Chào các bạn, Chắc chắn rằng mỗi người chúng ta ai cũng đã từng mơ, cũng rất nhiều người đã thử cố gắng giải thích giấc mơ của mình. Nhưng tôi tin 99% bạn đọc đều chưa biết cách giải mã những giấc mơ cũng như chưa hiểu tầm quan trọng mà giấc mơ đem lại. Điều đầu tiên tôi xin nhấn mạnh quá trình giải mã giấc mơ đều dựa trên nghiên cứu về phân tâm học của Sigmund Freud và quấn sách giải mã giấc mơ của ông. Để mở đầu chúng ta hãy cùng xem giấc mơ của một người phụ nữ. "Tôi nhìn bản thân mình trong gương, tôi bỗng thấy mình bị hói đầu hoàn toàn. Thức giấc, tôi vội vàng chạy đến trước tấm gương để kiểm chứng, bởi hình ảnh của giấc mộng này quá mãnh liệt". Đây là một kiểu giấc mơ thường xảy ra ở phụ nữ. Chúng ta đều biết "cái răng cái tóc là góc con người" - từ thời xa xưa mái tóc đã đại diện cho vẻ đẹp khuân mặt. Nên giấc mơ rụng tóc xuất phát từ nỗi lo sợ đánh mất nhan sắc hay sức quyến rũ của bản thân. Nhưng trong giấc mơ chúng ta vừa kể nó còn đi xa hơn khi không chỉ là rụng tóc bình thường mà là hói đầu hoàn toàn. Nếu đào sâu hơn tìm hiểu người phụ nữ này đang lo sợ mất đi quyền lực, sức sáng tạo, sự năng động của tuổi trẻ của mình. Giấc mơ chính là đại diện cho những ham muốn sâu kín nhất bên trong tiềm thức bản thân con người. Mỗi ngày trôi qua chúng ta cố gắng tìm hiểu về kinh tế, tìm hiểu về cuộc sống, tìm hiểu xem người khác nghĩ gì nhưng đã bao giờ các bạn tự hỏi bản thân mình thật sự muốn gì? Để trả lời câu hỏi có cần thiết phải giải mã giấc mơ hay không? Tôi sẽ kể cho các bạn nghe một giấc mộng mang tên "câu chuyện tình yêu" được trích trong mục 2 chương 4 quấn giải mã giấc mơ của Sigmund Freud. Một thiếu nữ mồ côi từ nhỏ được chị gái nuôi lớn. Chị gái của cô có 2 người con trai người con cả là Otto đã không may qua đời, người thứ hai là Charlie. - Cháu rất yêu quý thằng bé, gần như có thể nói Otto do cháu nuôi lớn, chẳng ai biết được cháu đau buồn thế nào khi Otto qua đời.. tất nhiên cháu cũng rất thích Charlie, chỉ là cháu luôn cảm thấy Otto đáng yêu hơn. Nhưng cháu muốn nói với bác một chuyện khác, đó là giấc mơ đêm qua của cháu. - Ồ giấc mơ như thế nào? - Cháu.. cháu mơ thấy Charlie bắt chéo 2 tay trước ngực, nằm cứng đơ trong chiếc quan tài nhỏ. Cảnh tượng rất giống với tang lễ Otto năm xưa. Nhưng trong mơ cháu lại không cảm thấy đau buồn. Bác từng nói mơ để thỏa mãn nguyện vọng, lẽ nào nguyện vọng của giấc mơ này là Charlie chết đi? Đó là con trai quý báu duy nhất của chị cháu.. Cháu là người nhẫn tâm vậy sao? Các bạn có thể thấy dù chỉ là giấc mơ nhưng nó khiến thiếu nữ phải khổ sở với những suy nghĩ của bản thân mình khi cô ấy không hiểu thực sự giấc mơ này muốn thể hiện điều gì. Quay trở lại câu chuyện người thiếu nữ. Vì được chị gái nuôi từ nhỏ nên những người cô ấy tiếp xúc phần lớn là bạn bè tới thăm gia đình chị của cô. Trong đó có một người cô đã phải lòng từ cái nhìn đầu tiên. Quý ông đó cũng yêu cô ấy. Có một thời gian tưởng chừng hai người đã tiến đến hôn nhân, nhưng do sự phản đối kiên quyết của người chị mối