Khăn hồng Tác giả: Nguyễn Bính Nguyễn Bính sinh ngày 13-2-1918 tức mồng ba Tết năm Mậu Ngọ với tên thật là Nguyễn Trọng Bính tại thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Đội (nay là xã Cộng Hòa), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định là một nhà thơ lãng mạn nổi tiếng của Việt Nam. Ông đã sáng tác nhiều thể loại như thơ, kịch, truyện thơ.. Các tác phẩm của Nguyễn Bính chia thành hai giai đoạn là lãng mạn và cách mạng nhưng dòng nào cũng số lượng rất lớn và để lại nhiều dư âm, giá trị trên thi đàn văn học. Bài thơ "Khăn hồng" in trong tập "Lỡ bước sang ngang" do nhà xuất bản Hương Sơn phát hành. Viết về tình yêu có lẽ ta đã đọc và thấu nhiều. Nhưng viết về một thứ cảm xúc thông cảm, chia sẻ cho nhau về tình yêu có lẽ Nguyễn Bính là một trong những thi nhân lần đầu khai thác. Cả hai nhân vật trữ tình trong bài thơ đều mang nặng nỗi niềm tâm sự khi đều có những mối tình dở dang, trắc trở. Kẻ bước sang ngang, người lỡ chuyến đò, chỉ còn chiếc khăn hồng chị trao em làm chỗ dựa. Để mỗi khi em khóc, có chiếc khăn như chị ở bên. Tác phẩm không chỉ đơn thuần viết về chuyện tình yêu mà đó còn là lời nhắn nhủ về sự thủy chung, sắc son của mỗi người đối với người thương. Và có những cảm xúc không được gọi tên nhưng lại có tác động sâu sắc lên tâm hồn và nơi sâu thẳm nhất của trái tim. Gửi chị Chị cho em chị chiếc khăn thêu, Ý chị thương em khóc đã nhiều, Khóc chị ngày xưa, giờ lại khóc Cho mình khi tắt một tình yêu. Em nhớ mùa thu năm ngoái đây, Em sang thăm chị, ở hai ngày. Vắng người, em có thưa cùng chị: - Em đã yêu và đã đắm say. Đưa ảnh người yêu cho chị xem, (Cả thư người ấy gửi cho em) Chị cười: "Đáng sợ là đôi mắt, Chưa khóc đêm nào đến sáng đêm. Em cứ yêu đi! Thực thuỷ chung Yêu đi! Rồi chị tặng khăn hồng.. Bao giờ? Vui hỉ.. về ăn cưới, Chắc chả như khi chị lấy chồng." Em đi theo đuổi mãi tơ duyên, Dò mãi lòng sông, sắm mãi thuyền. Cho đến một hôm em mới nhớ: "Lòng người.." chị Trúc nhớ hay quên? Người ta đi lấy cái giàu sang, Quên cả keo sơn cả đá vàng. Mới nửa đời thôi em phải khóc, Hai lần hai truyện "bước sang ngang". Em đi mất tích một mùa xuân, Đi để chôn vùi "hận ái ân". Không hiểu nghe ai mà chị biết Em về, chị gởi một vuông khăn. Em đã dùng khăn chị để lau, Bao nhiêu nước mắt của u sầu. Em còn sợ nữa mùa thu tới, Người ấy còn đan áo nữa đâu! Em vẫn nghe lời chị: Thuỷ chung, Cho nên khăn chị vẫn phai hồng. Đem thân về ở vườn dâu cũ, Buồn cũng như khi chị lấy chồng.