Kinh Dị Bóng Ma Ông Cải - Hồi Ức

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Hồi Ức second, 9 Tháng hai 2022.

  1. Hồi Ức second

    Bài viết:
    57
    Bóng Ma Ông Cải

    Tác Giả: Hồi Ức

    Thể loại: Truyện Tâm Linh

    [​IMG]

    Văn Án: Câu chuyện kể về ông Cải dù có đông con cháu, nhưng đến cuối đời vẫn sống một cuộc sống cô độc giống như những người không vợ không con. Người bầu bạn duy nhất với ông là Thìn- một thanh niên sống kế bên nhà. Thìn chính là người chứng kiến những bi kịch trong những năm tháng tuổi già của ông Cải. Vậy ông Cải đã phải trải qua những điều gì? Mời các bạn đón đọc trong các chương chuyện tới đây!

    Link thảo luận góp ý: [Thảo Luận - Góp Ý] Các Tác Phẩm Của Hồi Ức
     
    Chỉnh sửa cuối: 11 Tháng hai 2022
  2. Hồi Ức second

    Bài viết:
    57
    chương 1: Tâm sự

    -


    Bấm để xem
    Đóng lại
    ối giời ôi là giời, bố ơi, sao bố nỡ lòng nào bỏ chúng con mà đi bố ơi, chúng con còn chưa báo hiếu được cho bố, bố ơi..

    Tiếng khóc, tiếng hờ vang lên từ nhà kế bên nghe mới ai oán, não nề làm sao. Tôi đứng bên cửa sổ nhìn sang, thấy thật xót xa. Nhưng không phải xót xa cho người đang khóc, mà là thương cho người đã mất. Liệu khi nghe được những câu hờ này, ông ấy có mát lòng mát dạ mà xuôi tay nhắm mắt được hay không? Chiều nay, người ta sẽ tiễn ông Cải ra đồng dạ.

    * * *

    Tôi là hàng xóm của ông Cải, nhà ông nằm bên trái nhà tôi, cách nhau một cái vườn.

    Ông Cải năm nay đã ngoài bẩy mươi, là một người đàn ông góa vợ. Ông có tận năm mặt con, nhưng đã chục năm nay ông ở một mình. Con ông đứa thì đi làm ăn xa lâu lâu mới về, đứa thì ra ở riêng. Bọn chúng cũng ít khi lui tới thăm người bố già tội nghiệp.

    Thấy ông thui thủi một mình, nên tôi hay sang nhà nói chuyện, những khi trái gió trở trời, ông Cải thường đứng ở mé sân mà gọi vọng sang:

    - Chú Thìn ơi.. chú có nhà không? Chú sang bên này cho ông nhờ một tí.

    Nghe nhạc hiệu đoán chương trình, tôi biết là ông lại nhờ tôi sang đấm bóp đây mà. Tôi mặc áo vào, ngó qua cửa sổ trả lời:

    - Vâng, bác đợi chút, cháu sang liền.

    Nghĩ cũng tội, không con không cái thì chả nói, như ông Cải đây đông con nhiều cháu mà đến tuổi già vẫn cô độc một mình. Thương ông, cho nên mỗi khi được nghỉ tôi đều sang chơi và thăm ông. Ông cải hay bảo tôi:

    - Chú thìn lấy vợ đi thôi, ngoài ba mươi rồi. Để lâu là ngại ra đấy.

    Tôi cười:

    - Lấy vợ làm gì hả ông, ở một mình sướng hơn, nuôi thân béo mầm.

    Ông Cải lại bảo:

    - Sướng hơn làm sao được, có vợ có con vẫn hơn. Chứ không sau về già cô đơn lắm.

    Tôi định nói ông cũng đang cô đơn đấy thôi, mặc dù mang tiếng có tới năm mặt con, gần chục đứa cháu. Nhưng tôi kìm lại được, tôi tặc lưỡi:

    - Kệ ông ạ, cái duyên cái số, đến đâu hay đến đó.

    Rồi tôi lại nói đùa:

    - Nếu như mà mười năm nữa cháu chưa lấy vợ thì cháu sang bên này ở với bác nhé.

    Ông Cải cười:

    - Chú mà sang ở với lão già này thì lại vui quá.

    Một ngày nọ, lão Cải hớn hở sang nhà tôi thông báo:

    - Chú Thìn ơi.. chú Thìn.. nay mấy đứa con nhà tôi nó về thăm tôi.

    Tôi hơi ngạc nhiên, xen lẫn mừng lây cho lão:

    - Ôi thật thế hả bác? Thế thì vui quá!

    Lão Cải cười rất tươi:

    - Tối nay chú sang nhà tôi làm chén rượu. Nhà chẳng có gì đâu, tôi thịt mấy con gà là xong.

    Nhìn bộ dạng quýnh quáng của lão Cải mà tôi thấy thương lão ghê. Tôi vui vẻ đáp:

    - Vâng, nhất định là cháu sang.

    Hôm ấy phấn khởi là thế, vậy mà mấy hôm sau lão Cải lại chạy sang nhà tôi mếu máo:

    - Chú Thìn ơi.. tôi khổ quá chú Thìn ạ!

    Tôi gặng hỏi, lão Cải nước mắt ngắn dài nói:

    - Lũ con tôi, chúng nó bắt tôi phải bán nhà đi chú ạ.

    Tôi trố mắt ngạc nhiên:

    - Sao lại bán nhà? Bán làm gì ạ?

    Lão Cải sụt sùi:

    - Chúng nó đứa cần tiền làm ăn, đứa cần tiền xây nhà. Chú bảo tôi phải làm sao?

    - Thế bán rồi thì bác ở đâu? - tôi hỏi.

    - Chúng nó bảo tôi sang ở với chúng nó mỗi đứa vài tháng.

    Tôi vừa nghe lão nói thì đã thấy không ổn rồi. Thật lòng dù không nói ra nhưng lòng hiếu thảo của những đứa con lão Cải thì tôi đã quá rõ. Lúc bình thường không đứa nào chịu nhòm ngó đến ông, giờ này thấy giá đất giá nhà đang lên thì chạy về đòi chia chác. Không khéo bán xong chúng nó cho ông cụ ra đường. Nghĩ vậy tôi bèn khuyên lão:

    - Bác nhất định không được bán. Giờ chưa ở chung thì chưa có gì, tới lúc ở rồi mới phát sinh nhiều vấn đề, lỡ như bác không muốn ở cùng chúng nó nữa thì nhà đâu mà về.

    Lão Cải lau nước mắt mà rằng:

    - Chú nói đúng lắm, lão cũng nghĩ như chú. Lão ở đây cả đời rồi, giờ bảo lão đi nơi khác lão không quen.

    Nhưng ngẫm nghĩ một lát, lão lại ngập ngừng:

    - Nhưng nếu không bán, lũ con tôi nó cũng nhất định không để thân già này yên đâu.

    Lão Cải nói xong liền nước mắt ngắn dài đứng dậy đi về. Tôi nhìn theo bóng lão chỉ biết thở dài, không biết rồi lão sẽ quyết định ra sao?

    Một buổi chiều nọ đi làm về, tôi bỗng thấy bên nhà lão Cải lao xao, tôi ngó sang xem thử, thấy lũ con của lão lại về. Nghĩ là bọn chúng lại về giục lão bán nhà, tôi thở dài quay lưng vào trong. Nhưng vừa bước được mấy bước thì nghe tiếng gọi:

    - Anh Thìn đã về đấy ạ? Mời anh sang bên này làm chén nước.

    Người vừa gọi tôi là Quốc, con cả của lão Cải. Nhìn mặt Quốc vui vẻ, tôi thoáng nghĩ hay là lão Cải đã quyết định bán nhà. Tôi trả lời:

    - Vâng, anh Quốc đợi chút, tôi thay cái áo rồi sang ngay.

    Tôi đi tắt lối vườn sang nhà lão Cải, thấy tôi, lão Cải liền chào:

    - Chú Thìn sang chơi đấy à? Chú vào đây.

    - Vâng, cháu chào bác, hôm nay nhà ta đông vui quá.

    Lão Cải không dấu được vẻ sung sướng nói:

    - Hôm nay là chủ nhật chúng nó tất tần tật năm đứa về thăm tôi.

