Truyện Ngắn Cỏ Chi Chi - Bào Xương

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Phan Kim Tiên, 21 Tháng mười hai 2021.

  1. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,080
    CỎ CHI CHI

    Tác giả: Bào Xương

    Thể loại: Truyện ngắn

    * * *​

    Người nằm mơ đều là mơ mơ hô hồ cả.

    Tôi rất thích nằm mơ.

    Giấc mơ của người, có giả có thật. Giấc mơ của tôi thường là những hồi ức vê người thật việc thật.

    Hôm nay tôi lại nầm mơ về hai mươi ba năm trước. Năm ấy tôi lên năm. Lúc ấy tôi nhìn trần thế cũng chỉlà mơ mơ hồ hồ.

    Ba đón tôi đi.

    Khi ấy tôi ở nhà cô Chương, kế tù khi tôi biết nhớ. Tôi đã ở nhà cô Chương - Tôi không có mẹ. Tôi gọi cô Chương là mẹ. Cô Chương cười nói:

    - Trước kia con cũng có mẹ.

    - Thế thì con phải đi tìm mẹ con!

    Cô Chương không nói nữa, ôm tôi, hôn mấy cái liền.

    Về sau tôi mới biết rằng, mẹ bỏ tôi đi mất. Tù khi ba tôi là phần tử "phái hữu", mẹ bỏ đi, không về nữa. Tôi chưa biết mặt mẹ. Nhưng "phái hữu" là cái gì? Tôi không hiểu.

    Nhà cô Chương ở Bắc Kinh, một ngôi nhà lớn. Trong đó có năm gia đình, rất vui. Qua cổng lớn là tường hoa, trước tường hoa có bể thả sen. Bể thả sen không thả sen, mà nuôi cá. Tôi xin cô Chương mua cho mấy con cá vàng, thả trong bể nuôi. Về sau cá vàng bị Tiểu Hoa chén mất. Tiểu Hoa là con mèo, nó rất thân với tôi. Tôi ôm nó, nó gừ gừ. Vậy mà nó ăn trộm cá vàng! Hư thật!

    Cả nhà cô Chương ai cũng tốt với tôi. Chồng cô Chương cũng giống như ba tôi, là "nhân viên địa chất" gì đó, đi miết. Bác là bạn học của ba tôi, cô Chương cũng là bạn học của ba tôi. Mỗi khi ba tôi về, tất cả đều vui lắm, quây lại uống rượu, ăn cá ăn cua. Tôi không thích ăn cua, mắc răng. Tôi thích ăn món cá cô Chương làm, thơm thơm, ngọt ngọt. Cô Chương bảo đó là "phong vị" của quê hương cô. Sao lại gọi là "phong vị", tôi chả hiểu.

    Cô Chương có một người con gái, hơn tôi một tuổi, tôi gọi bằng chị. Cô Chương không có con trai, cô gọi tôi là con nuôi. Tôi nói:

    - Con gọi cô bằng mẹ.

    Cô cười, lại ôm lấy tôi, hôn một cái. Nhưng cô nói:

    - Con ngốc nghếch, dại khờ lắm. Con chẳng khôn ngoan được bằng chị đâu!

    Tôi không chịu.

    Đá cầu, đá bóng, tôi đều thắng chị. Nhưng nhảy ô, tôi chịu, nhảy dây chun lại càng kém. Nhảy dây chun là trò của con gái, tôi chẳng thèm chơi.

    Cô Chương rất bận, cô đi làm hàng ngày. Cô làm trong Bộ Địa Chất ở Thượng Tứ. Mỗi khi ra khỏi nhà, cô đeo chùm chìa khóa vào cổ chị. Chúng tôi đi chơi, chơi mãi, chơi mãi, chị chơi đến mất cá chìa khóa, không vào được nhà, ngồi ở bậc thềm khóc.

    Cô Chương đã từng đưa chúng tôi đi thăm phòng bảo tàng địa chất. Ở đấy, có đủ các loại đá, đủ màu sắc: Màu đen, màu trắng, màu hồng, màu lục, màu lam, màu vàng, màu bạc.. màu gì cũng có. Tôi chẳng hiểu sao lại phải đặt nó vào tủ kính. Nó đáng giá gì? Mỗi khi Hội trường Bộ Địa Chất có biểu diễn, chúng tôi đi xem. Tôi được xem Bạch Mao nữ, được xem Náo Thiên Cung, lại được xem cả Mã Lan hoa. Con thỏ trắng trong Mã Lan hoa còn ngoan hơn con Tiểu Hoa bắt trộm cá.

    Chúng tôi cũng được đi chơi Bắc Hải, Cố Cung, Di Hòa Viên, vườn thú. Tôi thích đi vườn thú nhất. Tôi khoái con gấu mèo, con khỉ, con voi mũi to. Tôi chỉ không thích con trăn. Cô Chương bảo con trăn toàn ăn thịt thỏ con.

