Tiểu Thuyết Cuộc Liên Hôn Sai Lầm - Annie Dinh

Thảo luận trong 'Hoàn Thành' bắt đầu bởi Annie Dinh, 2 Tháng một 2022.

  1. Annie Dinh

    Bài viết:
    361
    Chương 20. Lo cho vợ con

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ba mẹ Vân Tú thỉnh thoảng ngồi nghe hai cô trò đàn nên Thụy Khanh không thấy ngại nữa, chỉ là nãy giờ Minh Hoàng ngồi đó mà cô say sưa dạy đến mức không hề hay biết. Thật cũng nể cô quá rồi.

    Như mấy lần trước, Thụy Khanh chỉ gật đầu nhẹ chào anh, rồi quay sang chị Vân và anh Toàn: "Em lên phòng dạy Vân Tú học bài đây ạ."

    "Hai cô trò nghỉ mệt chút đi. Khanh dạy nãy giờ cũng đuối rồi. Không cần lên đó dạy liền đâu em." Chị Vân nhìn cô trìu mến.

    Anh Toàn thì la con gái: "Vân Tú đừng đu cô như vậy. Con nặng rồi, xuống đi cô Khanh mệt đó."

    Vân Tú tuột xuống nhưng vẫn cố cãi: "Con hông có nặng mà, cô Khanh ẵm con nổi mà cô há?" Bé lại bám vào chân Thụy Khanh.

    "Dạ không sao đâu anh chị." Thụy Khanh hiền từ.

    Minh Hoàng nhìn cô dịu dàng mà không tin. Ra là cô chỉ khó chịu với mỗi mình anh. Chẳng biết anh làm gì ghê gớm mà mỗi lần gặp nhau, lông tóc cô đều dựng ngược. Cô không thích anh ra mặt, cũng chẳng buồn che giấu nỗi ác cảm dành cho anh. Nghe cô nói chuyện với hai vợ chồng Quốc Toàn, anh cứ nghĩ cô là thành viên của gia đình.

    Trong khi bên phía ông bà Hưng, cô lại bị hắt hủi. Nhìn cách cô cư xử với gia đình này, anh có thể nhận ra cô không phải kiểu người gai góc, bất trị. Nhưng hà cớ gì ba không thương, mẹ không yêu? Thụy Khanh càng ngày càng khiến anh tò mò. Bất giác anh đã bị cuốn vào cuộc sống của cô mà chính bản thân anh cũng không nhận ra.

    "Vân Tú không chào chú Hoàng sao?" Chị Vân nhắc con gái.

    Vân Tú lập tức khoanh tay chào anh, nhưng rồi lại bám Thụy Khanh. Lần trước còn bịn rịn chia tay anh, giờ có cô giáo liền bỏ quên anh. Nhịn không được Minh Hoàng ngó hai cô trò chọc ghẹo:

    "Vân Tú hết thích chú Hoàng rồi, chỉ biết mỗi cô giáo. Chú Hoàng buồn quá!" Anh diễn cứ y như thật.

    Con bé nghe thế ngước lên nhìn anh rối rắm: "Con cũng thích chú Hoàng, nhưng mà con thích cô Khanh hơn." Vô cùng thẳng thắn thừa nhận dứt khoát.

    "Vậy là chú Hoàng không bằng cô Khanh." Anh giả vờ buồn bã, hại bé con rối hơn nữa.

    Minh Hoàng nhìn hai cô trò người ta, khóe miệng anh bất giác cong lên. Anh đang muốn chọc tiếp nhưng thấy kangaroo Thụy Khanh có vẻ mất kiên nhẫn, đành phải thu liễm tính tình.

    Thụy Khanh và Vân Tú lên lầu học bài. Minh Hoàng tiếp tục ngồi trò chuyện với Quốc Toàn. Chị Vân vào bếp chuẩn bị bữa tối. Trò chuyện thêm một lúc Quốc Toàn nghĩ Minh Hoàng sẽ đứng dậy ra về, nhưng lạ một điều là anh vẫn nấn ná ở lại.

    Chị Vân bước ra nài nỉ Minh Hoàng ở lại ăn tối với hai vợ chồng. Anh lắc đầu từ chối nhưng lại không đứng lên ra về. Đúng lúc này Thụy Khanh và Vân Tú cũng đã học bài xong. Hai cô trò đang đèo nhau nhích từng bậc thang xuống lầu.

    Nghe tiếng động ở thang, ba người không hẹn mà cùng nhìn lên, thấy kangaroo mẹ đang bồng kangaroo con xuống. Nhìn cảnh này không ai có thể nhịn cười. Xuống đến bậc thang cuối cùng, Thụy Khanh thả Vân Tú chạm đất. Cô kéo giỏ lên vai định chào ba mẹ Vân Tú ra về, nhưng chị Vân đã mở miệng giữ lại:

    "Khanh ở lại ăn tối đi. Chị làm đồ ăn nhiều, ngon lắm. Mấy lần trước bảo em ở lại, em cứ tìm cách ra về. Lần này mẹ chị gửi đặc sản lên rất nhiều. Em không ở lại ăn là chị giận em luôn."

    Thụy Khanh nhìn chị khó xử. Còn chưa biết tìm lý do gì để từ chối thì Vân Tú lại bám vào chân cô mè nheo: "Cô Khanh ở lại ăn cơm với con. Hông cho cô Khanh về đâu. Ăn xong rồi cô dạy con vẽ nữa."

    "Vân Tú không được nháo." Anh Toàn la con gái.

    Chị Vân bước tới kéo tay Thụy Khanh đi vào phòng ăn, không cho cô cơ hội để chối từ nữa. Anh Toàn lãnh nhiệm vụ tiễn Minh Hoàng ra về. Vì lịch sự, anh Toàn vẫn lên tiếng giữ bạn ở lại ăn cơm thêm một lần nữa. Anh Toàn chỉ nói theo phép lịch sự, không nghĩ Minh Hoàng nhận lời. Thế mà lạ thay, lần này Minh Hoàng gật đầu: "Thôi cũng được. Hôm nay ăn tối cùng gia đình mày cho nó tình cảm."

    Hai ông lững thững kéo nhau vào nhà ăn. Chị Vân thấy Minh Hoàng ở lại cũng ngạc nhiên. Chị định hỏi sao anh chưa về, may mà kịp thắng lại. Hỏi kiểu đó chẳng khác nào có ý đuổi bạn thân.

    Vân Tú thấy ba Toàn dẫn chú bạn thân vào, lập tức hưng phấn, buông tay cô Khanh chạy đến kéo tay anh nhí nhố: "Chú Hoàng cũng ở lại ăn cơm với con hả chú? Vui quá đi!" Bé con nhảy cẫng lên.

    Ngày thường ba mẹ bận rộn, khách khứa tới nhà cũng ít ỏi và toàn người lớn, bé chẳng có bạn bè nhiều. Mấy người lớn thì đâu ai chịu bỏ thời gian với bé, ngoại trừ cô Khanh của bé. Giờ có anh chịu làm thân với bé, nên bé thích anh là điều hiển nhiên.

    Vẫn chiêu cũ, Vân Tú bám vào chân anh. Anh đương nhiên cao lớn và khỏe hơn Thụy Khanh, nên Vân Tú như con kiến bám vào cột đình. Cân nặng của bé không ảnh hưởng đến anh. Trông anh thật thoải mái ung dung. Chẳng bù cho Thụy Khanh mỗi lần bé con bám, nhìn cô vất vả di chuyển thấy mà thương.

    Minh Hoàng bồng bé con lên người, ngó Vân Tú, rồi kín đáo liếc Thụy Khanh, nhịn không được lại chọc: "Chú Hoàng với cô Khanh, Vân Tú thích ai nhất?"

    Thụy Khanh nghe anh hỏi vậy, mặt không vui nhìn anh như phê phán. Cần gì làm khó trẻ nhỏ, giỡn vậy chẳng vui tí nào. Hai vợ chồng nhà nọ cũng nhìn bạn thân lạ lùng. Hôm nay anh lại chịu khó đùa, còn kéo cô giáo vào, đây đâu phải phong cách của anh.

    Quốc Toàn chơi với anh bao nhiêu lâu, biết anh không thích làm thân với người lạ. Cớ gì hôm nay còn kín đáo nhìn cô giáo, trông mặt vui vẻ ra phết. Hai vợ chồng nhìn nhau khó hiểu nhưng không nói gì. Chị Vân còn cười vui vẻ lao theo ghẹo con gái:

    "Con gái thích ai nhất nói cho mẹ nghe nè."

    Vân Tú nhìn từng người khó xử. Bé vẫn thích cô Khanh nhất, nhưng giờ cũng hiểu nói vậy chú Hoàng sẽ nghỉ chơi với bé. Trả lời sao bây giờ? Khó quá thì thôi không trả lời là tốt nhất.

    Ngoài Thụy Khanh, ba người lớn còn lại nhiệt tình đùa, muốn Vân Tú trả lời cho bằng được. Bé con khôn lanh úp mặt vào lòng chú Hoàng, dứt khoát không trả lời gì hết.

    Thụy Khanh không nhìn nữa, cô phụ chị người làm dọn bàn ăn. Minh Hoàng đang ẵm Vân Tú nhưng mắt kín đáo ngó cô đang bày biện giúp người ta, tự nhiên khóe môi anh lại cong lên trong vô thức.

    Chị Vân kéo Thụy Khanh ngồi xuống bên cạnh, anh Toàn ngồi một bên với Minh Hoàng. Bé Tú cứ lăng xăng không biết ngồi bên nào. Chị Vân nhìn con gái buồn cười hỏi bé muốn ngồi với cô Khanh hay chú Hoàng? Bé con trả lời không do dự muốn ngồi với hai người luôn. Anh Toàn và chị Vân cười phá lên. Minh Hoàng cũng mím môi ngăn nụ cười không nói gì. Chị Vân nổi máu nghịch ngợm:

    "Vậy Hoàng sang đây ngồi với Thụy Khanh, để Vân sang ngồi với anh Toàn. Bé Tú ngồi cùng với cô Khanh và chú Hoàng nha."

    Minh Hoàng nhìn Thụy Khanh dù không nói gì, nhưng biểu cảm của cô chẳng khác gì Vân Tú lúc nãy, vô cùng rối rắm khó xử. Chọc được cô tự nhiên trong lòng anh thấy vui vui.

    Rồi không đợi hai vợ chồng kia nói thêm lần nữa, anh đã tự động đứng lên đổi chỗ với chị Vân. Bé Tú đương nhiên vui sướng nhất, chạy đến ngồi giữa chú Hoàng và cô Khanh, miệng mồm líu lo:

    "Chú Hoàng ơi, con muốn ăn tôm. Chú Hoàng lột tôm cho con với cô Khanh đi."

    "Khụ, khụ!" Thụy Khanh sặc nước miếng ho khan. Gò má cô hơi ửng hồng, cất giọng ngăn bé con càng quấy: "Vân Tú ăn đi. Cô Khanh không thích ăn tôm."

    Thụy Khanh trái lòng nói ra, kỳ thực tôm nướng muối ớt là món ăn cô thích nhất.

    "Chuyện ăn uống của hai cô trò nhà này giao cho mày nha Hoàng." Anh Toàn khóe mắt đầy ý cười.

    "Được thôi, mày cứ lo cho vợ mày bên kia." Anh cũng nhìn thằng bạn cười cười.

    "Vậy mày lo cho vợ con mày, à nhằm lo cho bé Tú và Thụy Khanh đi."

    Chị Vân nghe ông chồng nói cười phụt cả cơm, vô cùng mất hình tượng. Thụy Khanh thì mặt đỏ như trái đào. Vân Tú thấy ba mẹ cười thì thích chí vỗ tay, chẳng hiểu gì câu chuyện của mấy người lớn. Bé chỉ lạ một điều là sao cô Khanh không chịu gắp đồ ăn, đầu của cô lại cúi xuống thật thấp.

    Vân Tú là bé ngoan và biết quan tâm đến người khác. Cô Khanh không gắp thịt ăn, như vậy không có sức khỏe. Mẹ đã nói phải ăn rau và thịt nữa mà. Thế là bàn tay nhỏ bé cố gắng gắp thịt bỏ vào chén cô. Nhưng gắp không chuyên nghiệp, bởi vậy được nửa đường cục thịt lại rớt xuống.

    Chú Hoàng vô cùng biết điều, ngó thấy bé con vất vả mãi mà không xong, chú Hoàng nhiệt tình giúp đỡ. Dù khoảng cách giữa cô Khanh và chú Hoàng là bé Tú, vậy mà tay chú vẫn dài, vươn ra gắp đồ ăn bỏ gọn gàng vào chén cô Khanh. Hành động của chú báo hại tay cô Khanh run như ngày đó ở nhà, xém chút lại rớt chén cơm.

    "Cám ơn anh!" Thụy Khanh nhìn anh lịch sự.

    Anh không nói gì chỉ tiếp tục gắp tôm vào chén cô, bên cạnh có bé Tú mời chào: "Chú Hoàng gắp nhiều tôm cho cô Khanh giống cho con vậy nè. Chú Hoàng thương cô Khanh giống Vân Tú nha chú Hoàng."

    Lần này thành công khiến anh bị sặc. Cặp vợ chồng nhà nọ cũng cười không cần hình tượng. Minh Hoàng bị Vân Tú đánh lén không kịp trở tay, đứng hình mất một giây rồi quay về trạng thái ban đầu. Dù sao anh cũng là đàn ông, đao thương khó xâm nhập, nói chi mấy lời vô tư của trẻ con. Chỉ lạ một điều là nghe bé Tú nói thay vì khó chịu, anh lại thấy vui vui trong lòng.

    Thụy Khanh thì không được bình tĩnh giống anh. Dù cô không ưa anh, không có vụ mắc cỡ trước anh, nhưng bàn ăn còn có anh Toàn và chị Vân, anh cứ gắp thức ăn cho cô, cô nuốt không trôi. Từ ban đầu cô đã không có hảo cảm với anh. Giữa cô và anh lại còn có Trúc Khanh ở giữa. Cô không muốn có sự liên quan nào với anh, không muốn mối quan hệ gia đình trở nên tồi tệ hơn.

    Thụy Khanh ăn không nổi nhưng phải ráng lùa hết chén cơm. Trong miệng cô không cảm nhận được vị gì. Vất vả một lúc cũng xong, cô đứng dậy nhìn cả bàn ăn tìm cớ bỏ chạy: "Em ăn xong rồi. Em xin phép dọn chén trước."

    Chị Vân lập tức đứng dậy ấn cô ngồi xuống: "Tầm bậy, mới ăn có một chén sao mà no được. Em ăn như vậy bảo sao không gầy. Giờ chị hiểu sao càng ngày em càng mong manh rồi. Đang ở năm cuối mà không chịu ăn uống cho đàng hoàng."

    Giọng chị trách móc như chị gái dành cho em út khiến Thụy Khanh có chút cảm động, lại nhớ đến những người thân trong nhà mình, cô bất giác muốn rơi nước mắt nhưng ráng kìm lại.

    Bé Tú tinh ý, cô Khanh buồn, bé cảm nhận được ngay: "Cô ơi, cô đừng buồn, đừng có khóc mà. Cô khóc con cũng khóc nữa."

    Con bé vừa nói, Minh Hoàng lập tức nhìn sang, ngó thấy khuôn mặt tang thương của cô, tự nhiên lòng anh nhoi nhói mà không hiểu vì sao. Anh Toàn cũng nhìn Thụy Khanh tội nghiệp, sợ cô khóc, giọng anh cũng giả lả:

    "Con gái của ba, còn không chịu kéo cô giáo ngồi xuống ăn cùng con thêm một chén nữa. Cô giáo gầy quá sẽ không đủ sức dạy con đâu."

    Thụy Khanh vội vàng ngăn lại: "Em no thật rồi. Em xin phép anh chị cho em về nha. Hôm khác em lại ăn tối cùng mọi người."

    "Con hông chịu đâu. Cô Khanh hứa ăn xong vẽ công chúa với con mà. Cô hông được về." Vân Tú chí chóe.

    Thụy Khanh đành phải quay sang dỗ bé con. Lúc này Minh Hoàng mới thấy được khóe mắt và hốc mũi cô hồng hồng, báo hiệu nội tâm đang thổn thức, lòng anh lại nhói lên.

    "Vân Tú ngoan. Tí nữa cô về nhà học bài xong rồi cô sẽ vẽ hai công chúa cho con luôn, chịu không nè?"

    Vân Tú nghe được hai bức tranh trong lòng cũng vui, nhưng vẫn muốn có cô Khanh ở chơi lâu hơn. Thế mà chưa gì cô Khanh đã đòi về, bé rất buồn nên không chịu gật đầu.

    Thụy Khanh thấy mình có lỗi, mọi người đang ăn uống ngon lành, vì cô đứng dậy khiến người ta phải dừng lại bữa cơm để năn nỉ cô ở lại. Tự nhiên cô quẫn bách: "Em xin lỗi mọi người ăn tiếp đi ạ."

    Chị Vân không đành lòng: "Em có lỗi gì đâu, sao cứ hay xin lỗi mọi người. Ăn không nổi thì thôi để chén đó đi, tí nữa chị dọn. Em tranh thủ về, mai còn đi học."

    Thụy Khanh được chị đồng ý, nhanh chóng đứng dậy chào anh Toàn và Minh Hoàng. Thế là Vân Tú cũng đứng lên theo cô giáo và mẹ ra cửa, bỏ hai người đàn ông ngồi lại bàn ăn, tự nhiên ai cũng no ngang.

    (Còn tiếp)

    (Nếu bạn đã đọc đến đây, tiện tay hãy like cho mình. Nếu bạn phát hiện lỗi chính tả hoặc có góp ý nào khác, vui lòng giúp mình comment trên trang [Thảo Luận - Góp Ý] Truyện Của Annie Dinh Chân thành cám ơn bạn)
     
  2. Annie Dinh

    Bài viết:
    361
    Chương 21. Hẹn gặp

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tiễn Thụy Khanh về, hai mẹ con dẫn nhau vào, mặt Vân Tú buồn xo. Anh Toàn nhìn con gái an ủi:

    "Mai cô giáo lại đến dạy con mà."

    "Nhưng con vẫn buồn, muốn cô Khanh ở với con hà." Vân Tú nói như sắp khóc.