    Ánh mắt lão cải lấp lánh niềm hạnh phúc. Còn tôi hơi ngờ vực: "Quái lạ, lũ con lão Cải mà cũng có khái niệm chủ nhật về thăm bố". Như hiểu được ý tôi, lão Cải thì thầm:

    - Để mấy hôm nữa tôi sang chú chơi, tôi kể chuyện này..

    Lão Cải ra vẻ bí mật.

    Hôm sau lão sang nhà tôi và kể, thì ra để kéo dài chuyện bán nhà và để những đứa con năng về thăm bố, lão cải nói với chúng là lão đã để dành được một số vốn, sau này lão chết đi sẽ chia cho các con làm ăn.
     
  3. Hồi Ức second

    Bài viết:
    57
    chương 2: Mối tình của lão Cải

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Kế này quả công hiệu, đám con nhà lão không còn đòi bán nhà nữa, lại năng về thăm cha già hẳn lên. Nhưng tôi cũng không lấy gì làm lạc quan lắm, bởi kế của ông cụ càng có hiệu nghiệm càng chứng tỏ các con ông chẳng hề thật lòng quan tâm đến bố, mà chỉ quan tâm đến số tiền bố chúng để dành mà thôi. Rồi đây một ngày phát hiện ra ông Cải thật sự chẳng có vốn liếng gì liệu chúng còn hiếu thảo với ông nữa hay không?

    Sự quan tâm chăm sóc phải xuất phát từ tấm lòng, nếu dùng tiền mà mua chuộc sẽ chẳng được bền lâu. Nhưng nhìn bộ dạng hạnh phúc của lão Cải, hàng xóm láng giềng ai cũng không nỡ lòng nói ra điều ấy.

    * * *

    Bẵng đi một thời gian vui vẻ, một hôm tôi lại thấy lão Cải mang nét mặt u sầu sang nhà tôi kể chuyện:

    - Tôi bán con trâu rồi chú Thìn ạ?

    - Bác bán trâu? - tôi ngạc nhiên – bác cần tiền à?

    Lão Cải thở hắt ra:

    - Không phải tôi cần, mà là con út nhà tôi nó hỏi vay tôi, nó bảo cần tiền để xây lán làm chuồng heo, mở rộng sản xuất gì đấy.. mà chú thừa biết tôi đâu có nhiều tiền chứ, chỉ có một ít dành dụm được để lúc ốmlúc đau mà thôi.

    Ngưng một lát lão lại bảo:

    - Nói là cho vay chứ tôi tính cũng cho nó luôn. Từ trước tới giờ chúng nó mang tiềng là vay mượn nhưng có bao giờ trả cho tôi được đồng nào. Đợt trước tôi nói là có vốn liếng chúng nó mới chịu về thăm cốt là để moi tiền của tôi, tôi biết chứ. Nhưng phận làm cha mẹ.. tôi cũng chưa lo được chu toàn cho chúng nó, trong lòng khổ tâm lắm.

    Nhìn lão buồn mà tôi cũng chỉ biết nói vài câu an ủi. Tôi bảo lão:

    - Bác nghĩ ngợi mà làm gì, con cái đứa nào có phận của đứa ấy. Chúng nó cũng đã lớn khôn, phải tự biết phấn đấu. Bác như thế cũng là hết lòng hết dạ rồi. Bây giờ đến lúc phải nghĩ cho bản thân.. bác nghe cháu, bây giờ bác đừng lo cho chúng nó nữa, bác tham gia sinh hoạt với các ông các bà trong xóm ấy cho khỏe cho vui. Hôm nào họ cũng ra đình tập văn nghệ đấy bác ạ.

    * * *

    Lão Cải ấy vậy mà nghe lời tôi, lão ra đình sinh hoạt với hội cao tuổi trong xóm. Từ đấy thấy lão yêu đời hẳn ra. Nhưng cũng từ ấy lão ít sang nhà tôi hơn hẳn. Một lần sang nhà lão, thấy lão đang cầm một chiếc khăn tay, vừa ngắm vừa hát khe khẽ, tôi hắng giọng rồi trêu:

    - Khiếp, bác Cải hồi xuân hay sao mà yêu đời thế.

    Lão Cải thấy tôi thì giật mình, lão nhìn tôi cười:

    - Chú Thìn đấy hở, chú sang lúc nào thế? Vào đây làm chén nước.

    Tôi vâng dạ bước vào nhà. Lão Cải đưa chiếc khăn cho tôi xem và bảo:

    - Chú xem có đẹp không?

    Chiếc khăn tay thêu hình bông hoa với đôi chuồn chuồn, vừa nhìn là biết lão Cải được bà nào tặng. Tôi ngờ ngợ, nhìn lão đầy nghi hoặc:

    - Bác Cải yêu ai rồi đúng không.

    Lão cải không trả lời chỉ cười lên khanh khách, khuôn mặt thì đỏ lên như người uống rượu. Tôi dướn người về phía lão thì thầm:

    - Nói cho cháu nghe xem nào, ai tặng bác cái khăn này?

    Lão Cải gãi đầu, trông lão hiện giờ như một cậu trai mới lớn lần đầu thú nhận chuyện tình yêu. Lão cười nói:

    - Tôi nói, nhưng chú không được kể với ai.

    Tôi giơ tay lên trời mặt nghiêm trang:

    - Cháu thề nếu cháu tiết lộ thì chết không nhắm mắt.

    Lão Cải đổi mặt hốt hoảng:

    - Ấy chết, tôi có cần chú thề độc đâu, tôi tin chú mà.

    Rồi lão nói thật khẽ:

    - Là bà Mơ.. bà Mơ bán bún đậu mắm tôm ở chợ ấy, chú biết không?

    Tôi nghĩ ngợi một chút rồi à lên:

    - Có phải bà Mơ góa chồng, nhà ở gần miếu không?

    Lão Cải gật đầu lia lịa:

    - Đúng rồi đấy, chính là bà ấy.

    Thật không thể ngờ, đến tuổi thất thập lão Cải lại trúng tiếng sét ái tình. Sinh hoạt ở tổ văn nghệ người cao tuổi xóm được ít lâu lão đã bén duyên với bà Mơ bán bún.

    Bà mơ này tuy tôi không biết nhiều, nhưng cũng có mấy lần ăn sáng chỗ bà ấy, thấy cũng là người hiền lành tử tế, nói năng điềm đạm. Lão cải không dấu được niềm tự hào về người yêu, lão bảo:

    - Bà Mơ hát hay nhất hội, chả thế mà lần nào hội làng bà ấy cũng được hát chính.

    Tôi không dấu được tò mò hỏi lão:

    - Thế bác với bà mơ công khai chưa?

    Lão cải giẫy nẩy lên:

    - Ấy chết, ngoài những lúc sinh hoạt chung, cũng chỉ mới vài lần bí mật gặp gỡ thôi chú ạ. Cũng đều già cả rồi, còn con cái nữa, biết chúng nó có ủng hộ không?

    Tôi gật đầu:

    - Bác cẩn thận thế cũng phải, nhưng thực tế mà nói, con chăm cha không bằng bà chăm ông, nếu hai bác thật sự tâm đầu ý hợp thì tiến tới với nhau cũng chẳng có gì sai mà phải ngại. Có bầu có bạn chăm sóc lẫn nhau không phải hơn sao.

    Lão Cải nói:

    - Chuyện ấy còn xa lắm chú ạ, cũng chỉ là đang tìm hiểu. Thấy hợp nhau cho nên hay tâm sự thôi.

    Trước khi ra về, lão Cải một lần nữa nhắc:

    - Chú nhớ giữ bí mật cho tôi đấy nhé, đừng nói ra kẻo chết tôi.

    Tôi cười tươi:

    - Được rồi bác yên tâm, hay là cháu thề độc thêm lần nữa?

    Lão Cải cũng cười và xua tay:

    - Thôi, không cần, chú về đi!
     
  4. Hồi Ức second

    Bài viết:
    57
    chương 3: Trở về cô độc

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Không biết chuyện tình của lão Cải tiến triển đến đâu, chỉ biết một hôm ở bên này tôi nghe tiếng cãi vã rất lớn bên nhà lão. Lắng tai nghe, tôi thấy mấy câu bập bõm rằng:

    - Bố ơi là bố, bố già rồi, đầu hai thứ tóc mà còn đèo bòng là sao? Bố làm thế có xứng với mẹ chúng con ở trên trời không?

