Hiện Thực Và Lãng Mạn trong tác phẩm Tắt Lửa Lòng của Nguyễn Công Hoan

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ột Éc, 13 Tháng mười 2022.

  1. Ột Éc

    Bài viết:
    2,951
    Hiện Thực Và Lãng Mạn Trong Tác Phẩm Tắt Lửa Lòng Của Nguyễn Công Hoan

    1. Hiện Thực:

    Trong giai đoạn 1930 - 1945 với tình hình lịch sử - xã hội có nhiều biến động: Thực dân Pháp thi hành chính sách bóc lột kinh tế để thu lợi nhuận, khiến đời sống nhân dân vô cùng khốn khổ; không những thế họ còn thực hiện chính sách "khủng bố trắng" nhằm đàn áp cuộc khởi nghĩa Yên Bái và phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Hai chính sách đó làm mâu thuẫn dân tộc và giai cấp trở nên gay gắt, quyết liệt. "Tắt lửa lòng" là tác phẩm thể hiện rõ khuynh hướng hiện thực phê phán.

    [​IMG]

    Bức tranh đời sống hiện lên ngay đầu tác phẩm, đó là hình ảnh: "Chuyến ô tô hàng xình xịch đến Chợ Gỏi." Nhân vật Điệp được đi học trong khi hoàn cảnh gia đình cơ cực, vất vả, thiếu thốn về mặt vật chất: "Đầu đội mũ trắng sờn vành, mình mặc áo thâm tây vá, chân đi giày đanh tra mòn gót, tay xách va ly vải vàng cụt một quai." Sự mệt mỏi, cực khổ của bà Cử đi bán hàng về hiện lên rõ nét: "Bà Cử vừa mệt, vừa nực, mồ hôi nhễ nhại, ngồi phệt ngay ở đầu hè." Ông Phủ Trần với quyền lực, uy nghi khiến lính lệ khiếp sợ: "Ông bóc các công văn ra xem rồi vặn chuông gọi. Tên lính đương ngồi xổm ở ngoài cửa, im phăng phắc như con chó đá, bỗng dạ giật một tiếng, rồi chạy choàng vào đứng chắp tay để chờ lệnh." Cảnh tường thằng Vũ lạnh run người vì ăn mặc thiếu thốn: "Thằng Vũ quắt như con cá mắm, ở trong nhà chạy ra, hai tay thu trong bọc, hai hàm răng cầm cập, đứng nhún nhảy cạnh một tên lính cầm một chiếc đèn tây", hay cảnh Tư Kềnh bệnh nằm cố chịu đựng sự đau đớn giày vò: "Chống tay xuống phản, nhăn cái mặt nhăn nheo nứt rạn, ngồi lại chiều khác, ra dáng đau đớn lắm" khiến ta không khỏi căm phẫn, chua xót, xúc động, đầy thương cảm.

    Bức tranh thiên nhiên được nhà văn miêu ta chân thật, gần gũi: "Trời xanh ngăn ngắt. Ánh nắng chói chang chiếu xuống mặt nước ruộng long lanh chói như mặt gương. Hơi cỏ hai bên vệ đường bốc lên, đưa thoảng nhẹ vào mũi một mùi quen quen dễ chịu, cái mùi" quê nhà ".".. Hoa, gió, nước, mây, sông, cánh cò, đồng ruộng, lũy tre.. Qua những cách miêu tả trên, ta thấy cảnh đẹp nơi thôn quê dân dã, mộc mạc, thân thương. Còn cảnh thiên nhiên thành thị vui tươi, nhộn nhịp nhưng mang nét u buồn. Thông qua đó tác giả đề cao những con người có đời sống cơ cực, nghèo khó nhưng vẫn giữ phẩm chất tốt đẹp. Tác giả phê phán sự giàu có, vô trách nhiệm, thối nát, vô nhân đạo của giai cấp tư sản thành thị đang dần làm tha hóa đạo đức con người.

    Tác phẩm còn thể hiện mỗi con người với những tính cách, hoàn cảnh, số phận, bi kịch khác nhau như: Điệp điển hình cho tầng lớp trí thức tiểu tư sản, Lan điển hình cho người con gái thủy chung, Bà Cử, Ông Tú điển hình cho tấm lòng hy sinh cao cả của người cha người mẹ đối với con cái, Ông bà Phủ, ông Hoàng Xuân Long, Thúy Liễu điển hình cho giai cấp tư sản áp bức, bóc lột những con người nhỏ bé trong xã hội.

    Tác giả phê phán, đả kích bọn quan lại, địa chủ một cách thẳng thắn, sâu cay và bênh vực, đứng về phía những người lao động nghèo khổ, chịu sự áp bức, bóc lột bần cùng để nói lên tiếng nói cần có sự bình đẳng, quyền lợi, công bằng, tự do và hạnh phúc.

    2. Lãng mạn:

    "Tắt lửa lòng" đề cao mộng tưởng, tình cảm, yêu thương, tự do của cá nhân. Cách đối thoại giữa hai nhân vật Lan và Điệp cũng mang đậm tính lãng mạn, thi vị hóa: "Tôi không ngờ đâu tôi bị cả vũ trụ chán ghét, mà được một cô yêu quí. Tôi không ngờ đâu tôi chán ghét cả vũ trụ, mà tôi yêu quí một mình cô.", "Tôi muốn rằng ta không xuống đến chân đồi nữa, mà cũng đừng ai lên quấy rối làm gì. Chỉ có cô với tôi, ta sống bằng cái đời ái tình hơn cái đời vật chất.", "Nguyên tôi vẫn ước có một ngày được cùng cô chon von ở một nơi cao vút, xa cái xã hội có người, nên tôi thích lắm.".. Qua những chi tiết trên, ta thấy tình yêu của họ thật đẹp, trong sáng, tinh khiết từ những điều đơn sơ, mộc mạc đến niềm mơ ước nhỏ bé, không thích mưu cầu, không màng đến danh lợi, vật chất.

    [​IMG]

    "Tắt lửa lòng" không chỉ phản ánh hiện thực bất công, đen tối mà còn thể hiện tiếng nói đấu tranh, đòi lại quyền tự do, công bằng. Tác giả miêu tả bức tranh đời sống chân thực với cái tốt lẫn cái xấu, nhưng kết cục chỉ có cái tốt tồn tại vĩnh hằng, bất biến. Tác phẩm đã nêu lên những vấn đề mang giá trị, ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đề cao nhiều triết lý đạo đức, tình yêu, con người. Tác giả muốn gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp và phê phán lối sống hiện đại đầy xa hoa, tiền tài, địa vị đang làm thay đổi đạo đức, cách sống, lối nghĩ của con người.
     
    Chỉnh sửa cuối: 13 Tháng mười 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...