    Tôi ghét nó. Tôi cũng rất khoái hươu sao. Cô Chương bảo: "Sau này vào rừng, tôi có thể nhìn thấy những con hươu đẹp hơn".

    Chúng tôi còn ăn kem. Ăn kem buốt lắm. Lại còn mua cả bóng bay. Chị với tôi, mỗi người một.

    Cô Chương đối với tôi thật tốt.

    Cho nên tôi không muốn đi, không muốn dời khỏi nhà cô Chương. Tôi khóc. Tôi thấy ba tôi, cô Chương, chị đều khóc.

    Nhưng không đi không được, mấy năm ấy đói kém to, nhà cô Chương cũng mỗi ngày một túng bấn, các gia đình khác trong khu nhà ấy cũng mỗi ngày một bần cùng.

    Trước kia chúng tôi ăn uống ngon lắm. Gạo trắng, bột mỳ, cá, thịt, miến, rau, lại còn cả lạc nữa. Bây giờ chẳng có gì. Toàn húp cháo loãng, ăn dưa muối, màn thầu (bánh mỳ hấp), lại còn cả bánh đúc ngô trộn cám.

    Ba cứ một mực cảm ơn cô Chương, nói:

    - Đêu là khó khăn cả. Tôi không thể chất thêm gánh nặng cho các bạn. Thôi cứ để cháu đi với tôi.

    Như vậy là ba mang tôi đi.

    Tôi chẳng hiểu thế nào là "gánh nặng"! Tôi nặng gì?

    Ba đưa tôi dến thảo nguyên.

    Chúng tôi ngồi xe lửa, ngồi ô tô. Đi xa lắm, xa lắm. Chúng tôi không được rửa mặt, người ngơm đầy bụi đất, ăn lương khô, uống nước trong bi-đông sắt tây. Tôi mệt lắm. Ô tô dừng lại một cái là tôi lăn ra ngủ.

    Cuối cùng chúng tôi cũng tới được thảo nguyên. Ôi! Thảo nguyên, rộng vô cùng, rộng lắm.

    Mọi người đều ở trong lều bạt. Những người ở đây gọi là đội thăm dò, có rất nhiều cô chú, cũng có cả mấy bạn nhỏ như tôi. Chúng tôi gặp nhau một cái là quen ngay.

    Có một số cô chú làm việc trong lều. Các cô chú ấy suốt ngày viết viết, vẽ vẽ, lại còn lấy tay quay quay những chiếc máy tính gì đó. Ba với các cô chú ấy đều là chỗ quen biết, nhưng ba thì "lao động", ba đi cùng với công nhân, trên lưng đeo những máy đo từ, máy trọng lực gì gì ấy, hàng ngày phải đi rất xa.

    Có khi ba phải đi nhiều ngày, mang cả tôi đi theo. Tôi thích lắm, bởi tôi có thể dong chơi, chơi thỏa thích trên thảo nguyên. Thảo nguyên toàn là cỏ, các kiểu, các loại cỏ; còn có cả hoa, các kiểu loại hoa. Hoa và cỏ đều có hương thơm, tôi thích ngửi hương thơm ấy.

    Các bạn có biết trên thảo nguyên có những con vật gì không? Chỉ vài ngày là tôi biết hết.

    Trên thảo nguyên có loài chuột đất, nó làm tổ ngầm dưới đất, cái đuôi ngắn ngủn, nhưng lại thích ngồi trên mặt đất. Có thằn lằn, đừng sợ, trông thấy người là nó chạy.. Có cáo, có hoẵng, dê, lạc đà hoang, còn có cả nai vàng. Nai vàng chạy nhanh ra trò. Tôi đã trông thấy một con sói đuổi một con nai vàng. Bao nhiêu nai vàng như thế mà không đánh nổi một con sói, thật là kém quá. Tôi còn trông thấy cả hươu, không phải hươu sao. Chúng nó lẩn trong rừng. À! Trên thảo nguyên còn có những quả đồi nhỏ, cũng có cả cây cối. Những cây cối ấy, tôi chẳng biết tên gọi là gì. Có một loại cây có quả nhỏ màu tím, chua chua, ngọt ngọt. Chỗ nào có cây là có nước. Nước lớn gọi là biển. Chúng tôi đã đi qua một cái biển gọi là Ulongsu, có thiên nga rất dẹp. Những người công nhân đều mang súng, nhưng không ai bắn. Bảo thiên nga là do tiên nữ hóa thành, bắn nó phải tội.

    Về sau chúng tôi đi rất xa, cuối cùng gặp được đồng bào Mông Cổ, những bác Mông Cổ, người cao, ngực rộng bế tôi, nói:

    - Sai in, sai in nao! (Tốt, chào cháu).

