Phần 20: Con bệnh Bấm để xem Em ghét cái bọn bác sĩ. Cả cái hệ thống y tế dở hơi bao nhiêu giáo sư với tiến sĩ thế cũng không chẩn đoán ra được bệnh cho em, để em hơi tí bị khó thở phải vào cấp cứu. Chúng nó đã không tìm ra bệnh cho em lại còn bảo em bị rối loạn cảm xúc, tức chết đi được. Phen này em kiện. Chuyện là thế này, em kể cho nghe. Hôm trước em đi chơi với anh người yêu về hơi muộn, vừa về đến nhà em liền bị bố mắng cho một trận tức chết đi được, không hiểu sao lúc ấy bệnh em tát phát. Em vốn có nhiều bệnh, bệnh khó thở và bệnh hạ canxi huyết thì thường xuyên. Em thở rít lên rồi trời đất quay cuồng, em thở hồng hộc đến năm mươi lần một phút, rồi tay em co quắp hết lại. Bố em sợ quá vội đưa em đi cấp cứu. Vào đến nơi, bố em đặt em lên cáng. Em để ý thấy có bác sĩ đeo kính chạy ngang chạy dọc trước mũi em, mặt nó nhăn như cái bánh đa vừng, thỉnh thoảng mắng nhân viên nhặng xị. Em nghe mà sợ chết khiếp. Nhưng mà nhìn kỹ cũng đẹp giai phết, hắn nước em một cái chả thèm xem xét gì và bảo nhân viên đeo cho em cái gì nghe như là mặt nạ không oxi trông như cái rộ mõm vào miệng. Em đang khó thở thế mà bịt mồm em lại, em tưởng mình ngạt thở đến nơi rồi, bố em cuống cả lên, mẹ em khóc rưng rức. Em nặng thế mà bọn bác sĩ chả tiêm thuốc cho em, bọn bất nhân. Biết ngay bố em có ý kiến, bố bảo với mẹ là bọn nó chắc chưa cho tiền nên không quan tâm nhà mình, để anh làm cái phong bì. Tên bác sĩ đeo cặp kính đẹp giai ấy liếc mắt vào cái phong bì rồi bĩu môi chả thèm lấy, chắc nó chê ít. Rồi hắn gọi người nhà em vào giải thích là em bị một chứng rối loạn tâm thần gọi lại Histeria, thế nên nằm điều trị trên khoa kia mãi chả hết, tất cả các xét nghiệm đều bình thường, em nằm ở cáng nên em nghe thấy hắn nói thế. Biết ngay là bố em phản ứng lại, bảo nhất định em phải có bệnh nên mới bị thế, rõ ràng em bệnh tật nên mới bị thế này, bố em dọa kiện thằng cha ấy, anh vẫn nhơn nhơn cái mặt cười bảo tôi khẳng định với bác bệnh nhân chẳng có vấn đề gì về hô hấp cả, vậy mới điên. Lát sau tên đeo kính ấy yêu cầu tất cả người nhà bệnh nhân trong phòng cấp cứu ra ngoài để đi buồng xem lại bệnh nhân. Đến chỗ em, hắn hỏi các bác sĩ trẻ khác, đố chúng mày bệnh nhân này bị bệnh gì? Khỉ gió, người ta bị bệnh mới phải nằm viện chứ ai muốn. Lại còn đố cái bọn nhãi ranh chẳng có kinh nghiệm gì chứ, mà hắn cũng trẻ ranh thì kinh nghiệm quái gì. Em thề là em ốm thật, chân tay em chẳng cử động được, em bệnh nặng lắm, em lại bắt đầu khó thở. Biết ngay cả lũ chúng nó xôn xao cả lên bảo em bị rối loạn cảm xúc, một đứa bảo em bị hạ canxi máu (bệnh của em từ trước, chẩn đoán thế làm đếch gì). Tên đeo kính ấy lắc đầu. Bác sĩ đeo kính hơi đẹp giai bảo bọn bác sĩ trẻ là: "Chúng mày không biết, bệnh nhân này (em) bị bệnh.. phần âm, phòng