Cổ Loa thây chất thành đống, nhà cửa hoang tàn, khói lửa mịt mùng, tiếng than khóc, oán hận thấu trời, còn gì cảnh huy hoàng ngày xưa. Trong cung, khắp nơi giăng đèn, âm nhạc vũ khúc nối liền không dứt. Trên đài cao, chàng lẳng lặng đứng: "Mị Châu, nàng có trách ta cướp mất giang sơn này không? Có oán ta khiến thần dân Âu Lạc rơi vào cảnh lầm than không? Có hận ta khiến nàng mang danh họa thủy, bị người đời gièm pha, chửi rủa không? Ta không biết cũng không dám biết, ta chỉ biết.. ta có được giang sơn nhưng mất nàng!" Âu Lạc nhiều năm trước.. Chiêng trống vang lừng, sắc đỏ một màu, không khí vui mừng tràn ngập Loa thành. Mị Châu mắt phượng mày ngài, dung nhan yêu kiều, xinh đẹp tuyệt trần. Nàng nhẹ nhàng cười đón nhận lời chúc phúc của thần dân và lời dặn dò của vua cha: "Mị Châu con yêu, phụ vương không nỡ gả con cho người, nhưng phụ vương nhìn xem Trọng Thủy anh tuấn, khí khái, làm người đường hoàng, là lang quân như ý. Vả lại, vì tình bang giao hai nước, trăm lợi mà không hại, phụ vương mong con hiểu được". Mị Châu nhẹ nhàng đáp lại: "Vâng! Phụ vương, con nguyện ý cùng chàng kết duyên, dùng hạnh phúc của mình đổi lấy bình an cho hai nước, đây là việc mà một công chúa nên làm." Trọng Thủy nắm tay Mị Châu tiến vào lễ đường. Từ đây, một âm mưu đầy nham hiểm bắt đầu. Năm tháng thoi đưa, thoáng chốc đã qua hai năm, vợ chồng họ sống an nhàn hạnh phúc bên nhau. Ngày ngày, nàng đánh đàn, chàng múa kiếm, cùng nhau ngắm nhìn non sông tươi đẹp. An Dương Vương thấy đó mà vui mừng, càng yêu quý Trọng Thủy, giao cho chàng nhiều việc quan trọng. Trong cung có yến tiệc gì, cũng vời vợ chồng họ vào cung dự tiệc. Những ngày tháng yên bình, hạnh phúc làm Mị Châu càng dựa dẫm vào chàng hơn, đôi khi sẽ dẫn chàng đi lại khắp nơi trong cung. Ngày nọ, Trọng Thủy dẫn nàng đi chơi, làm như vô ý mà hỏi: "Âu lạc đất hẹp, người thưa, nhưng lần nào Nam Việt mang quân sang đánh cũng đều chuốc lấy thất bại, làm cho ta tò mò, không biết có điều chi kỳ lạ?". Mị Châu cười, nói rằng: "Làm gì có điều chi kỳ lạ, Âu Lạc được trời thương nằm thế núi sông bao bọc, dễ thủ khó công, binh hùng tướng mạnh, có Cổ Loa thành cao trăm trượng. Lại nói, năm đó Thần Kim Quy đi ngang qua đã tặng cho phụ vương cây nỏ làm bằng móng vuốt của thần, một phát bắn trăm tên, thì sao mà thua được?". Trọng Thủy tò mò muốn xem, Mị Châu chỉ cười rồi khoan thai bước đi. Sau lần ấy, Trọng Thủy càng cưng chiều Mị Châu hơn, dùng mọi cách để lấy lòng nàng, hiếu thảo với An Dương Vương, dần dần, chiếm trọn trái tim Mị Châu. Một ngày kia, Trọng Thủy chẳng nói chẳng rằng, chỉ ngồi một chỗ, Mị Châu thấy lạ, bèn hỏi: Hôm nay chàng sao thế? "Nàng không yêu ta đúng không? Bao nhiêu năm vợ chồng nàng vẫn không chịu tin ta, cả một thứ bình thường như nỏ thần cũng không cho ta xem." Nói rồi xoay người bỏ đi. Mị Châu nghe đến đó mà bật khóc, nghĩ vì việc nhỏ như vậy làm tình cảm vợ chồng nàng rạn nứt, lại xem tới, phụ vương đối với Trọng Thủy như con, sẽ không vì chuyện như vậy mà trách tội. Liền dẫn chàng đến tẩm điện của An Dương Vương, chỉ vào nỏ thần nói: "Chàng ơi, đây là nỏ thần chàng luôn muốn được xem đấy.". Trọng Thủy nhìn không ra sự huyền ảo của nỏ thần, bèn vờ giận nói: "Nàng xem ta là trẻ con mà lừa sao? Đây chỉ là một cây nỏ bình thường, há có gì để xem chứ?". "Chàng thật ngốc, nhìn sơ qua thì nó không khác cây nỏ bình thường là bao, chàng nhìn vào đây, nó là móng vuốt của Thần Kim Quy có uy lực vô cùng". Trọng Thủy, nhìn kỹ nỏ thần rồi mới rời đi. Không lâu sau, Nam Việt cho người truyền tin, vương Nam Việt là Triệu Đà lâm trọng bệnh, triệu hoàng tử trở về. An Dương Vương nghe vậy liền đáp ứng, sai người chuẩn bị hành trang và lễ vật để Trọng Thủy mang về nước. Về đến Nam Việt, Trọng Thủy vẽ lại hình dáng của nỏ thần, sai người đi làm, rồi đến gặp Nam Việt Vương. Triệu Đà nhìn thấy Trọng Thủy liền nói "Con làm rất tốt, phụ vương rất hài lòng, nhưng phụ vương phải nhắc nhở con một điều. Phụ Vương nhiều lần thua dưới tay Thục Phán, nếu như không chiếm được Âu Lạc, mối hận này không thể tiêu tan. Con là nhi tử mà phụ vương coi trọng nhất, đừng vì nữ nhi tình trường mà mềm lòng, phá hủy đại nghiệp của ta." Trọng Thủy vội quỳ xuống mà thưa rằng: "Nhi thần không dám, con cưới Mị Châu chỉ vì ngày hôm nay, làm sao có thể yêu nàng được chứ.". "Hừ! Mong được như lời con vừa nói. Địa vị của con là do ta cho, thì cũng sẽ lấy về được, đừng khiến ta thất vọng", nói rồi phất tay áo bỏ đi. Trọng Thủy về đến Âu Lạc, giống như trước kia chiều chuộng Mị Châu, giúp An Dương xử lý việc triều chính. Mỗi lần nhìn thấy nụ cười của Mị Châu, thầm nhủ rằng: "Nàng hãy cười cho thật nhiều, chơi cho thật sướng, vì ta sắp không còn được nhìn thấy nàng như vậy nữa. Tại sao ông trời bất công như vậy, sao để nàng sinh ra là công chúa nước Nam, còn ta là hoàng tử đất Bắc, định sẵn là kẻ thù. Ta không cam lòng, nhưng có thể làm được gì đây, khi mà ta cũng chỉ là một quân cờ tùy người bày bố". Cuối cùng thời cơ cũng đến, An Dương Vương tổ chức tiệc rượu khoản đãi vợ chồng Mị Châu. Trọng Thủy chuốc say Mị Châu, An Dương Vương rồi tráo đi nỏ thần. Sau khi làm xong tất cả, chàng đến gặp Mị Châu nói rằng: "Lần này trở về, phụ vương căn dặn ta, sức khỏe của người đã yếu, muốn ta trở về phụ giúp, nhưng ta lại không yên tâm về nàng, trước kia hai nước thường xảy ra loạn binh đao, nếu như sau này hai nước bất hòa, ta biết tìm nàng ở đâu?". Nghe đến đây, Mị Châu đã nghẹn ngào bật khóc: "Chàng phải đi sao, thiếp không nỡ xa chàng, nhưng đạo làm con sao có thể cãi cha, thiếp cũng không biết phải làm sao. Mai sau, nếu xảy ra binh đao loạn lạc, chàng hãy theo dấu lông ngỗng mà tìm thiếp". Sau khi có được nỏ thần, Triệu Đà lập tức duyệt binh tấn công Âu Lạc. An Dương Vương nhận được tin dữ, cười mỉa mai: "Triệu Đà này, lòng tham vẫn không dứt, lại muốn