    - Từ mai bố không được gặp gỡ con mụ ấy nữa.. cái ngữ ấy chẳng tốt đẹp gì đâu..

    - Nếu chúng con còn thấy bố qua lại với mụ, chúng con nhất định sẽ không để yên cho mụ.

    Đấy, đại loại là như thế. Tôi đoán chuyện tình của lão Cải toang rồi. Đám con của lão không hiểu vì sao mà biết và vì đâu mà lại phản ứng dữ dội như thế. Đợi cho trời yên bể lặng, tôi mới dám sang nhà lão Cải hỏi han tình hình.

    Nhìn thấy tôi, lão Cải buồn rầu:

    - Chú Thìn đấy à? Chú vào nhà đi!

    Nghe giọng nói thiểu não của lão, tôi hỏi ngay:

    - Làm sao hả bác? Cháu ở bên kia thấy tình hình có vẻ căng quá. Các anh chị bên này không cho bác qua lại với bà Mơ à?

    Lão cải gật đầu. Tôi lại hỏi:

    - Thế làm sao mà họ lại biết chuyện của bác?

    Lão cải ủ dột đáp:

    - Thằng Trình ấy (Trình là con thứ ba của lão), nó bắt được thư qua lại của tôi với bà mơ, nó đưa cho mấy đứa kia xem, xong rồi chúng nó theo dõi tôi chú ạ.

    Tôi thở dài, thầm trách lão, có chuyện gì hai ông bà thì thầm tâm sự là được rồi, thư từ mà làm gì để đến nông nỗi này. Lão Cải còn kể thêm:

    - Tôi đến là không dấu mặt được vào đâu với chúng nó, ai đời bọn nó đến tận quán bà mơ mà mắng chửi người ta có chết không. Không biết bà ấy giờ ra sao nữa.

    Lão Cải vừa dứt câu thì có tiếng gọi ở ngoài cổng:

    - Ông Cải, ông Cải ơi.. chết rồi ông cải ơi, ông có nhà không vậy?

    Nghe giọng gấp gáp, tôi và lão Cải liền chạy ra:

    - Tôi đây, có chuyện gì ấy vậy?

    Người kia liền nói:

    - Thằng Trình bị người ta phang vỡ đầu nhập viện cấp cứu rồi kìa.

    Lão Cải nghe tin loạng choạng suýt ngã. Tôi đèo gấp lão lên bệnh viện tỉnh để xem thằng con trai lão sống chết ra sao.

    Đến nơi mới hay tin thì ra bọn thằng Trình, con Kim, con Nhẫn kéo nhau tới quán bà Mơ quậy khiến thằng con trai bà mơ mới nổi điên, dẫn đầu gấu đến tìm thằng Trình tính sổ, hai bên va chạm thằng Trình bị trúng một gậy vào đầu bất tỉnh nhân sự, nghe nói mất rất nhiều máu.

    Thằng Trình tỉnh dậy nhất nhất đòi kiện thằng con bà Mơ ra tòa. Bà Mơ đến gặp lão Cải khóc lóc xin lão khuyên nhủ thằng Trình đừng kiện thằng Trung con bà, thằng Trình nói với lão Cải:

    - Bố muốn tôi không kiện thằng Trung cũng được, vậy ngoài tiền viện phí ra, nó phải bồi thường cho tôi một trăm triệu, thì tôi sẽ bỏ qua.

    Thằng Trung nghe đến con số ấy thì bức xúc lắm, nó nói:

    - Nếu đã vậy thì cứ để con đi tù, chứ như thế là ức hiếp người quá đáng. Vết thương thì không nghiêm trọng, cùng lắm đền bù năm mươi triệu được rồi, đúng là ăn vạ mà.

    Bà Mơ khóc ròng:

    - Mẹ không nỡ để con đi tù con ơi..

    Lão Cải nói:

    - Tôi thật xấu hổ với bà, là tôi không biết dậy con, để chúng nó tự tung tự tác làm ra những chuyện vô lương tâm như vậy. Bà với cháu cứ bình tĩnh để tôi đi khuyên nhủ nó thêm lần nữa.

    Thằng Trình tính dựa vào vụ này để moi tiền nhà bà Mơ, thấy lão Cải khuyên con không ăn thua, tôi mới góp vào vài câu:

    - Kết quả giám định của bác sĩ cũng cho thấy là vết thương của anh không nghiêm trọng, dù sao cũng là người làng, anh Trình nên giơ cao đánh khẽ, bắt đền năm mươi triệu là được rồi. Anh nghĩ mà xem, nếu cứ nhất quyết đòi một trăm triệu, thằng Trình không có tiền chấp nhận ngồi tù thì coi như anh Trình cũng chẳng được gì. Cùng lắm chỉ được thanh toán số tiền viện phí.

    Thằng Trình ngồi im không nói gì, tôi biết nó đang tính toán cân nhắc thiệt hơn. Lần trước nghe lão Cải nói nó đang gom tiền để buôn hàng miền nam gì đó cho nên chắc chắn sẽ không bao giờ bỏ qua cơ hội ngàn vàng này. Đừng nói là năm mươi triệu, ba mươi triệu với nó bây giờ cũng quý.

    Quả như tôi nghĩ, nửa ngày sau thằng Trình bảo với lão Cải là nó đồng ý bắt đền thằng Trung năm mươi triệu. Chuyện thế là được giải quyết nhưng mối tình của lão với bà Mơ cũng chấm dứt từ đây

    Lão cải lại trở về cuộc sống cô độc như trước cho tới một ngày:

    - Chú Thìn.. chú thìn có nhà không?

    Tôi mở cửa, cài nốt cái cúc áo, ngó ra ngoài sân, thấy lão Cải đang hớt hải chạy vào:

    - Có chuyện gì thế hả bác Cải?

    - Chú cho tôi tá túc nhờ ở đây!.. hễ có ai hỏi tôi, nhớ bảo là không biết nhé!

    Tôi ngơ người còn chưa kịp hiểu chuyện gì lão đã chui tọt vào nhà rồi ngồi nín thít ở trong ấy, tôi trở vào, đóng cánh cửa lại, nhìn lão không dấu được tò mò:

    - Bác sao thế? Bác trốn ai à?

    Lão Cải không trả lời đưa ngón tay lên miệng làm dấu: Suỵt.

    Tôi lại ngó ra bên ngoài lần nữa, rồi quay lại nhìn lão nói:

    - Không có ai đâu, rút cục bác đang trốn ai?

    Tôi vừa dứt câu thì ở bên ngoài có người gọi lớn:

    - Ơ.. chú Thìn.. chú Thìn có nhà không?

    Tôi cẩn thận hé cửa trông ra cổng, một người phụ nữ nhìn rất quen đang đứng. Lão Thìn níu lấy tay tôi nói thì thào:

    - Nhớ nói tôi không có đây nhé!

    Tôi gãi đầu vâng dạ rồi chạy ra cổng:

    - Cô tìm ai ạ?

    - Chú Thìn đấy phải không? – chú không nhận ra tôi à? Tôi.. Mận đây, Mận bán thịt ở chợ hôm đây mà, tôi là họ hàng bên bà Cải. Bọn thằng Quốc thằng Trình phải gọi tôi bằng dì!

    Tôi à lên một tiếng, tôi nhớ ra rồi, bà Mận này tôi đã có dịp gặp trong đám giỗ bà Cải. Tôi gật đầu:

    - Vâng, cháu chào cô, cô đến tìm cháu có việc gì không ạ?

    Bà Mận tươi cười:

    - Tôi sang hỏi xem ông Cải có ở bên này hay không? Ông ấy vừa ở nhà mà thoáng đã chạy đi đâu, tôi tìm ông ấy về ăn cơm, trưa rồi còn gì.

    Tôi ớ người, nhất thời máu lên não chậm, "sao lại tìm ông Cải về ăn cơm nhỉ, thế là thế nào?". Người phụ nữ thấy mặt tôi nghệt ra thì giải thích:

    - Chẳng là tôi có miếng thịt ngon, đem sang biếu anh Cải, sẵn tiện nấu hộ anh ấy bữa cơm, giờ nấu xong mà không biết anh ấy đi đâu.