    Tôi chẳng hiểu gì.

    Ở đó tôi ăn sữa khô, sữa đậu, lại uống cả một hớp sữa lên men. Mặt tôi đỏ bừng, nóng rực. Các bác Mông Cồ cười khà khà.

    Buổi tối, vầng trăng vừa tròn, vừa đỏ mọc trên thảo nguyên, vầng trăng rất to, to hơn cả cái mâm.

    Ba và các bác Mông Cổ rất vui. Họ đốt một đống lửa thật to kéo đàn đầu ngựa, ca hát. Họ hát bài gọi là Catanâylin. Ba bảo Catanâylin là người anh hùng của nhân dân Mông Cổ. Ba bảo tôi phải noi gương Catanâylin, sau này đi đánh giặc giúp dân, chết cũng không sợ.

    Tôi rất yêu thảo nguyên mênh mông. Chẳng bao giờ tôi quên.

    Cách vùng đó không xa, các bạn của ba tôi đã tìm thấy một mỏ sắt lớn. Dãy núi ấy màu tím, từ xa đã nhìn thấy. Đỉnh núi có một đống đá, trên cắm nhũng cành cây, ba bảo đó là "aopao" của nguôi Mông Cổ. "Aopao" là cái gì vậy?

    Ba bảo cả dãy núi ấy là mỏ sắt, có thể khai thác lộ thiên, đem đi luyện gang, nấu thép, rồi làm ra xe lửa, ô tô, máy kéo. Trời ơi! Quả núi to như thế, khai thác đến mấy trăm năm mới hết được? Tôi lo thay cho người lớn.

    Từ trước tới nay, tôi chưa bao giờ thấy ba vui sướng như thế. Ba cùng với công nhân cười đùa, nhảy múa, ôm chầm lấy nhau, rồi vật nhau theo kiểu Mông Cổ. Các bác Mông Cổ cũng tới, các bác cũng vui mừng. Các bác lấy ngựa đi chở về một con cùu nướng, mồm miệng nhờn những mỡ. Lại kéo đàn, lại ca hát. Ba đứng dậy, ngâm một bài thơ, cánh tay múa múa.. "Ôi! Tổ quốc ơi! Đất mẹ ơi!" Trông rất nhộn.

    Sau đó lại tiếp tục đi, đi tới rìa sa mạc. Toàn là cát, tất cả. Gió thổi: Ào! Tất cả biến thành mù mịt. Những người bạn ba tôi nhào ra khỏi lều, hất cho sạch cát trên mái. Không hất sạch chúng tôi sẽ bị chôn sống. Ôi! Khiếp quá!

    Mọi người không dám ở lại đó lâu, vội vội vàng vàng, đi ngay.

    Đồ đạc chất hết lên lưng lạc đà. Gió rất mạnh, tưởng đến gãy mũi, tôi phải rúc đầu vào ngực ba. Ba chẳng sợ hãi gì cả. Cùng với tiếng lục lạc tinh tang của lạc đà, ba hát mãi một bài ca:

    Ôi cát vàng mênh mang, chẳng thấy bến bờ

    Đường di, đi mãi, dài không hết..

    Tôi trải mộng ước trên lưng lạc đà,

    Vẫn bước những bước chân dẻo dai, mải miết..

    Tôi không hiểu hết những ý nghĩa của nó, nhưng tôi cũng thuộc. Tôi nghe hát, tôi ngủ trong ngực ba.

    Trong sa mạc không có cây cối, một cũng không. Chỉ có một giống cỏ, từng bụi, từng bụi, lá của nó rất cứng, có thể đâm tay chảy máu, mùa hè, nở ra lớp hoa tím. Nó không sợ sa mạc, nó cứ dần dà vươn dài trong sa mạc, phủ lên cát, mở ra một miền xanh. Tôi hỏi ba:

    - Nó là cái gì?

    - Nó là ba! - Ba đáp.

    - Sao nó lại là ba? - Tôi hỏi.

    Ba cười nói:

    - Nó không phải là ba, nhưng ba giống nó. Tên nó là cỏ chi chi, rất kiên cường. Nó đi trước mò dường, chinh phục gió cát, đằng sau nó xuất hiện một vùng xanh. Ba là người thăm dò địa chất, tìm quặng ở phía trước, phía sau mọc lên nhũng công trường. Con xem thế, ba có giống cỏ chi chi không? Và cỏ chi chi có phải là ba không?

    Tôi cười, ba cũng cười. Từ đó, tôi biết: Cỏ chi chi là một giống cỏ có ích nhất, được việc nhất.

