Bộ đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 12 có đáp án

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngân Ngân08, 8 Tháng mười hai 2023.

  1. Ngân Ngân08 Mỹ nữ sỉ lẻ phóng lợn :3

    Bài viết:
    160
    Đề 1

    Câu 1 (3 điểm) :

    Nếu tất cả đường đời đều trơn láng

    Chắc gì ta đã nhận được ra ta?

    Ai trong đời cũng có thể tiến xa

    Nếu có thể tự mình đứng dậy

    Hạnh phúc cũng như bầu trời này vậy

    Đâu chỉ để dành cho một riêng ai.

    (Tự sự - Nguyễn Quang Hưng)

    Anh (chị) suy nghĩ gì về ý nghĩa được gợi ra từ đoạn thơ trên.

    Câu 2 (7 điểm) :

    Khát vọng chính là nguồn động lực có sức mạnh vô biên, tiềm tàng bên trong mỗi con người. Động lực này được thể hiện qua những hoạt động không ngơi nghỉ, để con người không bao giờ từ bỏ ước mơ, không bao giờ khuất phục trước hoàn cảnh.

    (Keith D. Harrell)


    Anh (chị) hãy làm sáng tỏ ý kiến trên qua tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam và Chí Phèo của Nam Cao.

    Đáp án

    Câu 1 (3 điểm)

    1. Giới thiệu đoạn thơ. Giới thiệu khái quát ý nghĩa đoạn thơ: Mỗi người cần vươn lên, vượt qua thử thách để giành lấy hạnh phúc.

    2. Giải thích ý nghĩa đoạn thơ

    - Từ những từ ngữ, hình ảnh quen thuộc để gợi lên ý nghĩa ẩn dụ:

    + Đường đời trơn láng: Cuộc sống phẳng lặng, bình yên, không có trở ngại, không gặp khó khăn, thử thách.

    + Tự mình đứng dậy: Vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc đời.

    + Hạnh phúc: Niềm vui, sự hài lòng, thoả mãn.. Hạnh phúc là điều mà ai ai cũng mong có được.

    + Bầu trời: Khoảng không gian rộng lớn, mênh mông, không thuộc về bất cứ một cá nhân nào.

    - > Đoạn thơ nêu lên một triết lí trong cuộc sống: Khó khăn, thử thách trong cuộc sống chính là sự rèn luyện bản thân. Nếu biết nỗ lực vượt qua thử thách đó, con người sẽ có được hạnh phúc.

    3. Phân tích, nhận định, đánh giá, bàn luận về vấn đề

    - Đoạn thơ là một triết lí sống sâu sắc, đúng đắn, có ý nghĩa, nhắc nhở mỗi người cần phải biết phấn đấu, tự lập và nỗ lực hết mình trong cuộc sống để giành lấy hạnh phúc cho bản thân mình.

    + Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, và trong cuộc đời mình, không ai là không bao giờ gặp khó khăn, thử thách.

    + Khi gặp khó khăn, nếu con người chỉ biết than thân, trách phận, oán thán cuộc đời hoặc chờ đợi sự giúp đỡ của người khác thì họ sẽ không thể vượt qua thử thách một cách thực sự.

    + Ngược lại, nếu người ta biết nỗ lực vươn lên, vượt qua những khó khăn đó thì nó sẽ rèn luyện được bản thân và trưởng thành hơn. Những khó khăn, thử thách đó sẽ mang lại cho con người những bài học, những kinh nghiệm hữu ích.

    - Phê phán những con người hèn nhát, không dám đối mặt với hoàn cảnh, gặp khó khăn là đầu hàng.