    Bà Mận chỉ trong nháy mắt đã đổi từ "ông Cải" thành "anh Cải". Mới nghe da gà tôi hơi nổi lên. Tôi ấp úng:

    - Dạ.. thế.. chắc bác ấy đi loanh quanh đâu đó chứ không sang đây đâu ạ.

    Bà Mận nghe vậy liền chào:

    - Thế ạ, thế thôi tôi chào chú nhá

    Tôi chào lại rồi vội khép cổng đi thẳng vào nhà. Tôi nhìn lão Cải mà cười không ngậm được mồm. Lão ra chiều phật ý, hờn dỗi nói:

    - Chú còn cười được.

    Tôi trêu:

    - Chết thật, bác Cải đào hoa quá, cháu đây phải xách dép chạy theo dài dài.

    Lão Cải cau có:

    - Chết đấy chú ạ.

    Tôi nói:

    - Có gì phải chết. Có người quan tâm bác, sao bác lại không vui.

    Lão Cải bực bội:

    - Bà ấy nói là dì của bọn thằng quốc đúng không? Chẳng qua chỉ là dì họ mà thôi, không phải dì ruột đâu. Bà ấy là do bọn thằng quốc đem đến để gán ghép cho tôi đấy.

    Thấy tôi không hiểu, lão Cải giải thích thêm:

    - Tụi nó bảo sợ tôi cô đơn cho nên nhờ bà ấy qua lại chăm sóc cho tôi. Hừ, tôi còn lạ gì chúng nó, chúng nó có mà cho người giám sát tôi thì có. Lần trước chuyện tôi với bà Mơ, chúng nó nhất quyết ngăn cản là vì sợ tôi đem tiền cho gái, chứ nào có phải là nghĩ đến mẹ chúng nó đâu.
     
  5. Hồi Ức second

    Bài viết:
    57
    chương 4: Âm Mưu

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nghe lão cải nói, tôi cũng thấy mừng vì hình như lão có vẻ khôn ra.

    Tần suất xuất hiện của bà Mận ngày một dầy. Ban đầu bà ta chỉ đến ban ngày, bây giờ còn đến vào cả buổi tối, có khi còn ngủ luôn qua đêm ở nhà lão Cải nhất quyết không chịu về.

    Chết nỗi, bà Mận này lại không có chồng, trước nay vẫn ở một thân một mình cho nên không có gì vướng bận. Một lần, tôi ở ngoài vườn, vô tình nghe thấy bà ta nói chuyện qua điện thoại:

    - Dì đã cố lắm rồi, ngọt nhạt, dụ dỗ đủ kiểu mà ông ấy không chịu nói chỗ dấu tiền.. mà.. ông ấy hắt hủi dì lắm.. toàn đuổi dì thôi.. thôi được rồi, vì chúng mày đấy nhá, tao sẽ cố..

    Tôi đứng sững hồi lâu, thì ra bà Mận này đúng là do bọn thằng Quốc cử đến để dò la chuyện tiền nong của lão Cải chứ không chỉ đơn thuần là canh chừng để lão không đi hẹn hò người khác. Tôi chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm, sao lão Cải lại có những đứa con như vậy. Mong sao lão đủ tỉnh táo để không mắc mưu tụi nó. Dù vậy tôi biết lão vẫn còn hay mủi lòng lắm. Chỉ cần mấy đứa con về nhà ngọt nhạt là lão lại lôi hết ruột gan ra cho mà xem.

    Tôi nói có sai đâu, chỉ mấy hôm sau, chuyện lão bán ruộng đã lan ra khắp làng. Tôi hỏi lão:

    - Bác bán ruộng hả bác Cải?

    Lão Cải buồn rầu đáp:

    - Ừ, tôi bán rồi chú Thìn ạ. Thằng Quốc nó xin tôi tiền để mua xe chạy taxi.

    Tôi liền nói:

    - Vậy chắc là bác cũng cho nó luôn số tiền tiết kiệm rồi chứ gì?

    Lão Cải gật đầu thay cho lời xác nhận. Tôi ôm đầu, không ngờ những gì tôi dự đoán lại là sự thật. Lão cải ơi là lão cải. Tôi thầm khóc thay cho lão ở trong lòng. Tôi nói:

    - Bác cho hết như thế, đến lúc ốm đau bác lấy cái gì mà dùng?

    Lão Cải thở hắt ra:

    - Đến lúc ấy chúng nó phải lo cho tôi chú Thìn ạ.

    Tôi không nói năng gì thêm nữa. Hi vọng là sẽ được như lời lão nói, lũ con của lão sẽ còn chút lương tâm và thương người cha già tội nghiệp.

    Nhưng có vẻ ông trời thích trêu người, lão Cải không được yên thân, hôm sau, mấy đứa con còn lại của lão kéo tới cãi nhau ỏm tỏi. Chúng nó về đòi lão phải công bằng, vì lão cho thằng Quốc mà không cho chúng nó. Con Kim (đứa con thứ hai của lão) nói:

    - Anh quốc thì bố cho ruộng, cô Nhẫn thì bố cho Trâu, còn lại ba đứa chúng con chưa được cái gì, thế là không công bằng.

    Lão Cải ngồi lặng thinh chẳng biết nói gì. Thằng Kế, đứa con thứ tư lên tiếng:

    - Chị Kim nói đúng, hay là bây giờ bố đem số vốn mà trước kia bố nói ấy, chia đều cho chúng con, mỗi đứa một phần, bố chả bảo sau này sẽ cho bọn con làm ăn còn gì. Thôi thì đằng nào cũng cho, bây giờ cho luôn đi.

    Lão Cải ngập ngừng:

    - Bố..

    Khổ thân lão, vì chuyện số tiền kia vốn là do lão bịa ra để lừa tụi nó, chứ lão nào có vốn liếng gì.

    Lũ con lão thấy bố không nói năng gì thì càng làm già, chúng nó hung hăng như hổ đói:

    - Anh quốc, cô Nhẫn thì bố không tiếc, chúng con thì bố lại không cho một cắc, thế thì sau này bố có ra sao cứ gọi hai người ấy đến mà lo cho bố.

    Đúng là lòng dạ con người chỉ có đồng tiền mới đo đếm được. Bộ mặt thật của đám con lão Cải giờ đây đã lộ rõ. Buồn thay cho lão.

    Lão Cải ốm mất mấy ngày, không một đứa con nào tới thăm nom, chỉ có bà mận vẫn thường hay lui tới.

    Một chiều đi làm về tôi bỗng hay tin lão Cải bị đột quỵ phải đưa vào viện cấp cứu. Lo lắng cho lão tôi vội vã tới viện hỏi thăm, tới trước cửa phòng thấy mấy đứa con lão đang đứng ngoài tranh cãi, tị nạnh nhau chuyện chăm bố ở trong viện, tôi không nói gì chỉ chào rồi xin phép vào với lão.

    Trông lão Cải thật tiều tụy, khuôn mặt hốc hác, miệng méo xệch sang một bên. Nghe bác sĩ nói từ nay lão sẽ nằm liệt giường.

    Bẵng đi hai tuần kể từ ngày lão Cải đổ bệnh, tôi sang nhà thăm lão, nhìn lão nằm đó chỉ xoay được cái đầu và liếc hai con mắt tôi thấy xót xa lắm.

    - Bác Cải hôm nay có đỡ hơn không?

    Tôi hỏi dù biết lão chẳng thể trả lời, chỉ ú ớ và chớp mắt, Quốc ngồi cạnh trả lời thay cho bố:

    - Ông cụ vẫn thế, không có tiến triển gì hơn, cái bệnh này sợ là mất nhiều thời gian lắm.

    Tôi gật đầu:

    - Anh quốc chịu khó tập vật lí trị liệu cho bác khả năng bình phục sẽ nhanh hơn. Nếu mình không làm được thì thuê nhân viên y tế người ta làm anh ạ.

    Quốc nhìn tôi vẻ lực bất tòng tâm:

    - Nói thật với chú, anh thì anh không tiếc ông già cái gì, có điều dạo này làm ăn bết bát quá nên có chút kẹt. Đấy, hôm trước để lo viện phí cho ông già, anh đã phải bán cả con xe làm ăn đi đấy..