cấp cứu này người chết hàng đống nên mỗi lần vào đây người âm vây quanh làm bệnh nặng lên." Em nghe mà điếng cả người, đừng có dọa em sợ, em kiện cho mà xem. Hắn còn bảo: "Cô bệnh nhân này đang nằm trên cáng bệnh nhân vừa mới chết nên bệnh tình càng phức tạp." Tìm em cứ thế là ngừng đập, sợ đến chẳng dám thở. Một bác sĩ trẻ trố mắt nhìn bác sĩ đeo kính, hắn tỉnh bơ bảo: "Đố chúng mày điều trị bằng cách nào?" Chúng nó lại nhao nhao lên hỏi. Hắn lại lắc đầu. Em sợ lắm chả dám nghe nữa. Hắn thò tay lên sửa kính bảo: "Phải chữa bằng phần âm, nghĩa là đẩy cáng bệnh nhân lên chỗ 2 bệnh nhân vừa chết lúc nãy, đảm bảo một chốc là hết bệnh". Em nghe như sét đánh ngang tai, đồ giời đánh, sao có kiểu điều trị đáng sợ thế này, lưng em lạnh toát. Em khỏi bệnh rồi, em kiện cho chết. Rồi bố em vào, em bật dậy bảo bố: "Con không nằm đây đâu cho con về". Bố bảo không được, phải nằm điều trị ở đây cho đến khi nào khỏi bệnh thì thôi. Rồi bố quay ra hỏi tên đeo kính kia, hắn nhăn nhở cười bảo tí nữa bệnh nhân sẽ đỡ rồi bảo y tá đẩy cái cáng của em (em nằm trên cái cáng bệnh nhân vừa chết) ra cái chỗ lúc đi buồng hắn bảo (tim em ngừng đập từ lúc nãy rồi). Bố em nhất định không cho em về, mà em không thể bảo với bố em là chỗ này có người chết, bố em sẽ không tin lời em nói. Tên bác sĩ kia thì cười nham hiểm. Em trốn. Em trốn thật. Lúc bố chạy ra ngoài, em rón rén dậy, giả vờ nhăn nhó rồi ôm đầu ra đến ngoài cửa. Ngó quanh không thấy ai em chạy một mạch về nhà. Lát sau, thấy bố hớt ha hớt hải về nhà, thấy em bố thở phào bảo sao về không bảo bố. Em hỏi: "Sao bố biết con trốn về nhà". Bố đáp: "Cậu bác sĩ đeo kính bảo bố thế." Đồ trời đánh, sao lại có cái thứ bác sĩ nào quái dị như thế chứ. Lần sau làm sao em dám bị thế này nữa chứ, huhu, em kiện.
Phần 21: Chuyện rượu Bấm để xem - Bác sĩ ơi! - Vâng. - Chồng tôi qua được không bác sĩ? - Ông ấy nhiễm toan chuyển hóa rất nặng, đồng thời tổn thương gan qua nhiều năm làm tình trạng nặng thêm lên, khả năng nhiều là không chữa được. - Vậy có cứu được không bác sĩ? - Ông ấy bị ngộ độc rượu nặng, vừa mới ngừng tim một lúc, may mà các bác sĩ ép tim đập lại được, nhưng nguy cơ quả tim nó lại ngừng tiếp cô ạ. Nếu cố đến cùng thì phải lọc máu để lấy rượu độc ra khỏi cơ thể cho ông ấy thôi. - Tốn nhiều tiền không bác sĩ? - Mỗi lần lọc chi phí khoảng 20 triệu - Phải lọc mấy lần? - Ít nhất 1 lần, nếu ông ấy khả quan hơn thì phải tiếp tục lọc tiếp. - Vậy à? (Thở dài) - Đây là thủ thuật đắt tiền nên gia đình cân nhắc. - Thế có chắc chắn cứu được ông ấy không? - Cái này y học chúng tôi không tiên lượng được, tùy theo tình huống mà chúng tôi gặp sẽ xử trí tiếp. - Vậy à? (Thở dài) - Cô cứ thảo luận với gia đình đi. - Hai ngày nay ông ấy uống rượu bảo không được, còn chửi tôi. - Ông ấy