    Chúng tôi sống trên thảo nguyên được hơn một năm, rồi lại đi. Chúng tôi tới một dãy núi lớn ở tỉnh Tứ Xuyên. Núi lớn lắm, núi cao lắm, tôi chưa trông thấy bao giờ.

    Chúng tôi không ở trong lều bạt nữa, mà ở trong một ngôi chùa lớn ở trên lưng chừng núi. Ngôi chùa to lắm, bên trong có một lớp điện thờ, bày rất nhiều tượng Phật. Cửa điện lúc nào cũng khóa. Tôi nhìn qua khe cửa sổ, chính giữa điện có một vị Đại Bồ Tát bằng vàng, nheo nheo mắt cười với tôi, làm tôi sợ hết hồn. Lần sau, cạch, không dám nhìn trộm nữa.

    Trong chùa trống tuềnh toàng, có một gia đình ở đó, đó là một nhà sư đã lấy vọ. Mọi người gọi ông là "sư phụ trong chùa", tôi gọi ông là bác sư, gọi vợ ông là cô sư, và gọi hai người con trai ông là anh sư. Bác sư béo tốt, tròn lu lu, lúc nào cũng cười tít mắt, giống như ông Phật Di Lặc ở tiền điện. Sáng ông dậy sớm lặng lẽ tụng kinh, sau đó vác cuốc đi làm, trồng ngô, trồng khoai, lại trồng cả rau nữa. Ông đối với tôi rất tốt. Mỗi khi gặp tôi, ông hay xoa cằm tôi:

    - Này con, con khỏe chứ, sao mãi chẳng thấy lớn lên được tý nào? Đây, cho con cái này!

    Ông rút từ trong túi áo ra, khi là củ măng tươi, khi là một chùm quà, khi là một vốc đậu rang. Còn có một lần - ôi, tôi sướng điên lên được - ông bố đến cho tôi một chú khỉ con, nó mới lớn bằng con Tiểu Hoa. Tôi nuôi nấng nó, cho nó ăn ngô, ăn quả. Nó chẳng bỏ đi đâu.

    Ở đây toàn là núi, xa núi, gần núi, càng xa màu sắc càng nhạt, cuối cùng nó lẫn vào màu mây. Ban ngày, tôi nhìn thấy núi ở xa, ban đêm núi lại ở rất gần. Bóng đen lừng lững, tôi cũng thấy sờ sợ.

    Tôi muốn vào rừng, ba không cho. Ba bảo: Trong rừng có mèo rừng, có báo, ăn thịt người. Tôi không dám đi đâu, đành ở nhà, chơi trong chùa với con trai nhỏ bác sư. Chúng tôi bắt sên, đào giun, rồi lấy que, làm nhà cho chú khỉ, để nó làm xiếc. Chú khỉ rất hư, nó cứ nhe răng ra với tôi, lại còn cãi nhau với tôi nữa. Có lúc tôi thấy nó chẳng ngoan bằng con Tiểu Hoa đâu.

    Chúng tôi còn được ăn quýt, quýt do bác sư trồng. Tôi ăn nhiều lắm, nhiều đến phát chán.

    Tôi rất thích vùng Tứ Xuyên này, vui lắm.

    Ba cũng rất thích. Từ khi đến đây, ba không đo máy đo từ nữa. Ba cũng giống như những người khác, lưng khoác ba lô vải bạt, tay cầm búa, đi "điều tra" khắp núi sâu, bãi bằng. Điều tra là cái gì? Dần dần tôi cũng hiểu, đó là đi chọn nhặt đá, trong ba lô vải bạt đựng đầy đá, đủ màu, đủ kiểu, giống như tôi đã xem trong bảo tàng địa chất. MỖi ngày, mỗi đêm, họ vẽ địa đồ dưới ánh đèn dầu.

    Người ở đây không nhiều, tất cả là mười ba người. Một làm cấp dưỡng. Một là đội trưởng, còn lại là nhân viên điều tra. Họ bận lấm, buổi trưa không về ăn cơm. Chỉ chủ nhật, nghỉ nửa ngày, giặt giũ quần áo, vá víu chăn màn. Quần áo giặt ở phía sau chùa, chỗ đó có một lạch nước chảy từ trong khe núi ra, tụ lại thành vũng. Có khi thấy cá bơi trong vũng, động một cái là chúng tụt vào trong khe đá. Cá ở trên núi rất tinh khôn.

    Nhưng ba mệt sinh bệnh, ho suốt. Cô sư tốt bụng, lo lắng sắc thuốc cho ba. Loại thuốc lá mọc trong rừng.

    Bệnh của ba không bớt, người gày, mặt vàng. Tôi thấy các cô các chú khuyên ba nghỉ ở nhà vài ba hôm. Khi đó ba đang đọc báo, ba chỉ vào tờ báo cười nói:

    - Bây giờ mọi người đang học cách lột xác, một người như tôi lại càng cần phải học.