    Quốc định kể công thêm nữa thì ở ngoài có tiếng đàn bà nói vọng vào:

    - Gớm anh quốc bán xe là để trả nợ cho mấy thằng chủ sòng bài chứ viện phí nào cho bố.

    Đó là Kim – con gái thứ của lão Cải. Nghe thấy em gái nói vậy, quốc vừa bực vừa xấu hổ cãi:

    - Cô biết gì mà nói, thế viện phí của bố không có phần của tôi chắc.

    Kim vẫn không buông tha:

    - Thì viện phí chia đều cho năm anh em, lẽ dĩ nhiên là phải có phần anh rồi, có điều chưa nói đến chuyện anh là anh cả, chỉ riêng lúc trước bố bù trì cho anh nhiều nhất đáng lẽ khi bố gặp chuyện anh phải đứng ra mà lo nhiều nhất mới phải.

    Quốc cứng họng, nuốt nước bọt ngồi im không nói năng gì nữa. Kim quay qua tôi cười cười:

    - Anh Thìn sang chơi ạ? Lúc trước còn khỏe bố em hay qua nhà anh, giờ nằm liệt thế này không sang bên ấy được nữa chắc là nhớ anh lắm. Anh chịu khó năng sang đây trò chuyện cho ông cụ khuây khỏa, biết đâu khỏi bệnh rồi ông cụ lại nhận anh làm con nuôi.

    Tôi biết Kim đang nói mát mình thì chỉ từ tốn bảo:

    - Hàng xóm láng giềng với nhau, bác Cải từ trước đến nay sống với mọi người có trước có sau, bác bệnh thế này ai cũng thương. Tôi cũng coi bác Cải như cha, nhận hay không chỉ là cái danh, đối với nhau như thế nào mới là quan trọng.

    Kim thấy tôi nói thế thì không nói gì thêm nữa, nó nhìn sang Quốc:

    - Anh Quốc, hôm nay đến lượt em chăm bố rồi, anh không còn việc gì thì về đi.

    Quốc đứng dậy nói với ông Cải:

    - Thôi, bố nghỉ ngơi, con về đây, hễ mà rảnh lúc nào con lại sang thăm bố lúc ấy.

    Rồi quốc quay sang tôi chào:

    - Anh Thìn ở lại chơi, tôi đi trước.

    Tôi gật đầu chào lại: - vâng anh đi- đoạn tôi cũng đứng lên chào lão Cải và Kim để ra về.

    Bước ra đến sân vẫn còn nghe được giọng của Kim dỗ ngọt ông Cải:

    - Con nấu cháo sườn đây, bố ăn cho nóng.. mấy đứa kia đúng là chả ra gì, bố ốm mà không có lấy bát cháo, cân hoa quả mang tới.. mồm thì lúc nào cũng ra vẻ thương bố lắm, toàn một lũ nói hay hơn làm.. ấy, bố ăn chậm thôi..

    Tôi lắc đầu ngán ngẩm, đi được vài bước thì giật mình ngẩng lên, Nhẫn đã ở trước mặt tôi từ lúc nào, tôi toan cất tiếng chào thì ả đã lướt qua tôi không quên tặng kèm một cái lườm cháy mặt, ả hùng hổ vào nhà giọng chua ngoa:

    - Chị bảo ai nói hay hơn làm thế?

    Đáng lẽ tôi không nên nghe lén chị em họ nói chuyện, nhưng thấy vẻ mặt Nhẫn lúc nãy tôi sợ rằng sẽ có cãi nhau cho nên cố tình nán lại, có gì còn can ngăn, nếu không lại khổ cho lão cải. Kim thấy em gái tới thì có vẻ không vừa lòng. Kim khó chịu:

    - Ơ hay, tuần này tôi chăm bố cơ mà, đã đến lượt cô đâu, tới đây làm gì?

    Nhẫn khinh khỉnh đáp:

    - Chị vừa bảo không có đứa nào ngó ngàng đến bố còn gì. Tôi đến thăm bố không được hay sao. Tưởng chỉ có mình chị thương bố chắc.

    Nhẫn quay sang ông Cải giọng ngọt xớt:

    - Bố. Con đến thăm bố, hôm nay bố thấy khá hơn chưa? Con mua cam sành cho bố đây, để con gọt cho bố ăn.

    Kim lườm em:

    - Lúc bình thường chả thấy hỏi han gì, giờ thấy mùi tiền thì..

    Nhẫn nghe Kim lẩm bẩm thì trừng mắt:

    - Chị nói cái gì thế?

    Kim đánh trống lảng:

    - Bố, bố ăn thêm mấy miếng nữa đi bố.. chiều nay con hầm chim bồ câu cho bố tẩm bổ.
     
  6. Hồi Ức second

    Bài viết:
    57
    chương 5: Bất Hiếu

    -


    Bấm để xem
    Đóng lại
    ối giời ôi cái gì thế này? Thối quá đi mất thôi!

    Tôi bước tới ngưỡng cửa nhà lão Cải thì nghe thấy giọng đàn bà thốt lên, rồi bà mận từ trong buồng lao ra, vừa quạt vừa lấy tay bịt mũi. Mụ hấp tấp va phải tôi, tôi liền hỏi:

    - Sao thế bà Mận? Có chuyện gì?

    Bà Mận hớt hải:

    - Ơ.. chú Thìn đấy à? Chú.. chú vào xem rồi thay bỉm cho ông Cải hộ tôi cái, không biết ông ấy ăn trúng thứ gì mà bị tiêu chảy rồi, phân tràn cả ra.. kinh quá. Con đĩ Nhẫn, nay là ngày nó trông ông ấy đây mà, ban nãy nó gọi tôi nhờ trông bố giùm, bảo là đi có việc gấp, té ra là nó lừa tôi sang cốt để thay bỉm cho ông cụ giùm nó. Con đĩ.. kinh quá.. thôi tôi về đây.. chú giúp ông ấy đi!

    Nói rồi mụ chạy biến, vừa chạy vừa khạc nhổ tùm lum. Tôi vào trong buồng lão Cải và gọi:

    - Bác Cải, cháu đây, để cháu thay bỉm cho bác.

    Tôi mở cửa sổ cho thông khí, rồi đi lấy chậu thau và nước sạch để lau người cho lão. Xong đâu đấy tôi đến cạnh giường ngồi xuống nắn bóp chân tay, Lão Cải nhìn tôi nước mắt ứa ra, môi mấp máy muốn nói mà không thành lời. Tội nghiệp cho lão.

    Nhìn quanh quất trong phòng, bên trên cái bàn uống nước bày la liệt đồ ăn thức uống, hoa quả, có thứ đã thiu thối, muỗi mát bay đầy. Tôi chép miệng, lão Cải ăn những thứ này không đi ngoài mới lạ. Lũ con vì muốn lấy lòng ông bố già mà cố tình nài ép ông ăn hết thứ này đến thứ khác. Bổ béo đâu chưa thấy chỉ thấy đi ngoài ra nước.

    Mặt lão Cải bỗng nhiên nhăn nhó, tôi lo lắng hỏi:

    - Bác cải, bác sao thế?

    Mặt lão Cải tái mét, tiếng xì hơi rất to:

    - Bác đau bụng hả? Để cháu đưa bác đi bệnh viện.

    * * *

    Lão cải nhập viện cả tiếng đồng hồ mới thấy từng đứa con lão vác mặt đến. Thấy tôi chúng liền hỏi dồn:

    - Bố tôi làm sao thế hả anh Thìn? Sao đang yên đang lành lại nhập viện.

    Tôi lạnh lùng đáp:

    - Bác sĩ nói bác Cải bị rối loạn tiêu hóa. Bác ấy nằm liệt rồi không chủ động được việc gì, các anh các chị chăm sóc cho cẩn thận.

    Lũ con lão cải biết tôi đang nói ý vụ chúng ép bố ăn uống tẩm bổ để đến nông nỗi như này thì cúi mặt không dám nói câu gì. Quốc lên tiếng:

    - Cám ơn anh Thìn đã đưa bố tôi vào viện. Hôm nào tôi nhất định sang nhà cảm ơn.

    Tôi xua tay:

    - Không cần đâu, các anh chị cứ chăm sóc tốt cho bác là được. Thôi tôi xin phép.

