[Sách] Bí Ẩn Của Nhân Loại – Minh Anh

Discussion in 'Tổng Hợp' started by Nyanko, Nov 27, 2021.

  1. Nyanko

    Messages:
    380
    9. ÂM NHẠC TRONG TÁC PHẨM HỘI HỌA THỜI KỲ PHỤC HƯNG

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Một bức hoạ nổi tiếng thời kỳ Phục Hưng đã hé lộ ẩn kỳ diệu về một trong những hình thức nghệ thuật đầu tiên có sự kết hợp giữa âm nhạc và hội hoạ. Tác phẩm có tên "Thánh mẫu và con cùng đàn thiên thần" của danh hoạ Filippino Lippi, người Italy, ở thế kỷ XV.

    Tác phẩm được trưng bày tại cuộc triển lãm của danh họa Botticelli và Filippino – Những tác phẩm hội học ấn tượng và đặc sắc của thế kỷ XV tại Florence, Italy, nhằm tôn vinh hai danh hoạ Botticelli và Fillipino.

    Các học giả từ lâu vẫn tin rằng những nốt nhạc trên dải giấy nằm trên tay các thiên thần được vẽ một cách ngẫu nhiên, chứ không mang tính nhạc nào. Tuy vậy, giáo sư âm nhạc Timothy McGee tại Đại học Toronto, Canada, đã phát hiện rằng những nốt nhạc đó có chứa nhạc điệu.

    McGee nói. "Những nốt nhạc đầu tiên chính là khúc mở đầu trong bài hát nổi tiếng thời kỳ Phục Hưng: Fortuna Desperata. Tuy vậy, những nối tiếp theo thì lại không theo giai điệu đó".

    Có thể nhà soạn nhạc đã có dụng ý để người nghe nhận thấy rằng ông đã mượn đoạn mở đầu trong bản nhạc Fortuna Desperata. McGee nhận định: "Nó có thể giống như kiểu một nhà thơ mở đầu tác phẩm của mình bằng lời trích của một bài thơ nổi tiếng khác".

    Được viết để tưởng niệm cái chết của Simonetta Cattaneo, người tình của Giuliano de Medici và cũng là anh trai của Lorenzo the Magnificient, Fortuna Desperata trở thành bài ca nổi tiếng nhất vào thế kỷ XV ở Italy và là một trong những bản mẫu được sử dụng nhiều nhất vào thời kỳ Phục Hưng.

    McGee nói. "Thật không may là chúng ta chỉ còn một nửa đầu của bản nhạc. Đoạn còn lại bị cuốn trong dải giấy dưới chân các thiên thần. Tôi đã lục khắp mọi nơi tìm tất cả các bản thảo thuộc giai đoạn đó nhưng đều không thấy. Vì vậy đây là bản sao chép duy nhất".

    Bản nhạc đó đã được trình diễn tại cuộc triển lãm nghệ thuật ở Florentine. Ở đó, khách tham quan có thể vừa ngắm tranh, vừa nghe nhạc.

    Nhà lịch sử Jonathan Nelson phát biểu. "Không nghi ngờ gì khi đây là lần đầu tiên bản nhạc được cất lên trong 500 năm. Đó là một cảm giác thú vị, đưa chúng ta ngược lại với thời gian, khi thứ âm nhạc thiên thần đó cũng đã được trình diễn ngay trước bức hoạ".

    Fillipo Lippi (1457-1504) sinh ra tại Prato, gần Florence, nơi đây có cuộc sống bị bao trùm bởi các vụ xì-căngđan. Ông là con trai của một ni cô 23 tuổi. Lucrezia Buti với một thầy dòng Carmelite ngoài 50 tuổi và cũng là một hoạ sĩ lừng danh.

    Năm 12 tuổi, Filippo trở thành học sinh của Sandro Botticelli. Còn Botticelli thì chính là học sinh của cha Philippino. Triển lãm lần đầu tiên tại Florentine đã tái hiện lại cuộc sống và sự nghiệp của hai danh hoạ này, họ đều nổi danh tiếng về tài năng thi ca và hội hoạ.

    Theo Nelson, những gì tìm thấy chứng tỏ Filppino cũng tài năng như Botticelli. "Ông ta cũng là một nhạc sĩ tài ba. Có thể chính Filippino đã soạn ra bản nhạc trong bức tranh đó".
     
  2. Nyanko

    Messages:
    380
    10. CUỘC GẶP GỠ Ở CHIỀU KHÔNG GIAN THỨ TƯ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    "Đột nhiên mặt đất rung chuyển, nhà cửa, cây cối nghiêng ngả như động đất. Những sinh vật kì lạ sử dụng các loại máy bay quay tròn trên những nóc nhà trong làng. Ở ngay khoảng đất trước nhà mình, "họ" đáp xuống và mở cửa khoang máy ra ngoài. Lúc đó, nỗi sợ hãi và khiếp đảm khiến cho em hoảng loạn, Nhưng khi bình tâm, em nhớ lại tất cả..."

    Đó là lời kể của em gái 13 tuổi Theodona khi nhìn thấy người ngoài trái đất trong hai trận cuồng phong xảy ra năm 1998 ở một làng nhỏ thuộc ngoại ô thành phố Shoumen (Bulgaria). Theo lời các cụ già trong làng, đó là hai trận cuồng phong kỳ lạ chưa từng có. Đất đá phải xảy ra trên một vùng rộng lớn chứ không phải chỉ trong phạm vi làng. Tuy nhiên, không ai trong làng nhìn thấy gì khác lạ. Ngoại trừ Theodona...

    Theo sự mô tả của bé gái này, các nhà khoa học phỏng đoán, đó phải là cuộc viếng thăm của những cư dân ngoài trái đất, khi sử dụng phi thuyền dạng đĩa bay, có tốc độ rất lớn tương đương tốc độ ánh sáng (300.000 km/s) đáp xuống làng. Theodona kể rằng, "đám người lạ có nhiều hình thù khác nhau, có người giống như người Bulgaria với vóc dáng rất đẹp như thiên thần trong các truyện cổ tích, nhưng không ít người diện mạo dữ dằn như quỷ...".

    Nhà khoa học vũ trụ Nga Valentin Phomenko đã sang Bulgaria tìm hiểu về "chuyện của cô học trò nhỏ vùng Shoumen". Sau một thời gian nghiên cứu, ông kết luận: "Bé gái Theodona thật sự có khả năng giao tiếp và nhìn rõ những sinh vật lạ từ bên ngoài vũ trụ, trong khi những người khác ở Shoumen không có khả năng này". Theo Phomenko, điều đó có liên quan đến một năng lực đặc biệt, giúp Theodona đi vào không gian bốn chiều đầy bí ẩn, vì vậy em đã nhìn thấy hình ảnh mà người khác không thấy được".

    Theo các nhà khoa học, não bộ của con người không thể tưởng tượng được không gian bốn chiều. Điều đó được giải thích như sau: Bạn hãy tưởng tượng các sinh vật ở không gian hai chiều. Chúng sống trong một mặt phẳng và không biết gì về sự hiện hữu của không gian ba chiều. Vì vậy, mọi di chuyển của chúng sẽ bị giới hạn trên mặt phẳng ấy và không thể tiến vào chiều thứ tư như chúng ta. Nếu một quả cầu lọt vào thế giới đó, các sinh vật hai chiều mới đầu sẽ nhìn thấy một điểm sáng, rồi đến các hình tròn to dần lên, đến mức cực đại, rồi các hình tròn nhỏ dần, thu lại thành một điểm rồi biến mất. Kết quả là, chúng chỉ nhìn thấy những đường tròn mà không hiểu "toàn bộ câu chuyện về quả cầu" như thế nào.

    Nhưng đôi khi, sinh vật hai chiều cũng có thể đạt tới điều kỳ bí. Ví dụ chúng muốn vượt qua khoảng cách từ A tới B trên mặt phẳng. Theo lẽ thường, thời gian cần thiết lên tới cả chục năm. Nhưng vì một biến cố nào đó, mặt phẳng kia bị cong lại trong không gian ba chiều, khiến điểm A và B trở nên gần nhau, thậm chí trùng lên nhau. Khi đó, điều kỳ diệu đã đến với chúng: khoảng cách chục năm sẽ được rút ngắn chỉ trong phút chốc!

