Review Sách Deep Work - Cal Newport - Tập Trung Cao Độ Điều Cốt Lõi Để Thành Công

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Nguyen Van Cao, 4 Tháng ba 2023.

  1. Nguyen Van Cao

    Bài viết:
    18
    Tập trung cao độ - Điều cốt lõi để thành công

    Qua cuốn sách "Deep Work" của Cal Newport

    [​IMG]

    Cứ 45 phút, bạn lại có một cuộc điện thoại. Thỉnh thoảng đồng nghiệp đến hỏi chuyện hay tán gẫu. Một giờ sau khi ăn trưa, bạn lại có một cuộc họp. Trước khi bạn kịp nhận ra rằng, ngày hôm nay bạn vẫn chưa làm được gì thì đồng hồ đã chỉ 05 giờ, tan làm. Tại sao vậy? Đó là vì bạn luôn bị môi trường bên ngoài quấy rầy, gián đoạn quá trình làm việc. Bạn đang muốn giải quyết đống bài tập, hay tập trung đọc sách. Nhưng những thông báo từ điện thoại cứ liên tiếp làm phiền. Bạn trả lời tin nhắn, xem bao nhiêu lượt thích, bỗng chốc một ngày đã trôi qua. Bạn vẫn chưa làm được gì. Tại sao vậy? Vì bạn luôn bị xao nhãng bởi những tác động từ bên ngoài, và não bộ của bạn lại chỉ thích làm những việc đơn giản trước. Vậy làm thế nào để chúng ta khắc phục được điều này? Làm thế nào để làm việc hiệu quả hơn, làm thế nào chỉ làm việc trong 03 giờ đồng hồ nhưng hiệu quả như một ngày làm việc. Làm một năm nhưng gặt hái được thành công như mong muốn. Để làm được điều này, chúng ta cần phải có một năng lực không thể thiếu trong thời buổi kinh tế ngày nay, đó chính là Deep Work. Đây cũng chính là nội dung mà hôm nay mình muốn chia sẻ với các bạn qua cuốn sách Deep Work của Cal Newport.

    Cal Newport tốt nghiệp tiến sĩ viện công nghệ Massachusetts. Khi mới chỉ 35 tuổi, ông đã là phó giáo sư tại Đại học Georgetown, ngôi trường nổi tiếng với tuổi đời 200 năm. Cuốn sách này tiết lộ cho chúng ta cách làm thế nào để vị giáo sư trẻ năm nay chỉ mới 39 tuổi đã có thể thông qua năng lực làm việc sâu, gặt hái được những thành công vô cùng phi thường. Vậy đầu tiên chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem Deep Work là gì? Deep Work là tập trung hoàn toàn vào công việc trong trạng thái không bị can thiệp, để khả năng của chúng ta đạt được giá trị cao nhất. Phương pháp làm việc này có thể giúp cho chúng ta tạo ra những giá trị mới, cải thiện được kỹ năng và có được một năng lực khó có thể bị sao chép. Trái ngược với Deep Work là Shallow Work, nghĩa là chỉ những công việc không yêu cầu cao về trí óc, là những công việc lặp đi lặp lại, thường được triển khai trong một môi trường bị làm phiền, và không tạo được giá trị mới cho thế giới. Trong một cuốn sách có tựa đề là Peak: Secrets from the New Science of Expertise đã nghiên cứu về phương pháp rèn luyện có chủ đích. Cung cấp cho chúng ta một cơ sở sinh lý học, đó là khi chúng ta rèn luyện lặp đi lặp lại một việc gì đó có chủ đích thì não bộ của chúng ta sẽ tiết ra nhiều myelin hơn. Nếu chúng ta thường xuyên tham gia vào những công việc Shallow Work thì lượng myelin sẽ liên tục bị giảm đi và khả năng kết nối não bộ cũng sẽ bị giảm đi. Chính vì thế, việc rèn luyện năng lực Deep Work là vô cùng quan trọng.

