I. GIỚI THIỆU CHUNG 1. Về tác giả: Kim Lân (1920 - 2007) là nhà văn chuyên viết truyện ngắn. Ông hầu như chỉ viết về cảnh làng quê và người nông dân bằng tất cả tình yêu của một người vốn am hiểu sâu sắc và gắn bó máu thịt với cuộc sống ở nông thôn Việt Nam. 2. Về văn bản: Truyện ngắn Làng được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ năm 1948. II. TÌM HIỂU CHI TIẾT 1. Nỗi nhớ làng gắn với tinh thần kháng chiến của ông Hai: - Khi buộc phải rời làng đi tản cư: Tâm trí ông Hai luôn hướng về làng, về cuộc kháng chiến đang diễn ra ở làng. Ông da diết nhớ làng, muốn về làng để được tham gia cách mạng. - Tác giả đã diễn tả thật sinh động những biểu hiện tình cảm ấy của ông Hai: + Ông Hai đến phòng thông tin để nghe lỏm tin chiến sự. + Nghe được bao nhiêu là tin hay - tin giết giặc khắp nơi, ông Hai vui lắm: Ruột gan ông lão cứ múa cả lên. 2. Diễn biến tâm trạng của ông Hai khi nghe tin đồn làng theo giặc: - Tin làng Chợ Dầu theo giặc đến với ông Hai một cách quá đột ngột, khiến ông sững sờ. + Ban đầu, ông Hai còn có chưa tin việc làng theo giặc là sự thật. Nhưng rồi những người tản cư đã kể lại rành rọt khiến ông Hai không thể không tin. + Tin đồn mà ông Hai vừa nghe được dã đánh trúng vào lòng tự hào về làng của ông Hai, khiến ông choáng váng, xấu hổ, nhục nhã, nước mắt cứ trào ra vì tủi thân, vì thương con. + Ông Hai đã nắm chặt hai tay lại và rít lên, nỗi đau khổ của ông đã lên đến tột đỉnh, biến thành nỗi uất ức. Bình tâm lại, ông Hai nghi ngờ tính xác thực của tin đồn đó. + Ông điểm lại trong trí mình từng người ở lại làng chiến đấu, thấy họ là những người có tinh thần cách mạng cao đến thế, chẳng lẽ lại theo giặc hết hay sao. + Nhưng rồi những lời nói của những người tản cư dường như vẫn còn vang lên rõ ràng bên tai ông Hai, khiến ông hoang mang, dẫu không muốn mà ông Hai vẫn phải tin lời người đàn bà tản cư. - Từ lúc nghe tin làng theo giặc, tâm trí ông chỉ còn cái tin dữ ấy. Nó trở thành nỗi ám ảnh day dứt. Ông Hai không dám đi đâu, không dám ra đường, chỉ quanh quẩn trong nhà. Ông sợ gặp mọi người, sợ gặp cả mụ chủ nhà. - Ông Hai bị đẩy vào tình thế bế tắc, tuyệt vọng, bị dồn đến đường cùng: Không thể ở lại đây được nữa, cũng không thể đưa gia đình di dâu, càng không thể về làng, về làng tức là chịu quay lại làn nô lệ cho thằng Tây. Thậm chí ông thấy mình tuyệt đường sinh sống: Rồi đây biết làm ăn, buôn bán ra sao? Ai người ta chứa. Ai người ta buôn bán mấy. - Ông Hai đã có một sự lựa chọn dứt khoát: Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù. Với ông Hai, lúc này, tình yêu nước đã rộng lớn hơn, bao trùm lên tình cảm làng quê. - Trong tâm trạng bị dồn nén và bế tắc ấy, ông chỉ còn biết trút nỗi lòng của mình vào những lời thủ thỉ, tâm sự với đứa con nhỏ ngây thơ. Ông tâm sự với con mà thực chất là tự nhủ với mình, tự giãi bày nỗi lòng mình và cũng tự minh oan cho mình. Dẫu làng theo giặc nhưng bố con ông vẫn ủng hộ cách mạng, ủng hộ Cụ Hồ. 3. Nỗi vui mừng của ông Hai khi biết việc làng theo giặc chỉ là một tin đồn thất thiệt: - Cái mặt buồn thỉu mọi ngày của ông Hai bỗng trở nên vui vẻ hẳn lên. - Ông mua quà chia cho các con. Ông lật đật đi khắp nơi, múa tay khoe với mọi người: Tây đã đốt làng, đốt nhà ông rồi, đốt nhẵn. Làng bị phá, nhà bị đốt nghĩa là làng ông không theo giặc, vẫn là làng kháng chiến. Đó là niềm vui thật kì lạ, thể hiện một cách cảm động tinh thần yêu nước của người nông dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Đối với họ, trước hết và trên hết là Tổ quốc, họ sẵn sàng hi sinh tất cả vì Tổ quốc, vì đất nước mình. 4. Nghệ thuật miêu tả tâm lí, ngôn ngữ nhân vật: - Tác giả miêu tả rất cụ thể, diễn biến nội tâm của nhân vật qua các ý nghĩ, hành vi, ngôn ngữ. Đặc biệt, tác giả diễn tả rất đúng và gây ấn tượng mạnh mẽ về sự ám ảnh, day dứt trong tâm trạng nhân vật. Điều đó chứng tỏ Kim Lân am hiểu sâu sắc về người nông dân và thế giới tinh thần của họ. - Ngôn ngữ rất đặc sắc, đặc biệt là ngôn ngữ của nhân vật ông Hai: + Mang đậm tính khẩu ngữ và lời ăn tiếng nói của người nông dân. + Lời trần thuật và lời nhân vật có sự thống nhất về sắc thái, giọng điệu do được trần thuật chủ yếu theo điểm nhìn của nhân vật ông Hai. + Vừa có nét chung của người nông dân lại vừa mang đậm cá tính của nhân vật nên rất sinh động. II. KẾT LUẬN 1. Về nội dung: Qua nhân vật ông Hai, nhà văn Kim Lân đã thể hiện chân thực, sâu sắc và cảm động tình yêu làng quê và lòng yêu nước, tinh thần kháng chiến của người nông dân phải rời làng đi tản cư. 2. Về nghệ thuật: Tác giả đã thành công trong việc xây dựng tình huống truyện, trong nghệ thuật miêu tả tâm lí và ngôn ngữ nhân vật.