    Tôi ra về mà trong lòng ngổn ngang bao nhiêu suy nghĩ về lão Cải, không biết sau này lão sẽ ra sao.

    * * *

    Nhưng suy nghĩ của tôi là thừa, vì chỉ một tháng sau lão Cải đột ngột qua đời. Sự ra đi chóng vánh của lão khiến tôi ngỡ ngàng. Ông trời bất công với lão quá.

    Bao lâu nay tôi đã quen với sự hiện diện của lão, tôi coi lão như người cha già, không được nói chuyện với lão tôi thấy lòng trống trải.

    Bữa nay nghe tiếng kèn, tiếng trống, tiếng khóc than của đám con cháu nhà lão vọng sang tôi thấy ruột gan càng não nề.

    Đến chiều thân xác lão cải đã nằm dưới ba tấc đất, tôi cầm một hòn đất ném xuống huyệt của lão thầm thì:

    - Bác Cải, bác ra đi thanh thản, ông trời đang thương bác đấy, không muốn bác phải sống tiếp cuộc sống khổ ải này. Cháu vẫn sẽ năng qua lại bên nhà thắp hương cho bác.

    Dứt lời bên tai tôi chợt có giọng nói: "Ở trên xà nhà".

    Tôi giật mình nhìn sang hai bên, những người bên cạnh tôi, ai nấy đều đang sụt sùi, kẻ lau nước mắt, kẻ thắp hương. Lạ thật, không hiểu giọng nói ấy ở đâu ra nữa, nhưng nó rất giống.. giọng lão Cải. Tôi hơi rùng mình, chắc là bản thân quá thương tiếc lão nên tưởng tượng ra mà thôi.

    * * *

    Ba ngày mất của lão Cải, đám con cháu của lão tụ tập làm cơm cúng, ngồi ở nhà mình dù không cố ý tôi cũng có thể nghe thấy tiếng cãi vã không ngớt. Đầu tiên là giọng của thằng Quốc:

    - Nói cho chúng mày biết, tao là con trưởng, sau này chuyện giỗ chạp của bố là tao lo liệu, phong bì phúng viếng tao cầm là đương nhiên.

    Tiếng những đứa kia nhao nhao lên cãi:

    - Anh định độc chiếm tiền viếng hả, này, nói cho mà biết, chuyện ma chay của bố là mấy anh em cùng nhau đứng ra lo, giỗ chạp sau này thì nhà ai người ấy làm. Tốt nhất là anh mau chia số tiền kia ra, không là không xong với chúng tôi đâu.

    Lời qua tiếng lại ỏm tỏi khiến nhà lão Cải như vỡ chợ, một lát tôi thấy thằng quốc ở trong nhà chạy ra, theo sau là thằng Trình cầm trên tay con dao dượt đuổi. Những cái dép cái guốc cũng cứ thế mà bay theo tới tấp. Cả xóm được chứng kiến một màn không biết là bi hay hài.
     
  7. Hồi Ức second

    Bài viết:
    57
    chương 6: Ngôi Nhà Có Ma

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Bọn chúng đuổi nhau chán chê thì quay lại, đứa nào đứa nấy mặt đỏ tía tai như gà sống thiến. Lần này từ trong nhà đến lượt con Nhẫn chạy vọt ra mặt cắt không còn giọt máu, nó ngã sõng xoài ra sân, đầu gối tóe cả máu, nó vừa khóc vừa chắp tay mà vái:

    - Lạy bố, bố sống khôn chết thiêng, bố đi đầu thai đi đừng về đây nữa..

    Mấy đứa kia thấy lạ thì hỏi:

    - Mày làm sao vậy Nhẫn..

    Con Nhẫn chỉ tay vào trong buồng mà kêu:

    - Bố.. bố ở trong ấy.. em.. em vừa thấy bố!

    Mấy đứa kia đang sẵn cơn giận trong người, thấy con em út nói giọng điên khùng thì không nhịn được chửi:

    - Sư bố con điên, nói nhăng nói quậy.

    Con Nhẫn khóc giống lên:

    - Em thấy thật mà..

    Rồi nó kể lại sự tình: Lúc các anh chị của nó mải đuổi nhau thì nó vào buồng của ông cụ để lục xem ông cụ còn giấu tiền ở đâu không, lúc nó mở đến tủ quần áo thì chao ôi.. tim nó muốn rớt ra ngoài vì.. ông cụ đang đứng ở trong đó nhe hàm răng trắng ởn ra cười. Nó sợ quá chạy mải, đầu va vào thành giường đến giờ đã sưng u thành một cục to tướng.

    Bọn con Kim, thằng Kế thằng Trình cho là đứa em nhìn gà hóa cuốc mới vào trong buồng mở tủ quần áo kiểm tra. Thằng Kế chửi:

    - Tổ sư con đĩ, mày vào mà xem, bố con dồ. Có bộ quần áo với cái mũ thôi mà tưởng tượng vớ vẩn.

    Con Nhẫn hồi hộp bám tay thằng Trình vào coi thử, nhìn kĩ thì quả thật trong tủ có bộ quần áo cánh nâu với cái mũ treo bên trên thoạt nhìn qua rất giống người đang đứng. Tuy thế nó vẫn không tin hình ảnh ban nãy chỉ là ảo giác, rõ ràng nó thấy cả mặt ông cụ đang cười với nó, giống như ông cố tình ở đó đợi, chỉ chờ nó mở cánh tủ là hù.

    Sau vụ ấy con Nhẫn nhất định không dám ở nhà ấy một mình thêm lần nào nữa. Chỉ còn bốn đứa kia vẫn thay nhau sang ở.

    * * *

    Một buổi trưa nọ, thằng Quốc đang nằm nghỉ trên võng, vừa nhắm mắt vừa hát khe khẽ một bài vẻ rất yêu đời, bỗng dưng cái võng như có ai dùng hết sức mà lật úp, thằng Quốc ngã bổ nhào xuống đất, nó ngã bất ngờ, mặt đập xuống nền gạch máu mũi chảy ra dòng dòng. Điên máu, thằng Quốc gầm lên:

    - Đứa nào.. đứa nào lật võng tao, ra đây..

    Thằng Quốc nhìn quanh quất trong nhà không thấy ai liền chạy ra ngoài, đúng lúc thấy mụ Mận đi vào, Quốc túm lấy mụ mà chửi:

    - Bà vừa lật võng của tôi đúng không? Bà nhìn đi, tôi làm gì bà mà bà làm cho tôi ra nông nỗi này.

    Bà Mận nhìn thấy mặt thằng Quốc be bét máu thì kinh khiếp run lên:

    - Ơ.. tao làm gì mày? Tao vừa đi vào nhá, mày đừng có đổ điêu cho tao.

    Thằng Quốc dù trong lòng không nghĩ là bà Mận làm nhưng mà ở đây chẳng có ai ngoài nó và mụ, nó gằn giọng:

    - Không phải bà thì ai, thế bà đi từ ngoài vào có thấy ai trong này chạy ra không?

    Bà Mận lắc đầu quầy quậy:

    - Tôi không thấy, có khi nào cậu nằm mơ rồi bị lật võng không?

    Thằng Quốc buông mụ ra chửi:

    - Mơ mơ cái đầu của bà ấy.

    Nó lấy khăn lau máu trên mặt vẫn không hiểu tại sao mình bị té. Nó khó chịu hỏi bà Mận:

    - Bà đến đây làm gì?

    Mụ mận nói luôn:

    - Cậu cho tôi xin tiền.

    Thằng Quốc trố mắt:

    - Tiền gì mà xin?

    Mụ Mận cao giọng:

    - Cậu chóng quên thế? Trước khi ông cụ mất cậu hứa hẹn ra sao? Bây giờ cậu định vỗ tuột phải không? Này.. không ăn không của con này được đâu.

    Thằng Quốc ậm ờ:

    - Ừ thì.. không phải tôi quên.. mà là giờ tôi chưa có.

    Mụ Mận lại nói:

    - Chưa có nhiều thì có ít, trả cho tôi còn về, hôm nọ các cô cậu chả chia phong bì tiền viếng rồi còn gì.