    Vậy Deep Work mang lại ý nghĩa gì cho chúng ta? Thì đầu tiên Deep Work sẽ giúp chúng ta làm việc hiệu quả hơn và gặt hái được nhiều thành công hơn trong cuộc sống. Theo tác giả, sẽ có ba kiểu người ngày càng thành công hơn trong tình hình kinh tế mới. Kiểu người đầu tiên, đó chính là những người làm về kỹ thuật cao cấp, ví dụ như là nhân viên lập trình hay những người có khả năng sáng chế, làm việc được với máy móc thông minh. Những người này sẽ ngày càng tạo ra được nhiều giá trị hơn trong công việc. Kiểu người thứ hai đó là Superstar . Superstar ở đây không chỉ là chỉ những ngôi sao lớn trong ngành giải trí mà còn là những người có năng lực vượt trội, đứng đầu trong các ngành nghề khác nhau. Kiểu người thứ ba đó chính là các nhà tư bản, là những người có tiền để đầu tư vào nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Vậy làm thế nào để chúng ta trở thành một trong những người như vậy? Rèn luyện khả năng Deep Work sẽ mang lại cho chúng ta hai năng lực cốt lõi. Một là chúng ta sẽ trau dồi khả năng nhanh chóng kiểm soát và làm chủ được công cụ, công việc phức tạp. Thứ hai là chúng ta sẽ nâng cao được chất lượng công việc và đưa hiệu quả công việc đạt tới mức ưu tú nhất. Thì đây chính là hai năng lực giúp chúng ta có thể trở thành một người thành công trong công việc cũng như mang lại giá trị cho xã hội. Ý nghĩa thứ 2 mà Deep Work đem lại cho chúng ta. Đó chính là giúp chúng ta có thể nâng cao được mức độ hài lòng với cuộc sống và sống hạnh phúc hơn. Trong cuốn sách này có nhắc tới một từ đó là Flow. Flow được dịch ra tiếng việt nghĩa là dòng chảy, là chỉ một trạng thái mà tâm trí của chúng ta hoàn toàn tập trung hay đắm chìm vào một công việc gì đó, mà chúng ta quên hết cả bản thân, quên hết cả những sự việc xung quanh. Flow là một khái niệm do nhà tâm lý học Mihaly đưa ra. Mihaly đã có nhiều năm nghiên cứu về phương pháp, nhằm giúp con người nâng cao được mức độ hạnh phúc. Nhiều người cho rằng, hạnh phúc là khi chúng ta có được thật nhiều tiền hay gặt hái được nhiều thành tựu trong công việc. Nhưng Mihaly đã phát hiện ra rằng, con người khi thiếu thốn tiền của vật chất, đương nhiên sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hạnh phúc cuộc sống. Nhưng ngược lại, khi chúng ta có rất nhiều tiền cũng chưa chắc rằng chúng ta có thể nâng cao được mức độ hạnh phúc. Điều thực sự để sống hạnh phúc chính là khi chúng ta được chìm đắm vào dòng chảy của chính mình. Toàn tâm toàn ý, tập trung làm một việc gì đó có tính thử thách. Hãy thử tưởng tượng và nhớ lại rằng, bạn sẽ có những buổi chiều khi rời công ty và về đến nhà thì cảm thấy tâm trạng vô cùng trống rỗng. Bởi vì hôm đó có thể sếp của bạn đã bắt bạn làm những công việc lặt vặt, không có ý nghĩa nhiều cho bạn. Nhưng lại có những hôm khi tan làm về, bạn cảm thấy tinh thần vô cùng vui vẻ và đã có một ngày làm việc thành công. Bởi vì hôm đó, bạn đã làm những việc có tính thử thách và hoàn toàn tập trung vào những công việc này. Đây cũng là ý nghĩa quan trọng, đáng để chúng ta học tập năng lực Deep Work.