    Phomenko giải thích, không gian ba chiều nằm trong cái nôi của không gian bốn chiều. Nếu ai có khả năng xâm nhập vào không gian thứ tư, thì đối với anh ta, khoảng cách hàng vạn dặm, thậm chí hàng vạn năm ánh sáng không có ý nghĩa gì. Anh ta vượt qua trong phút chốc bằng cách đi qua khe hở của chiều thứ tư này. "Khe hở" đó là biên giới ngăn cách hai thế giới, thế giới của không gian ba chiều và không gian bốn chiều. Đó chính là cơ hội để những sinh vật nhỏ bé xâm nhập vào chiều thứ tư, như em gái Theodona.
     
  3. Nyanko

    Messages:
    380
    11. CON NGƯỜI CÓ CON MẮT THỨ BA?

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Các nhà khoa học từ lâu đã tranh luận và nghiên cứu về giả thuyết này. Theo họ, con mắt thứ ba rất có thể là cơ quan giúp một số người có được những khả năng rất đặc biệt như tiên tri hay thần giao cách cảm... và bất cứ ai trong chúng ta cũng có con mắt đó, vấn đề là ta có biết "mở" nó ra hay không.

    Khả năng đọc được chữ hay phim ảnh trong một phong bì dán kín, ngăn ánh sáng, có trên trán của nhiều nhà ngoại cảm không phải là quá xa lạ với chúng ta. Khoa học hiện vẫn chưa thể giải thích thấu đáo về hiện tượng này. Còn truyền thuyết cổ xưa của phương Đông lại khẳng định, có những trung tâm năng lượng đặc biệt có khả năng đọc và phát ra các dạng ý được gọi là "con mắt thứ ba".

    Việc sùng bái loại mắt này có nguồn gốc từ rất xa xưa. Trong nhiều tín ngưỡng ở phương Đông, cơ quan đặc biệt này gần như được coi là tài sản riêng của các vị thần. Nó cho phép họ theo dõi lịch sử của toàn bộ thế giới, nhìn thấy tương lai, quan sát bất cứ góc độ nào trong vũ trụ bao la. Có thể thường xuyên bắt gặp con mắt thứ ba được gắn trên trán các vị thần, trên các hình vẽ hay pho tượng tại những đền chùa đạo Phật. Một số nhà nghiên cứu còn cho rằng đây chính là ký ức về những "tổ tiên có nguồn gốc ngoài trái đất" của nhân loại. Theo những truyền thuyết còn tồn tại đến ngày nay, con mắt đó giúp họ có khả năng hết sức đặc biệt – thôi miên và tiên tri, thần giao cách cảm và tác động từ xa, khả năng thu nhận kiến thức trực tiếp của vũ trụ, biết được quá khứ và tương lai...

    Những người luyện yoga trên thực tế đã mở ra được các khả năng tâm lý khác thường. Nhiều người từng tận mắt chứng kiến kỳ công của họ đã nhận xét: "Chính xác tương tự như các tia sáng xuyên qua kính hay tia X đi qua các vật trong suốt, nhà yoga có thể nhìn thấy các đồ vật đằng sau bức tường dày, biết nội dung bức thư trong phong bì dán kín hay phát hiện kho báu dưới đất nhờ sự giúp đỡ của con mắt tinh thần bên trong của mình".

    Phạm vi ảnh hưởng của "con mắt thứ ba" còn vượt ra ngoài không gian ba chiều quen thuộc đối chúng ta. Các nhà yoga có thể quan sát được các sự kiện diễn ra trên những khoảng cách lớn và ở bất cứ thời gian nào, quá khứ, hiện tại hay tương lai. Tại Ấn Độ, những người có khả năng kỳ diệu như vậy được gọi vậy được gọi là Trikalazna (người biết ba thời gian). Tuy nhiên, không phải nhà yoga nào cũng có được những khả năng đặc biệt trên – tất cả phụ thuộc vào sự phát triển của con mắt thứ ba". Theo truyền thống của yoga, người ta chia những khả năng này thành 4 mức độ.

    Mức thấp nhất cho phép nhìn thấy những vòng hào quang (hay còn gọi là tinh hoa) phát ra từ đồ vật hay con người. "Hào quang" này thường thay đổi về hình dạng và màu sắc tuỳ theo mức độ sức khoẻ và trạng thái tâm lý của người đó. Chính nhờ khả năng này, một vài nhà yoga có khả năng dự đoán được một số bệnh tật của con người.

    Ở mức độ tiếp theo, con người có thể quan sát các đồ vật và sự kiện tương tự như trong một "bản vẽ thu nhỏ" – ví dụ như nhìn thấy bên trong cơ thể hay độ cao của các loài chim đang bay. Những bức tranh được quan sát thường liên quan đến hiện tại, hay ở quá khứ mới xảy ra không lâu. Tại mức độ này, đôi khi người ta còn nhìn thấy những dạng ý nghĩ cực kỳ mạnh mẽ (ví như liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng) – kết quả của quá trình tập trung cao độ của con người. Những giai đoạn đầu, khả năng nhìn thấu này vẫn chưa rõ ràng và bền vững. Nhưng với bước phát triển tiếp theo của con mắt thứ ba, độ sáng và độ rõ nét của các bức tranh sẽ ngày càng tăng lên. Đến một thời điểm nào đó của mức độ thứ ba, những hình ảnh được quan sát bằng "con mắt thứ ba" sẽ có chất lượng không kém những gì chúng ta nhìn thấy bằng mắt thường. Dù thời gian hiển thị của chúng rất ngắn, thậm chí thường chỉ trong khoảnh khắc, ta vẫn có thể nhìn thấy rõ ràng và tỉ mỉ từng chi tiết.

    Các chuyên gia khẳng định, bất cứ người nào cũng có thể đạt được ba mức độ nói trên bằng cách luyện tập. Thậm chí đối với những người mù, khả năng phát triển "con mắt thứ ba" thường nhanh chóng và thành công hơn. Còn mức độ thứ tư – mức độ tinh thông – thì rất ít người có thể làm được. Để đạt tới ngưỡng này, con người cần phải toàn tâm cống hiến cho sự nghiệp hoàn thiện về tinh thần. Khi đã đạt đến mức độ tuyệt đỉnh của giai đoạn thứ tư, con người sẽ trở thành một môn đồ "không cần học ai và không cần học cái gì nữa". Điều này không phải do anh ta đã biết tất cả, mà là anh ta sẽ không phải vùi đầu vào hàng trăm cuốn sách, nghe giảng suốt ngày, chúi đầu vào kính hiển vi hay kính viễn vọng... Khả năng thị giác bằng tinh thần sẽ cho phép con người biết và nhìn thấy tất cả những gì anh ta mong muốn mà không phụ thuộc vào thời gian hay không gian.

    Các ý kiến nhận định về vấn đề này khá khác biệt. Một luận điểm cho rằng những động vật có con mắt thứ ba cũng không phải là hiếm, thường xuyên gặp hơn cả là những loài bò sát, đặc biệt là rắn và thằn lằn. Chúng có một con mắt thóp đặc biệt, nằm ngay dưới một lỗ nhỏ trên phần xương sọ. Ở loài bò sát, lỗ nhỏ này được phủ một lớp da mỏng bán trong suốt khiến các nhà khoa học nhận định nó không chỉ làm việc trong dải ánh sáng nhìn thấy. Dự đoán trên đã được khẳng định, sau khi người ta phát hiện cơ quan này đặc biệt nhạy cảm với dải sóng milimét cũng như đối với từng trường. Họ còn đặt giả thuyết, nó có thể thu nhận được các loại sóng siêu âm và hạ âm. Chính nhờ đó, loài bò sát thường có khả năng cảm nhận trước những thảm họa thiên nhiên như động đất, núi lửa phun trào hay thậm chí cả mưa bão.

    Còn đối với một số người, chúng ta cũng có bằng chứng khá thuyết phục về "con mắt thứ ba". Cơ quan kỳ lạ này đôi khi nằm trên thóp hay gáy của một số người vẫn đang sống bên cạnh chúng ta. Đó là trường hợp của Emi Hanson, một cô giáo 25 tuổi tại thành phố Columbus (Mỹ). Emi quả thật có tới 3 con mắt, trong khi mắt thứ ba nằm sau gáy lại nhìn rõ hơn hai con mắt phía trước vốn bị cận của cô. Ưu điểm của con mắt này khá rõ ràng, Emi có thể xem truyền hình bằng gáy hay quan sát được đằng sau xe hơi của mình mà không cần kính chiếu hậu.