    Minh Hoàng không ngờ bé bám Thụy Khanh đến mức này. Đâu phải dễ lấy lòng con nít, cô phải thế nào bé con này mới thích cô như vậy. Cả hai vợ chồng bạn thân của anh cũng thích cô. Như vậy tư cách cô đâu có tệ. Nghĩ đến đây anh lại nhớ cách hành xử của ông bà Hưng, rồi lại cảm thấy khó hiểu.

    Anh nhìn Vân Tú dỗ ngọt: "Chú biết nhà cô Khanh. Chú đưa Vân Tú sang đó ở nha."

    Anh chỉ đơn giản trêu bé để thay đổi không khí, nhưng không ngờ lại tiết lộ khía cạnh khác. Cho nên nghe anh nói vậy, hai vợ chồng lập tức quay sang nhìn anh. Anh Toàn mở miệng trước:

    "Mày biết nhà Thụy Khanh hả?"

    Không giấu được nữa, Minh Hoàng trả lời thẳng thắn: "Biết, biết rõ nữa là khác."

    "Chả trách thấy Hoàng lạ lùng, bữa nay còn chịu ngồi đây ăn cơm với vợ chồng mình. Ra là có âm mưu." Chị Vân lại nghĩ theo chiều hướng khác. Trong đầu chị đang cho là anh có ý với cô giáo của con gái nên mới chịu ngồi lại.

    Minh Hoàng nhìn nụ cười ra vẻ ta đây đã hiểu của chị Vân, anh cũng buồn cười nhưng lười đính chính. Anh chỉ giải thích nhẹ nhàng gia đình Thụy Khanh và gia đình anh rất thân nhau.

    Anh Toàn nghe vậy bật thốt. Thì ra bối cảnh của Thụy Khanh không phải bình thường. Đoán được hai vợ chồng bạn thân đang một bụng thắc mắc, Minh Hoàng khẳng định luôn:

    "Gia thế Thụy Khanh rất khủng. Cô là con gái của đại gia chuyên cung cấp thiết bị cho giàn khoan và thăm dò dầu mỏ."

    Minh Hoàng nhìn hai vợ chồng thằng bạn đang há hốc miệng mà vui vẻ. Chị Vân cảm thán chả trách lúc đầu thấy tướng tá và cốt cách của Thụy Khanh, chị cũng nghi nghi. Nhìn phong thái là biết con nhà giàu, nhưng tiếp xúc gần thấy cô bé bình dân, và có vẻ sống rất khổ sở, không dư dả, suốt ngày chỉ đi trên chiếc xe đạp cà tàng, nên chị mới nghi ngờ suy nghĩ của mình. Chị cứ tưởng cô bé nghèo khổ, nhưng tại tướng sang vậy thôi. Ra là giả trang vi hành thật.

    Thật ra Minh Hoàng cũng không hiểu hoàn cảnh của Thụy Khanh lắm. Anh nói ra suy nghĩ của mình với hai vợ chồng bạn: "Dường như Thụy Khanh ở nhà không được chào đón bằng em gái. Ba mẹ cô bé chỉ thương cô em kia."

    "Ủa gì kỳ vậy. Làm cha mẹ kiểu gì bất công vậy?" Anh Toàn chưng hửng.

    "Tao quan sát thấy vậy thôi, cũng đâu có hiểu gì." Minh Hoàng lắc đầu.

    "Vậy la gia thế khủng nhưng hoàn cảnh sống của Thụy Khanh chẳng dễ chịu. Em đoán thế nên mặt con bé lúc nào cũng buồn. Nhiều khi em nhìn thấy thương con nhỏ."

    Chị Vân không nhịn được cũng nói ra suy nghĩ của mình về Thụy Khanh. Minh Hoàng cũng cảm thấy khổ sở thay cho cô. Ba người lớn không hay tự nhiên chủ đề lại chuyển sang hướng Thụy Khanh. Đặc biệt là Minh Hoàng, anh đã không nhận ra càng ngày anh càng bị cuốn vào vòng xoáy cuộc đời cô.

    * * *

    Trúc Khanh ngồi một mình trong phòng buồn bực. Bao lâu rồi anh Hoàng không ghé thăm cô. Lòng cô mong anh mấy hôm nay nhưng ngại nói ra. Cô cứ nghĩ hai đứa đi chơi mấy lần, anh đã có cảm tình với cô, cũng mong gặp cô như cô đã mong anh.

    Thế mà hơn cả tháng nay, anh không tới cũng chẳng gọi điện thoại hay nhắn tin cho cô. Mấy lần cô hỏi ba sao anh không đến, cô biết ba sợ cô buồn nên nói giảm nói tránh rằng anh rất nhiều dự án. Nhưng cô bất an, dường như anh chỉ xem cô như em gái, thay vì người anh đang tìm hiểu.

    Trúc Khanh cũng chưa rõ lòng mình với anh là thế nào, nhưng cô biết một điều rằng cô thuộc kiểu người không chịu được thất bại. Trước giờ điều cô muốn chưa bao giờ không với tới được. Ba mẹ sẽ làm mọi thứ để đáp ứng mong muốn của cô. Cô là bảo bối của cả nhà.

    Cô độc chiếm tình thương yêu và sự cưng chiều của ba mẹ, giờ cũng muốn có được anh Hoàng. Cô không chắc mình có yêu anh hay không, chỉ biết là cô hài lòng anh, vui khi thấy anh và không hề ác cảm chuyện kết hôn cùng anh.

    Cho đến giờ, trong suy nghĩ cô anh là chồng tương lai. Từ nhỏ đến lớn cô không giao thiệp bên ngoài nhiều, nên không có mối quan hệ khác. Ngoài các bạn nam học cùng lớp, cô chưa thấy người con trai nào khác ngoài anh. Trong mắt cô anh hoàn hảo nhất, bạn nam cùng lớp không thể sánh bằng.

    Giờ cô nhớ anh, muốn được gặp anh, thế mà anh lại không đến thăm. Tinh thần cô không vui nên sức khỏe bị ảnh hưởng. Cô không thoải mái, ba mẹ cũng phát sầu theo. Ba nói đã mời anh Hoàng sang nhà, sao đợi hoài anh ấy vẫn chưa đến? Cô biết là không nên khiến người ta thấy mình quá lệ thuộc, sẽ làm người ta mệt mỏi và sinh tâm lý chán nản, nhưng cô lại không ngăn được suy nghĩ muốn gọi cho anh.

    Trúc Khanh cầm điện thoại trên tay, chần chừ một lúc rồi cũng nhấn nút gọi. Lúc này Minh Hoàng đang trong phòng họp với nhân viên, nhìn thấy điện thoại của cô, anh có chút bất đắc dĩ. Anh hiểu lâu rồi mình không sang là không phải với cô, nhưng anh cũng không thể ép lòng mình. Anh chỉ xem Trúc Khanh như em gái, hoàn toàn không có sự nhớ nhung kiểu người yêu.

    Anh phát hiện mình và ông bà Hưng đã sai khi gieo hy vọng cho Trúc Khanh. Điều anh lo sợ đã xảy ra, cô thật sự quyến luyến anh. Trúc Khanh là cô gái nhỏ, thân lại mang bệnh tật yếu đuối, anh nên mở miệng thế nào để từ chối cô đây? Nếu cô ghét được anh thì tốt biết mấy, ít ra sẽ không gây khó xử cho cả hai. Anh có thể thẳng thắn nói ra cảm nghĩ của mình.

    Giờ Trúc Khanh gọi đến, anh từ chối thì không nỡ mà tiến tới cũng không xong. Thật tiến thoái lưỡng nan. Mấy ngày trước ông Hưng đã gọi nhắc khéo anh, muốn mời anh sang nhà. Anh có thể nghe ra giọng ông phiền muộn, mong anh đến cứu nguy. Dù ông lão luyện trên thương trường bao nhiêu, cố giả vờ xem nhẹ mọi chuyện, nhưng tình thương con gái không thể nào che giấu được.

    Minh Hoàng cứ nhìn điện thoại với biểu cảm do dự khiến các nhân viên khó hiểu. Sếp họ trước giờ đâu có thái độ thiếu quyết đoán thế này. Với những cuộc gọi quan trọng, sếp sẽ ra phòng ngoài nghe rồi quay lại. Với những cuộc gọi không cấp thiết, họ sẽ thấy sếp lập tức úp điện thoại xuống bàn. Thế sao giờ trông như không biết phải làm sao. Vị sếp anh minh của họ đâu rồi?

    Cả bọn kín đáo nhìn anh nhưng không dám biểu hiện gì, cũng không thể tiếp tục cuộc họp khi sếp đang thả hồn đi hoang. Sếp nhìn màn hình điện thoại một lúc, rồi để xuống tiếp tục cuộc họp. Dù không nói gì nhưng ai cũng nhìn ra tâm trạng sếp đã bị cuộc gọi vừa rồi ảnh hưởng. Sếp nhanh chóng cho ý kiến và kết thúc cuộc họp trong vội vã rồi ra khỏi phòng, bỏ lại sau lưng bao thắc mắc của đám nhân viên.

    Minh Hoàng đi về phía phòng riêng, ngồi vào ghế xoay ở bàn làm việc. Trong đầu sắp xếp xong ý nghĩ rồi mới gọi lại cho Trúc Khanh. Điện thoại chỉ reo một chuông đã nghe giọng Trúc Khanh bên kia mừng rỡ:

    "Anh Hoàng rảnh rồi sao?"

    "Ừ, anh vừa họp xong."

    "Vậy là lúc nãy em gọi đã làm phiền rồi." Trúc Khanh áy náy.

    "Không sao đâu."

    Trúc Khanh vì ngượng nên chưa biết nói gì thêm. Minh Hoàng cũng đang cố sắp xếp ngôn từ để tiếp chuyện cô gái. Chưa khi nào anh thấy bản thân bế tắc đến mức này. Thời gian chết trôi qua chậm chạp.

    "Cả tháng nay anh nhiều dự án quá nên có chút bận, không sang chơi với Khanh được. Em có gì vui không? Kể anh nghe đi." Giọng anh cứ như nói chuyện với em gái nhỏ, thật là làm khó cho anh.

    "Không có gì vui hết. Anh Hoàng không đến thăm em, em càng buồn hơn."

    Nghe Trúc Khanh nói vậy lẽ ra anh phải vui và có chút thỏa mãn, thế nhưng anh lại thấy nặng nề. Có lẽ anh giống một nửa đàn ông trên thế giới này, chỉ thích chinh phục và theo đuổi. Chuyện gì quá dễ dàng lại cảm thấy nhàm chán. Thật sự nói chuyện với Trúc Khanh, anh cảm thấy mệt mỏi vì phải sắp xếp ngôn từ và phải hết sức dè dặt.

    Trong một giây, não anh xuất hiện suy nghĩ về Thụy Khanh. Anh biết mình không nên so sánh nhưng tự nhiên anh nhận ra, dường như nói chuyện với cô nàng kia anh chẳng cần phải e dè, cẩn trọng. Anh vô cùng thoải mái tự nhiên, còn giờ lại gò bó đến mệt mỏi tâm can.

    "Trúc Khanh sắp thi học kỳ chưa?" Anh phải ráng tìm chuyện để nói.

    "Dạ chưa. Ngày kia trường em có tổ chức hòa nhạc. Anh Hoàng có thời gian không ạ?"

    Minh Hoàng gần như phản xạ có điều kiện, anh chuẩn bị từ chối nhưng ráng nuốt xuống. Anh nghĩ hay là lợi dụng cơ hội này để nói rõ cho cô biết. Ông nội và ba mẹ cô muốn cho hai đứa thêm thời gian, nhưng anh hiểu mình muốn gì và cần gì. Cô bé này không phải mẫu người anh thích. Quan trọng là cảm xúc không có, anh sợ để lâu lại khó xử cho tất cả mọi người. Nghĩ vậy nên Minh Hoàng đồng ý tối hôm đó sẽ đến đón cô vô trường xem hòa nhạc.

    Được anh hứa Trúc Khanh vui sướng, gác điện thoại rồi cô cứ mỉm cười. Ông bà Hưng nhìn cô cười mà lòng thắt lại. Con gái của hai người quá xúc động. Chỉ một cuộc trò chuyện với Minh Hoàng đã khiến cô vui như vậy, sau này không có anh, cô sẽ thế nào? Tự nhiên hai người run rẩy trong lòng. Ai cũng nhận ra mình đã đi sai nước cờ.

    Trúc Khanh lại không hiểu được nổi lòng của ba mẹ. Cô đang mơ màng với viễn cảnh sắp được đi chơi với Minh Hoàng, nên miệng luôn treo nụ cười vui sướng hạnh phúc, và lòng bắt đầu đếm ngược thời gian để được gặp anh.

    Vất vả chờ rồi cũng đợi được tới ngày hẹn. Trúc Khanh bắt stylist phải trang điểm thật đẹp, đòi bà Hưng kéo hết quần áo rải đầy trên giường, để chọn chiếc đầm cô cho là đẹp nhất. Khuôn mặt cô bừng lên sức sống, chẳng có dấu hiệu mệt tim như mấy ngày chờ đợi vừa qua.

    Con tim tội nghiệp của cô cứ mệt, rồi lại khỏe khiến hai vợ chồng bà cũng lao đao theo. Cho đến lúc này ông bà hoàn toàn nghiệm ra hai người đã sai khi nghe lời cô lần vừa rồi. Lẽ ra phải mạnh mẽ cản trở, đừng nghe theo rằng cô có thể khiến cho Minh Hoàng thích mình. Chuyện đó chẳng bao giờ khả thi.

    Con gái của mình bệnh hoạn làm sao có thể thu hút được ai. Thêm nữa kiểu người quyết đoán như Minh Hoàng đâu có thích hợp với con bé. Thà lúc trước từ chối ngay, con bé chỉ buồn một lúc rồi thôi, còn hơn bây giờ đã lún sâu.

    Bà chẳng biết tình cảm Trúc Khanh dành cho Minh Hoàng thế nào, có khi không phải là tình yêu. Chỉ tại ông bà gieo vào lòng cô về tài năng của anh, vô tình hại cô mơ mộng. Cuộc sống của cô nhỏ hẹp, người con trai tài ba cô gặp lần đầu tiên là Minh Hoàng, cho nên chỉ số cảm xúc theo đó bị lệch lạc. Cô đâu biết rằng bên ngoài có thể còn nhiều người giỏi giang hơn anh. Giờ nói ra chuyện này có phải muộn rồi không?

    Thời gian gần đây bà đã nghe chồng nói sơ về ý định của Minh Hoàng. Cậu ta chỉ xem Trúc Khanh như em gái. Bà chỉ sợ buổi đi chơi tối nay cậu ta sẽ nói thẳng với Trúc Khanh. Chẳng biết con bé có chịu nổi cú sốc này không. Bà hy vọng mọi chuyện suông sẻ, mong cho con gái bình yên.

    (Còn tiếp)

    (Nếu bạn đã đọc đến đây, tiện tay hãy like cho mình. Nếu bạn phát hiện lỗi chính tả hoặc có góp ý nào khác, vui lòng giúp mình comment trên trang [Thảo Luận - Góp Ý] Truyện Của Annie Dinh Chân thành cám ơn bạn)
     
  3. Annie Dinh

    Bài viết:
    361
    Chương 22. Mình là anh em

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Minh Hoàng vừa đậu xe trước sân đã thấy Trúc Khanh chạy đến gần, tự nhiên anh thấy nặng nề, miệng thì cảnh tỉnh cô trong vô thức:

    "Đừng chạy, coi chừng té."

    "Em đợi anh nãy giờ." Giọng Trúc Khanh hân hoan, cô vòng tay mình vào tay anh, muốn anh đưa cô đi chơi ngay bây giờ.

    Minh Hoàng không nghe cô, anh bước vào chào hỏi ông bà Hưng. Anh định ngồi nói chuyện một lúc nhưng Trúc Khanh chẳng kiên nhẫn. Ông bà lại chiều con, biết lòng cô chỉ muốn đi cùng Minh Hoàng, nên lặng lẽ giúp con bằng cách giả vờ giục hai người đi nhanh sợ trễ.

    Minh Hoàng nhìn sự yêu chiều của ông bà dành cho Trúc Khanh, trong đầu anh lại hiện lên hình ảnh Thụy Khanh. Vẻ cam chịu của cô, còn có giọt nước mắt chực rơi ngày đó ở nhà Quốc Toàn đã ám ảnh anh. Anh lắc đầu như xua tan ý nghĩ về cô. Đến anh cũng lạ lùng về chính mình, gần đây cứ nhớ đến khuôn mặt buồn bã của Thụy Khanh.

    Trúc Khanh kéo tay anh, đưa anh về trở về thực tại: "Anh Hoàng ơi mình đi đi, trễ rồi."

    "Được!"

    Minh Hoàng cố giả vờ tự nhiên rút tay ra khỏi tay Trúc Khanh để lấy chìa khóa trong túi áo. Một tay anh bấm mở khóa, tay còn lại mở cửa cho cô. Trúc Khanh e thẹn ngồi lên ghế trước. Bà Hưng theo thói quen, đi đến vén váy giúp con gái. Tay bà vỗ nhẹ má cô yêu chiều: "Đi chơi vui vẻ nha con."

    Ông Hưng thì giao cô cho anh: "Con coi sóc con bé này giúp chú nha Hoàng."

    Tự nhiên anh cảm thấy áp lực đè nặng cả tinh thần lẫn thể xác, chẳng hề có chút lãng mạn nào giữa nam và nữ. Anh lái xe ra đường trong tâm trạng chán ngán kín đáo. Ngồi bên cạnh là cô tiểu thư cành vàng lá ngọc, đang mặc trên người chiếc đầm hồng phối ren xinh xắn. Người ngọc như vậy mà lòng anh chẳng có tí xúc cảm nào.

    Kiểu người của anh cũng không phải khó kết giao, nhưng không hiểu sao anh lại không tìm thấy chủ đề để nói chuyện với Trúc Khanh. Thật lạ lùng! Trúc Khanh có vẻ cũng không cần anh trò chuyện, tâm trạng cô đang chìm đắm trong sự háo hức được ra ngoài chơi cùng anh. Ngồi bên cạnh anh, môi cô cứ mỉm cười, nội tâm cực kỳ vui sướng.

