Cấm quân nghĩa là gì? Cấm quân Đại Việt qua một số triều đại phong kiến

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi Spark, 7 Tháng sáu 2021.

  1. Spark

    Bài viết:
    33
    Cấm quân trong tiếng Hán là 禁軍. Cấm (禁) là từ chỉ chỗ ở của vua, quân (軍) được hiểu là quân đội, tổ chức binh lính. Như vậy, có thể hiểu ngắn gọn, Cấm quân là quân đội phòng vệ cung cấm và kinh đô của các triều đại phong kiến.

    Tùy từng triều đại, Cấm quân sẽ có cách thức tuyển chọn là tổ chức quân đội riêng.

    Trong các truyện, tiểu thuyết hoặc phim cổ trang Việt Nam, Trung Quốc hoặc Hàn Quốc, chúng ta thường hay thấy Cấm quân được huy động để bảo vệ nhà vua khi cung đình có thích khách, hoặc khi vua xa giá ra khỏi cung. Tuy nhiên, trên thực tế thì Cấm quân không chỉ có "vẻn vẹn" một nhánh quân đội như vậy.

    1. Cấm quân thời Lý


    Cấm quân thời Lý còn có tên gọi khác là "thiên tử binh", đồng thời các binh lính thuộc Cấm quân cũng được xăm ba chữ "Thiên Tử Binh" trên trán, đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của các tướng lĩnh dưới quyền chỉ huy của vua. Cấm quân thời kỳ này không được thống nhất về tổ chức biên chế, mà tùy theo từng đời vua sẽ được tổ chức khác nhau.

    Cấm quân được chia làm các vệ, mỗi vệ có từ 200 đến 500 người. Dưới các vệ là các đô, hỏa. Mỗi đô có khoảng 100 người.

    Dưới triều vua Lý Thái Tổ (1010 – 1028), Cấm quân có khoảng 3000 người, được chia thành 6 vệ, mỗi vệ biên chế 500 người. Các quân được đặt tên là Quảng Thành, Quang Vũ, Ngự Long, Phủng Nhật, Trừng Hải.

    Dưới triều vua Lý Thái Tông (1028 – 1054), Cấm quân có khoảng 2000 người, được chia thành 10 vệ, mỗi vệ biên chế 200 người.

    Sang triều vua Lý Thánh Tông (1054 – 1072), khoảng 3200 người, được chia thành 16 vệ, mỗi vệ biên chế 200 người..

    Các binh lính trong Cấm quân được tuyển chọn từ các trai tráng khỏe mạnh nhất trong cả nước. Căn cứ vào mức độ tin cậy và tài nghệ của các binh lính mà Cấm quân được chia thành hai loại: Quân Ngự tiền và quân Điện tiền. Quân Ngự tiền làm nhiệm vụ bảo vệ nơi ở của vua (tẩm cung, ngự thư phòng), trong khi đó, quân Điện tiền lại làm nhiệm vụ bảo vệ cấm thành (toàn bộ cung thành).

    Đứng đầu Cấm quân là chức thiếu úy. Riêng toán quân trực ở trước điện vua thì do điện tiền đô chỉ huy sứ đứng đầu. Đứng đầu các vệ thì có các cấp tướng như: Tả hữu kim ngô vệ tướng quân, Kim ngô độ lãnh binh sứ, Tả hữu vệ tướng quân, Đinh thắng thượng tướng quân, Đại tướng quân, Tướng quân.

    [​IMG]

    2. Cấm quân thời Trần


    Quân đội nhà Trần nổi tiếng tinh nhuệ, thiện chiến, kỉ luật cao, là niềm tự hào của Đại Việt khi ba lần quét vó ngựa giặc Mông – Nguyên khỏi bờ cõi nước nhà.

    Nhà Trần thay thế hầu hết các tướng lĩnh phục vụ trong quân đội nhà Lý bằng các dòng dõi tôn thất họ Trần. Tuy nhiên, về mặt cơ cấu tổ chức quân đội thì nhà Trần đã kế thừa và tiến hành nhiều cải tiến.

    Từ sau năm 1267, các cấp đơn vị tổ chức quân đội, lấy cơ số 5 (hệ ngũ) làm số lượng binh lính của đơn vị căn bản như sau:

    - Một Ngũ gồm 5 người, do Ngũ trưởng, đội trưởng đứng đầu

    - Một Đô gồm 80 người, do Doanh trưởng, quân trưởng đứng đầu

    - Một quân gồm 2400 người, do Tướng quân đứng đầu.

    Có thể nói, đến thời Trần thì việc tổ chức quân đội đã được thống nhất với con số cụ thể.

    Năm 1239, vua Trần Thái Tông cho cải tổ lại quân đội cả nước, chia quân ra làm 3 bậc Thượng, Trung và Hạ.

    Cấm quân thuộc bậc Thượng, có nhiệm vụ bảo vệ kinh đô Thăng Long và hành cung Thiên Trường (đất tổ nhà Trần), và đóng vai trò "xương sống" trong quân đội cả nước. Cấm quân được tuyển chọn kĩ lưỡng từ tráng đinh trên 18 tuổi khắp cả nước, tham gia huấn luyện hà khắc nhất và được trang bị những binh khí tốt nhất. Cấm quân nhà Trần cũng là lực lượng quân đội đông nhất, khoảng 4 vạn quân, thậm chí có những lúc lên đến 10 vạn quân.

