở dưới kết bài hãy nhắc lại dẫn liệu đó và nâng cao lên. Sau đây mình xin gửi tới các bạn ba ví dụ về cách mở kết tương ứng này nhé. 1, Bàn về sự khiếm khuyết :(dùng biểu tượng) Mở bài: Người Nhật Bản có một thuật ngữ là "Kintsugi" chỉ một loại hình nghệ thuật cổ xưa có thể biến gốm vỡ thành những kiệt tác hồi sinh từ vàng. Hình ảnh những chiếc bình gốm bị vỡ được hàn gắn bằng bằng vàng và trở thành tác phẩm "thuộc loại đắt đỏ nhất ở đất nước hoa anh đào" đã khiến tôi thay đổi cách nhìn nhận của mình về những "vết nứt" - thứ tưởng chừng là thứ vô dụng, gây hại. Nhưng phải chăng, chính những vết nứt, những khiếm khuyết ấy lại là cơ hội giúp con người hoàn thiện và tốt đẹp hơn giống như những chiếc bình vỡ bằng vàng của người Nhật? Kết bài: Tôi luôn mong muốn mình trên hành trình sau này sẽ giống như chiếc bình gốm bằng vàng kia, dù có tan vỡ, có đau thương, có thất bại nhưng vẫn sẽ luôn mạnh mẽ và không để mình trở thành vô nghĩa. Dù cuộc đời khiến cho ta đau đớn đến đâu, hãy dùng chất vàng của ý chí, nghị lực để tự tạo giá trị cho mình, để những mảnh vỡ cũng có thể là sức mạnh của bạn. 2, Phải chăng sống là tỏa sáng? (Mở bằng câu chuyện) Mở bài: Tôi từng đọc một câu chuyện kể về ngọn nến vì sự ích kỉ mà đã tự tắt khi đang cháy được một nửa để không bị tan chảy hết. Để rồi sau đó, người ta đã cất nó vào trong tủ và thay bằng đèn dầu. Trong ngắn kéo tăm tối, nến hiểu ra rằng hạnh phúc của nó là được cháy sáng, dù có thể cháy với ánh lửa nhỏ và dù sau đó nó sẽ tan chảy đi, bởi vì nó là ngọn nến. Và cũng vì chúng ta là con người, chỉ có một cuộc đời để sống nên phải chăng, chúng ta cần sống tỏa sáng để không ân hận như ngọn nến kia? Kết bài: Tôi đã từng như ngọn nến ích kỷ kia, chẳng dám cháy hết mình vì nỗi sợ phải hi sinh. Nhưng rồi tôi đã hiểu, sống như ngọn nến ích kỷ kia thì còn gì là sống. Tôi hi vọng chính bản thân mình trên chặng đường tương lai sẽ luôn có dũng cảm để chạy hết mình dù bạn thân có đau đớn ra sao, nhưng điều quan trọng là tôi đã đem lại ánh sáng cho đời, làm được những gì ý nghĩa. 3, "Cuộc sống không có giới hạn, chỉ trừ những giới hạn do chính con người tạo ra". Mở bài: Trong phim "Tây du kí", Tôn Ngộ Không là một nhân vật tinh thông 72 phép biến hóa, thông minh tài trí. Thế nhưng Tề Thiên Đại Thánh lại bị khắc chế bởi chiếc vòng kim cô trên đầu mà Bồ Tát đưa cho Đường Tăng. Hình ảnh chiếc vòng kim cô ấy khiến tôi liên tưởng đến những giới hạn của cuộc sống mà con người chỉ là một "cây sậy" nhỏ bé, chúng ta có thể làm gì được? Liệu rằng con người sẽ cam chịu bị khuất phục bởi những giới hạn? Tôi có thể tin rằng điều đó sẽ không xảy ra, bởi "Cuộc sống không có giới hạn, chỉ trừ những giới hạn do chính con người tạo ra". Kết bài: Có những lúc tôi tự thấy mình thật nhỏ bé trước cái vòng kim cô mà cuộc sống đặt ra. Nhưng theo thời gian, tôi chợt nhận ra cuộc sống không bị giới hạn trong những góc phố, những căn nhà mà chật chội trong chính những suy nghĩ của mình, những "vùng an toàn" mà tôi chưa dám bước ra. Tôn Ngộ Không đã trải qua một hành trình dài vượt qua gian khổ và thay đổi bản thân mới được tháo chiếc vòng kim cô, còn tôi cũng đang trên hành trình để khám phá cuộc sống, để thấy rằng "Cuộc sống không có giới hạn, chỉ trừ những giới hạn do chính con người tạo ra".