    Xe đến nhạc viện, Minh Hoàng hết mực ga lăng, anh xuống xe vòng qua bên kia mở cửa cho Trúc Khanh. Thu xếp xong, anh định đi song song với cô, thì Trúc Khanh lại lồng tay cô vào tay anh, cùng nhau bước vào cổng nhạc viện. Khí chất của cả hai không tầm thường nên thu hút một số ánh nhìn.

    Minh Hoàng không bị đám đông xung quanh ảnh hưởng, nhưng Trúc Khanh có vẻ muốn được chú ý. Cô như nép sát vào anh hơn chút nữa, tạo thành một cặp đôi khiến các cô gái không ngăn được ánh mắt kín đáo ngó hai người.

    Minh Hoàng che chở Trúc Khanh ngồi vào ghế. Vài người bạn cùng lớp đang ngồi chung quanh. Có một cô nàng trông rất quen, cứ bắn ánh mắt về phía hai người bọn anh. Minh Hoàng không tỏ thái độ gì, nhưng Trúc Khanh dường như muốn kích thích cô bé kia. Rõ ràng anh thấy Trúc Khanh như nũng nịu với anh hơn.

    Ngồi bên cạnh, Trúc Khanh cố tình níu tay anh, tựa sát vào anh. Đúng là cô bé kia thật sự bị kích thích, anh thấy cô bé bĩu môi rồi quay mặt sang hướng khác. Nhưng chốc chốc không nhịn được tò mò, lại quay sang phía hai người bọn anh. Anh bất đắc dĩ ngồi giữa các cô bé sinh viên đang ngấm ngầm công kích nhau. Tự nhiên họ khiến anh có cảm tưởng mình đang ở giữa cuộc chiến của các vì sao.

    Buổi hòa nhạc sắp diễn ra. Mọi người bắt đầu tập trung lên sân khấu nhìn các nghệ sĩ biểu diễn. Minh Hoàng cũng không phải là người khô khan. Anh thích nhạc, cũng thích nghe nhạc cổ điển, nên anh có thể ngồi lại thưởng thức phần trình diễn của các nghệ sĩ.

    Lúc còn du học ở nước ngoài, thỉnh thoảng anh cũng theo bạn đến các buổi hòa nhạc giải trí. Trong người anh cũng có tế bào lãng mạn. Chỉ là bây giờ khi nhìn sang Trúc Khanh, anh lại cảm thấy bớt hứng thú. Anh mong buổi hòa nhạc nhanh chóng kết thúc để được giải thoát. Anh cảm nhận được tình cảm của Trúc Khanh, mà bản thân anh lại không có cảm xúc với cô, nên anh thấy ngột ngạt.

    Vất vả trải qua hai tiếng, buổi hòa nhạc cũng hoàn tất. Anh lại che chở Trúc Khanh đứng lên, tránh dòng người va chạm cô. Trúc Khanh được anh nâng niu bảo vệ, cảm tình dành cho anh lại tăng thêm. Hai người ra xe, anh dự tính đưa cô về nhà, rồi lựa lời nói cho cô hiểu, và sau đó giải thích cho ông bà Hưng. Anh vừa định mở lời, cô đã mè nheo trước, buộc anh đưa đi ăn kem.

    Minh Hoàng đành phải chiều cô. Trong đầu anh nhanh chóng sắp xếp ý nghĩ nói rõ với cô ở quán kem. Vì có chủ ý nên anh lựa chọn bàn hơi khuất, rồi kéo ghế cho cô ngồi xuống. Anh muốn ngồi đối diện, nhưng Trúc Khanh nằng nặc kéo anh ngồi cạnh, ngã đầu lên vai anh. Bọn anh trông như một cặp đôi lãng mạn đang yêu nhau thắm thiết.

    Hành động của Trúc Khanh khiến Minh Hoàng không thoải mái. Anh cố ngồi thẳng lưng, giả vờ tự nhiên dỗ Trúc Khanh ngồi lại ăn kem cho đàng hoàng. Đợi cô thưởng thức nửa ly kem, anh ngăn cô lại vì sợ cô lạnh, nếu ăn tiếp sẽ không tốt cho sức khỏe. Đúng là Trúc Khanh hơi lạnh, trong bụng có chút khó chịu nên không bướng bỉnh.

    Cô nghe lời anh đẩy ly kem qua một bên, mắt nhìn lên hướng bầu trời đầy sao. Khung cảnh có vẻ lãng mạn nên thơ. Nhịn không được cô lại muốn ngã đầu vào vai anh. Minh Hoàng nghĩ thời điểm này, nếu anh không nói ra sợ rằng vấn đề sẽ càng phức tạp. Đành rằng cô đang tận hưởng niềm vui ở cạnh anh, nói ra bây giờ có vẻ hơi ác với cô, nhưng mà để lâu tình hình sẽ tội tệ hơn. Minh Hoàng nhắm mắt một giây, kín đáo hít thở sâu, rồi nhìn cô dạo đầu:

    "Trúc Khanh này, lúc trước cô chú Hưng và ông nội muốn hai đứa có thời gian tìm hiểu. Người lớn cho chúng ta thời gian một năm. Dù là mới vài tháng nay, nhưng anh muốn nói.."

    Anh còn chưa nói hết câu Trúc Khanh lại ngã đầu lên vai anh, biểu cảm sung sướng:

    "Dù mới mấy tháng nhưng chúng ta rất hợp nhau phải không anh? Em thích những buổi đi chơi như thế này."

    Giọng cô du dương nhẹ nhàng vang vang bên tai anh. Thật sự nếu anh thích được cô thì tốt biết mấy. Chỉ tiếc rằng tình cảm là điều khó giải thích nhất trên đời. Nếu đã cố gắng nhưng không có cảm xúc, chỉ có thể nói cô không phải là người phù hợp với anh.

    Minh Hoàng không nỡ làm cô buồn, nhưng anh đành phải nâng đầu cô lên, cất giọng nghiêm túc: "Thật ra anh muốn nói tình cảm không nên chỉ xuất phát từ một phía. Trúc Khanh dễ thương và là cô em gái đáng yêu của anh. Mình hãy làm anh em được không em?"

    Thành thật xin lỗi cô, anh là người làm kinh doanh, không quen dùng lời ngọt ngào hoặc văn hoa, chỉ có thể nói ngắn gọn và cố gắng tránh tổn thương cho cô. Tiếc là dù anh đã nói giảm nói tránh, nhẹ nhàng hết mức có thể nhưng Trúc Khanh vẫn bị sốc. Mặt cô lúc này bắt đầu tái xanh, hơi thở có chút nhanh, mắt nhìn anh như không thể tin:

    "Tại sao chứ? Sao anh không cho hai đứa thêm thời gian? Ba đã nói một năm mà, sao anh vội vàng như vậy?" Trúc Khanh bặm môi cố ngăn nước mắt.

    Người ta nói nước mắt phụ nữ là vũ khí lợi hại, khi nhìn con gái xinh đẹp khóc, không người đàn ông nào không động lòng. Đúng là Minh Hoàng đang động lòng khi thấy Trúc Khanh khóc, nhưng thuộc kiểu không nỡ, chứ không phải vì yêu mà xót xa khi thấy người yêu mình đau lòng.

    "Anh xin lỗi Trúc Khanh! Anh không muốn làm em buồn. Nhưng anh hiểu mình cần gì và phù hợp với ai. Nếu đã cố gắng mà không có cảm xúc, anh chẳng muốn kéo dài, sẽ làm hại đến em. Anh quý em và thật lòng xem em như em gái trong gia đình. Để anh làm anh trai của em được không Trúc Khanh?"

    "Em không cần." Trúc Khanh hét lên và khóc như mưa gió.

    Vừa nãy không khí lãng mạn là thế, phút chốc bỗng tiêu tan. Cô bé không buồn nói chuyện với anh nữa, chỉ đứng dậy đi ra cửa. Trước giờ luôn được ông bà Hưng nuông chiều, chưa ai dám làm trái ý cô, nên khả năng kiềm chế của cô cực kỳ kém.

    Bị anh từ chối, cô không thèm giữ phép lịch sự tối thiểu. Cô tỏ vẻ ghét anh không thèm che giấu. Một mình ra cửa đi về, không buồn đợi anh tính tiền. Thấy cô đang ngoắc taxi, Minh Hoàng chỉ kịp đặt tiền lên bàn rồi chạy theo cô. Đúng lúc cô chuẩn bị leo lên taxi, Minh Hoàng kéo tay cô lại, rồi rối rít xin lỗi tài xế.

    Trúc Khanh nhìn anh hét lên: "Buông ra!"

    "Anh phải đưa em về. Anh không muốn xảy ra bất trắc nào cho em."

    "Ai cần anh lo." Trúc Khanh hung hăng.

    Minh Hoàng có chút bất ngờ. Trước giờ cứ tưởng cô em khác xa cô chị, nào có ngờ đâu hai chị em sinh đôi cùng trứng, nên sự hung hăng chẳng thua kém gì nhau. Cho dù Trúc Khanh không đồng ý, anh vẫn áp tải cô lên xe. Cô là bảo bối tâm can của ông bà Hưng, anh không muốn vì một phút giận hờn mà khiến hai người đó hận anh cả đời.

    Biết không thắng được anh, Trúc Khanh tự mở cửa xe sau chui vào. Cô giận anh đến mức không muốn ngồi cạnh anh. Minh Hoàng ngao ngán đưa cô đến cổng nhà. Xe còn chưa dừng hẳn, Trúc Khanh đã tông cửa chạy ra. Thái độ giận dữ của cô khiến chị Tâm hốt hoảng, tiểu tổ tông lại hờn chuyện gì nữa đây.

    Làm cho nhà này vài năm, chị nhận ra người khó hầu hạ nhất không phải ông bà Hưng, mà là cô công chúa này. Người bên ngoài nhìn vào đều cho là cô nhỏ thân mang bệnh nhưng vô cùng hiền lành, tài sắc vẹn toàn. Chị lại không nghĩ thế, cái người hiền lành nhất nhà là con chị Thụy Khanh kia kìa.

    Thấy cô chủ nhỏ giận dữ chạy vô bỏ mặc người mình thích phía sau, chị Tâm đoán hai người cãi nhau. Chẳng biết Minh Hoàng có muốn vào nhà hay không, chị vẫn mở rộng cổng.

    Xuất phát từ tâm trạng lo lắng cho Trúc Khanh, Minh Hoàng đã cất bước vào nhà. Biết là cô không thích nhìn thấy anh, nhưng anh vẫn phải xem cô ổn không và cũng muốn xin lỗi ông bà Hưng.

    (Còn tiếp)

    (Nếu bạn đã đọc đến đây, tiện tay hãy like cho mình. Nếu bạn phát hiện lỗi chính tả hoặc có góp ý nào khác, vui lòng giúp mình comment trên trang [Thảo Luận - Góp Ý] Truyện Của Annie Dinh Chân thành cám ơn bạn)
     
  4. Annie Dinh

    Bài viết:
    361
    Chương 23. Cái đuôi bất đắc dĩ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Bước vào phòng khách, Minh Hoàng thấy Trúc Khanh đang dựa vào lòng bà Hưng nước mắt ngắn dài. Bà vừa dỗ cô vừa sốt ruột, sợ cô khóc nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Ông Hưng thì bình tĩnh hơn một chút. Dù lo cho con gái, nhưng vẫn giữ được lịch sự bản chất của người làm kinh doanh lâu đời. Ông mời anh ngồi xuống, thái độ hòa nhã, không giận hờn cũng không trách móc.

    Cách hành xử của ông khiến Minh Hoàng thấy dễ chịu. Còn may ông không vì con gái mà ghét bỏ anh. Bà Hưng cũng chỉ lo an ủi Trúc Khanh, không hề có biểu hiện kém vui nào với anh. Minh Hoàng thầm cảm ơn sự hòa ái của ông bà. Lối cư xử văn minh của hai người khiến anh cảm mến. Cứ tưởng ông bà sẽ vì con gái và tỏ thái độ với anh, nhưng hai người chỉ nhìn anh khó xử khi Trúc Khanh như muốn đuổi anh về ngay lập tức. Ông bà lên tiếng xin lỗi vì sự hung hăng của cô.

    "Em nó hờn nên có hơi hỗn. Con đừng giận em nhé Hoàng. Để cô an ủi nó." Bà Hưng nhìn anh phân trần.

    "Dạ không có gì đâu cô. Cũng là lỗi của con. Anh xin lỗi Trúc Khanh!"

    Trúc Khanh nghe anh nói lập tức ngoảnh mặt đi như không muốn nhìn thấy anh. Ông Hưng áy náy:

    "Con cũng mệt rồi. Em nó hờn mai sẽ hết. Con đừng bận tâm, về nghỉ ngơi đi con."

    Minh Hoàng đành đứng dậy chào mọi người. Trúc Khanh không muốn nhìn đến anh. Ông Hưng đứng lên tiễn anh ra tận cổng.

    "Chú hiểu Trúc Khanh không phải mẫu người phù hợp với con. Từ ban đầu chú đã lường trước được, nhưng cứ muốn chiều Trúc Khanh. Con không cần phải khó xử đâu. Cô chú sẽ an ủi con bé, từ từ nó sẽ hiểu ra. Sẽ có người khác phù hợp với nó."

    Nghe ông Hưng nói nhẹ nhàng, không một lời trách móc làm lòng anh đỡ ray rứt. Lúc trước ít tiếp xúc với ông, nên anh cũng không đoán được ông như thế nào. Giờ hiểu được ông là người không quá cực đoan khiến anh có chút cảm mến.

    Ông xử sự lý tính, hiểu được tình cảm không thể ép uổng, nên dù anh từ chối khiến con gái bảo bối khổ sở, ông cũng không giận cá chém thớt. Con người biết tiến biết lùi như vậy, chẳng trách ông có thể thành công trên thương trường.

    * * *

    Nhóm Thụy Khanh vừa kết thúc giờ kiến tập ở một trường tiểu học. Hiện tại đã 11 giờ trưa, ngoài trời nắng đổ lửa. Mỗi ngày cô phải đạp xe hằng chục cây số từ nhà đến nơi kiến tập. Chỗ kiến tập lần này hơi xa trung tâm. Trong nhóm các bạn đều có xe máy để di chuyển, chỉ mỗi Thụy Khanh vẫn còng lưng trên chiếc xe đạp mini.

    Đình Thành nhiều lần lên tiếng muốn chở cô, nhưng vì biết cậu không vô tư với mình, nên cô không muốn mắc nợ tình cảm của cậu. Cô thà ngày ngày đạp xe một quãng đường xa xôi, cũng không muốn khó xử cho bản thân và Đình Thành. Nếu đã không thích được người ta, cô sẽ không tạo cơ hội cho người ta mất thời gian với mình. Lợi dụng người ta chỉ khiến vấn đề phức tạp hơn thôi.

    Thụy Khanh xếp lại sách vở bỏ vào cặp, trong đầu không ngừng suy nghĩ nên về nhà hay ghé thư viện tổng hợp. Thể chất mệt mỏi khiến cô rất muốn về nằm trên chiếc giường công chúa, phòng máy lạnh vù vù, cộng với nệm ấm chăn êm, cô có thể thả lỏng bản thân sau buổi kiến tập vất vả.

    Thụy Khanh vì muốn thành tích tốt nhất, nên luôn tập trung tinh thần, không hề thoải mái như các bạn trong nhóm. Cô muốn học thật kỹ, viết xuống những ý cần thiết để chuẩn bị cho bài báo cáo cuối kỳ. Ngồi chăm chú cả buổi sáng khiến Thụy Khanh mệt mỏi. Nếu giờ có thể về nhà, được nghỉ ngơi trong căn phòng riêng của mình là tốt nhất. Nhưng mới nghĩ đến chuyện chạm mặt mẹ và em gái ở nhà, cô lại chùng bước.

    Thời gian gần đây, chỉ cần chạm mặt ba người thân trong gia đình là Thụy Khanh hoảng sợ. May mắn giờ này ba ở công ty, cô sẽ không phải chạm mặt, nhưng mẹ và em gái vẫn đang ở nhà. Hai người cũng khiến cô sinh tâm lý sợ hãi. Mấy hôm nay chẳng biết chuyện gì đã xảy ra, mà không khí trong nhà u ám hơn nhiều.

    Thật lòng mà nói, nếu ngày thường chẳng có chuyện gì xảy ra, ba mẹ và Trúc Khanh vui vẻ với nhau, thì cô vẫn bị ngột ngạt bởi cách cư xử của họ. Giờ Trúc Khanh buồn bã mất tinh thần vì chuyện gì đấy, khiến hoàn cảnh sống của Thụy Khanh tệ hơn. Bởi vì em gái không vui sẽ kéo theo ba mẹ khổ sở, và tất nhiên áp lực sẽ đè nặng lên vai Thụy Khanh.

    Thụy Khanh biết em gái không trở bệnh, nhưng tinh thần không vui chỉ có thể liên quan đến người kia. Chẳng biết có vấn đề gì đã xảy ra giữa hai người bọn họ. Em gái bất ổn như vậy chắc là giận người kia. Có lẽ anh ta đã từ chối, hay nói gì đó khiến em gái xuống tinh thần, và giờ liên lụy đến cô.

    Thế nên từ ban đầu gặp, Thụy Khanh đã không ưa được anh ta. Giác quan thứ sáu bảo cô phải tránh xa người đàn ông nguy hiểm này, nếu không thì cuộc đời cô sẽ tăm tối hơn. Đã lường trước rồi, vậy mà vẫn gián tiếp chịu hậu quả anh ta đã gây ra. Bởi thế cô ghét anh ta cũng không oan uổng gì.

    Nghĩ đến sự âm u ở nhà, tự nhiên Thụy Khanh rùng mình. Cô quyết định đến thư viện, thay vì về nhà. Có điều bây giờ đi thư viện chắc chắn sẽ kéo theo cái đuôi phía sau. Ngày nào Đình Thành cũng cố tình chạy theo cô. Nhà có xe máy nhưng vì cô, cậu đã đổi thành xe đạp để song hành cùng cô.