    (lấy dẫn chứng phù hợp minh hoạ cho các ý trên)

    4. Mở rộng vấn đề

    - Con người cần dựa vào chính mình để vượt qua khó khăn, nhưng nếu có sự giúp đỡ của người khác thì sự nỗ lực đó sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

    - Không chỉ tự mình vươn lên, mọi người cần có sự giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn, trở ngại. Đó có thể là sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần. 0.5

    5. Liên hệ bản thân, rút ra bài học nhận thức và hành động

    - Nhận thức được ý nghĩa triết lí nhân sinh của đoạn thơ: Cần có bản lĩnh đối mặt với khó khăn trong cuộc sống và biết nỗ lực hết mình để vượt qua khó khăn đó.

    - Liên hệ đến hành động cụ thể của bản thân.

    Câu 2:

    1. Giới thiệu vấn đề nghị luận.

    Giới thiệu tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam và Chí Phèo của Nam Cao.

    2. Giải thích

    - Giải thích từ ngữ, ý nghĩa câu trích:

    + Khát vọng: Là sự mong muốn, là khao khát đạt được một điều gì đó. Đó là điều mà con người luôn hướng tới.

    + Động lực: Những nguồn lực, những yếu tố thúc đẩy, giúp ích cho con người thực hiện một điều gì đó.

    - Ý kiến nhấn mạnh đến hai vấn đề:

    + Khát vọng luôn tiềm tàng trong mỗi con người.

    + Khát vọng giúp con người vượt qua mọi khó khăn, trở ngại trong cuộc sống để đạt được ước mơ.

    - Trong Hai đứa trẻ và Chí Phèo:

    + Các nhân vật đều thể hiện một khát vọng chung, đó là khát vọng được sống đúng nghĩa chứ không chỉ là sự tồn tại trong cuộc đời.

    + Khát vọng sống đó chính là nguồn động lực để các nhân vật trong tác phẩm không đầu hàng và buông xuôi trước thực tại, mà luôn nỗ lực để đạt được ước mơ của mình bằng những hành động cụ thể.

    3. Phân tích, chứng minh nhận định

    A) Truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam

    * Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm:

    - Thạch Lam là nhà văn lãng mạn là nhà văn xuất sắc của xu hướng văn học lãng mạn trước năm 1945. Ông có biệt tài về truyện ngắn, với những truyện không có truyện, khai thác thế giới nội tâm của nhân vật. Lối văn của ông trong sáng, giản dị nhưng chứa đựng sự nhạy cảm và lòng yêu thương của tác giả trước cảnh vật và con người.

    - Hai đứa trẻ là một trong những truyện đặc sắc của Thạch Lam, in trong tập Nắng trong vườn. Đây là tác phẩm có sự hoà quyện yếu tố hiện thực và lãng mạn trữ tình.

    * Hai đứa trẻ thể hiện khát vọng tiềm tàng, là động lực giúp con người vượt qua trở ngại để đạt được ước mơ:

    - Cuộc sống nghèo nàn, quẩn quanh, tẻ nhạt nơi phố huyện:

    + Cảnh chợ tàn: Người về hết, trên đất chỉ còn rác rưởi.. mấy đứa trẻ nhà nghèo cúi lom khom nhặt nhạnh..

    + Cảnh những kiếp người tàn: Chị Tí, bác phở Siêu, vợ chồng bác xẩm, bà cụ Thi..

    + Cuộc sống của chị em Liên: Nghèo khó, tẻ nhạt, buồn chán

    Thạch Lam tái hiện lại cuộc sống tối tăm, quẩn quanh, bế tắc của những con người nơi phố huyện nghèo.

    - Dù cuộc sống tẻ nhạt, quẩn quanh không lối thoát nhưng họ vẫn có khát vọng vươn lên, vượt qua hoàn cảnh để hướng tới ánh sáng, hạnh phúc:

    + Mọi người vẫn tiếp tục sống và hi vọng: Chị Tí dẫu biết bán hàng không ăn thua gì vẫn chăm chỉ; chị em Liên vẫn đều đặn mở cửa hàng..

