Tôi thì chưa được làm đến tổ trưởng, cao nhất là hồi cấp 3 được làm cán sự thôi (cái chức vụ gần như là hình thức trong lớp, hiểu nôm na là trong lớp có mấy bạn học khá môn nào đó sẽ được bầu làm cán sự phụ trách môn đó để hỗ trợ, giúp đỡ các bạn học tốt môn đó, nó giống như trợ giảng khi lên đại học ấy) nghe thì oai nhưng vẫn ở dưới tổ trưởng, chỉ có tiếng khi đi thi thôi vì mấy đứa yếu môn sẽ hỏi bài. Tôi có chơi với đứa lớp phó lao động nên biết nó vất vả như thế nào, phải quán xuyến ai là người trực nhật, trực tuần, có khi phải ở lại lớp muộn để theo sát, đốc thúc cái đứa làm nhiệm vụ đó (có khi nó trốn luôn). Chưa kể là khi lớp phải lao động, quét dọn khi trường phân công thì lớp phó lao động là người phải nhảy vào làm đầu tiên để còn làm gương chứ, mà nếu lớp có bị nhắc nhở thì lớp phó lao động sẽ phải chịu trách nhiệm. Thế nhưng cũng tuỳ trường hợp ấy, nếu được cô hay thầy ưu ái thì nó lại khác. Hồi lớp 6 tôi cũng ngồi cạnh một thằng lớp phó lao động, nó nghịch thì khỏi bàn nhưng nó lại được cô ưu ái nên hầu như mấy việc của nó, nó chỉ làm qua loa hoặc đứng nói vài câu rồi đi ra chỗ khác chơi. Chẳng bao giờ nó lao động cùng lớp cả, có thì cũng viện cớ là sức khoẻ yếu để trốn việc.
+ Lớp phó trưởng, lớp phó có thể thiếu. Bởi vì hai tụi nó có thể bù trừ cho nhau khi tụi nó nghỉ. Ngoài ra còn có nắm bí thư vâng vâng. Nhưng lớp phó lao động mà nghỉ thì hạnh kiểm vệ sinh của cả lớp sẽ thành bãi chiến trường quân sự luôn. Tầm quan trọng. + Lớp phó lao động cũng không phải là người đổ mồ hôi hột, khi cả lớp không ai giơ tay trong những câu kiểm tra khó của giáo viên. + Lớp phó lao động làm chỉ huy cho việc bảo vệ môi trường. Và cả lớp dễ nghe và làm theo thay vì lớp trưởng. Đơn giản, lớp trưởng kêu cả lớp chỉ im lặng thì có mấy ai nghe. Nhưng lớp phó lao động kêu mấy đứa cầm chổi quết lớp thì nó lại làm theo tương tất. + Lớp phó lao động được sự tính nhiệm cao hơn lớp trưởng, và chịu áp lực thấp hơn những chức vụ khác. + Lớp trưởng phải cần mét cô khi tụi lớp bắt nạt mình. Lớp phó lao động khỏi nói, thì cô cũng biết tình hình, phi tới như một đấng cứu thế cứu nó. Đơn giản vì trực nhật là trách nhiệm, không làm thì bị trừ hạnh kiểm lớp và bản thân. Mà khi xét đến lịch trực thì cũng bao che không nổi. Vì vậy, lớp phó lao động là trùm cuối thứ hai, đứng sau trùm cuối thứ nhất là cô giáo. Nên hãy tự hào vì mình là lớp phó lao động đi.
Thấy mấy bạn kể trải nghiệm về lớp phó lao động hay ghê. Tính ra vẫn thấy được điểm chung là tuy chức danh nghe khá sáo rỗng nhưng mà lúc làm thì lại trông ngầu ngầu ấy nhỉ
Lớp phó lao động có khi còn bị gọi là "lớp phó vệ sinh" vì phụ trách phân công trực nhật và làm vệ sinh lớp. Thực sự lớp phó lao động là một chức vụ không cần thiết và cũng không quan trọng. Trong suốt thời giàn 37 năm dạy học tôi đã chủ nhiệm 36 lớp (có năm sáng chủ nhiệm một lớp, chiều chủ nhiệm một lớp), tôi luôn chú ý tinh giản cán bộ lớp sao cho gọn nhẹ nên nhiều khi lớp không có phân công lớp phó lao động. Các học sinh sẽ trực nhật theo lịch phân công mỗi ngày mà giáo viên chủ nhiệm đã phân công từ trước theo thứ tự bàn. Đến giờ chủ nhiệm các em sẽ tự nộp báo cáo cho giáo viên chủ nhiệm. Nếu có lớp phó lao động thì tôi thường phân công kiêm thêm một chức vụ khác để giảm số cán bộ lớp xuống, tránh tình trạng "quan chức quá nhiều". Ví dụ lớp phó lao động thường kiêm thêm tổ trưởng, lớp phó lao động kiêm thêm Bí thư đoàn. Nhiều năm nếu tôi có lớp trưởng giỏi hoặc lớp phó học tập giỏi thì các em này cũng có thể tự điều động và phân công các bạn trực nhật theo yêu cầu của giáo viên chủ nhiệm được.