    Cậu không làm gì quá phận cũng không nói theo đuổi cô, cho nên Thụy Khanh không có cách nào tỏ thái độ. Cô chỉ cảm thấy mệt mỏi khi sau lưng có một người âm thầm thích mình và sẵn sàng hỗ trợ lúc cần thiết. Thật lòng mà nói, sự giúp đỡ của cậu không khiến cô cảm động, chỉ cảm thấy áp lực tinh thần đè nặng cả tâm can.

    Giờ Thụy Khanh chạy sang thư viện, chắc chắn Đình Thành sẽ chạy theo sau. Cô ước gì có Hải Băng và Ngọc Linh. Nhưng hai nhỏ đang kiến tập ở hai nơi khác nhau, chưa chắc sẽ về phòng trọ, nên Thụy Khanh không muốn làm phiền bạn của mình. Cô về nhà lại không vui. Thật là trần thế bao la, lại không có chỗ cho cô dung thân.

    So sánh giữa chuyện nhìn sắc mặt hai người thân ở nhà và chuyện đối phó với người thích mình, thôi thì cô chọn mang theo cái đuôi chạy đến thư viện. Dù sao nhìn đuôi mình vẫn dễ chịu hơn về nhà. Thụy Khanh xác định miễn là cô không nhận ân tình của người ta, vậy thì sẽ không cảm thấy áy náy nữa.

    Quyết định xong, Thụy Khanh ôm cặp đứng lên ra bãi lấy xe. Bãi xe giờ chỉ có hai chiếc xe đạp. Một chiếc của cô và chiếc còn lại của bác bảo vệ trường học. Dường như hôm nay Đình Thành không đi xe đạp. Thụy Khanh thở phào nhẹ nhõm. Vậy là tốt rồi, cô sẽ không có chiếc đuôi nào theo sau nữa.

    Có lẽ đạp xe nhiều ngày, cậu ta cũng bắt đầu không chịu nổi. Bây giờ đa số sinh viên đều ráng kiếm chiếc xe cúp, để vừa đi học vừa làm thêm. Mỗi Thụy Khanh con nhà giàu chính tông, thế mà cứ giả vờ nghèo khó và thích đi xe đạp.

    Đình Thành không nói gì, chỉ bước đến bên kia dắt xe của cậu. Thụy Khanh tưởng có thể thoát khỏi cậu, nhưng tiếc rằng cô đã nghĩ quá sớm. Người ta dù chạy xe máy, cũng rề ga chầm chậm phía sau cô, quyết không từ bỏ.

    Đường từ chỗ kiến tập đến thư viện xa dịu vợi. Cậu đã đề nghị cô gửi xe lại trường và quá giang xe cậu. Cậu hứa sẽ không phiền cô, không gây áp lực nhưng ai biết tánh tình cô quá cẩn trọng. Cô bảo rằng nợ gì cũng có thể trả, nhưng nợ ân tình chẳng bao giờ trả được. Đình Thành hết cách chỉ có thể chạy theo sau cô.

    Đình Thành sẽ chẳng bao giờ hiểu được tại sao Thụy Khanh nói thế. Cô sợ nợ ân tình là vì cả cuộc đời cô đã gánh trên vai món nợ với em gái. Từ khi có nhận thức đến lúc trưởng thành, ba mẹ và em gái luôn bảo rằng cô nợ em.

    Theo lời ba mẹ, vì em hy sinh để cô chui ra trước, nên em bị ngộp và sức khỏe mới yếu như ngày nay. Cô đã trả mười tám năm mà đến giờ vẫn mang tiếng nợ em. Hoàn cảnh sống của cô đã hình thành nên tính cách. Cô sợ nợ, sợ mang ơn người ta, nên luôn cố gắng bắt bản thân phải tự lực cánh sinh.

    Không biết trên đời còn có cô tiểu thơ con nhà giàu nào giống Thụy Khanh hay không. Lẽ ra con nhà có điều kiện như cô, tính tình sẽ tùy hứng, vui tươi yêu đời. Thế mà cô lại phải học cách tự bảo vệ, trưởng thành trong suy nghĩ. Tiếc rằng dù cố tỏ ra mạnh mẽ, thì cô vẫn chỉ là một cô bé con.

    Ba năm qua cô cũng chưa va chạm với đời nhiều. Môi trường của cô chỉ có học và dạy kèm Vân Tú. Cô cũng chưa bị tôi luyện đến mức dạn dày như một số bạn cùng trang lứa khác. Bởi vậy cô nhìn như trưởng thành, nhưng thật ra vẫn mong manh yếu đuối.

    Đình Thành lúc này đang chạy phía sau cô. Có cái đuôi kiên trì này, Thụy Khanh không tiện ghé chỗ nào ăn trưa, đành đi thẳng vào thư viện. Khu vực để xe đạp khác xe máy, nên Thụy Khanh quăng bừa xe một góc, rồi chạy lên lầu tìm chỗ thật vắng không ai chú ý, bắt đầu giở sách ra. Cô chăm chú nhìn sách giáo khoa mà không hay rằng Đình Thành đã ngồi xuống ghế đối diện.

    "Khanh không ăn trưa rồi học."

    Giọng cậu vang lên bất thình lình khiến cô hết hồn. Đã ngồi trong góc vắng không người để ý rồi, mà vẫn bị cậu phát hiện. Phiền nhưng không thể nói gì. Thụy Khanh chỉ có thể lịch sự bảo mình chưa đói, muốn đọc sách một lúc rồi xuống ăn sau. Đình Thành không cho là đúng:

    "Nãy giờ đạp xe gần cả tiếng, Khanh nên nghỉ ngơi một chút. Cũng đến giờ ăn trưa rồi, xuống căn tin với Thành đi."

    "Thành cứ ăn trước đi." Thụy Khanh bướng bỉnh.

    Cậu không trả lời cô, chỉ ngồi đó lặng lẽ mở sách ra. Chiến lược không phiền, không quấy rối được áp dụng triệt để. Thụy Khanh không biết làm sao, chỉ có thể ráng tập trung vào trang sách trước mặt.

    (Còn tiếp)

    (Nếu bạn đã đọc đến đây, tiện tay hãy like cho mình. Nếu bạn phát hiện lỗi chính tả hoặc có góp ý nào khác, vui lòng giúp mình comment trên trang [Thảo Luận - Góp Ý] Truyện Của Annie Dinh Chân thành cám ơn bạn)
     
    Last edited by a moderator: 9 Tháng hai 2022
  5. Annie Dinh

    Bài viết:
    361
    Chương 24. Gia đạo bất ổn

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Cả hai ăn ý không ai nói ai, bắt đầu đọc sách. Thư viện giờ trưa vắng lặng. Một số bạn học mệt quá đã ngã đầu lên bàn, chợp mắt một tí. Chỉ còn hai con người khó hiểu là Thụy Khanh và Đình Thành. Đã quá giờ ăn trưa, nhưng không ai buồn đứng dậy.

    Đình Thành thật sự đói bụng nhưng cô bạn trước mặt không động. Cậu muốn xuống căn tin ăn rồi mua bánh lên cho cô. Tiếc là thư viện không cho mang đồ ăn vào. Mời cô xuống cùng cô lại không chịu đi. Tiếp tục ngồi đọc sách trong tình cảnh bụng trống rỗng thế này đúng là hành hạ tinh thần và thể xác cậu.

    "Xuống ăn trưa đi Khanh. Hơn 1 giờ rồi đó."

    Thật lòng Thụy Khanh cũng đói, cô định ngồi lại đợi cậu đi ăn trước. Khi nào cậu quay lên, cô sẽ xuống ăn sau. Thế mà người này cố tình ngồi chờ cô. Nếu cứ tiếp tục thi gan như vậy, cả hai đều ngược đãi bao tử của chính mình.

    Thụy Khanh xếp sách vở lại, cô chỉ chuyên tâm làm việc của mình không hay ở phía đối diện Đình Thành âm thầm thở ra, khóe môi cong nhẹ. Trời biết đất biết, nãy giờ cậu đói rã ruột. Nếu Thụy Khanh mà tiếp tục ngồi đó, chắc cậu không trụ nổi nữa.

    Thụy Khanh đi phía trước, Đình Thành theo phía sau. Cứ như vậy ngồi đối diện cô, gọi một phần ăn giống phần của cô, khuôn mặt cậu ngời ngời hạnh phúc. Chẳng biết do được ngồi ăn cùng cô, hay là bao tử được thỏa mãn nên cậu thăng hoa. Nhìn biểu cảm vui sướng của cậu, cô không tài nào hiểu nổi.

    Vất vả nuốt xong phần cơm trưa, Thụy Khanh lên thư viện tập trung học tiếp. Đối diện vẫn là cậu bạn thỉnh thoảng mang nước, hoặc giả vờ thảo luận một đề tài nào đó với cô, buộc cô phải tương tác với cậu. Thật ra học cùng bạn cũng có cái hay, dễ cho Thụy Khanh nhớ bài.

    Ngồi thêm một lúc cũng đến giờ cô phải chạy sang nhà Vân Tú dạy kèm. Lần này có thể thoát khỏi sự theo đuôi của Đình Thành. Đến được nhà Vân Tú, nhìn thấy cô bé rồi, tinh thần Thụy Khanh mới thả lỏng một chút. Giao tiếp với trẻ con, cô chẳng cần phải gồng mình nữa.

    Đó là lý do cô thật lòng thích dạy Vân Tú. Cô thích bé con và dùng tình cảm đối đãi với bé. Con nít nhạy cảm, ai thương bé thật lòng, bé có thể cảm nhận được. Cho nên Vân Tú bám Thụy Khanh vì cảm nhận được cô yêu thương và chiều bé. Cô dạy cho bé điều hay và chẳng bao giờ la mắng bé. Khi nào bé bướng bỉnh, cô vô cùng phối hợp, cho bé nghỉ một chút. Đợi cơn bướng qua đi, cô lại dạy bé học.

    Thụy Khanh ở bên nhà Vân Tú cũng được sự yêu quý của ba mẹ bé, nên mỗi khi dạy học cô cảm thấy thời gian qua rất mau. Ngồi một lúc đã đến giờ phải về nhà, lúc đó tâm trạng cô lại chùng xuống. Ba mẹ và Trúc Khanh chẳng thể nào biết được họ đã gieo vào lòng cô nỗi sợ hãi thế nào khi phải về nhà.

    Dạy Vân Tú xong, anh chị Toàn muốn Thụy Khanh ở lại dùng cơm tối. Thụy Khanh ăn không nổi bèn xin phép ra về. Chạy trên đường, lòng cô bắt đầu thấy không an ổn. Quả nhiên vừa về đến nhà, không khí quỷ dị đã tràn ngập màn phổi. Chị Tâm mở cửa cho cô, nhìn cô đầy ý tứ.

    "Có chuyện gì nữa hả chị Tâm?" Thụy Khanh hỏi với vẻ bất an.

    Ngày nào cũng lo lắng và hồi hộp như vậy, có ngày con tim tội nghiệp của cô sẽ thôi đập, chứ không phải yếu ớt như Trúc Khanh nữa đâu. Thật sự cô cảm thấy ngột ngạt khổ sở lắm rồi.

    Gần đây trong đầu cô đã manh nha ý nghĩ dọn qua chỗ Hải Băng ở. Nhưng hai mươi mấy năm sống trong truyền thống gia giáo của gia đình, cô chẳng dám nổi loạn, chỉ có thể âm thầm chịu đựng sự bất công.

    "Cô Trúc lại không vui. Chẳng biết đã xảy ra chuyện gì giữa cô ấy và cậu Hoàng. Từ buổi tối đi xem hòa nhạc với nhau đến giờ chẳng thấy cậu ấy ghé lại." Chị Tâm nhỏ giọng thì thầm bên tai cô: "Hình như cậu Hoàng không muốn qua lại với cô Trúc nữa. Tôi nghe ông bà chủ khuyên cô Trúc quên cậu ta đi, nhưng mấy hôm nay cô Trúc không chịu. Cô ấy cứ buồn, có vẻ cô ấy thương cậu Hoàng."

    Hai chị em cứ đứng ngoài sân nói chuyện với hai mắt căng chặt, sợ ba mẹ xuống phòng khách nhìn ra sân bất thình lình. Chị Tâm ở nhà nhiều hơn cô, nên chị biết rõ tường tận mọi chuyện. Tánh chị không phải nhiều chuyện, chỉ vì nhiều lần nhìn thấy sự bất công của ba mẹ dành cho Thụy Khanh, nên khi có chuyện sẽ báo động cho cô biết.

    Không phải mình chị ấy bất mãn, đã có nhiều người làm trước đây cũng bất mãn sự thiếu công bằng của ba mẹ dành cho hai chị em. Có thể nói trong nhà này, những người quan tâm Thụy Khanh nhất chỉ là mấy người giúp việc cho gia đình cô. Cuộc đời của cô có thể nói là thảm không nỡ nhìn.

    Người bên ngoài chỉ thấy Thụy Khanh là cô tiểu thư được lên xe xuống ngựa. Đi học có xe đưa đi đón về, không phải chịu nắng mưa, sương gió. Mấy ai biết những đặc ân này là nhờ vào Trúc Khanh. Ba mẹ vì xót em gái, nên chuyện gì cũng chiều em. Sợ em không chịu nổi một cơn gió, nên bảo vệ vô cùng kín kẽ. Cô vì đi theo em, nên cũng được đãi ngộ ké.

    "Mấy bữa nay cô Trúc giống thất tình. Chị thấy lạ, mới có mấy tháng không lẽ cô ấy yêu cậu Hoàng đến mức chết đi sống lại?" Chị Tâm không hiểu được nên đăm chiêu: "Cô Trúc không thèm đến trường dù sức khỏe không có vấn đề. Chị nghe ông bà chủ dỗ cô Trúc ngoài kia còn nhiều người đẹp trai, tài giỏi hơn cậu Hoàng, ông bà sẽ sắp xếp cho cô ấy. Nhưng cô Trúc không chịu, cứ buồn bã khiến trong nhà rối ren."

    Chị Tâm vẫn đang thắc mắc sao chỉ gặp nhau mấy tháng mà Trúc Khanh lại yêu anh ta. Tại chị không biết từ bao lâu nay, ba mẹ đã cố ý gieo vào suy nghĩ Trúc Khanh rằng anh ta là người tốt nhất. Tự ba mẹ đã xây dựng nên hình tượng người đàn ông tài ba, giỏi giang trong đầu Trúc Khanh. Em gái đã nhận định người đó sẽ là chồng tương lai và là người ưu tú nhất, nên đặt tình cảm vô anh ta là điều hiển nhiên.

    Cô không chắc em gái thích anh ta đến mức nào, nhưng có một điều cô rất hiểu em gái, em ấy là kiểu người không chịu bị bỏ rơi. Trước giờ chưa từng bị trái ý, lần này bị anh ta từ chối, cảm giác này với người bình thường đã không dễ chịu, thì làm sao với một người có trái tim không khỏe mạnh và chưa từng bị trái ý như Trúc Khanh có thể chịu đựng được.

    Cô chắc chắn nếu là một món đồ, ba mẹ sẽ cố gắng lấy về cho Trúc Khanh ngay, hoặc mang về cho em ấy một sự lựa chọn khác tốt hơn. Nhưng đây là một con người và theo cô cảm nhận người này cực kỳ khó đối phó. Anh ta sẽ không chịu bất kỳ sự sắp xếp của người khác.

    Anh ta ghét cuộc hôn nhân sắp đặt và anh ta đã thể hiện ý mình từ trước. Chẳng phải anh ta muốn từ hôn lâu lắm rồi sao? Anh ta cho cơ hội tìm hiểu Trúc Khanh trước khi quyết định là có lòng rồi. Chẳng thể bắt ép anh ta được nữa, nếu không tình hình sẽ càng tồi tệ hơn.

    "Giờ mọi người đâu hết rồi chị?" Giọng Thụy Khanh thấp thỏm không yên.

    "Ở trên phòng dỗ cô Trúc. Hôm nay cô ấy buồn bực, nên tim có hơi mệt."

    Rồi chị Tâm nhìn Thụy Khanh quan tâm: "Mặt cô gần đây cũng xanh đó cô Thụy. Cô đạp xe mỗi ngày mười mấy cây số, chị phục cô thật. Giờ cô vô ăn tối đi, chị dọn cho cô ăn."

    "Dạ thôi đừng dọn, em lấy chén ăn ít cơm là được rồi."

    Giờ không có ba mẹ và lâu rồi không ai quản cô, kiểu cách ăn uống sang trọng, nề nếp đã biến đi đâu mất rồi. Thụy Khanh của bây giờ cực kỳ tùy tiện, đâu còn cô tiểu thư cành vàng lá ngọc nữa. Một ngày chạy bên ngoài, vừa học vừa làm, chỉ có ăn vội uống vội. Cũng đâu có ai quan tâm, kiểu cách để làm gì.

    Chị Tâm không nghe Thụy Khanh, vẫn bày đủ thức ăn ra bàn. Chị thật lòng quý Thụy Khanh. Sợ cô chán, chị ngồi xuống bàn, nhìn cô ăn và trò chuyện cho cô đỡ buồn. Thụy Khanh mệt mỏi cả ngày, nuốt cơm không trôi nhưng chị Tâm không cho cô buông đũa, ép cô ăn thêm chút nữa.

    Để làm loãng sự chú ý của cô vào chén cơm, chị còn kể cho cô nghe những chuyện lý thú ở quê chị. Thụy Khanh vừa nghe, vừa cố gắng nuốt cơm. Đúng lúc này ông Hưng bất chợt đi xuống nhà bếp, không biết ông ấy cần gì. Thấy ông ở cửa, cả hai đều giật mình. Chị Tâm tỉnh hồn trước tiên.

    "Ông chủ cần gì tôi làm cho?"

    Ông Hưng chưa vội trả lời chị Tâm, chỉ nhìn con gái lớn nghiêm khắc: "Ngày nào cũng chạy ngoài đường, đi sớm về muộn. Con làm cái gì bên ngoài, thật chẳng ra làm sao."

    Chị Tâm nghe giọng ông chủ gay gắt với Thụy Khanh mà bất nhẫn. Với con gái nhỏ thì dịu ngọt, hà cớ gì nhìn con gái lớn là giở giọng trách mắng, trong khi con bé chẳng làm gì sai. Có lộn không vậy? Hai vị cha mẹ này chắc uống nhằm thuốc gì. Nhưng chuyện gia đình nhà chủ, phận làm công như chị chẳng dám hó hé, chỉ giả vờ mắt điếc, tai ngơ.

