Đêm Tối Và Ánh Sáng - Torey Hayden

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi Chiracat, 22 Tháng sáu 2018.

  1. Chiracat Nhân Ngư Ham Việc

    Bài viết:
    589
    CHƯƠNG 8

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Rủi thay, mọi chuyện không phải lúc nào cũng tốt đẹp; cũng như trong Vườn Địa Đàng vẫn luôn có những con rắn chực chờ. Trong tháng đầu tiên ấy có hai vấn đề nảy sinh mà chúng tôi gần như không thể vượt qua nổi.

    Vấn đề đầu tiên có lẽ không quan trọng như tôi nghĩ. Tuy tiến bộ hơn rất nhiều so với những ngày đầu, nhưng Sheila vẫn nhất quyết không chịu làm bài tập. Hễ tôi đưa một mảnh giấy cho con bé thì nó sẽ xé nát ngay lập tức. Thỉnh thoảng khi bị tôi hay Anton nghiêm khắc dọa phạt, con bé sẽ không xé giấy ngay mà giả vờ như đang làm bài. Thế nhưng sau đó thì tôi cũng chẳng thấy bài tập của con bé đâu. Con bé sẽ xé nó thành từng mảnh, hoặc viết ngoằn ngoèo, hoặc vo lại một cục nhét dưới lò sưởi hay ném vào chuồng thỏ cho thỏ ăn.

    Tôi đã thử rất nhiều cách khác nhau để cải thiện tình hình. Tôi dán tờ giấy xuống bàn để con bé không thể cầm lên. Khi đó con bé liền viết nguệch ngoạc lên đó cho đến khi tờ giấy rách ra.

    Tôi đặt giấy bài làm vào bìa nhựa, con bé sẽ ngồi nhìn và cương quyết không chịu cầm viết chì màu lên. Thậm chí có một lần con bé còn ăn luôn cả cây viết màu. Tôi thử dùng đến sổ tay nhưng chúng đắt tiền hơn và tôi càng tức giận hơn khi chúng bị tiêu hủy ngay trong lần đầu tiên. Tôi thử áp dụng cách của cô Barthuly là bọc nhựa vở bài tập lại, và may mắn là chúng tôi không có máy điều hòa không khí. Đó là một giải pháp khá tốn kém và mất nhiều thời gian hơn, nhưng khi mang đến cho con bé, Sheila chỉ ngồi yên, không chịu làm gì cả. Tôi viết bài tập của con bé lên bảng, con bé sẽ lén xóa nó đi khi tôi không chú ý. Không có cách nào tôi nghĩ ra mà con bé không phá được.

    Tuy vậy, con bé không phải là không muốn làm bài tập. Bởi nếu bài tập đòi hỏi phải viết một câu trả lời, con bé sẽ không đụng đến, bất kể là môn nào; nhưng con bé không từ chối trả lời miệng để Anton, Whitney và tôi điền câu trả lời vào giấy cho nó. Bắt nó tự làm thì tuyệt nhiên không.

    Chẳng cần phải nói cũng biết việc này gây ra nhiều xung đột giữa chúng tôi. Tôi đã dùng tất cả những kỹ xảo của mình. Tôi phạt con bé trong góc phòng. Nhưng con bé chỉ ngồi bất động và im lặng thật lâu khiến tôi cảm thấy cách này không giải quyết được vấn đề. Tôi không muốn con bé bỏ lỡ quá nhiều việc chỉ để ngồi trên ghế. Không như tuần đầu tiên khi góc phòng là một phương tiện để khống chế hành vi của con bé, việc này hoàn toàn khác. Góc phòng đó vốn không được sử dụng như một hình phạt, vì vậy tôi không quan tâm khi bọn trẻ ngồi đó khóc lóc hay giãy nãy. Đơn giản là chúng mất khả năng kiểm soát và tôi muốn chúng ngồi ở đó để bình tĩnh trở lại. Nhưng khi một đứa đi đến đó, ngồi bất động, thì bỗng nhiên nó trở thành một hình phạt. Đôi khi phạt một vài phút có thể chấp nhận được, nhưng mỗi lần như thế thường không kéo dài quá lâu. Thế nên khi tôi phạt con bé trong góc và con bé đến đó, vẫn không chịu làm bài tập sau khi ngồi khoảng hai mươi phút, tôi liền thôi. Nếu tôi có chiến thắng trong cuộc đọ sức này thì việc đó cũng không quan trọng bằng việc giữ cho con bé hoạt bát và tham gia vào các hoạt động trong lớp. Hơn nữa, tôi e rằng có điều gì đó ẩn sau hành động dứt khoát không làm bài tập của con bé, bởi trừ khi đang nổi giận, ít khi Sheila từ chối làm điều đúng. Từ lâu chúng tôi đã thống nhất ai là người nắm quyền trong lớp học, và tôi không hề thấy con bé gây khó dễ gì về điều này. Ngoại trừ chuyện dứt khoát không làm bài tập ra, những việc khác con bé đều nỗ lực một cách kỳ lạ để làm tôi hài lòng, thế nên tôi càng không hiểu tại sao con bé lại phản ứng như vậy khi tôi giao bài tập.

    Đến cuối tuần thứ ba, tôi bị chuyện đó ám ảnh đến nỗi sau giờ học, tôi đã lao vào phòng nghỉ của giáo viên và trút giận lên những giáo viên khác. Đến tối anh Chad lại phải hứng chịu cơn giận dữ của tôi. Cuối cùng đến một ngày, tôi cố nỗ lực một lần cuối, ra cùng một bài tập viết sẵn lên hết một ram giấy. Đến giờ toán, tôi thận trọng gọi Sheila đến. Tôi đã quyết tâm là nếu chúng tôi có phải ngồi đó đến tận lễ Tình nhân và làm hết 500 tờ bài tập thì chúng tôi cũng phải làm.

    - Sheila, hôm nay chúng ta sẽ làm mấy bài toán này. Cô chỉ cần con làm một tờ này thôi và những bài tập ở đây rất dễ.

    Con bé nhìn tôi ngờ vực: - Con không muốn làm.

    - À, hôm nay con không có quyền lựa chọn. Tôi dằn mạnh tờ giấy xuống bàn. - Nào, chúng ta bắt đầu.

    Con bé ngồi nhìn tôi chằm chằm. Tôi có thể nhận ra con bé đang toan tính điều gì đó. Tôi chưa bao giờ ép buộc nó một cách trực tiếp như thế này và dường như con bé không đoán biết được tôi sẽ làm gì. Cơn nóng giận trong tôi cứ sôi sùng sục khiến tôi quặn cả người. Ruột gan tôi như thắt lại, tim đập mạnh. Trong một khoảnh khắc, tôi đã muốn bỏ cuộc nhưng sự giận dữ tích tụ suốt mấy tuần qua đã khiến tôi không thể kiềm lại.

    - Làm đi!

    Tôi có thể nghe thấy giọng mình lớn hơn và mang tính đe dọa hơn tôi muốn. Tôi khom người nhặt một cây viết chì lên, đặt vào tay con bé.

    - Cô bảo làm bài đi. Làm ngay nào, Sheila.

    Con bé vo tờ giấy đầu tiên lại ngay. Tôi cẩn thận vuốt nó thẳng ra và đặt lại xuống bàn. Con bé dùng bút chì đâm thủng nó. Chúng tôi đấu tranh với nhau một cách căng thẳng, tôi cứ đặt những tờ bài tập mới xuống, Sheila lại xé bỏ. Giờ toán đã kết thúc và đống giấy bài tập bị vo cục hoặc xé nát cứ mỗi lúc một cao dần quanh chỗ chúng tôi ngồi. Những đứa khác đã đứng dậy chơi đùa. Sheila liếc mắt nhìn quanh lo lắng. Giờ chơi tự do là khoảng thời gian con bé thích nhất, hơn nữa, nó đã nhìn thấy Tyler đang lấy mấy con búp bê đồ chơi nó rất thích ra.

    - Làm xong tờ bài tập này đi rồi con có thể đi chơi.

    Tôi vừa tuyên bố vừa đặt một tờ bài tập mới xuống. Tôi đã nguôi giận nhưng vẫn còn một chút cáu tiết khiến mạch tôi tiếp tục đập nhanh.

    Sheila đã mất kiên nhẫn với tôi. Hơi thở nặng nhọc của em bắt đầu mang những tiếng gầm gừ khe khẽ. Chúng tôi lại tiếp tục với khoảng chục tờ giấy bài tập nữa. Tôi kéo ghế lại gần em hơn, ghì em ngồi sát vào bàn. Sau đó tôi đặt một tờ giấy mới xuống. Một tay tôi nắm lấy tay em, tay kia giữ chặt tay còn lại.

    Tôi ngang ngạnh lên tiếng:

    - Sheila, nếu con không thể tự làm một mình thì cô sẽ giúp con.

    Tôi có thể cảm thấy mồ hôi mình thấm ra ướt đẫm lưng áo.

    Sheila bắt đầu mất kiểm soát. Con bé thét lên với một tiếng hét chói tai. May mắn là con bé thuận tay trái giống tôi nên tôi có thể chủ động di chuyển tay con bé dễ dàng hơn. Tôi hỏi con bé đáp án cho câu hỏi đầu tiên. Lúc đầu con bé không chịu nói nhưng sau đó giận dữ hét to đáp án. Tôi đè tay nó xuống tờ giấy, nhúc nhích ghi ra số 3. Sheila cố sức vẫy vùng thật mạnh, cố thoát khỏi sự kìm giữ của tôi, cố gắng cắn tôi. Giờ đến câu hỏi thứ hai. Một lần nữa tôi lại moi được câu trả lời của con bé và cưỡng bức nó ghi ra.

    Chúng tôi vùng vằng với nhau suốt giờ chơi tự do và hoàn tất tờ bài tập trong tiếng la hét phản kháng của con bé và sự ép buộc của tôi. Ngay khi tôi buông tay, con bé quờ quạng tóm vội lấy tờ giấy và xé ngay trước khi tôi kịp bắt lấy tay em. Con bé giận dữ ném tờ giấy vào mặt tôi và vùng vẫy thoát khỏi tay tôi, xô ngã chiếc ghế. Con bé chạy vụt qua phía bên kia lớp học rồi quay lại trừng mắt nhìn tôi.

    - CON GHÉT CÔ!

    Con bé lấy hết sức hét lên. Những đứa khác sắp ăn xong bữa ăn nhẹ và chuẩn bị ra chơi nhưng chúng chợt dừng lại quan sát chúng tôi.

    - Con ghét cô! Con ghét cô! Con ghét cô!

    Dường như cơn cuồng nộ trong em đã vượt quá ngưỡng chịu đựng của nó, nên con bé cứ đứng đó, trong góc phía sau mấy cái chuồng thú hét không thành lời.

    Anton lùa mấy đứa khác ra ngoài nghỉ giải lao còn tôi vẫn ngồi lại bên bàn. Tôi nghĩ con bé đang nổi điên và sẽ lao vào phá hoại nên chuẩn bị tư thế sẵn sàng tóm lấy nó. Nhưng con bé không làm thế. Một lúc sau nó lấy lại bình tĩnh và thôi la hét. Tuy vậy, nó vẫn đứng bên kia phòng nhìn tôi đầy thù ghét. Trông con bé như sắp khóc, môi trề ra, cằm run run. Tôi bắt đầu cảm thấy mình là kẻ đệ nhất đê tiện. Sự thất vọng vì cách hành xử quá thù địch của tôi hiển hiện trong mắt con bé. Khi nhìn nó, tôi nhận ra mình đã làm sai. Tôi đã quá tuyệt vọng, bản năng sư phạm cần phải hoàn tất bài tập đã lấn át lý trí tôi. Lẽ ra tôi không nên để điều đó xảy ra. Như thế là sai trái. Tôi giận mình đã để cho một việc chẳng mấy quan trọng như thế khống chế.

    Tôi nhìn con bé chăm chú. Những cảm giác tồi tệ xâm chiếm lấy tôi, tôi tự buộc tội mình, nghi ngờ bản thân mình. Phải chăng tôi đã phá hủy mối quan hệ tốt đẹp mới được hình thành giữa chúng tôi? Trong ba tuần kể từ khi con bé đến lớp, mối quan hệ của chúng tôi đã tiến triển rất tốt. Phải chăng tôi đã phá hỏng tất cả những điều đó chỉ trong một buổi sáng? Con bé vẫn nhìn tôi. Trong một khoảnh khắc tưởng chừng như bất tận, chúng tôi im lặng nhìn nhau.

    Rồi Sheila từ từ tiến về phía tôi. Đôi mắt em vẫn luôn nhìn tôi, đôi mắt to tròn mang đầy sự cảnh giác, buộc tội. Con bé đến bên bàn tôi. Nó quan sát ngón tay mình đang di di vẽ một đường ngoằn ngoèo trên mặt bàn nhẵn thín trước khi nhìn lại tôi.

    Giọng con bé chứa đầy cảm xúc. - Cô thì không tốt với con.

    - Ừ, cô nghĩ là cô không tốt, phải không con? Tôi cảm nhận sự yên lặng đáng sợ.

    - Cô xin lỗi nhé Sheila. Lẽ ra cô không nên làm thế. - Lẽ ra cô thì không nên ích kỷ với con. Con thì là một học trò của cô mà.

    - Cô xin lỗi. Chỉ là cô rất buồn vì con không bao giờ chịu làm bài tập. Cô chỉ muốn con làm bài tập như mọi người vẫn làm. Việc con không chịu làm bài khiến cô nổi giận vì điều đó đối với cô rất quan trọng. Cô đã giận quá.

    Con bé thận trọng quan sát tôi. Môi dưới con bé trề ra và đôi mắt nó trông hết sức đau lòng nhưng nó vẫn rụt rè tiến đến gần tôi hơn.

    - Cô vẫn thương con chứ?

    - Dĩ nhiên là cô vẫn thương con chứ.

    - Nhưng cô thì giận con và la con.

    - Đôi khi người ta vẫn nổi giận. Thậm chí đối với những người họ rất yêu thương. Điều đó không có nghĩa là họ không yêu thương người đó nữa. Chỉ là họ giận quá thôi. Một lúc sau khi cơn giận qua đi họ vẫn yêu thương nhau. Cô vẫn thương con như từ trước đến nay mà.

    Con bé mím môi.

    - Con không ghét cô thật sự.

    - Cô biết rồi. Con cũng chỉ giận giống cô thôi. - Cô la mắng con. Con không thích cô la con như vậy. Tai con đau lắm.

    - Mèo con ơi, cô đã làm sai. Cô xin lỗi. Cô xin lỗi con. Ngay lúc này chúng ta sẽ không nhắc đến bài tập nữa. Lúc nào khác khi con cảm thấy thích có thể chúng ta sẽ làm sau.

    - Con sẽ không bao giờ cảm thấy thích làm chuyện đó.

    Vai tôi chùn xuống chán nản.

    - Ừ, vậy thì có thể chúng ta không bao giờ làm nữa.

    Con bé nhìn tôi băn khoăn:

    - Nhưng phải có bài tập mà.

    Tôi thở hắt ra mệt mỏi:

    - Cô nghĩ cũng không cần lắm. Có những thứ còn quan trọng hơn. Hơn nữa có thể một ngày nào đó con sẽ thấy thích. Khi đó chúng ta sẽ làm.

    Và thế là tôi bỏ qua cuộc chiến về bài tập. Hay ít ra là trận này.

    Tôi không thể hiểu nổi vì sao con người lại muốn người khác phải lưu tâm đến những vấn đề nhỏ nhặt và nghĩ cả thế giới sẽ sụp đổ nếu mọi việc không diễn ra như ý họ muốn. Khi tôi đã loại bỏ vấn đề đó ra khỏi tư tưởng của mình, có lẽ tôi không thể nào hiểu được tại sao nó đã từng quá quan trọng với tôi như thế. Nhưng trong những tuần đầu tiên ấy, nó đã như thế.

    Vấn đề thứ hai mà Sheila mang đến nghiêm trọng hơn và khó giải quyết hơn nhiều. Con bé đã hình thành một khả năng báo thù mạnh mẽ không biết đến giới hạn. Khi bị đối xử không tốt hay bị chiếm tiện nghi, Sheila trả đũa bằng một sức mạnh kinh hoàng. Sự thông minh của con bé khiến điều đó càng đáng sợ hơn vì con bé có thể nhanh chóng nhận ra những gì người khác quý trọng và đó là thứ con bé sẽ đánh vào để trả mối thù. Khi Sarah đá một đám tuyết vào con bé trong giờ giải lao, Sheila phá hủy một cách có hệ thống tất cả những tranh vẽ của Sarah treo trong phòng. Với một đứa thích vẽ như Sarah, đó thật là một đòn nặng nề. Có một hôm, Anton nổi giận vì Sheila chạy nhảy trong phòng trong giờ cơm trưa, thế là sau đó con bé đáp trả bằng cách bóp chết tất cả số chuột nhảy con mà Anton đã mượn của con trai mình mang đến trường sáng hôm ấy. Sự lạnh lùng, sáng suốt của con bé khi xác định điểm yếu của mọi người khiến tôi rùng mình.

    Nhưng mọi việc không chỉ dừng lại ở chuyện xé bỏ tranh vẽ hay bóp chết mấy chú chuột con. Sự trả thù của con bé đầy toan tính và dai dẳng. Sheila cần được giám sát mọi lúc. Thế nhưng ngay cả khi chúng tôi tin rằng mình đã giám sát con bé rất cẩn thận, con bé vẫn tìm được cách thoát khỏi chúng tôi.

    Giờ cơm trưa là khoảng thời gian nguy hiểm nhất trong ngày. Cả tôi lẫn Anton đều không muốn mất đi khoảng thời gian nghỉ ngơi duy nhất chỉ để giám sát Sheila. Mấy cô bảo mẫu rõ ràng vẫn còn sợ con bé dù họ đã miễn cưỡng chấp nhận chăm sóc con bé trở lại.

    Một hôm trong khi tôi và Anton đang ở trong phòng nghỉ của giáo viên dùng nốt phần cơm trưa, một cô bảo mẫu vừa la hét vừa chạy vào, hổn hển gọi tên Sheila. Cơn ác mộng về ngày đầu tiên của Sheila sẽ lặp lại luôn ám ảnh chúng tôi nên chúng tôi vội vã đuổi theo.

    Sheila đã vào được phòng học của một giáo viên khác. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, khoảng mười hay mười lăm phút, con bé đã phá hủy hoàn toàn căn phòng. Tất cả bàn học sinh đều bị xô ngã và móp méo, đồ dùng cá nhân vương vãi trên sàn nhà. Màn cửa sổ bị lôi xuống, sách rơi khỏi kệ, màn hình của một chiếc máy dạy học bị đập vỡ tan. Tôi không thể tưởng tượng được chỉ trong một khoảng thời gian ngắn như thế mà mọi thứ lại bị phá hoại khủng khiếp đến vậy.

    Tôi kéo mạnh cửa:

    - Sheila!

    Con bé quay người lại, ánh mắt tối sầm thật ghê sợ. Con bé cầm chặt cây chỉ bản đồ trong tay.

    - Bỏ nó xuống!

    Con bé nhìn chòng chọc vào tôi một lúc lâu nhưng rồi vẫn buông cây chỉ bản đồ xuống. Con bé đã ở với chúng tôi ba tuần. Đến lúc này con bé đã biết khi nào tôi thật sự nghiêm túc. Tôi biết nếu tôi có thể khiến con bé dừng những gì đang làm lại và đến bên tôi, thì tôi có thể đưa con bé ra ngoài trong yên ổn. Tôi biết tốt hơn mình không nên làm con bé sợ hãi đến nỗi bỏ chạy. Khi bỏ trốn, con bé sẽ trở nên nguy hiểm hơn và sợ hãi quá độ đến mức không nghe lời nữa. Lúc này ánh mắt con bé sộc lên tia nhìn hoang dại thật đáng sợ và tôi nhận ra nỗ lực kiềm chế của nó mong manh đến dường nào.

    Tôi liếc mắt nhìn quanh phòng để quan sát thảm họa ấy, tôi không thể tưởng tượng nổi chúng tôi sẽ làm gì. Trong tôi ngập lên nỗi chán nản ê chề khi trước mắt tôi bày ra một sự thật rằng chính con bé đã gây ra những chuyện kinh khủng này và chính tôi đã để cho mọi chuyện xảy ra. Hình phạt ngồi trong góc phòng chẳng thể tương xứng với tổn thất hàng trăm đô-la thế này. Mà đây lại không phải lớp tôi nữa. Căn phòng này thuộc về một giáo viên khác. Tôi biết vấn đề đã vượt ngoài khả năng kiểm soát của mình.

    Đến lúc tôi dỗ ngọt được Sheila đến cửa, thầy Collins và cô Holmes, giáo viên phụ trách lớp học này, đã đứng sau lưng tôi. Ngay khi tôi tóm được tay Sheila, thầy Collins bắt đầu giận dữ gầm lên.

    Tôi cho là ông có lý do rất chính đáng để nổi giận. Nhưng tôi cũng biết cách phản ứng này của ông sẽ đẩy mọi chuyện đi xa như thế nào. Thầy Collins thuộc tuýp người cổ hủ tin rằng tất cả những vi phạm sẽ chấm dứt, hay ít ra là giảm bớt, nếu can thiệp bằng roi vọt. Thế là ông tóm lấy cánh tay Sheila, nhưng tôi cũng đã kịp bấu chặt lấy hai dây đeo áo của con bé và nhất định không buông ra.

    Chúng tôi lườm nhau, không ai nói tiếng nào. Sheila bị chúng tôi kéo căng ra.

    Tôi không thể để ông mang Sheila đi được. Thời gian qua tôi đã luôn miệng vỗ về con bé rằng ở đây con bé sẽ không bao giờ bị đau. Quá khứ của con bé đã có quá nhiều roi vọt rồi. Và quá nhiều người đã phá vỡ lời hứa với nó. Tôi không thể để điều đó xảy ra.

    Thầy hiệu trưởng và tôi vẫn không nói lời nào. Tuy nhiên, điều đó không hề làm giảm cường độ căng thẳng của cuộc đối đầu. Những ngón tay tôi bấu chặt lấy đôi vai của Sheila và tôi có thể cảm thấy cơ bắp của Sheila dường như đã căng cứng hết cỡ.

    Cuối cùng, thầy Collins lên tiếng. Giọng ông nghe khàn khàn rít qua hai hàm răng nghiến chặt. Ông nói rõ rằng không chỉ Sheila phải xuống văn phòng chịu phạt mà tôi cũng phải đi theo làm nhân chứng.

    Ôi trời đất! - Tôi thầm than. Tất cả những gì tôi muốn làm lúc đó là cãi lại ông trong khi Sheila vẫn đang bị giằng co giữa chúng tôi, hệt như cảnh hai con chó tranh nhau một khúc xương vậy. Nhưng tôi không có nhiều lựa chọn. Tôi không thể đồng ý với ông. Và dĩ nhiên tôi không muốn Sheila nghĩ là tôi đồng ý.

    Chúng tôi rít qua rít lại với nhau, hầu hết chỉ là những câu trả lời một hai từ. Ông đang mất dần kiên nhẫn với tôi.

    - Lạy Chúa, cô Hayden, cô đi với tôi ngay nếu không cô sẽ thất nghiệp ngay hôm nay. Tôi không chùn tay trước điều gì đâu. Cô hiểu không?

    Tôi nhìn ông chằm chằm. Trong đầu tôi hiện lên đủ mọi thứ. Tôi có hợp đồng. Tôi thuộc công đoàn. Ông không có quyền đuổi tôi. Tất cả những điều đó hiện lên trong đầu tôi nhưng chỉ ở mức độ lý thuyết mà thôi. Điều thật sự mạnh mẽ là sợ hãi. Tôi sẽ ra sao nếu bị đuổi việc? Liệu tôi có thể tìm được một vị trí giảng dạy khác trong thị trấn không? Ai sẽ tiếp quản lớp tôi? Tôi vốn hay hành động vội vã và thiếu suy nghĩ. Lần này phải chăng cũng như vậy? Vì cái gì? Vì một đứa trẻ lẽ ra phải vào viện? Ngay lúc này đây tôi sắp mất việc vì một đứa nhóc tôi chỉ vừa biết được ba tuần, đứa mà dù không sớm thì muộn cũng sẽ phải chuyển đi đâu đó khác và đứa chẳng là gì đáng kể với bất kỳ ai trên mọi mặt. Mọi người sẽ nghĩ sao nếu tôi mất việc làm? Liệu anh Chad có còn đến bên tôi? Tôi biết giải thích với mẹ như thế nào đây? Mọi người sẽ nghĩ gì? Vì một nguyên cớ tồi tệ nhất, tôi buông chiếc dây quần yếm ra.

    Thầy Collins xoay người kéo Sheila đi dọc hành lang. Tôi theo sau cách một khoảng, cảm thấy mình giống như Benedict Arnold(4). Nhưng có thể họ đã đúng. Tôi đã không thể kiểm soát đứa trẻ này trong hai sự kiện lớn trong vòng ba tuần. Có thể con bé thật sự cần được đưa vào bệnh viện tiểu bang. Tôi không biết nữa. Mọi việc diễn ra vượt quá khả năng xoay xở của tôi.

    Tôi thả người vào một chiếc ghế trong văn phòng thầy Collins. Sheila rất bình tĩnh. Bình tĩnh hơn tôi nhiều. Con bé đi bên thầy Collins vào phòng và đứng ung dung, không buồn nhìn tôi hay phát ra một âm thanh nào. Thầy Collins đóng cửa lại. Ông mở hộc bàn lấy ra một cây roi dài. Sheila không hề chớp mắt khi ông dứ dứ cây roi về phía nó.

    Dù tâm trí tôi đang rất hỗn loạn, tôi vẫn chợt nhận ra và xúc động mạnh trước sự can đảm rất ngây ngô của Sheila. Con bé liếc qua tôi thật nhanh rồi nhìn lại thầy Collins. Ngay khoảnh khắc đó trông con bé rất giống với mọi đứa trẻ sáu tuổi khác. Đôi môi nó hé mở để lộ khoảng trống của mấy cái răng sún. Đôi mắt nó to tròn, nỗi sợ hãi được che đậy rất kín khiến cho một người không hiểu em sẽ không nhận ra đó là gì. Tôi quan sát mấy chiếc kẹp tóc hình con vịt màu trắng và cam cài trên tóc con bé và nghĩ nó thật sự rất thích chúng. Đó là mấy cái con bé thích nhất, mấy cái kẹp may mắn của nó - có hôm con bé đã nói với tôi như vậy. Tôi thầm nghĩ "lần này thì vận may của con kết thúc rồi, nhóc". Mấy chiếc kẹp tóc hình con vịt trông thật lạc lõng trong căn phòng này.

    Dáng đứng con bé trông rất vững chãi, không một đứa bé sáu tuổi nào có thể làm thế trong hoàn cảnh này. Tôi không biết con bé thường xuyên bị đòn đến mức nào. Thế nhưng sự ương bướng của nó thật ngây ngô. Con bé đứng đó với chiếc kẹp tóc con vịt, mái tóc dài suôn thắt thành bím lớn, bộ quần yếm cũ kỹ nhàu nát. Tôi như muốn khóc. Nhưng nước mắt đó nên dành cho tôi vì tôi nhận ra mình không có sức mạnh như con bé.

    Ruột gan tôi quặn thắt. Điều này không nên xảy ra.

    Nhưng chính thầy Collins đã tuyên bố thẳng thừng là ông phải làm vậy. Liệu con bé có biết mình đã làm gì không? Không có câu trả lời. Ông còn nói có thể con bé sẽ bị đuổi học nữa. Tôi biết lời quở trách dành cho tôi cũng nặng nề như dành cho Sheila. Hai chúng tôi đều đang bị phạt. Thầy bảo với Sheila là em sẽ bị ba roi. Con bé bặm môi lại. Nó nhìn ông không hề chớp mắt.

    - Cúi xuống nắm lấy mắt cá chân.

    Con bé nhìn chằm chằm không nhúc nhích.

    - Sheila, cúi người xuống và nắm lấy mắt cá chân!

    Sheila không nhúc nhích.

    - Nếu tôi phải nhắc lại một lần nữa, tôi sẽ tăng thêm một roi. Nào, mau cúi xuống.

    Tôi lên tiếng:

    - Sheila, làm ơn đi con. Làm theo lời thầy đi.

    Vẫn không có phản ứng. Đôi mắt em khẽ liếc về phía tôi.

    Thầy Collins thô bạo đè con bé xuống và chiếc roi kêu vụt lên khi quất xuống người em. Con bé sụm hai đầu gối xuống sau roi đầu tiên nhưng nét mặt vẫn không thay đổi. Thầy Collins lôi con bé đứng dậy. Một roi nữa lại giáng xuống. Một lần nữa con bé lại sụm xuống. Hai roi sau con bé vẫn đứng vững và không ngã xuống nữa. Con bé không phát ra một tiếng nào, cũng không nhỏ một giọt nước mắt nào. Tôi biết điều này khiến thầy Collins tức điên lên.

    Tôi câm lặng ngồi nhìn. Sau tất cả những lời vỗ về cam đoan của tôi, sự việc lại đến nước này. Tôi đã rất nỗ lực, cố hết sức mình đối với đứa trẻ này. Thông thường tôi không cho phép mình để ý đến những công sức mình đã bỏ ra cho bọn trẻ, đồng thời tôi cũng ép mình phải loại ra khỏi tâm trí những nỗi sợ hãi và nản lòng mà tôi phải đối mặt mỗi ngày. Tôi cũng không muốn nghĩ đến sự thật rằng bọn trẻ có ý nghĩa thế nào với mình. Bởi vì tôi biết rằng nếu tôi nhận thức điều đó, tôi sẽ càng thêm đau lòng khi học trò mình vấp ngã, hoặc khi tôi thất bại. Một trong những điều khiến nhiều người từng theo đuổi công việc như tôi phải bỏ cuộc đó chính là khi họ nhận ra mình quá yêu thương bọn trẻ. Càng yêu thương, càng gắn bó, càng đau lòng và khắc khoải. Vì thế tôi phải cố gắng để không thừa nhận điều đó. Trước giờ tôi vẫn là người hay mơ mộng, nhưng tôi nhận ra những mơ ước của mình quá xa vời. Xa vời đối với tất cả chúng tôi.

    Thầy Collins yêu cầu tôi ký tên chứng nhận rằng tôi đã có mặt khi ông đánh con bé. Sau đó tôi chán nản nắm lấy tay Sheila bước ra hành lang.

    Tôi không biết tiếp theo phải làm gì nữa. Đầu tôi quay mòng mòng. Khi tôi về đến cửa lớp, tôi lén nhìn qua cửa sổ. Anton đã bắt đầu những hoạt động buổi chiều và Whitney đã đến. Mọi thứ trông vẫn bình ổn. Tôi nhìn xuống Sheila.

    - Chúng ta cần nói chuyện một chút, nhóc tì ạ. Tôi gõ cửa và chờ Anton ra mở. Khi Anton ra, tôi nói rằng tôi muốn ở riêng với Sheila một lúc, rằng quá nhiều việc xảy ra và tôi cần giải quyết thẳng thắn một số việc. Tôi hỏi liệu anh và Whitney có thể xoay xở một lúc trong khi tôi vắng mặt không. Anh mỉm cười gật đầu. Thế là tôi để họ, một chàng di dân không học hành và một đứa trẻ mười bốn tuổi, phụ trách tám đứa trẻ tâm thần. Tình huống thật trớ trêu khiến tôi suýt bật cười. Nhưng lúc đó tôi không có tâm trạng để cười nổi.

    Cuối cùng tôi dắt Sheila đến phòng chứa sách vì tôi không tìm được nơi nào khác chúng tôi có thể ở riêng với nhau mà không bị quấy rầy. Tôi lôi hai cái ghế bé tí ra, mở đèn và ngồi xuống, đóng cửa phòng lại. Chúng tôi nhìn nhau một lúc lâu.

    - Tại sao con lại làm ra những việc như thế chứ?

    Tôi cất tiếng hỏi, sự ê chề hiện rõ trong giọng nói.

    - Cô đừng có bắt con nói.

    - Ôi trời, thôi đi Sheila. Cô không đùa với con đâu. Đừng làm vậy với cô.

    Tôi không biết con bé có giận hay không nữa.

    Thật lòng, tôi muốn xin lỗi con bé vì tôi đã bỏ cuộc và để thầy Collins mang nó đi. Nhưng tôi không làm thế. Nhu cầu của tôi lớn hơn. Tôi muốn được tha thứ.

    Chúng tôi quan sát nhau, không nói một lời và sự im lặng dường như kéo dài vô tận. Cuối cùng tôi lắc đầu, thở dài mệt mỏi:

    - Rốt cuộc thì mọi chuyện đều chẳng ra sao cả. Cô rất tiếc.

    Vẫn im lặng. Con bé không nói chuyện với tôi. Cái nhìn của con bé kiên định và tôi phải quay đi chỗ khác. Bên ngoài cánh cửa phòng chứa sách, tôi có thể nghe thấy các lớp đang chuẩn bị cho giờ giải lao, ồn ã và huyên náo, như thể tiếng ồn đập thẳng vào cửa vậy. Bên trong phòng lại im lặng đến nỗi không ai có thể biết chúng tôi đang ngồi đây.

    Tôi nhìn con bé. Nhìn ra chỗ khác. Lại nhìn con bé. Con bé vẫn nhìn tôi chằm chằm.

    - Ôi Chúa lòng lành! Sheila, con muốn gì ở cô nào?

    Đồng tử trong mắt em mở to:

    - Cô giận con hả?

    - Con đoán đúng rồi, cô giận. Ngay lúc này đây cô hơi giận mọi người.

    - Cô có đánh con không? Đôi vai tôi xuôi xị.

    - Không, như cô vẫn nói với con hàng triệu lần rồi, cô không đánh trẻ con.

    - Sao vậy?

    Tôi nhìn con bé một cách buồn thảm:

    - Sao cô lại đánh con? Điều đó chẳng có ích cho ai hết, đúng không?

    - Có ích cho con.

    - Thật không? Thật không Sheila? Những gì thầy Collins vừa làm với con thật sự có ích cho con sao?

    Con bé nhỏ giọng:

    - Cha con, ổng nói đó thì cách duy nhất để đưa con vào nề nếp. Ổng đánh đòn con và con phải ngoan tốt hơn, vì ổng không bao giờ bỏ con trên đường cao tốc như mẹ con làm.

    Tim tôi thắt lại. Hẳn nhiên tôi không hề mong đợi điều đó. Tôi đã quá điên tiết với con bé vì tất cả những rắc rối nó gây ra. Nhưng tim tôi siết lại khi nghe nó nói. Tôi nghĩ thầm, Chúa ơi, đứa nhỏ này trông chờ người khác làm gì đây. Tôi đưa tay về phía con bé.

    - Lại đây nào, Sheila, để cô ôm con nào.

    Con bé bằng lòng bước tới, vụng về leo lên lòng tôi như một đứa trẻ mới lững chững tập đi. Con bé vòng tay quanh eo tôi và ôm tôi thật chặt. Tôi siết lấy con bé. Tôi làm như thế vì bản thân mình nhiều hơn là vì con bé, vì tôi không biết phải làm gì nữa. Ôi Chúa toàn năng, tôi đang hết sức đau lòng.

    Chúng tôi sẽ phải làm gì đây? Con bé phải chấm dứt những trò tàn phá kiểu này đi, đó là điều chắc chắn. Nhưng bằng cách nào đây? Nếu họ tống con bé khỏi trường, đuổi học nó, nó sẽ không thể trở lại. Tôi đã làm nghề này đủ lâu để hiểu rõ điều đó. Không sớm thì muộn, con bé sẽ vào bệnh viện tiểu bang như kế hoạch. Rồi sao nữa? Một đứa bé sáu tuổi có cơ may nào rời khỏi bệnh viện tiểu bang để trở về cuộc sống bình thường không? Tôi ngờ rằng đó là việc chưa từng có. Chúng tôi sẽ mất con bé như thể nó chưa từng tồn tại. Bé gái nhỏ nhắn thông minh, sáng tạo chưa từng có một cơ hội trong đời này sẽ không bao giờ có được một cơ may nào cả. Một đống bàn ghế đổ nát có đáng giá đến vậy không?

    Tôi nhẹ nhàng đu đưa con bé trong lòng và hỏi: - Giờ chúng ta làm sao đây, Sheila? Con không thể cứ làm những việc như thế này và cô không biết làm sao để ngăn con lại.

    - Con sẽ không làm thế nữa.

    - Cô ước gì như thế. Nhưng lúc này chúng ta đừng hứa gì cả, được không? Cô chỉ muốn bắt đầu bằng cách con kể với cô tại sao con lại làm thế. Cô phải hiểu rõ chuyện đó.

    - Con hổng biết. Con thì rất ghét cô ấy kinh khủng. Cô la con lúc ăn trưa mà đó không phải lỗi của con. Đó là lỗi của Susannah mà cổ lại la con. Con điên lên.

    Giọng con bé run run:

    - Có phải họ sẽ mang con đi không?

    - Cô không biết nữa cưng ơi.

    - Con không muốn họ làm vậy.

    Giọng con bé chợt cao lên thành một tiếng the thé, để lộ ra con bé gần khóc.

    - Con sẽ không bao giờ làm thế nữa. Con muốn ở lại. Con muốn ở lại trong trường này. Con sẽ không bao giờ làm thế nữa, con hứa mà.

    Con bé dúi mặt vào người tôi.

    Tôi khẽ vuốt tóc nó, nhận thấy mấy chiếc kẹp tóc con vịt dưới ngón tay mình. Tôi hỏi:

    - Sheila, cô không bao giờ thấy con khóc. Con không bao giờ thấy muốn khóc sao?

    - Con không bao giờ khóc.

    - Tại sao vậy?

    - Không ai có thể làm con tổn thương như vậy. Tôi nhìn xuống con bé. Sự bình tĩnh lạnh lùng trong lời tuyên bố của nó thật đáng sợ.

    - Ý con là gì?

    - Không ai có thể làm con tổn thương. Họ không biết con tổn thương nếu con không khóc. Vì vậy họ sẽ không thể tổn thương con. Cũng không ai có thể làm con khóc. Ngay cả cha con khi ổng đánh roi con. Ngay cả thầy Collins. Cô thấy rồi đó. Con không khóc khi thầy đánh con bằng roi. Cô thấy mà phải không?

    - Ừ, cô thấy. Nhưng con không muốn khóc sao? Có đau lắm không?

    Con bé im lặng một lúc lâu. Rồi con bé dùng cả hai tay nắm lấy tay tôi.

    - Hơi đau.

    Con bé nhìn lên, đôi mắt không thể hiện rõ điều gì cả.

    - Cũng có khi con khóc một chút, nhiều khi vào ban đêm. Cha con, nhiều khi ổng không về nhà đến khi thật khuya và con phải ở một mình và con sợ. Đôi khi con khóc một chút, nó hơi ướt ngay chỗ này trong mắt con nè. Nhưng con lau nó đi liền. Khóc thì không tốt gì hết, mà nó lại khiến con nhớ Jimmie và mẹ con nếu con khóc. Nó khiến con nhớ họ lắm.

    - Đôi khi khóc cũng tốt.

    - Nó không bao giờ tốt cho con. Con sẽ không bao giờ khóc. Không bao giờ.

    Con bé đã quay người lại ngồi lên chân tôi và đối diện với tôi. Tôi vòng tay sau lưng em. Con bé vừa mân mê mấy cái cúc áo của tôi vừa hỏi:

    - Cô có bao giờ khóc không?

    Tôi gật đầu:

    - Thỉnh thoảng. Hầu hết những khi cô thấy buồn, cô khóc. Cô không thể ngăn được. Cô cứ khóc thôi. Nhưng việc đó khiến cô khuây khỏa hơn. Thỉnh thoảng khóc cũng tốt. Nó xoa dịu nỗi đau, nếu con cho nó cơ hội.

    Con bé nhún vai.

    - Con không làm vậy.

    - Sheila này, chúng ta sẽ làm gì để chuộc lại những gì con đã làm trong phòng cô Holmes?

    Con bé lại nhún vai. Con bé giả vờ chăm chú xoay xoay cái cúc áo tôi.

    - Cô muốn biết ý kiến của con. Cô sẽ không đánh đòn con và cô cũng không nghĩ rằng đuổi học con là tốt. Nhưng mình phải làm gì đó. Cô muốn biết ý kiến của con.

    - Cô có thể bắt con ngồi phạt trong góc đến hết ngày và cô có thể cất hết hàng đồ chơi của con trong một tuần hay gì đó. Hay cô có thể cất đồ chơi búp bê của con đi.

    - Cô không muốn trừng phạt con. Thầy Collins đã làm việc đó rồi. Cô muốn khiến cô Holmes cảm thấy dễ chịu hơn. Cô muốn chuộc lại những gì đã xảy ra trong đó.

    Một sự im lặng.

    - Con có thể nhặt nó lên.

    - Cô nghĩ đó là một ý hay. Nhưng còn việc xin lỗi thì sao? Con có thể nói xin lỗi không?

    Con bé giật giật cái cúc áo.

    - Con không biết.

    - Con có cảm thấy hối hận không? Con bé khẽ gật đầu.

    - Con thì rất tiếc chuyện xảy ra ở đây.

    - Xin lỗi là một điều con nên học cách làm. Việc đó khiến mọi người cảm thấy tốt hơn về con. Hay là chúng ta cùng nhau tập nói xin lỗi và đề nghị dựng bàn ghế lên, như thế sẽ dễ hơn? Cô sẽ làm cô Holmes và chúng ta sẽ tập.

    Sheila nặng nề đổ xuống người tôi, dúi mặt vào ngực tôi.

    - Con muốn cô ôm con một lúc trước. Mông con thì thật đau ghê lắm và con muốn chờ nó đỡ hơn. Giờ con không muốn suy nghĩ nữa.

    Tôi mỉm cười ôm con bé vào lòng và chúng tôi ngồi trong ánh sáng mờ ảo của phòng chứa sách, chờ đợi - con bé đợi bớt đau ở mông và lấy can đảm cho những gì sắp diễn ra, tôi chờ thế giới thay đổi.

    Còn nữa...
     