    Thằng Quốc hừ một tiếng, rút ví đưa cho mụ:

    - Mụ cầm tạm đi, tôi chỉ còn ngần này thôi, tiền viếng chia ra cho 5 đứa, không bõ dính răng. Khi nào tìm được chỗ dấu kia của ông cụ, tôi trả mụ đầy đủ.. mà đấy, gài mụ vào làm gián điệp để moi tiền ông ấy mà mụ có làm được đâu, cái này tôi sẽ trừ tiền đi đấy nhá.

    Mụ Mận nhìn mấy đồng bạc Quốc đưa cho thì rít lên:

    - Này, bà đây không đi ăn xin đâu nhá, mày cầm mấy cái đồng rách này về mà mua váy đụp cho con vợ mày. Bà nói cho mà biết, hôm nay không trả cho bà thì đừng hòng bà bước.. bà ăn vạ ở đây cho mày biết mặt.

    Thằng Quốc ngứa gan, nó chỉ tay vào mặt mụ:

    - Con mụ già trắc nết này, thế lúc ban đầu là ai xúi tôi, rồi ai bảo là khi nào có tiền thì trả. Ai tự nguyện đến ăn dầm ở dề nhà bố tôi..

    Mụ Mận đay đả:

    - Thế giờ là mày nhất quyết không trả tiền tao đúng không?

    Mụ mận vừa nói vừa sáp tới nắm tóc thằng Quốc mà giựt, tay còn lại vừa cào vừa cấu. Thằng Quốc điên tiết túm gáy mụ, sức bà già không lại được sức thanh niên, thằng Quốc vừa chửi vừa dập đầu mụ xuống nền gạch, máu mồm máu mũi chảy ra be bét.

    Hàng xóm nghe tiếng kêu cứu thì chạy sang. Thấy cảnh ấy thì lao vào can. Mụ Mận được đưa đi viện, mất ba cái răng cửa. Sau vụ đó thằng Quốc phải đền cho mụ ba mươi triệu.
     
  8. Hồi Ức second

    Bài viết:
    57
    chương 7: Xui Xẻo

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Toàn những chuyện xui xẻo xảy ra liên tiếp khiến thằng Quốc phát điên: Lái xe thì gây ra tai nạn bị giữ bằng, buôn bán thì lỗ vốn, đánh người nhập viện phải đền tiền, vợ hắn sắp đến ngày sinh con thì bị lưu thai. Chủ nợ xã hội đen cũng truy lùng dáo diết.

    * * *

    - Này, ở đây phải không?

    - Đúng rồi, chính là chỗ này, mau đào đi anh!

    Đó là hai thằng Trình và Kế, không biết chúng nó tìm gì mà mang theo cuốc xẻng ra vườn đào đào bới bới. Cái hố đã sâu hơn một mét, thằng Trình nhăn nhó:

    - Mày có chắc ở đây không kế?

    Thằng Kế lau mồ hôi trên trán quả quyết:

    - Em thề, rõ ràng em mơ thấy bố, bố chỉ cho em đúng cái chỗ này mà lại. Cố đào thêm chút nữa đi,

    Hai thằng lại tiếp tục đào, thằng Trình bỗng lại la lên:

    - Ơ này, tao thấy cái gì đó.

    Trình và Kế ngồi thụp xuống hố dùng tay vét đất, moi lên một đống mảnh sành và giẻ rách. Thằng Trình tức điên, nó nhảy lên trên chửi thề:

    - Khốn kiếp, kho báu của mày đấy hả kế. Đấy, bố chỉ cho mày thì mày hốt lấy mà dùng, rõ là xui xẻo mà. Sao tao lại ngu dại đi tin theo mày không biết.

    Thằng kế mặt méo xệch không dám cãi. Rõ ràng trong giấc mơ đêm qua ông cụ đã về chỉ điểm cho nó kho báu ở đây mà. Thằng trình ra bể múc nước rửa tay, nó vừa cúi mặt xuống bể thì hốt hoảng ngã ngửa ra sau đất la oai oái:

    - Ma.. có ma.. kế ơi..

    Thằng Kế chạy tới thấy bộ dạng của anh trai thì hoảng sợ lây, nó nhìn quanh quất rồi vớ lấy cây gậy gần đấy khua loạn:

    - Ma, ma ở đâu? Ở đâu?

    Thằng Trình chỉ tay vào bể nước:

    - Trong.. trong bể.. tao thấy..

    Thằng Kế bấy giờ lấy lại bình tĩnh, vuốt mồ hôi trên mặt, nó gắt:

    - Anh điên rồi anh Trình ạ. Ma cỏ đâu ra, đừng làm người khác sợ chứ!

    Nhưng thằng Trình quả quyết:

    - Không.. tao không nhầm đâu.. tao thấy bóng của ông già trong bể nước, nhe răng cười.. ghê.. ghê quá!

    Thằng Kế bực tức nói:

    - Có mà anh nhe răng thì có. Thôi, anh không muốn tìm chỗ dấu của của bố thì anh về đi, nay là ngày gì mà xui thế không biết.

    Thằng Trình thấy em định bỏ đi thì vội đứng dậy chạy theo:

    - Đợi tao với..

    Thằng Kế vào trong nhà tìm cái ống điếu và bắn một bi thuốc lào. Trình thấy em trai có vẻ quyết tâm với việc tìm tiền thì không nỡ bỏ cuộc. Nó sợ rằng nếu Kế tìm thấy thật thì sẽ độc chiếm một mình.

    Hai thằng con trai quyết định ở lại trong căn nhà cũ của lão Cải với hi vọng tìm ra kho báu. Vì đã đào đất cả buổi nên Kế thấy mệt trong người, nó vào trong buồng, ngả lưng xuống giường đánh giấc. Còn Trình vì ám ảnh chuyện bóng ma trong bể nước cho nên không dám ở trong mà mắc võng nằm dưới tán cây mít trước sân.

    Nằm đâu được nửa giờ, nó bỗng giật mình nghe tiếng la thất thanh ở trong nhà, rồi thằng Kế lao vọt ra, đến bậc thềm nó hụt chân ngã lăn lông lốc, máu mồm máu mũi túa ra khắp mặt. Nó lồm cồm bò dậy miệng ú ớ:

    - Ơ.. ơ.. ma.. ma.. cứu.. bớ người ta.. cứu..

    Thằng Trình chạy lại kéo em đứng dậy, Kế thấy anh trai thì như người sắp chết đuối vớ được cọc, nó khóc hu hu chỉ vào trong nhà:

    - Anh ơi.. bố về anh ơi.. huhu..

    Thằng Trình lạnh toát sống lưng, nó thực sự rất muốn chạy nhưng hai chân như bị đóng băng không sao nhúc nhích, nó run lẩy bẩy, ở bên cạnh thằng em cũng không kém cạnh:

    - Mày.. mày nhìn.. nhìn thấy gì thế? - trình mãi khó khăn lắm mới cất nên lời.

    - Em.. em đang nằm, thấy dưới gầm giường có tiếng lộc cộc, em ngó xuống để xem.. thì.. thì.. thấy..

    Thằng kế không nói được hết câu, nỗi sợ làm nó cứng cả họng. Lắc tay thằng Trình nó thì thầm:

    - Chạy.. chạy đi anh..

    Nhưng chính bản thân nó cũng không sao chạy nổi. Thằng Trình mãi mới mở được miệng lắp bắp:

    - Không.. không được chạy.. mau.. mau vào thắp hương cho bố..

    Thằng Kế vừa khóc, vừa lẩy bẩy bước theo anh trai một cách không tự chủ. Chính thằng Trình cũng không hiểu được tại sao nó lại không điều khiển được cơ thể mình. Hai đứa đứng trước ban thờ lão Cải, thằng Trình ấn vai kế để nó quỳ xuống, còn bản thân mình thì rút ra ba nén hương để châm lửa. Cái que diêm trên tay nó run lên bần bật rơi lên rơi xuống, mãi mới cháy được. Thằng Trình khấn:

    - Bố ơi bố sống khôn chết thiêng, bố tha thứ cho bọn con.. bố ở dưới ấy có thiếu thốn gì thì bố về báo mộng cho chúng con được biết, chúng con nhất định đốt đầy đủ cho bố..