    Thế là ba vẫn đi làm, leo núi, chọn nhặt đá, buổi tối về nhà vẽ bản đồ.

    Chúng tôi ở trong núi hơn một năm, bỗng nhiên có tổ kiểm tra tới. Người đứng đàu tổ kiểm tra ấy là cán bộ cốp, thường thích dạy đời. Tôi không ưa lão.

    Lão triệu tập các đội viên vào nhà họp. Tòi nghe trộm ở ngoài.

    Lão nói với mọi người:

    - Các anh làm ăn ra sao hử? Có cái bản đồ địa chất 1/5000 đến bây giờ vẫn chưa xong. Các anh định kéo đến bao giờ?

    Đội trưởng điều tra trả lời:

    - Núi ở đây cao chót vót, rất khó trèo, so với dự kiến ban đầu thì khó khăn hơn nhiều.

    Lão nói:

    - Bây giờ có nhiệm vụ mới. Nếu thấy khó khăn thì các anh giải tán đi.

    Đội trưởng đáp:

    - Tốt nhất là không nên giải tán. Trong vòng non ba tháng nữa, chúng tôi nhất định sê hoàn thành.

    - Được! - Lão cầm đầu tổ kiểm tra nói - Cho các anh một kỳ hạn ba tháng nữa, nhất định phải hoàn thành nhiệm vụ..

    Đội trưởng hứa:

    - Xin bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi sẽ lập công dưới cờ!

    Như thế là đội điều tra địa chất còn lưu lại ở đây. Tôi thấy đội trưởng là người rất cừ. Như người lính, không hoàn thành nhiệm vụ không xong.

    Việc đó coi như yên. Lão cầm đầu tổ kiểm tra nói:

    - Thượng cấp cần rút một người ở đây, chi viện cho vùng Đại Tây Bắc. Các anh, ai tự nguyện xung phong?

    Mọi người ngẩn cả ra, nhưng ba lại giơ tay:

    - Tôi xung phong, tôi xin đi chi viện cho vùng Đại Tây Bắc!

    Đội trưởng hỏi ba:

    - Sức khỏe của anh gần đây suy sụp như thế, liệu có đi nổi không?

    Tôi thấy ba mỉm cười nói:

    - Chẳng sao đâu. Tôi nghĩ chỉ có tôi đi là hợp lẽ.

    Họp xong lão cầm đầu tổ kiểm tra bảo ba:

    - Tốt tắm, anh vừa được xóa tội, cần phải có những biểu hiện tích cục. Anh chuẩn bị hành trang mai đi!

    Thế là buổi tối ba thu xếp hành lý. Các cô các chú đều đến gặp, ba bảo tôi:

    - Con đem con khỉ đi trả bác sư đi. Mai ta phải đi rồi.

    Tôi khóc, nói:

    - Con không đi, các cô các chú chẳng ai phải đi cả, sao ba lại phải đi một mình?

    Ba đáp:

    - Ngoan nghe con! Ba đi làm cây cỏ chi chi. Con đã chẳng bảo rằng cỏ chi chi là có ích nhất, được việc nhất là gì?

    Thế là tôi đành vậy. Sáng hôm sau chúng tôi đi. Các cô các chú, cả bác sư, lại có cả anh sư con đưa chúng tôi xuống tận ngã ba dưới núi. Bác sư nói:

    - Này con, mai này con sẽ lại đến đây nhé.

    Tôi cúi gằm, khóc. Tôi nghĩ: Tôi chẳng phải là nhân viên điều tra, làm sao tôi có thể trở lại dây?

    Ôi! Bác sư của tôi! Anh sư của tôi! Chú khỉ bé bỏng của tôi! Con sên và những con giun..

    Lại đi không biết bao nhiêu ngày, chúng tôi mới tới được Tân Cương. Trước tôi cứ tưởng thảo nguyên là to lớn nhất, bây giờ mới biết Tân Cương còn lớn hơn nhiều, hơn nhiều.

    Chúng tôi đi qua các vùng các kiểu đất: Núi cao, vực sâu, đầm lầy, thung lũng, lại còn cả sa mạc, sa mạc Gobi. Bên rìa sa mạc, chúng tôi lại gặp cỏ chi chi.

    Ôi! Cỏ chi chi mở lối cho người ở khắp nơi. Cỏ chi chi sao mà lợi hại thế.

    Trên đường, chúng tôi đi ô tô. Vào sa mạc đi lạc đà. Ba lại bế tôi trên lưng lạc dà, hát bài hát quen thuộc.

    Tôi trải mộng ước trên lưng lạc đà,

    Vẫn bước những bước chân dẻo dai, mải miết..