    Những huyền thoại của Ấn Độ về "con mắt thứ ba" - con mắt của sự tưởng tượng và mơ ước đã thuyết phục được các nhà khoa học Anh và Đức. Vào thập niên 80, họ đưa ra giả thuyết về sự tồn tại của những người có con mắt thứ ba, tương tự như ở các loài bò sát nguyên thủy. Tuy nhiên ở con người, con mắt này dần dần chui sâu vào bên trong lớp xương sọ. Theo xu hướng này, hiện có nhiều ý kiến cho rằng cơ quan bí ẩn trên không có gì khác mà chính là tuyến quả thông (epiphisis) - một bộ phận chỉ nhỏ cỡ hạt đậu, có dạng hình quả lê và màu đỏ nâu, nằm ngay phía trước tiểu não.

    Những nghiên cứu khoa học gần đây cũng nói nhiều về cơ quan thần bí này. Người ta phát hiện trong tuyến quả thông có chứa các thành phần gọi là "cát não" (acervulus cerebralis) – những mẩu khoáng chất hình cầu có kích thước khoảng 0,5 mm. Cho dù có ở mọi người ngay từ khi sinh ra, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa biết nó có tác dụng gì. Xung quang đó có khá nhiều giả thuyết. Phân tích bằng tia X ghi nhận trong những "hạt cát" có những cấu trúc dạng tinh thể silic. Dường như những vi tinh thể này là nơi chứa đựng thông tin dạng ba chiều về toàn bộ cơ thể con người.

    Trong khi tìm hiểu tác dụng của tuyến quả thông, một số người đã chú ý tới chuyển động kỳ lạ của cơ quan này. Nó có khả năng tự xoay tương tự như mắt người. Người ta còn bàn về những điểm giống nhau giữa tuyến quả thông với nhãn cầu mắt do nó cũng có thấu kính và các thành phần thụ cảm màu sắc. Một điểm chú ý nữa là hoạt động của tuyến quả thông được thúc đẩy đáng kể bởi tín hiệu sáng đến từ mắt. Cũng như có ý kiến nhận định, do kết quả của quá trình hàng nghìn năm không hoạt động, tuyến này đã thu nhỏ kích thước đáng kể (trong quá khứ, nó lớn cỡ viên bi của trẻ em).

    Hiện vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn epiphisis có phải là con mắt thứ ba từng có thời nằm trên não, hay là một cơ quan độc lập nào đó có những khả năng đặc biệt. Tuy nhiên người ta vẫn có được một bằng chứng, dù là gián tiếp, cho thấy epiphisis có liên quan đến thị giác và những khả năng thông tin đặc biệt của con người. Các nhà khoa học còn nhận thấy một quy luật khá thú vị: Ở những người thường xuyên rèn luyện về tinh thần và có được những khả năng thông tin – tâm lý đặc biệt, phần xương trên chóp lại mỏng đi đến mức chỉ còn như một lớp da – tương tự như con mắt loài rắn.
     
  4. Nyanko

    Messages:
    380
    12. SỰ THẬT VỀ HIỆN TƯỢNG NGƯỜI TỰ BỐC HOẢ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Một vị khách đến gõ cửa nhà bà Reeser, người phụ nữ luống tuổi về hưu sống tại bang Florida, Mỹ. Mãi không thấy ai ra, bà gọi người đến phá cửa. Trong nhà, trên chiếc ghế bành, chủ nhà đã cháy thành than, chỉ còn lại một bàn chân đi giày vải, xung quanh đồ đạc hầu như vẫn nguyên vẹn...

    Sự việc xảy ra vào năm 1951. Bà Reeser chỉ là một trong nhiều trường hợp được lịch sử ghi nhận là nạn nhân của cái chết rất lạ: tự bốc hoả thành than. Vào năm 1660, dư luận Paris từng xôn xao với vụ cháy "tự nhiên" của một phụ nữ nghiện rượu nặng, chỉ còn lại vài đốt ngón tay và chiếc sọ.

    Điều kỳ lạ là trong mọi vụ cháy, các nạn nhân đều để lại các dấu hiệu giống nhau: thân thể hoá than nhưng bao giờ cũng sót lại một bộ phận không cháy trụi, thường đó là cẳng chân hay bàn chân và còn nguyên vẹn đến lạ kỳ.

    Người ta không hiểu lửa từ đâu ra, vì xung quanh nạn nhân, thường được tìm thấy trong tư thế ngồi trên ghế, lửa hầu như không gây hư hại. Chính vì vậy, các nhà quan sát thời đó không chút nghi ngờ, một mực cho rằng lửa nhất thiết phải khởi phát từ phủ tạng của nạn nhân với một lý do... không rõ và bất ngờ. Vì thế, tên gọi mà bấy lâu người ta vẫn gán cho hiện tượng bí ẩn trên là "Vụ cháy người tự phát".

    * Ngọn đuốc cồn?

    Một giả thuyết không khỏi khiến người ta nghĩ đến ngay, do nó được suy ra một cách tự nhiên từ thói quen của các nạn nhân là họ đều nghiện rượu nặng và kinh niên. Nếu họ bốc cháy thì lý do có lẽ cũng rất đơn giản: do họ uống quá nhiều chất men, khiến chúng thấm vào cả cơ thể và chỉ cần một tia lửa là đủ làm họ bốc cháy.

    Lập luận nghe có vẻ xuôi tai, nhưng kỳ thực quá vội vã hấp tấp. Bác sĩ Mercier Guyon giải thích: "Cứ lấy thử tỷ suất là trong mỗi lít máu nạn nhân có đến 9g rượu, tương đương một lượng rượu có thể gây tử vong nếu nó được uống cạn một hơi. Một lít máu cân nặng chừng 1000g, vậy tỷ lệ rượu ở đây là 0,9%; dí lửa vào một chất lỏng có độ còn yếu đến vậy cũng chẳng khác gì thử đốt cháy nước giải khát soda!"

    Và ngay cả khi toàn cơ thể người nghiện rượu có thấm chất men đến đâu đi nữa, nó cũng không thể tự bốc cháy. Từ năm 1850, nhà hoá học Đức Justus von Liebig đã chứng minh rằng không thể nào đốt cháy ra tro các mô của con người tẩm rượu pha loãng chỉ với một ngọn lửa đơn thuần.

    * Bốc lửa vì stress?

    Lại có một giả thuyết được đưa ra như sau: con người nhiều khi có thể đóng vai trò của những ắc-quy điện và thu sét. Những người có trí tưởng tượng hơn cả còn nói đến một dạng "tự sát tâm thần": cơ thể bốc lửa dưới tác động của stress cao độ! Kỳ thực vấn đề không dễ dàng giải quyết như vậy.

    Chẳng hạn Thomas Krompecher, bác sĩ pháp y ở Đại học Lausanne (Thuỵ Sĩ) đã phải trăn trở: "Cơ thể con người được tạo bởi gần 70% là nước. Điều đó khiến việc đốt cháy là cực kỳ khó khăn!". Quả vậy, để đốt cháy một xác người cần một nhiệt độ rất lớn. Trong một lò đốt xác, để thiêu xác người thành tro phải đạt nhiệt độ 9500C, trong một tiếng rưỡi. Còn muốn đạt kết quả đó ở bên trong ngôi nhà, phải dùng nhiên liệu như xăng. Và kết quả sẽ ra sao? Một ngọn lửa mạnh như vậy sẽ lan toả khắp ngôi nhà. Mà điều này lại không khớp với chuyện kể về các nạn nhân của chứng bốc hoả đáng sợ: các xác chết cháy thành than một phần, nhưng ngọn lửa rất ít xâm hại đối với đồ vật xung quanh.

    * Lời giải

    Cuối cùng, các nhà khoa học cũng đưa ra được một đáp án hợp lý hơn cả. Đó là hiện tượng "hiệu ứng đèn cầy", không có chút gì là siêu nhiên. Theo giả thuyết này, ngọn lửa được truyền lan sang thân thể của nạn nhân qua một nguồn bên ngoài, cứ thế thiêu cháy dần dần thân thể người đó như một ngọn sáp cháy vậy.

