Cho Tôi Một Vé Đi Về Tuổi Thơ Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh Thể loại: Truyện ngắn Người review: Ngọc Xuân Tác giả Nguyễn Nhật Ánh sinh ngày 7 tháng 5 năm 1955 tại tỉnh Quảng Nam. Ông được coi là một trong những nhà văn thành công nhất viết sách cho tuổi thơ, tuổi mới lớn với hơn 100 tác phẩm các thể loại. Trước khi trở thành nhà văn nổi tiếng, Nguyễn Nhật Ánh từng có thời gian đi dạy học, viết báo với nhiều bút danh như Chu Đình Ngạn, Lê Duy Cật, Đông Phương Sóc, Sóc Phương Đông.. Năm 13 tuổi, ông đã có thơ đăng báo. Năm 1984, tác phẩm truyện dài đầu tiên Trước vòng chung kết đã định vị tên tuổi của ông trong lòng độc giả và kể từ đó, ông tập trung viết cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Tên tuổi của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh gắn liền với các tác phẩm làm say lòng độc giả bao thế hệ như Mắt biếc, Cỏn chút gì để nhớ, Hạ đỏ, Cô gái đến từ hôm qua, Chú bé rắc rối.. Truyện của ông được tái bản liên tục và chưa bao giờ giảm sức hút với những người yêu mến chất văn Nguyễn Nhật Ánh. Ông cũng đã đoạt nhiều giải thưởng như: Năm 1990, truyện dài "Chú bé rắc rối" được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Văn học Trẻ hạng A. Năm 1995, ông được bầu chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của Thành đoàn TP HCM và Báo Tuổi trẻ, đồng thời được Hội Nhà văn TP HCM chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975-1995). Năm 2010, tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của ông được trao tặng Giải thưởng Văn học ASEAN. Đọc sách: "Cho tôi một vé đi về tuổi thơ" bạn sẽ nhận ra, trưởng thành chính là việc mang trên mình những ước mơ, hoài bão, sống phải có bổn phận, trách nhiệm hơn so với thời thơ ấu. Ta sống đầy nhiệt huyết, phấn đấu cho tương lai vì những người thân yêu chứ không hẳn chỉ dựa vào cảm xúc của bản thân. Không hẳn thích thì mới làm. Có lẽ những khó khăn, gian nan, thử thách sẽ khiến tâm hồn ta trở nên khô khan hơn. Bởi ai rồi cũng lớn. Ai cũng từng trải qua chặng đường đầy nhọn nhằn. Những lúc mệt mỏi, chán nản, bi quan thì quyển sách: "Cho tôi một vé đi về tuổi thơ" sẽ tưới mát tâm hồn mỗi người. Và "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" của Nguyễn Nhật Ánh dẫn dắt ta trở về tuổi thơ với sự vui tươi, tinh nghịch, hồn nhiên, ngây thơ, đầy mộng mơ. Câu chuyện chính là hồi ức tuổi thơ tuyệt đẹp qua lời kể của cu Mùi "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" là câu chuyện được kể bằng lời tự sự của nhân vật chính là cu Mùi. Lối kể chuyện chân thật, trong trẻo, mang vẻ hồn nhiên ngây thơ trong sáng và sự ngô nghê của một đứa trẻ giúp độc giả có giây phút thư giãn thật thoái mái, dễ chịu. Những câu chuyện trong sách "Cho tôi một vé đi về tuổi thơ" chắc hẳn bất kỳ ai cũng đã từng trải qua trong thời trẻ thơ của mình. Những câu chuyện hàng ngày theo năm tháng trưởng thành. Tất cả những rung động đầu đời, những khoảnh khắc của bộ tứ siêu quậy khiến chúng ta trở về những ngày tháng tuổi thơ thật vô tư, hồn nhiên và tinh nghịch. Ta nhớ lại những thứ mà mình từng xem là bất công, tự dặn lòng khi lớn lên và trưởng thành ta sẽ không để con cái mình phải chịu đựng những bất