    Bây giờ tôi đã hiểu bài hát này. Trên lưng lạc đà là nơi thích hợp nhất cho những giấc mơ, cho nên tôi ngủ ở trên đó. Ngủ mãi, ngủ mãi, ngủ mê mệt.

    Sau đó tôi lại đi ô tô, đi mãi, đi mãi cuối cùng chúng tôi tới được nơi cần tới. Ôi! Ở đây thích thật. Núi phía xa, đội mũ tuyết, núi ở gần, mọc đầy những cây thông thấp, xanh thẫm một màu. Thảm cỏ trên sườn núi mượt như nhung, nở dày những bông hoa vàng, hoa đỏ. Đàn cừu chạy trên sườn núi giống như dòng suối chảy. Tôi thấy bầu trời nơi đây xanh hơn bất cứ nơi nào.

    Người ở đây mặc quần áo thật đẹp. Trên đầu phụ nữ cài rất nhiều hạt ngọc. Ba bảo họ là người Kazac, người anh em tốt với người Hán.

    Ở đây lại có một đội thăm dò. Mọi người ở trong những ngôi nhà gỗ làm bằng gỗ thông, vừa rộng rãi, vừa sạch sẽ, hơn hẳn nhà cô Chương ở Bắc Kinh.

    Thật chẳng ngờ tôi gặp cả gia đình cô Chương ở đây. Việc đó ba cũng lấy làm lạ. Bác Chương nói với ba:

    - Bọn tôi bị cắm cờ trắng, nên bị bắt về đây.

    Tôi không hiểu nên hỏi bác:

    - Ở dây toàn cờ đỏ, cháu có thấy cờ trắng đâu ạ?

    Tôi làm tất cả người lớn bật cười khanh khách.

    Đội thăm dò này rất lớn, dựa trên mấy dãy nhà ở, nhà làm việc, nhà ăn, nhà bếp, lại còn có cả một trường tiểu học nữa. Mùa thu, khai trường. Tôi vào học lớp một, chị học lớp hai. Học trò có hơn hai chục đứa, có cao, có thấp, chia làm năm lớp. Chỉ loáng cái, tôi đã quen tất cả.

    Trường tôi chỉ có một hiệu trưởng, một giáo viên, khi giáo viên thiếu thì rút các cô chú bên đội thăm dò sang dạy. Cô Chương cũng đã đến đây dạy chúng tôi. Cách dạy của cô hay lắm. Cô đưa chúng tôi ra ngoài lớp, chỉ trời xanh trên đầu, rồi dạy "trời", chỉ mây trắng trên đầu, rồi dậy "mây". Chúng tôi rất vui, chỉ cần tôi chịu khó một tý là đuổi kịp chị.

    Chúng tôi khoái nhất là nhũng ngày nghỉ hè. Nghỉ một cái là thầy giáo đưa chúng tôi vào núi. Chúng tôi cắm trại trong rừng Vân Sam, hái nấm, bắt bướm. Có khi các bác Kazac chuyển trại chăn nuôi về đây, chúng tôi vào các căn lều thảm của các bác "làm khách". Các chị lớn Kazac mặc những bộ áo liền váy bằng vải kẻ sọc, những chiếc áo gilet nhung kim tuyến, và đội những chiếc mũ thêu hoa trông rất xinh. Các anh Kazac đánh trống, kéo đàn, hát rất nhiều bài hát. Các anh hát về các núi tuyết, các sông băng, về những đàn cừu trắng, còn hát cả về những con ngựa Hải Lưu sắc hồng. Chúng tôi nghe say đến chết mê chết mệt. Chẳng hiểu sao, các cô, các chú Kazac rất mến tôi. Họ bảo mắt tôi vừa đen vừa sáng như nước sông Khalkh. Họ bảo tôi giống người Hán lại giống cả người Kazac. Có lần tôi bị ốm, họ bế tôi về lều thảm nằm nghỉ. Một chị Kazac nhân lúc tôi mơ màng đã đến hôn tôi. Tôi biết hết, người tôi nóng bừng bừng..

    Tôi yêu mến biết bao những ngày tháng từ lớp ba về trước. Tiếc thay những ngày tháng như thế không dài.

    Những ngày tôi sắp bước vào lớp bốn thì nổ ra cuộc "Đại cách mạng văn hóa".

    Tôi thấy mọi thú đều đảo lộn hết cả. Các cô các chú không ra ngoài làm việc nữa. Tất cả ở nhà hội họp, hô khẩu hiệu, căng biểu ngữ, dán báo chữ to. Một tổ công tác tới đó, bị đả kích, rồi thành lập một đoàn "tạo phản", chống lẫn nhau. Trường tiểu học chúng tôi đành đóng cửa. Nhiều bạn tôi nhân đó vào rừng, hái nấm, bắt chim đùa nghịch thoải mái.

