Gợi ý phân tích tác phẩm đây thôn vĩ dạ - Hàn mặc tử

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Tống Tử Hân, 22 Tháng bảy 2022.

  1. Tống Tử Hân

    Bài viết:
    255
    GỢI Ý PHÂN TÍCH TÁC PHẨM "ĐÂY THÔN VĨ DẠ" - HÀN MẶC TỬ

    (Sử dụng nhiều so sánh, lý luận văn học)

    MB Chế Lan Viên khẳng định: "Trước không có ai sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lóa rực rỡ của mình". Quả thật, giống như một ngôi sao chổi, Hàn Mặc Tử vừa kỳ lạ vừa hiếm hoi lại vừa tỏa sáng. Thơ Hàn Mặc Tử có sự đan xen cả những gì thân thuộc, thanh khiết nhất, cả những gì ghê rợn ma quái, cuồng loạn nhất. Đằng sau diện mạo hết sức phức tạp và bí ẩn ấy, ta thấy một tình yêu đến đau đớn hướng về cuộc đời trần thế. In trong tập "Thơ điên" thi phẩm "Đây Thôn Vĩ Dạ" chứa đựng bao cảm xúc hoài nhớ về mảnh đất và con người sông Hương núi Ngự.

    GT VỀ TÁC GIẢ - TÁC PHẨM Vẫn biết rằng cứ thương rồi sẽ nhớ, cứ đợi chờ rồi lại đau, cứ hoài niệm rồi lại thêm thương nhớ. Lớp bụi thời gian bủa vây tâm trí những con người đang vật lộn với chính mình, với những hoài niệm đã qua. Và rồi người thi sĩ cầm bút viết, viết về những khoảng mênh mang đong đầy tình nghĩa, về những kỉ niệm sâu thẳm còn lưu lại trong ký ức mình. Người thi sĩ ấy là Hàn Mặc Tử. Ông được coi là một trong những nhà thơ lớn nhất, độc đáo nhất trong phong trào thơ mới. Nhưng người thi sĩ tài hoa ấy đã rời khỏi dương gian khi mới 28 tuổi. Phải chăng cái cuộc đời đầy bi thương ấy đã tạo nên một hồn thơ vừa kỳ dị, điên loạn lại hồn nhiên trong sáng? Trong cái rừng thơ kỳ dị ấy lại mọc lên một bông hoa trong sáng, tinh khôi. Bông hoa ấy tên "Đây Thôn Vĩ Dạ" . Rút từ tập "Thơ điên", bài thơ được gợi hứng từ mối tình của thi sĩ với người giai nhân xứ Huế - Hoàng Thị Kim Cúc.

    TB Mở đầu cho bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc ấy là một câu hỏi tu từ, một câu trách yêu hờn dỗi, là lời mời tha thiết, nhẹ nhàng với giọng thơ êm dịu, tình tứ như giọng nói của người con gái Huế "Sao anh không về chơi thôn Vĩ". Cảnh cũ người xưa vẫn cứ thấp thoáng gợi lên bao kỷ niệm thân quen. Đây có thể là lời mời của chính người thôn Vĩ nhưng cũng có thể chính là sự phân thân của người thi sĩ đang tự hỏi, tự vấn lòng mình. Với Hàn Mặc Tử, thôn Vĩ kia đâu đơn giản chỉ là tên của một mảnh đất với nhiều kỷ niệm mà nó còn là một mảnh đời của tuổi hoa niên. Từ những lời mời, lời trách dịu ngọt ấy, thôn Vĩ hiện lên với những vẻ đẹp đặc biệt:

    "Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

    Vườn ai thấp thoáng xanh như ngọc"

    Cảnh vật được mở ra với muôn cây tươi tốt, một bức tranh thiên nhiên đầy sức sống. Cảnh sắc bình minh rực rỡ với "ánh nắng mới lên" là những ánh nắng đầu tiên trong ngày, còn dẫn sương đêm gợi một cảm giác hư vô, trong trẻo, tinh khôi đến lạ thường. Cấu trúc câu điệp "nắng" hai lần không gian như bừng sáng lên với nắng hàng cau, nắng mới lên. Những hàng cây cao vút, không gian mở rộng, ánh nắng tràn ngập. Đó là nắng mới tinh khôi, thanh khiết, mà nó cũng đâu chỉ là nắng bình thường, nó còn là nắng của tuổi hoa niên, của tuổi trẻ. Đó là thứ nắng mà có lẽ Xuân Diệu đã khát khao rằng:

    "Tôi muốn tắt nắng đi

    Cho màu đừng nhạt mất"