chuốc nhục đây.". Nói đoạn, phá lên cười. An Dương Vương xem đó là chuyện cười rồi không nhắc tới nữa, ngày ngày mở tiệc khoản đãi triều thần, không mảy may nghĩ việc phòng thủ. Năm 179 TCN, Triệu Đà mang binh xuôi Nam, đánh thẳng đến Loa thành. Địch sắp đến chân thành, An Dương Vương mới ung dung đem nỏ thần ra bắn, nỏ thần không linh nghiệm, An Dương Vương hoảng hốt, chỉ kịp nắm lấy Mị Châu leo lên lưng ngựa mà chạy, xuôi về phía Nam. Gió thổi, lông ngỗng bay, sắc trắng một vùng. Bị quân địch đuổi ra tới biển, Thần Kim Quy hiện lên tức giận quát: "Giặc sau nhà ngươi, sao nhà ngươi không biết!" An Dương Vương quay đầu, tuốt gươm chết đứt đầu Mị Châu. Rồi ngồi lên lưng thần, xuống biển. Trên biển, gió cứ rì rào thổi, như tiếng ai khóc oán than rằng: "Hỡi ôi! Nàng Mị Châu xinh đẹp Sao trao lầm, mang danh họa thủy Nước mất nhà tan, tình một đoạn Lông ngỗng dẫn đường làm phụ oán " Cơ nghiệp tổ tiên mất vì ngươi ". Nước mất rơi, lòng buồn khôn xiết Triều thần, vua cha còn không biết Sao trách nàng không phòng chàng đây Trót yêu mù quáng mà gây tội Kiếp này lấy mạng để đền thôi Cát là tội, ngọc sáng là oan Lòng thiếp đây, xin Ngài phân định Dù đúng hay sai, thiếp xin nhận Chỉ mong không thẹn với hoàng ân." Trọng Thủy theo dấu lông ngỗng ra bờ biển nhưng không thấy vợ đâu, chỉ còn vết máu loang lổ trong nước. Trọng Thủy quỳ sụp xuống khóc rằng: "Là ta đã hại nàng, là ta đã hại nàng..". Trọng Thủy khóc ba ngày ba đêm bên bờ biển rồi trở về Loa thành, không lâu sau thì bật vô âm tín. Tương truyền, người hầu trong cung hoàng tử kể lại rằng vì quá thương nhớ vợ đã nhảy giếng tự tử. Sau này ngư dân mò ngọc trai đem rửa giếng này thì ngọc liền sáng. Cũng có người nói vì muốn ở bên Mị Châu mà gieo mình xuống biển, hóa thành san hô, đời đời dang tay hướng về phía nàng. Càng nhiều hơn là vì ân hận việc mình đã làm mà đi khắp Âu Lạc hành thiện giúp người mong vì nàng mà chuộc tội. II. Dụng ý nghệ thuật. Thời xa xưa con người đã hình thành tín ngưỡng thờ Thần. Khi gặp việc không thuận họ đều tế trời, lạy thần mong mọi thứ thông thuận. Năm xưa Thần Kim Quy nhìn thấy An Dương Vương vì quốc gia mà lao lực, sinh lòng thương tiếc nên tặng nỏ thần. Không ngờ vì vậy mà An Dương Vương sinh lòng ỷ lại, xao lãng việc nước, mất đi cái khí khái anh hùng, nhiệt huyết, bản lĩnh đánh tan quân Tần, diệt văn lang, dựng Âu Lạc. Hơn nữa chính Thần là người đã buộc tội Mị Châu. Ở đây tôi dùng hình ảnh Thần Kim Quy là đại diện cho tất cả nhân dân Âu Lạc. Sự ủng hộ của Thần là sự ủng hộ và kính trọng mà nhân dân dành cho An Dương Vương, ngay cả lúc thua trận vẫn không bỏ mặc mà tha thứ, cưu mang An Dương Vương, còn về phần Mị Châu, đã mượn hình ảnh Thần đứng ra chỉ chứng nàng vì tình mà làm cơ đồ tổ tiên mất đi, khiến dân chúng chịu khổ, nhưng cuối cùng họ cũng tha thứ cho nàng công chúa ngây thơ nên đã hóa máu nàng thành ngọc. Thể hiện được truyền thống đoàn