có hay chửi vợ con không? - Trước đây thì có, đánh tôi như đập đất. Bây giờ, ông yếu rồi không làm ra tiền được, bị phụ thuộc vào vợ con nên biết thân biết phận không dám chửi nữa nhưng vẫn uống rượu. Hôm trước, Tôi vừa đổ 10 lít rượu đi không cho uống nữa. - Thôi cô ạ! Những người thế này chỉ có uống rượu thôi đến chết thì thôi chứ không cai được đâu. Các bác sĩ ở đây ngày nào cũng phải chạy theo những bệnh nhân thế này mệt mỏi lắm! Cứ rời bệnh viện ra lại uống rượu rồi lại đi cấp cứu đến phát chán đi được. - Mấy hôm trước vẫn còn tỉnh táo, còn đi lĩnh lương cho vợ nữa, về đưa cho tôi còn giữ lại bốn trăm. Tôi bảo chỉ cầm hai trăm thôi, tiêu hết giáp Tết rồi tôi đưa tiếp không nghe. Thằng con rể đặt 20 lít rượu trong làng cho bố người ta chưa giao kịp, Thế là hoắng một cái đã lên phố vác 10 lít rượu về rồi. - Sao cô không can ông ấy? - Can thế nào được. - Những bệnh nhân thế này chỉ làm khổ vợ con thôi. - Sống với nhau bao nhiêu năm có đến ba mặt con rồi nhưng không được một ngày nào giúp vợ giúp con, chỉ rượu. Nhưng sao mà nhanh thế, mới hôm qua ngồi nhà mà hôm nay đã thế này rồi. - Ngộ độc rượu này nhanh lắm, Mấy hôm trước báo chí nói ầm lên vụ mấy người chết vì rượu rởm chắc cô biết chứ? - Rượu này ông ấy mua tại nhà máy đấy. - Bây giờ thật giả lẫn lộn, mua gì cô cũng toàn phải nhờ người quen cho yên tâm một phần chứ ai dám chắc đồ thật hay không. Rượu cũng thế thôi. - Khổ lắm bảo mãi không nghe. Năm ngoái, ông đã bị một trận suýt chết phải nằm viện gần 2 tháng, nôn cả ra máu, bác sĩ bảo sưng gan. Tôi phải bán con trâu đi mới đủ tiền điều trị đấy. - Biến chứng bệnh gan này cứ lần sau nặng hơn lần trước. Người ta giống một cái xe lao xuống dốc không cách nào phanh lại được đâu. Đến một lúc nào đó sẽ là lần đi viện cuối cùng của bệnh nhân, chúng tôi nhìn là ta chết từ từ trước mắt mà không làm gì được. Đây có lẽ là lần cuối cùng ông ấy vào đây đấy. - Biết vậy, rượu triền miên thế làm con cái thất học toàn đi làm thêm làm mướn, tiền đâu mà điều trị bác sĩ? Nhưng mà vẫn phải cố thôi. Sống với nhau một ngày nên nghĩa, huống chi là sống với nhau cả đời rồi, tôi chẳng nỡ bỏ. Để tôi ra bàn với các cháu, có chết cũng cố làm một lần cho khỏi áy náy bác sĩ ạ. - Gia đình phải xác định rằng không thể chạy chữa cho một người chẳng biết đi đến đâu mà đẩy cả nhà đi ăn mày là không được. Vậy nên tôi mới muốn thảo luận với gia đình việc này. - Cho hết nhẽ, dân làng người ta khỏi nói tôi bỏ mặc chồng con không chạy chữa, miệng lưỡi thế gian độc địa lắm. - Thôi được rồi, tí nữa quyết định ra sao thì cô bảo với nhân viên trong này nhé. Dù gì đi nữa thì nhân viên họ cũng sẽ tôn trọng quyết định của gia đình mình. - Cảm ơn bác sĩ. (Thở dài)