    "Con đi học và đi làm thêm, không phải chạy rong ngoài đường đâu ạ." Thụy Khanh tủi thân.

    Ông Hưng không buồn phản ứng, chỉ yêu cầu chị Tâm pha ly sữa nóng cho Trúc Khanh. Đối xử với con gái lớn thì khó chịu, nhưng chuyện của con gái nhỏ lại đích thân đi làm mọi thứ, thái độ kiên nhẫn yêu chiều. Không ai có thể hiểu được suy nghĩ của ông bà Hưng. Xem như Thụy Khanh mắc nợ gia đình này từ kiếp trước, nên giờ chỉ cần thấy cô, ông bà đã mất kiên nhẫn.

    Đang ăn ngon lành chỉ vì ông Hưng xuất hiện khiến tâm trạng Thụy Khanh u ám. Cô buông đũa, nhờ chị Tâm dọn dẹp rồi lủi lên phòng. Nói là sẽ xem nhẹ mọi chuyện, vậy mà lòng vẫn buồn. Thụy Khanh ngồi trên bàn học nghĩ về gia đình, trong đầu cô manh nha ý định thoát ly.

    Muốn sống cuộc đời riêng, trước tiên cô phải cố gắng học thật giỏi, tốt nghiệp loại ưu để có nhiều cơ hội tìm được việc làm. Nghĩ ra hướng giải quyết rồi, Thụy Khanh như thấy được tia sáng cuối đường hầm, đang thắp lên niềm hy vọng mong manh cho cuộc đời. Cô bỗng chốc như được tiếp thêm động lực, bắt đầu ngồi vào bàn học chăm chú. Tương lai tươi sáng vẫn còn ở phía trước. Thụy Khanh bỗng thấy lạc quan yêu đời.

    (Còn tiếp)

    (Nếu bạn đã đọc đến đây, tiện tay hãy like cho mình. Nếu bạn phát hiện lỗi chính tả hoặc có góp ý nào khác, vui lòng giúp mình comment trên trang [Thảo Luận - Góp Ý] Truyện Của Annie Dinh Chân thành cám ơn bạn)
     
  6. Annie Dinh

    Bài viết:
    361
    Chương 25. Tai nạn

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Thụy Khanh không ngờ mình thật sự được sinh vào ngôi sao xấu. Bao nhiêu người đi tiếp thị, phát tờ rơi ngoài đường, rải rác ở mấy ngã tư đèn xanh đèn đỏ, có ai giống cô không, chỉ đứng đó vậy mà cũng bị tai nạn.

    Lẽ ra hôm nay là ngày kiến tập của Thụy Khanh, nhưng bên trường thay đổi kế hoạch. Hải Băng cũng không có giờ kiến tập, thế là cả hai đứa kéo nhau đi phát tờ rơi. Vì yêu tiền như mạng nên rảnh rỗi là rủ nhau đi kiếm tiền. Giờ thì hay rồi, ra đường không coi ngày.

    Lúc hai đứa đang đứng ở chốt đèn giao thông. Một số người đi bộ đứng bên cạnh đang chờ qua đường. Vậy mà chiếc xe nào đó vượt đèn, tông thẳng vào chỗ Thụy Khanh. Hai bên đều có người nên cô chỉ có thể lùi lại, mấy người khác cũng nhảy tán loạn. Phản ứng tự nhiên của cơ thể khiến Thụy Khanh nhảy ra phía sau có chút vội, khiến cô té ngồi, hai tay chống xuống đất chịu sức nặng của cơ thể.

    Vì ngã hơi mạnh nên cườm tay trầy trụa rớm máu. Tay áo trắng của cô lau mặt đường bẩn đến không nỡ nhìn. Đám đông xung quanh la ó ồn ào, mắng người đàn ông chạy xe quá ẩu. Đèn đỏ mà cũng cố gắng lách lề để vượt qua cho được. Nhưng người ta đã chạy xa, mọi người nói một lúc cũng bỏ đi. Tội nghiệp mỗi Thụy Khanh, xui đến thế là cùng.

    Hải Băng cũng không hiểu nổi. Chạy xe bị tai nạn thì thôi không nói, chỉ đứng một chỗ mà cũng bị người ta làm té cho được. Mà nhỏ này đúng mong manh, cô thấy chiếc xe đó lao tới, bản năng cô đã nhảy sang một bên, Thụy Khanh phản ứng quá chậm, cô đành trơ mắt nhìn nó té ngã ra sau, hai tay chà xuống mặt đường, chịu đựng sức nặng cơ thể. Nhìn nó thảm thấy mà thương.

    Qua phút bàng hoàng, Thụy Khanh lồm cồm ngồi dậy. Hai lòng bàn tay cô đều rớm máu, nặng nhất là cánh tay phải. Tay áo bằng vải kate màu trắng lấm lem. Tai nạn xui xẻo như vậy chẳng đứa nào còn tinh thần để phát tờ rơi. Tiếc là không thể mang xấp tờ rơi còn lại đi trả. Muốn để lại ngày mai phát tiếp cũng không được vì chẳng đứa nào rảnh rỗi. Bọn cô đành cắn răng đứng phát cho xong.

    Cả hai tay Thụy Khanh đều đau, nhưng cô vẫn ráng chịu đựng đứng ở chốt đèn, đợi đến đèn đỏ rồi lao ra phát cho từng người. Có người nói là các cô tiếp thị bậy bạ, nhiều tờ rơi bị quăng thẳng xuống đường, gây mất mỹ quan đô thị. Nói chung cô cũng hiểu mình thỉnh thoảng tiếp tay làm dơ đường phố, nhưng cô còn cách nào đâu.

    Người ta thuê bọn cô phải đứng ở mấy ngã tư đường. Chiến lược của họ là rải tờ rơi, mục đích tìm kiếm các khách hàng tiềm năng. Trong một trăm người nhận, sẽ có vài người quan tâm và lựa chọn sản phẩm của công ty. Đã nói muốn thành công, phải có truyền thông và tiếp thị cũng là một mục đích tuyên truyền.

    Tiếp thị đa dạng hình thức nhưng chung quy nó đều mang lại hiệu quả nào đó. Không phải người ta thích in ấn màu sắc sặc sỡ bắt mắt và trả tiền cho bọn cô chỉ để rải các tờ rơi ra đường. Sẽ có những khách hàng có nhu cầu thật sự và tìm đến công ty từ các tờ rơi bọn cô quảng cáo.

    Phát một lúc Thụy Khanh cảm giác cổ tay phải hơi sưng, giơ tay lên có chút thốn. Có lẽ cô chống tay trên nền đất quá mạnh nên động tới thịt, sưng một chút sẽ hết. Cánh tay dù đau vẫn cử động được nên hai đứa đều yên tâm.

    Vất vả một lúc xấp giấy trên tay hai đứa cũng hết. Chỉ là bây giờ cổ tay phải có dấu hiệu sưng to hơn nữa, cử động lúc này đau đớn vô cùng. Thụy Khanh không nghĩ là gãy tay, chắc bị trật nhẹ. Hải Băng sợ động đến gân nên muốn đưa cô vào bệnh viện khám. Thụy Khanh cười con nhỏ vì sự lo lắng thái quá.

    Cô không nghĩ gân cốt có vấn đề gì, chạm nhẹ xuống mặt đường làm sao chạm đến gân cho được. Cô đâu có mong manh kiểu vậy, nhưng không hiểu sao nó càng ngày càng sưng tấy. Cô đâu muốn là tiểu thư, té chút xíu phải ầm ĩ đi bệnh viện. Trong nhà có một em gái yếu đuối đã đủ mệt mỏi rồi, cô không muốn giống em gái. Hải Băng khuyên không được, đành chở cô về công ty nhận tiền thù lao phát tờ rơi.

    Hải Băng đã nhận phát cho công ty này nhiều lần rồi nên rất quen thuộc. Có dự án mới họ sẽ liên lạc trực tiếp cho con nhỏ, không cần thông qua công ty dịch vụ nào. Nói thẳng ra nó có người quen làm ở bộ phận marketing nên đi cửa sau. Tiền thù lao phát tờ rơi của nó dĩ nhiên nhiều hơn vì không phải qua môi giới. Chơi với một đứa bạn năng động thật sự có lợi vô cùng. Nhưng mà hôm nay Thụy Khanh đúng là không coi ngày, bởi vậy đụng độ khắp nơi.

    Hải Băng đưa cô đến công ty tiếp thị. Thụy Khanh ngờ ngợ lần vừa rồi cô đã từng đến đây và đứng trong thang máy còn có Minh Hoàng. Hy vọng lần này cô sẽ không phải chạm trán anh ta ở nơi này. Cô chắc chắn đây không phải là công ty anh ta. Cơ hội gặp mặt thật sự rất hiếm.

    Thực tế chứng minh cô đã nghĩ quá sớm. Có những người trời sinh đã là oan gia, dù không thích vẫn phải chạm mặt thường xuyên. Thụy Khanh đã từng đến công ty Minh Hoàng, cho nên cô đinh ninh chỗ cô đang đứng không thuộc địa bàn của anh, nên hoàn toàn thả lỏng.

    Thụy Khanh nâng cổ tay trái đang sưng to, tay áo thì lấm lem nhơ nhuốc, bước thấp bước cao đến thang máy. Nhưng mà oan gia ngõ hẹp, cô thật sự thấy Minh Hoàng đang đứng đợi thang với một người đàn ông khác.

    Thụy Khanh chẳng biết có phải là người hôm trước hay không, vì lần đó cô không quan sát nên không nhớ rõ. Lúc này cô đứng sau lưng Minh Hoàng nên anh không biết được. Chỉ khi cửa thang mở ra, anh bước vào quay mặt lại mới nhìn thấy cô và Hải Băng đang lo lắng đứng bên cạnh. Do cú ngã ngoài đường vừa rồi, con nhỏ giờ có hơi cẩn thận với cô.

    Thụy Khanh muốn đi chuyến sau nên không chịu vào dù thang đang trống. Hải Băng không hiểu vẫn kéo cô vào cho bằng được. Hai người đàn ông cũng tự động nhích vô trong, tạo không gian cho các cô. Thụy Khanh gật nhẹ đầu chào Minh Hoàng.

    Bây giờ cô đang đứng trước mặt anh, Minh Hoàng thấy được tay áo phía sau rách bươm, cổ tay sưng tấy, lòng bàn tay rớm máu. Tự nhiên lòng anh lo lắng, không kịp suy nghĩ anh đã vuột miệng lên tiếng:

    "Em bị sao vậy Thụy Khanh?"

    Người đàn ông đi cùng giật mình. Sếp nhà biết cô gái này sao? Nghe giọng sếp như anh trai lo lắng cho em gái. Anh ta thật tò mò mối quan hệ của hai người. Lần gặp trước, sếp đâu tỏ thái độ thân quen, giờ giọng nói không giấu được sự quan tâm. Không phải một mình anh ta thắc mắc, trong lòng Hải Băng cũng đang muốn biết mối quan hệ của hai người.

    Hải Băng len lén giả vờ quay người lại, đứng tựa lưng vào thành thang máy, để có thể quan sát người đàn ông mặc tây trang đứng sau lưng nhỏ Khanh. Kiểu người anh ta thật bất phàm, nhìn sơ cũng có thể đoán đây là người có địa vị cao trong xã hội. Vẻ bề ngoài không tính là đẹp trai, nhưng đứng ở nơi nào cũng khó lẫn lộn với ai, bởi vì không người nào có thể dìm được khí chất của anh.

    Giống như nhỏ Khanh, chẳng biết nhà nó nghèo thế nào, nhưng đúng là khí chất của nó vượt xa bọn cô. Tướng tá tiểu thư sang trọng của nó khiến không ai có thể xem thường. Cho dù bọn cô đi xe máy, nó ngày ngày đạp xe vẫn không xóa được nét đài các kiêu sa.

    "Tôi không sao. Cám ơn anh!" Thụy Khanh lạnh nhạt trả lời Minh Hoàng.

    Minh Hoàng biết cô chẳng muốn tiếp xúc với anh, nhưng không hiểu sao anh lại thấy lòng lo lắng khi nhìn cổ tay sưng vù, tay áo trắng nhún bèo dơ bẩn rách bươm của Thụy Khanh. Đây là dấu hiệu của sự va chạm mạnh, hoặc do ma sát xuống mặt đường. Anh đoán chắc cô đã bị té. Dù cô không muốn anh quan tâm, nhưng dựa vào mối quan hệ giữa hai nhà, anh không thể làm ngơ.

    "Em té phải không? Đã sát trùng chưa."

    "Tôi không có việc gì." Thụy Khanh không xem chuyện này là quan trọng.

    Thái độ của cô chỉ muốn tránh anh, càng xa càng tốt. Đúng lúc thang máy dừng lại ở tầng bốn, Thụy Khanh vội vã bước theo Hải Băng. Minh Hoàng tự nhiên lao ra theo cô, buộc lòng vị giám đốc chi nhánh cũng phải đi theo anh.

    Minh Hoàng kéo tay Thụy Khanh lại, cất giọng nghiêm khắc: "Tay em sưng thế này, đã đi bệnh viện kiểm tra chưa? Té nặng đến rướm máu rồi kìa."

    Anh không hiểu cô rơi vào hoàn cảnh nào mà trở nên tùy tiện đến mức này. Anh biết chắc một điều, dù ông bà Hưng nói chuyện không nhẹ nhàng với cô, nhưng trang phục đi đứng sẽ quản đến cùng. Sao cô bé này lúc nào cũng chật vật, còn hay xuất hiện lung tung bên ngoài, cũng không thèm quan tâm đến hình thức. Trước giờ trong giới thượng lưu của anh, vẻ bề ngoài vô cùng quan trọng, thế mà Thụy Khanh ngày càng tùy tiện, khiến anh chẳng thể nào hiểu được.

    Đáp lại sự quan tâm của anh là thái độ xa cách của Thụy Khanh: "Tôi đã nói không sao. Anh buông tay đi."

    Hai người qua đường là Hải Băng và vị giám đốc chi nhánh chỉ đứng nhìn tình huống lôi kéo trước mặt, không thể mở miệng nói được gì, cứ như đã bị định chú.

    "Anh đưa em đi viện. Cổ tay sưng tấy thế này coi chừng trật khớp."

    Minh Hoàng kéo tay cô, Thụy Khanh cố gỡ ra, ánh mắt nhìn anh ghét bỏ: "Sao anh nhiều chuyện vậy? Tôi bị sao thì liên quan gì đến anh. Buông tay ra đi."

    Nhưng bất chấp Thụy Khanh phản đối, Minh Hoàng vẫn kiên quyết vô cùng. Anh kéo cô trở lại thang máy, để đi ngược xuống tầng trệt đến bệnh viện. Thụy Khanh vùng vẫy muốn thoát khỏi tay anh, nhưng sức cô không bằng anh. Minh Hoàng nhìn cô nghiêm khắc:

    "Nghe lời! Bây giờ đi bệnh viện với anh."

    Minh Hoàng cũng không nhận ra sao mình lại cố chấp như vậy. Tánh anh xưa nay cũng có chút ngạo mạn. Nếu người ta đã không muốn nhận sự giúp đỡ của anh, hoặc không muốn hợp tác, anh sẽ cắt phăng, không dòm ngó đến nữa. Thế mà hôm nay hà cớ gì anh lại vô cùng kiên nhẫn với Thụy Khanh, lòng còn lo lắng như người thân của anh đang gặp chuyện.

    (Còn tiếp)

    (Nếu bạn đã đọc đến đây, tiện tay hãy like cho mình. Nếu bạn phát hiện lỗi chính tả hoặc có góp ý nào khác, vui lòng giúp mình comment trên trang [Thảo Luận - Góp Ý] Truyện Của Annie Dinh Chân thành cám ơn bạn)
     
    Chỉnh sửa cuối: 11 Tháng hai 2022
  7. Annie Dinh

    Bài viết:
    361
    Chương 26. Đi bệnh viện

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Có lẽ giọng của Minh Hoàng cao vút và nghiêm nghị, nên Thụy Khanh không dám gỡ tay anh ra nữa. Cô bị động đúng một phút. Cổ tay cô lúc này sưng tấy, chạm nhẹ cũng đau đến rơi nước mắt. Thụy Khanh bắt đầu sợ mình bị bong gân hoặc gãy tay. Với sức khỏe bản thân, cô cũng không dám xem nhẹ. Trong lòng đã có dự tính, nhận được tiền thù lao với Hải Băng xong, cô sẽ đi khám. Ai biết còn chưa xong chuyện đã gặp anh, người mà cô muốn tránh nhất trên đời.

    "Tôi sẽ tự đến bệnh viện kiểm tra. Anh làm ơn buông tay đi."

    Giọng Minh Hoàng có chút giận: "Bao giờ em sẽ đi? Tay đã sưng tím hết rồi. Em muốn bị phế phải không? Có cần cánh tay này nữa hay không?"

    Đừng có hù dọa cô thêm nữa được không? Đúng là giờ trong lòng cô đang sợ đây. Lúc nãy chống tay xuống đất, cứ nghĩ không sao nhưng mà giờ càng ngày càng đau. Chắc đã động đến gân cốt rồi. Xui đến thế là cùng.

    Thụy Khanh cũng muốn đến bệnh viện kiểm tra ngay, nhưng mà không phải đi cùng anh. Biết Minh Hoàng có ý tốt, nhưng Thụy Khanh không thích nhận sự quan tâm của anh, lại càng không muốn có mối liên hệ nào với anh. Giọng cô xa cách, ngang ngạnh:

    "Chuyện không phải của anh, đừng có can thiệp vào."

    Minh Hoàng rất giận, nếu là người khác nãy giờ anh đã vung tay áo bỏ đi. Chuyện kiên nhẫn thế này là lần đầu tiên anh làm. Giám đốc chi nhánh đứng bên cạnh cũng đang há hốc mồm. Trong lòng cũng thầm tự hỏi, Tổng giám đốc hôm nay sao tốt tính thế nhỉ? Chắc là mối quan hệ với cô bé này không đơn giản. Nhìn Minh Hoàng bao che và vị tha, khiến anh ta có cảm giác hai người rất thân thuộc.