    Vậy làm thế nào để chúng ta có được năng lực Deep Work? Điều đầu tiên, bạn cần phải tìm ra một mô hình Deep Work phù hợp với bản thân. Có bốn loại mô hình được xây dựng dựa trên bốn triết lý khác nhau. Đầu tiên đó là triết lý rũ bỏ mọi cám dỗ . Giống như các nhà thiền sư, để tập trung tu dưỡng trong thời gian thiền định, họ hoàn toàn không sử dụng điện thoại, sống đơn giản mỗi ngày. Mô hình này phù hợp với các nhà văn, nhà toán học hay những người cần làm những công việc sáng tạo và suy ngẫm sâu. Thứ hai là triết lý đỉnh cao song song . Chia thời gian của bạn thành hai phần, một nửa dùng cho công việc chuyên sâu và một nửa còn lại dùng cho công việc khác. Thứ ba đó là triết lý nhịp điệu, tức là rèn luyện những công việc cần nâng cao hiệu quả thành một thói quen. Ví dụ như buổi sáng từ 06 giờ đến 07 giờ, bạn sẽ đọc sách. Buổi tối, sau khi đi làm về, bạn dành ra hai tiếng để học về cách quản lý tài chính cá nhân chẳng hạn. Thứ tư, đó là triết lý phóng viên . Đây là mô hình mà bất cứ thời gian nào, ở bất cứ đâu, bạn đều có thể lập tức tập trung giống như một người phóng viên, nhà báo. Dù ở môi trường hỗn loạn như thế nào, ví dụ như trên tàu xe, họ vẫn có thể tập trung vào công việc của họ.

    Vậy bạn hãy chọn cho mình một mô hình phù hợp. Nhưng mô hình nào cũng có tính tương đối, điều quan trọng là bạn cần chủ động tìm ra khoảng thời gian phù hợp với bản thân để hoàn toàn tập trung. Khoảng thời gian này được gọi là Time Block. Khái niệm này đến từ một cuốn sách khác mang tên là The One Thing. Đây là khoảng thời gian mà bạn không bị làm phiền và cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Ví dụ, bạn có thể dậy sớm hơn và làm những công việc quan trọng nhất mà bạn muốn nâng cao hiệu quả. Bạn hãy thử ép bản thân mình ngồi xuống không bị bất cứ ai làm phiền. Để điện thoại ở chế độ im lặng, tắt hết các thông báo từ máy tính và hoàn toàn tập trung trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Sau khi 2 tiếng kết thúc, khi đã hoàn thành công việc, bạn sẽ thấy trong lòng vô cùng yên tĩnh và hạnh phúc. Đây chính là lúc mà Flow xuất hiện. Thứ hai để có được năng lực Deep Work thì chúng ta cần phải tạo thành thói quen và theo dõi tiến độ phát triển của bản thân. Muốn Deep Work trở thành một năng lực thì đòi hỏi chúng ta phải rèn luyện thường xuyên, liên tục. Và để có thể rèn luyện thường xuyên thì chúng ta phải có cách theo dõi tiến độ thực hiện để kịp thời phản hồi và khích lệ bản thân. Có một cách rất hữu hiệu để theo dõi, đó là thói quen trên Chain method, chain ở đây có nghĩa là chuỗi xích. Phương pháp này mình tạm dịch là phương pháp dây xích. Ví dụ như bạn muốn hình thành một thói quen làm việc sâu vào mỗi buổi sáng, từ 6 giờ đến 7 giờ, bạn hãy lấy một bảng biểu thời gian trong vòng một tháng hay 100 ngày và để ở một nơi mà bạn có thể dễ dàng nhìn thấy. Khi hoàn thành được một ngày thì bạn hãy đánh dấu X và ngày thứ nhất, rồi X ngày thứ hai rồi tiếp tục là ngày thứ ba. Những gạch chéo này giống như việc bạn tạo ra một chuỗi xích vậy. Nhiệm vụ của bạn là mỗi ngày phải cố gắng không làm gãy chuỗi xích đó thông qua việc bạn "thị giác hóa". Theo dõi thói quen như này, thì bạn sẽ dễ dàng khích lệ bản thân, và nhắc nhở bản thân mỗi ngày phải thực hiện được việc đó. Chỉ cần bạn hoàn thành thì bạn sẽ cảm thấy ngày hôm đó trôi qua đều vô cùng ý nghĩa. Không chỉ có thói quen làm việc sâu, bạn còn có thể lập ra thói quen tập thể dục mỗi ngày hay học tiếng anh. Mỗi ngày bạn sẽ thiết kế cho mình khoảng 30 phút tập thể dục, hay mỗi ngày học 10 từ mới chẳng hạn. Việc thứ ba chúng ta cần làm để rèn luyện khả năng Deep Work, đó chính là phải nghỉ ngơi đúng lúc và yêu thích sự tẻ nhạt. Theo thống kê, một người bình thường của chúng ta có thể tập trung cao độ trong vòng 4 tiếng đồng hồ mỗi lần. Nếu như phải tập trung, hay kiểm soát bản thân trong một thời gian quá dài thì não bộ sẽ mất rất nhiều năng lượng. Chính vì thế, bạn cần phải sắp xếp thời gian cho não bộ của bạn hoàn toàn nghỉ ngơi. Ví dụ, sau nhiều giờ làm việc tập trung cao độ, bạn có thể đi ra ngoài ở nơi có nhiều cây xanh hoặc là ngồi thiền. Trong thế giới hiện đại ngày nay, nhiều người dù chỉ một phút thôi cũng không thể chịu nổi được sự yên tĩnh. Khi chờ đợi để xếp hàng lấy cà phê thì cũng phải lấy điện thoại ra lướt lướt, xem xem. Khi tắc đường cũng không chịu nối và phải lấy điện thoại ra để xem thông báo, thậm chí là những người vừa đi đường vừa xem điện thoại. Có thể bạn nói rằng thời gian đó tôi không cần tập trung làm gì hết, lấy điện thoại ra để giết thời gian thì cũng chẳng sao cả, nhưng thực chất nó không đơn giản như bạn nghĩ. Trong những khoảng thời gian nhàm chán mà não bộ của chúng ta vẫn tiếp tục đón nhận những thông tin từ điện thoại thì lúc đó não bộ của bạn sẽ tiếp tục làm việc và không được nghỉ ngơi. Đến khi bạn cần phải tập trung làm một công việc tiếp theo, thì não bộ của bạn đã tiêu hao rất nhiều năng lượng và không có khả năng làm việc được sâu nữa. Vì vậy, hãy yêu thích sự tẻ nhạt, hãy để não bộ của bạn được thực sự nghỉ ngơi. Khi xếp hàng chờ đợi, đừng cúi đầu để xem điện thoại nữa, bạn có thể lắng nghe một điệu nhạc để thư giãn hoặc thậm chí bạn không nghĩ gì cả, hay đơn giản là đưa mắt đón nhìn cảm nhận cuộc sống xung quanh chúng ta. Nếu như bạn là một người cuồng công việc, lúc nào cũng nghĩ tới công việc thì sách có mách chúng ta một phương pháp hiệu quả. Đó là trước khi tan làm, hãy viết ra những công việc bạn chưa hoàn thành và đồng thời lên kế hoạch để ngày mai sẽ hoàn thiện chúng. Lúc này, não bộ của bạn sẽ hoàn toàn buông bỏ những công việc và ngoan ngoãn nghỉ ngơi. Thiền định cũng là một phương pháp hữu ích để giúp chúng ta nghỉ ngơi, tái tạo não bộ và rèn luyện cho chúng ta khả năng tập trung cao độ.

    Và trên đây là nội dung mà mình đã tổng kết từ cuốn sách Deep Work. Hy vọng những kỹ năng này sẽ giúp cho bạn ứng dụng được năng lực Deep Work vào trong cuộc sống cũng như là trong công việc của bạn, giúp bạn thực hiện được những việc mà bạn mong muốn. Chúc các bạn có một cuối tuần thật ý nghĩa bên gia đình và người thân!
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...