    + Mọi người chờ tàu như mong đợi một cái gì tươi sáng cho cuộc sống nghèo khổ hàng ngày của họ. Dù chẳng mấy khi bán thêm được gì nhưng họ vẫn chờ đợi chuyến tàu để có thêm hi vọng, niềm tin để tiếp tục sống. Sau khi đoàn tàu đi qua mới là lúc họ kết thúc công việc.

    + Chị em Liên chờ tàu để hướng về quá khứ tươi đẹp.

    (Lấy dẫn chứng tiêu biểu để minh hoạ cho các nội dung trên)

    A) Truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao

    * Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm:

    - Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc. Trước cách mạng, ông thường viết về đề tài nông dân và người trí thức. Các tác phẩm của ông thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc và phong cách nghệ thuật độc đáo: Khai thác những nét mới mẻ trong đề tài, chú ý nội tâm nhân vật, kết cấu độc đáo..

    - Chí Phèo là truyện ngắn xuất sắc của Nam Cao. Truyện ra đời năm 1941, tên ban đầu là Cái lò gạch cũ, sau đổi thành Đôi lứa xứng đôi và cuối cùng là Chí Phèo. Truyện khai thác đề tài người nông dân với cách nhìn mới mẻ, mang giá trị nhân đạo sâu sắc.

    * Chí Phèo thể hiện khát vọng tiềm tàng, là động lực giúp con người vượt qua trở ngại để đạt được ước mơ

    - Trước khi đi tù:

    + Chí Phèo có hoàn cảnh hết sức éo le: Bị bỏ rơi từ nhỏ, ở với hết người này người khác, phải đi ở, làm thuê.

    + Khi đó Chí Phèo vẫn có ước mơ, khát vọng. Điều đó đã giúp Chí Phèo vượt qua hoàn cảnh éo le, lớn lên trở thành một anh canh điền khoẻ mạnh, có nhân cách, có ước mơ khát vọng hạnh phúc bình dị.

    - Sau khi đi tù về:

    + Chí Phèo thay đổi cả nhân hình lẫn nhân tính, trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, bị mọi người xa lánh.

    + Khát vọng hạnh phúc đã thức tỉnh Chí Phèo: Gặp Thị Nở, Chí Phèo thức tỉnh các giác quan, thức tỉnh lương tri của một con người, Chí Phèo khao khát lương thiện, khao khát được xây dựng cuộc sống hạnh phúc cùng với Thị Nở. Điều đó trở thành động lực giúp Chí Phèo có những hành động thực hiện khao khát của mình.

    + Khi bị cự tuyệt quyền làm người, khát vọng sống một lần nữa thôi thúc Chí Phèo hành động, giết chết Bá Kiến và tự sát. Đó là nỗ lực cuối cùng để làm người lương thiện của Chí Phèo.

    (Lấy dẫn chứng tiêu biểu để minh hoạ cho các nội dung trên)

    4. Đánh giá, mở rộng

    - So sánh vấn đề nghị luận trong hai tác phẩm:

    + Đều quan tâm đến số phận của những con người bất hạnh; chú ý đến những ước mơ, khát vọng tiềm tàng, ẩn sâu trong họ; biến những khát vọng ấy thành hành động cụ thể.

    + Đặc biệt chú ý đến khát vọng được sống đúng nghĩa như một con người. Không chấp nhận cuộc sống quẩn quanh, tăm tối, cuộc sống không được sự thừa nhận của mọi người.

    + Đều chú ý đến thế giới nội tâm nhân vật.

    + Thạch Lam là một nhà văn lãng mạn, nhưng truyện ngắn của ông vẫn phảng phất yếu tố hiện thực. Thạch Lam quan tâm đến những số phận nhỏ bé, tội nghiệp và những xúc cảm mong manh của họ.

    + Nam Cao là nhà văn hiện thực, ông quan tâm tới người nông dân với những diễn biến tâm lí phức tạp.