công. Rồi khi trưởng thành, với sự từng trải, kinh nghiệm sống khiến ta lại có những nhìn nhận và đánh giá khác đi để rồi vô tình khiến con cái chúng ta tổn thương. Tác phẩm chính giúp những người đang là cha mẹ với con cái của mình trở nên quan tâm, yêu thương, thấu hiểu và chia sẻ hơn. Câu chuyện xoay quanh cuộc sống bốn đứa trẻ: Cu Mùi, Hải cò, Tý sún và con Tủn. Bắt đầu than thở cuộc sống đầy buồn chán và tẻ nhạt của cậu bé tám tuổi cu Mùi: "Buồn ơi là sầu". Cậu than phiền mỗi ngày của cậu đều có sự lặp lại như thói quen hằng ngày. Chẳng còn điều gì mới mẻ để cậu hy vọng, chờ đợi. Và cùng với đó là rất nhiều việc cu Mùi không thích như phải làm rất nhiều việc mình không thích theo ý mẹ như phải đi học trong khi mình còn muốn ngủ hoặc phải ăn những món mình không hợp khẩu vị của mình. Rồi tiếp đó là tất tần tật những bất công của "thế giới" này mà một cậu bé tám tuổi phải chịu đựng. Khi trên lớp, cậu cũng như bao đứa trẻ khác, sợ phải lên bảng trả bài và chỉ thích vui đùa cùng bạn bè. Đá bóng, bắn bi, rượt đuổi hay vật lộn, những trò chơi phổ biến vào mỗi giờ ra chơi "cho đến khi không đứa nào còn ra hình thù một học sinh ngoan ngoãn nữa mới thôi, tức là lúc khuỷa tay đã trầy xước, mắt đã bầm tím, chân đi cà nhắc và áo quần thì trông còn tệ hơn mớ giẻ lau nhà". Và cu Mùi thường đối diện với những sự răn đe của ba mẹ mỗi khi về nhà trong bộ dạng như mới rời khỏi một cuộc chiến nào đó của mình. Đó dường như là một ngày quá bình thường, nhàm chán và vô vị của cậu. Một trò chơi mà cậu và đám bạn hay chơi nữa là trò chơi gia đình. Khi vào vai ba mẹ, cậu thường hoạnh họe đứa bạn khác đóng giả con trai mình phải làm này làm kia, làm những điều mà cậu hằng mong ba mẹ sẽ bắt mình làm, thay vì suốt ngày phải học hành và làm theo điều ba mẹ cho là tốt. Cùng với đó là những ý tưởng điên rồ về việc không tiếp tục tin vào bảng cửu chương hay việc đặt tên khác cho những thứ xung quanh mình nhưng rồi sau những bài học sâu sắc, cả đám đã quyết định tin vào những điều đã được định sẵn hàng ngàn năm qua. Rồi cứ thế, cả nhóm cu Mùi tiếp tục trải qua những trận đòn, những lời răn của người lớn do những việc làm ngô nghê, học theo của một đứa trẻ. Mọi người dần lớn lên và khi biết được rằng cu Mùi của ngày nào sẽ kể về câu chuyện của cả bọn khi còn nhỏ. Tất nhiên, ngoài cu Mùi đang kể chuyện cho chúng ta nghe thì ông Giám đốc Hải cò, Hiệu trưởng Tủn đều rất giật mình khi biết được người bạn ấu thơ của mình sẽ kể ra tất tần tật những gì còn nhỏ ấy của cả bọn. "Cho tôi một vé đi về tuổi thơ" cho chúng ta thấy được rằng người lớn luôn phức tạp hóa vấn đề hơn là những đứa trẻ. Những đứa trẻ chẳng biết hận thù, hay có ý đồ gì xấu bởi chúng luôn suy nghĩ mọi thứ đơn giản. Nhưng khi lớn lên, ai cũng bắt đầu ngại kể những điều mình đã xảy ra. Chúng ta bắt đầu nghi ngờ, luôn bận rộn đánh mất đi khoảng thời gian tuyệt vời mà cuộc sống ban tặng. Suốt những năm đi học, tôi và lũ bạn đã sử dụng những khoảnh khắc tự do hiếm hoi đó vào việc đá bóng, bắn bi, nhưng thường xuyên nhất và hăng hái nhất là những trò rượt đuổi, đánh nhau hay vật nhau xuống đất cho đến khi không đứa nào còn ra hình thù một học sinh ngoan ngoãn nữa mới thôi, tức