tình đó đã phải chấm dứt và người đàn ông cũng tránh tới nhà cô. Cô ấy không thể quên được quý ông kia, nhưng lòng tự tôn khiến cô ấy không muốn chủ động tìm người ta, Không lâu sau con trai lớn Otto của chị cô mất Khi Freud hỏi cô: - Cháu còn nhớ trong tang lễ Otto đã xảy ra chuyện gì không? - Tất nhiên là nhớ ạ, cháu nhớ rất rõ trong tang lễ của otto, cháu được đứng gần anh ấy.. Đó là lần đầu tiên cháu gặp lại anh ấy sau khi chia tay một thời gian dài. Ông nói với thiếu nữ: - Nguyện vọng trong giấc mơ này của cháu là tình yêu. Cháu biết rõ nếu một người con trai khác của chị cháu cũng qua đời, nhất định cháu sẽ gặp lại người ta trong tang lễ, ở 1 khoảng cách gần. Cháu tha thiết muốn gặp anh ta 1 lần, nhìn ngắm anh ta thật kỹ, nội tâm cháu luôn giằng xé vì chuyện này, đó là nguyện vọng từ nay về sau sẽ luôn khiến cháu không được yên lòng. Lúc này thiếu nữ tội nghiệp bị tình yêu giày vò lặng lẽ gật đầu. Nếu không được giải đáp về mục đích thực sự của giấc mơ, hẳn cô ấy sẽ còn tự trách bản thân mình về ý nghĩ độc ác muốn đứa cháu trai của mình chết. Tôi tin nhiều người xem cảm thấy quen thuộc với đoạn trên. Một câu hỏi trong đề thi của Fbi được lan truyền trên mạng. Lúc đó tôi cũng cũng thắc mắc ông nào nghĩ ra được đề thi quái quỷ này. Tới giờ tôi mới ý thức được. Hóa ra FBI không tuyển nhân viên điều tra mà tuyển người từng đọc Giải Mã Giấc Mơ. Tôi biết những điều tôi vừa nói có thể khác xa với thế giới quan mà các bạn từng được biết. Nhưng nếu các bạn cùng tôi đi hết hành trình này nó sẽ là một trải nghiệm vô cùng thú vị. Truyện tự mình biên soạn nên còn nhiều sai sót mong các bạn đóng góp ý kiến. Xin chân thành cảm ơn
Xin chào các bạn, ở phần trước chúng ta đã làm quen với nhau. Ở phần này chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu giấc mơ được sinh ra từ đâu. Đầu tiên chúng ta phải nói tới lý thuyết về bộ 3 trong nhân cách của con người của Freud. Ý thức con người và tất nhiên bao gồm cả tiềm thức không phải là 1 thể thống nhất, thực tế nó cấu thành tử rất nhiều bộ phận. Các bộ phận này hợp tác hỗ trợ, kìm hãm thậm chí chống lại nhau. Cũng có thể nói mỗi người chúng ta luôn trong trạng thái tự đấu tranh và biện chứng với chính mình. Có nhiều phiên bản dịch khác nhau nhưng tôi xin sử dụng: Cái nó, cái tôi và cái siêu tôi. Tôi rất thích ví dụ trong các bộ phim hoạt hình disney, khi phải đối mặt với lựa chọn đều sẽ xuất hiện 2 người tí hon, 1 người thường mặc đồ đen đại diện cho sự xấu xa, còn 1 người mặc đồ trắng đại diện cho lòng tốt. 2 người này không ngừng thuyết phục đương sự, mục đích dụ dỗ hoặc cảnh báo gây ảnh hưởng để đương sự nghiêng về phe mình. Nhưng hai người tí hon đó có thật sự tồn tại. Chính xác là có. Cái nó Chính là ham muốn nguyên thuỷ của con người. Chẳng hạn các bản năng như thèm ăn khi đói, muốn uống nước khi khát hay ham muốn tình dục với người khác giới. Cái nó không có khái niệm thiện ác, cũng không có cảm giác hổ thẹn hoặc tội lỗi, chỉ là ham muốn thuần tuý mà thôi. Còn nhớ vụ thảm án ở Bình