Chúa Ruồi - William Golding - Nhân Chi Sơ Tính Bản Ác?

Thảo luận trong 'Bài Sưu Tầm' bắt đầu bởi duonghuyhieu, 25 Tháng sáu 2023.

  1. duonghuyhieu

    Bài viết:
    6
    Chúa Ruồi - William Golding - Nhân chi sơ tính bản ác?

    • "Ralph bẩn thỉu, tóc rối bù, mũi dãi thòng lòng, khóc than cho tự thơ ngây đã chết và lòng dạ đen tối của con người"

    • TÓM TẮT CỐT TRUYỆN

    Cốt truyện chính là về những đứa trẻ từ khoảng 6 đến 12, 13 tuổi bị bỏ rơi ngoài hoang đảo sau khi chiếc máy bay chở chúng sơ tán khỏi chiến tranh nguyên tử gặp nạn.

    Ralph, nhân vật chính, được bầu làm thủ lĩnh, nhờ chiếc tù và đầy quyền lực và dáng vẻ toát lên sự mạnh mẽ của mình. Ralph khỏe mạnh, tự do nhưng vẫn có tính nữ. Ralph ra lệnh nhưng không cưỡng ép mọi người phải tuân theo bằng vũ lực. Ralph dũng cảm đồng thời cũng có tinh thần chịu trách nhiệm cao, tình thương, tình bạn.. Không như Jack, quyền lực, chuyên chính, độc tài, tàn bạo.

    Ban đầu hai đứa trẻ mến nhau, vì chúng thấy đối phương có nhiều điểm chung để thấu cảm: Đều toát lên sự mạnh mẽ, thủ lĩnh. Ngay từ đầu, Ralph và mọi đứa trẻ khác đều không thích Piggy. Dù Piggy không xấu. Ngược lại, Piggy lại được coi là đứa trẻ hiểu biết nhất, lương thiện nhất.

    Ban đầu bọn trẻ sống rất vui vẻ, có Ralph chỉ huy mọi thứ đâu vào đấy: Giữ lửa để người lớn thấy, dựng lều để ngủ, hái lượm quả chín, chơi đùa dưới biển. Mọi thứ không có gì để chê.

    Nhưng sự sợ hãi về một con quái vật tưởng tượng bắt đầu làm mọi thứ rối loạn. Cuối cùng, hóa ra con quái vật xấu xa nhất lại nằm trong con người. Chúng cứ tưởng quái vật là thứ gì đó có thể săn bắt, nhưng hóa ra trong mỗi đứa trẻ đều tồn tại con quái vật đó. Chúng nghĩ một cái đầu heo sẽ giúp quái vật tha cho chúng, nhưng nó chỉ làm cái ác và việc chối bỏ văn minh mãnh liệt hơn. Từ những đứa trẻ không dám xuống tay với một con heo dù thèm thịt, chúng đã thành lũ mọi mặt vằn vện, giết heo mẹ của cả đàn heo con để thỏa mãn dục vọng.

    Chúng không chỉ giết heo, mà còn giết người. Ban đầu, trong cơn say máu điên dại, chúng lầm tưởng và giết nhầm Simon, đứa trẻ chúng quen từ trước, khi còn là những học sinh ngoan hát trong nhà thờ. Rồi chúng giết Piggy có chủ ý bằng việc đặt vũ khí đá. Cuối cùng, chúng đốt cả hòn đảo, dồn Ralph đến chết và săn Ralph như săn một con heo rừng. Hành động cao nhất của việc quay lưng lại với văn minh, để phần 'con' giết chết phần 'người' (chứ không chỉ là chiếm ưu thế nữa rồi).

    • NHÂN CHI SƠ TÍNH BỔN ÁC?

    Nhân chi sơ tính bổn thiện hay tính bổn ác? Có lẽ cái ác vốn bẩm sinh. Nó xuất hiện ngay khi những đứa trẻ được giáo dục nghiêm khắc trong môi trường văn minh. Nó xuất hiện ở Jack độc tài, chuyên chế với tốp đồng ca của mình. Nó xuất hiện ở Roger từng ném đá đứa trẻ khác khi còn ở nước Anh đầy luật lệ. Cái ác là vốn có, và nó càng bùng lên mãnh liệt khi có cơ hội thoát khỏi sự kìm kẹp của văn minh. Chúng giết heo, rồi giết đồng loại.