    - Sự đề cao khát vọng sống của con người chính là biểu hiện rõ nét của tư tưởng nhân đạo của hai nhà văn xuất sắc của hai xu hướng lãng mạn và hiện thực trước cách mạng tháng Tám – 1945.

    5. Kết luận vấn đề
     
    LieuDuong thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
  3. Ngân Ngân08 Mỹ nữ sỉ lẻ phóng lợn :3

    Bài viết:
    160
    ĐỀ 2

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Câu 1 (8, 0 điểm)

    Phải chăng "Con người hình thành từ những suy nghĩ của chính bản thân họ. Họ sẽ hành động theo những gì họ nghĩ" (Mahatma Gandhi) ?

    Câu 2 (12, 0 điểm)

    Nhà văn Pháp La Bơ-ruy-e đã chia sẻ:

    Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên, gợi những tình cảm cao quý và can đảm, không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh giá nó nữa, đó là một cuốn sách hay và do một nghệ sĩ viết ra.

    Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Từ cảm nhận về một vài tác phẩm văn xuôi Việt Nam trước năm 1945, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.

    Đáp án

    Câu 1:

    A. Giải thích

    - "Suy nghĩ" là cách hiểu, cách đánh giá thể hiện nhận thức, quan niệm của bản thân về những vấn đề trong cuộc sống.

    - Suy nghĩ là tiền đề quyết định đến ý thức, hành động, nhân cách và lối sống của con người (mối quan hệ lôgic giữa suy nghĩ và hành động).

    => Câu nói giúp con người ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của suy nghĩ đối với hành động và việc hình thành nhân cách lối sống của mỗi con người.

    B. Luận bàn

    - Hướng con người đến suy nghĩ tích cực, lối sống lạc quan, sự tự tin, biết yêu đời yêu cuộc sống, biết tha thứ, bao dung.

    - Suy nghĩ tích cực để có hành động đúng đắn, cao cả. Đó là yếu tố quan trọng để đi đến thành công.

    - Ngược lại nếu một người luôn sống trong suy nghĩ tiêu cực luôn bị bao vây bởi sự sợ hãi, nỗi chán chường, tuyệt vọng, thù hận.. sẽ dẫn đến những hành động mù quáng, ngu ngốc.. cản trở sự thành công, gây ảnh hưởng xấu đến bản thân gia đình và xã hội.

    C. Bài học nhận thức và hành động

    Từ luận bàn trên, thí sinh cần phải rút ra bài học nhận thức và hành động để có những suy nghĩ đúng đắn trong hành động và việc hình thành nhân cách lối sống của bản thân. Chẳng hạn, như:

    - Học cách suy nghĩ tích cực, lối sống lạc quan; cởi bỏ khỏi những suy nghĩ ích kỉ, hạn hẹp bó buộc bản thân.

    - Hãy tự mình vươn tới những chân trời mới bằng cách luôn "Hướng về phía mặt trời"; có trách nhiệm trong mỗi suy nghĩ và hành động của chính bản thân mình.

    - Có mục đích sống đúng đắn, tự tin, kiên cường theo đuổi để đạt được mục đích đó.

    Câu 2:

    A. Giải thích ý kiến

    * Cắt nghĩa ý kiến:

    - Nâng cao tinh thần: Làm cho đời sống tinh thần con người trở nên phong phú, trong sáng và tốt đẹp hơn.

    - Gợi những tình cảm cao quý và can đảm: Làm nảy nở trong tâm hồn con người những cảm xúc cao đẹp, mang tính nhân văn, đồng thời giúp con người có niềm tin và sức mạnh tinh thần để vượt qua khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

    - Cuốn sách hay: Tác phẩm văn học đích thực, giá trị và hấp dẫn người đọc.

    - Nghệ sĩ: Người tạo nên những tác phẩm nghệ thuật kết tinh tài năng và tâm hồn.