Có một bạn là cô giáo trẻ thành viên của VNO mình, năm nay cô đang làm giáo viên chủ nhiệm lớp 10, cô có gởi tin nhắn cho tôi qua messenger hỏi: Không có lớp phó lao động thì lớp không có đủ nhân sự cán bộ lớp thì làm sao đạt thứ hạng thi đua cao được? Đây là ý kiến của tôi, binh pháp của danh tướng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trong Vạn Kiếp tông bí truyền thư (thường gọi tắt là Vạn Kiếp binh thư) có câu "Binh quý hồ tinh bất quý hồ đa". Nghĩa là dụng binh khi đánh trận chỉ cần binh tinh nhuệ không cần binh nhiều. Nếu chúng ta có hoặc đào tạo được cán bộ lớp giỏi thì chỉ cần ba bốn em làm cán bộ lớp là đủ, không cần nhiều. Lớp có điểm thi đua cao hay không là do tình hình học sinh lớp và kỹ năng của giáo viên chủ nhiệm chứ không phải do có lớp phó lao động hay không.
Xin được nói có sách, mách có chứng, người thật việc thật, chứ không phải áp đặt tư duy cho việc không cần có nhiều cán bộ lớp mà lớp vẫn có thứ hạng thi đua cao: Đây là bằng khen của lớp chủ nhiệm thứ 36 của tôi trong niên học vừa qua. Năm lớp 11, lúc đó chủ nhiệm là giáo viên khác, các em trong lớp này có 2 em nam và 2 em nữ tham gia đánh lộn với các em ở hai lớp khác. Kết quả là lớp 11 có 4 em bị ra Hội đồng kỷ luật của nhà trường và bị hạ bậc Hạnh kiểm. Lớp 12A14 là do nhà trường phân công tôi chủ nhiệm. Lớp của tôi chỉ có 4 cán bộ lớp và 4 tổ trưởng (tổng cộng 8 / 55 em). Bốn cán bộ lớp gồm: Lớp trưởng - Lớp phó học tập - Lớp phó thủ quỹ và Bí thư chi Đoàn lớp, hoàn toàn không có lớp phó lao động, lớp phó kỷ luật và lớp phó văn thể mỹ. Dù cán bộ lớp rất ít nhưng HK1, HK2 và Cả Năm lớp đều được tuyên dương khen thưởng. Học tập Giỏi - Khá đạt 100%, không em nào vi phạm những nội quy cấm của nhà trường, Hạnh kiểm tốt 100%, thi tốt nghiệp lớp 12 đậu tốt nghiệp 100%.