Phước. Khi nghi phạm bị từ chối tình cảm, có thể cảm xúc tức giận cùng với tình yêu làm mờ mắt. Cái nó đã bị kích động hoàn dẫn tới vụ việc đau lòng. Nói đến đây vấn đề xuất hiện: Vậy bình thường cái gì đã ức chế cái nó. Cái siêu tôi Được xuất hiện từ khi con người bắt đầu cất tiếng khóc chào đời. Cái siêu tôi được hình thành sau khi dung hòa các nhân tố bên ngoài như quy tắc, chuẩn mực xã hội, giá trị, giáo dục, pháp luật.. và rõ ràng cái siêu tôi cũng không hề tồn tại quan niệm thiện ác đúng sai, giống như cái nó đều có tính chất mù quáng. Cái siêu tôi căn cứ vào tiêu chuẩn quy tắc xã hội nơi mình sống. Không ngừng nói với bạn: "Bạn không thể làm thế", "Làm thế là không có đạo đức", "Bạn không được vượt đèn đỏ" "Bạn phải giúp cụ già đấy", "Bạn phải chịu đựng".. Cái siêu tôi là một loại ý thức phục tùng quy tắc tập thể. Xem đến đây tôi tin mọi người đã hiểu được nguyên mẫu của 2 người tí hon trong phim hoạt hình. Dù chúng ta sống hoàn toàn theo cái nó hay cái siêu tôi, đều dẫn đến sự diệt vong của bản thân cá thể. Vậy phải làm sao cho hợp lý, khi nội tâm con người luôn có 2 thế lực đấu tranh thì thành phần cuối cùng của bộ ba tâm trí Freud đã lên sàn: Cái tôi. Mục đích tồn tại của cái tôi chính là tiến hành chọn lọc sau khi đánh giá đề nghị của cái nó và cái siêu tôi, đưa ra quyết định hợp lý cho hành vi. Hãy cùng nhau lấy ví dụ cụ thể. Vào buổi sáng ngày thức 2 đẹp trời bạn vô tình dậy muộn và sắp đến giờ vào làm ở công ty. Bạn vội vàng phóng xe như bay với mong muốn kịp giờ làm. Bỗng nhiên bạn nhận ra đèn vàng ở ngã tư sở vừa hết và màu đỏ xuất hiện. Lúc này cái nó sẽ thúc giục bạn mau tăng tốc vượt qua để kịp giờ với hàng loạt lý do trừ lương, bị sếp mắng. Còn cái siêu tôi thì đưa ra hình ảnh các chú công an thân yêu, các vụ tai nạn khuyên bạn nên dừng lại. Lúc này nhiệm vụ của cái tôi thật khó khăn, trong vòng tích tắc phải đưa ra lựa chọn và sẽ thật may mắn bạn đã chọn dừng lại. Nhưng không phải lúc nào cái nó và cái siêu tôi cũng đối lập hoàn toàn. Lấy ví dụ ở công ty, bạn là trưởng phòng có 1 nhân viên mà bạn ghét. Nếu anh ta làm sai, việc nhắc nhở rõ ràng là điều cần thiết – phù hợp với chức năng của cái siêu tôi. Nhưng khi chúng ta phê bình trách móc người khác, có lúc là để uấn nắn chỉ bảo, nhưng có lúc cũng là lúc thỏa mãn niềm vui đứng trên đầu đúng đối tượng mà mình ghét. Đó là khi cả 3 nhân vật đều đã họp bàn với nhau và thống nhất hành vi được thực hiện thông qua sự hợp lý hóa của cái tôi. Ví dụ tiêu cực thì nhiều vô kể. Trốn học, trốn làm, tham ô, nhận hối lộ.. Chỉ cần một sự sai lệch trong đánh giá thiệt hơn của cái tôi cũng có thể dẫn tới hành động sai lầm – con người chính là như vậy. Để nói về bộ ba tâm trí của Freud thì bài viết dài cả mấy ngàn chữ cũng không được. Tuy nhiên hiểu được lý thuyết giải mã giấc mơ của freud, phải nhắc tới bộ ba này vì nó là bộ khung chính của tiềm thức. Tôi xin phép kết bài viết tại đây, để đọc phần đầu và phần tiếp theo các bạn có thể vào tường của mình nhé. Xin chân thành cảm ơn!