    Muốn níu giữ cái khoảnh khắc thần tiên tuyệt đẹp của mùa xuân và tuổi trẻ. Câu thơ lại hạ xuống với "Vườn ai thấp thoáng xanh như ngọc". Câu thơ vang lên như một tiếng reo vui trầm trồ. Sương đêm còn ướt đẫm, bình minh lên, cây cỏ hoa lá mang một màu xanh mướt. Một sắc xanh đặc trưng được liên tưởng độc đáo "xanh như ngọc". Cách so sánh tinh tế khiến khu vườn thôn Vĩ đẹp như một viên ngọc bích. "Ai" là một đại từ phiếm chỉ, thi nhân đã nhìn cảnh vật bằng đôi mắt trữ tình, nó gợi lên những tình cảm sâu kín, những tình yêu e ấp. Đây là một khu vườn chứa đầy sắc nắng, một khu vườn của tuổi thanh xuân xinh xắn "như một bài thơ", một khu vườn của tuổi trẻ với sắc xanh của sự sống của xứ Huế. Đó là sắc xanh của mùa xuân, của tuổi trẻ, của những kí ức xưa kia dường như lại ùa về. Sang đến câu thơ tiếp theo, con người đã xuất hiện "Lá trúc che ngang mặt chữ điền". Lá trúc mềm mại, thanh cao, có một sắc xanh bắt lên từ câu thơ trước. Mặt chữ điền tạo ra một vẻ vuông vức, phúc hậu, hiền hòa, ngay thẳng. Trong ca dao xứ Huế có câu:

    "Lòng em vuông tựa chữ điền

    Da em thì trắng áo đen mặc ngoài

    Lòng em có đất có trời

    Có câu nhân nghĩa có lời thủy chung"

    Khuôn mặt chữ điền là thần thái, là vẻ đẹp của con người xứ Huế, một vẻ đẹp thủy chung, đôn hậu, trung thực, thật thà. Kết hợp với lá trúc, khuôn mặt chữ điền kia hiện lên với một vẻ kín đáo, rất riêng của Huế. Câu thơ là vẻ đẹp kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và con người, một vẻ đẹp mang nét duyên dáng, kín đáo, thủy chung, đôn hậu rất riêng của Huế.

    Sang đến đến khổ thơ thứ hai, vẫn nối tiếp mạch thơ, vẫn là những vần thơ trong trẻo, dịu dàng nhưng một không gian thoáng đãng, mơ hồ, xa xăm lại được mở ra với cảnh vật chỉ còn lại sự tan tác, chia ly. Không gian, thời gian và dường như là mạch cảm xúc cũng thay đổi:

    "Gió theo lối gió, mây đường mây

    Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay.."

    Giọng thơ nhẹ nhàng, thoáng buồn, cảnh vật trở nên êm đềm, không gian vắng lặng, mơ buồn. Cảnh thực hiện lên với dòng sông Hương, nhịp chảy khoan thai, nhẹ nhàng, mây trời sông nước mênh mang, không gian khoáng đạt và gió nhẹ khẽ lay hoa bắp ở Cồn Hến. Cảnh đẹp nhưng buồn. Bên cạnh bức tranh phong cảnh, câu thơ còn là bức tranh tâm cảnh. Thủ pháp điệp - đổi "gió theo lối gió", "mây đường mây", hình ảnh đối lập, tương phản là tĩnh và động. Nếu dòng nước buồn thiu, tĩnh tại thì hoa bắp lại khẽ lay động, kết hợp với thủ pháp nhân hóa "dòng nước buồn thiu" và cách ngắt nhịp 4/3 khiến cho ta nhận ra hai câu thơ có bốn hình ảnh nhưng dường như vỡ tách thành 4 thế giới hoàn toàn không có sự giao hòa, gắn kết. Nỗi buồn lan tỏa từ bầu trời xuống mặt nước, dòng nước thì tĩnh lặng, buồn thảm, hoa bắp thì khẽ lay động, sầu bi theo cơn gió thổi. Những hình ảnh đó đâu chỉ được quan sát bằng thị giác mà là quan sát bằng tâm tưởng. Trong hình ảnh đó đang nhuốm màu cảm xúc của con người. Cái buồn của cảnh vật hòa lẫn vào cái buồn xa vắng của lòng người. Phải chăng trong hình ảnh thiên nhiên ấy chứa đựng nỗi sầu chia ly của lòng người? Một dự cảm buồn và lòng khao khát giao hòa với đời, với người của thi nhân đã lan tỏa ra cảnh vật khiến dòng nước cũng trở nên buồn thiu, trĩu nặng một tâm sự, một niềm trắc ẩn khôn nguôi. Nỗi niềm ấy bật lên thành câu hỏi da diết, khắc khoải:

    "Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

    Có chở trăng về kịp tối nay"