  2. Chiracat Nhân Ngư Ham Việc

    Bài viết:
    589
    CHƯƠNG 9

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Việc giải quyết vấn đề đó hóa ra lại chẳng hề đơn giản tí nào. Sheila và tôi đã sang lớp của cô Holmes, và Sheila đã xin lỗi đồng thời mong cô cho phép được chuộc lại lỗi lầm. Đúng như hy vọng của tôi, sự ngây thơ hồn nhiên của Sheila, vóc dáng nhỏ nhắn của con bé, nét đẹp tự nhiên của nó - tất cả đều khơi dậy tình mẫu tử nơi cô Holmes. Cô sẵn sàng chấp nhận những nỗ lực chuộc lỗi của Sheila.

    Nhưng mọi việc không dễ dàng như thế với thầy Collins. Đối với thầy thì đó là giọt nước làm tràn ly, không chỉ với Sheila, mà với cả lớp của tôi nữa. Mọi vấn đề trong quá khứ đều được lôi ra - bao gồm cả những điều mà thậm chí chẳng liên quan gì đến mấy trò phá hoại của Sheila cả. Hai người chúng tôi đơn giản là có những hệ giá trị khác nhau, và cả hai đều cho rằng mình đúng còn người kia sai. Tất cả đều bùng nổ thành một cuộc chiến thực sự sau rắc rối do Sheila gây ra, để rồi cuối cùng Ed Somers phải xuất hiện và làm trung gian hòa giải. Rõ ràng là thầy Collins muốn Sheila ra khỏi trường. Theo lời thầy thì đứa trẻ này thật bạo lực, không được kiểm soát, vô cùng nguy hiểm và rất phá phách. Nó làm những đứa trẻ khác, cũng như các giáo viên và nhân viên trong trường sợ chết khiếp bằng những hành động của mình. Chỉ tính trong lớp của cô Holmes thôi thì con bé đã làm thiệt hại đến 700 đô-la. Cần lưu ý rằng xã hội có quyền tự bảo vệ mình khỏi những mối đe dọa, thầy nói thêm. Một mối đe dọa đã được xác định như đứa trẻ này không được phép đi loăng quăng trong một ngôi trường công. Con bé thuộc về bệnh viện liên bang. Tại sao người ta không tống nó vào đó?

    Tôi cố gắng giải thích những tiến triển tích cực của Sheila trong lớp học của tôi. Tôi giải thích rằng chỉ mất có ba ngày để làm cho đứa trẻ này hiểu ra vấn đề, học tập và sinh hoạt hiệu quả như tôi muốn. Tôi nói về chỉ số IQ của con bé, về cái quá khứ bị ngược đãi và bỏ rơi của nó. Tôi cầu khẩn Ed cho tôi giữ con bé lại. Đây chỉ là một sự cố nhỏ, tôi nói thế. Tôi sẽ để mắt đến con bé cẩn thận hơn sau chuyện này. Nếu phải hy sinh giờ ăn trưa của mình, tôi cũng sẵn sàng chấp nhận. Nhưng hãy cho tôi một cơ hội nữa, tôi đề nghị. Hãy để tôi thử lại một lần nữa. Tôi sẽ không bất cẩn như trước nữa đâu.

    Thái độ của ông ta vẫn không hề lay chuyển. Ed giải thích với tôi rằng họ đã phải gánh chịu một áp lực vô cùng nặng nề từ những bậc phụ huynh quan tâm đến chuyện này. Khi chuyện này lọt ra ngoài, thông qua những học sinh trong lớp của cô Holmes, thì cha mẹ chúng đã gọi điện tới trường. Và tòa cũng đã có những quyết định riêng trước khi chúng tôi nhúng tay vào việc này. Lớp của tôi là một lớp cá biệt. Tôi không nên để mình dấn sâu vào rắc rối như thế, Ed nói với tôi điều này một cách lịch sự nhưng kiên quyết. Nó đang làm ảnh hưởng đến óc suy xét mọi chuyện của tôi. Ông ấy mỉm cười buồn bã. Thật tốt khi con bé đang có những tiến bộ nhất định, nhưng đó không phải là lý do mà con bé được giao đến cho tôi. Con bé được đưa đến đây để chờ khi nào bệnh viện có chỗ trống thì vào. Thế thôi.

    Khi nghe những lời ông ta nói, tôi cảm thấy cổ họng mình nghẹn đắng lại, và khóe mắt cay xè. Tôi không muốn khóc trước mặt bọn họ. Tôi không muốn họ biết rằng họ đã ảnh hưởng tới tôi nhiều đến thế. Nhưng tôi có thể cảm thấy nước mắt chực trào ra. Lý trí cứ không ngừng thúc giục tôi phải bình tĩnh. Họ không cố ý cư xử một cách tàn nhẫn như thế. Mà thực ra, có thể họ chẳng hề tàn nhẫn một chút nào cả. Nhưng tôi có cảm giác như thế. Khốn kiếp thật, họ đã làm gì tôi thế này? Tôi là một giáo viên. Công việc của tôi là giảng dạy. Tôi không phải là một viên cai ngục. Hay đó là tất cả những gì mà Ed muốn khi ông ta cho thành lập lớp của tôi? Trong đầu tôi đầy rẫy những lời cáo buộc. Họ nghĩ họ đã trao cho tôi cái gì kia chứ? Nó chỉ là một đứa bé gái - một đứa bé gái hoảng sợ, tổn thương và bị đối xử tàn tệ. Ở con bé có điều gì khiến nó trở nên đáng sợ như thế? Giờ họ lại bảo tôi rằng tôi không phải lo cho nó nữa; nó chỉ ở bên cạnh tôi trong thời gian chờ vào bệnh viện thôi. Nó có thể ngồi trong cái ghế ấy của mình, dù có phải qua bao nhiêu tháng trời đi chăng nữa, để đợi đến khi bệnh viện có một chỗ trống dành cho nó, và sau đó nó có thể ra đi. Rõ ràng là tôi đã hiểu nhầm mọi việc. Tôi đã nghĩ rằng tôi là giáo viên của nó.

    Ed chồm người tới trước, hai khuỷu tay chống xuống mặt bàn. Ông cố gắng trấn an tôi, bảo tôi đừng buồn bã làm gì. Ông ta cảm thấy bối rối vì tôi đã khóc, và trong một khoảnh khắc tôi đã hài lòng khi thấy ông ta như thế. Tôi muốn mọi người ai ai cũng phải cảm thấy bất hạnh như tôi vậy. Nhưng rồi khoảnh khắc ấy cũng trôi qua, và bóng tối lại bao trùm lên tất cả bọn tôi.

    Tôi rời khỏi phòng, vẫn chưa thôi khóc. Tôi đi thẳng đến chỗ đậu xe và lái xe về nhà. Lòng tràn ngập cảm giác cay đắng và thù ghét, tôi sợ rằng bộ phim Star Trek tối hôm đó cũng chẳng thể làm tôi nguôi ngoai. Cái chủ nghĩa lý tưởng của tôi đã phải hứng chịu một cú đòn trời giáng. Tôi đã hiểu được rằng có những con người thậm chí còn không đáng giá tới 700 đô-la.

    Như thường lệ, Chad vẫn luôn là chốn yên bình để tôi tìm về giữa cơn cuồng phong bão tố. Vừa lắng nghe cơn thịnh nộ của tôi, anh vừa lắc đầu một cách đôn hậu. Anh nhẹ nhàng trấn an tôi rằng có thể mọi chuyện sẽ không đến nỗi quá tồi tệ như tôi nghĩ, rằng dẫu tôi đang cảm thấy tồi tệ thế nào thì tôi cũng không phải đơn thương độc mã chống lại tất cả mọi chuyện. Và rồi mọi chuyện sẽ lại đâu vào đấy, chuyện gì cũng thế mà thôi. Vì đang trong tâm trạng không tốt, cũng chẳng muốn được vỗ về nên tôi tự nhốt mình trong phòng tắm và khóc nức nở trong đó suốt bốn mươi lăm phút. Lúc tôi bước ra, Chad vẫn đang ngồi ở phòng khách chơi đùa với chú mèo cưng của chúng tôi. Chad mỉm cười. Và rồi tôi mỉm cười. Lúc này đây, tôi không cảm thấy hạnh phúc, nhưng tôi đã sẵn sàng chấp nhận.

    Hóa ra mọi việc không đến nỗi tồi tệ như tôi hình dung. Đứa trẻ nào cũng cần được giáo dục, và khi đó thì tôi là sự giáo dục duy nhất của Sheila. Để thỏa hiệp, Ed nói với thầy Collins rằng ông sẽ điều thêm một nhân viên nữa làm việc trong giờ ăn trưa để giám sát lớp của tôi, và rằng Sheila sẽ không bao giờ được phép rời khỏi lớp trừ khi con bé chịu sự giám sát trực tiếp của tôi. Ít nhất thì vấn đề này cũng đã tạm thời được giải quyết ổn thỏa.

    Bất chấp những tranh cãi quyết liệt về chuyện Sheila được tiếp tục ở lại lớp tôi, mọi chuyện sau đó vẫn diễn ra rất suôn sẻ. Lớp tôi tiếp tục là một nhóm gắn bó, và đã kịp thích nghi lại với sự có mặt của Sheila. Tháng Hai về, tiết trời lạnh và khô, báo hiệu mùa đông sẽ kéo dài thêm sáu tuần nữa. Sheila đang hòa nhập tốt với lớp, và chúng tôi là một nhóm mười hai người khá hạnh phúc. Tôi rất trân trọng những ngày tháng yên bình ngoài mong đợi đó, vì chúng rất hiếm khi xảy ra trong lớp tôi.

    Về mặt học hành, Sheila đang tiến bộ rất nhanh. Phải khó khăn lắm tôi mới giữ được đầu óc lanh lợi của con bé luôn bận rộn. Tôi đã thôi không còn ép con bé làm bài tập nữa, đành thừa nhận nó là người chiến thắng, mặc dù thú thực rằng tôi vẫn luôn suy nghĩ về chuyện đó. Whitney, Anton và tôi kiểm tra vấn đáp với con bé và trao đổi với nó về những điều nó đang làm. Con bé đọc rất tốt, nó ngốn sách còn nhanh hơn tôi tìm sách. Tôi rất vui mừng trước mối quan tâm mới này của con bé, vì nếu không có vụ làm bài tập - phần việc chiếm phần lớn thời gian của con bé - thì con bé luôn hoàn tất phần công việc được giao rất nhanh.

    Về các mối quan hệ xung quanh thì Sheila tiến triển chậm hơn, nhưng vững chắc. Con bé và Sarah đã trở thành bạn của nhau, đã bắt đầu chia sẻ những niềm vui thường thấy trong tình bạn giữa các cô bé. Tôi cũng giao cho Sheila nhiệm vụ dạy Susannah Joy học phân biệt màu sắc. Việc này có nhiều tác dụng: tôi có thêm một trợ thủ đắc lực, nó khiến Sheila có việc để làm trong những lúc rảnh rỗi, và giúp con bé trở nên có trách nhiệm hơn; đồng thời nó cũng làm Sheila hiểu được những điều tốt đẹp của một mối quan hệ giữa người với người. Một lợi ích khác của việc này là giúp Sheila có thêm sự tự tin. Con bé rất phấn khởi khi được là một người cho đi và có ai đó cần đến nó. Có những buổi chiều sau giờ học, con bé lại lúi cúi làm những dụng cụ hỗ trợ cần thiết và bàn bạc thật hăng say với Anton hay tôi về những điều mà nó có thể làm với Susannah để giúp con bé học tốt hơn. Nhìn nó, tôi luôn muốn bật cười, tự hỏi không biết nếu có người nào đó đang quan sát tôi trong lúc tôi làm việc, thì liệu trông tôi có giống như vậy không. Nhưng con bé làm việc này với một sự nghiêm túc ngây ngô đến nỗi tôi buộc phải kìm mình lại.

    Sheila bắt đầu không còn cảm thấy cần thiết phải lò tò đi theo tôi suốt ngày nữa. Con bé vẫn thường quan sát tôi, và đương nhiên sẽ đến ngồi gần tôi nếu có quyền lựa chọn, nhưng nó đã cảm thấy không còn cần phải đụng được vào tôi mới yên tâm như trước nữa. Vào những ngày không mấy suôn sẻ, khi con bé gặp vài chuyện tồi tệ ở nhà, khi mấy đứa trẻ khác làm nó không vui, hay khi tôi la rầy nó, con bé lại miết tay ngang eo tôi, và lại lẽo đẽo theo tôi vòng vòng quanh lớp trong lúc tôi làm việc. Tôi không ngăn cản nó làm điều này; tôi muốn con bé cảm thấy an toàn và biết chắc rằng tôi sẽ không bỏ rơi nó. Có một ranh giới rất rõ ràng giữa sự phụ thuộc và quá phụ thuộc đến mức dựa dẫm, nhưng tôi nhận thấy rằng hầu hết những học sinh của tôi đều phải trải qua giai đoạn ban đầu vô cùng căng thẳng và cứ bám lấy tôi như thế. Dường như đây là giai đoạn hoàn toàn tự nhiên, và nếu mọi thứ diễn ra bình thường, thì đứa trẻ sẽ vượt qua được giai đoạn này, nó sẽ có niềm tin hơn vào các mối quan hệ của mình và không cần bằng chứng cụ thể chứng tỏ chúng vẫn đang được quan tâm nữa. Với Sheila cũng vậy.

    Ít nhất thì cũng có một điều tốt đẹp đã xảy đến từ sau sự cố xảy ra ở lớp cô Holmes. Tôi đã lần ra dấu vết của cha Sheila. Vào một buổi tối đầu tháng Hai, sau khi đã xong việc ở trường, tôi và Anton lái xe đến trại tập trung của dân nhập cư. Sheila và cha con bé sống trong một căn nhà nhỏ lụp xụp bên cạnh đường ray xe lửa.

    Cha Sheila là một người đàn ông cao lớn, chừng một mét tám, dáng nặng nề với cái bụng to tướng và hơi thở có mùi rất kinh khủng. Lúc chúng tôi đến, trên tay gã còn đang cầm một lon bia, và có vẻ như gã đã ngà ngà say.

    Anton chui vào cái nhà bé xíu ấy. Thực ra thì đó chỉ là một cái buồng nhỏ, được ngăn đôi ra bằng một tấm rèm. Bên này buồng là một cái ghế dài màu nâu cũ nát, còn bên kia là một cái giường. Ngoài ra chẳng còn đồ đạc gì khác. Cả căn buồng khai ngấy mùi nước tiểu lâu ngày.

    Cha của Sheila vào nhà sau chúng tôi và ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống cái ghế dài. Sheila đang ngồi trên cái giường phía bên kia buồng, mắt con bé mở thao láo và trông thật hoang dại. Con bé không nhận ra cả tôi và Anton, và nó đang ngồi co rúm người hệt như những ngày đầu tiên đến trường. Tôi gợi ý rằng có lẽ sẽ tốt hơn nếu Sheila không có mặt ở đó, vì tôi cần phải trao đổi một số điều với cha con bé, những điều mà nếu nghe thấy có thể nó sẽ bị tổn thương.

    Gã lắc đầu và phẩy tay về phía Sheila.

    - Con bé sẽ ở yên trong góc đó. Cô không thể để cho con oắt đó biến ra khỏi tầm mắt của mình dù chỉ năm phút. Đêm hôm nọ nó đã cố đốt trụi một căn nhà trên con phố này. Nếu tôi không nhốt nó trong nhà, thì cảnh sát sẽ lại đến đây.

    Gã tiếp tục kể thật chi tiết cho chúng tôi nghe. - Thực ra nó đâu phải là con của tôi. - Gã vừa nói vừa chìa cho Anton một lon bia. Cái con mụ đàn bà khốn kiếp đã bỏ đi mới là mẹ nó, nó là con của mụ ta. Nó không phải con tôi, và mấy người có thể chắc chắn như thế. Cứ nhìn nó mà xem. Và cái con oắt này là một đứa hư thân mất nết đến tận xương tủy rồi. Từ lúc mở mắt chào đời tới giờ tôi chưa từng thấy một đứa con nít nào gây nhiều rắc rối đến thế.

    Anton và tôi chỉ còn biết ngồi yên nghe, không nói được lời nào. Tôi cảm thấy xấu hổ thay cho Sheila vì con bé cũng đang ở trong phòng. Nếu ngày nào hắn ta cũng nói những điều thế này với con bé, thì chẳng có gì lạ khi con bé lại tự ti về bản thân mình như thế. Dù sao thì chuyện đó cũng là chuyện riêng tư. Nói chuyện này trước mặt nó chẳng hay ho gì. Nó giống như một phân cảnh được trích ra từ một cuốn tiểu thuyết tồi tệ vậy. Anton cố gắng bác lại ý kiến của gã, nhưng việc này chỉ làm hắn ta nổi giận với chúng tôi mà thôi. Thế nên chúng tôi cứ im lặng để cho gã nói, sợ rằng nếu chúng tôi làm gã phật ý, gã có thể sẽ gây tổn hại đến Sheila.

    - Còn thằng Jimmie, nó mới là con trai tôi. Trên đời này không có thằng bé nào ngoan như thằng Jimmie của tôi. Nhưng cái đồ chó cái khốn kiếp ấy đã mang nó đi. Đúng, mụ ta đã làm thế đấy, mụ đã mang Jimmie đi ngay trước mũi tôi như thế đấy. Và nhìn xem mụ ta đã làm gì này? Mụ ta để lại cái đồ oắt con khốn kiếp này cho tôi.

    Gã thở hắt ra.

    - Tôi đã bảo nó rồi, nếu có thêm một người nào nữa ở trường đến đây để mắng vốn nó, tôi sẽ không bỏ qua đâu.

    - Tôi không đến để mắng vốn điều gì cả.

    - Tôi vội lên tiếng. - Ở trường, cháu nó rất ngoan.

    Gã khịt mũi.

    - Nó nên như thế. Trong một cái lớp đầy nhóc tụi điên khùng, nó nên biết phải cư xử thế nào. Lạy Chúa, cô em à, tôi chịu hết nổi con nhóc đó rồi.

    Cuộc nói chuyện chẳng đi đến đâu cả. Máu trong người tôi như đông cứng lại vì kinh sợ, và tôi thầm mong đất dưới chân mình sẽ nứt ra để tôi có thể rơi xuống, để Sheila không cảm thấy nhục nhã khi những người mà nó quan tâm phải nghe thấy những lời nói của gã đàn ông này. Nhưng tôi không thể làm thế, và tôi cũng không làm sao để ngăn hắn ta lại được. Gã cứ nói liên hồi. Thỉnh thoảng tôi cố chen ngang để nói với hắn rằng Sheila là một đứa trẻ có khả năng thiên phú và vô cùng thông minh. Nhưng hình như điều đó không tồn tại trong thế giới của hắn. Hắn hỏi con bé cần những thứ đó để làm gì, khi chúng chỉ làm con bé có thêm cơ hội để nghĩ ra nhiều trò tai quái khác. Cuối cùng, cuộc nói chuyện lại quay về với đề tài cũ là thằng bé Jimmie yêu quý đã bị bắt đi của hắn. Hắn bắt đầu rú lên khóc, những giọt nước mắt rơi lã chã trên hai gò má nung núc mỡ. Ôi, Jimmie đáng thương của hắn đã bị đưa đi đâu cơ chứ, và tại sao hắn lại bị bỏ lại một mình với cái con oắt con này, đứa bé mà thậm chí hắn còn không nghĩ là con của mình?

    Chẳng hiểu sao tôi lại cảm thấy buồn cho gã đàn ông này. Có lẽ hắn yêu thương Jimmie thật, và sự mất mát này là quá lớn đối với hắn. Và bằng cái nhận thức hàm hồ, rối bời của mình, có vẻ như hắn thấy rằng Sheila phải chịu trách nhiệm cho việc Jimmie bị đem đi. Nếu con bé không bất trị như vậy thì biết đâu người đàn bà ấy đã không bỏ đi. Hắn không biết phải làm gì với Sheila, cũng không biết làm gì với chính bản thân mình. Vậy nên hắn đã hoàn toàn đánh mất mình sau vài lon bia, rồi nức nở kể cho hai người xa lạ về quãng đời ba mươi năm đã qua, quãng đời hoàn toàn vượt khỏi tầm kiểm soát của hắn.

    Mặc dù cuộc sống của Sheila với cha con bé thật tệ hại, nhưng tôi biết nếu muốn con bé thoát khỏi sự kiểm soát của cha, chúng tôi phải trải qua một quá trình đầy chông gai. Chúng tôi đang sống trong một cộng đồng mà phần lớn cư dân là những kẻ thua cuộc. Những người dân nhập cư, trại cải tạo, bệnh viên liên bang, tất cả đều kết hợp lại để hình thành một thành phố trong lòng một thành phố khác, đó là mô hình xã hội quá lớn, đến mức những người làm cha làm mẹ không thể đáp ứng được nhu cầu của nó. Không có đủ nhân viên xã hội, cô nhi viện và tiền phúc lợi xã hội để chỉ ra những tệ nạn và khắc phục những thiệt hại do chúng mang lại. Chỉ có những đứa trẻ bị ngược đãi tồi tệ nhất mới có cơ hội thoát khỏi mái nhà địa ngục của chúng, bởi không có nhiều chỗ trống cho những trường hợp nhẹ hơn. Tuy vậy, tôi vẫn cảm thấy mình buộc phải hỏi cha con bé rằng liệu hắn có nghĩ đến việc cho con bé vào sống trong trại trẻ mồ côi không vì cuộc sống của gã đang gặp quá nhiều khó khăn.

    Câu hỏi của tôi là một sai lầm. Từ chỗ đang khóc lóc, gã nổi cơn thịnh nộ, nhảy chồm lên và vung vẩy tay chân trước mặt tôi. Tôi là ai mà có quyền đề nghị gã từ bỏ đứa con của mình cơ chứ? Tôi là loại người gì vậy? Trước giờ gã chưa bao giờ chấp nhận sự giúp đỡ của bất kỳ ai; gã là một người đàn ông đủ bản lĩnh để giải quyết những vấn đề của riêng mình mà không cần bất cứ sự giúp đỡ nào, cảm ơn. Tiếp theo, gã đề nghị Anton và tôi ra khỏi nhà gã ngay lập tức. Chúng tôi thất thểu bước ra, lòng tràn ngập buồn đau và tiếc nuối, chỉ hy vọng sao mình không gây nguy hiểm gì cho Sheila. Đó là một chuyến ghé thăm thật ác nghiệt, và tôi ước sao mình đã không đi.

    Sau đó, tôi lái xe băng ngang qua trại tập trung của dân nhập cư để đến nơi ở của Anton. Anh cũng sống trong một căn nhà nhỏ, chỉ lớn hơn túp lều một chút. Căn nhà có ba phòng, và anh sống với vợ cùng hai đứa con trai nhỏ. Đối với một người làm việc trong lĩnh vực giáo dục, thuộc giới trung lưu, thì cảnh sống này có vẻ quá thiếu thốn; tuy nhiên, nơi ở của Anton rất sạch sẽ và ngăn nắp. Những đồ vật giản dị đi cùng với thảm thủ công và mấy cái gối châm kim. Một bức tượng Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập giá treo trên tường phòng khách. Vợ của Anton rất niềm nở và hiếu khách, mặc dù cô ấy không nói tiếng Anh còn tôi thì không biết nói tiếng Tây Ban Nha. Hai đứa con trai của anh là những cậu nhóc hiếu động và nhanh mồm nhanh miệng, chúng trèo lên người tôi và hỏi tôi lia lịa về lớp học mà cha chúng đã kể cho chúng nghe. Chúng thật hay chuyện và nhanh nhạy dù vẫn còn nhỏ tuổi, đến mức chúng giống như những thiên tài trong mắt tôi vậy. Cũng có thể là vì tôi đã quen với việc nhìn nhận những học sinh của mình là những đứa trẻ bình thường.

    Trong lúc năm người chúng tôi cùng chia nhau ba chai Coke và một tô bánh bắp thì Anton rụt rè hỏi về khả năng anh quay lại trường để lấy được tấm bằng dạy học. Thậm chí anh còn chưa có bằng phổ thông, nhưng anh háo hức nói với tôi rằng anh đang học để lấy được tấm bằng GED(5). Trước đây tôi chưa từng nghe anh nói gì về ước mơ anh vẫn luôn ấp ủ này. Mặc cho những e ngại ban đầu, cuối cùng anh đã hình thành một tình yêu đối với những đứa trẻ trong lớp của chúng tôi, và anh hy vọng rằng một ngày nào đó anh có thể dạy lớp học của riêng mình. Tôi thấy xúc động trước những mơ ước của Anton, bởi đó chính là những gì mà tôi thấy lo sợ. Tôi ngờ rằng anh khó có thể nhận thức hết được lượng thời gian và tiền của mà anh cần phải bỏ ra để đạt được trình độ học vấn ấy. Nhưng nhìn vợ anh cười rạng rỡ khi nghe chồng nói về những kế hoạch tuyệt vời như thế, và nhìn hai đứa con anh nhảy nhót vui sướng vì cái ý tưởng cha chúng sẽ trở thành một giáo viên thực sự, và một ngày nào đó chúng sẽ được sống trong một ngôi nhà đúng nghĩa, sẽ có xe đạp để đi...tôi không thể nói đến những khó khăn đang chờ đón gia đình họ phía trước. Bên cạnh đó, cảm xúc của tôi vẫn chưa hoàn toàn bình thường trở lại, và tâm trí tôi vẫn còn vơ vẩn ở bên kia trại tập trung dành cho dân nhập cư, bởi tôi tự hỏi điều gì đang xảy ra trong căn nhà xập xệ bên cạnh đường ray xe lửa ấy.

    Còn nữa...
     
  3. Chiracat Nhân Ngư Ham Việc

    Bài viết:
    589
    CHƯƠNG 10

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trong suốt hai giờ đồng hồ sau giờ học mà Sheila và tôi ở một mình bên nhau, tôi đã bắt đầu một thông lệ là đọc sách cho nó nghe. Mặc dù con bé hoàn toàn có thể tự đọc được hầu hết những quyển sách tôi đưa, nhưng tôi vẫn muốn đem lại cho nó thêm một chút cảm giác gần gũi, cũng như chia sẻ vài quyển sách yêu thích của tôi với nó. Thỉnh thoảng tôi còn nói chuyện với con bé về những điều được đề cập trong sách, bởi Sheila có một tuổi thơ quá tồi tệ đến mức có rất nhiều điều mà con bé không hiểu. Không phải con bé không hiểu được ý nghĩa của những từ ngữ trong sách, mà là nó không hình dung được những điều đó được áp dụng vào cuộc sống thật như thế nào.

    Chẳng hạn như đối với quyển Mạng nhện của Charlotte, Sheila cảm thấy không thể hiểu được tại sao đứa bé gái lại muốn giữ một con lợn còi cọc yếu đuối như Wilbur; bởi xét cho cùng thì nó là con yếu ớt nhất, đáng thương hại nhất trong đàn. Với đầu óc non nớt của Sheila thì con bé hoàn toàn có thể hiểu được vì sao người cha không muốn giữ con lợn ấy lại. Tôi phải giải thích rằng cô bé Fern yêu nó bởi vì nó rất nhỏ bé và không hề muốn là một con vật yếu ớt vô dụng như thế. Nhưng Sheila không thể hình dung được khái niệm đó. Con bé sống và tuân theo một cách chặt chẽ cái quy luật kẻ mạnh luôn là kẻ sống sót.

    Thế là tôi đọc quyển sách ấy cho nó nghe. Ngồi trong phòng đọc sách, tôi ôm chặt con bé trong lòng, đu đưa. Khi con bé không hiểu một từ hay một đoạn văn nào đó, chúng tôi sẽ bàn về nó, và thường là sẽ lan man đến những câu hỏi tại sao cái này lại thế này, cái kia lại thế nọ trong cuộc sống. Tôi cảm thấy mình bị cuốn hút bởi cô bé này, ở nó có một sự ngây ngô hồn nhiên rất trẻ con, nhưng lại có một nhận thức già dặn của người lớn. Cái quan điểm rõ ràng của nó về những sự vật hiện tượng xung quanh nghe vô cùng đáng sợ, đơn giản bởi vì chúng phản ánh đúng sự thật một cách trần trụi. Nhưng cái cách rất trẻ con mà nó liên kết sự việc lại với nhau thường khiến tôi bật cười.

    Một buổi tối nọ, tôi mang theo quyển Hoàng tử bé(6).

    - Này, Sheil. - Tôi gọi con bé. - Cô có một quyển sách muốn cùng đọc với con nè.

    Nó chạy ngang qua căn phòng, nhào vào lòng tôi và vồ lấy quyển sách trong tay tôi. Nó cẩn thận kiểm tra tất cả các bức tranh minh họa của quyển sách trước khi chúng tôi bắt đầu đọc. Một khi đã bắt đầu, con bé sẽ ngồi bất động, những ngón tay nhỏ xíu sẽ bấu chặt lấy gấu quần jeans của tôi.

    Hoàng tử bé là một quyển sách ngắn, và chỉ

    trong vòng nửa giờ đồng hồ tôi đã đọc được gần nửa cuốn. Khi chúng tôi đọc đến phần về con cáo, con bé trở nên chăm chú lắng nghe hơn lúc nào hết. Tôi có thể cảm thấy cái hông gầy guộc của con bé trong lòng mình khi nó cựa quậy để có một tư thế ngồi thoải mái hơn.

    - Hãy đến chơi với ta. - Hoàng tử bé đề nghị. - Ta buồn quá.

    - Tôi không thể chơi với cậu được. - Con cáo nói.

    - Tôi chưa được cảm hóa.

    - A! Thứ lỗi cho ta.

    - Hoàng tử bé nói. Nhưng sau một hồi suy nghĩ, cậu nói tiếp:

    - Điều đó có nghĩa là gì - 'cảm hóa' ấy?

    - Đó là một hành động rất thường xuyên bị bỏ qua. - Con cáo đáp. - Nó có nghĩa là tạo ra những cái nút.

    - Tạo ra những cái nút ư?

    - Đúng thế. - Con cáo nói tiếp. - Với tôi, cậu chẳng là gì khác ngoài một thằng bé con cũng giống như hàng trăm nghìn thằng bé con khác. Và tôi không cần cậu. Về phần cậu, cậu cũng không cần tôi. Với cậu, tôi cũng chẳng là gì hơn ngoài một con cáo giống như hàng trăm nghìn con cáo khác. Nhưng nếu cậu cảm hóa tôi, chúng ta sẽ cần nhau. Với tôi, cậu sẽ là độc nhất vô nhị trên đời này. Với cậu, tôi sẽ là độc nhất vô nhị trên đời này...

    Cuộc sống của tôi rất đơn điệu. - Con cáo nói tiếp. - Tôi săn gà; con người săn tôi. Mọi con gà đều giống nhau cả thôi, và mọi con người đều giống nhau cả thôi. Và, hậu quả là, tôi đã cảm thấy hơi chán rồi. Nhưng nếu cậu cảm hóa tôi, thì việc đó sẽ giống như thể mặt trời đã chiếu rọi xuống cuộc đời tôi vậy. Tôi sẽ biết được âm thanh của một bước chân khác với tất cả những bước chân khác. Những bước chân khác sẽ khiến tôi lẩn nhanh xuống dưới lòng đất. Nhưng tiếng bước chân của cậu sẽ kêu gọi tôi, như tiếng nhạc, ra khỏi cái hang tôi ẩn náu. Và hãy nhìn xem: Cậu có thấy những cánh đồng lúa mì trải dài tít tắp dưới kia không? Tôi không ăn bánh mì. Bột lúa mì không có ích lợi gì cho tôi cả. Những cánh đồng lúa mì chẳng có gì để nói với tôi hết. Và điều đó mới buồn làm sao. Nhưng cậu có một mái tóc có màu của vàng ròng. Hãy nghĩ xem sẽ tuyệt vời thế nào khi cậu đã cảm hóa được tôi! Lúa mì, thứ cũng có màu vàng ròng, sẽ khiến tôi nghĩ đến cậu. Và tôi sẽ rất thích nghe tiếng gió thổi xào xạc qua những nhánh lúa mì...

    Con cáo nhìn hoàng tử bé một lúc lâu. Nó nói:

    - Làm ơn - hãy cảm hóa tôi đi!

    - Ta muốn thế lắm chứ, rất muốn. - Hoàng tử bé đáp. - Nhưng ta không còn nhiều thời gian nữa. Ta còn có những người bạn cần phải khám phá, và còn rất nhiều điều cần phải thấu hiểu.

    - Một người chỉ có thể hiểu được những điều mà người đó đã cảm hóa. - Con cáo nói. - Con người không có thêm thời gian để hiểu bất cứ cái gì khác nữa. Họ mua những thứ đã được làm sẵn từ các cửa hàng. Nhưng không có cửa hàng nào ở bất cứ đâu để họ có thể mua được tình bạn, và thế là con người không có bạn bè gì nữa. Nếu cậu muốn có một người bạn, hãy cảm hóa tôi...

    - Nếu muốn cảm hóa ngươi thì ta phải làm gì? - Hoàng tử bé hỏi.

    - Cậu phải vô cùng kiên nhẫn. - Con cáo đáp. - Trước hết cậu phải ngồi cách xa tôi một chút - giống như thế đấy - trên bãi cỏ. Tôi sẽ liếc nhìn cậu, và cậu sẽ không nói gì cả. Lời nói là nguồn gốc của những sự hiểu lầm. Nhưng rồi mỗi ngày trôi qua, cậu sẽ lại ngồi gần tôi hơn một chút...

    Sheila đặt bàn tay của nó lên trang sách.

    - Cô hãy đọc lại đoạn đó được không?

    Tôi đọc lại đoạn đó. Con bé cựa quậy và quay lại nhìn tôi, rồi cứ nhìn chằm chằm tôi như thế suốt một lúc lâu.

    - Đó là điều cô làm, phải không?

    - Ý con là gì?

    - Đó là điều cô làm với con, phải không? Cô cảm hóa con.

    Tôi mỉm cười.

    - Nó cũng giống như những gì cuốn sách này nói thôi, cô có nhớ không? Con đã sợ hãi vô cùng và chạy vào trong phòng tập, rồi sau đó cô bước vào và ngồi xuống trên sàn nhà. Cô có nhớ không? Và con thì đã tè ra quần, cô có nhớ không? Con lúc đó thì quá sợ hãi. Con cứ nghĩ là cô sẽ đánh con một trận nên thân vì ngày hôm đó con đã làm quá nhiều chuyện sai trái. Nhưng cô chỉ ngồi trên sàn nhà thôi. Rồi sau đó cô đến gần hơn một chút, rồi một chút nữa. Lúc đó cô đang cảm hóa con, có phải không?

    Tôi mỉm cười, thật sự không thể tin vào tai mình.

    - À, chắc là phải, cô đoán thế.

    - Cô cảm hóa con. Giống như hoàng tử bé cảm hóa con cáo đó. Giống như cô đã cảm hóa con vậy. Và bây giờ thì con đã trở nên đặc biệt với cô, có phải không? Cũng giống như con cáo vậy.

    - Phải, con vô cùng đặc biệt, Sheil ạ.

    Con bé xoay người lại, ngồi yên trong lòng tôi. - Cô hãy đọc nốt quyển sách đi.

    Vậy là hoàng tử bé đã cảm hóa con cáo. Và khi giờ phút chia tay đến gần...

    - Ôi... - Con cáo nói. - Tôi sẽ khóc mất.

    - Đó là lỗi của ngươi. - Hoàng tử bé đáp.- Ta không bao giờ mong ngươi gặp điều gì không hay cả, nhưng ngươi đã muốn ta cảm hóa ngươi...

    - Đúng thế. - Con cáo nói.

    - Nhưng mà bây giờ thì ngươi sẽ khóc! - Hoàng tử bé thốt lên.

    - Đúng thế. - Con cáo lại nói.

    - Vậy thì việc đó chẳng mang lại điều gì tốt đẹp cho ngươi cả.

    - Nó đã mang lại cho tôi một điều tốt đẹp. - Con cáo đáp. - Bởi vì màu của những cánh đồng lúa mì...

    Rồi nó nói thêm:

    - Hãy đi nhìn lại những đóa hoa hồng. Giờ đây cậu sẽ hiểu rằng những đóa hoa hồng ấy của cậu là độc nhất vô nhị trên đời này. Sau đó hãy quay lại và nói lời tạm biệt với tôi, và tôi sẽ cho cậu một món quà, một bí mật.

    Hoàng tử bé đi, để nhìn lại những đóa hoa hồng. - Các ngươi chẳng giống những đóa hoa hồng của ta tí nào cả. - Cậu nói. - Cứ như thể các ngươi chẳng là gì cả vậy. Không có ai cảm hóa các ngươi, mà các ngươi cũng chẳng cảm hóa ai cả. Các ngươi cũng giống con cáo của ta khi ta gặp nó lần đầu tiên. Nó chỉ là một con cáo như hàng trăm nghìn con cáo khác. Nhưng ta đã kết bạn với nó, và giờ đây nó là độc nhất vô nhị trên đời này.

    Và những đóa hoa hồng cảm thấy vô cùng bối rối.

    - Các ngươi đẹp thật đấy, nhưng trống rỗng. -

    Cậu lại nói tiếp.- Một người không thể chết vì các ngươi được. Chắc chắn rằng một người khách qua đường bình thường sẽ nghĩ rằng đóa hoa hồng của ta trông cũng giống như các ngươi - đóa hoa hồng thuộc về ta. Nhưng chỉ mình nó thôi, nó cũng đã quan trọng hơn hàng trăm đóa hoa hồng khác như các ngươi: bởi vì đó là đóa hoa mà ta đã cất sau tấm màn; bởi vì ta đã bắt những con sâu róm cho nó, ngoại trừ vài ba con mà chúng ta để lại để trở thành những con bướm; bởi vì nó là đóa hoa hồng mà ta đã lắng nghe, khi nó càu nhàu, hay khoe khoang khoác lác, hay thậm chí là những khi mà nó chẳng nói gì cả. Bởi vì nó là đóa hoa hồng của ta.

    Và rồi cậu quay lại để gặp con cáo.

    - Tạm biệt. - Cậu nói.

    - Tạm biệt. - Con cáo nói. - Và giờ đây là bí mật của tôi, một bí mật rất đơn giản: Một người chỉ có thể nhìn nhận mọi thứ một cách đúng đắn với trái tim mình; con mắt không thể nhìn thấy được bản chất.

    - Con mắt không thể nhìn thấy được bản chất. - Hoàng tử bé lặp lại, cậu muốn chắc chắn rằng mình sẽ ghi nhớ điều này.

    - Chính vì cậu đã bỏ thời gian của mình cho đóa hoa hồng nên nó mới trở nên quan trọng với cậu đến vậy.

    - Chính vì ta đã bỏ thời gian cho đóa hoa hồng của mình... - Hoàng tử bé lại nói, cậu muốn chắc mình sẽ ghi nhớ điều này.

    - Con người đã quên mất chân lý này. - Con cáo nói. - Nhưng cậu thì không được phép quên. Cậu phải có trách nhiệm, vĩnh viễn, với thứ mà cậu đã cảm hóa. Cậu chịu trách nhiệm với đóa hoa hồng của mình...

    Sheila trườn ra khỏi lòng tôi và quay lại, rồi quỳ gối thẳng người lên để có thể nhìn thẳng vào mắt tôi.

    - Cô có trách nhiệm với con. Cô đã cảm hóa con, cho nên bây giờ cô sẽ phải có trách nhiệm với con, đúng không?

    Trong một khoảnh khắc, tôi nhìn vào đôi mắt sâu thăm thẳm của con bé. Tôi không chắc con bé đang hỏi tôi điều gì. Nó chồm người tới trước và vòng tay ôm quanh cổ tôi, mắt vẫn nhìn tôi không chớp.

    - Con cũng đã cảm hóa cô một chút, có phải không? Cô cảm hóa con và con cảm hóa cô. Và bây giờ con cũng phải có trách nhiệm với cô, đúng không?

    Tôi gật đầu. Nó buông tôi ra và ngồi xuống.

    Trong một khắc, con bé như mê đi, ngón tay nó lần theo hoa văn của tấm thảm.

    - Tại sao cô lại làm chuyện này? - Nó hỏi.

    - Làm chuyện gì cơ, Sheil?

    - Cảm hóa con.

    Tôi không biết phải nói gì nữa.

    Đôi mắt xanh biếc của nó nhướn lên nhìn tôi.

    - Tại sao cô lại quan tâm đến con? Con không thể hiểu được chuyện đó. Tại sao cô lại muốn cảm hóa con?

    Tâm trí tôi xoay mòng mòng. Họ chưa bao giờ nói với tôi trong lớp đào tạo trẻ có vấn đề về tâm thần rằng sẽ có những đứa trẻ giống như đứa trẻ này. Tôi đã không được chuẩn bị trước. Lần này có vẻ như là một trong những lúc mà tôi chỉ mong sao mình có thể nói được điều gì đó đúng đắn...

    - Ừ thì, nhóc con à, không có lý do nào cả... Cô đoán thế. Chỉ là... là điều cô cần phải làm thôi.

    - Thế nó có giống như con cáo không? Giờ đây con có đặc biệt với cô vì cô đã cảm hóa con không?

    Con có phải là một đứa bé gái đặc biệt không?

    Tôi mỉm cười.

    - Phải, con là cô bé con vô cùng đặc biệt đối với cô. Cũng giống như những gì con cáo nói đấy, giờ đây cô đã kết bạn với con, con là độc nhất vô nhị trên đời này. Cô đoán rằng cô đã luôn muốn con là cô bé con đặc biệt của cô. Cô đoán đó là lý do vì sao cô đã bắt đầu bằng việc cảm hóa con.

    - Cô có yêu con không?

    Tôi gật đầu.

    - Con cũng yêu cô. Cô là người đặc biệt nhất với con trên đời này.

    Sheila lăn kềnh ra, nằm trên tấm thảm, đầu gác lên đùi tôi. Con bé nghịch một miếng xơ vải mà nó nhặt được trên sàn nhà. Tôi chuẩn bị đọc tiếp.

    - Torey?

    - Sao?

    - Cô sẽ không bao giờ bỏ rơi con chứ?

    Tôi vuốt mái tóc lòa xòa trên trán con bé.

    - Cô nghĩ là một ngày nào đó chắc mình sẽ phải xa nhau. Khi năm học kết thúc và con chuyển sang một lớp khác, với một giáo viên khác. Nhưng từ giờ cho đến lúc đó thì không, và vẫn còn lâu lắm.

    Con bé cãi lại ngay.