kết, yêu thương của người Việt qua hình ảnh của thần Kim Quy. Tiếp theo là hành động rải lông ngỗng dùng để chỉ đường cho Trọng Thủy tìm được Mị Châu cũng là chi tiết rất quan trọng vì nó là mắt xích dẫn đến cái chết của nàng Mị Châu. Thử hỏi nếu như Mị Châu không rải lông ngỗng dọc đường đi thì quân địch làm sao đuổi kịp được, An Dương Vương cũng không phải cùng đường mà cầu Thần, nàng cũng sẽ không chết. Nói cho cùng thì chính lòng tham của Trọng Thủy đã giết chết nàng, vừa muốn giang sơn vừa muốn có mỹ nhân. Hay nói đúng hơn từ ban đầu ván cờ này do một tay Trọng Thủy bày ra, vì muốn nối ngôi vua cha mà chấp nhận làm con tin nước Âu Lạc, lấy Mị Châu làm vợ vì trả thù cho cha, dùng Mị Châu tính kế An Dương Vương, cuối cùng mọi mục đích đều thành, Trọng Thủy có được Âu Lạc, là người kế thừa Triệu Đà, nhưng không tính được việc sẽ yêu say đắm Mị Châu, để rồi cũng trở thành nạn nhân trên bàn cờ đó. Ba người ba số phận vốn dĩ không liên quan đến nhau nhưng vì một hồi âm mưu mà buộc vào nhau cuối cùng đều đau khổ mà kết thúc. Trong câu chuyện này có đề cập đến khung cảnh sau chiến tranh, đau thương có, oán hận có vui mừng cũng có. Lúc bấy giờ Âu Lạc thua trận, nước mất nhà tan, oan khóc đâu đâu cũng có, tất cả nó chỉ là nạn nhân của giai cấp thống trị, Triệu Đà vì muốn báo thù mà gây ra bao sóng gió, vùi dập một dân tộc, nụ cười sự hạnh phúc của nhà nhà người người, sự đau thương đó, nó không còn nói riêng nhân dân Âu Lạc nữa mà còn có cả nhân dân Nam Việt. Dù rằng Nam Việt thắng trận nhưng hi sinh trong đó là bao nhiêu, vì dã tâm của một người mà bao gia đình thê lương, con mất cha, vợ mất chồng. Như thế có thể thấy chiến tranh luôn tàn khốc, mỗi lần chiến tranh đi qua chỉ để lại toàn đau thương. Nhưng cũng đừng như An Dương Vương vì muốn hòa bình, hữu nghị hai nước gả con cho Trọng Thủy nhưng lại không có đề phòng vấn đề cơ mật quốc gia, an nguy dân tộc. An Dương Vương đã quên một điều là đã là kẻ thù thì dù có quỳ dưới gối thì vẫn mãi là kẻ thù. Một phút sao lãng tin người mà mang cơ đồ tổ tiên hoàn toàn phá hủy. Nhân đây, nhắc nhở chúng ta rằng hòa bình là điều đáng quý cần phải trân trọng, an ninh quốc gia phải được đặt nên hàng đầu. Người đời chỉ trích Mị Châu vì tình mà để mất nước, mấy ai hiểu ban đầu nàng vì đất nước mà cưới, vì tình hữu nghị hai nước mà kết duyên. Mị Châu công chúa nơi khuê phòng làm sao có thể gặp trước hoàng tử lân bang, huống chi là yêu chàng say đắm trước khi cưới, đó là một điều vô lý. Nữ nhi gia khi xưa ai mà không tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, đối với nàng, lời của cha là trời nàng có thể không nghe hay sao. Sau khi cưới nàng chả nhẽ không phòng Trọng Thủy, nhưng vì thái độ của An Dương Vương và tình yêu của Trọng Thủy mà khiến nàng buông bỏ phòng bị, cùng chàng vui vui vẻ vẻ sống qua ngày. Ai cũng trách nàng nhưng nàng thật đáng thương đấy chứ bị chồng phản bội gánh trên