    "Anh cũng không muốn can thiệp vào chuyện của em. Chỉ là em gặp chuyện, mối quan hệ giữa hai nhà khiến anh không thể làm ngơ." Minh Hoàng ráng dằn lòng nói nhẹ nhàng: "Giờ theo anh đi khám bệnh, rồi sau đó em muốn sao cũng được."

    Hải Băng cũng khuyên vào: "Khanh đi khám đi. Nãy giờ tay bồ sưng to hơn nhiều, mình sợ bị gãy quá."

    Nhỏ này đúng là có khiếu hù dọa, miệng quạ khiến Thụy Khanh bất an hơn. Tự nhiên cô ỉu xìu, mấy gai nhọn quanh người như vừa bị bẻ gãy.

    Minh Hoàng biết đã đánh động đến cô, anh vươn tay bấm thang máy. Giám đốc chi nhánh nãy giờ giả vờ bàng quan, giờ mới ngẩng đầu lên tiếng:

    "Sếp ơi, anh đi bệnh viện, còn cuộc họp thì sao?"

    "Dời lại." Giọng Minh Hoàng vô cùng dứt khoát.

    Thụy Khanh đâu muốn nhận ân tình của anh, thế là thức thời chen ngang: "Anh bận thì cứ làm việc của anh đi. Tôi tự đến bệnh viện được. Có bạn tôi theo nữa mà."

    Minh Hoàng không trả lời cô, thang máy vừa mở cửa ra, anh kéo tay cô vào. Hải Băng cũng nhanh chân theo vào. Hải Băng né ánh mắt thiếu thân thiện của anh, rồi nhỏ giọng phân trần:

    "Em đi cùng nhỏ Khanh."

    Minh Hoàng từ chối ngay: "Không cần đâu. Cô bạn cứ về đi. Để Thụy Khanh cho anh."

    Biết anh không chịu từ bỏ, Thụy Khanh cũng không muốn Hải Băng mệt thêm vì phải theo cô vào viện, bèn năn nỉ nhỏ về phòng nghỉ ngơi:

    "Khanh đi với anh Hoàng. Anh ấy là bà con của Khanh. Hải Băng đừng lo. Bồ về phòng nghỉ ngơi đi, sáng giờ chạy mệt rồi."

    Hải Băng không muốn đồng ý, nhưng ngó thấy gương mặt mất kiên nhẫn của người đàn ông hiên ngang bên cạnh Thụy Khanh, tự nhiên cô ngán ngán, đành phải quay lưng đi lấy xe ra về, quên luôn chuyện nhận tiền thù lao.

    Minh Hoàng mở cửa xe cho Thụy Khanh ngồi vào, sau đó vòng qua ghế lái bên kia. Anh vươn tay thắt dây an toàn giúp cô. Hai người quá gần, hơi thở nam tính của anh như phả nhẹ vào mặt, khiến cô không quen, có chút quẫn bách. Cô không được tự nhiên, nghiêng người muốn tránh xa khuôn mặt anh.

    Minh Hoàng thấy vành tai Thụy Khanh lặng lẽ đỏ lên, gò má phơn phớt hồng, khóe môi anh vô thức cũng vểnh lên. Anh ngồi thẳng người, bắt đầu đề máy xe đến bệnh viện quen. Vì lo lắng cổ tay cô, anh phải dùng mối quan hệ để kiểm tra cho cô gấp. Như anh dự đoán tay cô bị trật khớp, còn may là chưa bị gãy.

    Lúc bác sĩ nắn tay lại, nhìn cô đau đến nước mắt rơi đầy trên mặt, nhưng kìm chế không rên la. Môi cô cắn vào nhau muốn tứa máu. Tự nhiên lòng anh tự động thắt lại. Cảm giác muốn ôm cô vỗ về, nhưng anh vẫn nhớ người này không ưa anh. Anh phải thức thời tránh xa cô.

    Bác sĩ nắn lại cổ tay xong, dặn dò không được làm việc nặng. Tay phải cố định, tránh cho gân cốt bị tổn thương. Lúc nãy cứ tưởng nắn xong rồi thôi, nhưng giờ bác sĩ bảo không được làm việc gì, Thụy Khanh bắt đầu lo lắng. Làm sao cô đạp xe đi kiến tập, rồi còn dạy cho Vân Tú học. Sao lại xui đến mức này.

    Mặt Thụy Khanh bỗng chốc buồn xo khiến Minh Hoàng cũng cảm nhận được cô bất ổn. Khi nãy cứ tưởng cô đau, nhưng giờ nhìn biểu cảm của cô như lo lắng chuyện gì đó, nhịn không được anh lại vuột miệng hỏi thăm:

    "Còn đau sao Khanh?"

    Người ta đã giúp cô, bỏ luôn cả cuộc họp. Thụy Khanh là đứa biết nghĩ, với những người có ơn với mình, cô không thể không biết điều. Thế là cất giọng hiền lành:

    "Tôi không sao nữa rồi. Hôm nay cám ơn anh!"

    Lần đầu tiên anh nghe giọng không có gai nhọn của Thụy Khanh. Thật là dễ thương, như con thỏ nhỏ, lời nói êm dịu như bông. Tự nhiên anh muốn gợi chuyện hoài.

    "Sao nhìn em buồn vậy? Hay là em đang lo lắng chuyện gì?"

    Thụy Khanh ban đầu không muốn giữ mối quan hệ gì với anh, nhưng hôm nay tai nạn xảy ra bất ngờ và anh đã giúp cô nãy giờ. Cô được dạy dỗ đàng hoàng, lại là kiểu người hiểu chuyện, nên dù không thích vẫn lịch sự trả lời anh:

    "Tay tôi không cử động được. Tôi không thể chạy xe đi học với dạy kèm Vân Tú được, nên tôi lo thôi."

    Minh Hoàng chẳng nghĩ đến điều này. Nhà cô có bao nhiêu tài xế, vậy mà cứ thấy cô đạp xe. Đây là thắc mắc bao lâu nay chưa có lời giải của anh.

    "Tài xế nhà đâu không đưa em đi?"

    Thụy Khanh không trả lời câu hỏi này, chỉ cảm ơn anh. Rõ ràng là thái độ tránh né. Minh Hoàng thức thời không hỏi nữa. Biết cô không muốn anh hiểu sâu về hoàn cảnh gia đình cô.

    "Em đang học trường nào?" Minh Hoàng lịch sự lảng sang chuyện khác.

    "Dạ học sư phạm."

    "Sáng mai có tiết sao?"

    "Dạ! Lúc này đang trong giai đoạn kiến tập."

    Hai người trò chuyện câu có câu không, thế mà Minh Hoàng cũng vô cùng kiên nhẫn. Biết Thụy Khanh không muốn nói nhiều về bản thân, nhưng anh ra đời trước cô mười mấy năm, cộng thêm bao nhiêu năm lăn lộn trên thương trường, anh hiểu làm thế nào để người ta mở miệng và phải hỏi thế nào để moi được thông tin. Thì ra cô bé này sống trong gia đình giàu có như vậy, nhưng mọi chuyện đều tự mình xoay sở.

    Bao nhiêu đặc ân của ba mẹ đều dành hết cho em gái. Trường học em gái gần, nhưng ba mẹ đều đưa đi đón về. Còn Thụy Khanh phải một mình đạp xe dù trời nắng hay trời mưa. Ngày trước đi học bên trường sư phạm cũng không xa lắm, nhưng gần đây kiến tập ở một vùng ven xa xôi, mỗi ngày đạp mười mấy cây số, vô cùng vất vả.

    Điều khiến anh bất ngờ là cô bé được sinh trưởng và nuôi dạy trong gia đình giàu có, sung sướng từ bé, thế mà vẫn chịu được gian khổ. Một điểm đáng ngạc nhiên khác là ở tuổi cô, lẽ ra không thể thâm trầm như vậy. Cho dù là người hướng nội, không thích nói chuyện đi nữa, nhưng nếu được gợi chuyện, ai cũng sẽ có lúc nói về bản thân, về những mặt tốt để tâng bốc chính mình, nhưng Thụy Khanh quá kỳ lạ.

    Chẳng biết cô đã trải qua nỗi khổ gì mà trở nên vô cùng trầm mặc, khép kín. Dường như có vẻ lặng lẽ, thích thu mình. Cô cứ xa cách mênh mông thế nào anh không giải thích được. Chỉ là nếu tiếp xúc đủ lâu, anh có thể cảm nhận được cô chỉ giả vờ dựng một bức tượng vô hình nào đó, để tự bảo vệ chính mình.

    Đây là kiểu người đã từng bị tổn thương nên thu mình lại. Bản chất thật sự của cô vẫn trong sáng ngây thơ, vẫn cần sự chở che. Có lẽ cô chỉ giả vờ xù lông với anh để tự vệ, che giấu sự yếu đuối bên trong.

    Dù Thụy Khanh không nói nhiều nhưng Minh Hoàng không phải hời hợt. Anh có thể đoán được cuộc sống của cô bé không vui. Anh không ngăn được lòng thôi suy nghĩ, lại thầm so sánh hai chị em.

    Trúc Khanh dù bệnh tật nhưng được nâng niu, vẫn còn giữ được nét hồn nhiên và vô tư bộc lộ ý muốn của mình. Là kiểu người luôn được chiều chuộng và được đáp ứng từ nhỏ, nên đôi lúc đỏng đảnh tiểu thư. Nếu không được như ý sẽ làm ầm ĩ.

    Còn Thụy Khanh lại khép kín, không muốn phiền đến người khác, khiến anh cảm thấy thương xót. Tuổi đời chỉ hơn hai mươi, nhưng đã phải gồng mình để sống. Rồi không ngăn được cảm giác thương xót, anh đề nghị mai sẽ ghé nhà đưa cô đi học. Nhưng nói thế nào cô cũng không đồng ý đề nghị của anh.

    Anh không nghĩ Thụy Khanh có thể xoay sở được ngày mai. Anh chẳng biết sao lại xót cho cô và trong đầu hình thành suy nghĩ sẽ đưa đón cô đi học. Anh cũng không hiểu mình bị chạm sợi dây thần kinh nào. Rõ ràng anh không muốn tiếp xúc nhiều với hai chị em nhà này, nhưng cứ vô tình bị cuốn vào cuộc sống của người ta. Thật không tài nào giải thích được.

    Thụy Khanh bảo thả cô ở trạm xe buýt, nhưng Minh Hoàng bỏ ngoài tai yêu cầu của cô. Anh lái xe về thẳng nhà cô. Thụy Khanh phản đối không thành công, nên vô cùng buồn bực. Cô âm thầm tự an ủi bản thân, thôi thì lần cuối cùng ngồi xe anh, lần cuối cùng tiếp xúc với anh. Từ ngày mai miễn là không liên quan, sẽ không có chuyện gì xảy ra nữa.

    Thật ra nãy giờ ngồi cạnh anh, cô không hề thoải mái. Áp lực vô hình đè nặng vì cô biết anh đang kín đáo quan sát mình. Chẳng biết anh muốn tìm tòi nghiên cứu gì ở cô, hay là đang so sánh cô với Trúc Khanh. Dù sao thì cô cũng không quan tâm anh đã rút ra được kết luận gì. Cô chỉ tâm niệm một điều, anh là sự không may mắn. Nếu muốn sống tốt hơn, cô nên tránh xa anh.

    Thực tế chứng minh cô đã lạc quan quá sớm, bởi vì Minh Hoàng không giống người đàn ông bình thường khác. Giúp đỡ người ta đi bệnh viện đã là cực hạn của lòng tốt. Thế nên cô cứ đinh ninh anh sẽ thả cô trước cổng nhà rồi chạy đi, vậy cũng đủ cảm động rồi. Thế nhưng khi xe dừng trước cổng nhà, Thụy Khanh mở cửa bước xuống và rồi anh cũng bước theo cô.

    (Còn tiếp)

    (Nếu bạn đã đọc đến đây, tiện tay hãy like cho mình. Nếu bạn phát hiện lỗi chính tả hoặc có góp ý nào khác, vui lòng giúp mình comment trên trang [Thảo Luận - Góp Ý] Truyện Của Annie Dinh Chân thành cám ơn bạn)
     
  8. Annie Dinh

    Bài viết:
    361
    Chương 27. Quả tim bằng sắt

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Bấm chuông một phút chị Tâm đã mở cửa. Thụy Khanh vì lịch sự hỏi Minh Hoàng có muốn vào nhà chơi một chút không. Nhưng cô còn chưa mở miệng, người ta đã tự đi vào trước cô. Trong lòng Thụy Khanh thầm nguyện giờ này Trúc Khanh ở trường, chỉ mình mẹ ở nhà. Cô rất sợ rắc rối xảy ra.

    Minh Hoàng không nghĩ nhiều như cô, cũng không biết thời khóa biểu của các thành viên trong nhà. Vì mối quan hệ thân thiết của hai gia đình, anh phải vào chào người lớn. Anh không hiểu được nỗi lo trong lòng Thụy Khanh, cũng không biết được là nếu gia đình cô thấy hai người cùng về, sẽ gán ghép lung tung, rồi Trúc Khanh sẽ không để Thụy Khanh yên.

    Chẳng biết Trúc Khanh có yêu Minh Hoàng không, nhưng Thụy Khanh biết một điều là em gái sẽ không thoải mái nếu người đàn ông em ấy nhìn trúng đi cùng cô. Cái này là sự ích kỷ từ trong xương máu. Cô đã lớn lên cùng em và đã nhận ra điều đó từ lâu. Chỉ cần món đồ chơi nhỏ, em gái cũng phải chọn cái đẹp nhất. Nếu ba mẹ mua đồ đôi, em gái cũng sẽ chọn cái không tì vết. Điểm số cũng phải cao hơn chị, nếu không sẽ dùng bệnh tình làm sức ép khiến mọi người không thở nổi.

    Thời gian trước em gái cũng đã cảnh cáo cô. Lúc đó Minh Hoàng tính kế hai chị em, giả vờ mượn cô ra làm bình phong để từ hôn. Vậy mà em gái vẫn quy lỗi cô quyến rũ anh. Thụy Khanh chỉ muốn được yên ổn, nên cô đã cố tránh xa anh, không tạo bất cứ mối quan hệ nào với anh.

    Xui xẻo hôm nay tai nạn, cô đã không lường trước chuyện gặp được anh ở công ty, và cũng không tưởng tượng anh lại tốt bụng đưa cô đi bệnh viện, giờ còn đưa vào tận nhà. Thụy Khanh thầm mong một mình mẹ ở nhà giờ này, cô sẽ dễ giải thích hơn. Hy vọng mẹ sẽ hiểu cô không cố ý. Từ bao giờ cô phải sống cẩn thận đến mức này? Thụy Khanh lắc đầu chán nản.

    Thực tế cô đã sinh nhằm ngôi sao xấu. Ai nói cho cô biết đi, sao giờ này phòng khách lại đông đủ thế này? Có Trúc Khanh và mẹ ở nhà cũng thôi đi, sao đang còn giờ làm việc mà ba vẫn ở nhà?

    Thụy Khanh kín đáo đưa mắt ngầm hỏi chị Tâm. Chị ấy lắc đầu nhẹ, tay làm dấu chỉ chỉ Trúc Khanh. Thì ra em ấy lại bệnh, nên mẹ đến trường đưa em về. Và như mọi lần, con gái bảo bối bệnh, ba cũng không an tâm, nên từ công ty chạy về xem sao.

    Da đầu Thụy Khanh căng lên đi phía sau Minh Hoàng. Nếu có thể cô ước gì mình không tồn tại. Dù không nhìn lên, Thụy Khanh vẫn cảm nhận được ánh mắt u ám của ba người thân đang xuyên qua anh, bắn về phía cô.

    Trúc Khanh khó chịu trong người. Tim của cô gần đây không thoải mái. Thấy Minh Hoàng bước vào nhà, tâm trạng cô bỗng chốc vui vẻ, nhưng giây kế tiếp thấy chị gái sau lưng anh, mặt cô lập tức xụ xuống. Sao hai người này lại đi chung?

    Bà Hưng cũng ngạc nhiên và bực mình. Hai mẹ con không giỏi che giấu cảm xúc, nên im lìm thể hiện thái độ kém vui. Chỉ có ông Hưng là người làm kinh doanh lâu năm, hỉ nộ ái nố khó bộc lộ, nếu không thì đã bại dưới tay bao nhiêu đối thủ rồi. Lúc này dù không vui, ông vẫn nhìn Minh Hoàng cất giọng thân thiện, như trưởng bối hỏi thăm con cháu:

    "Minh Hoàng sao lại đến đây giờ này? Con có việc gần chỗ nhà cô chú sao?" Cố tình không nhìn đến đứa con gái phía sau anh.

    "Dạ con đưa Thụy Khanh về. Cô bé bị té."

    Minh Hoàng thông báo vậy nhưng dường như tim hai vị cha mẹ này làm bằng chất liệu gì đó, nghe con gái bị tai nạn, thế mà vẫn dửng dưng. Nếu đổi lại là Trúc Khanh, có lẽ ông bà đã lo cuống cuồng.

    Tự nhiên Minh Hoàng có chút bất mãn thay Thụy Khanh và càng tò mò chẳng hiểu cô đã gây ra lỗi lầm to lớn dường nào, khiến cha mẹ giận đến mức bàng quan với bất kỳ chuyện gì liên quan đến cô.

    Không lo lắng thì cũng thôi đi, giọng ông Hưng lại nghiêm khắc phê bình Thụy Khanh, khiến anh từ bất mãn chuyển sang có chút tức giận. Giọng ông Hưng vang vọng:

    "Con làm gì ở ngoài đến mức không cẩn thận xảy ra tai nạn? Lớn rồi không nên thân, suốt ngày chỉ chạy loạn ngoài đường."

    Minh Hoàng bất nhẫn, anh định mở miệng giúp cô giải thích, nhưng người ở phía sau tự nhiên kéo nhẹ tay áo anh, ý muốn anh đừng nói gì. Hành động nhỏ của cô tưởng là không ai thấy, nhưng lại rơi vào mắt Trúc Khanh.