    Tôi không đi, tôi nhìn thấy mấy tờ biểu ngữ lớn "bêu" tên ba. Ba cũng bị đấu tố với những người "đi theo đường lối tư sản", mấy lần ngồi "phản lực". Sau mấy tháng, hai người giải phóng quân áp giải ba đến công trường Công Cai để "lao động cải tạo".

    Tôi khóc thảm thiết, đòi đi "lao động cải tạo" với ba.

    Ba cau mày bảo tôi:

    - Đừng khóc, nơi ba đến cấm mang trẻ con đi theo. Trên lãnh đạo đã sắp xếp rồi. Con ở lại với cô Chương. Con phải biết vâng lời cô. Ba sẽ về luôn.

    Ba ngồi xe camion ra đi, đến công trường Công Cai trồng rừng, đốn củi. Cứ già nửa tháng ba lại đưa một xe củi về. Tôi thấy ba đen nhẻm, râu ria tua tủa, mặc chiếc áo vải xanh, vá chằng vá đụp. Nhưng ba có vẻ phấn chấn, lần nào gặp tôi ba cũng dặn dò:

    - Con không phải lo cho ba, ở đó rất tốt, ba chẳng muốn trở lại đây làm gì. Con nhớ phải nghe lời cô Chương. Nếu như trường học ở đây không dạy tiếp, chưa biết chừng ba sẽ đón con lên đó.

    Sang đông, hai ba tháng liền ba không về. Tôi lo lắng hỏi chú Giải phóng quân chở củi đến:

    - Sao ba cháu không chở củi về?

    Chú Giải phóng quân nói:

    - Ba cháu không thích về. Ba cháu bận lắm. Đốn xong củi là đi khắp nơi chọn quặng, vẽ bản đồ. Ba cháu bảo, khi nào núi bị tuyết phủ kín, sẽ về thăm cháu.

    Ba chỉ nhắn cho tôi có thế, nhưng lại gửi cho cô Chương, bác Chương những bức thư rất dày. Bác Chương, cô Chương đọc xong, cuống quýt xoa tay nói:

    - Trời đất ơi! Sao mà cứ túm tụm lại ở đấy mà mù quáng đấm đá nhau mãi thế này. Tốt nhất là hãy đi vào lâm trường Công Cai đi.

    Đúng vậy. Lúc ấy mấy người ở đoàn tạo phản đấu đá càng hăng. Đến cả bộ phận nhà bếp cũng chia làm hai phe. Chúng tôi ăn uống chẳng còn ra làm sao nữa, toàn những màn thầu khô, hoặc khoai muối với canh củ cải. Cái món khoai muối thật khốn nạn, nuốt vào cứ mắc cứng lấy cổ họng.

    Nhũng người Kazac không đến đây để trú đông nữa. Tôi không bao giờ còn được nghe tiếng trống tiếng kèn năm trước.

    Khi đó tôi nhớ ba lắm, nhớ lắm.

    Ba đã chẳng bảo khi nào núi bị tuyết phủ thì ba trở về là gì? Tôi mong trời có tuyết. Tôi bấm đốt ngón tay, tính từng ngày.

    Lễ Quốc Khánh đã qua, ở đây tuyết đã rơi. Tôi mừng vô cùng. Suốt ngày tôi đứng trước cổng trại, vọng nhìn vào nẻo đường núi. Tôi mong chờ từ con đường ấy xuất hiện một điểm đen ngày càng gần, càng gần. Đó là xe ô tô chở củi của ba.

    Có một buổi chiều, tôi nhìn thấy một điểm đen ở đầu con đường núi. Điếm đen ấy lớn dần, lớn dần, rồi vụt dến trước mắt tôi. Đó không phải là xe chở củi. Chiếc xe trống không. Người trên xe không phải là ba, chỉ là chú Giải phóng quân chở củi hôm trước..

    - Ba cháu đâu? - Tôi hét lên hỏi.

    Chú Giải phóng quân trả lời tôi, chú bế tôi lên cabin, cho xe chạy thẳng tới cửa nhà cô Chương. Chú ôm chặt tôi nói:

    - Cháu ơi, cháu đừng khóc. Có chuyện với ba cháu rồi..

    Bác Chương và cô Chương chạy ra, mọi người khiêng ba từ thùng xe xuống. Ba được bọc trong hai tấm khăn trải giường, người đầy máu me, đã cứng lại. Bác Chương cởi áo bông cho ba, làm hô hấp nhân tạo mãi mà chẳng ăn thua gì. Bỗng nhiên cô Chương gào lên khóc.

    Chú Giải phỏng quân nói:

    - Một mình anh ấy trèo lên mỏm núi chọn đá. Trượt chân, ngã lộn từ trên mỏm núi xuống..