    - Cô là cô giáo của con. Con sẽ không bao giờ có một giáo viên nào khác đâu.

    - Bây giờ cô là cô giáo của con. Nhưng một ngày nào đó chúng ta sẽ phải chia tay thôi.

    Con bé lắc đầu, đôi mắt của nó tối sầm lại.

    - Đây là lớp học của con. Và con sẽ ở đây mãi mãi.

    - Vẫn còn lâu lắm kia mà. Đến lúc đó, thì con cũng đã sẵn sàng rồi.

    - Không đâu. Cô đã cảm hóa con, cô phải chịu trách nhiệm về con. Cô không bao giờ có thể bỏ con được bởi vì cô có trách nhiệm với con mãi mãi. Điều này được nói đến ngay trong quyển sách này mà, và đó là những gì mà cô đã làm với con, vì thế nên việc con bị cảm hóa là do lỗi của cô.

    - Này, nhóc con. - Tôi kéo nó vào lòng. - Đừng có lo về chuyện đó mà.

    - Nhưng cô sẽ bỏ rơi con. - Con bé nói như thể buộc tội, và giằng ra khỏi vòng tay của tôi. - Cũng giống như mẹ con đã làm vậy. Và Jimmie. Và tất cả mọi người nữa. Cả cha con nữa, nếu mà không bị đi tù thì ổng cũng sẽ làm vậy đó. Ổng đã nói với con như vậy mà. Cô thì cũng giống như tất cả những người khác mà thôi. Cô thì cũng bỏ rơi con. Ngay cả sau khi cô đã cảm hóa con dù con không yêu cầu cô làm như thế.

    - Mọi việc không phải như thế đâu, Sheila. Cô sẽ không bỏ rơi con. Cô vẫn ở đây với con mà. Năm tháng qua đi thì mọi việc sẽ thay đổi, nhưng cô sẽ không bỏ rơi con. Cũng giống như câu chuyện mà chúng ta đang đọc nè, hoàng tử bé đã cảm hóa con cáo và giờ đây cậu ấy phải ra đi, nhưng thực sự là cậu ấy sẽ luôn ở bên cạnh con cáo, bởi vì mỗi lần con cáo nhìn thấy những cánh đồng lúa mì, thì nó sẽ lại nghĩ về hoàng tử bé. Nó sẽ nhớ rằng hoàng tử bé đã yêu thương nó như thế nào. Chúng ta cũng như thế. Chúng ta sẽ luôn yêu thương nhau. Như thế thì việc phải chia tay sẽ dễ dàng hơn, bởi vì cứ mỗi lần con nhớ về một người yêu thương con, con lại có thể cảm nhận được tình yêu của họ.

    - Không phải thế. Con chỉ thấy nhớ họ mà thôi.

    Tôi chìa tay ra kéo con bé lại gần mình. Nó sẽ không tin những gì tôi nói.

    - Cô thấy ngay lúc này thì việc đó quả thực quá khó khăn để có thể suy nghĩ cho thấu đáo. Con chưa sẵn sàng ra đi, và cô thì sẽ không bỏ rơi con đâu. Một ngày nào đó con sẽ sẵn sàng và chuyện đó sẽ trở nên dễ dàng hơn.

    - Không. Con sẽ chẳng bao giờ sẵn sàng đâu.

    Tôi ôm con bé thật chặt và vỗ về nó trong vòng tay mình. Ngay lúc này đây thì việc phải chia tay quả thật quá đáng sợ đối với nó. Tôi không biết phải giải quyết vấn đề này như thế nào, vì rồi sẽ tới lúc nó phải ra đi, trong trường hợp bệnh viện bang có chỗ trống, hay khi năm học kết thúc vào tháng Sáu. Tôi ngờ rằng lớp học của tôi sẽ không tồn tại trong năm sau vì một số lý do. Hy vọng được ở cạnh con bé trong năm sau thật hão huyền. Thế nên chúng tôi không còn nhiều thời gian, và tôi không biết rằng liệu trong vòng bốn tháng ngắn ngủi con bé có thể có được những cảm nhận khác so với những cảm nhận mà nó có lúc này hay không.

    Sheila để tôi vỗ về nó. Con bé đang săm soi gương mặt của tôi.

    - Cô sẽ khóc chứ?

    - Khi nào?

    - Khi cô đi ấy?

    - Con có nhớ con cáo nói gì không? 'Nếu một người để mình bị cảm hóa, thì người đó sẽ phải chấp nhận nguy cơ họ sẽ khóc rất nhiều'. Con cáo nói đúng đấy. Ai cũng khóc cả. Mỗi lần có ai đó ra đi, thì con sẽ khóc một chút. Thỉnh thoảng tình yêu làm chúng ta thấy đau đớn. Thỉnh thoảng nó làm chúng ta khóc.

    - Con đã khóc vì Jimmie và mẹ của con. Nhưng mẹ con, bà ấy không yêu con.

    - Cô không biết nữa, cưng à. Việc đó xảy ra trước khi cô biết con và cô chưa bao giờ gặp mẹ con cả. Nhưng cô không thể hình dung là bà ấy lại không hề yêu con. Rất khó để không yêu thương đứa con do chính mình mang nặng đẻ đau.

    - Nhưng bà ấy đã bỏ con lại trên đường cao tốc.

    Cô sẽ không làm như thế với con của cô nếu cô yêu chúng. Cha con đã bảo con như thế.

    - Như cô đã nói đấy, Sheila. Cô không biết nữa. Nhưng cô sẽ không bao giờ bỏ rơi con như thế. Khi năm học kết thúc và con chuyển đi nơi khác, chúng ta sẽ vẫn ở bên nhau, ngay cả khi chúng ta không gặp được nhau đi chăng nữa. Bởi vì như con cáo nói đấy, mỗi khi nó nhìn thấy một cánh đồng lúa mì, nó sẽ nhớ về hoàng tử bé. Thế nên theo một cách đặc biệt nào đó thì hoàng tử bé luôn ở bên cạnh nó. Chúng ta cũng sẽ như thế.

    - Con thì không muốn cánh đồng lúa mì nào cả. Con muốn cô thôi.

    - Nhưng điều đó cũng đặc biệt mà, Sheil. Ban đầu chúng ta sẽ hơi buồn một chút, nhưng rồi mọi chuyện sẽ khá hơn và rồi cuối cùng nó sẽ tốt đẹp cả thôi. Mỗi lần chúng ta nghĩ về nhau, trong lòng ta sẽ cảm thấy thật ấm áp. Con biết không, chẳng có khoảng cách nào có thể làm chúng ta quên được ta đã hạnh phúc ra sao khi ở bên cạnh nhau. Không gì có thể xóa nhòa được những ký ức của con cả.

    Con bé vùi đầu vào ngực tôi.

    - Con không muốn nghĩ về chuyện đó.

    - Ừ, con nói đúng. Bây giờ không phải là lúc để lo lắng về chuyện đó. Vẫn còn lâu lắm. Từ giờ cho đến lúc đó thì chúng ta sẽ nghĩ về những chuyện khác.

    Còn nữa...
     
  4. Chiracat Nhân Ngư Ham Việc

    Bài viết:
    589
    CHƯƠNG 11

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Mặc dù tôi đã thôi không còn ám ảnh về cuộc chiến xoay quanh mấy bài tập mà con bé cần phải viết nữa, nhưng chuyện này vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi tâm trí tôi. Ban đầu, tôi gặp nhiều khó khăn khi muốn giữ cho Sheila bận rộn mà không cần phải có người lớn kè kè bên cạnh. Tôi còn lo nó sẽ không được bất kỳ một giáo viên bình thường nào chấp nhận nếu nó cứ dứt khoát không chịu làm bài tập như thế. Khi còn học với tôi thì tôi có thể bỏ qua chuyện đó, nhưng một giáo viên bình thường phụ trách hai mươi lăm đứa trẻ khác với một thời khóa biểu học tập nghiêm túc cần duy trì thì sẽ không bao giờ chấp nhận cái kiểu như thế. Sau cùng, tôi lo rằng cái cách cư xử hiện thời của con bé sẽ khiến rất nhiều người lớn chú ý đến nó. Con bé hoàn toàn có đủ khả năng để trả lời bất cứ câu hỏi nào mà chúng tôi đặt ra, nhưng nó rất hay bắt bẻ Anton, Whitney hoặc tôi và cố tình nói dông dài những câu trả lời của mình. Điều này cũng là một cách cư xử khó có thể chấp nhận được, ngay cả trong lớp của tôi.

    Tôi vẫn không biết vì sao con bé lại có thái độ chống đối như thế mỗi khi làm các bài tập viết. Tôi cho rằng việc này có gì đó liên quan đến nỗi sợ thất bại. Nếu nó không bao giờ viết cái gì ra giấy, thì sẽ không ai có thể chứng minh được là nó mắc lỗi. Sheila hoàn toàn suy sụp nếu có ai đó phát hiện lỗi sai của con bé và điều chỉnh lại cho đúng, cho dù cách điều chỉnh ấy có nhẹ nhàng thế nào đi chăng nữa. Tôi đã ngờ đến chuyện này do một lần nghe con bé nói vài câu vu vơ sau khi nó mang giấy viết về nhà và gặp chút rắc rối với cha. Nhưng do con bé cũng thường gặp rất nhiều vấn đề khác với ông ta, nên tôi nghĩ rằng phản ứng đó của con bé chỉ là do một nỗi ám ảnh nào đó của nó mà thôi. Có thể đơn giản là con bé đủ ranh mãnh để hiểu được rằng cách này giúp nó tránh được rất nhiều việc phải làm, và khiến nó có được sự chú ý mà nó luôn mong muốn. Tôi không thường suy nghĩ như thế, bởi vì có rất nhiều cách dễ dàng hơn để một đứa trẻ sáng dạ có thể đạt được kết quả tương tự. Nhưng chính Anton đã bày tỏ những cảm xúc này với tôi sau một ngày đặc biệt vất vả với Sheila.

    Tuy vậy, có một điều mà dường như Sheila càng lúc càng không thể cưỡng lại được. Đó là việc tôi khuyến khích bọn trẻ sáng tạo bằng cách viết một cái gì đó. Bọn trẻ đứa nào cũng có một quyển nhật ký, trong đó chúng ghi lại những cảm xúc của mình, những chuyện đã xảy ra với chúng và những sự kiện quan trọng khác trong cuộc sống của chúng. Thường khi cô trò chúng tôi gặp rắc rối với nhau, và khi một trong hai, hoặc cả hai cùng tức giận, thì sau đó chúng sẽ bày tỏ cảm xúc của mình trong quyển nhật ký. Cứ như thế, bọn trẻ viết nguệch ngoạc trong cuốn sổ nhật ký của mình suốt cả ngày. Mỗi tối, tôi đều đọc qua tất cả những ghi chép của bọn trẻ và ghi chú vài lời nhận xét. Đó là một cách giao tiếp giữa chúng tôi, và mỗi người chúng tôi đều trân trọng cơ hội đó để có thể hiểu được đối phương cảm thấy như thế nào. Cũng bằng cách đó, tôi bắt đầu ra những bài tập viết chính thức hầu như mỗi ngày, yêu cầu bọn trẻ viết về một đề tài có sẵn. Tôi phát hiện ra rằng sau khi bọn trẻ học được cách viết thuần thục và biết cách liên kết từ ngữ với những cảm xúc đang gợi lên trong lòng, thì chúng - kể cả Susannah, đều bày tỏ tình cảm, cảm xúc của bản thân trên giấy tốt hơn là trò chuyện trực tiếp. Thế là mỗi ngày, lớp chúng tôi đều có rất nhiều bài tập liên quan đến viết lách.

    Khỏi phải nói, Sheila, với mối ác cảm cố hữu với việc viết lách, nhất định không viết gì cả. Việc này có vẻ khiến nó hơi bực mình. Trong giờ viết sáng tạo, thay vì ngồi ở góc phòng đọc sách hoặc đi đâu đó chơi, nó lại nghển cổ hoặc lại gần mấy đứa trẻ khác để nhìn xem chúng đang viết gì. Cuối cùng, vào một ngày giữa tháng Hai, sự tò mò của con bé đã chiến thắng nó.

    Hôm đó, sau khi tôi phát giấy để bọn trẻ chuẩn bị viết bài, con rụt rè bước đến chỗ tôi.

    - Nếu cô phát cho con một tờ giấy, con sẽ viết một cái gì đó.

    Tôi nhìn nó. Tôi chợt nhận ra rằng tôi có thể giải quyết được toàn bộ vấn đề liên quan đến việc viết lách này chỉ bằng một đòn tâm lý. Thế là tôi lắc đầu và nói:

    - Không, đây là bài tập viết. Con không chịu làm bài tập viết, có nhớ không?

    - Thì con sẽ làm bài này.

    - Không, cô không nghĩ thế. Cô không thể phung phí thêm bất cứ tờ giấy nào với con nữa. Đằng nào thì con cũng đâu có thích việc này. Con đi chơi đi. Đi chơi vui hơn đấy.

    Con bé đi ra chỗ khác một lúc. Rồi nó quay lại. Khi đó tôi đang đứng cạnh William để giúp thằng bé đánh vần một từ. Sheila giật giật thắt lưng tôi.

    - Con muốn làm bài này, Torey. Tôi lắc đầu.

    - Không, con không muốn. Không thực sự muốn.

    - Có, con có muốn.

    Tôi lờ con bé đi và quay lại với William.

    - Con sẽ không làm phí giấy nữa đâu.

    - Sheila, giấy chỉ dành cho những đứa trẻ muốn làm bài tập viết. Con không chịu làm, nên bài tập viết này không phải dành cho con.

    - Con có thể viết. Có thể là một chút, nếu con có một tờ giấy để viết lên đó.

    Tôi lắc đầu.

    - Không, con không thích việc đó. Chính con đã nói với cô như thế mà. Con không phải viết đâu. Bây giờ thì con đi chỗ khác chơi đi, để cô giúp William nào.

    Con bé vẫn đứng bên cạnh tôi. Sau một lúc không đạt được kết quả gì, con bé đi hỏi xin giấy

    Anton. Anton chỉ tay về phía tôi:

    - Cô Torey là người giữ giấy. Con phải hỏi cô ấy thôi.

    - Cổ không chịu phát giấy cho con.

    Anton nhún vai và đảo mắt một lượt:

    - Chà, vậy thì tiếc quá. Chú không có tờ giấy nào mà con có thể dùng được cả.

    Sheila quay lại chỗ tôi. Con bé đang nổi giận nhưng cố gắng không thể hiện điều đó ra.

    - Con muốn cô phát cho con một tờ giấy, Torey. Phát cho con một tờ giấy ngay đi.

    Tôi nhướn một bên mày để cảnh cáo con bé.

    Con bé dậm một chân đầy giận dữ và trề môi dưới ra. Tôi lại quay về phía William.

    Con bé liền thay đổi chiến thuật.

    - Làm ơn! Làm ơn đi mà! Con sẽ không phá hỏng nó đâu. Con sẽ không xé nữa đâu. Con thề đó. Làm ơn đi mà cô!

    Tôi quay lại với nó:

    - Cô không thể tin con được. Có thể nếu mai con làm một vài bài tập viết để cô thấy là con không xé nữa, thì cô sẽ phát giấy cho con trong giờ tập viết sáng tạo vào chiều mai.

    - Nhưng mà con muốn nó bây giờ cơ, Torey.

    - Cô biết là con muốn thế. Nhưng nếu con cho cô thấy là cô có thể tin tưởng con thì ngày mai con sẽ được phát giấy. Đằng nào thì hôm nay chúng ta cũng sắp hết giờ học rồi.

    Con bé nhìn tôi một cách thận trọng, cố gắng tìm ra cách nào đó để khiến tôi khoan nhượng nó.

    - Nếu cô phát cho con một tờ giấy thì con sẽ viết một điều cô chưa biết về con. Con sẽ viết cho cô một bí mật.

    - Con sẽ viết cho cô một bí mật đó vào ngày mai. Đến lúc này thì con bé làu bàu giận dữ rồi đùng đùng đi ngang qua phòng để đến một cái bàn khác. Nó lôi một cái ghế ra và ngồi phịch xuống, miệng vẫn lầm bầm những tiếng khụt khịt nhỏ ngắt quãng. Tôi cười thầm. Cách con bé nổi giận trông thật đáng yêu, và bây giờ thì nó đang học cách kiểm soát cơn giận của mình một cách đúng đắn hơn. Thỉnh thoảng nó lại lườm tôi hằn học, nhưng vẫn ngồi nguyên trên cái ghế của mình.

    Một lúc sau tôi bước tới chỗ nó và nói:

    - Cô nghĩ rằng nếu con viết nhanh, thì hôm nay cô có thể phát cho con một tờ giấy.

    Con bé ngước nhìn tôi, ánh mắt đầy trông đợi. - Nhưng con không được xé nó. - Con sẽ không xé đâu.

    - Nếu con xé tờ giấy thì sao đây?

    - Không đâu. Con sẽ không làm thế đâu mà.

    Con hứa đấy.

    - Nếu hôm nay cô phát giấy cho con, con sẽ

    làm những bài tập viết khác cho cô chứ?

    Con bé gật đầu một cách dứt khoát. - Con sẽ làm bài tập toán luôn chứ? Con bé nhăn mặt giận dữ.

    - Con sẽ không còn thời gian nữa nếu cô cứ nói chuyện với con cả ngày như thế.

    Tôi phì cười và đưa cho nó một tờ giấy.

    - Tốt hơn thì những gì con sắp viết phải là một bí mật hay ho đấy nhé.

    Con bé cầm tờ giấy bằng cả hai tay rồi chạy gấp đến chỗ một cái bàn khác và nhón lấy một cây bút. Con bé đã nhắm trước mấy cây bút được một lúc rồi, và giờ đây với cây bút và tờ giấy mà phải vất vả lắm mới có được, nó chạy về phía bên kia phòng. Nằm bò ở phía dưới chuồng thỏ, nó bắt đầu viết.

    Con bé viết rất nhanh. Tôi đã nghĩ rằng con bé sẽ gặp khó khăn khi viết, vì đã lâu rồi nó không viết. Nhưng Sheila đã làm tôi hết sức ngạc nhiên. Chỉ vài phút sau nó đã trở lại chỗ tôi, tờ giấy được gấp lại chỉ còn một hình vuông nhỏ. Nó rón rén đến bên cạnh tôi khi tôi không để ý và ấn tờ giấy vào tay tôi.

    - Bây giờ thì ở trong đây là một bí mật. Cô không được cho ai xem nó đâu đấy. Chỉ có cô mới được biết bí mật này thôi.

    - Được rồi. - Tôi nói và bắt đầu mở mẩu giấy ra.

    - Không, đừng đọc bây giờ. Cô để sau rồi đọc.

    Tôi gật đầu và cho mẩu giấy nhỏ hình vuông ấy vào túi.

    Tôi đã quên khuấy tờ giấy đó đi. Mãi cho đến tận đêm hôm ấy, lúc tôi đang thay đồ chuẩn bị đi ngủ, mẩu giấy rơi xuống sàn nhà. Tôi cẩn thận nhặt nó lên và vuốt lại cho thẳng. Nhìn những dòng chữ được viết bằng bút lông xanh, cùng với thái độ chững chạc của con bé lúc chiều, tôi biết hẳn đây phải là một lời nhắn rất riêng tư.

    Một điều đặc biệt mà con muốn cô biết nhưng không được nói với ai.

    Cô biết không đôi khi các bạn khác Trêu chọc con và gọi con bằng những cái tên xấu xí và chước đây con từng không có mặc Quằn áo xạch. Nhưng mà có lúc con không như thế bởi vì cô biết là con đã làm gì nhưng mà làm ơn đừng có nói với ai là con đái dầm ra giường. Con không có ý như thế Cha đánh con nếu ổng biết con làm thế nhưng thường là ổng không có biết. Con cũng không biết tại sao nữa Torey ơi con đã rất cố gắng để Không như thế nữa. Cô sẽ không giận con chứ phải không cô. Cha con ổng giận con nhưng con không có ý như thế Thật đấy. Việc này làm rất buồn nhưng mà nó Làm con thấy tự xấu hổ về bản thân mình. Cha con ổng nói con là một đứa bé sơ sinh nhưng mà con sắp 7 tuổi rồi khi mà con được thế thì sẽ không còn quần lót bẩn và các bạn sẽ không chế giễu con nữa. Làm ơn đừng nói với mấy bạn về việc này được không. Mà cũng đừng có nói với thầy Colinz. Hay Anton hay Whitney hay bất cứ ai được không. Con chỉ muốn cô biết mà thôi.

    Tôi đọc xong tờ giấy, xúc động trước sự ngây thơ đáng yêu của con bé và ngạc nhiên vì khả năng viết lách của nó. Nhìn chung thì mẩu lời nhắn này được viết rất tốt, rõ ràng và khá đúng về mặt đánh vần. Tôi thầm cười một mình rồi ngồi xuống và viết lại cho nó một lời nhắn.

    Thế là đợt đình chiến đầu tiên của cuộc chiến liên quan đến những bài tập viết đã diễn ra. Ngày hôm sau, với sự giúp đỡ của người lớn, con bé đã hoàn thành được một bài tập toán. Con bé làm bài rất cẩn thận, và tôi gợi ý là nên dán bài đó lên bảng danh dự, nơi tôi lưu lại tất cả những việc làm tốt của các học sinh. Thế nhưng việc này có vẻ quá sức chịu đựng của Sheila, bằng chứng là sau đó tôi đã tìm thấy bài tập Toán này bị vò nhàu và vứt vào thùng rác. Sau việc đó thì tôi cẩn thận hơn. Sheila đã bắt đầu làm được hai hoặc ba bài tập viết mà không cần có người giám sát. Thỉnh thoảng nó cũng bỏ cuộc và lại vò giấy ném đi khi đang làm bài hoặc sau khi đã làm xong, đặc biệt là với những bài quá khó với nó. Nhưng nếu tôi đưa cho nó một tờ giấy thứ hai, con bé sẽ thử lại lần nữa. Tôi không nói gì đến những chỗ con bé làm sai, bởi nỗ lực mà nó đang thể hiện để hoàn tất các bài tập viết là hết sức mong manh. Vào thời điểm đó thì tôi nghĩ không nên đưa ra bất cứ lời phê bình nào, cho dù đó là những lời nhận xét với mục đích tốt thế nào đi nữa. Thay vào đó, Anton và tôi luôn để mắt đến con bé trong khi nó làm bài tập viết, trao đổi với nó để gợi ý các lựa chọn khác khả thi hơn cho những câu mà nó trả lời chưa chính xác. Mặt khác, tôi cũng rất kín tiếng về khả năng ngày càng tiến bộ của con bé trong việc này, bởi tôi không muốn con bé nghĩ rằng tôi đánh giá nó thông qua số lượng bài tập mà nó làm được. Nhưng chắc là có ai đó đã gieo vào đầu nó suy nghĩ này, và tôi muốn con bé nhận thức rõ ràng rằng điều đó là hoàn toàn không đúng, đặc biệt là trong lớp học của chúng tôi. Cho dù con bé có cảm thấy thoải mái khi làm bài tập viết thì nó cũng cần phải biết rằng không ai đáng bị mang ra so sánh hay đánh giá chỉ với một xấp giấy bài tập cả.

    Thú vị là ở chỗ, Sheila lại vô cùng thoải mái trong giờ tập viết sáng tạo. Trong giờ học này thì những nỗi sợ trước đây dường như đã tan biến, và con bé có thể viết một cách rất thoải mái và dễ dàng. Những dòng chữ hơi cẩu thả của con bé liên tục xuất hiện rất nhanh trên mặt giấy, kể về những điều có vẻ như quá riêng tư để có thể nói chuyện trực tiếp. Tôi vẫn thường tìm thấy trong giỏ đựng bài viết của tôi năm hay sáu trang giấy kín chữ của con bé thay vì chỉ cần một tờ.

    Tôi không biết động lực nào đã thúc đẩy Sheila vượt qua được nỗi ám ảnh sợ viết của mình. Những lần nói chuyện với con bé sau đó và cả những câu nói vu vơ của nó càng khiến tôi tin rằng con bé sợ viết vì sợ thất bại. Nhưng tôi không bao giờ biết chắc được. Tôi cũng không cảm thấy một nhu cầu bức thiết cần phải biết, chỉ bởi vì có rất ít hành động của con người có thể được tối giản hóa thành những ý nghĩa mang tính nguyên nhân-kết quả đơn giản như vậy. Có nhiều điều khác quan trọng cần phải lo nghĩ hơn là cứ sục sạo tìm kiếm một cái lý do "vì sao" đầy bí ẩn và quá trừu tượng như thế.

    Allan, bác sĩ tâm lý của trường, đã trở lại không lâu sau ngày lễ Tình nhân với rất nhiều bài kiểm tra dành cho Sheila, bao gồm cả một bài kiểm tra chỉ số IQ Standford-Binet. Tôi hơi do dự một chút khi gặp thầy và mớ bài kiểm tra của ông trong văn phòng vào buổi sáng hôm đó. Tôi biết Sheila là một đứa trẻ có khả năng thiên phú; con bé đã chứng minh điều đó mỗi ngày. Có khác biệt nào không nếu chỉ số IQ của con bé là 170, 175 hay 180? Tất cả đều quá cao so với mức bình thường đến độ những con số đã trở thành vô nghĩa. Thậm chí nếu có sự cách biệt lên đến ba mươi điểm cũng không có vấn đề gì cả. Nếu chỉ số IQ của con bé là 150 hay 180 thì tôi cũng không biết sẽ phải dạy dỗ con bé bằng bất cứ cách nào khác; con bé quá khác biệt. Nhưng tôi ngờ rằng Allan cảm thấy phấn khích trước một cuộc thí nghiệm thú vị như vậy và muốn kiểm tra Sheila để làm giàu cho kiến thức của ông ta nhiều hơn là vì lợi ích của con bé. Tôi cảm thấy đỡ lo hơn bởi tôi biết rằng sắp đến lúc chúng tôi phải đối mặt trực tiếp với những quyền lực đã chỉ định con bé phải vào bệnh viện bang. Con bé không thuộc về nơi đó, bây giờ thì tôi chẳng còn nghi ngờ gì về điều này nữa. Tôi hy vọng rằng chỉ số IQ cao ngất ngưởng như vậy sẽ có ích cho chúng tôi sau này.

    Con bé đạt điểm rất cao trong bài kiểm tra Stanford-Binet cũng như với những bài kiểm tra khác. Điểm ngoại suy cho nó chỉ số IQ là 182. Khi nhìn vào con số này, tôi chợt rùng mình. Chỉ số này tương đương với một thiên tài, cũng như chỉ số IQ 18 tương đương với một người chậm phát triển. Ai cũng biết một đứa trẻ có chỉ số IQ 18 khác biệt với người bình thường như thế nào, nhưng người ta lại hiếm khi nhận ra sự khác biệt giữa một đứa trẻ có chỉ số IQ 182 với một đứa bé bình thường.

    Điều khiến tôi xúc động nhất đó là làm thế nào mà con bé có thể có được những kiểu kiến thức như thế. Tôi gần như đã nhìn nhận rằng cứ như thể nó là một dạng dị tật gì đó, chẳng hạn như tổn thương não có tác dụng ngược vậy. Cha của con bé - nếu thực sự ông ta là cha con bé - có trí thông minh bình thường, và theo những gì tôi đoán, thì mẹ của nó cũng thế. Vậy thì trong sáu năm trời bị ngược đãi và khốn khổ của mình, làm thế nào con bé có thể biết những từ như "động sản" có nghĩa là gì? Làm sao mà chuyện đó xảy ra được? Đây gần như là một điều bất khả mà tôi chưa từng kinh qua bao giờ. Tâm trí tôi cứ quẩn quanh với những suy nghĩ rằng con bé hẳn phải là bằng chứng của sự tái sinh. Tôi không còn cách giải thích nào khác với đứa trẻ lạ thường này.

    Trước khi tôi nhận thức được điều mà mình đang nghĩ, một cảm xúc khác lại xuất hiện trong tôi. Tôi nhớ lại một bài hát của một mẩu quảng cáo trên ti-vi mà tôi đã từng xem; "Trí tuệ là một thứ mà nếu lãng phí thì sẽ vô cùng khủng khiếp". Lòng tôi thắt lại. Có quá nhiều việc phải làm với đứa trẻ này, và có quá ít thời gian. Tôi không biết liệu mình có đủ thời gian hay không đây.

    Còn nữa...
     
  5. Chiracat Nhân Ngư Ham Việc

    Bài viết:
    589
    CHƯƠNG 12

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Vào tuần lễ cuối cùng của tháng Hai, tôi sẽ tham gia nói chuyện tại một buổi hội thảo được tổ chức ở một bang khác. Tôi đã biết về sự kiện này từ hồi mùa thu, trước khi năm học bắt đầu, và đã thường xuyên nhắc Ed Somers rằng tôi vẫn đang lên kế hoạch tham dự hội thảo này. Giờ đây, khi cuộc hội thảo đang đến gần, tôi lại gọi cho Ed một lần nữa để sắp xếp tìm người dạy thế trong lúc tôi vắng mặt.

    Trước đây, bọn trẻ đã từng có giáo viên dạy thế một lần hồi tháng Mười một, khi tôi phải tham dự một cuộc hội thảo khác. Lần đó tôi đi vắng chỉ có một ngày, và tôi đã chuẩn bị tinh thần trước cho bọn trẻ, thế nên mọi việc diễn ra khá êm đẹp. Tôi cảm thấy việc để cho bọn trẻ thực hiện những bài kiểm tra nhỏ về khả năng độc lập như thế này rất quan trọng. Dù chúng đã có nhiều tiến bộ trong năm học này, nhưng điều đó cũng chẳng có ích gì nếu chúng chỉ có thể học tập và cư xử đúng mực khi có mặt tôi. Tôi từng thấy những giáo viên còn giỏi hơn mình gặp thất bại vì vấn đề này nhiều hơn bất cứ vấn đề nào khác, và tôi bị ám ảnh bởi cái suy nghĩ rằng tôi cũng sẽ đầu hàng trước khó khăn này. Tôi nghĩ rằng điều làm tôi lo lắng nhất đó là tôi có xu hướng hình thành một mối quan hệ gần gũi, bền chặt với học sinh của mình hơn hẳn một số giáo viên cùng giảng dạy những lớp đặc biệt giống tôi. Chính vì vậy khi thấy bọn trẻ hình thành sự phụ thuộc thông qua những cách cư xử hết sức vô tư, tôi sợ rằng mình sẽ gặp rắc rối. Tính đến lúc ấy, tôi vẫn chưa gặp rắc rối nào, nhưng tôi đã nắm bắt mọi cơ hội mình có để cho các học sinh của tôi có thể đối mặt với khó khăn mà không cần có tôi bên cạnh.

    Dù vậy Sheila khiến tôi rất lo lắng. Con bé vừa mới vào lớp chưa bao lâu và vẫn còn rất phụ thuộc vào giáo viên. Lúc đó, tôi coi đây là một giai đoạn tự nhiên đối với con bé, nhưng tôi vẫn lo rằng việc tôi vắng mặt, dù chỉ là trong một khoảng thời gian ngắn, cũng có thể làm nó hoảng sợ.

    Vì sẽ đi vắng vào ngày thứ Năm và thứ Sáu, nên vào hôm thứ Hai, tôi thông báo cho bọn trẻ biết việc tôi sẽ đi vắng bằng một buổi nói chuyện thân mật. Sang thứ Ba, tôi nhắc lại chuyện này một lần nữa. Cả hai lần Sheila đều có vẻ không chú ý gì đến những điều tôi nói. Sau giờ ăn trưa ngày thứ Tư, tôi bảo bọn trẻ ngồi xuống để nói chuyện. Tôi giải thích rằng tôi sẽ phải đi vắng trong hai ngày tới, và sẽ không có mặt trong lớp được. Anton và Whitney sẽ ở bên cạnh bọn trẻ, và sẽ có một giáo viên khác đến dạy thế. Mọi việc vẫn sẽ diễn ra như bình thường và chẳng có gì phải lo lắng cả. Tôi sẽ quay lại vào thứ Hai tuần sau, rồi tất cả chúng tôi sẽ cùng đi tham quan trạm cứu hỏa. Chúng tôi cùng trao đổi về những cách thức để bọn trẻ có thể cư xử đúng mực với giáo viên dạy thế, về những việc sẽ giúp cho công việc của cô giáo mới được dễ dàng hơn, cũng như những điều không nên làm. Chúng tôi lần lượt phát biểu xem sẽ nói chuyện với cô ấy thế nào, và làm sao để đối mặt với những rắc rối nhỏ vẫn thường xảy ra khi một lớp học có giáo viên dạy thế. Tất cả mọi người đều tham gia vào cuộc thảo luận này một cách sôi nổi. Trừ Sheila. Khi hiểu ra những điều tôi đang nói, con bé chăm chú nhìn tôi một cách đầy lo âu. Sau đó, nó giơ tay lên xin phát biểu.

    - Có chuyện gì thế, Sheila?

    - Cô sẽ đi à?

    - Đúng thế. Nãy giờ tất cả mọi người đều nói về chuyện này mà. Cô sẽ không có mặt ở đây vào ngày mai và cả thứ Sáu nữa, nhưng cô sẽ quay lại vào thứ Hai. Đó là vấn đề mà chúng ta đang nói đến.

    - Cô sẽ đi à?

    - Trời ơi, Sheila! - Peter nói. - Cậu bị điếc đấy à? Chứ cậu nghĩ nãy giờ mọi người đang làm gì?

    - Cô sẽ đi à?

    Tôi gật đầu. Những đứa trẻ khác đang nhìn con bé một cách kỳ lạ.

    - Cô sẽ không có mặt ở đây sao?

    - Cô sẽ quay lại vào thứ Hai. Chỉ hai ngày thôi, rồi cô sẽ quay lại mà.

    Mặt nó sầm xuống, trong mắt nó tràn ngập nỗi lo âu. Con bé đứng dậy và đi về góc để đồ chơi, rồi nó ngồi đó, liên tục quan sát tôi.

    Tôi tiếp tục trả lời những câu hỏi khác, và rồi cuối cùng tôi cũng đã đả thông tư tưởng cho các học sinh của mình. Bọn trẻ có vẻ như đã hài lòng với những gì tôi nói và sẵn sàng cho những ngày sắp tới.

    Giờ giải lao, rồi giờ nấu ăn, Sheila vẫn ngồi nguyên trong góc lớp, nghịch vẩn vơ mấy món chai lọ đồ chơi. Anton bảo nó mặc áo khoác vào rồi ra ngoài chơi, nhưng con bé không chịu, mà cho ngón tay cái vào miệng mút, rồi nhìn Anton một cách bướng bỉnh. Tôi ra hiệu cho Anton ra ngoài cùng với những đứa khác, còn tôi đến bên cạnh con bé. Tôi xoay ngược một cái ghế lại và ngồi xuống, cằm tì trên lưng ghế.

    - Con đang giận cô phải không?

    - Cô chưa bao giờ nói với con là cô sẽ đi cả.

    - Có, cô có nói rồi mà Sheil. Cả thứ Hai lẫn hôm qua cô đều đã nói, trong buổi nói chuyện vào buổi sáng ấy.

    - Nhưng cô không có nói với con.

    - Cô đã nói với tất cả mọi người.

    Con bé ném một cái chảo thiếc xuống đất khiến nó phát ra âm thanh chát chúa.

    - Thật là không công bằng tí nào khi đến cô cũng bỏ con mà đi như thế. Con không muốn cô như thế.

    - Cô biết, và cô rất tiếc khi cô buộc phải đi như vậy. Nhưng cô sẽ quay về mà, Sheila. Cô chỉ đi có hai ngày thôi.

    - Con sẽ không bao giờ, không bao giờ thích cô nữa. Con sẽ không bao giờ làm bất cứ điều gì mà cô yêu cầu nữa. Cô thật là xấu xa với con. Cô cảm hóa con để con thích cô rồi cô bỏ đi. Lẽ ra cô không nên làm như thế, cô có biết không? Đó là những điều mà mẹ con đã làm và đó là một điều không hay tí nào khi làm như thế với những đứa trẻ. Họ sẽ tống cô vào tù nếu bỏ rơi những đứa trẻ. Cha con, ổng nói như vậy.

    - Sheila, chuyện này khác với chuyện đó chứ. - Con sẽ không nghe lời cô đâu. Con sẽ không bao giờ nghe lời cô nữa. Con đã thích cô mà cô lại chơi xấu con như vậy. Cô sẽ đi mà cô lại nói với con là cô sẽ không đi đâu hết. Đó là một điều vô cùng tàn nhẫn khi làm thế với một đứa trẻ mà cô đã cảm hóa. Cô có biết thế không hả?

    - Sheila, nghe cô nói này...

    - Con sẽ không bao giờ nghe cô nói nữa. Cô không nghe con nói hả?

    Giọng con bé gần như là không bật thành tiếng, nhưng lại chứa đầy cảm xúc.

    - Con ghét cô.

    Tôi nhìn nó. Nó vẫn ngoảnh mặt đi. Lần đầu tiên kể từ khi nó đến đây, tôi thấy nó giơ một ngón tay lên chặn một bên mắt để ngăn không cho nước mắt trào ra. Con bé hoảng loạn ấn chặt ngón tay vào hai bên thái dương, cố gắng để không òa lên khóc.

    - Xem cô đã khiến con phải làm gì nè. - Con bé thì thầm buộc tội tôi. - Cô đã khiến con khóc mà con thì không muốn như thế. Cô đã biết là con không thích khóc rồi mà. Con ghét cô hơn bất kỳ ai trên đời này và con sẽ không bao giờ cư xử ngoan ngoãn trong cái lớp này nữa. Dù thế nào đi nữa cũng không đâu.

    Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, những giọt lệ long lanh trên khóe mắt của con bé rồi vỡ ngay. Chúng không bao giờ trào ra ngoài cả. Con bé lao vụt qua tôi, quơ lấy cái áo khoác của mình rồi chạy ra ngoài sân chơi.

    Tôi cũng lấy áo khoác và ra ngoài tham gia cùng bọn trẻ. Sheila ngồi một mình ở góc đằng xa. Con bé ngồi co ro trong làn gió tháng Hai lạnh buốt, gục đầu trong hai cánh tay đang khoanh lại của mình.

    - Không dễ dàng đón nhận chuyện đó hả? - Anton hỏi.

    - Không, con bé đón nhận chuyện đó không mấy dễ dàng.

    Sau giờ nghỉ giải lao, khi những đứa trẻ khác đã chuẩn bị sẵn sàng cho giờ nấu ăn, Sheila vẫn ở trong góc chơi đồ hàng và vơ vẩn nghịch mấy món đồ chơi. Tôi vẫn để con bé ngồi yên đó. Nó đang cảm thấy không vui và đương nhiên là có lý do khi muốn ngồi một mình như thế. Mặc dù tự cô lập mình, nhưng con bé vẫn kiểm soát cơn bực bội của mình khá tốt. Không có cơn thịnh nộ nào, không có trò phá phách nào, cũng không hề bỏ chạy. Tôi cảm thấy ngạc nhiên và hài lòng với cái cách con bé đang đối mặt với vấn đề của mình. Sheila đã vượt qua được một chặng đường dài trong vòng hai tháng qua.

    Những đứa khác cố dỗ ngọt Sheila tham gia cùng chúng. Tyler, vẫn tỏ ra là đại ca của lớp như mọi khi, cứ chú ý thái quá đến Sheila cho tới khi Whitney bảo con bé quay về với công việc nấu ăn của mình. Peter thì luôn mồm hỏi vì sao Sheila lại cứ đứng ở đó mà không tham gia cùng với mọi người. Tôi giải thích rằng lúc đó Sheila đang cảm thấy hơi tức giận một chút và đang tự kiểm soát hành động của mình bằng cách không tham gia cùng chúng tôi.

    Sau khi làm bánh xong, mọi người quây quần bên nhau để cùng ăn, tôi ngồi cạnh William và Guillermo. Tyler đã mang vài cái bánh đến cho Sheila - con bé vẫn ru rú trong góc để đồ chơi, giữa đám búp bê và xoong nồi lỉnh kỉnh. Guillermo đang cho tôi xem một cái đồng hồ chữ Braille mới mà ông thằng bé đã cho nó, và nó cùng với William đang kiểm tra xem liệu tôi có thể xem giờ bằng cái đồng hồ ấy khi nhắm mắt không.

    - Torey! - Sarah hét lên từ phía bên kia phòng.

    - Đến đây nhanh lên, Sheila bị nôn rồi.

    Peter nhảy tưng tưng một cách vui sướng:

    - Sheila nôn tung tóe lên tất cả mọi thứ rồi. - Thằng bé rất thích thú với những rắc rối kinh hoàng như thế này.

    Anton đi gọi người lao công của trường, còn tôi quay lại để xem chuyện gì đã xảy ra. Những đứa trẻ khác đang tụ tập xung quanh như thể chúng tôi đang có một đoàn xiếc trong lớp vậy.

    Tôi bế Sheila ra khỏi chỗ đó và đặt con bé xuống bên cạnh mình. Tôi gạt mớ tóc lòa xòa trên trán con bé sang một bên rồi sờ trán nó. Con bé không bị sốt.

    - Có thể bạn ấy bị nhiễm vi-rút. - Peter nói. - Năm ngoái có lần con bị nôn đến hàng triệu lần chỉ trong một đêm, tung tóe ra khắp giường và đồ đạc của con, và mẹ con nói là con bị nhiễm vi-rút.

    - Không. - Tôi đáp. - Cô không nghĩ là Sheila bị ốm. Cô nghĩ rằng bạn ấy chỉ là hơi căng thẳng một chút với những việc xảy ra ngày hôm nay, và chuyện đó khiến dạ dày của bạn quặn lên.

    - Con cũng bị như vậy một lần rồi. Lần đó cậu con sắp đến thăm nên con vô cùng phấn khích, - William nói chen vào, - và thế là con lăn ra ốm. Cậu sẽ dẫn con đi câu cá mà.

    Peter khụt khịt:

    - Tớ cá là bạn ấy bị như thế này là vì mấy cái bánh của Tyler.

    - Cô nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu tất cả không bu lại chỗ này nữa và tản ra kia ngồi. - Tôi nói.

    Khi Anton quay lại, tôi đưa Sheila vào nhà tắm để rửa ráy cho nó. Con bé không kháng cự, nhưng vẫn không chịu nhìn tôi và cũng không chịu nói lời nào. Thế là tôi rửa mặt mũi và quần áo cho con bé trong im lặng.