    Tay Trúc Khanh nắm chặt lại, kìm nén cơn giận. Trong đầu cô mặc định thì ra tại Thụy Khanh, nên Minh Hoàng mới từ chối cô. Nghĩ đến đây, tim cô của bắt đầu khó chịu. Mấy hôm nay buồn bực trong lòng, con tim đã biểu tình rồi. Cô biết sức khỏe của mình không tốt, cũng đã cố gắng không nghĩ đến chuyện tình cảm. Tính tình của cô cũng ngạo mạn, cô sẽ không để Minh Hoàng vào trong mắt nữa.

    Thế nhưng cố gắng là một chuyện, làm được hay không là một chuyện khác. Cô phát hiện mình thích anh, rất thích. Cho nên không được như ý, cô mới buồn bã đến mức này. Và hôm nay mẹ đưa đến lớp học được một chút, cô lại cảm thấy khó thở. Mẹ phải đón về, uống thuốc trợ tim một lúc nhịp thở mới bình thường trở lại. Giờ thấy chị gái ở sau lưng anh, tim cô lại đập nhanh hơn.

    Bà Hưng nhìn trạng thái không ổn của con gái nhỏ, lập tức lo lắng: "Con sao vậy Trúc Khanh? Nằm xuống mẹ vuốt ngực cho con." Tay bà vội vàng xoa ngực cho con gái.

    Thụy Khanh biết em gái hiểu lầm. Cô sống với em gái đủ lâu nên biết rõ tính tình. Không cần ai hỏi cô cũng tự mình thanh minh: "Con chỉ tình cờ gặp anh Hoàng trong công ty tiếp thị. Anh ấy tốt bụng giúp con đi viện và đưa về. Đây là sự trùng hợp thôi ạ."

    Không ai trả lời cô vì bận quanh vây Trúc Khanh, cả Minh Hoàng cũng chạy đến. Thụy Khanh không chắc ba mẹ có nghe lọt tai lời giải thích của cô không, nhưng cô biết Trúc Khanh để ý. Cho nên sau khi cô giải thích xong, rõ ràng nhịp thở của em gái đã tốt hơn.

    Bệnh đến nhanh và đi cũng nhanh. Đây là sự nguy hiểm của bệnh tim, nên ngày thường chẳng ai dám chọc giận em gái. Xét cho cùng em gái cô vô cùng tội nghiệp, còn trẻ như vậy đã mang bệnh tật nặng nề.

    Trúc Khanh bình thường trở lại, ông bà Hưng mời Minh Hoàng ngồi xuống uống trà, nhưng không khí gia đình có vẻ kỳ lạ. Minh Hoàng nhạy cảm phát hiện ra, hình như mình ở đây có thể gây khó cho Thụy Khanh. Vậy là anh cũng khách sáo ngồi một chút rồi đứng dậy, hạn chế nhìn Thụy Khanh.

    Sau khi Minh Hoàng ra về, lúc này cả ba người mới nhìn Thụy Khanh bực bội. Trúc Khanh là người chất vấn đầu tiên: "Sao chị lại cùng một chỗ với anh Hoàng? Chị cố ý giành với em nữa phải không?"

    "Không phải, em đừng hiểu lầm. Chị đã giải thích, đây chỉ là tình cờ thôi."

    "Em không tin. Là chị cố ý. Chị muốn giành mọi thứ với em." Trúc Khanh bắt đầu hét lên.

    Bà Hưng cũng nhìn Thụy Khanh giận dữ: "Con là chị mà suốt ngày cứ tìm cách gây sức ép cho em gái. Con cũng thừa biết sức khỏe Trúc Khanh không tốt. Vậy mà cứ muốn giành giật với em con là sao?"

    Vậy là ba người bắt đầu mỗi người một câu. Thụy Khanh đã quen với sự chì chiết vô tội vạ, nên cũng lười phân trần. Chỉ có chị Tâm đứng trong bếp, càng nghe càng thấy bực mình. Đây là cái gia đình lạ lùng nhất mà chị đã từng giúp việc. Đặc biệt cái con bé bệnh hoạn kia, nếu cô nàng không bệnh còn hung hăng đến mức nào.

    Sau khi bị mắng đủ, Thụy Khanh đi lên phòng. Cô tự an ủi bản thân, chỉ cần đợi hết năm học, tốt nghiệp xong cô có thể xin đi dạy và ở khu tập thể. Trường cô đang kiến tập ở xa nội thành, nếu có thể xin đến chỗ đó, không ở được khu tập thể thì có thể thuê phòng trọ, lâu lâu về thăm nhà, cảm giác cũng không tệ. Còn bây giờ việc trước mắt phải làm là tránh xa người đàn ông em gái thích.

    Minh Hoàng quả là khắc tinh của cuộc đời cô. Mỗi lần gặp anh cô đều xui xẻo. Lúc nãy anh nói ngày mai đến đây cho cô quá giang. May mắn cô đã từ chối, nếu không cô sẽ bị cả gia đình lên án.

    Thụy Khanh tự răn đe bản thân và bắt đầu lên mạng tìm thông tin tuyến xe buýt nào có thể đi từ nhà đến nơi kiến tập. Ông trời vẫn không ngược đãi cô, có một tuyến xe buýt đi thẳng. Tuy không phải chuyển xe, nhưng xuống bến, cô vẫn phải đi bộ thêm một đoạn mới đến được trường.

    Thụy Khanh xử lý bộ quần áo bẩn trên người rồi ngồi vào bàn học. Chiều nay không phải dạy Vân Tú vì lúc nãy trên xe, Minh Hoàng đã gọi điện thoại cho anh Toàn xin nghỉ giúp cô. Tưởng tượng đến mấy ngày tới phải xoay sở với cánh tay bị thương, Thụy Khanh có chút nản lòng. Nhưng chẳng có còn đường nào khác để đi, cô đành nhắm mắt bước tới.

    Trong khi ấy, trên đường quay lại công ty, Minh Hoàng gọi điện cho giám đốc chi nhánh công ty con Thụy Khanh tiếp thị hôm nay. Sau khi nói về công việc, nghĩ thế nào anh lại hỏi vụ công ty thuê sinh viên tiếp thị, rồi lại quan tâm thù lao trả các bạn sinh viên bao nhiêu.

    Vị kia không ngờ sếp nhà quan tâm tiền lương xong lại đề nghị anh ta trả gấp đôi cho các bạn. Phần bù vô, sếp sẽ lấy từ tiền túi. Thật là một vị sếp hào phóng. Hảo cảm của nhân viên dành cho Minh Hoàng lập tức tăng vọt. Còn trẻ mà đã có lòng nhân từ, làm việc cho sếp như vậy cuộc sống nhân viên cấp dưới sẽ vô cùng dễ chịu.

    Minh Hoàng không biết được hình tượng của anh trong lòng nhân viên tự nhiên tăng vọt. Anh chỉ nghĩ đơn giản rằng thông qua cách này có thể giúp đỡ Thụy Khanh kiếm được nhiều tiền hơn. Những ngày gần đây không hiểu sao anh lại quan tâm và hay nhớ đến gương mặt buồn của Thụy Khanh. Biết rằng ngày mai cô không muốn anh chở đến trường, nhưng anh quyết định vẫn đến giúp cô.

    (Còn tiếp)

    (Nếu bạn đã đọc đến đây, tiện tay hãy like cho mình. Nếu bạn phát hiện lỗi chính tả hoặc có góp ý nào khác, vui lòng giúp mình comment trên trang [Thảo Luận - Góp Ý] Truyện Của Annie Dinh Chân thành cám ơn bạn)
     
  9. Annie Dinh

    Bài viết:
    361
    Chương 28. Càng giúp càng loạn

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Minh Hoàng sợ Thụy Khanh tự đón xe buýt đi học, anh liền dậy sớm hơn ngày thường. Ông nội đang tập Thái cực quyền ở sân vườn, thấy cháu nội bảnh bao đi làm, không thèm ăn sáng với ông liền giận dỗi:

    "Con đi đâu mà sớm vậy? Không ăn sáng với ông nội luôn hả?"

    Gần đây ông nội càng ngày càng thiếu nhi hóa, hở tí sẽ giận lẫy. Nhưng đừng tưởng ông nội thiếu nhi này hiền lành, chỉ cần anh không ngoan, cây ba ton trên tay ông nội sẽ bay sang hướng anh vô cùng chuẩn xác.

    "Con có việc sớm hôm nay. Ông nội ăn sáng một mình hôm nay đi ạ."

    "Có chuyện gì chứ? Việc gì mà gấp. Cấp dưới sáng ra đã làm phiền sếp như vậy thì tệ quá. Không giải quyết được thì đổi người hết đi." Ông nội lại hờn.

    "Không phải đâu ông nội. Hôm qua Thụy Khanh bị té, sáng nay con cho cô bé quá giang."

    "Con nói Thụy Khanh là con bé chị nhà bên kia hả?" Ông nội ngạc nhiên: "Sao con lại liên quan đến con bé đó rồi? Chẳng phải đã từ hôn rồi sao?"

    "Dạ tình cờ cô bé tiếp thị cho công ty chi nhánh bên dưới bị tai nạn, nên con đưa giúp đến bệnh viện thôi ạ."

    Ông nội chưng hửng: "Con bé đó sao phải đi làm tiếp thị? Ba mẹ nó phá sản rồi hả?"

    "Khụ, khụ! Không phải đâu ông nội. Con cũng không biết sao, nhưng hình như cô bé này vừa học vừa làm."

    Ông nội vô cùng hảo cảm với sinh viên nào biết tự vươn lên. Mặt ông nội đầy vẻ từ ái: "Vậy con bé giỏi thế hả? Bị té à, tội nghiệp con bé vậy, con giúp nó đi. Thế con bé té có sao không?"

    "Tay bị trật khớp, không đạp xe được nên con giúp."

    Ông nội nghe anh nói lại càng ngạc nhiên. Tài xế nhà con bé đâu, sao để nó phải đi xe đạp? Hai ông cháu anh nói qua nói lại một lúc vẫn không hiểu vấn đề, chỉ cảm thấy tội nghiệp Thụy Khanh.

    "Nhà giàu vậy mà phải đi xe đạp. Thật chẳng hiểu nổi. Vậy giờ con qua chở giúp con bé đi kiến tập hả?"

    Ông nội hỏi xong không đợi anh trả lời, tự mình trầm ngâm đúng một giây rồi phát ngôn khiến anh hết hồn: "Hay là con ráng ưng con bé này đi. Kiểu người chịu khó như con bé, ông nội thích rồi đó."

    Đây là cưới vợ cho anh, ông nội thích thì liên quan gì đến anh. Lạ một điều là não anh nghĩ thế, nhưng lòng chẳng cảm thấy bài xích lời ông nội vừa nói. Ngó thấy thời gian không sai biệt, anh ngăn ông nội muốn nói tiếp, rồi lửng thửng đi ra cổng. Mồm miệng huýt sáo vang, báo hiệu tâm trạng hiện tại của anh không quá tệ.

    Hôm nay tài xế quay lại làm việc. Anh ta đã đề máy sẵn. Minh Hoàng mở cửa sau ngồi vào sang nhà Thụy Khanh. Để tránh không khí chẳng vui vẻ như hôm qua, anh nói tài xế đậu xe trước cửa nhà bên cạnh, rồi mở máy gọi cho cô. Chuông reo một lúc không có ai trả lời.

    Thật ra Thụy Khanh để máy trong cặp nên không nghe tiếng chuông. Giờ cô đang mở cổng ra ngoài. Hôm nay cô đi học sớm hơn thường lệ vì sợ ngồi xe buýt mất thời gian. Khi vừa ra cửa đã thấy Minh Hoàng bước xuống xe khiến cô giật mình, không ngờ anh lại nhiệt tình đến mức này. Hôm qua đã nói rõ với nhau, cô có thể tự đi bằng xe buýt. Hình như người này cố tình không để vào tai.

    "Sao anh lại chạy đến đây? Tôi có thể tự lo cho mình mà."

    Minh Hoàng không dông dài, trực tiếp vào thẳng vấn đề: "Anh biết em có thể tự lo, nhưng lương tâm anh không cho phép. Em vì tiếp thị cho công ty anh mới xảy ra tai nạn. Công ty phải có trách nhiệm với em."

    Đừng có dùng từ đao to búa lớn lúc sáng sớm như vậy chứ. Không phải các ông chủ công ty đều giỏi trong chuyện bóc lột nhân công sao? Thêm nữa họ còn biết cách phủi sạch trách nhiệm. Sao anh không làm theo người ta? Còn nữa, cô nhớ công ty này đâu phải của anh, đừng có vơ bừa như vậy chứ.

    Dường như biết lòng cô đang ôm một bụng thắc mắc, nghẹn cả trên mặt, anh nói ngắn gọn như giải thích: "Chỗ em làm thêm là công ty con của bên anh."

    Thật sự hoành tráng, chả trách anh cứ xuất hiện chỗ đó. Nhưng mà bận rộn như vậy, sao không lo tập trung giải quyết công việc đi, sáng sớm đã chạy sang đây, có biết cô rất sợ dính líu đến anh không? Chuyện hôm qua chỉ là tình cờ mà trong nhà đã loạn thành một đoàn. Cô bị mắng oan uổng đến mức muốn nổi loạn.

    Ba mẹ và Trúc Khanh đang mặc định cô cố tình quyến rũ anh. Cho nên cô chỉ muốn tránh xa người đàn ông này. Mà giờ anh lại giúp cô, vô tình đã đẩy cô vào tình cảnh khó khăn hơn nữa. Nhưng anh có ý tốt, người được giáo dục đàng hoàng như cô không thể lấy oán trả ơn, và cũng không thể dùng thái độ thiếu kiên nhẫn để đáp lại lòng tốt của anh.

    "Từ đây sang chỗ kiến tập của em cũng hơn một giờ đồng hồ. Nếu em không nhanh sẽ trễ đó." Minh Hoàng vô cùng không phúc hậu dọa cô.

    "Thật ra tôi đã biết đường đi đến đó bằng xe buýt rồi."

    Minh Hoàng không nói gì nữa, chỉ vươn tay lấy cặp táp của cô rồi đi vào xe, Thụy Khanh buộc lòng phải theo người đàn ông bá đạo này với bộ mặt không vui, như ai đang mắc nợ cô. Hai người giằng co nãy giờ không hay rằng Trúc Khanh ở trên lầu đã thấy tất cả.

    Vì buồn bực trong lòng, Trúc Khanh đã thức sớm hơn thường ngày. Lúc mở cửa ra ban công nhìn xuống đường, cô thấy xe Minh Hoàng đậu gần đó, và rồi Thụy Khanh bước ra. Cô không nghe được hai người nói gì với nhau, nhưng thấy họ đứng cùng nhau là cô đã không thoải mái.

    Trong suy nghĩ của cô là hai người có tình ý với nhau, và bây giờ không thèm che giấu nữa. Vậy mà Thụy Khanh còn giả vờ trong sáng với anh Hoàng, thật dối trá. Sao chị ta phải giành với cô? Rõ ràng cô đến với anh Hoàng trước, lẽ nào chị ta không hiểu cô thích anh sao? Bao nhiêu người không chọn, hà cớ gì giành giật người đàn ông của em gái?

    Trúc Khanh ở trên lầu tức tối. Bệnh tim của cô đại kỵ buồn vui bất thường, phải cố tránh cho tâm trạng xúc động. Mà thời gian gần đây bị Minh Hoàng từ chối, cô buồn bực, con tim tội nghiệp cũng bệnh hoạn theo.

    Từ lúc sinh ra, cô đã bị suy tim từ nhỏ. Các cơ quan nội tạng khác do không được cung cấp máu đủ, nên cũng không khỏe. Giờ hình ảnh trước mắt quá chói lóa, khiến cô không thể chịu đựng nổi, tay cô ôm lấy ngực, từ từ khụy xuống.

    Ông bà Hưng luôn lo lắng cho con gái, nên mỗi sáng thức dậy việc đầu tiên là chạy qua phòng cô thăm dò, do vậy đã kịp thời cấp cứu cho cô. Trong nhà lúc này một phen rối loạn.

    Trái ngược với không khí căng thẳng hỗn tạp ở nhà, trong xe Minh Hoàng vô cùng yên ắng. Vì cả hai không phải bạn bè của nhau, hơn nữa Thụy Khanh cũng không muốn làm thân với anh, nên chẳng mở miệng. Minh Hoàng ngồi một bên lặng lẽ quan sát cô. Lúc nào gặp cô cũng một bộ dáng áo trắng tinh khôi, tay dài hoặc tay lỡ thắt nơ.

    Hai bàn tay cô trắng trẻo, thon dài, biểu hiện chưa bao giờ chịu khổ, chưa bao giờ phải làm lụng vất vả. Nhìn đôi tay cô gái, người ta sẽ không ngăn được ước muốn hôn lên đó, nâng niu chiều chuộng. Thế mà hôm qua nó đã bị thương, giờ vẫn còn quấn băng.

    Nhìn cô ngồi đó trầm lặng, mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, anh chỉ có thể thấy được một bên sườn mặt tinh khôi của cô, lông mi rũ xuống rợp buồn. Không hiểu sao nhìn cô, anh còn thấy mong manh hơn cả Trúc Khanh.

    Có lẽ bôn ba quá nhiều, thể trạng tiểu thư của cô chưa quen với sự vất vả do cuộc đời mang tới, nên nhìn cô gầy nhom, khiến người ta nhịn không được lại muốn che chở. Anh lên tiếng phá tan bầu không khí trầm lặng giữa hai người:

    "Kiến tập đến khi nào xong vậy Khanh?"

    "Dạ, còn hơn một tháng nữa kết thúc học kỳ bảy và xong luôn đợt kiến tập."

    "Chỗ kiến tập của em quá xa. Sao không chịu đi xe nhà hả Khanh?"

    Anh không nghe cô trả lời. Dù không nhìn trực diện nhưng từ một bên sườn mặt có thể thấy môi cô đang mím lại, nửa tủi thân, nửa không biết phải trả lời thế nào. Vẻ mặt đầy ẩn nhẫn khiến người ta không đành lòng.

    "Em đang học năm thứ mấy rồi Khanh?"

    "Dạ năm thứ tư."

    "Vậy hết năm nay tốt nghiệp. Nghe vợ chồng Quốc Toàn bảo em học sư phạm tiểu học hả?"