    => Ý kiến đã khẳng định tiêu chí quan trọng nhất để nhận diện, đánh giá một tác phẩm nghệ thuật giá trị và một nhà văn đích thực là tác phẩm ấy phải bồi đắp, nâng cao những phẩm chất tinh thần, làm cho con người trở nên người hơn, cao quý hơn bằng những tình cảm tốt đẹp, bằng bản lĩnh và sức mạnh tinh thần.

    * Lí giải ý kiến:

    - Tác phẩm văn học là đứa con tinh thần do nhà văn tạo nên để thể hiện về cuộc sống, nhằm biểu hiện tâm tư, thái độ của nghệ sĩ. Nó bao giờ cũng phải là một chỉnh thể mang tính thống nhất hữu cơ, biện chứng giữa nội dung và hình thức.

    - Văn học là nhân học (Mác-xim Gor-ki). Tác phẩm thực sự trở thành cuốn sách hay khi nó đặt ra vấn đề gần gũi, có ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống của con người, chứa đựng những giá trị tư tưởng, tình cảm hướng người đọc tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

    - Để viết được cuốn sách hay, nhà văn cần có tài năng, lương tâm, trách nhiệm, tầm tư tưởng và cảm xúc mãnh liệt. Đó là phẩm chất của người nghệ sĩ.

    B. Cảm nhận về một vài tác phẩm văn xuôi Việt Nam yêu thích trước năm 1945

    Thí sinh được tự do lựa chọn một vài tác phẩm văn xuôi Việt Nam yêu thích trước năm 1945 để cảm nhận. Tuy nhiên đây không phải là cảm nhận toàn bộ tác phẩm mà cần tập trung hướng sự cảm nhận vào việc làm sáng tỏ hai nội dung sau:

    - Tác phẩm có tác dụng nâng cao tinh thần đối với độc giả.

    - Tác phẩm gợi những tình cảm cao quý và can đảm đối với độc giả.

    C. Bình luận ý kiến

    - Khẳng định ý kiến của La Bơ-ruy-e đề cập và nhấn mạnh một tiêu chí quan trọng để xác định giá trị của tác phẩm nghệ thuật là khả năng giáo dục, bồi dưỡng để hoàn thiện và nâng cao những phẩm chất tinh thần quý giá cho con người.

    - Ý kiến cũng là chính là sự gợi nhắc, cổ vũ cho người cầm bút sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị giáo dục tâm hồn con người. Đồng thời ý kiến cũng gợi mở để người đọc hướng tới một tiêu chí khác có liên quan: Giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Bởi chỉ khi đạt tới một trình độ nghệ thuật cần thiết, những giá trị tư tưởng, tình cảm mới được thể hiện trọn vẹn và phát huy khả năng tác động.

    - Kinh nghiệm khi lựa chọn và thưởng thức tác phẩm nghệ thuật: Đó phải là tác phẩm thật sự có ích đối với việc bồi dưỡng tình cảm, nâng cao bản lĩnh, hoàn thiện tâm hồn con người.
     
    LieuDuong thích bài này.
  4. Ngân Ngân08 Mỹ nữ sỉ lẻ phóng lợn :3

    Bài viết:
    160
    ĐỀ 3

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Câu 1. Nghị luận xã hội (8.0 điểm)

    CÂU CHUYỆN CỦA HAI HẠT MẦM​

    Có hai hạt mầm nằm cạnh nhau trên một mảnh đất màu mỡ. Hạt mầm thứ nhất nói:

    - Tôi muốn lớn lên thật nhanh. Tôi muốn bén rễ sâu xuống lòng đất và đâm chồi nảy lộc xuyên qua lớp đất cứng phía trên.. Tôi muốn nở ra những cánh hoa dịu dàng như dấu hiệu chào đón mùa xuân.. Tôi muốn cảm nhận sự ấm áp của ánh mặt trời và thưởng thức những giọt sương mai đọng trên cành lá.

    Và rồi hạt mầm mọc lên.