    - Con có nghĩ là con sẽ lại nôn một lần nữa không? - Tôi hỏi.

    Không trả lời.

    - Sheil, thôi đi nào. Trả lời cô đây này. Cô đang hỏi con cảm thấy thế nào. Con sẽ lại bị thế này nữa chứ?

    - Con không có ý như thế.

    - Cô biết là con không cố ý. Nhưng cô muốn biết là con có đang thấy không khỏe không, để chúng ta có thể chuẩn bị nếu cần thiết. Sắp đến giờ về nhà rồi.

    - Xe buýt của con phải năm giờ mới đến.

    - Cô nghĩ tốt hơn là con nên về nhà khi vừa hết giờ học. Họ có đặt ra những quy định về những trường hợp bị nôn trong trường. Họ không muốn con đi xe buýt đâu. Và cô nghĩ rằng tốt hơn là con nên về nhà. Sau khi tan học, chú Anton có thể đưa con về.

    - Nhưng con không cố ý mà. Con sẽ không như thế nữa đâu.

    - Cưng ơi, vấn đề không phải chỗ đó.

    - Cô ghét con. Cô căm ghét và thậm chí còn không buồn tử tế với con một chút khi con bị ốm nữa. Cô thật là một người xấu xa.

    Tôi đảo mắt một vòng, bực tức.

    - Sheila, cô không ghét con. Thật đấy, cô phải làm gì để con hiểu là cô sẽ quay về với con chứ? Cô sẽ chỉ đi ngày mai và thứ Sáu thôi mà. Chỉ hai ngày ngắn ngủi thôi. Rồi sau đó cô sẽ quay về. Chẳng lẽ con không hiểu điều đó hay sao?

    Tôi cảm thấy nản lòng quá đỗi. Con bé là một

    đứa sáng dạ, nó biết hai ngày chỉ là một khoảng thời gian ngắn, vậy mà nó vẫn không chịu hiểu. Tôi ngờ rằng việc nó nôn ra không gì khác ngoài một cách mà cơ thể nó phản ứng với sự buồn bực về mặt tâm lý của con bé, nhưng tôi không biết phải làm gì với nó nữa. Con bé không chịu nghe những gì tôi nói.

    Tôi rửa ráy cho nó xong rồi đứng dậy, lắc đầu. Sau đó, tôi nhún vai và nói:

    - Con có muốn cô dỗ con một chút cho đến khi tan học không? Có thể việc đó sẽ giúp bụng dạ con bớt nôn nao.

    Con bé lắc đầu.

    Người lao công vừa đi khỏi, còn bọn trẻ đang chuẩn bị ra về. Anton nhìn về phía tôi với vẻ thắc mắc. Tôi nhìn anh với vẻ bối rối.

    Những đứa khác đang mặc áo khoác vào, còn Sheila vẫn đứng nguyên ở cửa nhà tắm và quan sát. Tôi nhìn con bé, thấy nó hơi xanh xao. Có thể tôi đã hơi hồ đồ khi phán xét mọi việc vội vàng như thế, có thể đúng là con bé bị nhiễm vi-rút thật. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Tôi đã nhiều lần cảm thấy bụng dạ mình nôn nao rồi. Xét cho cùng thì con bé chỉ đang cảm thấy khó chịu khi đối mặt với một việc mà nó thấy khó chấp nhận thôi.

    Tôi ngồi xuống ghế đu và quay về phía nó. Con bé vẫn đứng ở cửa. Dường như chúng tôi đang vô cùng xa cách nhau. Mối liên kết giữa chúng tôi mới mỏng manh làm sao. Suy nghĩ lớn nhất trong đầu tôi là tôi không thể thuyết phục được nó rằng tôi sẽ không bao giờ bỏ rơi nó như những người khác. Dù vậy, đằng sau suy nghĩ ấy, tôi lại hết sức khâm phục đứa trẻ này. Con bé thật mạnh mẽ và can đảm. Không có lý do gì mà con bé phải tin rằng tôi đang thành thật với nó cả. Những gì đã xảy ra trong quá khứ của nó càng không thể khiến nó tin rằng tôi sẽ quay lại, và con bé chỉ đang làm một điều theo những gì nó cảm nhận được mà thôi. Vậy mà khi nó đứng đó quan sát tôi, một vở kịch câm của sự nghi ngờ bản thân, của nỗi sợ hãi và sự phiền muộn đang hiển hiện trên gương mặt nó. Con bé đang hết sức cố gắng để có thể tin tôi; cuộc chiến giữa trải nghiệm của nó và những mơ ước nó đang mang phản chiếu rõ mồn một trong đôi mắt nó. Lòng tôi ngập tràn cảm giác tôn trọng dành cho đứa trẻ này, một sự tôn trọng như bóp nghẹt tim tôi và không thể nói thành lời, bởi tôi biết con bé đang cố gắng đến cùng cực. Đây là một trong những khoảnh khắc khiến cho tất cả những khoảnh khắc khác đáng sống. Chúng tôi đã chạm vào góc khuất trong tâm hồn của nhau.

    Tôi chìa tay ra.

    - Đến đây nào, mèo con của cô. Hãy để cô vỗ về con nào.

    Con bé lưỡng lự, sau đó chậm chạp tiến đến gần tôi. Không nói không rằng, nó trèo vào lòng tôi.

    - Hôm nay quả là một ngày khó khăn, có phải không?

    Con bé lại ấn mấy ngón tay vào hai bên thái dương.

    - Cô biết con không hiểu chuyện gì đang xảy ra, Sheila ạ. Cô nghĩ con không hiểu vì sao cô có thể làm chuyện này với con mà vẫn yêu thương con.

    Tôi vỗ về con bé, vuốt mớ tóc lòa xòa trên trán nó và cảm nhận mái tóc mềm mại như lụa của nó.

    - Con chỉ cần phải tin cô mà thôi.

    Con bé tựa vào tôi, người cứng đờ, cũng giống như những ngày đầu con bé vừa đến đây vậy.

    - Cô đã cảm hóa con. Con không yêu cầu cô làm thế, nhưng cô đã làm thế. Bây giờ cô lại bỏ con mà đi. Chuyện này thật không công bằng. Cô phải có trách nhiệm với con. Cô đã tự nói thế mà.

    Tôi lấy làm lạ khi con bé đột ngột chuyển sang dùng thì quá khứ như thế. Tôi chưa bao giờ nghe nó nói như vậy trừ vài lần hiếm hoi trước đây.

    - Mèo con, hãy tin cô. Cô sẽ quay về. Mọi việc sẽ không đến nỗi tồi tệ như con nghĩ đâu. Chú Anton sẽ vẫn ở đây, và cả chị Whitney nữa. Và cô giáo dạy thế sẽ đáng yêu lắm, cô biết mà. Nếu con tự cho mình một cơ hội thì con sẽ thấy vui vẻ thôi mà.

    Con bé không trả lời, nó chỉ ngồi yên, mấy ngón tay vẫn ấn chặt vào hai bên thái dương. Chẳng còn gì để nói nữa cả. Hoặc con bé không tin tôi, hoặc nó không thể thừa nhận là nó đã tin tôi. Tôi đã quá quen với khả năng sử dụng ngôn từ của nó. Đôi khi tôi quên mất rằng nó chỉ là một đứa bé sáu tuổi. Tôi quên mất rằng nó có nhiều vấn đề như thế nào, và nó chỉ mới ở đây một thời gian ngắn. Vậy mà tôi lại trông đợi ở nó quá nhiều khi muốn nó hiểu ra vấn đề.

    Cuộc hội thảo được tổ chức tại một bang ở bờ Tây, ở đó có khí hậu tháng Hai dễ chịu hơn nơi tôi đang sống. Chad đi cùng tôi, và chúng tôi dành phần lớn thời gian để nô đùa và thư giãn trên biển. Đó là một sự thay đổi thật tuyệt dịu. Tôi hiếm khi nhận ra mình đã trở nên khắng khít với bọn trẻ như thế nào nếu không có những dịp như thế này xảy ra - những lần tôi phải đi vắng. Những mối tương tác của tôi với bọn trẻ rất mạnh mẽ và chúng hoàn toàn chi phối tôi. Khi đang làm việc, tôi không bao giờ nhận thức được rằng công việc này khiến tôi cảm thấy căng thẳng như thế nào. Giờ đây, trên một bãi biển tràn ngập nắng vàng, tôi cảm thấy những mỏi mệt trong tôi đã hoàn toàn tan biến.

    Đó là một cuộc hội thảo rất bổ ích, và thậm chí còn là một kỳ nghỉ tuyệt vời nữa. Tôi không hề nghĩ đến bọn trẻ trừ lúc đêm khuya, khi chuẩn bị đi ngủ. Nhưng ngay cả khi tôi có nghĩ đến, thì đó cũng là những hồi tưởng mờ nhạt. Tôi biết chúng có thể tự lo cho bản thân mình khi tôi vắng mặt. Với Chad và tôi thì dịp này giống như một sự hồi sinh về mặt tinh thần vậy. Từ khi Sheila xuất hiện, tôi phải đối mặt với những thách thức vô cùng lớn lao, phải mang cả công việc về nhà để xử lý, điều này ít nhiều ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa tôi và Chad. Anh hiểu niềm đam mê của tôi với bọn trẻ, nhưng anh vẫn cảm thấy không hài lòng khi đối diện với thực tế là bọn trẻ đã lấy đi mọi khoảnh khắc tôi dành cho anh. Bốn ngày được ở bên nhau khiến chúng tôi cảm thấy hạnh phúc và thư giãn.

    Vào buổi sáng thứ Hai khi đi dạy lại, tôi cảm thấy hơi lo lắng. Trước đó chúng tôi đã lên kế hoạch đi tham quan đồn cứu hỏa vào buổi chiều hôm ấy, thế là tôi phải ra ngoài thực hiện vài cuộc điện thoại vào giờ chót để sắp xếp mọi việc đâu vào đấy, đồng thời xác nhận lại với tất cả các bậc phụ huynh đã hứa là sẽ giúp một tay trong chuyến đi này.

    Sau khi gọi điện xong và quay về lớp, tôi gặp Anton ở hành lang. Mắt anh sưng lên vì mỏi mệt.

    - Chúng tôi đã có một quãng thời gian đáng nhớ khi cô đi vắng. - Anh nói.

    Qua giọng nói của anh, tôi có thể nói rằng cái "quãng thời gian" đó hẳn là chẳng tốt đẹp gì lắm, và tôi cảm thấy sợ khi phải hỏi kỹ hơn.

    - Chuyện gì xảy ra vậy?

    - Sheila hoàn toàn nổi điên. Con bé không chịu nói chuyện với ai. Nó lôi tất cả mọi thứ xuống khỏi tường, lôi hết sách ra khỏi kệ. Con bé tặng cho Peter một cái mũi đầm đìa máu vào thứ Sáu. Nó cũng không chịu làm bất cứ bài tập nào cả. Thậm chí tôi còn không thể bảo nó ngồi vào ghế. Hôm thứ Năm, con bé đã làm hỏng cái máy hát. Còn vào chiều thứ Sáu, nó đã cố làm vỡ kính cửa ra vào bằng giày của mình.

    - Anh đùa đấy à!

    - Ừ, đùa. Lạy Chúa tôi, Torey, tôi ước sao mình đang đùa. Con bé đúng là một nỗi kinh hoàng.

    - Lạ thật. - Tôi lẩm bẩm. - Tôi cứ nghĩ là con bé đã không còn làm những việc quái đản như thế nữa rồi chứ.

    - Thậm chí con bé còn cư xử tệ hơn cả hồi trước. Lúc nào nó cũng ngồi lì trong một góc. Nó cư xử tệ hơn bao giờ hết.

    Tim tôi thắt lại. Một luồng cảm xúc tồi tệ sôi lên ùng ục trong lòng tôi. Tôi đã thật lòng nghĩ rằng tôi có thể tin là con bé sẽ cư xử ngoan ngoãn khi tôi đi vắng. Thật đau đớn khi nhận ra rằng tôi đã phán đoán sai mọi việc, phán đoán sai một cách tồi tệ. Tôi cảm thấy như chính bản thân mình đã bị sỉ nhục vậy. Tôi đã tin tưởng con bé; tôi đã phụ thuộc cảm xúc của mình vào việc nó sẽ cư xử đúng mực, ngoan ngoãn, và nó đã làm tôi thất vọng.

    Tôi định sẽ nói chuyện với nó về vấn đề này, nhưng xe buýt của nó đến muộn. Những đứa khác đã lục tục đến lớp, tất cả đều có nhiều chuyện để kể với tôi.

    - Lẽ ra cô nên chứng kiến những gì mà Sheila đã làm. - Sarah nói một cách đầy phấn khích. - Bạn ấy đã phá sập cả lớp học.

    - Đúng rồi! - Guillermo líu lo. - Cái cô giáo viên dạy thế, cô Markham ấy, cổ đã đét đít Sheila và bắt bạn ấy ngồi vào góc phòng, và Whitney đã phải giữ chặt bạn ấy suốt cả buổi chiều, vì bạn ấy không có chịu ngồi yên.

    Peter nhảy tưng tưng xung quanh tôi, đôi mắt đen láy của thằng bé ngời lên rạng rỡ.

    - Bạn ấy rất là xấu tính với Whitney, làm chị Whitney khóc, mà cô biết chuyện gì nữa không? Cô Markham cũng khóc luôn. Và Sarah khóc, Tyler khóc. Tất cả bọn con gái đều khóc vì Sheila quá bướng bỉnh. Nhưng con thì không. Con đã thụi cho bạn ấy một quả. Con đã cho bạn ấy một trận ra trò vì đã cư xử quá tệ như thế.

    - Bạn ấy hư lắm. - Max khẳng định trong lúc chạy mòng mòng xung quanh tôi.

    Nỗi thất vọng và buồn chán trong tôi biến thành sự giận dữ. Làm sao con bé có thể làm điều này với tôi được cơ chứ? Rõ ràng là con bé đã cư xử một cách tồi tệ nhất kể từ khi tôi bắt đầu dạy dỗ nó. Tôi cứ nghĩ là con bé sẽ kiểm soát được mình, để vượt qua được hai ngày không có tôi ở bên cạnh. Tôi thực sự quá thất vọng. Lòng tin trong tôi sụp đổ. Niềm hy vọng có thể kiểm soát và dạy dỗ được nó đã xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Con bé đã trả đũa tôi; nó cố ý làm như thế, vậy là tất cả thời gian và nỗ lực tôi dành cho nó cuối cùng chẳng có ích lợi gì cả.

    Sheila đến lớp sau khi chúng tôi đã bắt đầu cuộc nói chuyện buổi sáng. Con bé nhìn tôi một cách ngờ vực và ngồi xuống. Cái mùi nước tiểu khai ngấy lại dậy lên. Con bé thậm chí còn không thèm tắm rửa gì kể từ khi tôi đi.

    Sự phiền muộn trong tôi không giảm đi chút nào khi tôi nhìn thấy nó. Lúc đó tôi đang cảm thấy rất dè chừng, tôi tin rằng cách cư xử của con bé trong những ngày qua là một đòn công kích trực tiếp vào lòng tin của tôi. Cũng như đối với tất cả những người khác mà con bé từng có dịp tiếp xúc, nó đã tìm ra điều gì là quan trọng nhất đối với tôi, và nó đã vin vào đó để trả thù tôi. Càng nghĩ về chuyện đó, tôi càng cảm thấy tồi tệ. Việc này đối với tôi còn khó chấp nhận hơn cả biến cố xảy ra vào ngày đầu tiên, hay thậm chí là rắc rối xảy ra với lớp học của cô Holmes, bởi vì nó đã trực tiếp nhắm vào tôi.

    Sau buổi nói chuyện, tôi gọi con bé lại. Chúng tôi ngồi trên ghế, cách xa những người khác.

    - Cô nghe nói là con không kiểm soát được mình lắm trong lúc cô đi vắng.

    Con bé nhìn tôi chằm chằm, không thể biết được nó đang cảm thấy như thế nào.

    - Cô đã quay về, và tất cả những gì cô nghe được là những trò quậy phá của con. Cô muốn con giải thích điều này cho cô.

    Con bé chẳng nói gì mà chỉ nhìn tôi không chớp mắt.

    - Cô giận con lắm, Sheila ạ. Đây là lúc cô thấy giận dữ nhất trong suốt một thời gian dài. Bây giờ cô muốn nghe lý do vì sao con làm thế.

    Vẫn không có câu trả lời.

    Cơn phẫn nộ trào lên trong lòng tôi khi tôi nhìn thấy cặp mắt lạnh lùng và xa cách của con bé. Trong cơn tuyệt vọng đột ngột kéo đến, tôi chộp lấy hai vai nó và lay thật mạnh:

    - Nói cho cô nghe xem nào. Khốn kiếp thật! Nói cô nghe xem nào!

    Nhưng con bé đã cố kìm nén cảm xúc của mình, nó nghiến chặt hai hàm răng lại. Hoảng sợ vì đã mất kiểm soát, tôi buông vai nó ra. Lạy Chúa, việc này đang bắt đầu trở nên quá sức chịu đựng của tôi.

    Con bé vẫn câm như hến, mắt vẫn nhìn tôi chằm chằm. Sự nóng nảy của tôi đã khiến chính con bé nổi giận, và giờ đây con bé đã trở thành một đối thủ xứng tầm của tôi, nếu không nói là vượt trội hơn. Đây là thế giới của con bé, cái vương quốc của sức mạnh thể xác này. Con bé thông thạo về nó hơn tôi. Có thể nói rằng tôi đã phạm sai lầm khi chạm vào nó như thế. Tôi hình dung được rằng con bé có thể chịu đựng tất cả những trò hành hạ về thể xác mà tôi có khả năng thực hiện, nhưng vẫn sẽ không chịu mở miệng nói một lời nào. Tôi quá thất vọng. Thất vọng ê chề. Hai vai tôi chùng xuống.

    - Cô đã tin con.

    Tôi nói, giọng nhẹ nhàng, lộ rõ sự nản lòng.

    - Cô đã tin con trong suốt hai ngày tồi tệ vừa qua, Sheila ạ, cô đã tin ở con, con không thấy như thế sao? Và con muốn biết cô cảm thấy như thế nào khi quay về và nghe nói rằng con đã cư xử như thế không?

    Sheila bùng nổ với một cơn thịnh nộ mà tôi không hề chuẩn bị trước.

    - Con chưa bao giờ bảo cô phải tin con. Con chưa bao giờ nói như thế, mà là chính cô! Con chưa bao giờ nói là cô có thể tin ở con. Cô không thể! Không ai có thể tin con cả! Con chưa bao giờ nói là cô có thể tin con mà!

    Con bé đứng bật dậy, đi vòng quanh lớp một cách bấn loạn trước khi trốn dưới gầm bàn đặt mấy cái chuồng thú. Nỗi đau khổ của nó mãnh liệt đến mức nó cứ ngồi dưới gầm bàn và tạo ra những âm thanh nho nhỏ kỳ lạ, không rõ là tiếng khóc, tiếng hét hay tiếng nói. Nhưng cảm xúc của nó thông qua những âm thanh này thì đã quá rõ ràng.

    Phản ứng của con bé khiến tôi ngạc nhiên. Tôi ngồi bất động trên ghế. Những đứa trẻ khác đã dừng hết các việc chúng đang làm lại để quan sát chúng tôi. Sự lo lắng thể hiện rõ trong ánh mắt chúng. Tôi chỉ biết ngồi đó và nhìn con bé đang trốn dưới gầm bàn. Tôi chẳng biết phải làm gì nữa.

    - Vậy thì chiều nay con sẽ không được đi với các bạn, Sheila ạ. - Sau cùng, tôi lên tiếng. - Cô sẽ không đưa bất cứ ai mà cô không tin tưởng theo cùng. Con có thể ở lại đây với chú Anton.

    Con bé lồm cồm bò ra khỏi gầm bàn.

    - Con có thể đi cùng.

    - Không, cô e là không thể. Cô không thể tin con được.

    Con bé như cứng đờ người vì sợ hãi. Tôi biết chuyến tham quan này rất có ý nghĩa với nó. Con bé rất thích đi đây đi đó cùng chúng tôi.

    - Con có thể đi cùng mà. Tôi lắc đầu.

    - Không, con không thể.

    Sheila hét lên, những tiếng hét chói tai. Con bé vẫn đứng nguyên ở chỗ chuồng thú và bắt đầu nhảy lên nhảy xuống, hai tay đập chan chát trong không khí.

    - Hãy thôi ngay đi Sheila, nếu không con sẽ bị phạt đứng vào góc lớp đấy. Thôi ngay đi!

    Rõ ràng là con bé đã hoàn toàn mất kiểm soát. Nó lao người xuống sàn và đập đầu thình thịch xuống mặt đất. Anton lao đến để ngăn con bé tự hủy hoại mình. Con bé chưa bao giờ làm một điều tương tự như thế trước đây cả; tôi đã nghĩ rằng nó sẽ nổi cơn điên phá phách, và rõ ràng những đứa trẻ khác cũng đã nghĩ như thế khi đem cất những món đồ quý của chúng đi. Nhưng trước đây con bé chưa bao giờ cố tự làm tổn thương chính mình cả. Một vài đứa trẻ khác, đặc biệt là Max và Susannah, sẽ làm thế, nhưng Sheila thì chưa bao giờ.

    Anton ôm chặt con bé trong tay. Nó vùng vẫy một cách hoang dại, miệng vẫn không ngừng gào thét. Tôi không thể suy nghĩ được gì nữa. Rồi sau đó, nó dừng lại, cũng đột ngột như lúc nó mới hét lên, và căn phòng chìm vào một bầu không khí im lặng đáng sợ. Tôi lao đến, sợ rằng con bé đã bị thương nên mới dừng lại một cách đột ngột như thế. Anton buông nó ra, nó trượt khỏi tay anh như một miếng bơ nóng, rồi đổ xuống thành một đống thịt nhỏ trên tấm thảm lót sàn. Hai cánh tay nó ôm vòng quanh đầu, còn mặt nó thì gục xuống tấm thảm.

    - Con có sao không, Sheila? - Tôi hỏi.

    Con bé ngẩng đầu lên.

    - Làm ơn hãy cho con đi với. - Nó thì thào.

    Sau màn thể hiện cảm xúc kinh hoàng lúc nãy, tôi trở nên cảnh giác.

    - Cô nghĩ con không nên đi.

    Nếu con bé cư xử như thế này, thì tôi thấy sợ việc phải kiểm soát nó bên ngoài phạm vi lớp học.

    - Con thật sự hối lỗi vì những việc con đã làm. Hãy cho con đi. Cô có thể tin con, làm ơn đi mà! Con muốn đi.

    Tôi nhìn nó. Những cảm xúc bực tức và chán nản trước đó lại ùa về trong tôi, và tôi bắt đầu nghĩ rằng tất cả những hành động bạo lực nãy giờ mà nó thể hiện chỉ là một trò bịp, bởi vì con bé đã ngừng chuyện đó lại quá nhanh. Suy nghĩ đó lại khơi lên ngọn lửa tức giận vẫn đang âm ỉ trong tôi.

    - Cô không nghĩ thế đâu, Sheila. Có lẽ để lần tới vậy.

    Con bé lại bắt đầu la hét, hai tay che mặt nhưng vẫn nằm lì trên sàn nhà. Trong cái tư thế nằm kỳ dị đó, con bé trông như một con búp bê bằng vải nhàu nát. Tôi quay người bỏ đi để lo cho những đứa trẻ khác.

    Suốt buổi sáng nó cứ nằm thù lù trên sàn nhà như thế. Nó la hét thêm một lúc nữa và sau đó im bặt, không động đậy, không nhìn gì nữa cả. Ban đầu tôi muốn chuyển nó vào góc lớp, nhưng rồi tôi thay đổi ý định. Tôi cảm thấy mình đã bị đánh bại, và không muốn dính líu với con bé thêm nữa.

    Đến giờ ăn trưa, tinh thần tôi đã hoàn toàn ổn định trở lại. Tôi bắt đầu nhận thức được rằng tôi đã giận dữ với con bé, vì tôi đã bộc lộ điều mà bản thân tôi vẫn luôn nhìn nhận là một sự thiếu sót về mặt giáo dục. Tôi nổi giận vì mình đã không thành công trong việc để con bé ở lại mà không có gì xảy ra. Tôi nổi giận vì con bé đã làm với tôi cái điều mà tôi đã chứng kiến nó làm với rất nhiều người khác. Chẳng hiểu sao tôi đã thực lòng tin rằng con bé sẽ không bao giờ trả thù tôi như thế. Mãi cho đến lúc đó thì con bé vẫn chưa làm thế với tôi, và cái tôi trong tôi đã được bơm đủ một ảo tưởng rằng nó sẽ không bao giờ làm thế. Giờ đây, tôi bị hạ xuống một vị trí ngang hàng với tất cả mọi người. Mọi cảm xúc trong tôi đều bị làm cho tổn thương. Và giờ đây, tôi cảm thấy vô cùng bối rối và hoang mang khi nhận ra rằng mình cũng gây cho nó cảm giác tương tự bằng cách không cho phép nó tham gia vào chuyến tham quan của lớp. Con bé đã làm tôi tổn thương, và tôi đã muốn cho nó thấy rằng nó sẽ phải hối tiếc. Tôi đã ngang nhiên làm một điều nằm trong quyền hạn của mình mà tôi biết rằng điều đó cũng sẽ khiến nó bị tổn thương như tôi.

    Khi nhận thức ra điều này, tôi cảm thấy tồi tệ hơn bao giờ hết. Tôi thật là một kẻ thô lỗ, đần độn và ích kỷ. Tôi cảm thấy căm ghét chính bản thân mình, căm ghét tất cả. Tôi cảm thấy lòng mình trống rỗng và không thể quyết định mình sẽ cứu vãn tình thế này như thế nào đây.

    Giờ ăn trưa, tôi vừa uể oải ăn bánh kẹp vừa trút nỗi cắn rứt của mình với Anton.

    - Anton này, lần này tôi đã làm hỏng bét mọi việc rồi.

    Tôi lúng búng với mớ bơ đậu phộng trong miệng. Làm sao mà tôi có thể trở thành một giáo viên được khi mà tôi cứ kiểm soát những cảm xúc của mình theo một cách tệ hại như thế? Anton cố gắng trấn an tôi. Anh cứ nhắc lại là con bé đã rất hư, rằng con bé đáng bị như thế để hiểu rằng việc nó làm là không thể chấp nhận được.

    Nhưng tôi vẫn cảm thấy mình chỉ là một con số không. Đứa bé tội nghiệp. Ngày hôm nay lẽ ra phải là một ngày đoàn viên hạnh phúc của mọi người. Vậy mà tôi lại quay về và cư xử như một con chuột chù đanh đá. Những điều mà con bé đã làm đâu có khó đoán gì cho cam. Con bé không vui, và đã thể hiện điều này bằng phương cách mà nó nắm rõ nhất. Trời ạ, ngay từ ban đầu thì đó là lý do mà nó xuất hiện trong cái lớp học này kia mà. Nhưng còn tôi thì sao? Đó có phải cũng là lý do mà tôi có mặt trong cái lớp này không? Ngày hôm nay lẽ ra phải là một lời khẳng định đầy hân hoan rằng con bé có thể tin ở tôi; tôi quay về đúng như đã hứa. Thế mà tôi lại la mắng con bé. Và tôi đã tước đi của nó một đặc quyền mà thậm chí nó còn không biết là đang có nguy cơ bị tước mất. Lạy Chúa, làm sao mà tôi có thể làm cái công việc dạy dỗ này hay vậy?

    Suốt giờ ăn trưa, tôi chỉ cảm thấy mình như một con quái vật và không biết phải giải quyết những vấn đề tôi đang đối mặt như thế nào. Ngay cả khi tôi xin lỗi, tôi cũng không thể khắc phục được việc đã quá giận dữ với con bé lúc sáng. Con bé nói đúng. Nó chưa bao giờ nói rằng tôi có thể tin tưởng nó.

    Lúc quay về lớp, tôi ngồi xuống bên cạnh nó. Những đứa trẻ khác đã sẵn sàng lên đường, và các bậc phụ huynh cũng đã có mặt đầy đủ. Sheila ngồi một mình trong góc phòng.

    - Cưng ơi, cô phải nói chuyện với con. Sáng nay cô đã sai. Cô đã nổi giận với con khi cô đang thực sự rất tức giận chính bản thân mình. Cô đã nói rằng con không thể đi tham quan với lớp, nhưng cô đã đổi ý. Con có thể đi cùng. Cô xin lỗi vì đã nổi giận với con.

    Con bé không trả lời, thậm chí còn không thèm nhìn tôi. Nó đứng dậy và đi lấy cái áo khoác.

    Sau giờ học, khi những đứa trẻ khác đã về hết, sự căng thẳng giữa hai chúng tôi vẫn kéo dài dai dẳng. Tôi đã cố gắng làm hòa với con bé suốt buổi chiều, cố tỏ ra vui vẻ và làm cho mọi người cười. Nhưng Sheila vẫn rất tách biệt, nó cứ nắm chặt lấy tay của Whitney suốt. Tôi bỏ cuộc. Cũng như với tất cả những thứ khác, tôi nghĩ rằng chất keo hàn gắn tốt nhất là thời gian. Tôi đang dần hồi phục; tôi biết rằng mình đã hành động không đúng đắn. Nhưng như Anton đã nhắc tôi nhớ, tôi biết rằng mình cũng là một con người.

    Tôi lấy mấy bài tập trong giỏ ra và ngồi xuống bàn để chấm điểm. Tôi đề nghị đọc sách cho nó nghe, nhưng Sheila từ chối và cố làm mình bận rộn bằng cách ngồi trên sàn nhà chơi với những tấm thẻ hình ở góc phòng. Một giờ đồng hồ đầu tiên trôi qua, Sheila đứng dậy rồi đi về phía cửa sổ. Nó đứng đó, nhìn ra những bóng cây đổ dài trên mặt đất phủ tuyết. Một lát sau tôi nhìn lên, con bé vẫn đứng bên cửa sổ, nhưng nó đang nhìn tôi.

    - Tại sao cô lại quay lại? - Nó khẽ hỏi.

    - Cô chỉ đi dự một buổi hội thảo thôi. Cô chưa bao giờ có ý định sẽ ở đó luôn cả. Công việc của cô là ở đây với tụi con mà.

    - Nhưng sao cô lại quay lại?

    - Bởi vì cô đã nói như thế. Cô thích ở đây.

    Nó chầm chậm bước đến chỗ cái bàn tôi đang ngồi. Nỗi đau đớn lúc này đang hiển hiện rõ ràng trong đôi mắt của con bé.

    - Con thật sự không nghĩ là cô sẽ quay lại, có phải không?

    Nó lắc đầu.

    Chúng tôi im lặng nhìn nhau suốt một lúc lâu. Tôi có thể nghe thấy tiếng đồng hồ gõ nhịp từng khắc trên tường. Con thỏ Onions đang phát ra những âm thanh sột soạt trong chuồng. Tôi nhìn vào mắt con bé. Đôi mắt nó mở to, ươn ướt và có màu xanh thăm thẳm của nước biển. Tôi tự hỏi con bé đang nghĩ gì. Và tôi buồn bã nhận ra chúng ta không bao giờ hiểu được rằng làm một người khác thì sẽ như thế nào. Nhưng dường như chúng ta chẳng bao giờ chấp nhận hoàn toàn được sự thật đó, chúng ta luôn cảm thấy mình biết hết mọi sự, mặc cho những giới hạn của người trần mắt thịt. Đặc biệt là với những đứa trẻ. Chúng ta thực sự chẳng bao giờ hiểu được cả.

    Con bé vẫn đứng đó nhìn tôi. Bỗng nó cất tiếng:

    - Cô sẽ đọc lại quyển sách đó chứ?

    - Quyển sách nào cơ?

    - Quyển sách về cậu bé đã cảm hóa được con cáo ấy.

    Tôi mỉm cười:

    - Được, cô sẽ đọc quyển đó.

    Còn nữa...
     
  6. Chiracat Nhân Ngư Ham Việc

    Bài viết:
    589
    CHƯƠNG 13

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tháng Ba đến cùng những cơn gió nhẹ và tiết trời ấm áp. Khí hậu thế này tương đối dễ chịu so với thời tiết đông giá khắc nghiệt của phương Bắc. Cuối cùng tuyết cũng đã tan, lớp bùn nâu mát lạnh dần hiện ra trên mặt đất đầy cỏ và loang loáng nước. Tất cả chúng tôi đều rất háo hức đón chào mùa xuân năm ấy, vì trước đó chúng tôi đã phải trải qua một mùa đông khắc nghiệt khi tuyết rơi dày đặc và khí trời lạnh lẽo hơn mọi năm.

    Tháng Ba trôi qua rất bình yên, và mọi thứ ở trường học cũng thế; có thể nói là yên bình với một lớp như lớp của tôi. Không có kỳ nghỉ, không xảy ra xô xát gì, cũng không có thay đổi ngoài mong đợi nào cả. Những người dân nhập cư từ phương Nam đang dạt về đây, vì thế khu trại dành cho dân nhập cư được mở rộng để có đủ chỗ cho họ ở. Ngồi trong phòng giáo viên, các thầy cô khác không ngừng càu nhàu khi bọn trẻ nhập cư đang dáo dác tìm lớp học. Đối với tôi thì chuyện này chẳng có gì phải lo cả. Lúc mấy chiếc xe tải đầu tiên chở đầy dân nhập cư vừa đến nơi, Anton bỗng trở nên im lặng và xao lãng hơn bình thường. Tôi hơi ngần ngại, nhưng cuối cùng cũng quyết định hỏi anh. Tôi không biết liệu anh có luyến tiếc cái lối sống ít phức tạp hơn đó không.

    Nghe tôi hỏi, anh mỉm cười. Anh nhìn tôi đầy bao dung, kiểu mà người ta vẫn nhìn khi một vấn đề của mình hoàn toàn vượt quá khả năng hiểu biết của người khác. Rồi anh lôi một cái ghế bé xíu ra và buông phịch cái thân người kềnh càng của mình xuống. Không, anh giải thích với tôi, anh không thấy nhớ cuộc sống của dân nhập cư. Chẳng có gì trong một cuộc sống như thế đáng cho người ta nhớ cả. Anh lại mỉm cười, nhưng giống như tự cười mình hơn là cười với tôi. Anh nói điều ảnh hưởng đến anh nhiều nhất chính là anh nhận thức được rằng anh đã thay đổi nhiều như thế nào kể từ sau khi những chiếc xe tải lăn bánh rời đi vào mùa thu năm ấy. Anh đã trở nên khác biệt so với họ ra sao. Cũng giống như cảm giác của Rip Van Winkle(7) sau khi tỉnh dậy, anh nói thế, rồi phá lên cười như không tin được những chuyện đã xảy ra. Mới năm ngoái đây thôi, anh thậm chí còn không biết Rip Van Winkle là ai, nhưng bây giờ thì anh thấy mình có nhiều điểm chung với Rip hơn cả với những con người có cùng nguồn gốc với mình.

    Tôi quan sát anh khi anh nói. Tôi ngắm những đường nét đặc trưng của người Latin nơi anh, dáng người xương xẩu, những dấu vết của thời gian, của một cuộc đời phải bươn chải từ quá sớm. Cả hai chúng tôi đều đã thay đổi, theo những cách mà tôi không biết phải diễn đạt bằng lời như thế nào. Tôi rùng mình khi nghĩ rằng chúng tôi lại có thể tạo ra những ảnh hưởng lớn lao đến thế đối với cuộc đời của người khác mà chính chúng tôi lại không nhận thức được điều này cho trọn vẹn. Chúng tôi cứ ngồi nhìn nhau như thế suốt mấy phút đồng hồ, cởi mở lòng mình, cảm thấy khâm phục nhau. Có quá nhiều điểm khác biệt giữa chúng tôi: tầng lớp xã hội, giới tính, trình độ học vấn, quá nhiều. Vậy mà làm thế nào đó, theo một cách nào đó, chúng tôi đã chạm đến được tâm hồn nhau. Ánh sáng của sự thấu hiểu ấy làm hai chúng tôi chỉ biết im lặng khi ngồi bên chiếc bàn đó. Từ ngữ không còn cần thiết nữa.

    Như những đóa thủy tiên, Sheila bừng nở, rực rỡ và đầy sức sống, mặc cho mùa đông khắc nghiệt. Mỗi ngày quay lại lớp học, con bé càng cho thấy những tiến bộ rõ rệt. Trong giới hạn hoàn cảnh sống của mình, giờ đây con bé đã khá sạch sẽ tươm tất. Mỗi sáng đến trường, nó đã biết rửa mặt mũi sạch sẽ và đánh răng cẩn thận. Nó rất chú ý đến vẻ ngoài, luôn xem xét mình thật cẩn thận trong gương. Thỉnh thoảng, tôi lại thử làm vài kiểu tóc mới cho nó. Sau giờ học, chúng tôi thường chơi trò làm đẹp với nhau. Tôi để nó nghịch mái tóc dài của mình, và nó cũng để tôi chơi đùa với mái tóc mềm mượt của nó, chải và tết tóc cho nó. Con bé đã trở thành một đứa trẻ thật xinh đẹp, khiến ngay cả những giáo viên khác cũng phải trầm trồ khen ngợi.

    Sarah và Sheila nhanh chóng trở thành bạn của nhau, và thỉnh thoảng tôi bắt gặp chúng chuyền thư cho nhau trong lớp học. Có những hôm trong khi đợi xe buýt đến đón, Sheila đã về nhà Sarah chơi. Còn khi về nhà ở khu trại dành cho dân nhập cư, Sheila vẫn thường chơi cùng Guillermo. Còn Tyler thì Sheila thấy hơi khó chơi, và con bé thường từ chối những hành động thể hiện sự quan tâm quá đáng của Tyler. Tôi rất hài lòng khi thấy con bé nhìn chung đã được bạn bè trong lớp quý mến.

    Về mặt học hành, Sheila tiến bộ rất nhanh. Con bé sẵn sàng làm hầu như tất cả những bài tập mà tôi giao cho. Thỉnh thoảng vẫn có một tờ giấy bị xé vụn, nhưng việc này rất hiếm khi xảy ra. Nếu tuần nào nó xé hai lần thì đó là trường hợp ngoại lệ. Thậm chí ngay cả khi nó đã xé rồi thì con bé vẫn đến chỗ tôi để xin một tờ giấy khác. Tôi đã có thể giao cho nó những bài tập đọc của lớp ba và bài tập Toán lớp bốn. Nó thừa sức làm những bài tập này, nhưng do hiểu hoàn cảnh sống của con bé, hiểu luôn nỗi sợ thất bại của nó, nên tôi cảm thấy cứ cho nó những dạng bài tập vừa sức, có thể củng cố kiến thức và sự tự tin của nó một cách vững chắc thì sẽ tốt hơn.

    Mỗi khi con bé làm sai, bị chỉnh sửa, nó vẫn nhạy cảm một cách thái quá. Những lúc đó, nó lại vùng vằng giận dỗi, hoặc buông ra những tiếng thở dài não nuột. Có hôm nó lại gục đầu cả ngày vào hai cánh tay, thất vọng ê chề khi làm sai một vài chỗ trong bài tập Toán. Nhưng nói chung thì những điều tồi tệ thế này cũng không thường xảy ra lắm. Sau một lúc được an ủi vỗ về, thường là con bé sẽ thử làm lại một lần nữa.

    Có một điều rất lạ, đó là sự cố về quãng thời gian hai ngày vắng mặt của tôi không có vẻ gì là ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định về mặt cảm xúc của Sheila cả. Vài ngày sau khi tôi quay về, con bé vẫn thường xuyên bám dính lấy tôi, nhưng không lâu sau, nó không còn cư xử như thế nữa. Con bé không bao giờ làm thế nữa. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau rất nhiều về chuyện này. Dường như con bé cần phải xào đi xào lại chuyện đó nhiều lần thì nó mới chịu được. Tôi đã bỏ rơi nó. Tôi quay lại. Nó đã nổi giận và phá phách. Tôi đã nổi giận và không còn giữ được bình tĩnh. Tôi đã bảo nó rằng tôi đã sai và tôi xin lỗi. Từng mảnh nhỏ của vở kịch ấy đều khiến con bé muốn nói đi nói lại nhiều lần. Nó kể tôi nghe nó đã cảm thấy như thế nào, điều gì đã khiến nó bị nôn, nó đã cảm thấy sợ hãi ra sao. Cái trường thiên tiểu thuyết này được lặp đi lặp lại nhiều lần đến mức tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ được nghe thấy hồi kết của nó. Câu chuyện hàm chứa một ý nghĩa bí mật nào đó với con bé mà tôi không tài nào hiểu thấu được, và cái việc kể lại câu chuyện đã thành nghi thức này dường như làm nó cảm thấy yên lòng hơn. Dĩ nhiên, việc tôi đã quay lại là rất quan trọng, nhưng đó không phải là khía cạnh duy nhất mà con bé quan tâm. Việc chúng tôi đã nổi giận với nhau rồi sau đó lại làm hòa dường như cũng có một ý nghĩa quan trọng tương đương trong tâm trí của con bé. Có lẽ nó cảm thấy yên tâm khi đã nhìn thấy tôi trong tình trạng tồi tệ nhất. Giờ đây con bé đã có thể tin tưởng tôi, biết rằng tôi sẽ cư xử như thế nào ngay cả khi tôi không hài lòng với nó. Dù là gì đi nữa, thì con bé cũng đang học cách giải quyết những vấn đề của mình bằng cách nói chuyện. Con bé không cần có những đụng chạm về mặt thể xác nữa; chỉ cần lời nói thôi là đủ rồi.

    Lạ lùng thay, tất cả những trò phá phách của nó đều biến mất sau sự việc tôi đi vắng và quay về ấy. Khi con bé tức giận, nó không còn nổi cơn thịnh nộ nữa, không còn ném đồ đạc xuống sàn nhà hay phá phách khắp nơi nữa. Việc trả thù không còn quá quan trọng với nó nữa. Tôi ước sao mình có thể hiểu được một cách trọn vẹn tầm quan trọng của sự cố này, bởi vì chính chuyện đó đã thay đổi cách cư xử của Sheila hoàn toàn. Nhưng toàn cảnh sự việc vẫn luôn là một bí ẩn. Sheila vẫn có rất nhiều vấn đề, nhưng những vấn đề đó ngày càng dễ giải quyết và dễ kiểm soát hơn rất nhiều.