    Vin vào cớ muốn giết con ác thú, nhưng chúng lại nuôi nó lớn dần lên. Xuôi theo chiều chuộng bản năng bao giờ cũng dễ hơn chịu sự kìm kẹp của giáo điều. Bằng chứng là ban đầu Ralph thích chơi với Jack hơn - nhân vật tượng trưng cho sự tự do, quyền lực, hơi chán ghét Piggy - người lúc nào cũng tỏ ra khôn ngoan, nói lý lẽ. Chỉ khi thấy phần bản năng kia quá đà, sắp nuốt lấy phần văn minh thì Ralph mới sợ hãi, muốn gần gũi lắng nghe những lời khuyên ở phần 'người' hơn (chính là Piggy). Nhưng chính Ralph lại không đủ mạnh mẽ để áp đảo phần con kia. Chúng vùng dậy, lật đổ chính chủ nhân mình (Ralph đang mang hình tượng người thủ lĩnh). Chúng muốn giết hoàn toàn phần người, để có thể chối bỏ nốt phần văn minh ít ỏi còn sót lại, để có thể hoàn toàn thành lũ mọi rợ. Chúng - phần con - cố giết Ralph, vì sợ hãi phần người còn sót lại kia, như chúng đã giết Piggy khôn ngoan, tỉnh táo.

    Có lẽ nhân chi sơ, tính có cả thiện và ác. Chỉ là trong quá trình lớn lên, môi trường ảnh hưởng đến mình theo hướng nào nhiều hơn và mình chọn giữ lại phần 'con' hay cố cứu lấy phần 'người'. Thiện hay ác, đều là sự lựa chọn của mỗi người. Ở đây, nhân vật chính Ralph chọn cái thiện và trốn chạy cái ác, nhưng cuối cùng vẫn phải "khóc than cho sự thơ ngây đã chết và lòng dạ đen tối của con người", khóc cho phần người "chân thành và khôn ngoan" đã chết trong mình (chính là Piggy).

    • NHỮNG HÌNH TƯỢNG ẨN DỤ TRONG TRUYỆN

    Truyện này thật sự rất ẩn dụ, rất nhiều hình tượng. Mình không hiểu hết được. Chỉ khi đọc lời cuối sách của dịch giả, rồi tham khảo nhiều bài review khác nữa mới vỡ ra được đôi chút. Vỡ rồi thì thấy tác giả thật siêu phàm khi xây dựng được hệ thống hình tượng ẩn dụ đồ sộ là logic vậy.

    "Piggy" là phần người, phần lương thiện, tỉnh táo, văn minh.

    "Jack, Roger" là phần con, độc tài, dã tâm, máu lạnh, mọi rợ.

    "Sam-Eric" là con người đứng giữa lằn ranh giữa thiện-ác, phân vân không biết chọn. Hoặc không muốn nhưng bị cái ác ép buộc.

    "Simon" là phần tính cách nhạy cảm, thấu cảm, có thể giao tiếp với bên trong bàn thân mình, việc Simon nói chuyện với Chúa Ruồi cũng chính là đang truy tìm lý do về con quái vật trong khi nói chuyện với chính mình.

    "Ralph" là con người đang loay hoay giữa thiện và ác. Ban đầu thích Jack (phần con) nhưng sau này lại quý Piggy (phần người) hơn.

    "Chúa Ruồi" trong tiếng Do Thái là ác quỷ. Con heo là nguồn cơn làm bùng lên dục vọng quyền lực của bọn trẻ, chính là lời mời gọi của cái ác bẩm sinh. Chúa ruồi gần gũi, nhưng không phải con người nào cũng (dám) nhận thức được như Simon.

    "Ngọn lửa", mình nghĩ tượng trưng cho văn minh. Loài người tiến vào văn minh cũng là khi tìm ra lửa. Ralph và Piggy cố giữ lửa còn đám Jack chỉ muốn săn heo. Jack từ chối văn minh, buông thả theo lối sống nguyên thủy cổ xưa. Khi ngọn lửa tắt, những suy nghĩ tiêu cực, rùng rợn, sự đứt gãy trong nhóm người xuất hiện. Khi ngọn lửa (văn minh) biến mất đủ lâu, người vốn lý trí như Ralph quên mất lý do mình cần duy trì lửa (quên mất nguồn cội văn minh của mình).