    Hạt mầm thứ hai bảo:

    - Tôi sợ lắm. Nếu bén những nhánh rễ vào lòng đất sâu bên dưới, tôi không biết sẽ gặp phải điều gì ở nơi tối tăm đó. Và giả như những chồi non của tôi có mọc ra, đám côn trùng sẽ kéo đến và nuốt ngay lấy chúng. Một ngày nào đó, nếu những bông hoa của tôi có thể nở ra được thì bọn trẻ con cũng sẽ vặt lấy mà đùa nghịch thôi. Không, tốt hơn hết là tôi nên nằm ở đây cho đến khi cảm thấy thật an toàn đã.

    Và rồi hạt mầm nằm im và chờ đợi.

    Một ngày nọ, một chú gà đi loanh quanh trong vườn tìm thức ăn, thấy hạt mầm nằm lạc lõng trên mặt đất bèn mổ ngay lập tức. ()

    (Hạt giống tâm hồn- từ những điều bình dị, tập 3, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh)

    Phát biểu suy nghĩ của anh/chị khi đọc câu chuyện trên.

    Câu 2. Nghị luận văn học (12.0 điểm)

    "Công việc của nhà văn là phát biểu cái đẹp chính ở chỗ mà không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, cho người khác một bài học trông nhìn và thưởng thức".

    (Thạch Lam văn và đời, NXB Hà Nội 1999, tr 597)

    Hãy trình bày cách hiểu của anh/chị về ý kiến trên qua hai tác phẩm Hai đứa trẻ (Thạch Lam) và Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân).

    Đáp án

    Câu 1:

    1. Kĩ năng: Đảm bảo bố cục một bài văn nghị luận xã hội, hệ thống luận điểm rõ ràng, lập luận chặt chẽ, hành văn trong sáng, kết hợp các thao tác lập luận, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt.

    2. Kiến thức: Lí giải vấn đề một cách sâu sắc, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Thí sinh có thể giải quyết vấn đề theo hướng sau:

    A. Giải thích

    - Khái quát nội dung câu chuyện: Hạt mầm thứ nhất muốn lớn lên, bén rễ, đâm chồi nảy lộc, nở hoa dịu dàng nên đã mọc lên. Hạt mầm thứ hai sợ đất sâu tối tăm, sợ chồi non bị côn trùng nuốt, sợ trẻ con vặt hoa nên nằm im, chờ đợi, kết cục bị gà mổ tức khắc.

    - Câu chuyện nêu và khẳng định một quan niệm nhân sinh đúng đắn, tích cực: Con người sống phải có ước mơ (mong muốn những điều tốt đẹp trong tương lai), dám đối đầu với khó khăn để biến ước mơ thành hiện thực và tỏa sáng. Sống không có ước mơ, hèn nhát, sợ hãi, thụ động.. chỉ dẫn đến thất bại, thậm chí bị hủy diệt.

    - Cuộc sống sẽ luôn có những cơ hội cho những ai dám chấp nhận mạo hiểm, trải nghiệm những thử thách, mạnh dạn vượt qua những khuôn khổ lối mòn để bước trên con đường mới.

    B. Phát biểu suy nghĩ sau khi đọc câu chuyện

    - Ước mơ tạo nên bản lĩnh, là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn giúp con người vượt qua khó khăn "xuyên qua đá cứng" để sống và tận hưởng vẻ đẹp của cuộc đời; là động lực thôi thúc con người tìm tòi, khám phá, đóng góp sức mình làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn.

    - Trên con đường thực hiện ước mơ, bao khó khăn, trở ngại và cả bất hạnh có thể xảy ra để thử thách lòng dũng cảm của con người. Trước những khó khăn thử thách ấy, mỗi người sẽ chọn cho mình cách đón nhận để có hướng đi riêng. Có người chọn lối sống an phận, thụ động, không dám đối mặt với thử thách; có người tự thay đổi để thích nghi hoàn cảnh (dẫn chứng).