    Thời gian của hai câu thơ đầu là buổi hoàng hôn thì không gian của hai câu thơ sau lại là buổi đêm tối xuất hiện hình ảnh của trăng. Dòng nước phẳng lại của sông Hương đã bắt được ánh trăng vàng và dòng sông phẳng lặng ấy dường như được dát vàng bởi ánh trăng dịu nhẹ. Sông Hương trở thành dòng sông của ánh sáng tuôn chảy khắp vũ trụ. Dòng sông ấy xuất hiện một con thuyền trăng. Câu thơ cuối là câu hỏi chứa nhiều sắc thái. Đó là sự hy vọng, khắc khoải đến khôn nguôi. Liệu trăng có về kịp với thi sĩ, để tâm hồn đau thương của thi sĩ sẽ được an ủi, xoa dịu? Câu thơ cũng chứa đựng sự tuyệt vọng, một điều gì đó thật gấp gáp, thật vội vã. Có nỗi đau đớn nào hơn khi biết được rằng, thời gian để mình gắn bó với cuộc đời là vô cùng ngắn ngủi, vì vậy tìm đến trăng vừa là hy vọng vừa là tuyệt vọng. Nhưng đằng sau câu hỏi tưởng chừng như vô vọng ấy là một khát khao được giao cảm, một tiếng kêu chất chứa đầy hi vọng của một thi sĩ đang hoạn nạn nơi trần thế.

    Để cho kỷ niệm đưa tâm hồn mình về thôn Vĩ, Hàn Mặc Tử như chìm đắm trong cảnh vật nhưng cũng không thôi trăn trở với tâm trạng của một con người luôn mặc cảm tình yêu, mặc cảm bệnh tật. Trước hình ảnh người thiếu nữ Huế thoáng hiện, trắng trong, kín đáo gần mà như xa, thực mà mơ khiến thi sĩ phải thốt lên:

    "Mơ khách đường xa, khách đường xa

    Áo em trắng quá nhìn không ra.."

    "Khách đường xa" gợi sự xa vắng. Ở đây, nó có thể là con người thôn Vĩ, những du khách hay chính những người giai nhân mà tác giả từng mơ ước. Với nghệ thuật điệp"khách đường xa", ta liên tưởng đến trong giấc mơ khắc khoải, người giai nhân như đang đi xa dần, câu thơ giống như một tiếng lòng thảng thốt. Câu thơ là sự khát khao, hi vọng được giao cảm, chia sẻ nhưng dường như thật mong manh, hư ảo. Hình ảnh "áo trắng" kết hợp với "khách đường xa" tạo cảm giác thật mơ hồ. "Nhìn không ra" là nhìn không ra sắc áo không sắc lòng? Sắc áo trắng là sự nghi hoặc về tình đời, tình người. Liệu rằng sự quan tâm của người thôn Vĩ, liệu rằng tấm bưu thiếp kia là sự hỏi thăm chân thành hay chỉ là sự xót thương cho một linh hồn đang hứng chịu biết bao đau thương. Hai câu thơ cuối khép lại bài thơ cũng là một câu hỏi với nhiều sắc thái khác nhau:

    "Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

    Ai biết tình ai có đậm đà"

    "Ai" là đại từ phiếm chỉ, "ai" là thi sĩ vậy tình ai kia là tình người thôn Vĩ, là tình đời. Thi sĩ không liệu được rằng mình là liệu cái tình người thôn Vĩ và liệu rằng tình đời có đậm đà, chân thật, mặt mà hay chóng tan như màn sương khói đang mờ dần nhân ảnh kia? Nhưng "ai" cũng có thể là người thôn vĩ và tình ai kia là Hàn Mặc Tử. Liệu người thôn Vĩ, người đời có thấu chăng lòng thi sĩ rất tha thiết với cảnh, với người, với tình xứ Huế dù sương khói kia băng làm mờ nhân ảnh. Khổ thơ là nỗi cô đơn, trống vắng trong một hồn thơ đau thương nhưng khát khao được sống trong tình yêu thương.

    KB "Đây Thôn Vĩ Dạ" giống như một khúc đoản ca về tình yêu và niềm khát khao hướng về một mảnh vườn, cũng là hướng về một mảnh đời. Khi nhắc đến Huế ta không thể quên "Đây Thôn Vĩ Dạ" cũng như nhắc đến Hàn Mặc Tử ta không thể quên vẻ đẹp nên thơ của Huế. "Đây Thôn Vĩ Dạ" chính là bông hoa thơm trong vườn thơ rất mực kỳ dị của Hàn Mặc Tử, bài thơ sẽ mãi neo đậu trong trái tim người thưởng thức hôm nay và mãi về sau.

    TÁC GIẢ

    -TỐNG TỬ HÂN-
     
    Hanho2525Thiên Linh Sát thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...