    Đại thể, kịch bản như nhau: Bị một sự cố về tim hay ngã, một người tắt thở. Lửa từ một vật trung gian là thuốc lá, tẩu hay một đèn cầy, cháy lan ra áo quần, rồi cháy đến da và lớp mỡ ngay dưới da. Tiếp xúc với lửa, mỡ này tan ra nước, chảy ra bên ngoài thân thể, thấm vào các lần vải tiếp xúc với nạn nhân. Trong phần lớn các trường hợp thì đó là quần áo đang mặc trên người, đồ phủ ghế tựa nơi mà nạn nhân đang ngồi. Đồ vải thấm ướt mỡ sẽ cháy từ từ trong nhiều giờ. Sự cháy này tạo ra và duy trì một ngọn lửa cháy đượm có nhiệt độ 6000C, nó không làm hư hại được toàn gian phòng mà chỉ thiêu huỷ được xác chết.

    Sự cháy chậm kéo dài có thể làm hư hại một số bộ phận của cơ thể, nhưng vẫn không làm chúng cháy thành tro và để lại một bộ phận hoàn toàn lành lặn. Mark Benecke, bác sĩ pháp y tại đại học Cologne (Đức) giải thích: lửa chỉ thiêu huỷ được các mô của cơ thể người nằm bên trên ngọn lửa. Hai bàn chân và cẳng chân thường còn nguyên vẹn là do chúng nằm phía ngọn lửa không cháy xuống.

    Lửa thường bắt cháy từ hai đùi của người ngồi, hầu hết là những người già hay đứng tuổi – lớp người dễ gặp tai biến về tim khiến họ phải ngồi lỳ một chỗ – hoặc những người đang cơn say rượu thảm cảnh xảy ra. Chính rượu tạo điều kiện thuận lợi cho các loại tai nạn đó. Trước hết, một ai đó khi say thì ít chú ý đến loại lửa mà họ đang cầm trong tay, hơn nữa rượu cũng góp phần làm hình thành mô béo, có nghĩa mỡ là chất đốt chính trong vụ cháy chậm này.

    Rõ ràng, hiện tượng người cháy "tự nhiên" hay "tự phát" lâu nay chỉ là huyền thoại hay huyễn hoặc, được nuôi dưỡng bởi trào lưu văn học kinh dị thế kỷ XIX và đặc biệt là trong các chuyện tranh vui của Mỹ sau này.
     
  5. Nyanko

    Messages:
    380
    13. HIỆN TƯỢNG CHẾT LÂM SÀNG: TRÁI TIM NGỪNG ĐẬP – CÒN SỐNG HAY ĐÃ CHẾT?

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trong phòng cấp cứu, xung điện làm người bệnh giật lên nhiều lần, nhưng tim không hoạt động lại. Bác sĩ nhìn đồng hồ: "Mười phút rồi! Não không còn hoạt động... Anh ta đang ở thế giới bên kia...". Sai lầm này khiến hàng trăm nghìn người vĩnh viễn ra đi trong khi y học còn có thể cứu sống họ.

    "Không biết ở Hollywood ra sao, chứ ở bệnh viện chúng tôi, mọi chuyện không kết thúc nhanh như vậy". Giáo sư Rant Bagdasarov khẳng định: "Việc cấp cứu vẫn tiếp tục khoảng trên dưới một tiếng đồng hồ sau khi tim đã ngừng đập. Đạo đức nghề nghiệp buộc chúng tôi phải hồi sức cho bệnh nhân dẫu người đó chỉ có thể sống lại thêm vài giờ nữa".

    "Nếu người bệnh đã qua thời điểm đó trên một tiếng rưỡi đồng hồ hoặc bị chấn thương không thể cứu sống, hoặc bị bệnh hiểm nghèo ở giai đoạn cuối thì bệnh viện mới không tiến hành hồi sức cấp cứu. Trong trường hợp đó, bệnh viện phải thành lập một hội đồng y tế theo đúng quy định được. Người bệnh được đưa đến trong tình trạng rất nguy kịch, mỗi một giây đồng hồ đều hết sức giá trị. Bởi thế nên chúng tôi phải bắt tay vào cấp cứu trước, sau đó rồi mới tập hợp hội đồng xác định xem có nên cấp cứu hay không", Bagdasarov nói.

    Ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh, đến mức không một bác sĩ nào đủ thẩm quyền xác định xem người bệnh có thể còn cứu được hay không. Thực tế y học cho hay, khi người bệnh trút hơi thở cuối cùng, trái tim ngừng đập, điện tâm đồ chạy thành một vạch thẳng tắp, vẫn chưa thể khẳng định rằng họ đã chết. Nhiều bác sĩ không nhất trí với khái niệm "cái chết lâm sàng". Theo họ, khi bệnh nhân bị coi là chết lâm sàng, thực tế anh ta vẫn còn sống, chỉ có điều y học chưa hiểu được trạng thái đặc biệt đó của sự sống mà thôi.

    * Chết lâm sàng hay giấc ngủ lạ?

    Giáo sư Rant Bagdasarov đã dành 29 năm để nghiên cứu về "cái chết lâm sàng" và có thể khẳng định với đầy đủ luận cứ khoa học rằng chỉ khi các mô và tế bào của cơ thể bắt đầu tan rã, không phục hồi được mới có thể coi là người chết đã chết. Tim ngừng đập, não ngừng hoạt động chỉ là một sự cảnh báo về nguy cơ chết. Trong lúc đó, cơ thể vẫn sống trong trạng thái "chờ đợi" xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

    Nếu có những tác động y khoa đúng đắn, cơ thể có thể thoát ra khỏi trạng thái "chờ đợi" đó đã bị hiểu lầm là "cái chết lâm sàng".

    Bagdasarov nói: "Tôi đã từng chứng kiến nhiều cuộc hồi sức cấp cứu như sau: Tim bệnh nhân ngừng đập nhiều lần. Mỗi lần xung điện làm nó hoạt động trở lại, bệnh nhân đều gắt lên: Để yên cho người ta ngủ nào!".

    Có lẽ cái chết lâm sàng hay trạng thái chờ đợi chỉ là một giấc ngủ đặc biệt. Người bệnh có thể "thức dậy" hoặc "yên giấc ngàn thu"... Vấn đề chỉ còn ở trách nhiệm của các bác sĩ: Đánh thức được anh ta dậy hay để anh ta ra đi vĩnh viễn.

    Chết lâm sàng: Linh hồn đi về đâu?

    "Tôi bỗng thấy không còn đau đớn trong lồng ngực nữa. Người tôi nhẹ tênh, nổi phình trên trần nhà, phía sau các chụp đèn phủ đầy bụi. Tôi phát bực mình, sao phòng mổ lại bẩn thỉu thế! Phía dưới, các bác sĩ đang loay hoay quanh một xác chết. Phải mất một lúc tôi mới hiểu, đó chính là cái xác của tôi...", chị Marline, một bệnh nhân chết lâm sàng kể lại.

    Marline kể tiếp: "...Nhưng tôi không hề hoảng sợ mà lại thấy sung sướng và tự do. Một đường hầm sâu hun hút với ánh sáng chói loà ở cuối đường như mời gọi. Tôi đã định lao vào đó, nhưng còn muốn nhìn xuống dưới lần cuối: Toà nhà trong suốt như đúc bằng pha lê vậy. Có mấy người đang sụt sịt khóc. Đó là chồng và các con tôi. Tôi nói: Tạm biệt! Nhưng không ai nghe thấy. Bỗng tôi sực tỉnh: Mình không thể bỏ mặc các con ai sẽ nuôi dạy chúng...".

    Câu chuyện trên chỉ là một trong hàng nghìn trải nghiệm do những bệnh nhân chết lâm sàng kể lại. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Anh, thì 6% số bệnh nhân cảm thấy vui sướng khi tim ngừng đập. 69% được xem lại toàn bộ cuộc đời trước đó như trong một cuốn phim tua nhanh. 44% thấy mình bay trong đường ống. 72% thấy người thân đã mất hoặc các thiên thần nói với họ rằng chưa nên chết vội. 19% khẳng định đã nhìn thấy địa ngục, phần lớn trong số này là những người tự sát.

    Cho đến nay, các nhà khoa học phương Tây vẫn chưa thống nhất: Vì sao người ta có thể nhìn được sau khi đã chết? Một số ý kiến cho rằng, đó là vì não bộ vẫn còn sống sau khi tim ngừng đập. Nhưng vì không được cung cấp oxy nên người bệnh rơi vào trạng thái mê sảng. Nhiều người khác lại khẳng định đó là kết quả của hiệu ứng tràn hoócmôn dự trữ vào thời điểm tim ngừng đập. Vài nhóm khoa học khác lại cho rằng: ý thức vẫn tiếp tục sống, ngay cả khi cơ sở vật chất của nó là não bộ đã chết (điều này trùng với quan điểm của các tôn giáo lớn trên thế giới).