    - Cuộc sống chúng ta sẽ ra sao, luôn ngập tràn sợ hãi, oán hờn hay chấp nhận và vui sống để vươn lên sẽ tùy thuộc vào cách ta đối mặt với những khó khăn thử thách gặp phải. Những con người biết vượt qua khó khăn, nghịch cảnh, dám đương đầu với thử thách sẽ có được một tầm nhìn, sức mạnh và xứng đáng được tôn vinh (dẫn chứng).

    - Biểu dương những người có ước mơ, có nghị lực vươn lên. Phê phán những người sống không có ước mơ, thụ động, ngại khó ngại khổ, không có ý chí, nghị lực.

    C. Bài học

    - Cuộc sống luôn tiềm ẩn những trở ngại, khó khăn, thử thách bát ngờ. Con đường đi đến ước mơ không hề bằng phẳng, phải dũng cảm đương đầu với thử thách.

    - Trong cuộc sống không nên đợi đến khi nắm chắc phần thắng mới làm, bạn sẽ chẳng bao giờ làm được điều gì cả.

    Câu 2:

    1. Kĩ năng: Đảm bảo bố cục một bài văn nghị luận văn học, có hệ thống luận điểm rõ ràng, lập luận chặt chẽ, hành văn trong sáng, giàu cảm xúc, giàu hình ảnh, kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt.

    2. Kiến thức: Lí giải vấn đề một cách sâu sắc, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Thí sinh có thể giải quyết vấn đề theo hướng sau:

    A. Giải thích ý kiến của Thạch Lam

    - Một trong những chức năng của văn học là chức năng thẩm mĩ. Vì vậy, đi tìm và phát hiện cái đẹp chính là công việc, là sứ mệnh của nhà văn.

    - Cái đẹp hiện rõ giữa cuộc đời thì ai cũng có thể cảm nhận được nên không nhất thiết phải cần đến vai trò của nhà văn. Sứ mệnh của nhà văn là đi tìm và phát hiện cái đẹp cái khuất lấp ở những nơi tưởng như không thể tồn tại cái đẹp để giúp người đọc có cách nhìn nhận, đánh giá về cuộc sống, con người và thưởng thức tác phẩm một cách đúng đắn và có ý nghĩa nhất.

    - "Cái đẹp kín đáo" và "nơi không ai ngờ tới" :

    + "Cái đẹp kín đáo" là cái đẹp tiềm ẩn đằng sau vẻ bề ngoài xù xì, gai góc, thô kệch, tầm thường.. Đó thường là vẻ đẹp của nhân cách, của tình người, khát vọng, sức sống, tài năng.

    + "Nơi không ai ngờ tới" chính là hoàn cảnh, là môi trường không phù hợp, thuận lợi cho cái đẹp.

    - Bài học "trông nhìn và thưởng thức" : Người đọc tin tưởng, có cái nhìn tinh tế nhạy cảm với cuộc sống, con người và thấy bất ngờ, thú vị khi thưởng thức tác phẩm và vẻ đẹp cuộc sống.

    - Nhà văn phải là người không ngừng tìm tòi, phát hiện để phản ánh hiện thực một cách sâu sắc, toàn diện và đóng góp cho văn học những giá trị mới nên phải đi tìm, phát hiện vẻ đẹp tiềm ẩn của đối tượng ở nơi tưởng chừng như không thể tồn tại cái đẹp.

    B. Chứng minh qua hai tác phẩm Hai đứa trẻ (Thạch Lam) và Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân)

    * Truyện ngắn Hai đứa trẻ (Thạch Lam)

    - Vài nét về Thạch Lam và Hai đứa trẻ

    + Thạch Lam là gương mặt tiêu biểu của Tự lực văn đoàn. Sáng tác của ông thiên về chủ đề tình thương yêu.