    Một trong những điều vẫn làm tôi suy nghĩ đó là cách nói năng của con bé. Sau lần ghé thăm cha con bé, tôi có thể khẳng định cách nói chuyện kỳ lạ của nó - rất ít khi dùng thì quá khứ và dùng rất nhiều "thì, là" - không phải do ảnh hưởng từ gia đình. Tôi biết con bé rất sáng dạ, chính vì thế tôi không hiểu được vì sao nó vẫn giữ cách nói chuyện kỳ cục như vậy, mặc dù theo thời gian thì có vẻ như nó đang bắt đầu nói chuyện bình thường hơn. Cuối cùng, cũng trong tháng Ba năm ấy, tôi quyết định hỏi nó về điều này, giải thích cho nó hiểu rằng nếu muốn đề cập đến một điều đã xảy ra trong quá khứ thì sẽ có vài từ buộc phải nói khác đi. Con bé đón nhận những điều tôi nói với một thái độ phản kháng đến mức đáng ngạc nhiên, nó hỏi rằng tôi vẫn hiểu được nó, có phải không? Khi tôi nói đúng thế, tôi hiểu nó, nó lại nói rằng nếu tôi hiểu nó thì nó nói sao mà chả được. Câu trả lời này làm tôi hoàn toàn bị động, bởi vì tôi cảm thấy cách cư xử này của con bé đã được suy tính trước ở một mức độ kỹ càng hơn so với những gì tôi nghĩ trước đó.

    Không ai có thể đưa ra được lời giải thích khả dĩ nào về vấn đề này cả. Tất cả những chuyên gia về ngôn ngữ mà tôi đã gửi mấy cuốn băng thu lại những câu Sheila nói đều trả lời rằng đó là một dạng phương ngữ, và hỏi xem con bé có phải là người da đen không. Khi tôi trả lời rằng không, nó không phải là người da đen, và cách nó nói chuyện cũng không phải là kiểu nói chuyện mà gia đình nó sử dụng, thì họ chẳng còn biết giải thích thế nào nữa. Một đêm nọ, Chad và tôi nói chuyện về việc này, và anh đưa ra một ý kiến rằng: có thể với việc không dùng thì quá khứ, con bé đang cố gắng để cho mọi thứ được neo giữ trong hiện tại, khái niệm thời gian mà nó có thể kiểm soát mọi thứ được tốt hơn. Càng suy nghĩ về những gì Chad nói, tôi càng thấy có vẻ như đây là một lời giải thích thỏa đáng.

    Sau cùng, tôi tạm kết luận rằng đó là một vấn đề xuất phát từ tâm lý và không suy nghĩ gì thêm nữa. Chúng tôi hiểu được những gì con bé nói, và có thể một ngày nào đó nó sẽ cảm thấy thoải mái hơn và tự mình thay đổi. Nhưng ngay lúc này thì con bé vẫn chưa sẵn sàng.

    Vấn đề vẫn luôn hành hạ trong tâm trí Sheila chính là việc con bé bị bỏ rơi. Con bé luôn bị ám ảnh về mẹ và em trai nó, cứ tự hỏi không biết họ ở đâu và đang làm gì. Những cuộc nói chuyện của con bé thường được nhấn mạnh bằng những câu kiểu như nếu nó làm điều này hay điều kia tốt hơn, có lẽ gia đình nó vẫn sẽ còn ở bên nhau. Tôi nghĩ tất cả những điều này đều có mối liên hệ trực tiếp với nỗi sợ thất bại của con bé.

    Một lần nọ, sau khi học xong, Sheila ở lại để giải mấy bài toán. Nó rất thích toán và học môn này tốt nhất so với tất cả những môn còn lại. Lúc mới đến đây, nó chỉ có thể làm được những bài tính nhân chia đơn giản. Nhưng sau đó, chúng tôi đã cùng nhau giải quyết được những kỹ thuật làm toán phức tạp hơn. Con bé đã tìm ra một loạt những bài kiểm tra toán của lớp năm trong thùng rác vào giờ ra chơi và mang về để làm sau giờ học.

    Khi làm xong, Sheila mang cho tôi xem. Đó là những dạng toán về phép chia phân số. Tôi chưa từng giúp con bé làm những bài thế này bao giờ. Kết quả là tất cả những bài toán đều sai, vì con bé chưa đảo số chia.

    - Cô xem thử coi. Con làm đúng hết rồi phải không? - Con bé đưa tờ bài tập toán vừa làm cho tôi xem và hỏi.

    Nhìn tờ giấy, tôi tự hỏi không biết liệu có nên chỉ ra lỗi sai của nó hay không.

    - Sheil, cô muốn chỉ cho con cái này.

    Tôi lật mặt sau của tờ giấy và vẽ một hình tròn rồi chia thành bốn phần.

    - Bây giờ, nếu cô muốn biết có bao nhiêu phần tám trong đó...

    Con bé lập tức hiểu ra rằng cách nó giải những bài toán này sẽ không đưa ra đáp số đúng.

    - Con đã làm sai rồi, có phải không?

    - Cưng ơi, con chưa biết làm dạng bài này mà. Đã có ai chỉ con làm đâu.

    Con bé ngồi phịch xuống bên cạnh tôi và lấy tay ôm mặt.

    - Con muốn làm đúng và cho cô thấy rằng con có thể làm được mà không cần ai giúp cả.

    - Sheil, không có gì phải buồn bã như thế đâu. Con bé cứ ngồi che mặt như thế một lúc. Sau đó nó từ từ vuốt lại cho thẳng tờ giấy mà nó đã vò nhàu.

    - Con cá là nếu hồi đó con làm toán giỏi hơn, thì mẹ con đã không có bỏ con lại trên đường cao tốc như vậy. Nếu con có thể giải được toán lớp năm, thì bà ấy sẽ tự hào về con lắm.

    - Cô không nghĩ là bài tập toán có liên quan gì tới chuyện này đâu, Sheila. Chúng ta thật sự không hiểu vì sao mẹ con lại bỏ đi. Rất có thể là vì bà ấy có quá nhiều vấn đề riêng mà mình không thể biết được.

    - Bà ấy bỏ đi như vậy là bởi vì bà ấy không có thương con nữa. Cô đâu có bỏ đi để lại đứa con mà cô thương trên đường cao tốc. Và con đã làm đứt chân con nè. Cô thấy không?

    Con bé đã cho tôi xem đi xem lại vết sẹo ấy chắc cũng cả trăm lần rồi.

    - Nếu con mà là một đứa con gái tốt hơn, thì bà ấy sẽ không làm thế rồi. Thậm chí nếu mà con ngoan hơn thì bây giờ bà ấy vẫn sẽ thương con.

    - Sheil, thực sự chúng ta không biết được đâu. Đó là một chuyện tồi tệ, nhưng mà chuyện đó qua rồi. Cô không nghĩ việc con ngoan hay hư có liên quan gì đến chuyện này đâu. Mẹ của con có những vấn đề của riêng bà ấy. Cô nghĩ là bà ấy thương con lắm, thường thì các bà mẹ đều thế mà. Cô nghĩ là lúc đó thì bà ấy không thể đối mặt với việc có một đứa con gái nhỏ như con được.

    - Nhưng mà bà ấy đã mang Jimmie theo đó. Làm sao mà bà ấy có thể mang Jimmie đi và bỏ con lại cơ chứ?

    - Cô không biết, cưng ạ.

    Sheila nhìn tôi. Đôi mắt nó ánh lên vẻ đau đớn và đầy ám ảnh. Lạy Chúa, tôi nghĩ thầm, chẳng lẽ tôi không bao giờ lấp đầy được khoảng trống này hay sao? Con bé lơ đãng nghịch một cái bím tóc của mình.

    - Con nhớ Jimmie lắm. - Cô biết.

    - Tuần sau là sinh nhật của nó rồi. Nó sẽ được năm tuổi, mà con thì không gặp nó từ hồi nó hai tuổi đến giờ. Thật là một khoảng thời gian dài kinh khủng.

    Con bé quay người đi đến chỗ cửa sổ, nhìn chằm chằm ra ngoài. Hôm ấy là một buổi chiều mùa đông tháng Ba ẩm ướt.

    - Thực ra thì con nhớ Jimmie hơn mọi thứ trên đời. Con không thể quên được nó.

    - Cô biết.

    Con bé quay lại nhìn tôi.

    - Liệu mình có thể tổ chức một buổi tiệc sinh nhật cho nó được không? Vào ngày mười hai tháng Ba, sinh nhật của nó đó. Mình có thể tổ chức một một buổi tiệc như buổi tiệc sinh nhật của Tyler hồi tháng Hai không?

    - Cô không nghĩ thế đâu, mèo con ạ.

    Mặt nó xụ xuống, rồi nó lê bước lại chỗ tôi.

    - Tại sao vậy?

    - Bởi vì Jimmie không có ở đây, Sheil ạ. Jimmie sống ở tận California và không có ở đây với chúng ta.

    - Chỉ cần một bữa tiệc sinh nhật nhỏ thôi mà. Có thể chỉ cần có cô, con, và chú Anton thôi. Có thể sau giờ học cũng được.

    Tôi lắc đầu.

    - Nhưng con muốn như thế. - Cô biết.

    - Vậy thì tại sao lại không được? Chỉ là một buổi tiệc nhỏ, nhỏ xíu thôi mà? Làm ơn đi?

    Mặt nó cau lại, còn giọng nó thì nài nỉ.

    - Con sẽ là đứa bé gái ngoan nhất trên đời. Con sẽ không phá hỏng thêm tờ giấy làm toán nào nữa đâu.

    - Vấn đề không phải chỗ đó, Sheila ạ. Cô không đồng ý bởi vì Jimmie không có ở đây, Jimmie đã đi rồi. Dù rất đau lòng, nhưng cô nghĩ có thể Jimmie sẽ không quay lại đâu. Cô biết con rất nhớ nó, cưng ạ, nhưng cô không nghĩ con cứ nhớ về nó theo kiểu như thế này là một ý hay đâu. Thế này thì con chỉ đau đớn thêm mà thôi.

    Con bé lại lấy tay ôm mặt.

    - Sheil, đến đây cho cô ôm con nào.

    Tay vẫn ôm mặt, nó tiến đến chỗ tôi. Tôi ôm nó vào lòng.

    - Cô biết con cảm thấy việc này rất kinh khủng. Cô có thể cảm nhận được nỗi đau của con. Đó là một việc rất khó khăn đối với con.

    - Con nhớ nó. - Giọng con bé ngắt quãng với những tiếng thút thít khô khốc, và nó nắm chặt lấy áo tôi, vùi đầu vào ngực tôi. - Con chỉ muốn nó ở đây mà thôi.

    - Cô biết vậy, cưng ạ.

    - Tại sao chuyện này lại xảy ra vậy hả Torey? Tại sao bà ấy đã mang nó theo và đã bỏ con lại? Có chuyện gì mà bà ấy coi con là một đứa con gái hư hỏng như vậy?

    Nước mắt lấp lóa trên khóe mắt nó. Nhưng như thường lệ, chúng không bao giờ trào được ra ngoài.

    - Ôi, cưng ơi, không phải tại con đâu. Hãy tin cô đi. Chuyện đó không phải là lỗi của con. Không phải bà ấy bỏ con vì con là một đứa con gái hư đâu. Chỉ là bà ấy có quá nhiều vấn đề của riêng mình thôi. Không phải lỗi của con.

    - Cha con, ổng nói thế. Ổng nói nếu con ngoan hơn thì bà ấy sẽ không bao giờ làm thế.

    Tim tôi thắt lại. Có quá nhiều thứ cần phải chiến đấu mà trong tay lại có quá ít vũ khí. Tại sao nó lại phải tin tôi và không tin cha nó? Tôi có thể làm gì để cho nó thấy rằng cha nó đã sai về chuyện này? Tôi cảm thấy nản lòng.

    - Về việc này thì cha con đã sai rồi, Sheil ạ. Chính ông ấy cũng không biết chuyện gì đã xảy ra, và ông ấy không biết làm một đứa bé gái là như thế nào. Ông ấy đã sai trong chuyện này. Hãy tin cô, làm ơn, vì đó là sự thật.

    Và chúng tôi ngồi trong im lặng suốt vài phút đồng hồ. Tôi ôm con bé, cảm nhận được hơi thở không đều, nóng hổi của nó phả lên da mình. Tim tôi đau nhói. Tôi có thể cảm thấy cái khối đau buốt ấy trong ngực mình; nó làm tôi đau đớn. Nỗi đau của con bé đã thấm qua áo, qua da, qua xương cốt tôi để ngấm vào tim tôi. Lạy Chúa, thật đau đớn!

    Cuối cùng nó ngước nhìn lên.

    - Đôi khi, con thật cô đơn. Tôi gật đầu.

    - Có khi nào nó ngừng lại không?

    Tôi lại khẽ gật đầu.

    - Có. Cô nghĩ một ngày nào đó nó sẽ ngừng lại.

    Sheila thở dài và đứng dậy.

    - Một ngày nào đó chẳng bao giờ thực sự đến cả, có phải không?

    Mặc dù những khoảnh khắc đau buồn ấy thỉnh thoảng vẫn xuất hiện, nhưng Sheila làm tôi ngạc nhiên vì lúc nào con bé cũng tràn ngập niềm vui. Con bé có một khả năng tận hưởng niềm vui thật tuyệt vời. Tiếp xúc với những đứa trẻ mà cuộc sống của chúng là những tấn bi kịch hỗn độn càng khẳng định niềm tin trong tôi rằng con người sinh ra vốn là những sinh vật vui vẻ. Tâm trạng của Sheila thay đổi rất thất thường. Con bé không bao giờ có thể hoàn toàn thoát khỏi cái cảm xúc tuyệt vọng mà nó đã phải trải qua, nhưng đồng thời, nó vẫn vui vẻ.

    Chỉ một điều nhỏ nhặt nhất cũng có thể làm lóe lên tia sáng hạnh phúc rạng ngời trong đôi mắt nó, và không một ngày nào trôi qua mà chúng tôi không nghe thấy tiếng cười líu lo như chim hót của con bé. Nó đã bị khiếm khuyết về mặt tình cảm trong một quãng thời gian quá dài, nên giờ đây mọi thứ đều mới mẻ đối với nó. Con bé không bao giờ hết ngạc nhiên trước những điều kỳ diệu của cuộc sống. Có lẽ khám phá lớn nhất của con bé trong tháng Ba là những bông hoa.

    Vùng chúng tôi sống trở nên sinh động hẳn lên vào tháng Ba, với những bông nghệ tây và thủy tiên vàng mọc lên khắp nơi. Sheila thật sự bị những bông hoa ấy cuốn hút. Chưa có bông hoa nào thuộc những loại này mọc trong trại tập trung dành cho dân nhập cư cả. Và tôi thật sự không thể tin được rằng trước đây con bé chưa bao giờ thấy một bông hoa thủy tiên vàng ở khoảng cách gần cả. Một buổi sáng nọ, tôi mang đến lớp một bó hoa rất lớn cắt từ trong vườn của bà chủ cho tôi thuê nhà.

    Vừa nhìn thấy tôi, Sheila lao đến, miệng vẫn còn dính kem đánh răng. Con bé chỉ mặc có chiếc áo thun và quần lót. Nó chạy lép bép trên sàn nhà.

    - Những thứ này là cái gì vậy? - Nó lục ục hỏi, cố không làm bắn bọt kem đánh răng.

    - Là những đóa hoa thủy tiên, ngốc ạ. Con đã nhìn thấy chúng trước đây rồi, có phải không?

    Con bé nhìn bó hoa và lắc đầu.

    - Không, con chỉ thấy trong mấy quyển sách thôi. Những thứ này là hoa thật hả cô?

    - Dĩ nhiên chúng là hoa thật. Con chạm vào chúng thử xem.

    Con bé đặt cái bàn chải đánh răng xuống, thận trọng đưa tay ra, dùng đầu ngón tay chạm khẽ vào cánh của một bông hoa.

    - Ồ!!!!! - Nó kêu lên hạnh phúc, làm bắn cả kem đánh răng ra xung quanh. Con bé nhảy tưng tưng vì vui sướng. Sau đó, nó đột ngột dừng lại, rồi lưỡng lự chạm vào một bông hoa khác. Sau đó lại là một điệu nhảy đầy hạnh phúc nữa.

    - Đi đánh răng cho xong và mặc quần áo của con vào đi, rồi sau đó con có thể giúp cô cắm hoa vào lọ.

    Nó lao vụt đi, nhổ phần kem đánh răng còn lại trong miệng ra, nhưng không thể kìm nén sự vui sướng của mình đủ lâu để mặc quần áo nghiêm chỉnh vào. Nó chạy lại chỗ tôi.

    - Chúng thật là mềm làm sao. Cho con chạm vào lần nữa nào.

    - Con ngửi thử xem. Hoa thủy tiên không có mùi thơm như một số loài hoa khác, như hoa hồng chẳng hạn. Nhưng chúng có một mùi hương rất đặc biệt.

    Con bé hít một hơi thật sâu rồi nói:

    - Con muốn ôm chúng quá.

    Tôi bật cười.

    - Những bông hoa không thích được ôm lắm đâu.

    - Nhưng chúng thơm quá và lại còn thật là đẹp nữa. Chúng làm con muốn ôm chầm lấy chúng luôn nè.

    - Ừ, chúng thật tuyệt phải không nào?

    Tôi lấy ra một cái bình hoa mà một đứa học trò đã làm cho tôi cách đó mấy năm. Có quá nhiều hoa nên cái bình ấy không thể chứa hết được. Sheila vẫn đứng bên cạnh tôi nhảy tưng tưng vì vui sướng. Cả cơ thể con bé đều thể hiện rất rõ niềm vui đó.

    - Sheil, con có muốn có một bông hoa cho riêng mình không?

    Con bé nhìn tôi, mắt mở to hết cỡ.

    - Con có thể có một bông sao?

    - Phải, có quá nhiều hoa nên bình của cô không thể chứa hết. Chúng ta có thể cắm bông hoa dành cho con trong một cái hộp sữa bằng giấy các-tông và để ở chỗ cái bàn mà con vẫn ngồi.

    - Nó có thể thực sự thuộc về con sao?

    Tôi gật đầu.

    - Cho con sao?

    - Phải, ngốc ạ, cho con đấy. Con có một bông hoa rồi nhé.

    Bỗng mặt nó xụ xuống.

    - Cha con, ổng sẽ không cho con giữ nó đâu.

    Tôi mỉm cười.

    - Hoa thì khác. Chúng không tươi được lâu lắm đâu, thậm chí chưa tới một ngày. Cha con sẽ không quan tâm đến một bông hoa như thế này đâu.

    Con bé nhẹ nhàng đưa tay ra và nâng niu một đóa thủy tiên vàng.

    - Cô có nhớ cuốn sách về con cáo và hoàng tử bé không? Cô có nhớ, hoàng tử có một bông hoa và cậu ta đã cảm hóa nó. Cô có nhớ không?

    Nó nhìn tôi, ánh mắt ngời lên sự kỳ diệu khó tả. - Cô có nghĩ là con có thể cảm hóa một bông hoa không? Nó sẽ là bông hoa thật đặc biệt của riêng con và con sẽ chịu trách nhiệm với nó và mọi thứ. Con có thể cảm hóa nó chỉ cho riêng mình.

    - Nhưng con sẽ phải nhớ rằng những bông hoa không tươi lâu lắm đâu. Tuy vậy chúng rất dễ cảm hóa. Cô nghĩ là con có thể làm được chuyện này. Con thích bông nào? - Tôi chỉ vào những bông hoa chưa được cắm vào lọ.

    Con bé cân nhắc thật cẩn thận rồi chọn một bông, mà với tôi thì trông nó chẳng khác gì những bông còn lại, nhưng hẳn bông hoa đó có một ý nghĩa thật đặc biệt nào đó với con bé. Có thể sự cảm hóa đã được bắt đầu, bởi vì cũng giống như hoàng tử bé và đóa hồng của cậu, đóa thủy tiên vàng này là của Sheila, và nó không giống với bất cứ bông hoa nào khác trên đời này.

    Con bé cầm bông hoa thật nhẹ nhàng, khẽ vuốt lên những cánh vàng của nó, rồi con bé mỉm cười. Tôi đi lấy cái quần yếm cho nó, rồi giục nó mặc vào. Những đứa học trò khác đang lục tục vào lớp, ồn ào và tò mò không biết chuyện gì đang xảy ra. Nhưng Sheila vẫn đứng yên, để tôi mặc quần áo cho nó, tuyệt nhiên không nhìn những đứa khác. Nó cắn môi để cố không mỉm cười.

    - Trái tim của con thật lớn. - Nó thì thầm. - Nó thật lớn và con thấy rằng con là đứa trẻ hạnh phúc nhất.

    Tôi hôn lên một bên thái dương mềm mại của con bé và mỉm cười. Sau đó, tôi bê bình hoa thủy tiên vàng đến bàn của mình.

    Còn nữa...
     
  7. Chiracat Nhân Ngư Ham Việc

    Bài viết:
    589
    CHƯƠNG 14

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Chúng tôi đã cười rất nhiều.

    Những việc xảy ra trong lớp học của tôi không phải lúc nào cũng buồn cười. Thường những việc mà tôi thấy buồn cười là những vấn đề mà nếu tôi suy nghĩ cho thấu đáo, lại là những bi kịch. Có thể phép màu kỳ diệu nhất trong sức mạnh tinh thần của con người là khả năng biết cười. Tự cười mình, cười nhau, và cười những tình cảnh mà đôi khi là vô vọng. Tiếng cười làm cuộc sống của chúng ta cân bằng trở lại.

    Hơn ai hết, Whitney là người đã giữ cho chúng tôi luôn ở trong giới hạn của cái gọi là bình thường. Tôi vô cùng yêu mến cô gái ấy vì phẩm chất này. Whitney không bao giờ chấp nhận khi Anton hay tôi nói rằng đây là một lớp học dành cho những đứa trẻ không bình thường.

    Mặc cho tính e thẹn vốn dĩ của mình, Whitney có một khiếu hài hước mà đôi khi không có giới hạn. Sự dí dỏm của cô bé có thể rất phô và lắm khi trần trụi đến mức gây sốc, đặc biệt là những khi chỉ có mình cô bé với Anton và tôi. Dù vậy, Whitney bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp nhất của mình khi đang đùa. Có lẽ tôi sẽ chuẩn bị tinh thần tốt hơn cho việc này nếu nó phù hợp hơn với vẻ ngoài nhu mì, vụng về của cô. Hoặc nếu lớp chúng tôi là một nơi phù hợp hơn cho những trò đùa như vậy. Nhưng dù sao đi nữa, Whitney luôn làm tôi ngạc nhiên. Thỉnh thoảng tôi lại giật nảy mình với con rắn lò xo nhảy bật ra từ hộp bút màu của Susannah, hay bãi nôn giả trên bàn khi Peter và William và Guillermo bất ngờ lên cơn đau bụng vờ vịt.

    Từ lúc Sheila xuất hiện, cái tính thích đùa ấy của Whitney được dịp phát huy lên đến đỉnh điểm. Những đứa trẻ khác rất thích mấy trò đùa của Whitney và sẵn sàng tham gia cùng. Nhưng Sheila thì đủ thông minh để nắm bắt được Whitney đang có kế hoạch gì trong đầu. Con bé cũng đưa ra những lời gợi ý rất sáng tạo của riêng mình; và thỉnh thoảng nó cũng đủ ngây thơ để làm vài trò điên rồ mà Whitney là kẻ đầu têu.

    Tháng Ba dần trôi qua và không có chuyện gì xảy ra cả. Điều này khiến tôi đâm ra nghi ngờ. Mỗi sáng tôi đều kiểm tra ngăn kéo và cái ly sứ của mình, kiểm tra luôn những thứ mà tôi nghĩ sẽ làm mồi ngon cho mấy trò đùa của hai người này. Thường thì tôi hay hỏi Sheila để lường xem sắp có chuyện gì xảy ra, đơn giản bởi vì con bé không biết giữ bí mật cho lắm. Ngay cả khi nó có cố giữ bí mật thế nào đi nữa, thì nó cũng không tìm mọi cách để che giấu những chuyện mà nó sắp làm. Dù vậy, vẫn chẳng có gì xảy ra cả. Tôi thường bắt quả tang hai người bọn họ khúc khích cười với nhau nhiều lần, thế nên tôi càng cảnh giác. Nhưng thời gian trôi qua, vẫn chẳng có gì xảy ra. Có thể là vì khoảng thời gian đó, Whitney bị cảm lạnh khá nặng và phải nghỉ làm suốt một tuần lễ.

    Vào một ngày trung tuần tháng Ba, bà Crum, mẹ của Freddie, đến trường gặp tôi sau giờ học. Là một người đàn bà nhỏ nhắn như một chú chim sẻ và khá nhút nhát, bà len qua khe cửa để vào lớp và xin lỗi vì đã làm phiền tôi. Lúc đó, tôi đang chơi xe hơi với Sheila, và tôi trấn an bà rằng tôi thấy không phiền gì khi bà cắt ngang như thế. Khi tôi hỏi liệu tôi có thể giúp gì được cho bà, bà cúi đầu, hai tay siết chặt vào nhau, và liên tục xin lỗi vì đã làm phiền tôi vì những vấn đề của mình. Tôi bảo Sheila đi xuống văn phòng và giúp Anton một tay, anh đang cắt giấy nến cho máy rô-nê-ô(8) dưới đó. Còn lại một mình trong lớp, tôi mời bà Crum ngồi.

    Bà ấy đến để hỏi tôi xem thời gian gần đây bọn trẻ có ăn thứ gì lạ ở trường không. Tôi suy nghĩ. Hôm ấy là thứ Tư, vậy là chúng tôi vừa có giờ nấu ăn. Chúng tôi đã nấu món trứng bác của người Hoa, tôi bảo bà ấy như thế. Ngoài món đó ra, thì bọn trẻ chẳng ăn gì nữa hết. Ngoại trừ bữa trưa, dĩ nhiên. Bà ấy nhíu mày. Trong tuần trước, sau khi đi học về, Freddie đã bị nôn ba lần. Bà ấy còn nói chuyện đó sẽ không khiến bà quá bận tâm nếu như bà có thể biết thằng bé đã nôn ra cái gì. Chúng là những viên bi nhỏ màu đỏ tươi, xanh lục, xanh lam và vàng, đường kính chừng tám li. Mỗi lần thằng bé nôn ra đều có khoảng hai chục viên bi như thế.

    Tôi thật sự bối rối. Tôi không thể nghĩ ra cái gì giống như cái bà đang mô tả. Không chỉ bởi vì chúng tôi không trữ kẹo trong lớp cho học sinh ăn, mà còn vì tôi không để những đồ vật có kích thước nhỏ như thế trong lớp, đơn giản là vì những đứa như Freddie, Max hay Susannah sẽ bốc cho ngay vào miệng. Không, thằng bé không thể nuốt phải những thứ ấy ở trường được, tôi trấn an bà ấy. Nhưng để cho chắc chắn, tôi hứa sẽ để mắt đến thằng bé.

    Một vài ngày sau đó vẫn diễn ra bình thường. Whitney vẫn vắng mặt, còn tôi thì bận ngập đầu với đống phiếu liên lạc cuối kỳ. Thế là tôi đành cho Sheila chơi một mình sau giờ học, để tôi còn tranh thủ thời gian làm việc. Những ngày cuối tuần trôi qua. Lại một tuần mới bắt đầu.

    Một buổi chiều nọ, sau khi đã đưa bọn trẻ ra xe buýt xong, tôi quay trở về lớp và thấy Sheila đang quỳ gối trước cái tủ ly bên dưới bồn. Con bé có một kho ngôn ngữ đầy màu sắc mà chỉ vào những lúc đặc biệt rối loạn thì nó mới dùng. Khi mọi thứ không diễn ra theo ý muốn của nó, thì dù tôi có làm gì đi nữa, con bé vẫn sẽ liên tục lặp đi lặp lại những câu có sẵn trong cái kho ngôn ngữ đó của nó. Tôi đến gần, nghe thấy con bé đang lầm bầm gì đó.

    - Có chuyện gì vậy, Sheil?

    Con bé đứng bật dậy và quay người lại:

    - Không có gì.

    - Con đang chửi rủa cái gì vậy?

    - Không có gì.

    Tôi bước đến chỗ cái bồn.

    - Nghe không có vẻ là không có gì lắm. Chuyện gì đang xảy ra vậy?

    - Ai đó đã lấy đồ của con.

    - Đồ gì?

    - Vài món đồ. - Nó tỏ vẻ khó chịu. - Con tính làm một tác phẩm nghệ thuật với mấy món đó. Con đang tìm chúng, mà có ai đó đã ăn trộm mất rồi. Con đã cất ở đây, mà giờ chúng không còn ở đây nữa.

    - Tại sao lúc đầu con lại để nó ở đó? Lẽ ra con nên cất đồ của mình ở trong tủ đựng đồ cá nhân chứ. Con biết thế mà. Không ai biết mấy cái món đồ ở dưới đó là đồ của con cả. Mà rốt cục thì nó là cái gì thế?

    - Vài món đồ ấy mà.

    - Đồ gì mới được? Con bé nhún vai:

    - Chỉ là những món đồ thôi. Đồ của con.

    - Vậy con đến chỗ cái hộp đựng đồ vẽ xem. Có thể trong đó có vài món đồ thừa con có thể dùng đấy.

    Khoảng một tiếng đồng hồ sau, bà Crum lại đến gõ cửa. Ôi xin thứ lỗi cho tôi, bà ấy lại bắt đầu xin lỗi, nhưng Freddie lại nôn nữa. Lần này lại là những viên bi nhỏ nhiều màu. Bà ấy có đem theo vài viên, tất cả đều được gói lại trong một cái khăn giấy. Mặc dù rất rụt rè, nhưng bà ấy cứ khăng khăng bảo tôi xem thử chúng là cái gì, để xem chúng có phải ở trong lớp tôi không.

    Tôi nghiến răng, mở cái khăn giấy ướt nhoét ấy ra. Trong đó có chừng mươi viên bi nhỏ không tròn lắm, có màu tươi. Tôi lấy viết chì chọc vào một viên. Nó dễ dàng nát ra để lộ phần nhân màu xanh lục thẫm. Tôi không thể hình dung được chúng là cái gì.

    Anton bước vào phòng, nãy giờ anh ấy ở trong phòng giáo vụ. Tôi ra hiệu cho anh lại gần.

    - Anh có thấy bất cứ thứ gì giống như thế này quanh đây không? - Tôi hỏi.

    Anh chồm người qua vai tôi để nhìn cho rõ hơn.

    - Cái quái gì vậy nhỉ?

    Anh cầm lấy cây viết chì trong tay tôi rồi chọc vào một viên thứ hai. Viên này cũng vỡ vụn ra dễ dàng.

    - Rõ ràng là Freddie đã tìm thấy chúng ở đâu đó, nuốt vào rồi khi đi học về thì nôn ra. Bà Crum nghĩ là chúng xuất phát từ lớp của chúng ta.

    - Chúng là cái gì vậy? - Anton hỏi, bộc lộ sự hoài nghi không giấu giếm.

    - Tôi cũng không biết nữa.

    Sheila tò mò tiến lại gần. Con bé giật gấu quần jeans của tôi.

    - Cho con xem nào. Tôi đẩy nó ra.

    - Chờ một chút nào.

    - Cô biết không, nghe có vẻ khùng điên, nhưng tôi thấy chúng giống như phân thỏ vậy. - Anton vừa nói vừa nhíu mày nhìn cái khăn giấy với mấy viên bi bí ẩn bên trong.

    - Anton, chúng có màu đỏ, màu lục, và màu lam mà. - Tôi đáp.

    - Tôi biết chứ. Nhưng hãy nhìn phần nhân của chúng mà xem. Chẳng lẽ cô không thấy giống sao?

    Tôi phì cười. Tình huống kỳ quặc này làm tôi hơi mất kiểm soát.

    Sheila cứ bập bênh trên một cái ghế bên cạnh tôi, một tay vịn cánh tay tôi, tay kia túm lấy cổ áo tôi.

    - Cho con xem đi, Torey.

    Anton ngả người về phía con bé và cho nó xem cái khăn giấy. Khi nhìn thấy thứ được gói trong cái khăn giấy, nó đột ngột giật bắn người ra đằng sau. Cả nó và cái ghế lăn kềnh ra sàn.

    - Con có sao không? - Tôi hỏi khi đỡ con bé dậy.

    Nó gật đầu. Có cái gì đó trong cách nó nhìn tôi làm tôi nghi ngờ. Hay nói chính xác hơn, cái cách mà nó không nhìn tôi làm tôi nghi ngờ.

    - Con có biết gì về chuyện này không, Sheil? Mấy cái thứ này là gì vậy?

    Nó bước lùi một bước và nhún vai thật mạnh.

    Anton cau mày lại theo cái kiểu tôi-đang- nghiêm-túc của mình:

    - Sheila, con có đưa cái gì đó cho Freddie không?

    Con bé ngước nhìn chúng tôi. Gương mặt nó đầy vẻ ngây thơ. Hai mắt con bé to tròn như những cái đĩa sứ. Mấy sợi tóc bung ra khỏi cái bím của nó, lòa xòa quanh mặt. Con bé cắn môi và vẫn tiếp tục lùi lại. Với Sheila thì thái độ ngây thơ như vậy nghĩa là nó biết nó có tội.

    - Sheila, cô muốn con kể cho cô nghe về việc này. - Tôi nói.

    Vẫn không có câu trả lời.

    - Chúng ta biết là con biết. - Anton thêm vào.

    Chúng tôi nhìn nhau chằm chằm.

    - Sheila. - Tôi nói bằng giọng nghiêm khắc nhất của mình. Phải khó khăn lắm tôi mới nói kiểu như thế được. Con bé trông quá ngây thơ với một tội lỗi rõ ràng đến vậy.

    Cuối cùng tôi tiến đến gần nó, thật chậm, bởi vì trong cách cư xử của nó đã bắt đầu có dấu hiệu của sự sợ hãi, và thông thường thì con bé vẫn hoảng loạn nếu có ai đó lao đến nó. Tôi đặt một tay lên vai nó, rồi đẩy nó quay lại cái bàn nó thường ngồi. Tôi vẫn giữ những ngón tay của mình trên lưng con bé và đứng đằng sau nó, để nó không thể vụt chạy đi.

    - Bây giờ thì tốt hơn là con nói cho chúng ta nghe cái này là gì đi, cưng ạ. Cô muốn biết, và cô muốn biết ngay bây giờ.

    Con bé nhìn chằm chằm vào cái khăn giấy ướt nhẹp đầy những viên bi nhỏ nhiều màu mà bà Crum đã bày ra trên mặt bàn. Tôi có thể cảm thấy Sheila đang tựa hẳn vào tay mình. Tôi hích nhẹ vào vai nó.

    - Cô đang mất kiên nhẫn rồi đây, Sheil. Đừng làm cô giận. Những thứ này có thể làm tổn thương Freddie và chúng ta cần phải biết nó là cái gì. Bây giờ thì nói cô nghe xem nào.

    - Phân thỏ. - Nó khẽ nói.

    - Vậy làm sao mà chúng có nhiều màu sắc như thế này?

    - Con sơn chúng bằng màu keo.

    Câu trả lời này làm Anton không chịu nổi nữa, và anh ấy bắt đầu khúc khích cười. Anh lấy một tay che miệng, cố nén cười.

    - Trời ạ, Sheila. - Tôi nói. - Tại sao con lại đi sơn màu lên phân thỏ làm gì?

    - Cho Whitney.

    Khi đã moi được toàn bộ câu chuyện từ Sheila, chúng tôi mới biết rằng con bé và Whitney đã bày ra một trò đùa. Vào ngày lễ Phục sinh, chúng tôi sẽ làm một tấm tranh khảm thật lớn ở góc lớp học, sau đó bức tranh sẽ được treo trên hành lang của tòa nhà chính trong trường vào Đêm của phụ huynh. Tấm tranh khảm này được đặt tên là "Lần theo dấu vết chú thỏ". Rõ ràng Whitney đã nghĩ là sẽ thật buồn cười nếu thay những miếng khảm bằng những cục phân thỏ được sơn màu. Hoàn toàn là một trò đùa của những đứa mới lớn. Con bé đã sơn màu lên mấy cục phân, rồi phơi chúng ở dưới cái bồn, nơi không ai chú ý đến nhiều. Hẳn là Freddie đã phát hiện ra tất cả những hành động vụng trộm này, và cho rằng chỗ phân ấy là kẹo. Hay một cái gì đó. Rồi thằng bé đã ăn chúng. Theo cái cách mà Sheila kể khi liên hệ toàn bộ sự việc lại, tôi nghĩ rằng đó hẳn là một tuần lễ vô cùng khó chịu và bực bội với con bé. Con Onions không có thái độ hợp tác cho lắm, Whitney thì không đến lớp, và đống phân thỏ sơn màu của Sheila thì biến mất một cách bí ẩn. Thế nên chẳng có gì lạ khi tôi bắt gặp con bé đang làu bàu chửi rủa với cái tủ ly sau giờ học.

    Anton phải kiềm chế lắm mới không phá lên cười trong lúc nghe kể lại chuyện này. Anh cắn chặt môi, mắt thì cứ đảo nhìn lên trời suốt, và thỉnh thoảng lại ho khù khụ. Bà Crum thì không thấy có gì đáng cười trong toàn bộ câu chuyện này cả. Hẳn là tôi cũng sẽ không cảm thấy như thế, nếu đó là con trai tôi. Không ai trong chúng tôi biết cái hợp chất mà Freddie ăn phải có độc không. Tôi biết màu keo thì vô hại, nhưng còn về phân thỏ thì tôi lại mù tịt thông tin. Anton gọi cho trung tâm nghiên cứu về các chất độc hại để hỏi thêm. Tuy nhiên, vì Freddie đã ăn mấy cục phân đó suốt tuần vừa rồi và rõ ràng là không bị ốm đau gì ngoài cái bụng giở chứng, cho nên tôi cũng không thấy lo lắng cho lắm. Ngoài ra, khi thằng bé nôn ra thì mấy cục phân đó cũng chưa bị nhai và chưa bị tiêu hóa.

    Tôi chỉ tay ra hiệu cho Sheila đi về phía góc lớp, và bảo nó hãy ngồi đó trong suốt quãng thời gian còn lại. Con bé không phản đối gì cả, nhưng lại thở dài thườn thượt một cách hơi quá đà, đến mức tôi sợ con bé sắp sửa lên cơn hen đến nơi. Anton quay lại sau khi đã được trung tâm nghiên cứu các chất độc hại bảo đảm rằng Freddie sẽ không sao cả. Tôi xin lỗi bà Crum vì sự ngốc nghếch của học trò mình rồi tiễn bà ấy ra cửa.

    Anton và tôi bàn bạc với nhau về sự việc này, và quyết định rằng chúng tôi nên gọi Whitney tới ngay. Cô ấy sống gần trường học, và tôi cảm thấy tốt hơn là giải quyết vấn đề này khi không có lũ trẻ ở đây. Mặc dù việc này chỉ thuần túy là một trò đùa, nhưng nó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Tôi muốn nói rõ mọi việc cho Whitney hiểu.

    Anton đi gọi Whitney. Tôi bước đến chỗ cái ghế trong góc phòng. Sheila ngước nhìn lên.

    - Nghe này, đã đến lúc con đi đón xe buýt rồi đấy. Con đi lấy áo khoác rồi đi đi nào. Cả cô lẫn Anton đều bận không dẫn con đi tối nay được, thế nên con phải tự lo cho mình thôi. Cô không muốn nghe bất cứ một lời nào từ bất cứ ai về việc con lại gây ra trò rắc rối nào trên đường từ đây đến trạm xe buýt đâu đấy. Rõ chưa nào?

    Sheila gật đầu.

    - Vậy thì tạm biệt. Cô sẽ gặp lại con vào ngày mai.

    - Con rất là xin lỗi.

    - Được rồi. Chúng ta đã nói về chuyện đó, và bây giờ thì nó qua rồi.

    - Cô giận con hả?

    - Cô sẽ ổn thôi. Cô biết tụi con làm việc này như là một trò đùa thôi, và không có ý làm tổn thương bất cứ ai cả. Cô hiểu điều đó. Và bây giờ thì con biết rồi đấy, việc này thật là ngốc nghếch. Thế nên chúng ta sẽ quên nó đi, bây giờ thì xong xuôi rồi.

    Con bé đứng dậy nhưng không rời khỏi chỗ cái ghế.

    - Nhanh lên, nếu không con sẽ nhỡ xe buýt đấy.

    - Cô giận con hả?

    - Không, Sheil, cô không có giận con. Giờ thì con đi đi.

    - Nếu mà cô không giận con thì làm sao mà cô lại không có cười với con? - Con bé hỏi, sự lo lắng thể hiện rõ mồn một trong đôi mắt nó.

    Tôi mỉm cười, và quỳ xuống để nhìn vào mắt nó, rồi ôm nó vào lòng. Tôi hôn lên má nó một cái thật kêu.

    - Con vẫn chưa tin là cô không giận con hả? - Tôi gạt mớ tóc lòa xòa trên trán nó. - Bây giờ con cứ về nhà đi và đừng có lo lắng gì cả, bởi vì cô không có giận gì hết. Ban đầu cô cũng không có giận lắm đâu, bởi những gì con làm là không hề cố ý. Chủ yếu là cô chỉ lo cho Freddie thôi, và khi mà cô lo quá thì nó giống như cô đang giận vậy. Nhưng mọi chuyện qua rồi. Được chứ? Như thế đã ổn với con chưa?

    Con bé gật đầu.

    - Được rồi, vậy thì nhanh chân lên kẻo nhỡ xe buýt bây giờ.

    Whitney lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Sau khi Sheila đi khoảng mười phút thì Whitney đến cùng với mẹ của mình. Tôi không có ý biến việc này thành một vấn đề nghiêm trọng đến như thế. Tôi chỉ đơn giản là muốn nói chuyện với cô bé. Tôi không giận. Như đã nói với Sheila, tôi chưa bao giờ thực sự tức giận cả. Chủ yếu là tôi lo lắng, và cũng cảm thấy hơi bối rối trước mặt bà Crum nữa. Tuy nhiên vẫn có một mối nguy hiểm tiềm ẩn trong sự việc này, và tôi cảm thấy rằng Whitney cần phải nhận thức được điều đó. Dù vậy, mẹ của Whitney đã khiến mọi chuyện trở nên nghiêm trọng quá mức cần thiết.