Chia buồn với bạn chủ thớt vì bơ vơ hết cả 7 năm mà vẫn chưa nhận ra ý nghĩa chức danh của mình. Cơ mà biết đâu được đấy, một ngày đẹp giời lại nhận được cái confession viết 'thân gửi bạn lớp phó lao động lớp abcxyz, tớ thích/thương/ghét cái ánh mắt của bạn mỗi khi bạn nhìn tớ ghê. Ra về hẹn bạn ở cổng trường, chúng mình gặp nhau nói chuyện tí nhé'. Đấy, nghe cái là nhận ra mình luôn thông qua cái chức danh còn gì. Ờ ờ, nói vui vậy thôi, chứ theo tớ thật ra thì lớp phó lao động là cái đứa sẽ auto bị cô/thầy giáo dí mỗi khi lớp có lao động/khối có lao động/ thậm chí là toàn trường có lao động. Tóm lại cứ mỗi lần ở đâu có lao động mà liên quan đến lớp là nó chắn chắn sẽ được yêu thương mà điểm mặt gọi tên. Thật ra thì càng lớn lên, cái chức lớp phó lao động càng ít quan trọng, chứ hồi be bé thì nghe qua cũng oách phết vì ít nhiều gì cũng là cán bộ lớp. Chưa kể, làm cái chức này, dù mang tiếng là ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, nhưng mỗi lần bình bầu đánh giá điểm thi đua là không bao giờ bị đánh giá thấp. Cơ mà với mấy đứa chả quan tâm lắm chuyện đánh giá hạnh kiểm như tụi tớ thì kiểu gì cũng được. Thế nên, thích thì làm, không thích thì không làm cũng chẳng sao. Khi bọn tớ lên cấp 3, lớp phó lao động là cái thằng nghịch giặc nhất, toàn đầu têu bọn tớ trốn việc đi chơi, đi ăn ốc, đi ném xoài của trường. Được cái, hội cán bộ lớp hồi đó cũng hòa đồng với nhau, từ đứa lớn nhất, đến đứa bớt lớn hơn, rồi kể cả là đám dân đen nhãi nhép như bọn tớ cũng hùa vào mấy trò nghịch dại đó. Nên là, trên thực tế, lớp phó hay lớp trưởng, hay là ai cũng được, còn là học sinh thì cố gắng tận hưởng cái quãng thời gian tươi đẹp này, cố gắng tham gia vào mấy trò quậy quậy ấy (ờ thì tất nhiên là đừng có làm gì quá đáng quá là được), vì chắc chắn sau này nhắc lại thời học sinh, bạn sẽ chẳng nhớ được bao nhiêu điểm tốt mà bạn từng có nhưng bạn luôn luôn sẽ nhớ mấy trò tinh quái mà mình từng tham gia. Òa, giờ tự nhiên thấy được câu hỏi về hồi còn là học sinh, nhớ ghê vậy đó.
Lớp phó lao động lớp mình kiểu có cũng như không luôn, không cần làm gì hết á, phân công trực nhật, lao động trường gì đó toàn lớp trưởng làm. Ngay cả lớp phó học tập cũng chỉ có cái chức thôi, chứ bao nhiêu công việc đều dồn cho bạn lớp trưởng. Đôi khi thấy tội lớp trưởng thực sự. Chắc chỉ có mỗi lớp mình vậy chứ thấy các lớp khác lớp trưởng, lớp phó đều phân công rõ ràng nhiệm vụ, việc ai nấy làm, không có kiểu đẩy cho lớp trưởng đâu. Nói chung thì tùy mỗi lớp, mỗi trưởng mà cảm nhận làm lớp phó lao động sẽ khác nhau thôi.
Cái này theo tôi thì là lớp phó lao động được xem là người sẽ giám sát, đánh giá và báo cáo lại tình trạng trực nhật của lớp cho giáo viên chủ nhiệm. Ngoài ra thì lớp phó lao động được xem như là người làm cầu nối giữa học sinh với tổng phụ trách, cập nhật và phổ biến cho cả lớp về các vấn đề về vệ sinh và việc trồng cây xanh, thông báo lao động tình nguyện của trường. Ngoài những việc đã nêu trên lớp phó lao động cũng sẽ là một học sinh bình thường không có nghĩa vụ làm hết hay nhiều hơn. Nhưng vấn đề hiện nay là ở nhiều lớp hay nhiều trường đang có thói quen làm lấy lệ nên việc bầu lớp phó lao động xong để đó "trưng bày sản phầm", nhưng việc dù là việc của nhưng bộ phận khác như học tập hay văn nghệ có thể đều sẽ bị giáo viên lôi đi với câu nói "Lớp phó cũng sẽ phải đi nha!" và thế là có cái cớ muôn thuở. Vậy nên là nếu bạn cảm thấy có những biểu hiện không hài lòng tốt nhất là nói với thầy cô xin từ chức, còn nếu bạn không thể xin thì đành nhờ ba mẹ thôi, còn nếu ba mẹ cũng bận thì tốt nhất bạn nên cho một màn kịch khóc lóc kể lể như thế sẽ dễ dàng trong việc lấy cảm xúc và từ chức hơn À tui không khuyến cáo các bạn làm theo cách cuối nha tại vì nó sẽ gây ra tiếng tăm (có thể là lời đồn tiêu cực chẳng hạn). Ý kến của tôi thôi!
Mình không phải lớp phó lao động, nhưng con lớp phó lao động của lớp mình hồi đại học rất thân dân. Nó kêu làm lớp phó lao động rất vui, nhất là khi có thể bịa ra các loại hoạt động như dọn rác trên một khu vực nhất định để kể cả đứa ngại tham gia hoạt động ngoại khóa nhất trong lớp cũng đủ cơ hội kiếm điểm rèn luyện.