    * Ranh giới giữa sự sống và cái chết?

    Chết lâm sàng là một trong những hiện tượng khó giải thích nhất trong y học hiện đại. Đó là sự "ra đi" nhưng lại bị níu kéo "trở về", hay đơn giản là khoa học chưa xác định được đúng ranh giới giữa việc còn sống và đã chết?

    Giáo sư Bagdasarov nói: "Sai lầm của tất cả các nhà nghiên cứu là họ đã liên tục hỏi người bệnh ngay khi họ trải qua cái chết lâm sàng. Anh ta phải trả lời những câu hỏi theo mẫu định trước, trong khi còn chưa kịp tỉnh táo để hiểu điều gì đã xảy ra". Kết quả là họ thu được một bản dịch những cảm giác của người bệnh trong quá trình tỉnh lại, được diễn đạt bằng ngôn ngữ thông thường với các đường ống, ánh sáng chói loà... tức là y hệt như trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, những bệnh nhân vô thần lại không thấy gì cả thậm chí không nhớ nổi điều gì đã xảy ra sau khi chết lâm sàng. Bagdasarov nhận xét: "Như thế là đã rõ: Khi hồi tỉnh, não bộ rà soát nhanh lại toàn bộ nhớ, vì vậy những gì bệnh nhân kể cho các nhà khoa học chỉ là điều được ghi nhận trong não bộ của họ từ trước, không hơn không kém".

    "Chúng tôi đã từng nghiên cứu hơn 20 bệnh nhân ngoại đạo tỉnh lại sau khi bị ngất. Họ cũng kể về những cảm giác nhẹ bẫng, về đường ống, ánh sáng chói loà, thân nhân, thiên thần... mặc dù rõ ràng người bị ngất chưa ở ranh giới của sự sống và cái chết, cũng như không thể thấy được thế giới bên kia. Điều đó khẳng định thêm quan điểm về sự rà soát nhanh bộ nhớ trong quá trình bệnh nhân tỉnh lại, dù bị ngất hay chất lâm sàng. Kết luận này khiến chúng tôi phải đặt lại câu hỏi: Vậy bản chất của chết lâm sàng là gì? Ranh giới giữa sự sống và cái chết như hiện nay chúng ta vẫn tin tưởng đã chuẩn xác chưa?.", Bagdasarov nói.
     
  6. Nyanko

    Messages:
    380
    14. THẦN GIAO CÁCH CẢM, THỰC VÀ HƯ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sau một vụ nổ bom khủng bố tại quảng trường Puskin, Matxcơva (Nga), bệnh viện Sklifosovski đã tiếp nhận một nạn nhân nữ bị vô số vết bỏng trên người. Khi người chị sinh đôi đến thăm bệnh nhân đó, các nhân viên vô cùng sửng sốt nhận thấy trên cơ thể khoẻ mạnh của cô cũng có những vết bỏng.

    Mặc dù không hề có mặt tại vòi nổ nhưng người chị đã nhận một phần đau đớn từ em. Sự kiện trên diễn ra vào tháng 8/2000. Đây được coi là một ví dụ về hiện tượng thần giao cách cảm.

    Các nhà khoa học từ lâu đã chứng minh được rằng: Có sự tồn tại của tín hiệu thần giao cách cảm. Từ năm 1989, tại Viện Não thuộc Viện Hàn lâm Y học Nga, người ta đã tiến hành những cuộc nghiên cứu cho phép thu nhận những tín hiệu đó bằng máy đo.

    * Thử nghiệm

    Valeri Guzel, Trưởng khoa Tâm lý thuộc Đại học Nhân văn (Nga) bật máy tính, mở một tập dữ liệu. Trên màn hình hiện lên một người với những vầng hào quang và những tia sáng đứt đoạn phát ra xung quanh. "Đấy là aura, tức trường sinh học của một người được thí nghiệm", ông nói và giải thích thêm: "Hãy xem đây là vùng đảm trách công việc của hệ tim mạch, vùng này cho ruột non, vùng này cho xương cụt... ở khu vực dạ dày, aura yếu, có lẽ anh ta ăn phải cái gì đó không ổn... Số lượng chung: 36.000 đơn vị. Tính đối xứng 98%, đó là các chỉ số tốt. Còn bây giờ, hãy xem sau khi anh ta tiếp xúc với một người khác, aura giảm bớt: Số lượng tụt xuống còn 31.000 đơn vị, tính đối xứng: 76%. Nghĩa là việc tiếp xúc không thành công".

    Sau nhiều năm theo dõi và thử nghiệm, Guzel kết luận: giữa bác sĩ tâm lý trị liệu và bệnh nhân (cũng như giữa bác sĩ và những người có bất kỳ quan hệ chặt chẽ nào với bệnh nhân) đều có sự trao đổi ở dạng năng lượng. Chúng truyền tải thông tin về sự hoạt động của các cơ quan hay hệ thống trong cơ thể mỗi người. Nếu tình trạng của bệnh nhân được cải thiện thì nhiều khi chính bác sĩ lại gặp dấu hiệu mệt mỏi và trầm uất. Hơn nữa, có khi bác sĩ "nhận" về mình những vấn đề và bệnh tật từ bệnh nhân. Rồi họ, lại chuyển cho bạn bè, người thân hay bệnh nhân đến sau.

    * Sự điều chỉnh theo nhau

    Tiến sĩ triết học, GS Aleksandr Vodolagin (Nga) nói: "Một số trạng thái tâm lý có thể có tính lây nhiễm và được truyền thông qua trao đổi năng lượng". Ở đây không có gì là huyền bí, đơn giản là khi có sự tiếp xúc, xảy ra hiện tượng liên kết hai hệ thống năng lượng sinh học thành một khối thống nhất. Hiện tượng này được gọi là sự điều chỉnh theo nhau.

    Người ta có thể gặp hiện tượng này trong đời sống hằng ngày, khi hai người hiểu nhau chỉ cần bằng nửa lời nói, cũng như "hai trái tim cùng một nhịp đập"... Chẳng hạn, người ta nhận thấy rằng nếu vợ chồng sống với nhau tâm đầu ý hợp trong nhiều năm, thì cách thể hiện bên ngoài của họ trở nên giống nhau.

    Các nhà nghiên cứu đã đưa một con thỏ lên tàu ngầm. Còn trên một con tàu ngầm khác, lặn ở một đại dương khác, người ta nhốt những đứa con của nó. Vào một thời điểm, khi chích điện vào da thỏ con, thỏ mẹ đồng thời cũng bị giật theo. Người mẹ và đứa con nhỏ cũng có điều chỉnh theo nhau rất lớn, do vậy "nghe" thấy nhau từ khoảng cách rất xa, giống như hai đài phát sóng vô tuyến cùng trên một tần số.

    * Hội chứng số đông

    Tại sao một người bình thường, khi ở giữa đám đông lại hành động như một kẻ mất hồn và hoàn toàn tuân theo "không khí" của đám đông đó?.

    "Sự điều chỉnh theo nhau của đám đông có sức mạnh rất lớn. Bất cứ mục đích thống nhất nào, dù có tính xây dựng hay phá huỷ, sẽ dẫn tới một từ trường mạnh. Tinh thần của đám đông làm thay đổi tinh thần của cá thể, làm cho nó mất tính đối xứng và từ đó khiến cho cảm xúc vượt quá giới hạn, Vodolagin giải thích.

    Các dấu hiệu đặc trưng cho một quốc gia như quốc ca, quốc huy là những yếu tố của sự điều chỉnh theo nhau. Đó là những tín hiệu làm cho bạn khóc và xao xuyến khi nói tới một điều gì đó vĩ đại. Còn nếu trong đám đông có một thần tượng chung, thì người đó có cơ hội tuyệt vời để thay đổi trạng thái tâm lý của mỗi người. Ví dụ, một nghệ sĩ nghiện ma tuý, bản thân không có ý định tuyên truyền, nhưng vô tình đã "hướng" đám đông của người hâm mộ tới việc thử dùng chất nguy hiểm đó.
     
  7. Nyanko

    Messages:
    380
    15. SỨC HÚT CỦA NỖI SỢ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ở Mỹ từng xảy ra một chuyện kỳ lạ: Trước khi bộ phim Thân thể (Body) được chiếu lên màn ảnh, người ta không thấy có trường hợp nào cá mập tấn công người. Nhưng khi phim được trình chiếu, các con cá hung dữ bắt đầu săn đuổi những người đi nghỉ trên bãi biển. Điều gì đã xảy ra?