    "Ngọn lửa" cũng là niềm tin và hy vọng cho tương lai được trở về. Từ cổ xưa, con người có thể hợp tác với nhau cũng chỉ nhờ có đức tin gắn kết. Vì họ chia sẻ cùng một niềm tin, nên mới chịu làm cùng một vài việc. Lượng người càng nhiều, đức tin càng phải lớn. Đức tin sụp đổ (ngọn lửa bị tắt), trật tự cũng biến mất, đám trẻ tan rã khỏi nhóm ban đầu.

    "Cái tù và" tượng trưng cho quyền dân chủ, quyền tự do ngôn luận. Ai cũng có quyền được nói và yêu cầu người khác phải lắng nghe. Từ đầu truyện, Jack đã hay ngắt lời, không coi ý kiến Piggy ra gì. Piggy không biết tại sao Jack ghét mình như vậy và mình lại sợ Jack như vậy. Nhưng mình nghĩ đó là mối quan hệ hiển nhiên giữa thiện-ác, giữa phần con và phần người. Chúng như hai đứa học trò luôn tranh nhau kẻ phần bàn học nhiều hơn. Chỉ khác ở chỗ, cái bàn học ấy chính là nội tâm con người.

    Mình không hiểu về hình tượng xác chết của viên phi công. Một hình tượng rất to mà chưa tìm ra vai trò của nó. Nếu chỉ để bọn trẻ sợ về một ác thú vô hình, hay để Simon sợ chạy xuống núi và bị giết, thì cũng không cần xây dựng hình tượng này.

    • ĐÔI DÒNG CẢM NHẬN

    Không khí bao trùm cả truyện là ảm đạm, và sau đó là tuyệt vọng, tăm tối. Ngay từ đầu, cái khí nóng của hòn đảo đã khiến mình không thấy thoải mái, dù có thiên nhiên tươi đẹp, lũ trẻ còn văn minh. Có lẽ tác giả ám ảnh về cái ác, về sự tiêu cực nhiều đến độ không một dòng nào toát lên sự vui vẻ, dù chỉ là ít ỏi.

    Cũng như mọi đứa trẻ trong truyện, mình không thích nhân vật Piggy. Mình tự hỏi có phải bản năng mình cũng không thích sự lương thiện, thông minh không? Có phải mình nhân chi sơ tính bổn ác không? Có lẽ là không. Mình không thích Piggy ở chỗ yếu đuối, nhiều lời, nói mà không để ý có đúng thời điểm hay không. Piggy suốt ngày dựa dẫm Ralph, sợ hãi mọi thứ, không làm được việc gì ra hồn (vì bệnh xuyễn), lảm nhảm những triết lý dở hơi, ra vẻ hiểu biết, hay thét lên hoảng sợ. Nên là hơi máu lạnh chút nhưng mình không buồn trước cái chết của Piggy. (Ngoài lề một chút, mình nhận ra mình đang miêu tả chính mình qua những dòng trên. Có vẻ mình có xu hướng ghét những người có tính giống mình, có lẽ bởi mình biết rõ những sự yếu kém của người đấy. Hoặc mình đang tự chối bỏ chính tính cách của mình. Chả hiểu tại sao nữa.

    Ralph còn sống, trong quá trình trốn chạy cái ác. Nhưng mình không thấy đây là cái kết có hậu lắm. Phần trẻ thơ, lương thiện trong Ralph không còn nữa. Không biết khi lớn lên, Ralph có bị ám ảnh mà trở thành một người lớn máu lạnh không, như những người lớn đứng đằng sau chiến tranh nguyên tử ngoài kia?

    Chúa Ruồi thật sự nặng đô. Trong suốt cả quá trình đọc lần sau khi đặt cuốn sách xuống, mình thật sự nặng nề. Nặng nề từ tình tiết diễn biến, nặng nề toát ra bởi không khí tác giả vẽ lên. Mình cũng cố nhưng phải bỏ ngang nhiều lần từ vài năm trước mới có thể hoàn thành cuốn này vào lần này. Thật sự không recommend cuốn này cho mọi người lắm. Cái ác dã man quá, bẩm sinh quá, không có cái cớ nào để bào chữa. Tất cả những thứ ấy vượt qua sự tưởng tượng điên rồ nhất của mình.
     
    LieuDuongLÊ THU NGUYỆT THƯỜNG thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...