Con ma thắt cổ trên cây nhãn Quê tôi ở Hà Tây nhưng tôi sinh ra và lớn lên tại Hải Dương. Thời đi bộ đội, bố gặp mẹ hai người kết hôn. Khi xuất ngũ, bố công tác tại Hà Tây còn mẹ công tác tại một công ty thực phẩm tại Hải Dương. Tôi còn nhớ những năm thập niên 70, 80 Hải Dương mang tên là Hải Hưng. Tên của tôi cũng là do tôi sinh ra ở tỉnh này. Tuổi thơ của tôi gắn liền với địa danh thực phẩm Cẩm Phúc, đó là nơi mẹ tôi làm việc. Công ty thực phẩm Cẩm phúc theo trí nhớ của tôi là một bán đảo đúng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Thực phẩm Cẩm phúc nằm trên một khu đất rất rộng. Bao quanh khu đất này là một cái ao vừa sâu vừa rộng. Các bạn cứ hình cái ao như một chiếc khuyên tai gần như bao trọn cả khu đất chỉ chừa con đường cái to rộng là lối đi vào khu thực phẩm này. Phía bên kia bờ ao là một con đê thấp ngăn cách bờ ao với cánh đồng rộng bát ngát của làng Tân Hòa, làng Cầu, làng Cờ Đỏ. Trên bờ đê là những bụi tre gai mọc chằng chịt. Từ khu thực phẩm Cẩm Phúc cho tới làng gần nhất là làng Cờ Đỏ cũng cách nhau khoảng 1 cây số. Công ty thực phẩm chia làm 4 khu vực. Khu vực bên trái tính từ ngoài cổng vào là khu bán hàng, dối diện là khu lò mổ; khu trung tâm là một dãy nhà làm việc; ngăn cách giữa khu làm việc và khu nhà tập thể cũng lại là một cái ao. Tôi nhớ giữa đường cái đi khu thực phẩm được ngăn cách bởi một cánh cổng sắt hoen gỉ, hai bên cánh cổng sắt là những bụi tre gai lùm xùm trông rất đáng sợ. Từ cổng vào tới khu tập thể khoảng hơn ba chục mét hai bên đường là những cây bang, cây phượng cổ thụ gốc cây khoảng hai đứa trẻ con vòng tay ôm. Có lẽ chính vì thế cho nên những buổi chiều đi học về tôi rất sợ phải đi qua cánh cổng này bởi nhìn nó rất âm u. Tuy ở biệt lập với khu dân cư nhưng vào ban ngày công ty không bao giờ hoang vắng bởi có rất động trẻ con trong các khu làng lân cận dắt trâu vào đây ăn cỏ trên những bãi cỏ mênh mông của khu thực phẩm. Thời đó công ty chằng có bảo vệ, cổng sắt thì hư hỏng nên lũ trẻ chăn trâu cứ ra vào tự do cũng chẳng có ai ngăn cấm nhưng vào buổi đêm thì thật là hoang vắng đáng sợ. Khi tôi còn nhỏ xíu khu tập thể rất đông người nhưng dần dần các cô chú chuyển ra ngoài sinh sống hết chị còn lại có mỗi gia đình tôi sống ở khu tập thể. Tôi thường hay giúp mẹ đếm tiền bán hàng và dán tem phiếu cho nên thường hay nghe những chuyện ma mà các bác, các cô chú mua thịt và các bác nông dân xung quanh kể lại. Theo lời kể của họ thì khu thực phẩm này vốn là của một và bà địa chủ rất giàu có. Bà ấy không có con, chồng lại chết sớm, tính bà ấy lại đồng bóng nên có một gian thờ điện nghĩa là có một căn nhà để thờ thánh thần giống như các thầy bà ngày nay ấy. Khi cách mạng Tháng Tám thành công thì khu đất này trở thành tài sản của nhà nước Hồi đó còn rất nhỏ nên tôi cũng chẳng quan tâm Công ty thực phẩm Cẩm Phúc này được xây dựng từ bao giờ chỉ biết rằng khu tập thể dành cho gia đình những công nhân sinh sống đặc biệt là gian phòng mà nhà tôi đang sống ngày chính gian thờ điện của bà địa chủ đó. Hồi nhỏ, tôi đau ốm luôn và nhỏ xíu, học lớp 3 rồi mà chỉ có 20kg. Tôi nhớ đêm nằm ngủ, tôi thường xuyên có cảm giác lúc thì đầu giường bị dựng ngược lên lúc thì bị chúi xuống đất. Những lúc bị bệnh thì cảm giác này còn nhiều hơn nữa. Quái gở hơn những lúc như vậy tay tôi thường xuyên sờ phải vật gì đó nhũn nhùn nhùn nhìn sang chỉ thấy đó là một đống đen sì sì mà cái màn mẹ mắc chống muỗi thì nó cách tôi như cả mấy chục mét vậy. Những lúc như vậy tôi không sợ mà còn thấy thích nữa cơ vì cảm giác cái giường hết trồi lên lại sụt xuống rất thích. Mà có biết gì đâu mà sợ! Sau này hóng hớt các cô chú từng ở nơi này kể tôi mới biết đó là ma dựng giường. Khu tập thể không có nhà bếp nên các cô chú và mẹ tôi có dựng tam vài gian bếp bên cạnh gốc nhãn cạnh bờ ao. Có người dân địa phương kể hồi năm 1945, nạn đói xảy ra, có người từng thắt cổ tự tử trên cây nhãn này. Người kể chuyện còn chỉ cái vòng tròn trên thân cây nhãn nơi đó không có vỏ cây và nhẵn thín tạo thành một vòng tròn mà rất nhiều năm rồi không bao giờ thay đổi, họ nói đó là dấu vết của sợi dây thừng. Bây giờ nhớ lại cây nhãn đó rất to mặc dù sống ở đó gần 10 năm trời nhưng tôi chưa thấy cây nhãn đó ra quả bao giờ mặc dù cây nhãn kế bên năm nào cũng có quả. Ấy thế nhưng cơ quan mẹ tôi chưa bao giờ chặt đi. Chẳng hiểu họ để cho mát hay là vấn đề tâm linh nữa. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu không có sự việc xảy ra như sau. Một buổi sáng, anh N (lúc ấy đang học lớp 6, 7 gì đó) con cô L dạy nấu cơm sáng như thường lệ. Lúc đó khoảng 4h 30 gì đó (các anh chị thường phải dạy sớm nấu cơm vào giờ này vì những hôm mổ lơn thường bố mẹ chúng tôi thức lúc 3h sáng). Điều đáng nói là gian bếp nhà anh có một trong 4 cột là cái cây nhãn thắt cổ ấy. Lúc đó mọi người dang ngủ say sưa bỗng nghe tiếng hét thất thanh của anh N, cùng với tiếng hét ấy là tiếng bát đĩa và nồi cơm rơi loảng xoảng. Mọi người túa ra chỉ thấy anh N mặt mày xanh xám, chân tay run rẩy; tay anh chỉ vào bếp, miệng lắp bắp: Ma! Ma! Chú N (bố anh N, chú làm nghề thợ điện) chạy vào bếp nhưng không thấy gì. Mãi một lúc lâu sau anh N mới hoàn hồn kể lại rằng anh vừa vào bếp thì thấy một người ngồi lù lù, đen sì, nhìn không ra mặt mũi ngồi trong đó. Thấy anh người đó quát: "Đi ra!". Có điều lạ là mọi người túa ra ngay sau đó và xộc ngay vào gian bếp nhưng không thấy gì cả. Nếu muốn thoát đi thì người đó chỉ có hai con đường một là nhảy xuống ao hai là chạy ra đường. Nhưng mốn chạy ra đường thì phải qua cửa bếp mà cửa bếp mọi người túa ra rất đông còn nhảy xuống ao bơi qua bờ bên kia thì cũng phải vòng ra cửa bếp. Mà cho dù có nhanh đến đâu chăng nữa thì nhảy xuống ao bơi sang bờ bên kia phải có tiếng động chứ. Kể từ đó cô chú L bỏ luôn gian bếp này không dùng nữa ấy thế mà mẹ tôi lại dùng gian bếp này thế mới gan chứ. Nhắc đến mẹ tôi cũng phục bà vì mẹ tôi rất cứng cỏi. Biết gian nhà tôi đang ở thuộc ngay gian thờ điện, thỉnh thoảng mẹ cũng bắt gặp một số hiện tượng này nọ nhưng bà lại không chịu chuyển sang gian khác dù cả dãy nhà tập thể vẫn còn nhà trống nhiều, Chắc là do nó ở cạnh bờ ao, sát 2 cây nhãn nên mát mẻ hơn chăng? Thời đó chẳng có điện nghe các bạn. Điện chỉ có ở khu lò mổ và chăn nuôi thôi. Hồi nhỏ, tôi rất khó ngủ. Có khi anh chị tôi học bài xong rồi, cả nhà ngủ ngon lành nhưng tôi mắt vẫn mở trao tráo. Vào mùa hè mẹ thưởng mở cửa sổ ngủ cho mát, có hôm tôi nhìn ra cửa sổ thấy rất nhiều khuôn mặt với những biểu cảm khác nhau luần lượt lướt qua chấn song như những thước phim quay chậm (mà chỉ có khuôn mặt thôi nhé). Chắc có lẽ hồi đó tôi quá nhỏ khoảng tầm 5, 6 tuổi gì đó đã biết gì đâu mà sợ nên được khoảng 5-7 phút thì không thấy gì nũa (chắc dọa một đứa con nít chẳng có gì thú vị ấy mà). Có một đêm tôi đang thao tức bỗng thấy ở góc màn cuối chân giường lay động và xuất hiện một người đúng nghĩa ra phải gọi là một bức tượng. Người đó cao khoảng 20 cm mặc áo đỏ tay cầm một cái búa nhò xíu. Các bạn cứ hình dung tượng ông tam đa như thế nào thì ông này cũng như vậy. Ông này bằng đất nung, mặc áo sơn đỏ tay cẩm búa mà cầm như kiểu đang bồng một đứa trẻ vậy. Tôi không thấy ông đi mà ông lướt vể phía trên đầu tôi, gõ cái búa vào trán tôi và nói: "Cái con này!". Tôi không có cảm giác sợ hãi gì nhưng vì nghe nhiều chuyện ma quá rồi nên cũng biết đây là cái gì nên gọi mẹ: "Mẹ ơi, cái con gì nó gõ vào trán con". Tôi chỉ mới vừa mở miệng chứ chưa thốt được tiếng nào thì người đó đã biến mất tăm. Mẹ tôi dạy chửi, bà chửi tục lắm. Tôi sau này cứ lo sợ mẹ chửi tục như vậy ngộ nhỡ là thánh thần thì họ quở phạt thì chết. Nhưng bây giờ nghĩ lại thánh thần gì mà nửa đêm trêu chọc người mà lại là trêu chọc con nít nữa chứ. Hơn nữa nghe mọi người nói nếu thờ điện mà thờ không đúng cách thì là thờ ma thờ quỷ chứ không phải thờ thánh thần đâu. Đến bây giờ tôi vẫn thắc mắc bức tượng trên là ông nào vậy? Mọi người ai biết chỉ giùm tôi với ạ. Tôi còn rất nhiều chuyện về khu thực phẩm này và những chuyện hóng hớt được xin hẹn mọi người ở những mẩu chuyện sau nhé.
Ma trong nhà vệ sinh Bấm để xem Tôi có cô bạn là giáo viên ở ĐN. Cô kể khoảng năm 2012, 2013 trường cô do quá xập xệ nên được xây mới. Để đảm bảo việc dạy dỗ và học hành nên trường học tạm tại trạm y tế cũ của xã. Theo như người dân địa phương ở đây kể lại thời kháng chiến chống Mỹ thì đây là nơi đóng quân của một doanh trại quân đội Mỹ. Cách doanh trại này khoảng 4 đến 5 km là nơi đóng quân của ta. Hai bên có nhiều lần nã pháo qua lại gây thương vong chết chóc rất nhiều. Khi đất nước được giải phóng, người ta xây trạm y tế trên một phần đất của doanh