    "Đó là sự lập trình đều khắp, sự định trước vào nỗi lo sợ - ông Guzel đưa ra một giả thuyết – khi con người sợ một cái gì, anh ta sẽ nhận được chính cái đó. Khi tìm cách xua đuổi đối tượng gây ra nỗi sợ hãi, chúng ta nhận được sự đáp trả từ chính nó. Sự đáp trả đó đưa ta đến chỗ theo đúng không gian và thời gian nơi đối tượng (hay tình huống) chờ đợi chúng ta. Tất nhiên đó mới chỉ là một cách giải thích cho một trong những hiện tượng còn bí ẩn trong cuộc sống của chúng ta.
     
  8. Nyanko

    Messages:
    380
    16. VÌ SAO CHÚNG TA SỢ?

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Anna-Li Yaron sẽ không bao giờ quên được tiếng bom nổ mà lần đầu tiên cô đã nghe thấy. Nó xảy ra vào đầu tháng 1/2003 khi cô đang ngồi học ở trường trung học Charles Smith tại Jerusalem. Giáo viên đã báo trước cho cả lớp biết về cuộc diễn tập quân sự nhưng khi tiếng còi hú kéo dài, cô bé Yaron 16 tuổi vẫn run lên vì sợ.

    Cả lớp cười chế nhạo cô. Chính cô cũng thấy buồn cười vì sự nhút nhát của mình. Đó là một phần tâm lý của Yaron và cả thế giới xung quanh mình. Gia đình cô đã chuẩn bị mọi thứ cần thiết để đề phòng chiến tranh Iraq. Nhà trường cũng diễn tập sơ tán các học sinh đến nơi trú ẩn. Họ luôn căng thẳng về những diễn biến xảy ra trên thế giới. Ở Nhật, người ta lo lắng về nền kinh tế suy sụp trong nước. Ở Anh và Mỹ, người ta lo sợ khủng bố kiểu 11/9. Và ở đâu cũng có những nỗi lo sợ...

    Những nỗi sợ như thế làm suy giảm tính miễn dịch, khiến ta kém ăn, mất ngủ, nổi mụn hoặc có khối u. Tình trạng tâm lý ảnh hưởng tới nhịp sinh học của con người. Những người lo lắng dễ gặp tai nạn, cảm lạnh hoặc bị bệnh tim. Một điều kỳ lạ là càng sợ hãi người ta lại càng ăn nhiều. Đó là nghịch lý của nỗi sợ. Đó là phản ứng cơ bản với sự sinh tồn. Chúng có hại đối với chúng ta, làm giảm thọ, thậm chí là giết chết con người.

    Trước đây, không ai biết não sinh cảm giác sợ hãi hoặc lo lắng bằng cách nào. Cuối thập niên 1970, một nhà khoa học về thần kinh Joseph LeDoux thuộc Đại học New York, Mỹ, đã nghiên cứu về nỗi sợ. Và rồi nó được làm sáng tỏ hơn bất kỳ lĩnh vực nào của tâm lý.

    Cảm giác sợ hãi mơ hồ khác với cảm giác sợ hãi khi ở trong ngôi nhà đang cháy hoặc ở trên chiếc máy bay bị cướp. Nhưng chúng không tách biệt. Nỗi sợ và nỗi lo xuất hiện theo dây chuyền, bắt nguồn từ sinh lý và có hệ quả tương tự.

    Não bộ không chỉ là "cỗ máy suy nghĩ", mà còn là sự phỏng tạo sinh học, được thiết kế để thúc đẩy sự sinh tồn trong môi trường. Cấu trúc não xử lý công việc trước hoạt động nhận thức. LeDoux gọi là "não cảm xúc" là "mạng lưới mạch" được điều chỉnh theo các tín hiệu của sự nguy hiểm cực độ.

    Nỗi sợ càng kéo dài thì càng nguy hiểm tới sức khoẻ. Nó khởi nguồn từ vùng phản ứng gần vùng hạ đồi trong khi sản sinh CRF (corticotropin releasing factor). Nó luân phiên phát tín hiệu cho các tuyến nhờn và tuyến thượng thận để đưa các chất epinephrine (adrenaline), nor- epinephrine và cortisol vào mạch máu. Các hoóc môn gây căng thẳng này "đóng" các hoạt động "không khẩn cấp" như tiêu hoá và miễn dịch để "trực chiến hoặc trốn chạy". Tim đập, phổi bơm và cơ bắp nhận glucose.

    Norepinephrine rất gây hại cho các mô, nhất là tim Israel thống kê được gần 100 ca tử vong trong cuộc tấn công bằng tên lửa Scud của Iraq trong cuộc chiến vùng Vịnh lần I, họ không chết vì bom mà vì đau tim, do sợ hãi và căng thẳng. Sau vụ 11/9, số bệnh nhân tim quanh vùng New York đã tăng gấp đôi. Chất adrenaline làm hại tim và chất cortisol làm hại hệ miễn dịch, do vậy mà người ta dễ bị nhiễm trùng, dễ bị bệnh truyền nhiễm và ung thư. Các hoóc môn gây căng thẳng làm tổn thương não, làm suy yếu liên kết neuron. Cả ở người lẫn động vật, càng căng thẳng thì não càng suy yếu.

    Trẻ em rất nhạy cảm với nỗi sợ và nỗi lo lắng, vì não của chúng đang phát triển, ảnh hưởng đến tính khí. Hàng triệu người bị ám ảnh, nhất là phụ nữ. Ít nhất có khoảng hơn 300 chứng sợ hãi. Càng ngày con người càng có thêm nhiều nỗi lo sợ.
     
  9. Nyanko

    Messages:
    380
    17. BÍ MẬT CỦA "ẢNH GƯƠNG"

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Khi thấy chính mình đang ngồi trong chiếc ghế bên, người phụ nữ 75 tuổi bất giác mỉm cười thú vị. Phiên bản thứ hai của bà ngồi im, mặc một chiếc váy quen thuộc – chiếc váy mà bà thường mặc thời 17 tuổi, nhoẻn miệng với "chủ nhân". Hình ảnh kéo dài nhiều giây đồng hồ. Sáu giờ sau, bà được đưa vào bệnh viện vì một cơn đột quỵ trầm trọng.

    Một thợ cơ khí 35 tuổi lại thấy cuộc gặp gỡ với "vị khách câm lặng" của anh chẳng hay ho chút nào. Khi phát hiện ra hình ảnh của mình, hai đầu gối anh mềm nhũn ra, chân run lẩy bẩy. Phiên bản thứ hai của anh đứng sừng sững trước mặt, ngay tại nơi làm việc, vác trên vai một hộp đựng đồ nghề và nhìn anh trừng trừng. Người ta lập tức đưa anh vào bệnh viện ngay khi nghe anh kể về ảo ảnh đó. Khám nghiệm của bác sĩ cho thấy: anh thợ này có sức khoẻ hoàn hảo. Suốt thời gian về sau, sổ bệnh án của anh cũng chỉ có một điểm đáng chú ý như lần trước là một ngày nọ, anh lại nhìn thấy hình ảnh của chính mình.

    Hiện tượng ảo ảnh về chính bản thân mình, còn gọi là ảnh gương. "Phiên bản" của các nhân chứng thường ngồi trong những góc bàn trống hoặc xuất hiện dưới dạng ảnh treo trên tường, hay nhìn trân trối vào "phiên bản thứ nhất" từ một nhóm người đông đúc trên quảng trường, hay kỳ lạ hơn là vắt vẻo trên một cột đèn đường nào đó!

    Ngành tâm lý học cho đến nay đã ghi nhận chính thức 70 trường hợp gặp gỡ ảnh gương như vậy. Nhưng các chuyên gia cho rằng số lượng thật sự lớn gấp nhiều lần, bởi những ai gặp hiện tượng "nhân đôi" đó thường sợ người xung quanh cho là họ mắc bệnh điên và giấu kỹ tâm sự của mình.

    * Nhận xét bước đầu của các nhà tâm lý học: Có thật

    Các chuyên gia hoàn toàn không nghi ngờ sự tồn tại của hiện tượng ảnh gương kỳ lạ. Nhà tâm lý học Bernd Frank, người đã chữa bệnh suốt 17 năm cho 7 người mắc triệu chứng ảnh gương, khẳng định: "Bộ não của chúng ta thỉnh thoảng cũng có những bước nhảy bất ngờ và đột ngột mà chúng ta chưa rõ tại sao".