Phần 22: Những khối lập phương của đời. Bấm để xem Cuộc đời dường như là dãy những mâu thuẫn liên tiếp, mâu thuẫn trước kết thúc để mở ra mâu thuẫn thứ hai, cứ thế giằng néo nhau, ai đúng ai sai có mà phân định được. Theo mình nghĩ, cuộc sống không có đúng sai mà hiện tượng được tạm coi là đúng khi nó được đặt tại thời điểm đó diễn ra. Nếu đưa sang hoàn cảnh khác, nó không còn đúng nữa mà mang màu sắc khác. Cuộc sống giống trò chơi khối lập phương nhiều màu, nhìn mặt này nó màu đỏ, xoay mặt kia nó màu xanh, mặt khác màu vàng. Mình như đứa trẻ chơi trò xoay vặn mãi không sao đưa chúng về đồng màu được. Câu chuyện mình kể dưới đây bắt đầu từ những mắt xích khác nhau và sự kết nối những mắt xích tùy thuộc vào người đọc nó đang ở vị trí nào. Một cô gái trẻ tuổi bị basedow (một loại hội chứng cường giáp) nhiều năm, phát hiện thêm u tủy cổ đã được mổ và để lại di chứng liệt tủy, nằm một chỗ không thể cử động được gần 2 năm. Cô mới phát hiện thêm đái tháo đường do sử dụng Corticoid kéo dài và hệ lụy của việc bất động cùng rối loạn cơ tròn là viêm bàng quang mãn tính cùng những đợt bội nhiễm phổi xuất hiện tần suất ngày càng dày. Mối liên hệ duy nhất của cô với cuộc đời này là giọng nói với một con mắt nhìn mờ mờ. Hằng ngày, đứa con gái nhỏ 3 tuổi chơi thơ thẩn một mình, mẹ nó chỉ có ao ước duy nhất là được chứng kiến đứa con nhỏ lớn lên. Người bác sĩ tận tâm cố gắng hết mức có thể điều trị cho bệnh nhân mặc dù biết rằng dù cô ấy có thể qua được đợt này và ra viện, thì sớm muộn cũng cũng phải quay trở lại vì những đợt biến chứng khác vì y học là hữu hạn. Chi phí điều trị mỗi lần rất lớn vì bệnh nhân cần nằm tại nơi chăm sóc đặc biệt. Người bác sĩ đã có lúc nghĩ rằng, cái chết có thể giải quyết được tất cả. Tuy nhiên, lương tâm không cho phép anh ta bỏ mặc tính mạng của người bệnh. Bệnh nhân còn nằm tại khoa ngày nào thì phải cố gắng hết sức ngày đó. Mối liên hệ cuối cùng với cuộc sống xung quanh bị cắt đứt từ khi cô gái được đặt nội khí quản thở máy rồi mở khí quản. Ròng rã nhiều ngày mất ăn mất ngủ và hàng ngày, bác sĩ vẫn thấy người chồng lưng còng xuống, cặm cụi bên cạnh vợ. Số tiên điều trị đơn vị triệu lên tới hàng trăm. Một người chồng vừa học xong trung cấp, cưới cô bạn cùng học được 3 năm thì 2 năm chăm sóc vợ trong bệnh viện, chưa một ngày có bình yên. Hàng ngày vẫn tỉ mẩn bóp tay cho vợ, nói những câu ngọt ngào, kể cho vợ nghe về đứa con của họ đang gửi bà ngoại chăm giúp, đứa con gần như không thấy mặt bố bao giờ vì ngoài thời gian trong bệnh viện, bố nó còn đi nấu ăn thuê cho một nhà hàng buổi tối kiếm tiền trả viện phí cho vợ, chưa một lần được làm chồng một cách đúng nghĩa. Một ngày, bác sĩ phát hiện ra anh ta ngồi góc tường ngoài hành lang với bộ quần áo nhàu nhĩ, ôm đầu khóc như một đứa trẻ, khi con anh ta hỏi bố mẹ đâu với ánh mắt ngây thơ, tay nó