    Anton đã nói chuyện với bà ấy trong điện thoại, đã giải thích cho bà hiểu một phần của vấn đề. Bà ta đùng đùng đến trường, lôi xềnh xệch Whitney như thể cô bé là một đứa trẻ con vậy. Là một người đàn bà cao lớn với mái tóc vàng cứng quèo, mẹ của Whitney lao vào phòng tôi và yêu cầu tôi kể lại cho bà ấy nghe chuyện gì đã xảy ra. Tôi cố giải thích vấn đề một cách nhẹ nhàng nhất. Ngay sau đó thì bà quay sang Whitney với một sự giận dữ mà tôi không thể tưởng tượng được, cứ như thể Freddie đã tử vong vì cái thứ ấy đến nơi vậy.

    - Bà Blake? Bà Blake? - Tôi cố gắng chen vào cơn thịnh nộ của bà ta. - Xin cho phép tôi nói... Bà Blake?

    Anton cũng đang lúng túng không biết phải thế nào, anh cố làm bà ta mất tập trung:

    - Bà có muốn một tách cà phê không, bà Blake? Trong suốt quãng thời gian ấy thì Whitney chỉ biết ngồi trên một cái ghế nhỏ và khóc nức nở.

    Tôi cũng không nhớ làm thế nào mà chúng tôi làm cho mẹ của Whitney thôi không nói nữa. Nhưng cuối cùng thì chúng tôi cũng làm được chuyện này, và Anton dẫn bà ấy xuống phòng khách để uống cà phê.

    Chỉ còn Whitney và tôi trong phòng. Tôi thấy thật bối rối khi có mặt ở đó và chứng kiến mẹ cô nói chuyện với cô kiểu như thế. Hẳn Whitney phải cảm thấy mình bị sỉ nhục lắm. Tôi bối rối đến mức không biết phải nói gì nữa. Tôi mang đến cho cô một hộp khăn giấy, và đặt nó lên cái bàn trước mặt cô. Tôi lưỡng lự một thoáng, tự hỏi xem liệu tôi có nên xin lỗi hay gì đó không. Tôi lầm bầm nói chuyện một mình và giả vờ đi phân loại đống giấy tờ để cho cô bé có vài phút để bình tĩnh trở lại.

    Khi quay lại, tôi ngồi xuống cạnh Whitney và vòng tay ôm vai cô. Whitney quay lại và ôm chặt lấy tôi. Cử động này đột ngột quá khiến cái ghế tôi đang ngồi lắc lư vì sức nặng cô ấy tựa lên người tôi, nhưng tôi đã vòng tay kia qua ôm lấy Whitney. Whitney đang cần được an ủi vỗ về biết bao.

    - Nghe này, mọi chuyện không đến nỗi tệ như thế đâu, Whitney. - Tôi vén mớ tóc rối lòa xòa trên khuôn mặt cô bé ra. - Anton và chị không có giận gì em đâu. Chị không hề giận tí nào cả.

    Whitney ngồi thẳng người dậy và rút một tờ khăn giấy.

    - Em chỉ đùa thôi mà.

    - Chị biết chứ. Và chị không có giận. Chị không cố ý lôi em vào một rắc rối như thế này. Tin chị đi, chị sẽ không gọi em tới nếu chị biết chuyện này sẽ tệ hại đến thế với em.

    - Ôi, cái gì cũng làm mẹ em nổi điên lên được. - Đúng rồi, mà chuyện này đâu có gì to tát. Chị chỉ muốn em biết là em phải cẩn thận hơn một chút khi ở đây. Bọn chúng không phải là những đứa trẻ bình thường, Whitney à. Em phải cẩn thận hơn rất nhiều khi ở bên chúng.

    - Em không nghĩ là có ai sẽ bị tổn thương cả.

    Em không có ý để việc này xảy ra.

    - Ôi, cưng ơi, chị biết chứ. Và lần này chẳng có ai bị tổn thương gì cả đâu. Suýt tí nữa thì lớn chuyện thôi. Đây là một việc ngớ ngẩn em đã làm mà không suy nghĩ. Chị rất thích cái tính hài hước của em, Whitney, và chị rất thích cái cách em làm cho bọn trẻ cười đùa. Nhưng đây là những đứa trẻ đặc biệt. Chúng ta cần phải hết sức cẩn thận chăm nom chúng.

    Cô tựa đầu vào hai lòng bàn tay và nhìn chằm chằm vào mặt bàn.

    - Em chẳng bao giờ làm được việc gì cho ra hồn cả. Việc gì em cũng làm hỏng bét hết.

    - Bây giờ thì mọi việc có vẻ như thế thôi. Chứ em biết là không phải như vậy mà.

    - Mẹ em sẽ giết em mất.

    - Đây không phải là việc của mẹ em. Đây là việc giữa em và chị thôi. Anton sẽ giải quyết vấn đề với mẹ em. Nếu anh ấy không nói được thì chị sẽ nói chuyện với bà ấy.

    - Em xin lỗi, Torey.

    - Ừ, chị biết mà.

    - Chuyện gì sẽ xảy ra với em đây?

    - Không gì cả.

    Whitney không nhìn tôi, cô ấy vẫn nhìn chằm chằm vào mặt bàn trước mặt. Tôi đặt một tay lên vai cô và có thể cảm nhận được hơi ấm của cô qua lớp áo. Chúng tôi ngồi trong im lặng suốt một lúc lâu.

    - Em có thể kể với chị chuyện này được không, Torey?

    - Được.

    Cô ấy vẫn chưa thể nhìn tôi.

    - Đây là nơi duy nhất trên đời này mà em muốn ở. Mọi người ai cũng trêu chọc em về chuyện này. Chọc hoài. Họ nói: Tại sao cô lại muốn giao du với một lũ người lúc nào cũng dở dở ương ương thế? Họ nghĩ là chính em cũng bị điên. Mà chị biết đấy, không phải điên theo nghĩa gì tốt đẹp đâu, mà là điên khùng đó. Bởi vì nếu không thế thì tại sao em lại muốn ở đây đến vậy?

    - Ừ thì - tôi đáp - vậy thì hẳn họ cũng nghĩ Anton và chị như vậy. Bọn chị chắc cũng điên hết rồi.

    - Có bao giờ người ta nói thế với chị chưa? - Lần đầu tiên trong buổi tối hôm đó, cô ấy nhìn tôi.

    - Không nói với chị. Nhưng chị nghi là cũng không ít người nghĩ chị điên đâu.

    - Tại sao chị lại ở đây?

    Tôi mỉm cười.

    - Chị nghĩ là vì chị thích những mối quan hệ chân thành. Cho đến lúc này thì những người duy nhất mà chị thấy thành thật như thế là những đứa trẻ con và những người điên. Thế nên nơi này có vẻ là nơi thích hợp với chị.

    Whitney gật đầu.

    - Phải, em đoán đó cũng là điều mà em thích - cách mà mọi người bày tỏ chính xác những cảm xúc của mình. Thế nên chí ít là nếu ai đó ghét mình, thì mình cũng biết được điều đó.

    Cô uể oải cười rồi nói tiếp:

    - Buồn cười là ở chỗ, đôi khi em không thấy bọn trẻ điên như những người bình thường ngoài kia. Ý em là - Giọng cô lạc đi.

    Tôi gật đầu.

    - Đúng thế, chị hiểu ý em mà.

    Lúc tôi về đến nhà, Chad đang ngồi đợi tôi.

    Trông anh có vẻ hơi sốt ruột. Anh đã mua vài hộp gà xào nấm ở cửa hàng bán đồ ăn Tàu.

    - Em đã ở đâu vậy chứ? Gần 7 giờ tối rồi còn gì. Anh đã cố gắng giữ nóng cho chỗ đồ ăn ấy bằng cách cho mớ hộp và tất cả đồ ăn bên trong lên một cái chảo chiên. Cả nhà bếp nồng nặc mùi hộp giấy cháy.

    - Ở trường.

    - Đến tận giờ này sao? Lạy Chúa, anh ngồi đây đợi em gần cả tiếng đồng hồ rồi. Em làm gì ở đó thế?

    - À, một đứa học trò của em nôn ra mấy viên bi nhỏ nhiều màu khi ở nhà. Mẹ nó nghi là nó ăn phải mấy thứ đó trong trường. Thế là bà ấy mang đến trường một cái khăn giấy ướt nhẹp đựng toàn mấy thứ mà thằng nhỏ nôn ra.

    Chad bắt đầu khúc khích cười. Anh quay người để xóc nhẹ cái chảo chiên với mớ hộp đồ ăn trong đó. Tôi có thể nhìn thấy hai vai anh đang run lên.

    - Thế là em và Anton bắt đầu kiểm tra xem mấy viên bi nhỏ đó là gì, và hóa ra chúng là phân thỏ.

    Những tiếng cười khúc khích của Chad bật thành những tiếng cười lớn. Và nó truyền sang tôi. Thế là tôi cũng cười theo.

    - Thật là hết chỗ nói. Sheila đã lấy chỗ phân đó từ chuồng của con Onions và lấy keo màu tô lên chúng. Chỉ có Chúa mới biết con bé làm chuyện đó lúc nào, nhưng rõ ràng là Freddie đã tìm thấy chúng và đã xơi chúng. Em đoán thằng bé nghĩ chúng là kẹo hay gì đó.

    Cả hai chúng tôi đều bật cười. Phải khó khăn lắm tôi mới nói được chữ cuối cùng. Mùi hộp giấy cháy nồng nặc quanh phòng, nhưng lúc đó thì cả hai chúng tôi đều cười chảy cả nước mắt. Tôi cười đến tức cả hai bên sườn. Vậy mà chúng tôi vẫn cười.

    - Xin lỗi vì anh đã hỏi... - Cuối cùng Chad cũng nói được một câu.

    Còn nữa...
     
  8. Chiracat Nhân Ngư Ham Việc

    Bài viết:
    589
    CHƯƠNG 15

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tuần thứ ba của tháng Ba, tôi nhận được cú điện thoại vẫn luôn khiến tôi nơm nớp lo sợ. Đầu dây bên kia là giọng nói trầm đục của Ed Somers. Sau giờ học buổi chiều hôm ấy, khi người thư ký gõ cửa lớp tôi để báo rằng tôi có điện thoại, tôi đã linh cảm trước rằng đó chính là cú điện thoại mà tôi vẫn kinh sợ mỗi khi nghĩ đến. Vừa nghe thấy giọng của Ed, tôi hiểu tất cả, ngay cả khi ông chưa kịp nói điều đó ra.

    - Torey, hôm nay vị giám đốc bệnh viện đã gọi. Họ đã có một chỗ trống trong bệnh viện bang.

    Trống ngực tôi đổ dồn khi nghe những điều ông nói. Tai tôi lùng bùng đến nỗi không thể nghe rõ được gì.

    - Ed, con bé không nhất thiết phải đi, đúng không?

    - Tor, tôi đã bảo cô rằng việc con bé ở đây chỉ là một sự sắp xếp tạm thời thôi mà. Tòa đã quyết định là con bé phải được đưa vào bệnh viện bang ngay khi có chỗ trống. Việc này thật sự nằm ngoài tầm tay của chúng ta. Con bé vào lớp cô chỉ là tạm thời thôi.

    - Nhưng con bé đã thay đổi rất nhiều. Nó không còn là đứa trẻ trước đây nữa. Ed, con bé sẽ không chịu nổi cái bệnh viện đó đâu.

    - Nghe này, tất cả mọi việc đã được định sẵn cả rồi. Cô biết thế mà, trước đây chúng ta đã nói chuyện này rồi. Hơn nữa, đây là điều tốt nhất cho con bé. Hãy nhìn cái mái nhà kinh khủng của nó xem. Đằng nào thì con bé cũng sẽ không có đến một cơ hội dù là nhỏ nhoi nhất với một mái nhà như thế, Tor ạ. Cô biết thế mà. Lạy Chúa, cô tiếp xúc với những đứa trẻ này hàng ngày. Hơn bất cứ ai khác, cô nên biết khi nào thì một đứa trẻ có quá nhiều vấn đề mà nó không vượt qua được.

    - Nhưng con bé không phải như thế, Ed. - Tôi thốt lên. - Con bé này có rất nhiều cơ hội. Nó có thể làm được. Bây giờ nó không thể vào bệnh viện bang được đâu.

    Tôi có thể nghe thấy tiếng lục khục của Ed ở đầu dây bên kia. Một khoảng im lặng khá lâu. Ed đang châm một điếu thuốc.

    - Tor, cô đã làm một công việc thật tuyệt vời với những đứa trẻ này. Đôi khi tôi thực sự không hiểu vì sao mà cô làm được nữa. Nhưng lần này thì cô đã đi quá xa rồi. Cô đã dính líu quá sâu vào chuyện này. Tôi có thể nói như thế sau cái sự cố hồi tháng Giêng. Trường hợp của đứa trẻ này đã được quyết định rất lâu trước khi nó đến chỗ của chúng ta.

    - Vậy thì thay đổi quyết định đó đi.

    - Việc này nằm ngoài khả năng của tôi rồi. Sau vụ hỏa hoạn đó, bang đã quyết định sẽ đưa nó vào bệnh viện để kiểm soát. Để có thể xoa dịu cha mẹ của thằng bé kia, thì đó là lựa chọn duy nhất.

    - Ed, việc này thật là kỳ quặc. Lạy Đức Chúa quyền năng, đứa bé chỉ mới sáu tuổi. Chuyện này không thể xảy ra được.

    - Tôi hiểu cô đang cảm thấy thế nào, Torey ạ, tôi thực sự hiểu. Tôi vô cùng xin lỗi vì mọi chuyện xảy ra như thế này, bởi vì tôi biết cô đã gắn bó với con bé thế nào. Nhưng con bé là một trường hợp mà tòa đã đưa ra quyết định. Cả hai chúng ta đều biết việc này sẽ có kết cục thế nào. Và tôi rất tiếc.

    Tôi đi thẳng xuống phòng giáo viên vì không thể quay lại lớp học, nơi Sheila đang chơi đùa một mình. Tôi ngồi xuống ghế và uống cà phê, thứ mà thường thì không bao giờ tôi động đến; tất cả chỉ để cố ngăn những giọt nước mắt đang chực trào ra. Ed nói đúng. Tôi đã dấn quá sâu; con bé có quá nhiều ý nghĩa đối với tôi. Tôi không thể diễn tả thành lời được nỗi đau buồn của mình; tôi không thể tìm được từ ngữ thích hợp. Xung quanh tôi tràn ngập âm thanh của những câu nói ầm ĩ bàn về giáo án, các dự án nghệ thuật và buổi lễ hội của trường. Cuối cùng tôi quay lại lớp học, để thoát khỏi những con người ồn ào trong căn phòng ấy, những người đang tràn ngập niềm vui sướng hớn hở vì giờ học đã kết thúc.

    Khi Anton nhìn thấy tôi, anh không hỏi có chuyện gì - anh ấy đã biết. Anh ra hiệu cho Sheila đến chỗ cái bàn mà anh đang chuẩn bị giáo án cho ngày hôm sau, và nhờ nó giúp anh một tay. Tôi đứng ở cửa, nhìn quanh căn phòng. Nhìn thì đây có vẻ không phải là nơi đáng nhớ lắm, tôi nghĩ. Quá dài và hẹp, quá tối, quá chật chội với những chuồng thú bốc mùi và những cái gối đã xẹp lép nằm lăn lóc trên thảm. Thậm chí còn không có chỗ để một cái bàn giáo viên nữa. Tôi thẫn thờ bước đến chỗ đống gối xếp đằng sau mấy cái chuồng thú và thả người phịch xuống.

    Chỉ trong vài giây, Sheila đã đứng trước mặt tôi. Nó chăm chú nhìn tôi.

    - Cô không vui. - Nó khẽ nói.

    Hai tay nó đút vào túi áo. Con bé lớn nhanh quá, tôi nghĩ thầm. Lai quần nó giờ đã cách giày nó phải đến 5 cm. Hay là quần của nó vẫn luôn ngắn như thế mà tôi không để ý?

    - Ừ, cô không vui.

    - Sao vậy?

    - Sheila, đến đây. - Anton gọi. Sheila vẫn đứng nguyên đó, hai mắt nó nhìn xoáy vào tôi, dò xét xem tôi đang nghĩ gì. Tôi tự hỏi liệu có phải tôi đã dính quá sâu. Với tôi con bé là một đứa trẻ thật tuyệt vời. Chắc chắn là một người bình thường sẽ cho rằng trông nó cũng giống như hàng trăm nghìn đứa trẻ khác. Nhưng chỉ mình nó thôi cũng đã quan trọng với tôi hơn tất cả những đứa trẻ khác cộng lại. Tôi yêu nó, dù chắc chắn là trước đây tôi không có ý như thế. Và vì tôi yêu nó, nên nó đã trở nên vô cùng quan trọng đối với tôi. Bây giờ thì tôi đã "có trách nhiệm" với nó. Tôi cảm nhận rõ mắt mình đang nhòe đi.

    Sheila quỳ xuống bên cạnh tôi, mặt nó đầy lo lắng.

    - Sao cô khóc?

    - Cô không được vui.

    Anton bước đến và bế xốc Sheila đứng thẳng dậy.

    - Nào, cọp con, đến giúp chú sắp xếp lại mớ giấy tờ đi nào.

    - Ứ ừ... - Sheila quẫy ra khỏi vòng tay anh.

    Tôi khoát tay:

    - Không sao đâu Anton. Tôi ổn mà.

    Anh gật đầu và để chúng tôi lại với nhau.

    Sheila cứ nhìn tôi một lúc lâu, mắt con bé tràn ngập sự lo lắng. Những giọt nước mắt của tôi vẫn không trào ra ngoài, nhưng tôi cũng không thể làm chúng biến mất được. Tôi cũng không thể nhìn con bé. Tôi thấy bối rối vì đã tỏ ra bị chấn động như thế này, và tôi lo mình sẽ làm con bé sợ.

    Nhưng con bé vẫn đứng ở đấy và quan sát tôi. Rồi nó từ từ bước lại gần và ngồi xuống bên cạnh tôi. Nó ngập ngừng chạm vào tay tôi và nói:

    - Có thể nếu con nắm tay cô, thì cô sẽ cảm thấy khá hơn. Đôi khi cách này có ích với con.

    Tôi mỉm cười với con bé.

    - Con biết không cưng, cô thương con lắm. Đừng bao giờ quên điều đó. Nếu một lúc nào đó con cảm thấy cô đơn, con hoảng sợ, hay có bất cứ điều gì không hay xảy đến với con, thì cũng đừng quên là cô yêu con. Bởi vì cô thực sự yêu con. Đó thực sự là tất cả những gì mà một người có thể làm cho người khác.

    Con bé nhíu mày. Nó không hiểu những gì tôi đang nói. Tôi biết là con bé không hiểu bởi nó vẫn còn quá nhỏ. Nhưng tôi buộc phải nói. Để có thể cảm thấy lương tâm thanh thản, tôi phải nói với nó rằng tôi đã cố gắng hết sức mình.

    Tôi trở mình, quay về phía Chad và nhìn anh. Chúng tôi đã xem ti-vi cả buổi tối và không nói gì với nhau. Đầu óc tôi lan man với quá nhiều thứ nên không thể trò chuyện được gì. Lúc đầu tôi thậm chí còn không kể cho anh ấy nghe chuyện gì đã xảy ra; nhưng càng về khuya, tâm trí tôi càng thoát khỏi trạng thái bàng hoàng ban đầu và bắt đầu tỉnh táo trở lại.

    - Chad?

    Anh quay sang nhìn tôi.

    - Có cách nào hợp pháp có thể ngăn điều mà họ định làm với Sheila không?

    - Ý em là sao?

    - Thì anh biết đấy. Có cách nào đó hợp lệ để chống lại quyết định này của tòa không? Ý em là liệu có một người nào đó, giống như em đây, có thể làm điều đó được không? Một người không phải là người giám hộ của con bé ấy?

    - Em sẽ kháng cáo ư?

    - Sẽ có ai đó phải làm thế. Em nghĩ nhà trường sẽ ủng hộ em. Có thể lắm.

    - Anh nghĩ em cứ thử xem sao.

    Tôi cau mày:

    - Vấn đề là em không biết phải bắt đầu từ đâu cả. Chúng ta kháng cáo với ai đây? Tòa đã tuyên bố như thế và anh không thể đưa một tòa án ra một tòa án khác được, đúng không? Em không biết phải làm thế nào cả.

    - Anh cho là em phải đề nghị tổ chức một phiên tòa với sự có mặt của cha con bé, cha mẹ của thằng bé mà Sheila đã làm tổn thương và hiệp hội bảo vệ quyền lợi trẻ em, đại loại thế. Khi đó thì em sẽ có quyền kháng cáo. Em biết mấy chuyện đó mà.

    Tôi không biết. Kiến thức về các vụ kiện cáo của tôi cũng tương đương với kiến thức về thuyết tương đối. Nhưng tôi không thích Chad nghĩ như vậy.

    - Anh sẽ tham gia vụ này chứ, Chad?

    Anh nhướn mày:

    - Anh?

    Tôi gật đầu.

    - Anh không biết bất cứ cái gì về lĩnh vực này cả. Điều em cần là một chuyên gia về lĩnh vực luật pháp này. Trời đất, Tor, kinh nghiệm của anh chỉ dừng lại ở mức đưa được mấy thằng cha say rượu ra khỏi nhà tù thôi.

    Tôi mỉm cười.

    - Kinh nghiệm của anh chắc cũng ít như tiền trong tài khoản của em. Em cho là nếu em bào chữa cho vụ này, thì em phải tự trả tiền rồi.

    Chad đảo mắt ngán ngẩm:

    - Lại một trường hợp từ thiện khác hả? - Anh cười. - Anh đoán là chưa có ai hứa hẹn với anh rằng anh sẽ giàu cả.

    - Ồ, một ngày nào đó thì anh sẽ giàu mà. Chỉ không phải là trong năm nay thôi.

    Khi giám thị trường phát hiện tôi đã thuê một luật sư để lo vụ này, họ lập tức triệu tập ngay một buổi họp. Lần đầu tiên tôi được gặp trực tiếp cô Barthuly, giáo viên trước của Sheila. Cô là một phụ nữ xinh xắn mảnh dẻ, khoảng hơn bốn mươi tuổi, và có một nụ cười rất dễ mến. Còn tôi, với chiều cao gần một mét tám, mặc quần jeans, mang giày tennis, khi đứng đối diện với cô ấy, tôi có thể hình dung được rất cụ thể rằng hẳn Sheila đã từng là một thử thách rất lớn với cô. Cô quàng một cái khăn hiệu Anne Klein và đi giày đế bằng, trông cô như một người mẫu quảng cáo cho nước hoa Chanel No.5 trên ti-vi vậy. Với cô thì con bé Sheila hôi hám, người lúc nào cũng dính đầy đất cát hẳn phải là khó chịu lắm.

    Ed Somers cũng có mặt trong cuộc họp, chuyên gia tâm lý Allan cũng vậy, ngoài ra còn có thầy Collins, Anton, viên giám thị trường và một giáo viên bảo mẫu từng làm trong lớp mẫu giáo của Sheila một năm trước. Lúc đầu thì đây không phải là một buổi họp dễ chịu gì đối với tôi. Vì không biết mối quan hệ của tôi với Chad, viên giám thị cho rằng tôi đã vượt quá giới hạn của mình khi mời luật sư lo vụ này mà không cho ông ấy biết. Có lẽ ông ấy nói đúng. Tôi giải thích rằng tôi đã trao đổi vấn đề này với Ed, và ông ấy đã nói rằng chúng tôi không đời nào có thể lo được vụ này, thế nên tôi chỉ còn biết nhờ đến sự giúp đỡ khác về mặt pháp lý.

    Dù khởi đầu có khó khăn, nhưng khi cuộc họp diễn ra được một lúc, một chuyển biến khả quan đã xảy ra. Trước khi đến họp, tôi có mang theo vài bài tập mà Sheila đã làm, cả những cuộn băng video Anton quay con bé khi nó ở trong lớp học. Allan báo cáo về kết quả của những bài kiểm tra mà ông ấy đã thực hiện. Giáo viên cũ của Sheila cũng chia sẻ vài ấn tượng tốt đối với con bé. Thậm chí ngay cả thầy Collins, người mà tôi sợ là sẽ nổi giận trước hành động được xem là bốc đồng này của tôi, cũng công nhận sự tiến bộ trong cách cư xử của Sheila. Khi ông nói ra điều đó, tôi bỗng cảm thấy vô cùng yêu mến con người này.

    Viên giám thị thì ít hưởng ứng hơn, ông nói rằng sự cố mà Sheila gây ra không phải vấn đề của chúng tôi. Tuy nhiên ông cũng cảm thấy ấn tượng trước sự tiến bộ của Sheila và chỉ số IQ cao bất thường của con bé. Ông ấy dè dặt đồng ý sẽ ủng hộ tôi khi nói rằng bệnh viện bang không phải là nơi thích hợp nhất dành cho Sheila, và ông nghĩ rằng con bé có thể được giữ lại trong hệ thống trường công mà không làm nguy hại đến những học sinh khác. Ông yêu cầu Chad đến gặp ông. Mặc cho viên giám thị cố duy trì không khí bình thường cho buổi họp, nhưng khi rời phòng, tôi vẫn cảm thấy vô cùng hân hoan vui sướng.

    Một người có vai trò hết sức quan trọng khác trong việc này là cha của Sheila. Anton lãnh nhiệm vụ đi trước để thăm dò. Khi thấy ông ấy có nhà, anh gọi cho tôi, thế là tôi và Chad phóng xe đến ngay.

    Cũng như lần trước, cha của Sheila lại đang say xỉn. Nhưng lần này ông ta có vẻ vui vẻ hơn một tí.

    - Bệnh viện bang không phải là nơi thích hợp cho Sheila. - Tôi giải thích. - Con bé học hành rất tốt, và tôi nghĩ là thậm chí vào mùa thu năm sau con bé có thể quay trở lại một lớp học bình thường.

    Ông ta hất hàm hỏi tôi:

    - Sao cô lại quan tâm đến việc người ta sẽ làm gì với con bé vậy?

    Câu hỏi này cứ vang vọng trong đầu tôi, đó chính là câu hỏi mà Sheila vẫn thường hỏi tôi. Tại sao tôi lại quan tâm chứ?

    - Ông có một cô con gái rất đặc biệt. - Tôi nói. - Đưa nó tới bệnh viện bang sẽ là một quyết định sai lầm đối với tương lai của con bé. Tôi không muốn thấy điều đó xảy ra với nó, vì tôi nghĩ con bé có thể có được một cuộc sống bình thường giống như bao người khác.

    - Cái con bé đó, nó điên như một con điên chính hiệu. Người ta kể cho cô nghe nó đã làm gì rồi, phải không? Con bé gần như đã thiêu sống thằng nhóc đó.

    - Con bé không phải điên. Nó không điên. Thậm chí ngay bây giờ đây, nó cũng không điên. Nhưng nó sẽ điên nếu phải chuyển đến đó. Về lâu dài việc này sẽ khiến con bé càng trở nên tồi tệ hơn mà thôi. Ông sẽ không muốn con gái mình sống trong bệnh viện bang đâu.

    Ông ta thở dài một tiếng rõ to. Ông ta không hiểu tôi. Suốt cuộc đời, ông luôn sống trong cảnh bị người khác rượt đuổi. Mọi việc lúc nào cũng trở nên tồi tệ. Ông đã gặp rắc rối, Sheila đã gặp rắc rối. Ông đã học được một điều là không được tin ai cả. Và con gái của ông cũng vậy. Như vậy, cuộc sống của họ sẽ an toàn hơn. Vậy mà bây giờ tôi lại đến gặp ông như thế này, và đương nhiên là ông không hiểu.

    Chúng tôi nói chuyện đến tận khuya. Chad và Anton uống bia với ông ấy trong khi tôi ghi chép lại những chi tiết quan trọng. Sheila nãy giờ vẫn ngồi co ro ở góc phòng để quan sát chúng tôi, giờ nằm vật ra và ngủ thiếp đi trên sàn nhà. Tôi không biết liệu con bé có hiểu vì sao tôi lại đến đây, và có chuyện gì đang xảy ra hay không. Tôi chưa nói điều gì cụ thể với nó cả, bởi vì tôi không muốn làm nó sợ một cách không cần thiết, hay tôi cũng không muốn gieo vào đầu con bé một hy vọng không thực tế nào. Nhưng sau đêm hôm ấy thì tôi nghĩ rằng nó đã biết. Tốt hơn là mọi chuyện nên như thế.

    Sau cùng thì cha con bé cũng đồng ý với chúng tôi. Rốt cuộc chúng tôi cũng thuyết phục được ông ấy tin rằng việc này không phải là một trò "từ thiện" hay đang cố "làm điều tốt" hay một trò lừa gạt tai ác nào đó. Ông ấy bắt đầu nhìn nhận ra được những lý do thật sự của việc này - điều mà tôi tin là ông ấy sẽ làm được nếu chúng tôi kiên trì. Tôi tin rằng trong ông ấy vẫn còn bản năng của tình phụ tử, đằng sau cái vẻ ngoài bệ rạc ấy. Ông yêu thương Sheila theo cách của riêng mình, và ông cũng cần đến lòng trắc ẩn nhiều như con bé vậy.

    Đó là một buổi tối thật kỳ lạ. Tất cả chúng tôi đều cảm thấy hơi ngà ngà say. Chad, với kinh nghiệm bảo vệ cho những người dân sống trong khu ổ chuột, có vẻ như hợp với cha của Sheila hơn cả. Anh ấy và cha con bé hay vỗ lưng nhau theo kiểu tình bạn chén chú chén anh rất thân thiết. Cứ mỗi lần tôi cố gắng đưa cuộc trò chuyện quay về với chủ đề chính, thì họ lại ép bia Anton và tôi. Xét cho cùng, tôi thấy rất vui mừng vì vấn đề liên quan đến bệnh viện bang xuất hiện. Nó buộc chúng tôi nhận ra vị trí của nhau trong cuộc sống của Sheila; việc đó tốt hơn cho tất cả mọi người.

    Phiên tòa được tổ chức ngay ngày cuối cùng của tháng Ba. Hôm ấy là một ngày âm u, lạnh lẽo, lồng lộng gió, hứa hẹn sang tháng Tư sẽ có tuyết rơi. Hoàn toàn không phải một ngày có thể khiến tâm trạng con người ta vui lên. Chiều hôm ấy tôi phải nghỉ dạy, Anton cũng thế. Thầy Collins cũng đi cùng với chúng tôi. Thật ngạc nhiên, vì như tôi thấy, ông tỏ ra rất ủng hộ tôi. Sáng hôm ấy, ông đã vào lớp tôi, nói chuyện với tôi một cách chân thành và ấm áp như một người cha. Trong tất cả những người liên quan đến chuyện này, thì ông chính là người mà tôi nghĩ ít có hy vọng thay đổi nhất, bởi tôi đã hình thành trong đầu một hình ảnh rất trẻ con, phiến diện về ông kể từ sau khi xảy ra biến cố trong lớp của cô Holmes. Ban đầu tôi còn nghi ngờ ông, tự hỏi điều gì khiến ông thay đổi như vậy, phải chăng chỉ đơn giản là ông đang bảo vệ những lợi ích của riêng mình? Nhưng khi nhìn nhận vấn đề một cách cởi mở hơn, tôi hiểu ra rằng ông cũng quan tâm nhiều đến bọn trẻ, đương nhiên là theo cách riêng của mình. Đối với Sheila cũng thế.

    Đó là một phiên tòa đóng. Cha mẹ của thằng bé bị nạn và luật sư của họ ngồi đối diện với chúng tôi. Phía xa là rất nhiều người của bang và hạt. Phía chúng tôi có Anton, Allan, cô Barthuly, Ed và viên giám thị của trường. Cha của Sheila đến muộn, nhưng cuối cùng ông cũng đến và hoàn toàn tỉnh táo. Tim tôi thắt lại khi thấy ông. Ông đã cố gắng mặc một bộ quần áo tươm tất nhất. Những đường chỉ may đã sờn hết, cái áo khoác thì đầy vết ố và mòn vẹt, còn cái quần thì vá chằng vá đụp. Cái bụng to tướng của ông căng tròn lên sau lớp áo, khiến nó như sắp bục cả nút ra đến nơi. Ông vừa mới cạo râu, và người ông sực nức mùi nước hoa rẻ tiền.

    Sheila ngồi trên một cái ghế dài bằng gỗ sồi cứng bên ngoài phòng xử án. Chad nghĩ tốt nhất là con bé nên ngồi ở đó. Anh nghĩ có lẽ anh sẽ cần đến sự có mặt của con bé nếu mọi việc xảy ra không như mong muốn.

    Sheila mặc cái quần yếm quen thuộc của nó và một cái áo thun. Tôi ước sao có thể chuẩn bị cho nó một bộ quần áo thật đẹp, nhưng không kịp thời gian. Tôi chỉ kịp tắm cho nó thật kỹ, chải tóc cho nó thật gọn gàng. Ít ra thì con bé cũng sạch sẽ. Vì con bé phải ngồi một mình bên ngoài phòng xử, nên chúng tôi đã mang theo vài cuốn sách cho nó đọc giải trí. Dù vậy, khi vị thẩm phán biết rằng con bé đang ngồi một mình không có ai trông coi, ông đã điều một viên thư ký tòa ra ngồi chung với nó.

    Phiên tòa diễn ra rất khác với những gì mà tôi mong đợi. Trước đây tôi chưa từng tham dự phiên tòa nào cả, và tất cả những thông tin tôi biết đều qua ti-vi. Nhưng chuyện này không giống trong ti- vi. Các luật sư nói chuyện rất khẽ khàng, và từng người chúng tôi lần lượt đưa ra lời khai và vật chứng của mình. Tôi mang theo những cuốn băng để minh họa cho sự tiến bộ của Sheila trong lớp học trong suốt ba tháng nó ở cùng với chúng tôi. Allan trình bày lại những phát hiện của mình qua các bài kiểm tra với con bé. Ed nói về những chương trình khả thi dành cho con bé trong các trường công, dù nó sẽ tiếp tục cần có những chế độ trông coi đặc biệt sau khi hoàn tất lớp học của tôi.

    Sau đó tòa hỏi cha mẹ của đứa bé trai nọ về sự việc xảy ra hồi tháng Mười một và hỏi cha của Sheila xem ông trông nom con gái của mình cẩn thận đến đâu, và theo ông trong mấy tháng vừa qua thì con bé có tiến bộ gì không. Phiên tòa diễn ra trong không khí rất yên ắng. Không có ai lên giọng, cũng không ai tỏ ra xúc động gì cả. Điều này quả thật quá khác biệt so với những điều mà tôi từng nghĩ.

    Sau đó người ta đề nghị tất cả chúng tôi ra khỏi phòng xử án để các luật sư và thẩm phán kết luận sự việc. Tôi vô cùng tự hào về Chad. Dù mối quan hệ giữa anh và tôi đã kéo dài khá lâu, chúng tôi đã cùng nhau trải qua nhiều chuyện, nhưng chưa bao giờ tôi tận mắt chứng kiến anh làm việc một cách chuyên nghiệp như hôm nay cả. Giờ đây, trước mặt tôi là một người đàn ông hoàn toàn khác với người mà tôi vẫn gặp hàng ngày là chỉ nằm dài trên giường và xem ti-vi. Trông anh thật tự tin, và dường như mọi thứ diễn ra trong phiên tòa trở nên thật dễ dàng đối với anh. Tôi vô cùng tự hào khi anh đã nhận bào chữa cho một vụ mà anh biết là sẽ không mang lại cho mình một đồng nào. Tôi tự hào vì anh đã hiểu được những cảm xúc hoang mang trong tôi và biến chúng thành một cơ hội thực sự để có thể giữ Sheila ở lại.

    Cha mẹ của cậu bé kia ngồi ở cuối hành lang. Mặt họ lộ rõ vẻ căng thẳng. Môi họ mím chặt. Mắt họ nhìn xa xăm bất động. Tôi tự hỏi không biết họ đang nghĩ gì. Tôi không thể đoán được điều gì qua gương mặt của họ. Liệu họ có lòng trắc ẩn để tha thứ cho Sheila sau những gì mà con bé đã làm không? Hay trái tim của họ vẫn còn chất nặng nỗi đau thương và kinh hoàng? Liệu họ có nung nấu cái ý định phải để cuộc sống của con bé cũng bị hủy hoại như nó đã làm với con trai họ? Nhìn họ, tôi không biết phải nghĩ thế nào nữa.

    Người cha quay lại và thoáng nhìn vào mắt tôi. Cả hai chúng tôi đều vội quay đi chỗ khác. Họ không phải là những người xấu. Không phải là những người mà tôi có thể thù ghét. Khi trả lời thẩm vấn, giọng nói của họ thật nhẹ nhàng, không thể hiện bất kỳ sự giận dữ nào. Có thể nói là họ trả lời với giọng buồn bã. Họ không vui vì vấn đề này lại được khơi lên, vì phải xuất hiện trong phiên tòa này lần thứ hai, vì họ lại bị đứa trẻ này làm phiền. Tôi ước sao mình có thể ghét họ, việc này sẽ làm cho tôi dễ dàng chấp nhận hơn quyết định của tòa, dù quyết định ấy có là gì đi chăng nữa. Nhưng tôi không thể. Họ chỉ làm điều mà họ cho là tốt nhất. Lỗi của họ, nếu có, thì không gì khác hơn là họ đã bỏ qua việc con bé có vấn đề về tâm thần. Và nó sợ hãi. Giờ đây thì thẩm phán, người không biết cả hai phía chúng tôi, và cũng không biết cả hai đứa bé, sẽ là người quyết định - về một vấn đề không có trắng đen rõ ràng. Tôi tự hỏi họ cảm thấy thế nào. Tôi ước sao mình có đủ can đảm để đứng lên, đi về phía họ và hỏi điều này. Tôi ước sao có một cách nào đó để chuyện này khác đi.

    Sheila ngồi trong lòng tôi. Lúc chúng tôi vừa đi ra, con bé đang vẽ một bức tranh và giờ nó đang cố kể cho tôi nghe về bức tranh này. Việc tôi ngồi trầm ngâm suy nghĩ một mình như thế làm nó khó chịu. Nó đưa một tay lên, quay đầu tôi lại để tôi nhìn nó.

    - Cô xem bức tranh của con này, Tor. Nó là một bức tranh vẽ Susannah Joy, bạn ấy đang mặc cái đầm mà bạn ấy rất hay mặc đến trường.

    Tôi nhìn xuống bức tranh. Từ lâu Sheila đã ghen tỵ với Susannah Joy. Susie là đứa trẻ duy nhất trong lớp của tôi xuất thân từ một gia đình giàu có. Con bé luôn ăn mặc rất đẹp và có một tủ quần áo tuyệt vời gồm rất nhiều bộ đầm cầu kỳ, kiểu cách. Sheila ghen tỵ với nó một cách hơi thiếu tế nhị. Con bé luôn ước ao có được một cái đầm, chỉ một cái đầm giống như của Susannah thôi. Ngày ngày, nó cứ lật hết trang này đến trang khác của cuốn catalogue và chọn ra những bộ đầm mà nó muốn có. Những chuyện này cũng được viết vào nhật ký của con bé. Mới tuần trước tôi tìm thấy trong cái giỏ đựng bài chính tả một tờ giấy của Sheila. Trong đó con bé viết:

    Con cố hết sức viết cho cô Torey từ giờ trở đi con sẽ là một đứa bé gái ngoan hơn và làm tốt nhất bài tập con xin hứa. Con muốn kể cho cô nghe điều con làm tối qua. Con đi xuống và đợi cha con ông ấy ở chỗ cửa hiệu bán mắt kính nơi người ta xửa mắt kính. Vậy là con phải đi lòng vòng chơi một lúc và thỉnh thoảng con nhìn vào mấy cái cửa hiệu bán hàng. Đôi khi con ước mình có được những món đồ trong những cửa hàng ấy. Đôi khi chúng thật là đẹp. Con nhìn thấy một cái đầm thì có màu đỏ và xanh và có cả màu trắng nữa và nó có đăng ten trên đó và nó thật là dài và đẹp. Con chưa từng có một cái đầm như thế và nó thì thật là đẹp torey ạ. Con kiểu như là đã ước là có được nó. Con nghĩ nó cũng đúng cỡ của con nữa. Con hỏi cha con xem con có thể mua nó được không nhưng mà ổng nói là "không". Chuyện đó thì thật là tệ vì nó quá đẹp và con chưa bao giờ có được một cái đầm thật sự. Và con có thể mặc nó đến trường giống như Susannah Joy mặc. Bạn đó có nhiều đầm quá. Nhưng mà con không thể mua nên con về nhà và cha con ổng mua cho con mấy cục kẹo M&M và bảo con "lên giường ngủ đi Sheila" thế là con đi ngủ.

    Cái bài viết ngắn ấy đã làm tôi đau đớn, theo một cách rất buồn cười và không thể xác định được. Dường như đó là một trong những điều buồn nhất mà con bé từng viết. Nhưng Sheila vẫn tiếp tục sống, mặc dù biết rằng mình không thể có được một cái đầm. Nó chấp nhận điều đó, đồng thời vẫn tiếp tục mơ ước.

    Sheila vẫn huyên thuyên về bức tranh mà nó đang cầm trên tay, chỉ cho tôi xem những chi tiết phức tạp của bức tranh. Vậy mà nó vẫn nhận ra rằng tâm trí tôi đang vơ vẩn đâu đâu. Con bé vẫn chưa được gọi vào, và tôi thấy điều này là một dấu hiệu tốt, nhưng con bé nhận thức được sự căng thẳng của chúng tôi.

    Sau cùng thì cánh cửa phòng xử án cũng mở ra. Ngay khi nhìn thấy gương mặt của Chad, tôi đã đoán biết quyết định của tòa là gì. Anh đứng cách chúng tôi chừng ba mét, trên gương mặt anh là một nụ cười rạng rỡ. Anh nói:

    - Chúng ta đã thắng.