    + Hai đứa trẻ rút trong tập Nắng trong vườn (1938), tiêu biểu cho kiểu truyện ngắn không có cốt truyện đặc biệt, man mác như một bài thơ trữ tình đượm buồn.

    - "Cái đẹp kín đáo" trong Hai đứa trẻ là một cái gì chỉ hiện ra mong manh thấp thoáng, là cái đẹp cổ điển: Đẹp và buồn.

    + Hai đứa trẻ là cái đẹp thầm kín của trái tim nhân hậu, chan chứa yêu thương trong tâm hồn nhỏ bé của Liên.

    + Cái đẹp hiền hòa của những con người nghèo khổ mà sống với nhau đầy tình thân ái.

    + Cái đẹp mong manh mơ hồ của những hi vọng về ánh sáng đang chìm khuất trong bóng tối..

    - Bài học "trông nhìn và thưởng thức" : Người đọc nhận ra, trân trọng, đồng cảm với những khoảnh khắc đẹp, những tâm hồn chưa hẳn đã lụi tàn, những cuộc đời đang cố gắng sống và hi vọng vào một tương lai tốt đẹp, tươi sáng hơn.

    * Truyện ngắn Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân)

    - Vài nét về Nguyễn Tuân và Chữ người tử tù

    + Nguyễn Tuân là một nhà văn tài hoa, luôn hướng thiện, hướng mĩ để tìm và lưu giữ cho đời những vẻ đẹp.

    + Trong nhiều vẻ đẹp của Vang bóng một thời (1940), nổi lên một vẻ đẹp kín đáo, tiềm ẩn Chữ người tử tù.

    - "Vẻ đẹp kín đáo"..

    + Trong truyện ngắn Chữ người tử tù là cái đẹp lí tưởng của tài năng- thiên lương và khí phách đặt trong sự đối nghịch của cảnh ngộ (thí sinh phân tích vẻ đẹp nhân vật Huấn Cao).

    + Cái đẹp đã gặp gỡ, hội tụ, tỏa sáng và bất tử trong chốn lao tù- nơi mà thông thường chỉ có cái xấu, cái ác ngự trị (cảnh cho chữ- cảnh tượng xưa nay chưa từng có). Đó là sự tôn vinh cái đẹp, cái thiện và nhân cách cao thượng của con người.

    + Vẻ đẹp của tâm hồn và "thiên lương" trong sáng: Huấn Cao dũng cảm, không sợ chết, coi khinh tiền bạc và cường quyền, có lòng yêu mến cái thiện, cái "thiên lương" trong sạch của viên quản ngục. Viên quản ngục cũng vậy, vẻ đẹp của ông ta thể hiện ở thái độ kính trọng Huấn Cao– hiện thân của cái tài, cái đẹp, "thiên lương" cao cả. Hai hình tượng này thể hiện quan điểm thẩm mĩ tiến bộ của Nguyễn Tuân: Tài và tâm, cái đẹp và cái thiện không thể tách rời.

    - Bài học "trông nhìn và thưởng thức" : Trân trọng tài năng, nhân cách tốt đẹp; mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, vai trò của người nghệ sĩ..

    C. Đánh giá chung

    + Quan niệm của nhà văn Thạch Lam trong tiểu luận Theo dòng đã thể hiện đầy đủ trách nhiệm của nhà văn- người nghệ sĩ chân chính trong việc phát hiện "cái đẹp kín đáo", cho người đọc bài học "trông nhìn và thưởng thức", từ đó "nâng đỡ những cái tốt", để "trong đời có nhiều công bằng, thương yêu hơn".

    + Hai đứa trẻ và Chữ người tử tù đã làm nổi bật được cái đẹp tiềm ẩn nơi tưởng như không thể có cái đẹp mà tác giả đã phát hiện, tìm kiếm trong tác phẩm. Điều đó thể hiện tấm lòng và tài năng của nhà văn qua tác phẩm.
     
    Ôn An NaLieuDuong thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...