là lúc khuỷu tay đã trầy xước, mắt đã bầm tím, chân đi cà nhắc và án quấn trong thì còn tệ hơn mớ giẻ lau nhà. Xin đừng vội nghĩ cuốn sách này chỉ dành cho lũ trẻ con đang còn độ tuổi phá phách, thích vui chơi. Cuốn sách này dành cho tất cả chúng ta - những người đã từng có tuổi thơ như chính tác giả đã khẳng định sau cuốn sách "Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng là trẻ em". Đọc cuốn sách này bạn sẽ bắt gặp hình ảnh quen thuộc của chính bản thân ở những ngày xưa - là những trò giả vờ ngủ say để được bám trụ vài phút quý giá trên chiếc giường trước khi dậy đi học; những lúc hối hả chạy đi truy lùng sách vở để nhét vào cặp sách trước khi đến trường và còn vô cùng nhiều chiêu trò lém lỉnh thời học trò.. Sẽ có những lúc bạn thấy mình đã từng rất nghịch ngợm giống cậu bé Mùi trong truyện và những suy nghĩ của chúng ta thời thơ ấu thật giống với nhóm bạn tiểu quỷ trong tác phẩm. Chúng ta đã từng suy nghĩ ngớ ngẩn rằng kho báu là những thứ có thật và chúng được chôn ở trong vườn, dưới cái cây hay trong bãi cát nào đó. Cũng giống như họ, chúng ta đã từng bực bội thốt lên những câu nói điển hình như: "Người lớn thật khó hiểu và bất công". Bạn đã từng lập một phiên tòa kể tội bố mẹ như nhóm bạn của Cu Mùi chưa? Chắc chắn trong số chúng ta đã có nhiều người làm vậy rồi. Chúng ta ngồi lại với nhau, thay phiên đóng giả bố mẹ của nhau và cùng nhau nói lên hết những suy nghĩ, những điều chúng ta thấy người lớn luôn bất công và sai phạm. Điều đó không có gì là xấu cả. Khi còn trẻ thơ, mỗi đứa trẻ đều có một phiên tòa trong lòng mình. Khi chúng ta lớn hơn một chút, chúng ta có những cung bật cảm xúc, những tình cảm dành cho người khác giới, đó có thể là cậu bạn cùng lớp, cô bé hàng xóm trong khu - cũng giống như tình cảm dễ thương và sự ghen tuông vô cớ của Cu Mùi dành cho bé Tủn. Để rồi khi chúng ta trưởng thành, gặp lại nhau, thú nhận với nhau những cảm xúc ngốc nghếch ngày xưa mới thấy sự rung động đầu đời đó thật hồn nhiên, trong sáng và dễ thương. 12 chương truyện trong cuốn sách "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" nhưng đã vẽ lên cả một bầu trời, thế giới đầy mộng mơ, tràn ngập kí ức tươi đẹp của mỗi người. Khi đọc xong cuốn sách này, tôi tin rằng tất cả chúng ta đều ao ước có một tấm vé đi về tuổi thơ, trở về với những kí ức, sống lại khoảng thời gian rất đỗi giản đơn, bình dị và ngọt ngào của tuổi thơ. Cũng sẽ có không ít người thấy mình thật khờ khạo, ngớ ngẩn khi còn bé nhưng đừng xấu hổ, bởi vì đó chính là một phần quá khứ của mỗi chúng ta – những kí ức tuyệt vời, rất trong sáng và đáng được trân trọng. Đó chính là tất cả những gì mà tác giả muốn gửi gắm thông qua cuốn sách này. Đọc quyển sách, ta sẽ thấy tình tiết, nội dung trong truyện thật cuốn hút, hấp dẫn. Nếu có một tấm vé đi về tuổi thơ tôi sẽ không ngần ngại quay về sống lại cái thời vui tươi, hồn nhiên. Làm người lớn thật phức tạp với bao vất vả, lo toan, khó khăn đôi lúc khiến ta trở nên mệt mỏi, chùn bước. Cảm ơn quyển sách: "Cho tôi một vé đi về tuổi thơ" giúp tôi quay về sống lại thời thơ ấu tinh nghịch và có cái nhìn thấu đáo, tinh tế hơn để trở nên thấu hiểu những suy nghĩ hồn nhiên, vô tư vô lo của đứa trẻ.