    Cả hành lang như vỡ òa. Chúng tôi nhảy nhót rồi ôm chầm lấy nhau. Sheila la hét ỏm tỏi, nhảy nhót len lỏi giữa chân mọi người:

    - Chúng ta đã thắng! Chúng ta đã thắng! Chúng ta đã thắng!

    Tất cả chúng tôi đều cười phá lên trước hành động này của con bé, nhưng tôi không nghĩ là nó hiểu được tầm ảnh hưởng của cái điều mà nó đang nói.

    - Anh nghĩ chúng ta cần phải ăn mừng chuyện này. Em thấy sao? - Chad hỏi tôi. - Em nghĩ sao nếu chúng ta đến Shakey và đặt cái bánh pizza lớn nhất?

    Những người khác lục tục ra về. Tôi vội liếc nhìn xuống cuối hành lang để tìm cha mẹ của cậu bé kia. Họ đang mặc áo khoác vào. Tôi lại ước sao mình có đủ can đảm để vượt qua quãng đường dài chưa đầy sáu mét ấy để đến chỗ họ và nói chuyện với họ. Chad đang nói chuyện với tôi về bánh pizza, Sheila đang nhảy nhót quanh chỗ tôi, giật thắt lưng tôi lia lịa để tôi chú ý đến nó, các thầy cô trong trường thì đang nói lời chào tạm biệt.

    - Sao, em thấy sao? - Chad hỏi lại. - Em muốn đi hay em muốn đứng đó cả buổi tối thế? - Nói rồi anh nghịch ngợm thúc tôi một cái.

    Tôi quay về phía anh và gật đầu.

    - Còn con thì sao? - Chad nói với Sheila. - Con có muốn đi với cô Torey và chú không?

    Mắt nó mở to, và con bé gật đầu. Tôi cúi xuống bồng nó lên, để nó nói chuyện với chúng tôi được dễ dàng hơn.

    Cha Sheila đứng cách xa chúng tôi một quãng. Ông đứng một mình. Hai tay ông đút vào túi của bộ com-lê xộc xệch ông đang mặc. Ông nhìn chằm chằm xuống sàn nhà. Đối với tôi, trông ông thật cô đơn, cô đơn và bị quên lãng. Cuộc chiến mà chúng tôi vừa giành chiến thắng không phải là cuộc chiến của ông. Con bé đã đợi chúng tôi ngoài hành lang, và bây giờ con bé đang ăn mừng với chúng tôi. Đó là chiến thắng của chúng tôi. Chiến thắng này không có ông. Trước giờ những phiên tòa chỉ mang lại cho ông những điều tồi tệ; với ông chúng thật đáng sợ. Trong bộ quần áo tồi tàn và mùi nước hoa rẻ tiền xộc lên nồng nặc, trông ông quá khác lạ và tương phản với những người xung quanh, tương phản đến mức lạ lùng và đáng kinh ngạc. Với một nỗi buồn vô hạn, tôi nhận ra rằng đến ngay cả con gái của ông cũng không thuộc về ông. Con bé là một phần của chúng tôi; còn ông thì không.

    Hẳn Chad cũng nhận thấy sự cô đơn nơi người đàn ông này. Anh hỏi ông ta:

    - Ông có muốn đi cùng chúng tôi không?

    Trong một thoáng, tôi nghĩ mình đã nhìn thấy gương mặt ông ánh lên niềm vui. Nhưng ông đã lắc đầu.

    - Không, tôi phải đi.

    - Sheila đi với chúng tôi được chứ? - Chad lại hỏi. - Chúng tôi sẽ đưa cháu về nhà sau.

    Ông gật đầu. Nhìn Sheila, ông nở một nụ cười nhẹ nhàng. Tôi vẫn bế con bé trên tay. Nó vẫn liên tục ngọ nguậy vì phấn khích, không hề để ý gì đến cha nó.

    - Ông chắc là không muốn đi cùng chúng tôi chứ?

    - Vâng.

    Chúng tôi nhìn nhau một lúc lâu. Khoảng cách giữa hai thế giới hoàn toàn khác nhau của chúng tôi chưa bao giờ được san lấp. Chad thò tay vào túi và lấy ví ra. Anh lấy ra một tờ hai mươi đô-la và đưa cho cha của Sheila.

    - Đây. Đây là một chút để ông cũng có thể tận hưởng niềm vui này.

    Ông ấy lưỡng lự. Tôi không nghĩ ông ấy sẽ nhận, vì tôi biết ông khinh bỉ những hành động từ thiện người ta dành cho ông đến thế nào. Nhưng rồi ông cũng ngập ngừng chìa tay ra và nhận lấy tờ tiền ấy. Ông lúng búng nói cảm ơn, rồi quay người lại và đi thẳng, trên cái hành lang dài hun hút ấy.

    Sheila, Chad và tôi cùng nhau chui vào cái xe nhỏ xíu của Chad để đến tiệm bánh pizza.

    - Này Sheila, con thích pizza loại nào? - Chad hỏi Sheila đang ngồi trên băng ghế sau,.

    - Con không biết. Con chưa từng ăn bánh pizza lần nào.

    - Chưa từng ăn pizza? - Chad thốt lên. - Chà, vậy là chúng ta phải ăn pizza thường xuyên hơn rồi, phải không hả?

    Qua cách cư xử của con bé, thì sẽ không ai có thể biết được là trước giờ nó chưa từng ăn pizza. Mắt nó mở to và sáng rực lên khi người ta mang pizza ra, và nó chộp lấy miếng bánh như một tay chuyên nghiệp. Chad đã gọi loại bánh pizza to nhất, nhiều vị nhất mà anh có thể tìm thấy trong thực đơn, cùng với một bình nước ngọt lớn. Đó là một khoảnh khắc thật diệu kỳ. Sheila thật sống động và linh hoạt, nó nói liên tục. Con bé cảm thấy rất thích thú với Chad và cuối cùng nó leo vào lòng anh ngồi. Chúng tôi cùng nhau lắng nghe người chơi piano dạo đàn. Chad nói rằng trong cuộc đời mình anh chưa từng thấy đứa bé nào ăn nhiều đồ ăn một lúc đến như thế. Để trêu anh, Sheila bảo anh rằng nó có thể ăn ít nhất một trăm cái bánh pizza, nếu anh có đủ tiền để mua ngần ấy bánh, và ợ một tiếng rõ to để minh họa cho điều này.

    Chad chỉ mới gặp Sheila trong một thời gian ngắn hôm chúng tôi đến nhà nói chuyện với cha con bé, còn trước đó anh chỉ nghe tôi kể về nó chứ chưa bao giờ gặp mặt. Chúng tôi ngồi với nhau đến lúc trời vừa sập tối thì Chad hoàn toàn nghĩ rằng con bé là một người thật đặc biệt. Và dĩ nhiên là con bé cũng có cảm nhận như vậy về Chad. Hai chú cháu cứ cười và đùa giỡn với nhau trong suốt thời gian chúng tôi ngồi trong tiệm pizza.

    Trời tối hẳn. Chúng tôi đã ăn hết cái bánh pizza khổng lồ, uống hết chỗ nước ngọt, và thêm một chầu kem nữa. Chúng tôi đã nghe người chơi piano chơi rất lâu, và sau đó ông còn mời Chad lên chơi bài "Trái tim và Tâm hồn" cùng với mình. Vậy mà Chad và Sheila vẫn chưa muốn chia tay nhau.

    Chad khom người thấp xuống mặt bàn và nhìn Sheila. Anh hỏi:

    - Con thích điều gì nhất trên đời này, nếu con có thể có được nó?

    Tim tôi thắt lại, bởi vì tôi biết Sheila sẽ trả lời rằng con bé muốn mẹ nó và Jimmie quay về, và điều này sẽ làm tâm trạng của chúng tôi chùng xuống.

    Con bé suy nghĩ câu hỏi rất lâu.

    - Thật hay giả vờ?

    - Thật.

    Nó lại ngồi trầm ngâm.

    - Một cái đầm, con nghĩ thế.

    - Đầm kiểu gì?

    - Đầm giống như của Susannah Joy ấy. Đầm có viền đăng ten.

    - Ý con là tất cả những gì con muốn trên đời này chỉ là một cái đầm thôi sao? - Chad vừa hỏi vừa đảo mắt từ Sheila nhìn sang tôi.

    Sheila gật đầu.

    - Con chưa bao giờ có một cái đầm cả. Có lần một bà ở nhà thờ đã mang cho con ít quần áo và trong đó có một cái đầm. Nhưng cha con, thậm chí ổng còn không cho con mặc thử cái đầm đó vào. Ổng nói con không được nhận đồ từ thiện của bất cứ ai cả, - con bé nhíu mày - con nghĩ nếu mà mặc thử thôi thì cũng đâu có sao, nhưng mà cha con ổng nói là con sẽ bị đánh đòn nếu con làm thế, thế nên con không dám mặc thử luôn.

    Chad nhìn đồng hồ.

    - Mới có bảy giờ thôi. Chú không nghĩ là các

    cửa hàng ở khu mua sắm sẽ đóng cửa trước chín giờ. - Anh nhìn tôi, rồi lại quay sang Sheila. - Nếu chú nói hôm nay là một ngày may mắn của con thì

    sao nhỉ?

    Sheila nhìn anh với vẻ dò hỏi. Con bé vẫn chưa biết chuyện gì đang xảy ra.

    - Ý chú là sao?

    - Nếu chú nói trong vài phút nữa chúng ta sẽ ra xe và đi mua cho con một cái đầm thì sao? Bất cứ cái đầm nào con muốn.

    Mắt Sheila mở to đến mức tôi sợ chúng sắp nổ tung đến nơi. Nó há hốc mồm ra, và nhìn tôi. Nhưng rồi nó bỗng ỉu xìu.

    - Cha con ổng sẽ không cho con giữ nó đâu.

    - Chú nghĩ là ông ấy sẽ cho. Chúng ta sẽ nói với ông ấy rằng đó chỉ là phần con đáng nhận được để ăn mừng niềm vui này. Chú sẽ vào cùng với con khi chúng ta đưa con về nhà. Chú sẽ nói với ông ấy cho con.

    Sheila không còn tự chủ được nữa. Nó nhào ra khỏi ghế và nhảy múa giữa lối đi, va vào những người qua lại. Con bé ôm tôi. Rồi ôm Chad. Nếu chúng tôi không đi ngay, chắc là nó sẽ quậy tưng chỗ ấy.

    Một tiếng đồng hồ sau đó quả thật là khoảng thời gian đáng nhớ. Chúng tôi đi trên những lối đi của hai trung tâm mua sắm lớn trong khu thương mại, Sheila nắm lấy tay chúng tôi và nhảy nhót. Khi chúng tôi đến được quầy bán đầm cho bé gái, con bé bỗng trở nên nhút nhát đến không ngờ; thậm chí con bé còn không dám nhìn chúng, mà chỉ vùi mặt vào chân tôi. Những ước mơ sắp trở thành sự thật có thể khiến người ta bối rối như thế đấy.

    Cuối cùng tôi chọn vài cái đầm có viền đăng ten thật đẹp, rồi lôi Sheila vào phòng thử để mặc chúng vào. Khi chỉ còn có chúng tôi với nhau thì con bé lại hoạt bát trở lại. Nó tụt cái quần yếm và cái áo thun ra, chỉ còn mặc độc cái quần lót trên người, rồi cầm những cái đầm lên ngắm nghía thật cẩn thận. Con bé gầy khẳng khiu, lưng nó võng xuống, và cái bụng to tướng của trẻ con chỉ càng làm nổi bật thêm cái sự gầy gò của nó. Giờ chỉ còn lại một mình với những chiếc đầm, con bé trở nên quá phấn khích đến nỗi không mặc chúng vào được mà cứ nhảy múa vòng quanh trong cái phòng thử đồ bé xíu. Tôi ôm ngang hông nó, giữ nó đứng yên và bắt nó tròng một cái đầm vào. Thật là một khoảnh khắc kỳ diệu. Sheila làm dáng trước gương một lúc rồi chạy ra ngoài để khoe Chad. Chúng tôi đã mất đến nửa tiếng đồng hồ trong phòng thử đồ để Sheila cố gắng quyết định xem nên chọn cái nào trong số ba cái đầm. Nó mặc thử từng cái vào, mỗi cái ít nhất bốn lần. Cuối cùng nó chọn một cái đầm màu đỏ trắng có viền đăng ten ở cổ và quanh ống tay áo.

    - Con sẽ mặc nó đến trường mỗi ngày. - Con bé háo hức nói.

    - Trông con thật là đẹp.

    Con bé liếc nhìn tôi qua tấm gương.

    - Con mặc nó về nhà được không?

    - Nếu con muốn.

    - Con muốn! - Nụ cười của nó vụt tắt khi nó quay sang tôi. Nó trèo vào lòng tôi, nhẹ nhàng lấy một tay chạm vào mặt tôi.

    - Cô biết con ước gì không?

    - Rằng con có thể có cả ba cái đầm này hả?

    Con bé lắc đầu.

    - Con ước cô là Mẹ con, và Chad là Cha con. Tôi mỉm cười.

    - Nó gần như giống như thế phải không? Ý con là tối nay nè. Hai người gần như là cha và mẹ ruột của con.

    - Ba người chúng ta còn tuyệt hơn như thế nữa mà Sheil. Chúng ta là bạn. Bạn còn tuyệt hơn là cha mẹ nữa, vì điều đó có nghĩa là chúng ta yêu thương nhau bởi vì chúng ta muốn thế chứ không phải vì chúng ta buộc phải thế. Chúng ta đã chọn là bạn của nhau.

    Con bé nhìn tôi một lúc lâu, nó cứ ngồi trên đầu gối tôi và nhìn vào mắt tôi như thế. Cuối cùng nó thở dài và tuột xuống.

    - Con ước chúng ta có thể là cả hai. Chúng ta có thể vừa là bạn vừa là gia đình của nhau.

    - Ừ, như thế chắc sẽ tuyệt lắm. Trán con bé nhăn lại.

    - Chúng ta có thể giả vờ không? - Nó ngập ngừng hỏi. - Chỉ tối nay thôi, liệu chúng ta có thể giả vờ không? Giả vờ rằng cô và Chad là cha mẹ con, và hai người đang đưa đứa con gái nhỏ của mình ra ngoài để mua cho nó một cái đầm. Dù nó có rất nhiều đầm ở nhà rồi, nhưng mà hai người vẫn đưa nó ra ngoài để mua một cái đầm khác vì con bé muốn nó và hai người thương nó rất nhiều?

    Tất cả những gì tôi học được trong lớp huấn luyện về tâm lý đều thúc giục tôi nói không. Nhưng khi tôi nhìn vào mắt con bé, trái tim tôi không cho phép tôi làm thế.

    - Cô nghĩ là chúng ta có thể giả vờ như thế, nhưng chỉ trong tối nay thôi. Nhưng con phải nhớ rằng nó chỉ là giả vờ và chỉ tối nay thôi nhé.

    Con bé nhảy cẫng lên và lao vụt ra khỏi phòng thử đồ, chỉ mặc độc có chiếc quần lót.

    - Con sẽ đi nói với Chad!

    Chad rất thích thú khi biết rằng trong khi chúng tôi đang ở trong phòng thử đồ thì anh ấy đã trở thành một người cha. Anh đóng vai của mình thật trọn vẹn. Đó là một đêm bí ẩn đầy những phép màu không thể diễn tả thành lời đối với cả ba chúng tôi. Sheila ngủ thiếp đi trong vòng tay tôi trên đường về trại tập trung. Khi Chad dừng xe lại, tôi đánh thức nó dậy.

    - Này, cô bé Lọ Lem ơi. - Chad mở cửa xe và gọi. - Đã đến lúc về nhà rồi.

    Con bé cười ngái ngủ với anh.

    - Coi nào, chú sẽ đưa con vào và kể cho cha con nghe chúng ta đã làm gì.

    Con bé lưỡng lự một thoáng rồi khẽ nói: - Con không muốn đi.

    - Đêm nay thật là tuyệt, phải không? - Tôi nói.

    Con bé gật đầu. Ba người chúng tôi im lặng.

    - Con hôn cô được không?

    - Được, cô nghĩ là được.

    Tôi ôm nó một cái thật chặt và hôn nó. Tôi cảm nhận được đôi môi mềm mại của nó chạm vào má mình. Rồi nó hôn Chad khi anh bế nó ra khỏi lòng tôi để đưa nó vào nhà.

    Chúng tôi lái xe về nhà trong im lặng. Khi về đến trước cửa nhà, chúng tôi dừng xe lại, ngồi yên trong xe và không nói gì cả. Cuối cùng Chad quay sang tôi, mắt anh phản chiếu ánh sáng của những ngọn đèn đường.

    - Nó là một đứa bé thật đặc biệt. Tôi gật đầu.

    - Em biết không - anh nói - có lẽ nói điều này ra nghe thật ngốc, nhưng anh đã giả vờ làm cha nó mà không gặp vấn đề gì hết. Anh cũng ước chúng ta là một gia đình. Việc này có vẻ thật dễ dàng. Và thật đúng đắn.

    Giữa bóng đêm bao phủ, tôi mỉm cười, cảm nhận được quanh mình có một dòng chảy tĩnh lặng thật dễ chịu.

    Cỏn nữa...
     
  9. Chiracat Nhân Ngư Ham Việc

    Bài viết:
    589
    CHƯƠNG 16

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tháng Tư đến cùng với một trận bão tuyết. Mặc dù mọi người đều ca cẩm về trận đòn cuối cùng mà mùa đông giáng xuống này, nhưng những bông tuyết trắng xóa trông thực sự rất đáng yêu. Dù vậy, bão tuyết khắc nghiệt đã làm ngừng trệ mọi thứ, thế là trường học phải đóng cửa trong hai ngày.

    Khi chúng tôi quay trở lại với lớp học, Sheila thông báo trong buổi nói chuyện mỗi sáng của lớp rằng chú Jerry của nó đã đến sống cùng với hai cha con nó. Theo lời Sheila thì hồi trước ông ấy ở trong tù, dù con bé không nhớ được vì sao ông ta phải vào đó, và bây giờ ông ta đã được thả ra và đang tìm việc làm. Con bé có vẻ hết sức phấn khởi với thành viên mới này của gia đình. Nó líu lo kể chúng tôi nghe chú Jerry đã chơi với nó suốt cả ngày trong lúc trận bão tuyết xảy ra như thế nào.

    Chúng tôi nhanh chóng quay lại với thời gian biểu hàng ngày của mình. Cảm giác lâng lâng từ chiến thắng của chúng tôi trong phiên tòa vẫn còn đọng lại. Dù bọn trẻ không biết được chuyện gì đã xảy ra, nhưng cả Anton và tôi đều ở trong tâm trạng rất phấn chấn. Và nếu chúng tôi hạnh phúc, thì có thể nói Sheila trong bộ đầm mới của mình đã tỏa sáng rực rỡ.

    Mỗi ngày con bé đều mặc cái đầm đỏ trắng ấy diễu qua diễu lại trước mặt những đứa trẻ khác, với một ý đồ rõ ràng là làm sao để Susannah cũng phải ghen tị như nó đã ghen tị với Susannah trước kia. Con bé kể với chúng bạn rằng trong ngày "xử án" nó đã chiến thắng như thế nào, rồi được đi ăn tối với Chad và tôi, và cuối cùng là được mua cho một cái đầm. Không lâu sau, bọn trẻ đứa nào cũng muốn có một phiên tòa xử mình, và tôi phải đề nghị Sheila đừng có nhắc đi nhắc lại chuyện này nữa. Thế là nó cũng ít nhắc đến chuyện này với bọn trẻ, nhưng khi chỉ còn lại tôi và nó sau giờ học, nó lại lôi chuyện đó ra làm chủ đề chính. Cũng giống như sự cố tôi đã bỏ nó đi vắng hồi tháng Hai, việc lần này cũng được nó lặp đi lặp lại quá mức cần thiết, chi tiết đến từng phút một: chúng tôi đã đến nhà hàng Shakey, chúng tôi đã ăn một cái bánh pizza thật to, Sheila đã ăn rất rất nhiều. Sau đó chúng tôi đi mua cái đầm và giả vờ rằng chúng tôi là một gia đình thực sự. Con bé liên tục lặp lại những chi tiết ấy, nét mặt nó biến đổi tùy theo ký ức của nó về việc này. Tôi để cho nó nói, vì dường như lặp đi lặp lại những chuyện như thế có một tác dụng chữa bệnh nào đó đối với con bé, cũng giống như sự việc hồi tháng Hai vậy. Một điều thú vị là con bé hoàn toàn quên lãng Jimmie. Đã nhiều ngày trôi qua tôi không còn nghe nhắc đến tên của thằng bé nữa. Hôm đó là một buổi tối đầy hạnh phúc, thật hoàn hảo với Sheila, và có vẻ như con bé chưa thưởng thức được nó một cách trọn vẹn. Tôi cho rằng những khoảnh khắc như vậy thật xa vời và nó hiếm khi có được, thế nên tôi vẫn kiên nhẫn lắng nghe nó nói, hết lần này đến lần khác.

    Một buổi sáng giữa tháng Tư, Sheila đến trường với vẻ buồn bã ủ ê hiển hiện. Anton đã đón nó ở trạm xe buýt, nhưng hôm đó xe buýt tới trễ, nên con bé vào lớp sau khi buổi nói chuyện ban sáng đã bắt đầu. Hôm đó nó lại mặc cái quần yếm và cái áo thun cũ của mình, trông nó xanh xao vô cùng. Con bé ngồi xuống phía ngoài rìa của cả nhóm, lắng nghe nhưng không tham gia.

    Chỉ trong nửa giờ đồng hồ khi cuộc nói chuyện diễn ra, nó đứng dậy hai lần để vào toa-lét. Tôi lo là con bé đang bị ốm, vì trông nó rất xanh xao và uể oải. Nhưng những đứa trẻ khác đang la hét chí chóe đòi tôi chú ý đến chúng, nên tôi chưa thể tập trung vào nó được.

    Lúc phát bài tập toán cho bọn trẻ, tôi không thấy Sheila đâu cả. Sau đó tôi phát hiện ra con bé lại đang ở trong toa-lét.

    - Cưng ơi, hôm nay con thấy không khỏe à?

    - Con không sao. - Nó đáp rồi nhận tờ giấy bài tập toán và đi đến chỗ bàn học của mình. Tôi quan sát nó. Giờ đây nó đã nói nhiều hơn, chia động từ đúng quy tắc hơn, và tôi hài lòng với việc này.

    Khoảng gần một giờ đồng hồ sau, ngay trước giờ nghỉ, tôi ngồi xuống bên cạnh Sheila và chỉ nó cách giải một số dạng bài tập toán mới. Tôi bế nó đặt vào lòng mình. Khi tôi ôm nó, cơ thể nó cứ đờ ra rất lạ. Tôi sờ trán nó xem nó có bị sốt không, nhưng nó không sốt. Tuy nhiên rõ ràng là nó đang hành động rất kỳ quặc.

    - Có chuyện gì không vậy, Sheil? Con bé lắc đầu.

    - Cả người con cứng đờ ra nè.

    - Con không sao.

    - Nó nhắc lại, và tiếp tục giải bài tập toán.

    Khi nó giải bài tập toán xong, tôi bế nó ra khỏi lòng và đặt nó xuống đất. Trên ống quần jeans của tôi là một đốm màu đỏ. Tôi nhìn nó chằm chằm, không biết đó là cái gì. Máu sao? Tôi nhìn Sheila.

    - Có chuyện quái gì đang xảy ra vậy?

    Sheila lắc đầu, gương mặt con bé vô cảm.

    - Sheila, con đang chảy máu!

    Ống quần bên phải của nó có một vết màu đỏ đang lan rộng xuống dưới. Tôi bế thốc nó lên, lao vào toa-lét và đóng sầm cửa lại. Tôi mở nút cái quần yếm của nó và cởi nhanh ra. Máu thấm ướt đẫm quần lót của nó, chảy ròng ròng xuống cả hai bên cẳng chân của con bé. Có mấy miếng khăn giấy được nhét vào trong quần lót của nó. Rõ ràng thứ này giải thích cho những lần con bé liên tục vào toa- lét trước đó. Nó đã cố cầm máu lại để không ai thấy.

    - Trời ơi, lạy Chúa tôi, có chuyện gì vậy? - Tôi thốt lên bằng cái giọng thất thanh và hoảng loạn. Sự kinh hoàng trào dâng trong tôi khi tôi lấy miếng khăn giấy cuối cùng ra. Máu đỏ tươi từ âm đạo nó chảy nhỏ giọt ra.

    Nhưng Sheila vẫn đứng như trời trồng. Gương mặt con bé không biểu lộ chút cảm xúc nào. Mắt nó vô hồn, nhìn tôi bằng con mắt đứng tròng. Con bé xanh xao hơn cả lúc tôi thấy nó dưới ánh đèn mờ mờ của lớp học. Lạy Chúa, trông nó trắng bệch như tờ giấy. Tôi không biết nó đã mất bao nhiêu máu rồi. Tôi chộp lấy vai nó rồi lay thật mạnh, cố gắng đánh thức nó thoát khỏi trạng thái thất thần ấy.

    - Sheila, chuyện gì đã xảy ra vậy? Con phải nói cho cô biết. Bây giờ con không thể bày trò được. Chuyện gì đã xảy ra với con?

    Con bé chớp mắt như vừa thức dậy từ một giấc ngủ sâu đầy mộng mị. Nó đã phải trả một cái giá rất đắt để thoát khỏi nỗi đau đớn và trạng thái cảm xúc của mình.

    - Chú Jerry - nó khẽ nói - sáng nay ổng đã cố nhét con cu của ổng vào người con. Nhưng nó không vừa. Thế là ổng đã lấy một con dao. Ổng nói con không cho ổng vào, thế nên ổng nhét một con dao vào người con để con không làm thế nữa.

    Tôi cứng đờ người.

    - Hắn ta đã nhét một con dao vào chỗ đó của con ư?

    Nó gật đầu:

    - Một con dao ăn. Ổng nói con sẽ hối tiếc vì không để ổng nhét con cu của ổng vào người con. Ổng nói cái này sẽ làm con đau hơn rất nhiều và con sẽ hối tiếc.

    - Chúa ơi Sheila, sao con không nói cho cô biết? Tại sao con không cho cô biết?

    Vì sợ rằng nó đã mất quá nhiều máu, tôi quấn một cái khăn tắm quanh người nó rồi bế nó lên.

    - Con sợ. Chú Jerry bắt con không được nói với ai. Ổng nói ổng sẽ tiếp tục làm như thế nếu con nói. Ổng nói nếu mà con nói ra thì ổng sẽ còn làm những điều tồi tệ hơn nữa.

    Tôi bế Sheila lao ra khỏi nhà tắm và bảo Anton trông lớp. Tôi chộp lấy chìa khóa xe rồi chạy vội vào văn phòng. Tôi cố gắng giải thích một cách ngắn gọn rằng tôi sẽ đưa Sheila đến bệnh viện, và nhờ ai đó liên lạc giúp tôi cha con bé rồi bảo ông ấy tới đó. Thời gian ngưng đọng như tốc độ của một cuộn phim quay chậm như nó vẫn luôn thế trong những trường hợp khẩn cấp. Mọi người xung quanh tôi phản ứng chậm chạp như thể họ đang ở trong một thước phim chiếu chậm vậy. Có chuyện gì đang xảy ra vậy? Những nhân viên phụ trách cấp phổ thông cơ sở nhìn ra ngoài phòng làm việc. Chuyện gì đang xảy ra vậy? Trong khi đó thì tôi có thể cảm thấy dòng máu nóng của Sheila đang rỉ ra trên tay mình. Máu đang thấm qua áo tôi.

    Lúc này Sheila đã trắng bệch ra. Nó chỉ mặc có cái áo thun và chân đi giày, cùng tấm khăn mà tôi đã quấn quanh người nó - đó là lớp vỏ bảo vệ duy nhất của nó. Con bé đang trở nên lờ đờ, nó nhắm mắt lại và dựa hẳn vào người tôi. Tôi chạy ra chỗ đỗ xe. Vẫn ôm nó khư khư trong lòng mình, tôi mở máy xe và cài số lùi.

    - Sheila? Sheila? Hãy cố gắng tỉnh táo đi con. - Tôi gọi khẽ, cố vừa điều khiển xe vừa ôm nó. Lẽ ra tôi phải nhờ ai đó đi cùng với mình, tôi lơ đãng nghĩ, nhưng lúc ấy không có thời gian. Tôi không có thời gian để nói cho họ biết chuyện gì đã xảy ra.

    - Con tỉnh mà. - Sheila thì thào. Những ngón tay nhỏ bé của nó bấu chặt vào da tôi. Khi nó túm áo tôi, nó đã véo vào ngay vùng nhạy cảm trên ngực tôi mạnh đến phát đau lên được. - Nhưng mà con đau quá.

    - Ôi, dĩ nhiên là phải đau rồi, cưng ơi. - Tôi đáp. - Nhưng cứ nói chuyện với cô thế này nhé, được không?

    Quãng đường đến bệnh viện tưởng chừng như dài vô tận. Xe cộ trên đường chật như nêm cối. Lẽ ra tôi nên chờ một cái xe cứu thương mới phải. Tôi không biết con bé đã mất bao nhiêu máu, hay thế nào mới gọi là mất quá nhiều máu, hay tôi có thể làm gì cho nó. Tôi tự nguyền rủa mình vì đã không theo sát khóa huấn luyện sơ cấp cứu lúc trước.

    - Chú Jerry của con, ổng nói ổng sẽ yêu con. Ổng nói ổng sẽ chỉ cho con thấy người lớn yêu như thế nào. - Giọng nó nhỏ xíu và nghe thật trẻ con. - Ổng nói tốt hơn là con nên biết người lớn yêu như thế nào. Và khi con hét lên, ổng nói sẽ không bao giờ có ai yêu con nếu bây giờ con không học được cách yêu.

    - Chú Jerry của con không biết cái gì hết, cưng ạ. Ổng không có biết mình đang nói gì đâu.

    Con bé cắn môi và thút thít khóc mà không chảy được nước mắt ra ngoài.

    - Ổng nói đó là cách mà cô và Chad yêu nhau. Ổng nói nếu con muốn cô và Chad yêu con, thì con phải để cho ổng chỉ con cách, thì con mới biết được.

    Chúng tôi đã đến gần bệnh viện.

    - Ôi cưng ơi, hắn nói sai rồi. Cô và Chad đã yêu con rồi mà. Hắn chỉ nói thế để hắn có thể làm một điều sai trái với con. Hắn không có quyền chạm vào con như vậy. Những gì hắn nói và những gì hắn làm là hoàn toàn sai trái.

    Hai người hộ lý trẻ chạy trên bệ dốc dành cho xe đến cấp cứu với một cái cáng. Rõ ràng thầy Collins đã báo cho bệnh viện là chúng tôi sắp tới. Khi tôi đặt con bé lên cáng, lần đầu tiên nó thể hiện được nỗi đau và sự hoảng loạn của mình. Nó rên rỉ và bắt đầu khóc rất to nhưng không có nước mắt. Nó không chịu buông áo tôi ra, nó vùng vẫy rất dữ dội khi hai người hộ lý cố gỡ ngón tay nó ra.

    - Đừng có bỏ con! - Nó gào lên.

    - Cô đi ngay bên cạnh con đây, Sheila. Nhưng hãy nằm xuống. Nào, buông cô ra đi.

    - Đừng bỏ con! Đừng để họ bắt con đi mất!

    Con muốn cô ôm con.

    Bốn người chúng tôi và cái cáng chật vật di chuyển về phía cửa ra vào khu cấp cứu. Sheila vẫn kinh hoàng túm chặt lấy áo tôi, xé rách luôn cái túi áo. Tôi không biết điều gì đã khiến con bé tỉnh táo lại như thế. Có lẽ con bé sợ tôi sẽ bỏ nó lại với những người lạ này; có thể cuối cùng nó cũng đã có thể cảm nhận được cơn đau của mình. Dù lý do là gì đi nữa, con bé đã chiến đấu một cách can đảm đến mức cuối cùng tôi thấy bế nó lên và ôm nó sẽ dễ dàng hơn là gỡ tay nó ra và nghe tiếng gào thét của nó.

    Viên bác sĩ trực phòng cấp cứu kiểm tra nó thật nhanh trong khi tôi ôm nó. Cha của nó vẫn chưa tới, thế nên tôi phải ký vào một tờ đơn nói rằng tôi sẽ chịu trách nhiệm cho các biện pháp cấp cứu cho đến khi cha nó xuất hiện.

    Một y tá cầm kim tiêm đến và chích cho nó một mũi. Sheila trở nên dễ bảo hơn và im lặng như trước, thậm chí còn không phản ứng gì khi mũi kim đâm vào người nó. Chỉ trong một quãng thời gian ngắn sau mũi tiêm ấy, tôi có thể cảm thấy những ngón tay nhỏ xíu của nó đã buông lỏng ra. Tôi đặt nó nằm lên bàn khám bệnh. Một y tá khác bắt đầu truyền dịch vào một cánh tay của nó, trong khi một bác sĩ thực tập người Mỹ gốc Mexico treo một túi máu lên trên bàn khám bệnh. Bác sĩ ra hiệu cho tôi ra ngoài. Tôi nhìn Sheila lần cuối, con bé đang nằm đó, mắt nhắm nghiền, trông thật xanh xao và nhỏ bé trên cái bàn khám bệnh. Tôi đi theo vị bác sĩ ra ngoài. Ông hỏi tôi chuyện gì đã xảy ra, và tôi kể cho ông nghe tất cả những gì tôi biết. Đúng lúc đó chúng tôi thấy cha của Sheila tập tễnh chạy vào hành lang cùng với nhân viên hoạt động xã hội. Ông ta say mèm.

    Vị bác sĩ giải thích rằng Sheila đã mất một lượng máu rất lớn, và trước hết họ phải giúp con bé ổn định lại đã. Sau khi kiểm tra con bé xong, ông thấy rõ ràng là con dao đã đâm thủng thành âm đạo và vào đến trực tràng. Đó là một vết thương rất nghiêm trọng vì khả năng nhiễm trùng rất cao và tổn thương là quá lớn. Sau khi họ đã ổn định xong lượng máu trong người con bé, vị bác sĩ báo rằng sẽ phải có một ca phẫu thuật. Cha của Sheila cứ đứng loạng choạng bên cạnh chúng tôi trong khi vị bác sĩ nói những điều này.

    Tôi không thể làm gì được nữa. Hẳn lớp học của tôi ở trường đang hỗn loạn. Nếu Susannah nhìn thấy máu, Anton sẽ có nhiều việc cần phải làm hơn, mà lại chỉ có mình anh ở đó, hay thậm chí ngay cả khi anh có những người khác giúp đỡ đi chăng nữa thì cũng sẽ rất khó khăn. Và bọn trẻ sẽ trở nên hoảng loạn vì tôi đã bỏ đi quá đột ngột như thế. Tốt nhất là tôi nên quay về với công việc của mình. Tôi nhìn bộ quần áo mình đang mặc trên người. Máu đã loang khắp mặt trước cái áo của tôi. Vết máu đầu tiên trên quần jeans của tôi đã khô đi thành một đốm sẫm màu. Tôi nhìn nó chằm chằm. Tôi đang mặc một phần cuộc sống của một người khác trên cơ thể mình, một vết loang cỡ bằng cái muỗng cái thứ chất lỏng còn quý hơn vàng ấy. Tôi cảm thấy khó chịu với việc này, giật mình khi thấy cuộc sống thực sự mong manh như thế nào, nó nhắc tôi nghĩ đến cái chết của mình một cách rõ ràng nhất.

    Tôi về đến trường lúc mười một giờ. Khi nhìn lên đồng hồ và thấy thực ra mới chỉ có một khoảng thời gian ngắn trôi qua, tôi đã bị sốc. Kể từ lúc tôi bế Sheila ra khỏi lòng mình và nhìn thấy vết máu đến giờ, chỉ mới có chưa đầy một giờ đồng hồ trôi qua. Toàn bộ tấn bi kịch này đã xảy ra chỉ trong vòng có năm mươi phút. Thậm chí tôi đã kịp về nhà thay đồ trước khi quay lại lớp học. Tôi không thể hình dung được điều này. Tôi có cảm giác như hàng trăm năm trời đã bị nén vào năm mươi phút đó. Tôi đã già thêm rất nhiều tuổi.

    Đêm hôm ấy tôi không quay lại bệnh viện. Sau giờ tan học, tôi gọi cho bác sĩ và ông ấy bảo rằng họ vừa đưa con bé vào phòng phẫu thuật và nó vẫn chưa ra. Mặc dù đã được truyền máu, nhưng tình trạng của con bé chưa ổn định lại và vẫn còn rất nguy kịch. Ông bảo có lẽ phải đến khuya con bé mới được chuyển vào phòng hồi sức. Gần như suốt cả ngày hôm ấy nó ở trong tình trạng nửa mê nửa tỉnh, và ông không nghĩ là nó nhận biết được ai đang có mặt bên cạnh mình. Sau khi phẫu thuật xong Sheila sẽ được chăm sóc kỹ lưỡng để đảm bảo rằng nó không còn xuất huyết nữa, và người ta sẽ đợi nó ổn định lại trước khi đưa nó vào khu dành cho trẻ em. Tôi hỏi liệu tôi có thể ghé qua không, và giải thích với ông bác sĩ rằng tôi cũng giống như một thành viên trong gia đình của đứa bé này, ngoài gia đình thực sự của nó là cha nó. Ông khuyên tôi nên đợi đến ngày hôm sau. Tối nay con bé vẫn chưa đủ tỉnh táo để nhận ra tôi, và tôi sẽ làm vướng chân các đơn vị chăm sóc chuyên sâu. Họ sẽ cố gắng giúp con bé cảm thấy dễ chịu nhất có thể, ông trấn an tôi như thế.

    Tôi hỏi xem cha con bé có còn ở đó không, vị bác sĩ trả lời là không. Họ đã đưa ông ta về nhà không lâu sau khi tôi đi. Ông ấy không đủ tỉnh táo để ở đó. Em trai của ông ta, Jerry, đã bị bắt giữ.

    Chẳng hiểu sao tôi lại cảm thấy nhẹ nhõm khi không phải quay lại đó. Mọi việc đã xảy ra quá nhanh, và tôi vẫn chưa thể nhận thức được sự nghiêm trọng của tình huống này. Sáng hôm đó con bé đã nói chuyện với tôi. Nó đã đi bộ suốt quãng đường từ chỗ trường phổ thông đến lớp của chúng tôi, đã ngồi trong lớp suốt một giờ đồng hồ. Nó còn nói chuyện với tôi khi tôi lái xe đưa nó đến bệnh viện. Con bé không thể bị tổn thương nặng như thế được. Tôi không thể tin được chuyện này.

    Bộ quần áo dính đầy máu nằm một đống ở góc nhà. Tôi ngâm cái quần jeans vào bồn tắm, nhưng giữ lại cái áo, kiểm tra vết rách chỗ túi áo mà con bé đã xé khi nó vật lộn với mấy người hộ lý phòng cấp cứu. Tôi nhẹ nhàng gấp cái áo lại rồi cất nó vào một góc trong nhà kho. Tôi không thể vứt nó đi được. Tôi cũng không thể cho nó vào bồn và ngâm được. Tôi biết có quá nhiều máu thấm trong đó, và nếu tôi làm thế thì nước sẽ đổi màu. Lúc đó thì tôi sẽ không thể giặt sạch hết máu, không thể nhìn nước chuyển sang màu đỏ và chảy xuống lỗ thoát như một thứ rác rến bẩn thỉu được. Tôi sẽ không thể chịu nổi chuyện đó.

    Sau bữa tối, Chad ghé qua và tôi kể lại những chuyện đã xảy ra cho anh nghe. Chad nổi cơn thịnh nộ. Ban đầu anh đi vòng quanh phòng, không nói gì cả, lắc đầu liên tục như không thể tin được những điều mình vừa nghe. Anh đau đớn như vậy không phải chủ yếu vì vết thương của con bé quá trầm trọng, mà vì cái cách mà chuyện đã xảy ra. Chad trở nên giận dữ đến điên lên, ánh mắt anh long lên sự thù hận; anh còn dọa sẽ đập Jerry một trận. Anh không thể thông cảm hay còn chút lòng trắc ẩn nào với người có thể làm một việc tày trời như thế với một đứa bé gái, và tôi hoảng sợ vì thay đổi này nơi Chad. Chưa bao giờ tôi thấy anh giận dữ đến thế.

    Dù vô cùng đau khổ vì sự việc này, nhưng một cảm giác lạ lùng vẫn dấy lên trong tôi. Năm tháng trước đó, chính Sheila là người gây ra một chuyện kinh khủng, và một người khác là nạn nhân của con bé. Hẳn lúc đó cha mẹ của cậu bé kia đã cảm thấy chính cái cảm xúc mà Chad đang có lúc này với Jerry. Dù việc này không hề có nghĩa là tôi muốn bào chữa cho sự bất nhân gớm ghiếc của tội ác này, nhưng nó đã làm tôi nhận thấy được rằng nỗi đau đớn và tổn thương mà tôi thấy nơi Sheila hẳn cũng tồn tại trong Jerry. Không ai vô tội cả, nhưng cũng không ai hoàn toàn là quỷ dữ. Tôi thấy vô cùng buồn bã khi biết rằng chắc hẳn Jerry cũng là một nạn nhân giống như Sheila vậy. Cái suy nghĩ đó của tôi khiến mọi việc trở nên phức tạp hơn rất nhiều.

    Tối hôm đó cảnh sát gọi đến và hỏi xem liệu tôi có thể đến cung cấp lời khai cho họ hay không. Chad và tôi cùng đi đến đồn cảnh sát. Trong một căn phòng màu xám, bên một cái bàn cũng màu xám, tôi kể lại cho một viên cảnh sát nghe điều đã xảy ra trong lớp học của tôi vào buổi sáng hôm ấy. Tôi lặp lại những điều Sheila đã nói với tôi và những gì tôi đã làm. Đó là một sự thuật lại thật tàn nhẫn về một sự việc còn tàn nhẫn hơn.