    Tháng 12/200, tạp chí chuyên ngành Medical Tribune cảnh báo: không nên coi chuyện ảnh gương là nhỏ, ví dụ những người nào từng nhìn thấy bản thân mình bị chết và treo lủng lẳng trên một cành cây thường rất dễ sa vào con đường tự tử.

    Điều khiến mọi người kinh ngạc qua lời miêu tả của nhân chứng là họ cảm nhận về phiên bản thứ hai của chính mình rất chi tiết và sống động. Mặc dù luôn ý thức được về nét siêu thực của "vị khách", "chủ nhà" vẫn tin rằng họ có một mối quan hệ bí hiểm với nhân vật ảo kia.

    Một số người còn cảm nhận gương rõ ràng hơn chính bản thân mình. Sau này, họ thường nhớ lại rằng cơ thể họ tại những giây phút gặp gỡ kinh hãi đó thường trống rỗng, lạnh lùng như đã kiệt máu, trong khi chính nhân vật kia mới chứa đựng toàn bộ sự sống của cả hai.

    * Nhận dạng "ảnh gương"

    Trên thế giới, nhóm hoạt động tích cực nhất về hiện tượng "ảnh gương" là các nhà nghiên cứu Anh. Họ đã xem xét, nghiên cứu, thí nghiệm với hiện tượng kỳ bí này và đăng kết luận đó trên tạp chí Tâm lý Sức khoẻ Anh:

    - Nhân vật thứ hai xuất hiện hết sức đột ngột. Chỉ trong một số trường hợp, nhân chứng trước đó có cảm giác là có người đứng cạnh hoặc sau lưng mình.

    - Ảnh gương thường xuất hiện trong màu xám với những đường nét tương đối nhoà. Nhưng không ít trường hợp chúng hiện lên rất rõ ràng như những bức tường tranh màu sống động. Không nhân chứng nào có thể nhớ rằng "người kia" có bóng hay không.

    - Thường thì phiên bản thứ hai câm lặng và chỉ nhìn phiên bản thứ nhất trân trối. Trong một số trường hợp, chúng chuyển động như hình ảnh soi gương của nhân chứng, hành động hoặc biểu lộ những cử chỉ tương tự như nhân chứng trong những tình huống bất ngờ, đòi hỏi phản xạ bản năng.

    - Ảnh gương thường xuất hiện ngoài tầm tay với và sẽ biến mất khi nhân chứng tìm cách sờ tới hoặc đến gần chúng.

    - Đại đa số ảnh gương xuất hiện lúc hoàng hôn hay lúc sớm mai. Một số trường hợp chỉ xuất hiện một hoặc hai lần trong cả cuộc đời. Một số người khác lại gặp tới 5-6 lần trong một khoảng thời gian kéo dài.

    * Bí mật của "ảnh gương"

    Một nạn nhân có khối u trong khu vực tuyến yên ở não kể rằng anh đã phải chung sống với ảnh gương suốt 7 năm trời. Người sốt phát ban nhưng nhiều khi có cảm giác như một cơ thể thứ hai đang nằm cạnh mình trên giường. Những ai bị liệt nửa người thỉnh thoảng cũng kể về hiện tượng đó...

    Nhà văn người Pháp Guy de Maupasant đã bị ảnh gương hành hạ suốt thời gian ông phải nằm bẹp trên giường vì bệnh giang mai.

    Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây ra hiện tượng ảo này thường là các căn bệnh như tâm thần phân liệt, trầm cảm, động kinh... đặc biệt là những cơn đột quỵ hoặc căn bệnh ung thư tại khu vực tuyến yên ở não.

    Nhà tâm lý học người Mỹ Geo Krizek của bệnh viện St. Elizabeth tại Washington vừa thông báo rằng những vụ tai nạn gây ảnh hưởng trầm trọng đến bán cầu não phải cũng có thể mang lại những hình ảnh kỳ quái đó. Một trong những bệnh nhân của ông được đưa vào bệnh viện năm 15 tuổi sau một tai nạn giao thông với triệu chứng chảy máu trong bán cầu não phải. Vài năm sau, anh quay lại gặp Krizek vì đã gặp ảnh gương của anh ngay giữa phố, thậm chí đã nói chuyện với "người đó" suốt 15 phút.

    Ảnh gương xuất hiện nhiều nhất ở nhóm người mắc chứng bệnh đau nửa đầu. Một nữ bệnh nhân 42 tuổi kể rằng thỉnh thoảng lại thấy một thân hình nữa của bản thân chị nằm bên cạnh. Trong lúc như vậy, chị cảm thấy rất rõ ràng: Nó ấm áp và mọi đường nét đều y hệt thân hình "thứ nhất" của chị.

    Tài liệu ngành y ghi lại rằng cả những người mắc bệnh động kinh cũng thường phải chiêm ngưỡng bản thân mình kiểu ấy. Tác giả của tác phẩm Tội ác và trừng phạt, nhà văn Nga Dostoievsli đã viết một cuốn tiểu thuyết có tựa đề Bản thể thứ hai và trong những tác phẩm khác, thường các nhân vật chính của ông cũng luôn nhìn thấy ảnh gương bí hiểm: Những bóng người xám xịt, không màu, đối mặt với nạn nhân trong ánh sáng mờ ảo của hoàng hôn hoặc ban mai. Các chuyên gia phỏng đoán rằng nhà văn đã miêu tả những bức tranh xuất phát từ tâm hồn ông, thúc ép và hành hạ bản thân ông: Người ta đồn rằng Dostoievski mắc bệnh động kinh.

    * Ảo ảnh, "con đẻ" của kiệt sức

    Trong khi ảo ảnh của những người mắc bệnh đau nửa đầu hoặc bệnh động kinh thường xuất hiện sau những quầng sáng rực rỡ, thì ở những người khoẻ mạnh, chúng xuất hiện bất ngờ, không hề báo trước. Nỗi căng thẳng gay gắt về tình cảm, những sợ hãi hoặc những lúc kiệt sức thường làm cho mỗi người bị ảnh hưởng của ảnh gương.

    Bác sĩ Dirk Arenz của Bệnh viện Thần kinh Andernach (Đức) giải thích: "Khi những giác quan mệt mỏi vì phải làm việc quá sức, hiện thực bên ngoài sẽ nhạt nhoà đi, những hình ảnh chỉ huy nội tại hiện lên, "nắm quyền chỉ huy" và... lao ra ngoài". Theo bác sĩ Erich Kasten của Đại học Tổng hợp Magdeburg, "trung tâm não bộ lưu trữ hình ảnh của chính bản thân bệnh nhân trong tình trạng quá mệt mỏi sẽ liên tục được kích hoạt và làm nảy sinh hiệu ứng nhân đôi ảo".

    Việc trung tâm não bộ đóng một vai trò nhất định trong việc xuất hiện ảnh gương cũng đã được chứng minh qua số phận ngược chiều của những bệnh nhân Alzheimer. Theo thời gian, trung tâm não của họ ngày càng bị phá huỷ. Hậu quả là nạn nhân một ngày kia sẽ đứng trước gương và tự hỏi: Kẻ lạ mặt nào đang nhìn ta trong gương kia?

    Hiện thời, nhà tâm lý học Bernd Frank đã thừa nhận rằng: "Chúng ta chỉ có thể lắng nghe, an ủi và cảm thông với họ".
     
  10. Nyanko

    Messages:
    380
    18. TRỰC GIÁC ĐẾN TỪ ĐÂU?

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tại một bệnh viện ở Zimbabwe, một phụ nữ 30 tuổi đang nằm trên băng ca chờ được đưa vào phòng mổ, tình cờ nữ bác sĩ Rebecca Bingham đi ngang qua. Mặc dù chưa từng gặp cũng như đọc bệnh án của bệnh nhân này, Bingham bỗng có một cảm giác bất an, một sự thôi thúc bí ẩn buộc chị phải kiểm tra tim người bệnh.

