Ba vào bếp Tác giả: Cỏ Orient Thể loại: Tản văn (Ảnh: Internet) Chuyện nấu nướng ba luôn ít bao giờ đụng tới. Những ngày này, khi tuổi cao, ba lui về làm công việc ruộng vườn và trở thành một đầu bếp chính hiệu cho cả gia đình. Điều mà ông chưa bao giờ trải nghiệm qua, suốt hơn 30 năm cuộc đời gắn liền với gánh nặng cơm áo gạo tiền, mùa vụ cây trồng, ao nuôi tôm cá hay những việc mà người đàn ông của gia đình hay làm. Tôi vẫn nhớ những hôm đầu tiên, khi tôi mới đi làm ở chỗ mới, ông chuẩn bị sẵn cơm trưa mang theo cho tôi. Từ sáng sớm, chắc tầm khoảng 5, 6 giờ, ba đã ra vườn hái mấy lá rau mồng tơi, rau ngót rồi rửa sạch. Bắc nồi lên, đổ nước vào rồi nấu thành món canh thơm ngon. Trước đó, ba không quên nấu sẵn nồi cơm để đó. Còn món mặn, má đã nấu từ tối hôm qua, ba chỉ cần hâm nóng lại. Đó là những ngày khá hiếm hoi của tôi, khi được có cảm giác mình chỉ là đứa con gái bé tí tẹo, được ba mẹ lo cơm trưa cho mỗi sáng sớm đi làm. Tôi nhớ những hôm ngủ nướng tới 7 giờ. Ba nấu cơm, canh rau và hâm nóng lại món cá kho cho tôi. Rồi nhẹ nhàng gọi lớn, "Bủm ơi, dậy đi làm con ơi!" Thú thật, tôi chẳng biết bao giờ bản thân mới trưởng thành, khi ở nhà được ba mẹ chăm sóc từng tí như thế. Những ngày má đi làm, ba vào bếp thường xuyên hơn. Lóng ngóng chuẩn bị nguyên liệu từ 9 giờ sáng, nhưng mãi đến 11 giờ ông mới cho vào nồi nấu. Hay có những hôm bận rộn với công việc ngoài vườn, ông lại hấp tấp đi vào nhà bắt nồi nấu cơm, lúi húi mở tủ lạnh khám phá xem nguyên liệu gì có thể chế biến. Chuyện vào bếp của ba không phải lúc nào cũng thường xuyên, nhưng mỗi lần ba giúp má, lại bị bà mắng vụng về, chậm chạp và hàng tỉ những lời chê bai khác. Chúng tôi cũng đã quá quen thuộc với những cuộc xung đột quan điểm về nấu nướng của hai người trong bếp như thế. Nhưng tôi biết ba vẫn muốn phụ giúp má những việc bé nhỏ, dù chẳng phải sở trường của ông. Và bây giờ, khi phải nắm giữ trọng trách lo cho bữa cơm gia đình, ba tôi lại càng bận rộn hơn. Tuy nhiên, mặc cho má đôi khi chê bai hay không vừa ý với những món ăn ông nấu, ba vẫn tiếp tục chế biến từng món ăn một cách công phu. Và mỗi khi, thấy ba má ngồi ăn chung với nhau, rồi má chỉ cho ba cách nấu ăn ngon hơn, tôi lại cảm thấy vô cùng ấm áp. Tôi không biết định nghĩa cụ thể của tình yêu. Nhưng tôi nghĩ, tình thương đến từ những điều bé nhỏ như thế, bên cạnh những vất vả, lo toan thường ngày. Điều còn lại cuối cùng, vẫn là sự san sẻ, giúp đỡ nhau trong những việc hằng ngày, mà đơn giản nhất là nấu cho nhau bữa ăn trưa. Cuộc sống tự dưng bỗng nhẹ nhàng, ngọt ngào và đầm ấm biết bao. Vẫn biết má nấu ăn ngon hơn ba nhiều, nhưng tôi vẫn thích ăn các món ba nấu. Bởi chúng được đổi bằng những giọt mồ hôi và cả tình thương lớn mà ông dành cho cả gia đình, khi sẵn sàng lui về phía sau hậu trường, để lắng lo từng bữa cơm cho mỗi thành viên. Và tôi lại muốn nghe thêm đôi ba lời phàn nàn của má về món canh rau củ quả nhiều nghệ của ba! Tôn vốn là đứa con gái hay thích cãi lời ba nhất. Ở gia đình, tôi vẫn không thích cách giáo dục hà khắc bởi những luật lệ của ba. Có lẽ tôi vẫn chưa đủ trưởng thành để hiểu các bài học ông đang cố gắng truyền tải cho tôi, mà chỉ để cảm xúc về sự bực bội khi không được làm điều mình muốn chiếm lấy tâm trí. Có khoảng thời gian dài, tôi không nói chuyện với ba. Ngay cả trong những bữa cơm, tôi cũng chỉ im lặng và ăn thôi. Tôi chọn đi học và làm việc xa nhà để cố gắng xoa dịu những cảm xúc tiêu cực dành cho ba. Mãi đến năm nay, khi gặp vấn đề về sức khỏe, tôi mới trở về nhà. Nhưng tôi vẫn phải đối mặt với những cảm xúc không tốt đẹp lắm về ba, nên khoảng thời gian đầu, tôi vẫn thường hay khắc khẩu, cãi nhau với ba trên bàn ăn. Tôi đôi khi còn bướng bỉnh, không muốn nói chuyện với ông, dù tôi biết ba thương tôi. Có lẽ một phần vì quan điểm của tôi và ba khác nhau quá lớn, càng nói càng chẳng giải quyết được vấn đề nào. Nhưng dù xung khắc quan điểm, tôi vẫn cảm thấy ba rất ấm áp, trong những bữa ăn hằng ngày ông đã dành tặng cho gia đình. Vì thế, tôi viết bài này như lời cám ơn dành cho ba. Dù chúng không trực tiếp cho lắm. (Hết)