    Vào giờ giải lao sáng hôm sau, tôi lại gọi cho bệnh viện để xem Sheila ra sao rồi. Lần này thì giọng nói của vị bác sĩ nghe có vẻ nhẹ nhàng hơn. Con bé đã vượt qua được cuộc phẫu thuật và đã ổn định lại sau khi được chăm sóc cẩn thận đêm qua. Đến sáng con bé đã tỉnh táo và nhận thức được, thế nên họ đã chuyển nó xuống khu dành cho trẻ em. Tôi có thể gặp nó bất cứ lúc nào tôi muốn. Tôi hỏi xem cha con bé có vào không. Bác sĩ nói ông ta vẫn chưa vào. Tôi nhờ ông nhắn cho con bé biết là tôi sẽ đến đó ngay khi hết giờ học. Bác sĩ đồng ý, giọng ông thật ấm áp. Ông nói con bé là một đứa bé thật kiên cường. Đúng thế, tôi đáp, trên đời này không có đứa bé nào kiên cường như nó đâu.

    Có lẽ nhiệm vụ khó khăn nhất là giải thích chuyện đã xảy ra với Sheila cho bọn trẻ trong lớp tôi hiểu. Trước đây đã có lần chúng tôi nói về việc bị lạm dụng, cả về mặt thân thể lẫn tình dục. Những học sinh của tôi xuất thân từ một bộ phận dân cư mà chúng có nguy cơ bị lạm dụng rất cao, và tôi cảm thấy việc chúng biết phải làm gì khi rơi vào một tình huống như thế, hay nhìn thấy việc đó xảy ra với người khác, là vô cùng quan trọng. Dù vậy, rất khó để nói về sự lạm dụng tình dục. Ở một vùng mà việc giáo dục giới tính không được phổ biến lắm trong trường học, thì lạm dụng tình dục là một chủ đề cấm kỵ. Tôi đã tổ chức được một buổi nói chuyện cho các học trò của mình, trong đó chúng tôi chỉ nói về những cách "chạm vào" phù hợp và không phù hợp. Một người lớn ôm và hôn chúng thì không sao. Một người lớn vừa cầm dương vật vừa ôm chúng thì không được. Chúng tôi thảo luận xem nên làm gì khi chuyện đó xảy ra với mình, bởi vì có những chỗ trên thân thể một đứa bé trai hay bé gái mà không ai được chạm vào cả. Người ta cũng không được yêu cầu chúng chạm vào những chỗ ấy. Chúng tôi đã tổ chức buổi nói chuyện này hồi tháng Mười, và từ đó đến nay đã tổ chức thêm được vài buổi như thế. Việc này mang lại một bầu không khí thoải mái để bọn trẻ có thể nói về những chuyện như thế, để chúng bày tỏ nỗi sợ hãi về việc không biết phải làm gì khi ai đó chạm vào mình, khi những đụng chạm ấy khiến chúng cảm thấy thật "nhộn".

    Nhưng với trường hợp của Sheila thì tôi không biết phải giải thích thế nào đây. Tình dục kết hợp với bạo lực không phải là đề tài có thể bàn đến dễ dàng đối với những đứa trẻ có vấn đề. Nhưng tôi vẫn phải nói một cái gì đó. Bọn trẻ đã nhìn thấy chúng tôi đi một cách vô cùng đột ngột như thế, và chúng đã nhìn thấy máu. Rồi sau đó chúng thấy tôi quay lại mà không có Sheila. Tôi nói với chúng một cách ngắn gọn rằng Sheila đã bị đau ở nhà, thế nên cô phải đưa bạn ấy đến bệnh viện. Ngoài ra tôi không nói thêm gì nữa cả.

    Chiều hôm sau, khi bọn trẻ đang làm cho con bé những tấm thiệp chúc mau bình phục, tôi nói với chúng rằng tôi đã gọi cho bệnh viện, Sheila đang ở trong khu dành cho trẻ em và đang cảm thấy khá hơn. Những thông điệp cảm động được viết bằng bút sáp chất đống trong cái rổ đựng bài viết chính tả. Dù vậy, sự việc này đã ảnh hưởng đến bọn trẻ nhiều hơn là tôi tưởng. Lúc sắp tan học, Williams bỗng òa lên khóc.

    - Có chuyện gì vậy? - Tôi hỏi và ngồi xuống sàn nhà.

    Lúc đó bọn trẻ đang bu xung quanh Chiếc hộp của con ma tinh nghịch. Williams cũng ở đó, nhưng bỗng nhiên nó òa lên khóc nức nở.

    - Con sợ cho Sheila. Con sợ bạn ấy sẽ chết trong bệnh viện. Một lần ông con cũng vào bệnh viện và ông đã chết trong đó.

    Bất ngờ thay, Tyler cũng bắt đầu thút thít:

    - Con nhớ bạn ấy. Con muốn bạn ấy quay lại. - Này các con. - Tôi nói. - Sheila đang hồi phục rất tốt. Sau bữa trưa cô đã nói với các con như thế mà. Bạn ấy đang khá lên. Bạn ấy sẽ không chết hay bị gì đâu.

    Nước mắt cũng ràn rụa trên mặt Sarah dù con bé không nói gì. Max cũng bắt đầu rống lên khóc, tuy nhiên tôi nghĩ thằng bé không hề biết vì sao mọi người lại khóc. Thậm chí cả Peter cũng ngân ngấn nước mắt, mặc dù thằng bé và Sheila hầu như lúc nào cũng chí chóe nhau.

    - Nhưng cô không để cho tụi con nói về việc

    này. - Sarah nói. - Thậm chí cô còn không nhắc đến tên Sheila suốt cả ngày nay nữa. Thật là đáng sợ.

    - Phải rồi. - Guillermo đồng tình. - Con cứ nghĩ về bạn ấy suốt, còn cô cứ hành động như thể bạn ấy chưa bao giờ ở đây vậy. Con nhớ bạn ấy.

    Tôi nhìn chúng. Trừ Freddie và Susannah, thì tất cả đều đang khóc. Tôi không nghĩ tất cả đều thật sự có tình cảm sâu nặng như thế với Sheila, nhưng những gì xảy ra đã làm chúng kinh hoàng. Hơn nữa, nó đã làm ảnh hưởng đến tôi. Tôi đã lo lắng, và khi cố gắng để giữ cho mọi thứ được bình thường, tôi đã không nói gì cả. Suốt thời gian bảy tháng rưỡi của năm học, chúng tôi đã dành nhiều thời gian để học về sự cởi mở và biết tự đặt mình vào vị trí của người khác. Có lẽ chúng đã học được điều này rất tốt, bởi vì tôi không thể che giấu chúng chuyện gì cả.

    Vậy là những thủ tục thông thường để kết thúc buổi học không diễn ra. Thay vào đó, tôi ngồi xuống nói chuyện với chúng, kể cho chúng nghe những cảm xúc của mình và tại sao tôi không thành thật như tôi vẫn thường thế. Chúng tôi ngồi xuống sàn nhà, tất cả đều ngồi bên nhau, và nói chuyện với nhau một cách bình đẳng.

    - Có những chuyện hơi khó nói một chút. - Tôi nói. - Chuyện xảy ra với Sheila là một trong những chuyện như thế.

    - Sao vậy? - Peter hỏi. - Cô không nghĩ là tụi con đã đủ lớn rồi sao? Mẹ con luôn nói thế khi bà ấy không muốn kể con nghe một điều gì đó.

    Tôi mỉm cười.

    - Đại loại thế. Và một phần cũng là vì có những chuyện rất khó nói. Thậm chí cô cũng không hiểu tại sao. Cô đoán là vì chúng làm ta sợ. Thậm chí cả những người lớn như cô cũng cảm thấy sợ. Và khi người lớn sợ một cái gì đó, họ không muốn nói về chúng. Đó là một trong những vấn đề rất thường gặp khi phải làm người lớn.

    Bọn trẻ nhìn tôi chăm chú. Tôi nhìn chúng. Từng đứa một. Tyler với những vết sẹo dài đáng sợ trên cổ họng nó. Thằng bé Peter da đen đẹp đẽ. Guillermo, đứa có đôi mắt chẳng bao giờ thật sự nhìn vào bất cứ đâu, thậm chí ngay cả khi nó đang chú ý. Max thì lúc nào cũng lắc lư, vặn vẹo ngón tay. Sarah. William. Freddie. Và con bé xinh đẹp như một cô tiên, Susannah.

    - Các con có nhớ là cô đã kể với các con rằng Sheila bị thương ở nhà chứ? Và các con có nhớ lúc trước chúng ta cũng có nói về cách mà người khác có thể chạm hay không được phép chạm vào chúng ta không? Lúc ấy cô đã nói với các con rằng có những người lớn thỉnh thoảng lại muốn chạm vào những bộ phận mà họ không được phép chạm vào trên cơ thể của một đứa bé.

    - Đúng rồi, dưới đó là chỗ riêng tư của mình mà, phải không? - William nói.

    Tôi gật đầu.

    - Một người trong gia đình của Sheila đã chạm vào bạn ấy ở chỗ mà lẽ ra ông ta không nên chạm, và khi Sheila không hài lòng với chuyện này, thì ông ta đã làm đau bạn ấy.

    Trán bọn trẻ nhăn lại. Chúng chăm chú nhìn tôi. Thậm chí Max cũng không còn lắc lư nữa.

    - Ông ta đã làm gì bạn ấy? - William hỏi.

    - Cắt người bạn ấy.

    Khi đang kể lại câu chuyện cho bọn trẻ nghe, tôi tự hỏi không biết mình có đang làm đúng hay không. Theo bản năng mách bảo, tôi cảm thấy mình đã đúng. Mối quan hệ của chúng tôi chủ yếu dựa vào sự thật, dù sự thật ấy có tồi tệ như thế nào đi chăng nữa. Hơn nữa, tôi không nghĩ rằng việc bọn trẻ biết chuyện lại tệ hơn việc chúng không biết, hay có thể tệ hơn rất nhiều thứ mà những đứa trẻ này đã từng phải trải qua trước đây. Cái sự thật mà tôi vẫn luôn nhắc đi nhắc lại với bọn trẻ rằng không có bất kỳ điều gì xảy ra trong cuộc sống của chúng lại tồi tệ đến mức không thể nói ra vẫn luôn là một điều quan trọng cần nhớ trong cái lớp này. Vậy mà giờ đây, từ sâu thẳm trong lòng, tôi vẫn có cảm giác rằng tôi đã vi phạm những quy tắc mà tôi được dạy, đã vượt qua lằn ranh của những thực tiễn giáo dục và tâm lý từng được chứng minh là đúng đắn. Cũng như những lần phải tự đấu tranh trước đây, trong tôi dâng lên một nỗi lo lắng rằng lần này có thể là cột mốc đánh dấu sự sa sút của tôi; tôi sẽ gây tổn thương nhiều hơn là giúp đỡ bọn trẻ. Cuộc chiến giữa sự an toàn và sự thành thực lại một lần nữa nổi lên.

    - Ai đã làm điều đó với bạn ấy vậy? -

    Guillermo hỏi. - Có phải là cha bạn ấy không?

    - Không. Là chú bạn ấy.

    - Chú Jerry của bạn ấy ư? - Tyler hỏi. Tôi gật đầu.

    Một phút trôi qua trong im lặng. Rồi Sarah nhún vai.

    - Ít nhất thì đó cũng không phải là cha của bạn ấy.

    - Việc đó không làm chuyện này đỡ tồi tệ hơn tí nào đâu, Sarah. - Tyler nói.

    - Có chứ. - Sarah nói lại. - Lúc tớ chưa đến tuổi đi học, thỉnh thoảng cha tớ lại vào phòng tớ khi mẹ tớ đi làm và - Con bé ngừng lại, nhìn từ Tyler sang tôi, rồi cúi xuống nhìn tấm thảm trên sàn nhà. - Ông ấy đã làm những chuyện như thế. Tớ nghĩ sẽ tệ hơn nhiều khi người làm chuyện đó là cha của mình.

    - Đừng có nói về chuyện này nữa được không? - William nói. Nó nhăn mặt vì sợ, và xua tay.

    - Không, tớ muốn nói. - Sarah nói. - Tớ muốn biết Sheila thế nào rồi.

    - Không. - William lại nói. Nước mắt ngân ngấn trên mắt nó.

    - Cậu sợ, William. - Guillermo nói. - Cậu sợ cái gì thế?

    Tôi đưa một tay về phía William.

    - Con đến đây với cô nào.

    Thằng bé đứng dậy và bước đến chỗ tôi. Tôi vòng tay ôm nó.

    - Đây là một việc thật đáng sợ khi phải nói đến, phải không nào?

    Nó gật đầu.

    - Thỉnh thoảng khi mẹ con chưa kịp hút bụi thì dưới gầm giường của con hay có bụi lắm.

    - William, đó không phải là chủ đề chúng ta đang nói tới. - Peter nhắc.

    - Đám bụi đó làm tớ sợ. Đôi lúc tớ nghĩ chúng từng là những con người. Có thể đó là những người chết dưới gầm giường của tớ.

    - Tào lao quá.

    - Không hề. Điều này được viết ngay trong Kinh Thánh đấy, Peter ạ, rằng cậu sinh ra từ cát bụi và sau khi chết đi sẽ trở thành cát bụi. Trong đó nói thế mà. Mẹ tớ đã cho tớ xem câu đó. Cậu cứ hỏi Torey mà xem.

    - Cô không nghĩ những câu trong Kinh Thánh có ý đó đâu, William. - Tôi nói.

    - Và có thể có người dưới đó, cái đống bụi đó đó. Có thể đó là ông của con sau khi ông vào bệnh viện. Có lẽ giờ đây ông đang ở dưới gầm giường của con. Cũng có thể đó là Sheila.

    - Không, không phải Sheila đâu. Sheila không có chết, Will. Bạn ấy đang ở trong bệnh viện và bạn ấy sẽ khá hơn. - Tôi đáp.

    - Torey ơi? - Tyler lên tiếng.

    - Sao?

    - Làm sao mà chú của Sheila có thể làm như thế với bạn ấy được cơ chứ? Hôm nọ bạn ấy còn kể cho tụi con nghe là ông ấy rất tử tế và đã chơi với bạn ấy. Làm sao mà ông ấy có thể cắt vào người bạn ấy được?

    Tôi nhìn con bé. Tôi không có câu trả lời. Dù có chờ đợi bao lâu đi chăng nữa, thì mãi mãi tôi cũng sẽ không có câu trả lời cho câu hỏi này.

    - Cô cũng không biết nữa, Ty ạ.

    - Ông ấy có vấn đề sao? - Sarah hỏi. - Như cha của con ấy? Người ta đã nhốt ông ấy vào bệnh viện bang vì ông ấy có vấn đề. Mẹ con đã nói với con như thế. Ông ấy không bao giờ quay về cả.

    - Phải, cô nghĩ các con có thể nghĩ rằng ông ta có vấn đề. Ông ta không biết cách chạm vào những đứa bé gái. Hoặc cũng có thể ông ta biết, nhưng có những lúc người ta làm mà không suy nghĩ. Họ chỉ làm những điều mà khi đó họ thấy thích thú thôi.

    - Ông ta sẽ vào bệnh viện bang giống cha con chứ?

    - Cô không biết. Làm tổn thương người khác là trái pháp luật.

    - Khi nào Sheila sẽ quay lại? - Peter hỏi.

    - Ngay khi bạn ấy khá hơn.

    - Bạn ấy vẫn sẽ như cũ chứ?

    - Ý con là sao? - Tôi hỏi.

    Peter cau mày:

    - Thì, nếu bạn ấy bị cắt chỗ dưới đó thì bạn ấy vẫn sẽ như cũ chứ?

    - Cô vẫn chưa hiểu ý con, Peter. Hãy giải thích ý của mình kỹ hơn đi.

    Thằng bé lưỡng lự, nhìn mọi người xung quanh một cách hồi hộp, rồi lại nhìn tôi.

    - Liệu con có thể nói vài từ tục tĩu không? Con phải nói chúng ra để cô hiểu là con đang nói gì. Con cần phải dùng những từ tục tĩu thì con mới nói cho cô hiểu được ý con.

    Tôi gật đầu:

    - Chuyện này khác với việc mình hét những từ đó vào mặt người khác. Chúng không tục tĩu khi chúng mang một ý nghĩa nào đó trong một trường hợp nào đó. Con cứ nói đi.

    Lại lưỡng lự.

    - Thì, dưới đó, là bộ phận sinh dục của con gái, đúng không?

    - Đúng rồi.

    - Và dưới đó là chỗ mà con gái đi tiểu. Vậy thì nếu ông ta đã cắt bạn ấy ở chỗ đó thì sao? Đó là nơi em bé chui ra. Nếu ông ta cắt bạn ấy ở chỗ đó thì sao?

    Tôi vẫn không hiểu được chính xác câu hỏi của Peter. Tôi quyết định hỏi ngược lại nó câu hỏi này để xem liệu tôi có thể rút ra được thông tin gì khác từ nó không.

    - Nếu ông ta cắt bạn ấy như thế thì sao, Peter? Con nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra?

    Mắt nó mở to đầy sợ hãi.

    - Nếu bạn ấy lớn lên và có em bé thì sao?

    - Nếu thế thì sao?

    Nước mắt ngân ngấn trên mắt nó.

    - Bạn ấy sẽ ị lên chúng khi sinh chúng ra. - Miệng thằng bé méo xệch đi. - Mẹ con đã làm thế với con. Đó là lý do vì sao con bị điên.

    - Ôi, Peter, không phải như thế đâu. - Tôi vội nói.

    Nó bò đi. Tôi ngồi xếp chân bằng tròn trên sàn nhà, William ngồi bên phải tôi. Peter gối đầu vào lòng tôi.

    - Đúng, đúng như thế mà.

    - Không, không phải thế đâu. Cô không biết con lấy cái ý tưởng này ở đâu ra, nhưng nó không đúng đâu.

    - Peter, cậu đâu có điên. - William nói. - Không ai thực sự điên cả. Đó chỉ là một từ thôi. Phải không, Torey? Chỉ là một từ thôi. Và không ai chỉ là một từ cả.

    Chúng tôi nói chuyện rất lâu. Chuông báo tan học vang lên, những chiếc xe buýt đến rồi đi. Chúng tôi vẫn nói chuyện. Về sự lạm dụng tình dục. Về Sheila. Về chúng tôi.

    Sau đó, tôi cho cả tám đứa vào trong xe mình và chở chúng về nhà. Chúng tôi vẫn nói chuyện rất nghiêm túc và hết sức tập trung. Thậm chí ngay cả trong xe hơi, bọn trẻ vẫn tiếp tục đặt ra nhiều câu hỏi. Không ai đùa giỡn hay cư xử ngu ngốc cả. Những gì chúng tôi đang nói không có gì buồn cười cả. Nhu cầu phải nói về những chuyện đó đã vượt qua tất cả những nhu cầu khác trong buổi chiều hôm ấy, và đã xóa nhòa những khác biệt giữa chúng tôi.

    Sau khi đưa bọn trẻ về nhà, tôi gom những tấm thiệp chúc mau bình phục và vài cuốn sách mà tôi biết là Sheila đặc biệt thích, rồi đến bệnh viện. Con bé đã được chuyển vào một phòng chăm sóc ngay bên cạnh phòng y tá, và người ta chỉ cho tôi lối vào. Tôi bước vào phòng.

    Con bé chỉ có một mình trong một căn phòng rộng có cửa kính gắn dọc cả một mặt tường, giống như một cái chuồng trong sở thú vậy. Nó đang nằm trong một cái cũi có thành cao bằng kim loại. Một túi truyền dịch được treo trên một cái cây dựng kế bên cũi, và kế đó là một đơn vị máu(9). Cánh tay châm kim truyền dịch của con bé được cột vào một thanh cũi cùng với một cái nẹp để cố định. Con bé trông thật bé bỏng.

    Nước mắt tôi trào ra trước khi tôi kịp ngăn nó lại. Điều duy nhất tôi đang nghĩ đến là tại sao người ta lại cho nó vào một cái cũi cơ chứ? Dù chỉ là một đứa bé, nhưng Sheila rất tự trọng. Tôi biết chuyện này sẽ làm con bé thấy xấu hổ. Tôi biết nó sẽ bối rối khi tôi thấy nó trong đó. Tại sao họ không cho nó nằm trên một cái giường? Không phải một cái cũi. Cũi là dành cho em bé.

    Tôi bước vào. Sheila quay đầu về phía tôi. Nó nhìn tôi trong im lặng.

    - Đừng khóc, Torey. - Nó khẽ nói. - Không đau lắm đâu. Thật đấy. Không đau đâu.

    Tôi bàng hoàng trước sự can đảm của con bé. Tôi nhìn nó đăm đắm.

    - Tại sao người ta lại để con vào một cái cũi nhỉ? - Tôi hỏi nó, đầu tôi trống rỗng. Tôi ngồi xuống cạnh chiếc cũi và chạm vào tay nó. - Người ta không nên để con vào một cái cũi.

    - Con thực sự không thấy phiền đâu. - Nó nói. Tôi biết điều đó không đúng. Chúng tôi đã là bạn của nhau đủ lâu để tôi biết ý thức về giá trị bản thân của con bé được bảo vệ cẩn thận đến nhường nào. Nó mỉm cười, như thể tôi mới là người cần được vỗ về, và chạm vào mặt tôi. - Đừng khóc, Torey. Con không thấy phiền đâu.

    - Khóc làm cô thấy đỡ hơn. Con làm cô sợ quá, và cô lo cho con lắm Sheil à. Cô cảm thấy đỡ hơn khi khóc một chút, và cô không thể ngăn mình lại được.

    - Nó không thực sự đau lắm đâu. - Đôi mắt con bé đã mất đi nét biểu cảm vốn có của chúng. Có thể những loại thuốc điều trị đang gây ra những phản ứng phụ làm con bé đờ đẫn. - Nhưng cũng có lúc con thấy rất sợ. Chỉ một chút thôi. Như tối qua nè, con không biết mình đang ở đâu. Chuyện đó khá đáng sợ. Nhưng mà con thì không có khóc hay gì hết. Và không lâu sau thì cô y tá đến và nói chuyện với con. Cổ thì rất là dễ thương. Nhưng con vẫn hơi sợ. Con muốn gặp cha con.

    - Chắc rồi. Để cô xem, nếu không ai có thể ở bên con lúc con sợ thì cô sẽ nhắn cha con vào với con.

    - Con muốn cha con.

    - Cô biết cưng à. Cha con sẽ đến đây ngay khi có thể mà.

    - Không đâu. Ông ấy thì không có thích bệnh viện đâu.

    - Ừ thì mình cứ chờ xem nào.

    - Con muốn cô ở lại với con.

    Tôi gật đầu:

    - Cô sẽ cố gắng ở lại với con nhiều nhất có thể. Và thỉnh thoảng chú Anton cũng sẽ ghé qua. Và cô biết chú Chad cũng muốn ghé thăm con nữa. Cả ngày nay chú ấy cứ hỏi cô là con thế nào rồi. Chúng ta sẽ cố gắng hết sức. Cô không muốn con sợ, cưng ạ. Cô sẽ cố gắng hết sức để giúp con.

    Con bé quay sang hướng khác một thoáng rồi nhìn lên túi truyền dịch.

    - Tay con hơi đau.

    Mắt nó lại đờ đẫn nhìn tôi. Bỗng nhiên sự đau đớn và sợ hãi hiển hiện một cách đầy sống động trong đôi mắt ấy. Mặt con bé nhăn nhó.

    - Con muốn cô ôm con. - Nó rên rỉ. - Tay con đau quá, và con thật cô đơn. Con muốn cô ở đây và ôm con và không có đi đâu hết.

    - Cưng ơi, cô không nghĩ là họ cho phép cô ôm con đâu. Cô nghĩ nó sẽ làm lộn xộn hết mấy thứ mà người ta đã gắn cho con. Cô có thể nắm tay con, nếu con muốn.

    - Không. - Con bé van nài. - Con muốn cô ôm con. Con đau lắm.

    Tôi vuốt mái tóc nó, và cúi xuống thật gần nó. - Ôi, cô biết chứ cưng, và cô rất muốn thế. Nhưng chúng ta không được làm như vậy.

    Con bé nhìn tôi một lúc thật lâu, và rồi một sự cam chịu, quyết đoán hiện lên trong mắt nó. Nó hít một hơi thật sâu, run rẩy, và thôi không rên rỉ nữa. Một lần nữa nó lại bị động, lại phải kìm nén một cảm xúc nữa mà nó không thể chịu nổi.

    - Cô mang cho con mấy cuốn sách. Có thể con muốn cô đọc chúng cho con nghe. Nó sẽ làm con bớt suy nghĩ lung tung.

    Nó khẽ gật đầu.

    - Cô đọc cho con nghe quyển sách về con cáo và hoàng tử bé và bông hoa hồng của cậu ta đi.

    Còn nữa...
     
  10. Chiracat Nhân Ngư Ham Việc

    Bài viết:
    589
    CHƯƠNG 17

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sheila ở lại bệnh viện đến hết tháng Tư. Trong thời gian đó, chú của con bé đã bị tố cáo và đưa ra xét xử vì tội lạm dụng tình dục trẻ em. Hắn đã phải quay trở vào tù. Cha Sheila không hề đến thăm con bé suốt thời gian nó nằm viện, lấy cớ rằng ông ta rất sợ bệnh viện. Thay vào đó, ông nhấn chìm nỗi sợ hãi của mình ở quán Joe's Bar and Grill. Tối nào sau giờ học tôi cũng đến thăm nó, và thường ở lại đến sau bữa tối mới về. Hầu như tối nào Chad cũng ghé qua và chơi cờ đam với Sheila, thậm chí anh vẫn nán lại sau khi tôi đã về. Anton cũng ghé thăm con bé thường xuyên, còn Whitney mặc dù chưa đủ tuổi, nhưng bệnh viện cũng cho cô vào thăm Sheila vài lần. Kỳ lạ là cả thầy Collins cũng ghé thăm Sheila. Và một buổi chiều thứ Bảy nọ, tôi đã rất ngạc nhiên khi bắt gặp ông đang chơi đùa với con bé. Sheila trở thành một trong những đứa trẻ được nhiều người biết đến nhất trong khu dành cho trẻ em. Các y bác sĩ trong bệnh viện hết sức ngạc nhiên khi thấy có rất nhiều người cứ nườm nượp ra vô thăm con bé. Tôi cảm thấy rất mừng trước sự quan tâm mà mọi người dành cho Sheila, bởi vì dù rất muốn, tôi cũng không thể ở cạnh con bé cả ngày được. Nhưng bất kỳ lúc nào không có ai đến với con bé, tôi đều cố gắng nán lại với nó càng lâu càng tốt.

    Dù sao đi nữa thì thời gian nằm viện cũng tốt cho con bé. Vì nó rất xinh xắn và đã phải trải qua một sự việc kinh hoàng như thế, nên nó trở thành cục cưng của các nhân viên chăm sóc trong bệnh viện. Họ chăm sóc con bé rất cẩn thận và chu đáo. Sheila cũng tỏ ra hết sức vui vẻ. Trong hầu hết các trường hợp thì nó rất sẵn lòng hợp tác, và dĩ nhiên là không bao giờ khóc cả. Điều tuyệt nhất là con bé được ăn đủ ba bữa mỗi ngày và dần lấy lại trọng lượng cần thiết. Chưa hết thời gian nằm viện, nó đã bắt đầu đứng ngồi không yên, không muốn ở trên giường, và đổ quạu với những ai bắt nó phải làm thế. Sau sự kiện kinh khủng đó, những vấn đề về mặt cảm xúc của con bé dường như đã bị lu mờ. Một đứa từng gây nhiều náo loạn như nó, lần này lại bị tổn thương nặng nề như vậy, nhưng tuyệt nhiên không thấy nó có ý đồ quậy phá gì trong bệnh viện cả. Ngược lại các cô y tá cứ luôn miệng khen con bé rất ngoan. Điều này làm tôi thấy lo. Nó tỏ ra ngoan ngoãn thế này thì việc nó ở lại bệnh viện sẽ dễ dàng và an toàn hơn đối với mọi người, nhưng chuyện này xuất phát từ một nguyên cớ hết sức đau lòng, thế nên tôi sợ rằng cũng giống như cái khả năng ngớ ngẩn của nó là không chịu khóc, nó đã chế ngự được nỗi đau khổ này, dìm nhấn tổn thương đó xuống như thể bi kịch đó chưa bao giờ xảy ra. Với tôi, hơn bất kỳ điều gì khác, đó chính là dấu hiệu cho thấy con bé đã bị rối loạn nghiêm trọng hơn.

    Trong thời gian đó thì những đứa học trò còn lại của tôi đã thích ứng với một cuộc sống không có Sheila. Chúng tôi cùng nhau tận hưởng ánh mặt trời ấm áp của tháng Tư cùng những khóm hoa đang bung mình nở rộ. Mọi thứ đã bình thường trở lại. Tuy vẫn gửi thư đều cho Sheila mỗi tuần, nhưng chúng tôi không còn nhắc nhiều đến chuyện của Sheila nữa.

    Cũng trong quãng thời gian này, tôi được biết lớp học của tôi chắc chắn sẽ bị giải tán vĩnh viễn. Một vài việc xảy ra đã góp phần dẫn đến quyết định này và tôi nhận thức được tất cả những chuyện đó. Thứ nhất, nội bộ hội đồng quận đang thực hiện một số thay đổi và họ cảm thấy rằng việc sắp xếp nơi chốn phù hợp cho những đứa trẻ có vấn đề như Freddie và Susannah vẫn khả thi mà không cần phải duy trì một lớp học riêng biệt khác giống như năm nay. Thứ hai, tất cả những đứa trẻ khác đều có những tiến bộ nhất định, và xét trên thực tế thì chúng đã có thể tham gia vào những môi trường học tập mới mà không bị cấm đoán như trước nữa. Nhưng có lẽ quan trọng nhất chính là quyết định mới của Quốc hội là để trẻ em bị khiếm khuyết được hòa nhập vào môi trường học tập bình thường. Theo đó, một số lớp học đặc biệt sẽ bị giải thể để các giáo viên đã qua lớp huấn luyện đặc biệt có thể tham gia vào công tác cố vấn cho các lớp học bình thường. Vì tôi phụ trách toàn học sinh có mức độ nghiêm trọng, nên các nhà chức trách có vẻ nhắm vào lớp tôi nhiều nhất. Lý do cuối cùng, và có lẽ là hợp lý nhất, đó là nguồn kinh phí đang ngày một eo hẹp. Kinh phí đầu tư cho việc dạy dỗ bọn trẻ trong những lớp học như của tôi rất đắt đỏ. Tỉ lệ học sinh tính trên đầu giáo viên thấp, các giáo viên phụ trách những lớp này phải được huấn luyện nhiều hơn, và vì thế họ yêu cầu một mức lương cao hơn, các thiết bị dạy học cũng phải đặc biệt hơn - tất cả đều tốn rất nhiều tiền. Chính vì vậy, trong tương lai, hội đồng quận không thể duy trì nhiều lớp học đặc biệt như vậy nữa.

    Dù chuyện này khiến tôi rất buồn, nhưng nó cũng không quá bất ngờ. Thực ra tôi cũng có những kế hoạch riêng của mình. Hội đồng trường đã đề nghị tôi nhận một vị trí mới; tuy nhiên, tôi đã đăng ký học tiếp và hồ sơ của tôi đã được chấp nhận. Tôi có bằng thạc sĩ về chuyên ngành giáo dục đặc biệt cùng những bằng cấp cần thiết của một giáo viên bình thường. Nhưng tôi vẫn chưa có bằng cấp chính thức nào trong lĩnh vực giáo dục trẻ em đặc biệt. Dù bang chưa yêu cầu loại bằng này, chỉ yêu cầu những chứng nhận giáo viên thông thường, nhưng tôi thấy sớm muộn thì việc này cũng sẽ xảy ra. Tôi biết có rất nhiều giáo viên giỏi đã bị mất việc chỉ đơn giản vì họ không thể đáp ứng được những yêu cầu về bằng cấp. Công việc này về cơ bản là đã kết thúc; đằng nào thì tôi cũng không thể tiếp tục dạy những học trò của mình vào mùa khai giảng tới, thế nên lúc này có vẻ là một thời điểm thích hợp để tôi tiếp tục học lên.

    Tôi cũng thấy thích thú với cái ý tưởng theo đuổi một tấm bằng tiến sĩ. Trong những năm qua, tôi đã tham gia vào rất nhiều cuộc nghiên cứu và thấy bàng hoàng khi phát hiện những khoảng trống khổng lồ về mặt nghiên cứu đối với hiện tượng tự cô lập và chán chường ở trẻ nhỏ.

    Dù rất yêu công việc dạy học, nhưng suốt những tháng vừa qua, rất nhiều lần tôi đã tự vấn lương tâm về tương lai của mình. Ngoài ra, Chad lại đang tạo ra cho tôi một áp lực, anh muốn chúng tôi kết hôn và ổn định cuộc sống. Chính cái phiên tòa xử vụ Sheila đã ảnh hưởng đến anh rất nhiều; giờ đây, anh không còn úp mở nữa mà đã bày tỏ thẳng thắn rằng anh muốn có một gia đình. Vậy mà cuộc sống của tôi vẫn chưa thể ổn định. Tôi nhận được thư báo chấp nhận hồ sơ xin học của mình vào ngày sáu tháng Tư, và tôi đã đồng ý đi. Điều này có nghĩa là khi năm học kết thúc vào tháng Sáu, tôi sẽ phải sống cách xa Chad và Sheila nửa lục địa, xa cả cái nơi đã cho tôi những năm tháng tuyệt vời nhất trong cuộc đời mình.

    Sheila trở lại trường vào đầu tháng Năm. Cách cư xử nhã nhặn, từ tốn, hợp tác như lúc nó còn ở bệnh viện khiến người ta dễ dàng nghĩ rằng nó vừa trải qua một kỳ nghỉ dài. Quan sát thái độ của con bé khi nó quay về chỗ cũ của mình trong góc lớp, tôi cảm thấy bất an hơn bao giờ hết. Con người ta không thể nuốt trôi nỗi đau đớn kinh khủng đó một cách dễ dàng và điềm nhiên đến vậy. Tôi sợ rằng tâm lý con bé đã bị xáo trộn nghiêm trọng, thậm chí còn nghiêm trọng hơn những gì tôi đã dè chừng trước đó. Tôi sợ rằng có lẽ nó đang đẩy mình vào những ý tưởng kỳ quặc nào đó để tự bảo vệ mình khỏi những nỗi kinh hoàng của cuộc đời thực. Nhưng suốt ngày hôm đó và cả những ngày sau, con bé không hề thể hiện điều gì bất ổn cả. Trông nó giống như một đứa trẻ bình thường nào đó ghé qua lớp tôi và cùng tham gia vào những hoạt động của lớp vậy.

    Vào khoảng cuối tuần thì cái vỏ bọc bên ngoài đó của nó bắt đầu mỏng dần. Những vấn đề cũ lại xuất hiện. Tôi bắt đầu đưa ra những yêu cầu cao hơn cho con bé, và nó đã mắc phải một số sai lầm. Điều này khiến nó phụng phịu hờn dỗi mất mấy tiếng đồng hồ hôm thứ Năm. Những đứa trẻ khác dần thích ứng trở lại với sự quay về của nó. Bọn trẻ cũng không chú ý quá nhiều đến nó như trước. Điều này khiến nó hơi giận dữ khi mọi thứ không diễn ra đúng như ý muốn của nó. Nhưng điều quan trọng nhất là nó đã bắt đầu nói chuyện với tôi trở lại. Tôi nghĩ đó chính là điều đã mất đi suốt thời gian con bé nằm viện. Dù nó vẫn thường nói huyên thuyên trong lớp và sau giờ học, nhưng nó chưa hề thực sự nói về một điều gì cả. Tất cả chỉ là những câu nói tầm phào về một tình huống xảy ra ngay lúc ấy. Khác với trước đây là nó rất cởi mở và sẵn sàng bày tỏ những cảm xúc của mình, giờ nó chỉ nói về những đề tài an toàn. Dù vậy, thỉnh thoảng nó cũng nói vài câu phản ánh đúng thứ đang ẩn đằng sau cái vỏ bọc vô lo đó.

    Con bé vẫn mặc cái quần yếm và cái áo thun cũ của nó. Có thể nhìn thấy rõ vết máu khô còn dính trên đó. Sau thời gian nằm viện, con bé tăng cân và giờ nó không thể mặc vừa cái quần yếm vốn đã củn cỡn. Nó quá ngắn và quá chật với con bé. Tôi không biết điều gì đã xảy ra với cái đầm màu đỏ trắng, thế là sau giờ học hôm thứ Sáu, tôi quyết định hỏi nó chuyện này. Lúc đó Sheila đang giúp tôi cắt những tấm hình cho bảng tin của lớp; thế nên chúng tôi cùng ngồi bên một cái bàn, giữa chúng tôi là đống công việc bề bộn.

    Con bé suy nghĩ về câu hỏi của tôi một lúc rồi nói:

    - Con sẽ không mặc nó nữa đâu.

    - Sao vậy?

    - Ngày hôm ấy... - Nó ngừng lại, tập trung vào cái nó đang cắt. - Cái ngày mà chú Jerry... Ổng nói nó thật là một cái đầm đẹp. Ổng có thể sờ bên dưới nó. Trước đây ổng đã làm chuyện ấy rồi, nhưng lần này thì ổng không chịu dừng lại. Ổng cứ để tay dưới đó suốt. Thế nên con không mặc nó nữa đâu. Con không muốn ai thò tay xuống dưới đó nữa.

    - Ồ.

    - Hơn nữa, nó bê bết máu rồi. Cha con ổng đã quăng nó đi lúc con không có nhà.

    Một khoảng lặng kéo dài và nặng nề. Tôi không biết phải nói gì nữa, chỉ biết tiếp tục cắt cắt dán dán. Sheila nhìn lên:

    - Torey?

    - Sao cưng?

    - Cô và Chad có bao giờ làm chuyện đó với nhau không? - Như chú Jerry làm với con đó?

    - Không ai được làm điều mà chú con đã làm với con cả. Đó là một điều vô cùng sai trái. Giao hợp là điều mà những người lớn làm với nhau. Đó không phải là điều mà trẻ con làm. Và không ai dùng dao cả. Điều đó là hoàn toàn sai.

    - Con biết nó là cái gì. Cha con, thỉnh thoảng ổng mang phụ nữ về nhà và làm chuyện đó. Ổng nghĩ là con ngủ rồi nhưng mà con không có ngủ. Chuyện đó gây ra nhiều tiếng động lắm, nên con đã thức dậy. Con đã thấy họ. Con biết đó là cái gì.

    Mắt con bé như bị phủ một quầng mây xám:

    - Đó có phải là tình yêu thật không?

    Tôi thở dài:

    - Sheila ạ, con thật sự chưa đủ lớn để hiểu tất cả những chuyện đó. Đôi khi người ta gọi nó là tình yêu. Nhưng gọi như thế không chính xác. Nó là tình dục. Thường thì hai người làm chuyện đó với nhau khi họ thực sự yêu nhau, vì thế nên nó rất tuyệt và họ thích nó. Nhưng cũng có khi người ta làm điều đó mà không yêu nhau. Nó vẫn là tình dục, nhưng nó không phải là tình yêu. Đôi khi có người còn bắt buộc người khác làm chuyện đó nữa. Và đó luôn là một điều sai trái.

    - Con sẽ không bao giờ yêu ai cả nếu con phải làm chuyện đó.

    - Con còn quá nhỏ. Cơ thể con chưa sẵn sàng để làm những chuyện như thế, cho nên con thấy đau. Nhưng đó không phải là tình yêu, Sheil. Tình yêu khác cơ. Tình yêu là một cảm xúc. Những gì đã xảy ra là một điều vô cùng sai trái. Không ai được làm chuyện đó với một đứa bé gái cả. Nó làm con đau vì đáng lý chuyện đó không được xảy ra. Con còn quá nhỏ.

    - Vậy tại sao ông ta lại làm điều đó với con, Torey?

    Tôi dừng tay, vuốt lại tóc.

    - Con đang hỏi cô những câu hỏi cực kỳ khó trả lời, cưng ạ.

    - Nhưng con không thể hiểu được chuyện đó.

    Con thích chú Jerry. Ổng đã chơi với con. Tại sao ổng lại muốn làm tổn thương con?

    - Cô cũng không biết nữa. Đôi khi người ta bị mất kiểm soát như thế đấy. Giống như cô với con hồi tháng Hai, lúc cô phải đi dự hội thảo đó, có nhớ không? Ý cô là có thể nói chúng ta cũng đã bị mất kiểm soát.

    Sheila ngừng cắt, thả rơi tờ giấy và cây kéo xuống mặt bàn. Trong suốt một quãng thời gian dài im lặng, nó cứ ngồi bất động như thế, nhìn trân trối vào tờ giấy, cây kéo và hai bàn tay vẫn còn xòe ra của mình. Cằm nó run lên.

    - Mọi việc không bao giờ xảy ra theo cái cách mà mình muốn, đúng không cô?

    Nó hỏi, không hề nhìn tôi.

    Tôi không trả lời, vì không biết phải trả lời như thế nào nữa.

    Con bé gục mặt xuống bàn, một hành động thể hiện rằng nó đã bị đánh bại.

    - Con không muốn là con nữa. Con không muốn. - Đôi khi việc này thật khó khăn. - Tôi đáp, vẫn không biết phải nói điều gì, nhưng cảm thấy mình phải nói một điều gì đó.

    Con bé quay đầu lại để có thể nhìn thấy tôi, nhưng nó vẫn gục trên bàn, giữa đống giấy tờ bộn bề mà nó vừa cắt. Đôi mắt nó thật u ám.

    - Con muốn là một người nào đó giống như Susannah Joy và có thật nhiều đầm đẹp để mặc. Con không muốn ở đây. Con muốn là một đứa trẻ bình thường và đi học trong một ngôi trường bình thường. Con không muốn ở đây nữa. Nó làm con muốn bệnh. Nhưng con không biết phải làm sao để thoát khỏi nó bây giờ.

    Tôi nhìn con bé. Chẳng hiểu sao tôi luôn nghĩ rằng cuối cùng thì mình cũng đã đánh mất sự ngây thơ trong sáng cố hữu. Lúc nào tôi cũng nghĩ Lạy Chúa, con đã chứng kiến điều tồi tệ nhất, lần sau thì con sẽ không tổn thương nặng nề đến như thế đâu. Ấy vậy mà tôi vẫn luôn thấy lần sau còn tệ hơn lần trước.

    Còn nữa...
     
Trạng thái chủ đề:
Đã bị khóa
Trả lời qua Facebook
Đang tải...