    Áp ống nghe vào ngực bệnh nhân, chị nhận thấy dấu hiệu của chứng hẹp van hai lá, một tình trạng có thể gây ra biến chứng trong quá trình gây mê để phẫu thuật. Chị lập tức báo với bác sĩ đang chuẩn bị ca phẫu thuật và họ quyết định hoãn lại. Các cuộc xét nghiệm kỹ lưỡng sau đó xác định những điều Bingham nói là đúng. Tuy nhiên khi được hỏi do đâu mà chị nhận định được điều đó, Bingham trả lời đơn giản: Đó là một linh cảm.

    Trong cuộc sống của chúng ta, những linh cảm như của bác sĩ Bingham xuất hiện khá nhiều, đôi khi vượt ngoài tầm chú ý của mọi người. Nhiều nhà tâm lý học, trong đó có tiến sĩ Timothy D.Wilson, giáo sư Đại học Virginia và là tác giả cuốn Strangers to Ourselves (Những kẻ xa lạ với chính mình), tin rằng linh cảm là sự gợi nhớ từ một miền vô thức. Nó không như những ký ức bị dồn nén hay những cảm xúc nguyên thuỷ như trong lý thuyết của Freud, mà là cơ chế trong não có tác dụng điều hành các thông tin về cảm giác, phân loại chúng tìm ra các nguyên cớ, phán đoán về con người và tác động lên cảm xúc cùng những cách ứng xử vượt ra ngoài tầm ý thức của chúng ta.

    Theo tiến sĩ Gary Klein, tác giả cuốn Intuition at work (Trực giác hoạt động), "chính những năng lực tiềm tàng của tri giác là điều mà người ta thường gọi là khả năng nhìn thấy cái vô hình". Trong trường hợp của Bingham, sự bí ẩn nằm bên dưới bề mặt ý thức. Kinh nghiệm công tác tại châu Phi mách bảo cho chị biết rằng: Chứng hẹp van hai lá ở châu lục này có tính phổ biến hơn ở Mỹ. Cũng như Bingham, hầu hết trong chúng ta đều có một trực giác chính xác xuất phát từ một nơi nào đó. Chúng thường được gọi là "những loé sáng đầy bí ẩn của linh cảm", "tri giác ngoại cảm", "bản năng loài vật" hay "giác quan thứ sáu"...

    Tiến sĩ Klein luôn chú tâm đến năng lực tiềm tàng của trực giác. Ông dành thời gian nghiên cứu hành vi của những người mà nghề nghiệp buộc họ phải đưa ra quyết định tức thì và có tính sinh tử như lính cứu hoả, y tá cấp cứu hay lính trận. Trong một cuộc phỏng vấn, một trung uý cứu hoả miêu tả chính giác quan thứ sáu đã cứu sống anh cùng đồng đội. Khi vào một ngôi nhà để dập tắt lửa phát ra từ một căn bếp, họ luôn bị ngọn lửa đẩy ngược trở lại. Đây chỉ là một vụ cháy nhỏ nhưng căn bếp lại nóng khủng khiếp. Viên trung uý có cảm giác mối nguy hiểm nghiêm trọng đang gần kề, vội ra lệnh cho thuộc cấp rời khỏi ngôi nhà. Khi họ vừa ra đến đường thì căn nhà sụp xuống; nếu còn ở lại, họ sẽ rơi vào chính tâm điểm của ngọn lửa đang bốc lên ngùn ngụt.

    Phân tích trường hợp trên, Klein cho rằng linh cảm của viên trung uý cứu hoả thực ra chỉ là một sự hồi ức của tiềm thức. Ngọn lửa không thể dập tắt, căn phòng quá nóng chính là những hồi tưởng báo động trong tiềm thức của viên sĩ quan. Chính tiềm thức này gợi nhắc đến một trường hợp có những điều kiện tương tự cũng gây ra sự sụp đổ của khối kiến trúc mà anh từng trải qua (nhưng không nhớ) và lệnh rút khỏi ngôi nhà của anh xuất phát từ một mệnh lệnh của tiềm thức. Trong quá trình nghiên cứu, Klein đã nghe nói đến nhiều trường hợp tương tự. Các phi công, y tá cấp cứu và nhiều thành phần nghề nghiệp khác kể rằng trong tình huống khẩn cấp, họ không có điều kiện lựa chọn hay đưa ra một quyết định có ý thức. Họ buộc phải hành động theo một tri giác ngoại cảm nào đó. Trong một tiến trình như vậy, dù là khẩn cấp để đối phó với tình thế, trực giác của con người thường có hai bước hoạt động: Trước tiên, nó nhanh chóng phân biệt các ký ức, tìm một mẫu ký ức quen thuộc để dẫn dắt chúng ta và sau đó, khi chúng ta đi theo một phương án đã xảy ra trong một tình huống tương tự trước đây, tiềm thức sẽ chú trọng đến những điều kỳ quặc và bất ngờ nhất.

    * Những tín hiệu của cơ thể

    Ngay cả khi không ở vào tình thế khẩn cấp, hệ thống "radar" trong cơ thể của chúng ta cũng luôn phát tín hiệu báo động khi có những dấu hiệu đe doạ sự an toàn cho bản thân hay người thân. Một cuộc nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc trường Y của Đại học Iowa (Mỹ) cho thấy cơ thể chúng ta thông minh hơn chúng ta tưởng. Trường hợp của George Soros, nhà tỷ phú được tạp chí Forbes xếp hạng 38 trong số những người giàu nhất thế giới năm 2003, là một. Theo tiết lộ của chính Soros, ông dựa phần nhiều vào bản năng để quyết định đầu tư bạc tỷ. Mỗi khi lưng của Soros bắt đầu nhói đau là tín hiệu cho biết có một điều gìđó không thuận lợi trong quyết định đầu tư chuẩn bị được đưa ra, nhờ vậy mà nhiều lúc ông tránh được nhiều trường hợp thua lỗ.

    * Đọc tín hiệu trên gương mặt người khác

    Nhiều lúc chính trực giác hay linh tính giúp chúng ta nhận định một tình thế không nguy hiểm như ta tưởng. Một bữa nọ, anh John Yarbough thuộc sở cảnh sát Los Angeles đi tuần tra và yêu cầu dừng một chiếc xe lại để kiểm soát như thường lệ. Khi anh đến gần, tài xế là một thiếu niên vụt bước ra một khẩu súng lăm lăm trong tay. Họ đang ở cách nhau không đầy 2 m và Yarbough chỉ có một nháy mắt để phán đoán ý đồ của cậu thiếu niên này. Trên nguyên tắc, trong tình huống này, anh có quyền bắn hạ y, nhưng vì lý do nào đó, anh đã không làm thế. Kết cục cho thấy trực giác của anh là đúng. Chỉ sau một vài câu nói khôn khéo, cậu thiếu niên bỏ súng xuống theo yêu cầu của cảnh sát.

    Nhiều năm sau, khi tham gia truy lùng tội phạm, Yarbough mới có điều kiện tìm hiểu tại sao anh đã không nổ súng trước, trong khi bản năng sinh tồn thôi thúc anh làm điều đó. Qua kết quả nghiên cứu của tiến sĩ Paul Ekman, tác giả cuốn Emotions revealed (Những cảm xúc được phát hiện), Yarbough mới biết rằng trong cuộc đối đầu chớp nhoáng kể trên, anh đã vận dụng kỹ thuật "đọc gương mặt" đối thủ mà không biết. Chính trực giác căn cứ vào nét mặt của cậu thiếu niên lái xe đó đã mách bảo với anh rằng cậu ta sẽ không bắn anh trước. Ở khả năng này mỗi chúng ta đều có những mức độ khác nhau. Chúng giúp ta đánh giá chính xác những biểu hiện nhỏ nhất trên gương mặt người đối diện. Đó có thể là những cảm xúc mạnh mẽ có khi chỉ xuất hiện trong 1/4 giây, nhưng cũng đủ thể hiện cảm nghĩ thực của chủ nhân ngay cả trong trường hợp được sự cố tình che giấu chúng.

    Trở lại trường hợp của bác sĩ Bingham, chị cho rằng linh cảm của chị thường xuất hiện trong một số lần chẩn đoán đến mức kỳ lạ. Có lần chị phát hiện bệnh ung thư phổi ở một bệnh nhân đến khám bệnh thông thường. Ở bệnh nhân này không có triệu chứng nào rõ rệt, nhưng linh tính mách bảo Bingham rằng cần chụp X quang lồng ngực của bệnh nhân. Nhờ vậy mà chị phát hiện ra khối u mới phát của người bệnh, giúp cho việc điều trị trở nên dễ dàng hơn.
     
Trả lời qua Facebook
Loading...