lưng tội danh bán nước, chết dưới tay cha mình mà không hiểu vì sao, lúc nàng cần an ủi nhất thì chỉ có một mình nàng. Có lẽ chết là kết cục hạnh phúc nhất với nàng, nếu còn sống bảo nàng phải đối mặt như thế nào với người đời, phải sống như thế nào khi trên lưng mang nặng mối thù nhà nợ nước, phải sống như thế nào với người chồng đã phản bội nàng. Còn về phần Trọng Thủy, chàng yêu nàng là thật nhưng lại yêu giang sơn hơn. Vì giang sơn cưới nàng, đây được cho là một hành động phi quân tử nhưng không thể phủ nhận đây là mỹ nam kế thành công nhất trong lịch sử. Chàng tính kế mọi người, biến họ thành nạn nhân, nhưng trước người công chúa ngây thơ xinh đẹp, chàng lại ngã lòng, biến mình thành nạn nhân. Chàng mưu tính hết thảy mọi người từ Triệu Đà, An Dương Vương đến dân hai nước, thờ ơ trước mọi thứ, nhưng lại sợ nàng trách, nàng oán, nàng hận mình. Có lẽ, người quân tử không qua được ải mĩ nhân đi, chàng lợi dụng nữ nhân cuối cùng vì nữ nhân mà chết. Ở đây miêu tả kĩ hơn về nội tâm các nhân vật để từ đó chúng ta có thể cảm thông một phần nào với họ, dù mưu kế thâm sâu, hay ngay thơ đáng yêu họ đều đau khổ bởi chữ tình, bị xích chật bởi thế sự. Cái kết đau thương là sự khẳng định cho tình yêu của họ cũng là sự giải thoát mà nhân dân dành cho họ, người đáng thương tất có chỗ đáng hận. Ngọc- cát- giếng Ngọc là hình ảnh hình tượng trưng, nàng chết máu của nàng rơi xuống biển thành ngọc, minh chứng cho việc thần dân Âu Lạc đã tha thứ cho nàng, họ vẫn dành sự yêu thương cho đứa trẻ mà họ nhìn lớn lên, mặc cho nó làm sai việc gì chỉ cần biết quay đầu nhận lỗi là được. Người đời sau mò ngọc mang rửa giếng ngọc liền sáng hơn, nghĩ rằng Mị Châu đã tha thứ cho Trọng Thủy. Nhưng điều đó có phải không khi Trọng Thủy đã làm trái tim nàng tan rỡ. Hay chăng ngọc sáng lên minh chứng cho sự trọng sáng, thủy chung, vô tội của nàng, hoặc nó có thể là lời nguyền rửa mối nhục thù dân tộc của nàng. Ở đây còn liên tưởng đến hình ảnh san hô, là một dị bản khác, nó thể hiện sự nhớ nhung của Trọng Thủy dành cho Mị Châu, phần hơn vì mong nàng tha thứ, quay về bên chàng, nhưng với những gì mà chàng Trọng đã làm thì sự cô đơn ngàn năm trơ trọi, lạnh lẽo dưới đáy biển hoang vu chính là kết cục của một kẻ mưu mô gian xảo, dối lừa nên nhận. Mị Châu- Trọng Thủy là câu chuyện bi thương nhất trong lịch sử Việt Nam, lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt, lòng căm hận, phê phán của người đọc. Nhưng bên cạnh đó vẫn dành phần nhiều sự đồng tình cho nàng công chúa bất hạnh này. Nàng yêu không sai nhưng sai ở chỗ trao lầm người, tin tưởng nhầm chỗ. Từ đây cũng muốn nhắn nhủ đến người đọc rằng, đừng bao giờ ngủ quên trên chiến thắng, hãy luôn thận trọng vì lòng người thâm sâu khó dò. Đối với đất nước cần tăng cường phòng hộ, việc bảo vệ cơ mật quốc gia là trách nhiệm của mọi người, tăng cường an ninh quốc gia, kiến thức là bảo vệ đất nước giàu thịnh.