Ai cũng có một nơi để quay trở về, đó là nhà. Và có ít nhấtt một khoảng thời gian trong đời để muốn trở lại, đó chính là tuổi thơ. Về với những cánh diều bay bổng, những trò chơi dân gian, về với những hồn nhiên của tuổi trẻ, và hơn cả là về với "anh dế mèn, dế chũi", "chị cốc".. trong những trang "DMPLK" của TÔ HOÀI. Tô Hoài (tên khai sinh: Nguyễn Sen) 27-9-1920 / 6-7-2014 - Là một nhà văn Việt Nam. - Một số tác phẩm đề tài thiếu nhi của ông được dịch ra ngoại ngữ. - Ông được nhà nước Việt Nam trao tặng giải thưởng HCM về Văn học – Nghệ thuật Đợt 1 (1996) cho các tác phẩm: Xóm giếng, Nhà nghèo, O chuột, Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Xuống làng, Vỡ tỉnh, Tào lường, Họ Giàng ở Phìn Sa, Miền Tây, Vợ chồng A Phủ, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ. Truyện dài DMPLK được ông viết xong vào tháng 12 năm 1941 tại Nghĩa Đô, ngoại ô Hà Nội khi đó. Đây là tác phẩm văn xuôi đặc sắc và nổi tiếng nhất của nhà văn Tô Hoài viết về loài vật, dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Ban đầu truyện có tên là "Con dế mèn" (ba chương đầu) do Nhà xuất bản Tân Dân, Hà Nội phát hành năm 1941. Sau đó, được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân, Tô Hoài viết thêm truyện "Dế Mèn phiêu lưu ký" (bảy chương cuối). Năm 1955, ông mới gộp hai chuyện vào với nhau để thành truyện "Dế mèn phiêu lưu ký" như ngày nay. Truyện đã được đưa vào chương trình học lớp 6 học kỳ 1 môn Ngữ Văn (bộ sách Chân Trời Sáng Tạo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) ở nước Việt Nam. "Dế Mèn phiêu lưu ký" có thể tạm dịch là "Ghi chép về cuộc đời trôi dạt của Dế Mèn" ( "phiêu lưu" ở đây có nghĩa là "trôi dạt", không phải là "mạo hiểm" theo cách dùng từ của người Việt Nam). Truyện gồm 10 chương, kể về những cuộc phiêu lưu của Dế Mèn qua thế giới muôn màu muôn vẻ của những loài vật nhỏ bé. · Chương 1 kể về bài học đường đời đầu tiên của Dế Mèn. · Chương 2 - 9 kể về những cuộc phiêu lưu của Mèn, cùng người bạn đường là Dế Trũi. · Chương 10 kể về việc Mèn cùng Trũi về nhà và nghỉ ngơi, dự tính cuộc phiêu lưu mới. Là một trong những tác phẩm đầu tay của Tô Hoài nhưng DMPLK là tác phẩm nổi trội hơn cả và được đánh giá là đặc sắc nhất của ông, được dịch ra nhiều thứ tiếng, làm bao thế hệ độc giả say mê. Say mê cái lối văn sáng tạo, khéo léo mà giản đơn, chân phương. Say mê thế giới động vật chốn đồng quê ồn ào, sinh động, muôn màu muôn vẻ. Say mê cả một hồn văn chương dung dị nhưng sâu thẳm. Cuốn sách khoa học – giáo dục: Thế giới loài vật Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài đưa độc giả đến một thế giới đồng quê, nơi các loài vật, côn trùng tồn tại, sinh hoạt như thế giới loài người với đầy đủ các tập tục, nếp sống, văn hóa riêng, được tác giả miêu tả đầy sinh động, hấp dẫn. Thông qua đó thể hiện cái nhìn nhân văn về con người, lồng ghép các giá trị, bài học giáo dục gửi gắm đến độc giả thiếu nhi bằng một hình thức mới mẻ, lôi cuốn. Và để truyền tải được tất cả nội dung, tư tưởng ấy là nhờ vào hình thức sử dụng nghệ thuật xây dựng thế giới nhân vật đầy tài hoa của Tô Hoài. Thế giới nhân vật ấy chính là chỗ tạo nên nét khác biệt của tiểu thuyết đồng thoại Tô Hoài so với tiểu thuyết của các nhà văn cùng thời khác – thế giới loài vật. Mà để tạo dựng được nó, đòi hỏi sự công phu, tinh tế trong con mắt quan sát cũng như lối hành văn thiết dựng trong từng trang sách. Ấy là cái tài rất siêu biệt của riêng danh xưng Tô Hoài. Câu chuyện kể về hành trình phiêu lưu của Dế Mèn và về sau là cùng người bạn đồng hành Dế Trũi. Trên chặng đường lang bạt ấy, Dế Mèn gặp gỡ nhiều loài vật khác nhau, trải qua nhiều thử thách và cũng có thêm nhiều bài học quý báu. Mỗi chặng đường Dế Mèn đi qua, mỗi vùng đất Dế Mèn đặt chân đến, mỗi loài vật