LIỆU RẰNG TRONG TƯƠNG LAI SẼ CÓ MỘT NGÀY CHÚNG TA "KHÔNG CÒN GÌ ĐỂ SỢ NỮA". Tôi đã từng chia sẻ về một bài viết về tác dụng tích cực của nỗi sợ, và tôi cũng đã từng sợ rất nhiều thứ để rồi những nỗi sợ đó đã giúp tôi mạnh mẽ hơn và trưởng thành hơn. Hồi còn bé xíu, tôi sợ đủ thứ trên đời, cũng giống như những đứa trẻ khác tôi sợ cảm giác bị cha mẹ mắng, tôi sợ bị ngã, sợ cảm giác thua kém với người khác, sợ những con vật kỳ lạ mà tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ dám đụng vào nó, sợ ma.. Thời gian qua đi, những nỗi sợ cũng dần dần biến mất, và chỉ còn sót lại một vài thứ mà tôi cho rằng đó không còn là nỗi sợ đơn giản như một đứa trẻ con thường nghĩ, những nỗi sợ đó lớn dần và phát triển trở thành một thứ mà tôi không bao giờ muốn nó xảy ra dẫu biết mình không thể can thiệp được vào cái quy luật của tự nhiên đó. Tôi vẫn nhớ cảm giác hổi nhỏ, khi tôi sợ một thứ gì đó, tôi có thể khóc, có thể kể với bố mẹ, và trong lòng tôi cảm thấy vô cùng ấm áp vì có người thân là chỗ dựa là nơi tôi được sống một tuổi thơ an toàn và hạnh phúc. Nhưng cái cảm giác đó dần dần phai đi, tôi không biết tự khi nào tôi không còn muốn rơi nước mắt vì bất cứ điều gì nữa. Tôi đã tự nhủ ngay từ khi bước vào môi trường nội trú hồi THCS: "Tôi sẽ cố gắng và rèn luyện, trau dồi bản thân để có thể vượt qua hết tất cả nỗi sợ mà trong lòng tôi luôn vướng bận". Nhưng y như rằng tôi sợ cái gì thì y như rằng nó sẽ xảy đến rất nhanh. Đó có thể là một loại giác quan thứ 6 hoặc một dự đoán từ những chuỗi sự kiện diễn ra trước đó. Tuy rằng cảm giác giác sợ hãi khiến con người rơi vào trạng mất tinh thần, mất năng lượng tức thời, nhưng thực chất tôi luôn cảm nhận có một nguồn sức mạnh nào đó ẩn chứa trong nỗi sợ ấy. Nó có thể là một dạng năng lượng vượt mức kiểm soát, một trạng thái mà não bộ và những luồng suy nghĩ bình thường khó có thể đón nhận được, nhưng nếu kiểm soát được và đón nhận nỗi sợ thì điều kỳ diệu luôn xảy đến. Ví dụ: Trạng thái phẫn nộ và nổi dậy của một người hiền lành khi dồn vào bước đường cùng. Nổi bật là nhân vật Chị Dậu trong tác phẩm của Ngô Tất Tố. Khi mà nỗi sợ mất người thân, mất tự do trở thành nguồn sức mạnh "không còn gì phải sợ nữa". Trạng thái cận kề cái chết của một người trong giai đoạn nguy kịch. Ý chí và nghị lực sống có thể giúp họ vượt qua sinh tử. Nỗi sợ mất người thân, mất cơ hội hoàn thành ước mơ, mất tất cả.. Động lực của nỗi sợ rất lớn có thể khiến người chết sống lại được. Trạng thái mất mát luôn khiến con người vượt qua giới hạn và những nỗi sợ của bản thân. Một đứa trẻ sinh ra thì chưa biết gì để mà sợ. Một người chưa bao giờ đói, chưa chứng kiến hoặc nhìn thấy cảnh đói nghèo sẽ không hiểu cảm giác sắp chết đói là như thế nào. Một người con thừa hưởng tất cả gia sản, được nuông chiều về vật chất ngay từ bé sẽ không biết cảm giác kiếm tiền vất vả như thế nào. Một người khoẻ mạnh chưa ốm đau sẽ không biết sức khoẻ quan trọng như nào. Một người rảnh rỗi, chưa gặp áp lực về thời gian, sẽ không hiểu thời gian quý giá như thế nào. *Nói tóm lại, tất cả mọi hoạt động phát triển của nhân loại đều bắt nguồn từ việc gặp khó khăn, thất bại rồi hình thành nỗi sợ, từ nỗi sợ có người sẽ né tránh nó, có người sẽ dũng cảm đối mắt với nó. Chính khoảnh khắc từ lúc sợ đến khi vượt qua nỗi sợ sẽ giúp bản thân làm nên điều kỳ diệu và nó chính là năng lượng để nhân loại tồn tại và phát triển. Nếu bạn cảm thấy mình không còn gì để sợ nữa, hãy tìm cho mình một nỗi sợ và cố gắng vượt qua nó. Tại sao ư? Cứ thử rồi sẽ biết. Tôi không tin không sẽ có ai sống đủ lâu để không còn bất kỳ nỗi sợ nào nữa trong cuộc đời. Trừ khi họ không biết hoặc chưa từng trải qua mà thôi. <tobe continue> Cảm ơn vì đã đọc bài viết này. #TrinhTuanCuong