cầm cái bánh mì khô quắt từ bao giờ. Người mẹ chồng 2 năm liền bỏ việc cùng con trai thay nhau ở nhà trông con dâu, khuôn mặt khắc khổ cùng dấu thời gian in hằn trên trán. Mỗi lần thay da ngủ vạ vật ngoài hành lang, một giấc ngủ không tròn. Mỗi lần được nhân viên y tế gọi vào thông báo tình hình hay thảo luận phương hướng điều trị cùng chi phí điều trị, bà luôn hướng đôi mắt mệt mỏi pha lẫn trống rỗng buông một câu thở dài tùy bác sĩ. Một người em trai thương chị nhưng chẳng giúp được gì bởi đang đi học. Thỉnh thoảng, nó đến thay anh rể lúc rỗi cho anh nghỉ ngơi và về thăm cháu. Nói trượt gần hết các môn học và suýt bị đình chỉ vì bỏ học quá số thời gian quy định. Khuôn mặt nó lúc nào cũng ngẩn ngơ, hỏi gì cũng không biết, chỉ gật và lắc như đứa thiểu năng trí tuệ. Có lẽ nó bị ám ảnh bởi những túng quẫn của cả gia đình mình. Người bố đẻ tuổi gần đất xa trời chưa một lần đến chăm con gái tại bệnh viện. Ông ấy hàng ngày đi làm thuê để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống gia đình. Khuôn mặt nhăn nhúm in hằn vết thời gian. Sau khê đặc và toàn mùi thuốc lá, ông gặp bác sĩ hai lần. Lần đầu tiên, khi ông đến xin cho con gái về nhà. Lần thứ hai, xin cảm ơn bác sĩ đã tận tình điều trị và làm sai nguyên tắc xóa gần hết chi phí điều trị cho bệnh nhân mà nếu phát hiện ra anh ta sẽ bị kỷ luật. Mọi người biết nhưng chẳng ai nói gì. Chính vì quyết định cho bệnh nhân ở lại hay về đã làm cho mối quan hệ đồng nghiệp trở thành xung đột. Người phản đối cho rằng, đợt bệnh này chưa phải quá nặng và bệnh nhân còn có chút hy vọng, vẫn còn có cô bé con nhỏ đang đợi ở nhà, cho về lúc này nhẫn tâm quá! Dù có nằm một chỗ cũng tốt. Người đồng ý cho rằng, không thể chữa cho một người thân tàn ma dại mà cả nhà phải đi ăn mày. Các luồng ý kiến khác nhau xoay vòng quanh cái gọi là lương tâm. Cuối cùng, bác sĩ quyết định cho bệnh nhân về với sự day dứt trong lòng. Những người nhà bệnh nhân bên cạnh đến rồi đi, họ thì thào với nhau: "Nhà này bỏ mặc con cái vợ chồng chăm nhau nhẫn tâm nhỉ?'hay" bọn nhân viên y tế cố giữ người ta lại để kiếm tiền nhỉ " Một buổi chiều, khi đến gặp lại bác sĩ lần thứ hai, người bố tuổi gần đất xa trời ho khù khụ giọng khê đặc:" Bác sĩ ạ, hôm đưa cháu nó về nhà, tôi đuổi chồng nó ra ngoài, đuổi mẹ nó ra ngoài, cháu nó thở mạnh lắm, tôi biết. Tôi bảo cháu rằng, con ơi về nhà rồi, con ở nhà với bố, có đi viện thì con cũng chỉ thế này thôi, thương chồng con con nhé. Cháu nhắm mắt trào nước mắt, tôi khóc, rồi đến chiều cháu đi. Tôi có ác không thưa bác sĩ?"Người bác sĩ bắt tay người bố không nói gì, người chồng mắt bâng khuâng ôm chặt đứa bé con vào lòng im lặng, đứa bé rúc vào nách bố, thỉnh thoảng lấm lét nhìn trộm bác sĩ sợ sệt. Hổ dữ cũng không bao giờ ăn thịt con, bác sĩ biết.