Dế Mèn chạm mặt đều trở thành một tư tưởng giáo dục hay một giá trị nhân văn mà Tô Hoài muốn gửi gắm. Bằng sự quan sát tỉ mỉ, lựa chọn kĩ lưỡng nhà văn đưa vào trang sách của mình những chi tiết, đặc điểm tiêu biểu nhất của giống loài. Và tất cả những sự lựa chọn miêu tả ấy đều phù hợp với cái nhìn ngây thơ, trong trẻo của trẻ em với đam mê khám phá. Lúc này, Dế Mèn phiêu lưu ký hiện lên như một cuốn sách khoa học, một cuốn sách sinh học cung cấp cho độc giả những tri thức về thế giới loài vật. Tô Hoài bằng những kiến thức phong phú của một nhà động vật học, nhà côn trùng học đã khéo léo biến tác phẩm của mình trở thành một điểm giao thoa giữa khoa học và nghệ thuật, giữa giải trí và giáo dục. Sử dụng những hình tượng cụ thể trong hiện thực bên ngoài để tái tạo lại thành những biểu tượng nghệ thuật thể hiện một thứ hiện thực khác – con người. Dế Mèn – nhân vật trung tâm, là công cụ chính chuyên chở tư tưởng nghệ thuật của nhà văn. Dế Mèn là nhân vật trải nghiệm cũng là nhân vật chiêm nghiệm, cũng là nhân vật bình luận, thuyết giáo, tự đúc kết ra các tri thức khoa học, các bài học đắt giá thông qua hành trình của mình. Dế Mèn cũng là một biểu tượng ẩn dụ cho con người đời thường với quá trình phát triển và trưởng thành về mặt nhận thức. Điểm giao thoa giữa hai "thế giới song song" Thêm một điểm đáng chú ý rằng, tuy Dế Mèn phiêu lưu ký thuộc thể loại truyện đồng thoại, viết về loài vật nhưng lại thông qua cảm quan sinh hoạt như đời sống con người. Dựa vào kỉ niệm tuổi thơ gắn liền với mảnh đất quê ngoại Nghĩa Đô, Tô Hoài đã dựng nên một thế giới sinh vật phong phú, đa dạng về cả sắc màu và âm thanh; mang những đặc điểm xã hội thời kì nhà văn sống. Thế giới loài vật trong tác phẩm là những côn trùng, động vật bé nhỏ, quen thuộc của đồng quê, gần với đời sống sinh hoạt của con người và tuổi thơ của trẻ em làng quê. Đó là những chú dế mèn, dế trũi, con xén tóc, châu chấu, chuồn chuồn, ếch nhái.. là những gương mặt đại diện cho nông thôn, cũng thông qua phép ẩn dụ mà tượng trưng cho tính cách, số phận người nông dân, thợ thủ công nghèo. Truyện viết về loài vật nhưng thông qua những nhân vật đặc biệt này mà phản chiếu, khái quát hóa những loại người trong xã hội với đủ phẩm chất cũng như cái hay thói dở. Dế Mèn phiêu lưu ký hay ở chỗ tác giả đã thể hiện khả năng hóa thân vào thế giới loài vật đồng thời thổi vào thế giới đó sự sống của con người. Tính hấp dẫn nằm ở chỗ giao thoa, hòa trộn giữa hai thế giới ấy. Tác giả đã nhân hóa loài vật về cả hành động, ngôn ngữ, nội tâm, đời sống sinh hoạt và cả mối quan hệ xã hội. Đặt nhân vật trung tâm Dế Mèn trong đa dạng các mối quan hệ khác nhau chính là dụng ý sáng tác của tác giả khi thông qua đó tái hiện được nhân vật đầy đủ nhất, đa chiều nhất. Dế Mèn trong mối quan hệ với mẹ là đứa con hiếu thảo, trong mối quan hệ với bạn bè là bằng hữu có tình có nghĩa, trong mối quan hệ với hàng xóm thì lại là kẻ xấu tính.. Thông qua hình tượng nhân vật trung tâm, nhà văn đã thể hiện hình ảnh con người đời thường với những phẩm chất, cách ứng xử linh hoạt, nhiều chiều với các mối quan hệ khác nhau: Gia đình, bạn bè, xã hội. Hay có thể nói nhân vật Dế Mèn cũng chính là con người đời thường luôn mang tính chất đa diện, đa trị, lưỡng phân. Trong mỗi bản thể tồn tại cả cái cao thượng và cái xấu xa, cả ánh sáng và bóng tối. Nhưng điểm quan trọng quyết định bản chất mỗi cá thể, khẳng định cái "tôi" là nằm ở sự lựa chọn và hướng thiện của mỗi người. Phương tiện ngôn từ: Mộc mạc, chân phương Ngôn ngữ cũng là một phương tiện được sử dụng tinh tế để miêu tả thế giới nhân vật vô cùng đặc biệt của nhà văn Tô Hoài. Cuốn tiểu thuyết được xây dựng như một tự truyện hồi kí mà nhân vật chính Dế Mèn tự kể về cuộc đời mình. Người kể chuyện xưng "tôi", kể