    Thụy Khanh thật sự không muốn nói về mình. Nếu có thể cô không muốn liên quan đến anh. Nhưng mà tánh tình cô trước giờ không chua ngoa với người giúp đỡ mình, dù không thích vẫn phải lịch sự tiếp chuyện. Cứ như vậy hai người trầm mặc suốt đoạn đường. Đôi lúc anh hỏi, cô sẽ trả lời, hạn chế tiết lộ thông tin tối đa.

    Minh Hoàng dù không biết lý do gì khiến Thụy Khanh gò bó và bài xích khi nói chuyện với anh, nhưng anh vẫn trò chuyện với cô bình thường. Đoạn đường một giờ đồng hồ từ nhà cô đến chỗ kiến tập, hầu như chỉ nghe giọng anh. Anh không nhận ra với Thụy Khanh, anh tìm được đề tài để nói, trong khi với Trúc Khanh lại trái ngược. Tài xế phía trước cũng thấy hình như sếp nhà hôm nay quá kiên nhẫn và có hơi.. nói nhiều.

    "Trưa nay anh sẽ đón em. Mấy giờ em tan học?"

    Thụy Khanh nghe vậy mới quay lại nhìn trực diện anh: "Thôi không cần đâu. Anh bận trăm công nghìn việc. Tôi tự đón xe buýt về được rồi."

    Ngập ngừng một chút cô lại dặn dò: "Sáng mai anh cũng không cần cho tôi quá giang. Tôi đã biết cách đi đến đấy rồi. Bị như vậy chỉ một tuần tôi có thể tự chạy xe. Anh không cần phải áy náy gì đâu."

    Dù cô giải thích nhiều như vậy, nhưng rõ ràng thái độ anh chỉ nghe cho có, hoàn toàn không để tâm. Đúng như cô dự đoán, anh thật sự đã không để vào tai. Sau khi thả cô ở sân trường, anh quay lại công ty làm việc. Cả buổi sáng không hiểu thế nào anh vừa làm vừa ngó đồng hồ rất nhiều lần, sợ trễ giờ đón Thụy Khanh.

    Rồi sợ đường đông, nên khoảng 10 giờ anh đã ra khỏi phòng đi đón Thụy Khanh, dù biết rõ 11 giờ cô mới tan. Trợ lý trình ký hồ sơ chỉ có thể uất ức đợi anh quay lại vào buổi trưa. Lẽ ra có thể để tài xế một mình đón cô, thế mà không hiểu sao lòng anh cứ chấp nhất phải cùng đi đến đó. Sự nhiệt tình này đã vô tình gây khó cho Thụy Khanh.

    (Còn tiếp)

    (Nếu bạn đã đọc đến đây, tiện tay hãy like cho mình. Nếu bạn phát hiện lỗi chính tả hoặc có góp ý nào khác, vui lòng giúp mình comment trên trang [Thảo Luận - Góp Ý] Truyện Của Annie Dinh Chân thành cám ơn bạn)
     
    Chỉnh sửa cuối: 16 Tháng hai 2022
  10. Annie Dinh

    Bài viết:
    361
    Chương 29. Lần đầu ăn giấm chua

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Chuông reo tan học cũng kết thúc giờ kiến tập của Thụy Khanh. Cô xếp sách lại rồi nhanh chóng đứng lên chuồn lẹ ra cổng. Hôm nay không đi xe, tạm thời có thể thoát được Đình Thành. Vì phải đi bộ một quãng đường mới có trạm xe buýt, nên Thụy Khanh tranh thủ chạy trước, sợ Đình Thành kè kè phía sau.

    Nhưng mà cậu ta đang trong quá trình theo đuổi, nên mỗi ngày đều chú ý đến cô, cũng như chiếc xe đạp cô đi. Hôm nay cậu ta đến trường không thấy xe đạp của cô ngay chỗ thường đậu. Trong lòng thắc mắc, cứ tưởng hôm nay cô không đến lớp. Sợ cô bệnh, lòng cậu ta cũng lo cho cô. Lúc cậu ta bước vào lớp thấy cô ngồi ở bàn cuối, cậu ta chưa kịp thở ra đã thấy cổ tay cô quấn băng.

    Hỏi ra mới biết cô bị té. Dù không phải người xấu nhưng lòng cậu ta hiện tại có chút vui, vì nghĩ đến nhân cơ hội này có thể đưa đón cô mỗi ngày. Cổ tay sưng như thế chắc chắn Thụy Khanh không thể tự đạp xe tới trường, cũng không thể trốn giờ kiến tập. Sắp kết thúc học kỳ, kiểu gì cô cũng phải ráng đến lớp.

    Giờ thấy Thụy Khanh vội vàng lao ra khỏi cổng trường, cậu chạy theo giữ lại, thế nhưng cô bạn này quá ương bướng, nhất quyết không chịu nhận sự giúp đỡ của cậu. Đình Thành chẳng còn cách nào, cậu chạy ngược vào bãi lấy xe. Lúc này Thụy Khanh đã ra khỏi cổng. Cô đang thả chậm bước chân đến trạm xe buýt, thì thấy Minh Hoàng bước ra từ cửa xe, rồi đi đến bên cạnh.

    Nhìn thấy anh, Thụy Khanh giật mình: "Sao anh lại đến đây? Tôi đã nói mình có thể tự về rồi mà."

    Sao anh nghe không hiểu vậy hả? Thụy Khanh có chút buồn bực. Sao cô toàn gặp kiểu người xem lời cô nói như gió thoảng mây bay vậy.

    Đúng là Minh Hoàng cố tình phớt lờ khuôn mặt buồn bực của Thụy Khanh. Trời nắng thế này cô phải đi bộ một khoảng xa, anh thật sự không đành lòng. Giờ phút này anh xem cô như một đứa em gái bướng bỉnh. Thế là vươn tay lấy cặp táp của cô, tay còn lại kéo tay cô: "Đi theo anh."

    "Tôi không đi cùng anh đâu." Thụy Khanh cố giằng lại.

    "Nghe lời!" Như bao lần, anh cứ dùng giọng điệu như đang răn đe em gái nhỏ. Thụy Khanh bị anh kéo tay có chút bực bội.

    Khi hai người giằng co thì Đình Thành cũng vừa dắt xe ra khỏi cổng trường. Thấy Thụy Khanh vẫn còn đứng đó, miệng cậu vô thức mỉm cười. Nhưng thấy người đàn ông cao to đang kéo tay cô, trong lòng cậu có chút chua.

    "Khanh sao vậy? Anh là ai? Sao lại kéo tay Thụy Khanh?"

    Sợ rắc rối, Thụy Khanh lập tức giải thích: "Đây là anh trai của Khanh. Không có chuyện gì đâu, Thành về trước đi."

    Thấy Thụy Khanh và Đình Thành trò chuyện tự nhiên, chẳng hiểu sao Minh Hoàng lại cảm thấy không thoải mái, dù biết hai người chỉ là bạn học của nhau. Nhìn cách cậu bạn miễn cưỡng lên xe đề máy, còn lưu luyến quay đầu tạm biệt Thụy Khanh, thì anh biết chắc cậu ta có tình cảm đặc biệt với cô bé. Hóa ra cũng đào hoa lắm chứ đâu phải hiền.

    "Vậy Thành đi trước đây. Khanh về cẩn thận nha. Mai gặp lại." Cậu bạn như không nỡ chạy đi.

    Trái ngược với thái độ tha thiết của cậu ta, Thụy Khanh vẫn vân đạm phong khinh. Tự nhiên trong lòng Minh Hoàng có chút vui. Còn nhỏ phải lo học, yêu đương cái nổi gì. Anh không ủng hộ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường mà bày đặt yêu đương.

    Cắt được cái đuôi của Thụy Khanh, Minh Hoàng mở cửa xe áp tải cô lên. Thụy Khanh chẳng còn cách nào, đành buồn bực bước vào xe. Và như sáng nay, cô vẫn ngồi cách xa anh, mắt nhìn ra ngoài cửa xe.

    Minh Hoàng biết cô không thoải mái, anh cũng không gợi chuyện. Tự mình mở máy tính xách tay bắt đầu làm việc. Thật ra thời gian của anh rất eo hẹp, thế mà vẫn chạy đến chỗ này đón cô, chẳng biết sợi dây thần kinh nào bị chạm.

    Hai người duy trì trầm lặng cho đến khi xe dừng trước nhà cô. Chị Tâm ra mở cửa, thấy Thụy Khanh bước xuống từ xe anh, chị nhìn nhìn rồi nói nhỏ vào tai Thụy Khanh: "Cô Trúc trở bệnh rồi. Sáng nay bác sĩ đến, dường như bệnh tim của cổ tái phát."

    Nghe thế trong lòng Thụy Khanh lập tức run lên. Dù chị Tâm thì thầm nhưng Minh Hoàng vẫn nghe được. Thế là thay vì quay xe về công ty, anh lại theo Thụy Khanh vào nhà. Mối quan hệ giữa hai gia đình vô cùng thân thiết và Trúc Khanh như em gái nhỏ, anh không thể làm ngơ khi biết tin cô bé trở bệnh.

    Thụy Khanh không được bình tĩnh giống Minh Hoàng, trong lòng cô đang lo sợ. Biết rằng mọi người trong nhà đều đã quen với bệnh tình của Trúc Khanh. Tuy nhiên, nếu em gái tự nhiên trở bệnh thì không sao, nhưng nếu liên quan đến tình cảm, hoặc dính líu đến người đàn ông này, thì Thụy Khanh sẽ gặp rắc rối.

    Vừa bước vào cửa, không khí u ám phản phất quanh phòng, khiến Thụy Khanh bị cảm giác khó thở quen thuộc đè nặng. Chẳng biết biểu cảm trên mặt cô thế nào, khiến Minh Hoàng nhạy cảm phát hiện ra sự không thoải mái của cô.

    Như mọi lần Trúc Khanh trở bệnh, ba sẽ bỏ công ty về nhà. Giờ không thấy mọi người dưới lầu, Thụy Khanh đoán họ đang trong phòng Trúc Khanh. Cô với vai trò chủ nhà, bèn mời anh ngồi xuống phòng khách:

    "Anh Hoàng đợi tôi lên thông báo cho ba mẹ." Dù biết anh thăm bệnh nhưng cô không thể đưa anh lên phòng Trúc Khanh.

    Thụy Khanh nhanh chóng chạy lên lầu vào phòng em gái. Chưa kịp hỏi thăm, ba mẹ đã ngước nhìn với thái độ hằn học, khiến Thụy Khanh cảm thấy trận bệnh này của em gái thật sự có liên quan đến cô. Quả nhiên không đợi cô mở lời, hai người đã áp đảo trước:

    "Con còn biết trở về sao? Càng ngày càng cư xử không ra gì. Ba mẹ có dạy con giành giật với em gái không hả Thụy Khanh?"

    Ba mẹ mỗi người một câu chỉ trích gay gắt. Trúc Khanh dù đang mệt mỏi nằm trên giường bệnh, cũng nhìn cô ghét bỏ:

    "Chị là đồ đáng ghét. Sao lại quyến rũ anh Hoàng? Nếu không có chị, anh ấy đã không từ chối em."

    Dù bản chất hiền lành, dễ tính nhưng bị đàn áp nhiều quá Thụy Khanh cũng nhịn không được nổi giận:

    "Thật ra con đã làm sai điều gì, sao ba mẹ cứ nhìn thấy con là khó chịu? Con chỉ muốn vào hỏi thăm em gái. Nếu ba mẹ không hài lòng thì con đi ra."

    Nước mắt Thụy Khanh lúc này đã rớt xuống. Nhìn sang Trúc Khanh, giọng cô nghèn nghẹn: "Chị không có giành giật gì của em. Em không được nói bậy."

    "Lúc sáng rõ ràng em thấy anh Hoàng chở chị đi học. Nếu không tận mắt chứng kiến, em còn ngây thơ tin vào lời hứa dối trá của chị. Chị nói không quen biết anh ấy, không quen sao anh ấy chịu khó chở chị đến trường? Chị tưởng em là con ngốc sao?" Trúc Khanh dù bệnh nhưng giọng nói vẫn sắc bén.

    "Không phải như em nghĩ. Anh Hoàng tốt bụng nên mới giúp chị. Giờ anh ấy đang ở dưới lầu. Mọi người không tin có thể xuống hỏi anh ta."

    Trúc Khanh vốn còn muốn hung hăng, giờ nghe Thụy Khanh nói anh ở dưới lầu, lập tức ngồi ngay dậy. Bà Hưng thấy tiểu tổ tông ngồi lên, sợ hết hồn. Bác sĩ dặn phải tịnh dưỡng, nếu không tình hình có thể tồi tệ hơn. Ông bà giữ gìn cô cẩn thận, nhưng cô lại không chịu hiểu nỗi lo lắng của ông bà.

    "Con gái đừng có ngồi dậy. Ở yên trên giường đi con." Giọng bà Hưng hiền từ, dỗ dành Trúc Khanh.

    Thụy Khanh đứng đó có chút tủi thân. Mẹ có thể nhẹ nhàng với Trúc Khanh nhưng với cô, mẹ chưa bao giờ kiên nhẫn. Sự thiếu công bằng này đã hình thành từ rất lâu. Cô thật ghen tị với Trúc Khanh. Dù Trúc Khanh không trở bệnh, ba mẹ cũng chỉ dành hết tình thương cho em ấy. Lúc nào mở miệng với cô cũng hằn học kém vui.

    "Chị nói anh Hoàng ở dưới sao?" Trúc Khanh nhìn cô, không giấu được nỗi háo hức.

    Rồi không đợi cô trả lời, Trúc Khanh đã mè nheo với ba mẹ: "Con muốn xuống nhà chơi với anh Hoàng. Ba mẹ đỡ con xuống lầu đi."

    "Không được, con phải ở trên này nằm nghỉ. Để ba xuống tiếp anh Hoàng." Ông Hưng ngăn con gái lại.

    "Con không chịu. Con muốn gặp anh Hoàng."

    Hai ông bà nhìn nhau như trao đổi, không biết làm sao mới tốt. Bà Hưng ráng dỗ con gái cưng:

    "Hay là con nằm đây, để ba xuống nói anh Hoàng lên thăm con nha."

    Nghe thế mặt Trúc Khanh giãn ra hài lòng: "Vậy ba xuống nhanh đi ba."

    Thụy Khanh đứng xớ rớ như người tàng hình, chẳng ai quan tâm cô. Chỉ vài phút sau, ông Hưng quay lại, theo sau là Minh Hoàng với bộ mặt khó xử. Đây là phòng con gái người ta, anh không thoải mái để bước vào. Nhưng cô bé đang bệnh, ông Hưng lại nói hết lời, anh đành phải bước theo ông. Anh nhìn Thụy Khanh đứng nép ở cửa phòng, không được ai chào đón.

    Trúc Khanh thấy anh, khuôn mặt bừng lên sức sống. Bà Hưng lấy ghế để trước giường con gái cho anh ngồi xuống. Thụy Khanh nhìn tình huống trước mặt một lúc, rồi lặng lẽ bước ra khỏi phòng. Chẳng phải cô vô cảm, mà là cô an tâm vì biết trạng thái của Trúc Khanh đã ổn định.

    Mình Hoàng bị vây giữa gia đình ba người, đành phải ngồi xuống chiếc ghế cạnh giường. Tầm mắt anh lúc này đã không còn thấy Thụy Khanh. Anh nhìn cô gái bệnh trước mặt, nhỏ giọng quan tâm: "Em bị sao vậy Trúc Khanh?"

    "Chỉ mệt chút xíu, tại ba mẹ lo lắng quá thôi." Trúc Khanh nhõng nhẽo: "Anh Hoàng sao lại đi với chị Thụy vậy?"

    Giờ anh đã quen cách xưng hô của gia đình này. Biết Trúc Khanh đang ám chỉ Thụy Khanh, anh bèn giải thích đơn giản. Nghe anh nói xong, mặt Trúc Khanh giãn ra. Anh ấy đã nói đúng cái Thụy Khanh phân trần lúc nãy. Còn tốt, chị gái đã không nói dối cô.

    "Đã uống thuốc gì chưa Trúc Khanh? Sao không đi bệnh viện kiểm tra xem sao?"

    "Sáng nay con bé mệt, cô chú cho uống thuốc và đã mời bác sĩ đến. Giờ thì ổn rồi Hoàng." Ông Hưng trả lời thay con gái.

    Nhìn vẻ bề ngoài ổn vậy thôi, nhưng chỉ ông bà biết sức khỏe con bé đang dần xuống dốc. Lúc nãy bác sĩ đã bảo từ bây giờ phải tuyệt đối không cho con bé xúc động. Thận đã suy kiệt nhiều, các cơ quan nội tạng khác do ảnh hưởng của thuốc cũng bắt đầu yếu đi. Tình hình này chẳng biết kéo dài được bao lâu. Ông bà phải tránh cho con bé bất kỳ sự bất ổn tâm lý nào, hy vọng có thể kéo dài sự sống.

    Sao trời không thương con bé, nó còn quá trẻ. Vì con, ông bà có thể làm tất cả. Cho nên thấy Minh Hoàng muốn đứng dậy ra về, ông bà cố gắng giữ anh lại. Trúc Khanh cũng sợ anh về, khuôn mặt cô buồn xo. Ai nhìn thấy cũng không đành lòng.

    Nhìn Trúc Khanh như van nài, Minh Hoàng đành phải ở lại, dù nhiều việc trong công ty còn tồn đọng, cấp dưới đang chờ anh về giải quyết.

    Trúc Khanh thấy anh đồng ý ở lại, cô như được tiêm thần dược, liền muốn ngồi dậy xuống nhà, cùng ăn trưa với anh và ba mẹ.

    (Còn tiếp)

    (Nếu bạn đã đọc đến đây, tiện tay hãy like cho mình. Nếu bạn phát hiện lỗi chính tả hoặc có góp ý nào khác, vui lòng giúp mình comment trên trang [Thảo Luận - Góp Ý] Truyện Của Annie Dinh Chân thành cám ơn bạn)
     
    Chỉnh sửa cuối: 18 Tháng hai 2022
Trạng thái chủ đề:
Đã bị khóa
Trả lời qua Facebook
Đang tải...