    Nó vừa khấn xong thì ba nén hương bùng cháy đùng đùng. Thằng Trình hoảng hồn đánh rơi xuống đất. Ngực nó bỗng nhiên đau tức như bị ai đấm. Nó quỳ sụp xuống cạnh Kế, hai anh em cứ như vậy không biết bao nhiêu lâu.

    * * *
     
  9. Hồi Ức second

    Bài viết:
    57
    chương 8: Quả Báo

    Bấm để xem
    Đóng lại
    - Sao nhà cửa lại mở toang hoác thế này? Ai ở trong đấy vậy?

    Có tiếng gọi bên ngoài ngôi nhà lão Cải, rồi bóng phụ nữ đi vào.. đó là Kim.

    - Ôi trời ơi.. anh Trình, Kế, hai người làm sao thế này?

    Kim hốt hoảng lay hai người đàn ông đang phủ phục trước ban thờ, đầu dựa vào nhau như đang ngủ. Bị Kim động vào hai gã liền ngã đổ ra đất.

    Trình và Kế như tỉnh cơn mê, hai gã thấy Kim thì mừng như thấy mẹ về. Bọn chúng ôm lấy chân Kim mà khóc nức nở. Kim không hiểu gì cả, chỉ thấy khó chịu, nó giẫy:

    - Buông ra nào, làm gì thế, mau buông tôi ra, hai cái người này..

    Thằng Kế mếu máo:

    - Chị Kim ơi.. bố về.. bố về chị ơi.. bố.. bố hiện về trách tội chúng ta đó chị ơi..

    Kim tái mặt quát:

    - Điên rồi.. mày điên rồi.. câm mồm.. chả có ma cỏ gì sất, mày chỉ tưởng tượng là giỏi, giống hệt con Nhẫn.

    Thằng Kế chỉ vào Trình nói:

    - Anh Trình cũng thấy mà, phải không anh.. anh nói cho chị ấy biết đi!

    Thằng Trình lặng thinh, khuôn mặt xám ngoét, mồ hôi vẫn còn vã ra trên trán. Thằng Kế lại nói:

    - Chị không tin em thì thôi, nhưng từ giờ trở đi có xảy ra chuyện gì cũng đừng trách em không báo trước.

    Kế bỏ đi, Trình cũng vội vã theo sau, chỉ còn lại một mình Kim, đứng một mình trong căn nhà vắng lặng, Kim bỗng thấy chút lạnh lẽo khó tả. Xoa hai tay lên bả vai, Kim tiến lại trước ban thờ rút một nén hương và châm lửa, Kim khấn:

    - Bố ơi.. bố sống khôn thác thiêng, lúc bố còn sống chúng con đã tận hiếu, bố ra đi thanh thản, ngày giỗ của bố chúng con sẽ cúng bái đầy đủ.

    Nó ngẩng đầu mặt đối mặt với di ảnh.. rồi nó hét toáng lên, đánh rơi cả nén hương.. trên ban thờ, di ảnh của bố nó bỗng nhiên nhoẻn miệng cười.

    * * *

    Kim giật lùi rồi chạy vội ra cửa, trượt chân té nhào xuống bậc thềm bất tỉnh nhân sự.

    * * *

    - Trời ơi.. không biết làm sao lại ra nông nỗi này..

    Nhẫn thốt lên khi bước ra từ trong bệnh viện nơi Kim đang nằm điều trị. Hôm Kim nằm bất tỉnh trước thềm nhà ông Cải, may mắn là được Thìn bắt gặp. Thìn vội đưa ả vào viện, bác sĩ kết luận, Kim bị tai biến giờ đây nửa thân bên phải là không hoạt động được.

    Từ ngày kim nằm liệt mọi sinh hoạt đều phải dựa vào chồng con. Nhưng chồng mụ, từ hôm vợ bị bệnh thì công khai đưa gái về nhà hú hí, hai đứa con trai cũng đùn đẩy chuyện chăm sóc mẹ. Chưa kể Kim liên tục mơ thấy ông Cải trở về đứng ở đầu giường, ả sợ quá đi ngoài không tự chủ, nếu không phải Nhẫn sang thăm và thấy cảnh ấy thì chắc ả sẽ phải nằm trên cái đống bốc mùi hôi thối ấy cả ngày.

    Nhưng Nhẫn cũng như anh và chị nó, gặp toàn những chuyện không may. Lứa lợn sắp đến ngày xuất chuồng bỗng dưng lăn đùng ra chết. Đàn gà mới thả cũng dính dịch bệnh chết hàng loạt.

    Trình và Kế cũng không khá hơn, đứa thì cặp bồ với một bà lớn tuổi bị chồng người ta bắt được đánh cho một trận, đứa thì chơi hụi bị người ta lừa lấy hết tiền rồi cao chạy xa bay.

    * * *

    Sau những chuỗi ngày bị thảm, năm anh em Quốc tụ họp lại quyết định bán căn nhà của ông Cải. Hay tin tôi bèn sang nói chuyện hỏi mua. Không hiểu sao đối với ngôi nhà của lão tôi có một tình cảm đặc biệt, và nhất là với chủ nhân quá cố của nó- Lão Cải- người mà tôi coi như cha và hết lòng kính trọng, tôi muốn giữ lại ngôi nhà cho Lão. Nhớ lại lúc còn sống lão có lần từng nói: "Nếu mà tôi bán nhà, chú Thìn mua lại giùm thì tốt quá. Sau này lũ con của tôi, chúng nó muốn chuộc lại, chú cho chúng nó chuộc nhé. Căn nhà này với tôi nhiều kỉ niệm quá, tôi không nỡ bán cho người ngoài."

    Đem hết tiền tiết kiệm ra và vay mượn thêm một khoản, tôi cũng mua được ngôi nhà của lão Cải. Nhìn đám con của lão chia tiền tôi thầm mong chúng nó sẽ biết dùng tiền ấy mà làm ăn chân chính.

    * * *

    Từ ngày lão Cải mất, tôi hay nằm mơ một giấc mơ kì lạ: Tôi thấy lão Cải đứng ở trong nhà nhìn tôi, tay chỉ lên trần nhà, miệng nói gì đó mà tôi không nghe rõ. Giấc mơ ấy lặp đi lặp lại khiến tôi có cảm giác đó là thật chứ không phải mơ. Lão cải vẫn còn sống và lão vẫn ở đâu đó trong căn nhà cũ.

    Mua xong căn nhà, tôi cầm chổi sang bắt đầu quét tước lau dọn. Ngôi nhà vẫn như trước, bên trong đồ đạc đơn sơ không có gì đắt giá. Đứng giữa gian chính chợt nhớ lại giấc mơ kia, tôi ngó lên, màng nhện đã giăng đầy. Tôi cười, có khi nào lão Cải nhắc tôi quét màng nhện cho lão.

    Tôi về lấy thêm cái ghế đẩu, buộc chổi vào cán tre rồi khua trần nhà, từ chỗ góc xà nhà rơi xuống một cái gói, tôi nhặt lên rồi mở ra coi thử, thật không ngờ bên trong là một thoi vàng. Tôi cầm thoi vàng mân mê trong tay, đó là thứ mà cả đời tôi chưa bao giờ mơ thấy. Cảm giác từ bất ngờ đến sung sướng rồi bối rối, nói cho cùng vật này không phải của tôi, nó là của lão Cải. Giờ tôi biết chắc rằng giọng nói hôm nào ngoài nghĩa địa là của lão. Trên thoi vàng có khắc chữ cổ như là chữ hán hay chữ nôm gì đó, vì không biết chữ hán nên tôi không hiểu nó nghĩa là gì. Tôi phải làm sao đây? Tôi phải làm gì với thoi vàng này? Lão Cải đã chết, không lẽ tôi sẽ đem nó trả cho lũ con của lão hay là giữ làm của riêng?

    Quá bối rối trong trường hợp này bởi nếu lũ con lão Cải là những người làm ăn tử tế, hiểu chuyện thì không nói, đằng này đứa nào đứa nấy tham lam ích kỉ, chỉ nghĩ cho bản thân mình cho nên thực tâm tôi không muốn giao cho bọn chúng. Còn nếu giữ thoi vàng làm của riêng thì tôi lại không dám. Nghĩ nát óc không biết phải làm sao, tôi gói lại thoi vàng đặt vào chỗ cũ.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...