    Không chỉ được cung cấp áo giáp và binh khí thượng hạng, Cấm quân thời Trần còn được hưởng bổng lộc cao hơn các quân khác, thậm chí gia quyến của họ cũng được cấp dưỡng chu đáo hơn, tạo điều kiện cho Cấm quân chuyên tâm bảo vệ triều đình và tận trung với vua. Chính sách "ngụ binh ư nông" thường không áp dụng cho cấm quân cũng vì lý do này, do đó, việc duy trì Cấm quân cũng là một trong những khoản chi tiêu tốn kém. Có thể nói, sự hùng mạnh của Cấm quân triều Trần tỷ lệ thuận với sự phồn vinh của vương triều này.

    Chỉ huy của cấm quân đến đời Trần thường là do tôn thất đảm nhiệm vị trí Điện tiền chỉ huy sứ. Như vậy, có thể coi Cấm quân triều Trần chính là tư binh của hoàng đế, bởi chỉ huy của họ (Điện tiền chỉ huy sứ) là người tuyệt đối trung thành với vua. Bởi vậy, mệnh lệnh điều động của Binh bộ hoàn toàn không có tác dụng với Cấm quân triều Trần.

    3. Cấm quân thời Lê Sơ


    Năm 1249, sau khi chiến tranh kết thúc, Lê Thái Tổ chia 10 vạn quân thành 5 đạo và 6 quân ngự tiền. Năm đạo quân bao gồm: Bắc đạo, Nam đạo, Đông đạo, Tây đạo và Hải Tây đạo, được điều về các nơi lo việc trấn giữ 5 đạo hành chính trong nước. Còn sáu quân ngự tiền thì thì có nhiệm vụ bảo vệ kinh thành, gồm Ngự tiền vũ sĩ, Ngự tiền trung tả hữu tiền hậu quân, Thánh dực quân, Phụng thánh quân, Chấn lôi quân và Bảo ứng quân.

    Đến thời Lê Thánh Tông, tổ chức quân đội phong kiến của Đại Việt đã có nhiều thay đổi, giúp xây dựng được lực lượng quân đội hùng mạnh.

    Quân số các cấp đơn vị thời Lê Thánh Tông được quy định thống nhất như sau:

    - Mỗi Ngũ gồm 20 người

    - Mỗi Ty 100 người (5 Ngũ)

    - Mỗi Sở có 400 người (20 Ngũ)

    - Mỗi Vệ có 5 đến 6 Sở.

    - Mỗi Phủ có 6 Vệ.

    Dước thời Lê Sơ, Cấm quân ở kinh đô gồm:

    - 2 vệ Kim ngô và Cẩm y

    - 4 vệ Hiệu lực

    - 4 vệ Thần vũ

    - 6 vệ Điện tiền

    - 4 vệ Thuần tượng

    - 4 vệ Mã bế.

    Cấm quân có 66 ty và 97 sở, quân số xấp xỉ 45.000 người.

    Đại Việt từ thời Lê Thánh Tông cũng vì thế mà trở thành quốc gia hùng cường ở bán đảo Trung - Ấn, mở rộng đất đai phía tây và phía nam, khiến nhiều quốc gia như Chiêm Thành, Chân Lạp, Lan Xang, Chiang Mai, Ayutthaya và Java phải thần phục, đây là điều mà các triều đại trị vì Đại Việt trước đó chưa làm được.

    4. Cấm quân thời Nguyễn


    Giai đoạn 1 (1802 - 1883), Cấm quân của một một vương triều độc lập tự chủ.

    Cấm quân nhà Nguyễn đóng ở kinh thành Phú Xuân (Huế) gọi là Vệ binh, có nhiệm vụ chính là bảo vệ kinh đô và vua Nguyễn. Hệ thống tổ chức và biên chế cơ bản của Vệ binh gồm có:

    - Một Ngũ gồm 5 người, do Ngũ trưởng đứng đầu

    - Một Thập gồm 10 Ngũ, do Chánh đội trưởng đứng đầu

    - Một Đội gồm Thập, do Suất đội đứng đầu

    - Một Vệ gồm 10 Đội, do Vệ úy đứng đầu

    - Một Doanh gồm 5 Vệ

    Vệ binh quân Nguyễn có khoảng 40.000 người, được chia thành ba bộ phận gồm Thân binh, Cấm binh và Giản binh:

    - Thân binh (cận vệ của vua và bảo vệ Cấm thành), gồm 1 doanh và 4 vệ độc lập

    - Cấm binh làm nhiệm vụ cơ động và bảo vệ Kinh thành, bao gồm 6 doanh và một số vệ, đội độc lập như: Tượng binh, kỵ binh, thủy binh.

    - Giản binh hay Tinh binh bao gồm một số vệ và đội thuộc các phủ, huyện, nha..

    [​IMG]

    Giai đoạn 2 (1884 - 1945), Cấm quân của một quốc gia phong kiến bị mất quyền tự chủ.

    Vệ binh thời Nguyễn thường tuyển những người Đàng Trong, đến năm 1885, sau khi nhà Nguyễn lệ thuộc hoàn toàn vào Pháp thì lực lượng này tan rã, chỉ còn lại một số nhỏ gọi là Thân binh với biên chế khoảng 2000 quân để hầu cận các vua.

    2000 Thân binh này bao gồm 4 vệ và 1 đội quân nhạc công để phục vụ các lễ nghi cung đình (50 nhạc công).

    Trên đây là giải thích về Cấm quân trong lịch sử phong kiến và một số đặc điểm của Cấm quân qua các triều đại Lý, Trần, Lê Sơ, Nguyễn của Đại Việt qua gần một nghìn năm. Hy vọng bài tổng hợp tư liệu sẽ giúp các bạn có thêm hiểu biết về một phần tổ chức quân đội qua các triều đại phong kiến Việt Nam.

    Nguồn: Kiến thức tổng hợp từ nhiều nguồn.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...