theo ngôi thứ nhất, mang lại ấn tượng chân thực của chủ quan người kể. Nhờ đó cho thấy quá trình phát triển và trưởng thành trong nhận thức của nhân vật. Tuy vậy, một điểm đặc biệt ở người kể của Tô Hoài, đó là kể cả khi kể về chính mình thì người kể chuyện vẫn giữ khoảng cách nhất định với đối tượng, tạo tính chất khách quan cho tác phẩm. Bởi vậy mà mỗi bài học giáo dục tác giả gửi gắm mang tính bao quát, lan tỏa rộng rãi chứ không phải của riêng một cá thể nào hay qua cái nhìn phiến diện, đơn chiều. Ngôn ngữ của truyện phù hợp với bối cảnh không gian mà tác phẩm đề cập tới: Đồng quê. Đó là những lời ăn tiếng nói thường ngày, là lớp khẩu ngữ dung dị của quần chúng lao động thể hiện qua: Từ ngữ thông tục, thành ngữ quán ngữ, rồi những bài vè, bài cao dao.. Qua đó đem lại cảm giác bình dị, thân mật như cái nếp sống gần gũi của những người con chốn làng quê Việt Nam. Cũng nhờ vậy mà thế giới loài vật trong tác phẩm hiện lên là đúng nó: Mộc mạc, yên bình. Đáng chú ý là, những con vật trong truyện là ẩn dụ cho con người nông thôn lao động, bởi vậy ngôn ngữ của chúng cũng được nhân hóa, như thể tái hiện cuộc sống thường ngày của con người vùng quê và cũng qua đó cho thấy mối quan hệ gắn bó thân thiết của con người trong cuộc sống sinh hoạt, lao động với những động vật, côn trùng, sinh vật nơi đây. Chúng là một phần, là một nét đẹp, là một mảnh ghép sinh thái trong bức tranh làng quê Việt Nam. Kết hợp với ngôn từ, tác phẩm sử dụng ba giọng điệu chủ đạo là giọng dí dỏm; giọng suồng sã tự nhiên và giọng mỉa mai, châm biếm, xót xa thương cảm. Giọng điệu hài hước, dí dỏm khiến Dế Mèn phiêu lưu ký làm đúng bổn phận của một cuốn truyện thiếu nhi. Nó là công cụ đưa đẩy các bài học, các giá trị nhân văn đến được với độc giả đơn giản mà nhẹ nhàng hơn. Nó cũng là cách thức thu hút trẻ em mê mẩn với khối lượng tri thức khoa học được tác giả cài cắm, để cuốn sách không còn đơn điệu, khô cứng. Cũng nhờ vậy mà các nhân vật loài vật hiện lên trong tâm tưởng trẻ em thật gần gũi, đáng yêu như những người bạn đầy hài hước, thân thiện. Thế giới mà tác phẩm đem đến cứ thế mà đi vào vùng tiếp nhận của độc giả thiếu nhi đơn giản hơn rất nhiều. Bên cạnh giọng dí dỏm thì giọng điệu suồng sã tự nhiên chính là phương tiện đưa đẩy ngôn ngữ lời ăn tiếng nói dung dị, đời thường mà Tô Hoài sử dụng. Thế giới nhân vật hiện lên với đúng bản chất, tính cách, nếp sống đồng quê, nông thôn. Bằng công cụ đắc lực này, nhà văn đưa vào Dế Mèn phiêu lưu ký muôn mặt đời thường, các nhân vật nhờ đó có thể bộc lộ mọi tính cách, thói hư tật xấu một cách chân thực nhất. Cả tác phẩm ngập tràn hơi thở rất đời. Kết hợp với hai giọng điệu trên là giọng điệu mỉa mai, châm biếm. Nhờ vậy, mọi thói hư tật xấu, bản chất xã hội được mổ xẻ, phơi bày; nhân vật qua đó tự rút ra bài học cho mình. Những giọng điệu này được đệm phối bởi một nhịp điệu kể chuyện chậm rãi như nhịp sống của cuộc đời thường, nó đan xen bởi những bức tranh miêu tả cụ tỉ thiên nhiên làng quê thanh bình hay những đoạn hồi tưởng của nhân vật Dế Mèn. Nhờ vậy cả thế giới nhận vật hiện ra như một chỉnh thể trong không gian, môi trường sống cũng như dòng chảy thời gian của cả hiện tại và quá khứ. Chúng tạo thành một thể thống nhất, là một thế giới, một vũ trụ tồn tại thực sự trong mọi phương diện, chiều hướng như cuộc đời thực bên ngoài văn bản. Dế Mèn phiêu lưu ký được coi là "thiên đồng thoại xuất sắc nhất của Tô Hoài" . Qua bao thế hệ thiếu nhi, cuốn tiểu thuyết này vẫn chứng tỏ được sức sống mãnh liệt bằng sức hấp dẫn đến trong từng nhân vật. Có lẽ, sau này, vẫn mãi có một chú Dế Mèn đi phiêu lưu khắp chốn đồng quê Việt Nam và may chăng một cô bé, cậu bé nào đó sẽ bắt gặp chú và được nghe kể lại những chuyến hành trình mới lạ khác. Lời cảm ơn từ tác giả