    Mắt tôi tối sầm lại, chẳng còn biết gì thêm nữa. Khi tỉnh lại trên giường cô Chương, cô ôm tôi nhỏ nhẹ vỗ về.

    Tôi gào lèn hỏi cô Chương:

    - Ba đâu? Ba đâu?

    Ba được chôn bên bìa rừng Vân Sam. Không quan tài. Không bia mộ. Một nắm đất con con, bốn xung quanh là một màu vàng của hoa dại mùa đông đang nở rộ.

    Tôi gục xuống nấm mộ khóc ròng, giống như một con hươu non giãy giụa. Tôi không làm sao bới được nấm mộ lên để có thể nhìn thấy mặt ba một lần nữa.

    Bác Chương bế tôi lên, ứa nước mắt nói:

    - Con ơi! Con nín dí. Kể từ hôm nay các bác đón nhận con, nuôi dưỡng con. Cho đến khi khôn lớn thành người.

    Tối, bác bế tôi lên giường bác, nói nhỏ với tôi:

    - Con ơi. Con không đọc sách của Mao Chủ tịch sao: "Chết vì lợi ích của nhân dân thì cái chết đó nặng hơn núi Thái Sơn." Ba con tuy đã chết rồi, nhưng ba con đã tìm ra cho nhân dân một núi quặng. Cái chết của ba còn nặng hơn núi Thái Sơn.

    Nói rồi, bác lấy một phong thư, vung vẩy trước mặt tôi, đấy là thư của ba gửi cho bác và cô Chương. Lúc ấy bác không cho tôi đọc, nhưng về sau này tôi đã được xem.

    "Mình vô cùng cám ơn cuộc sống" lao cải "ở lâm trường Công Cai này. Không có ai ngờ rằng, điều đó đã mở ra cho mình một cơ hội điều tra địa chất. Bây giờ mình xin báo cho các bạn biết một tin động trời. Mình đã phát hiện ra một vỉa S lộ thiên ở khắp các ngọn núi.. Thật tuyệt vời, chỉ bằng nhũng vỉa lộ thiên này, mình đã tính được trữ lượng của nó, thuộc cấp C, không dưới 7 con số. Mình đã chọn một mẫu quặng, giấu ở dưới tấm phản nằm của mình. Vì mình là" phạm nhân lao cải ", không thể báo cáo trực tiếp với lãnh đạo được, (nếu không, mình sẽ bị mất sự tự do tương đối ở dây, và bị khép vào tội" lơ là nhiệm vụ "), cho nên tất cả công lao này, mình nhường cho các bạn, (đừng cười), mong các bạn" Dò tìm phương hướng ", chờ đợi thời cơ, nhanh chóng đưa người tới thăm dò, xác định sản lượng cấp B + C1. Vì lợi ích của nhân dân, càng nhanh càng tốt. Càng nhanh càng tốt!"

    * * * Tôi đã tỉnh mộng. Tôi đã trở lại đây, hai mươi ba năm sau.. Bây giờ tôi cưỡi trên lưng lạc đà, đi trên sa mạc mọc đầy cỏ chi chi.

    Tôi hai mươi tám tuổi rồi, đã lấy vợ. Vợ tôi chính là "chị tôi" xưa.

    Chúng tôi cùng lớn lên trong một đội thăm dò, cùng vào học Địa Chất Vũ Hán, học chuyên tu hai năm. Bây giờ đều là những người làm công tác địa chất có nghề.

    Hài cốt của ba tôi đã được đưa về an táng tại quê nhà. Mỏ quăng người phát hiện đang được xây dựng. Bác Chương và cô Chương tuổi tác đã cao, nên đều trở về Bắc Kinh làm việc. Còn chúng tôi vẫn lấy xe Jeep, những lều bạt, nhũng lều thảm, lưng lạc đà của đội thăm dò địa chất làm nhà của mình.

    Người nào có chí hướng của người ấy. Chí hướng của con người được tạo ra bởi sự từng trải trong cuộc sống. Nếu như ngạn ngữ của người Arab nói: "Niềm vui của con người nằm trên lưng ngựa", thì chúng tôi có thể nói: "Hạnh phúc của con người nằm trên lưng lạc đà của đội thăm dò".

    Tôi trải mộng ước trên lưng lạc đà

    Vẫn bước những bước chân dẻo dai, mải miết.

    Tôi không bao giờ quên bài hát ba tôi đã hát.

    Tôi không bao giờ quên cỏ chi chi đã mở trên sa mạc những miền xanh.

    LÊ BẦU dịch
     
    Chỉnh sửa cuối: 30 Tháng mười hai 2021
  2. Đăng ký Binance
Trạng thái chủ đề:
Đã bị khóa
Trả lời qua Facebook
Đang tải...