trại lính mỹ này. Trạm y tế mà hơn nữa những năm đầu giải phóng kỹ thuật, máy móc còn lạc hậu, tay nghề chưa cao nên cũng có người chết ở đây chủ yếu là sản phụ và thai nhi. Bạn tôi kể cứ học buổi sáng thì không sao nhưng buổi chiều thì gần như chiều nào cũng vậy, khảng từ 1h-2h chiều cứ bước chân ra đến nhà vệ sinh là nghe tiếng trẻ sơ sinh khóc văng vẳng đâu đó. Ban đầu cô cũng không để ý lắm vì xung quanh đó là rẫy của người dân. Cho đến một hôm có sự việc đã làm cô kinh hãi tột độ. Chiều hôm đó, khi đang đi vệ sinh cô còn nghe rất rõ tiếng 2 học sinh nữ buồng vệ sinh bên cạnh nói chuyện với nhau (nhà vệ sinh giáo viên và học sinh được tạm thời ngăn đôi, khu vệ sinh nam riêng biệt với nữ). Khi 2 học sinh đó rời đi, cô với tay xả nước. Cùng với tiếng nước chảy, cô nghe rõ ràng tiếng hai người đàn ông nói chuyện rì rầm với nhau. Cô sực nhớ ra hôm trước lúc đi vệ sinh cô cũng nghe thấy 2 giọng nói này ở buồng vệ sinh bên cạnh, lúc đó cô chỉ nghĩ chắc em học sinh nam nào đó dùng tạm phòng vệ sinh nữ nhưng hôm nay nó ở sát bên cô, ngay sau lưng cô. Không quay lại nhìn, cũng không nhìn thấy gì nhưng cô hình dung rõ mồn một có hai người đàn ông nước ngoài, một da đen và một da trắng đang chòng chọc nhìn vào gáy cô mà nói chuyện với nhau. Cô ù té bỏ chạy vào phòng hội đồng mặt tái mét cắt không ra một giọt máu, đến dây nịt quần cô còn chẳng kịp cài lại. Sau này một cô giáo địa phương kể lại về mảnh đất này và có kể thêm cô thường nghe tiếng trẻ sơ sinh khóc mặc dù cô biết xung quanh đây chẳng nhà nào có trẻ em cả.
Ma cây si Bấm để xem Ở Khu thực phẩm Cẩm Phúc, người ta đào hai cái giếng rất to đường kính chắc khoảng 3, 5 m. Cái giếng ở khu làm việc phục vụ cho việc nấu nướng và làm giò chả của cả công ty, cái giếng thứ 2 ở gần khu tập thể phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của công nhân viên. Cạnh cái giếng thứ 2 có 3 gian phòng tắm, đầu dẫy phòng tắm là một cây si rất to, cành lá xum xuê che mát nửa sân giếng. Tôi nghe mẹ và một số cô chú công nhân kể với nhau rằng: Một hôm có người khách mua thịt nói ở cây si có một con ma nữ đã thành tinh, mặc bộ đồ trắng trú ngụ trên cây si đó. Ông khách nói nếu không mau chuyển ra ngoài sống thì sẽ gặp những chuyện không may nhẹ thì hao tài tốn của, nặng thì chết người. Chẳng biết ông ta có phải thầy bói toán không mà chỉ mới đến một lần, ngay giữa ban ngày mà ông ta nói như vây? Trước đó, mẹ và một số cô chú có thì thầm với nhau rằng có một vài lần vào ban đêm thấy bóng một người con gái áo trắng, tóc xõa dài thấp thoáng bên cây si ấy. Quả thật cây si ấy nhìn lúc nào cũng âm u, cành lá rậm rạp, những cái rễ si thả xuống lòng thòng. Cả khu thực phẩm Cẩm Phúc rộng lớn đầy ong bướm, chim chóc, chuồn chuồn các loại (thời đó nhiều lắm) mà tuyệt chẳng thấy con nào bén mảng đến cây si ngay cả rắn rết cũng không có. Một hôm, vào ngày mổ lợn, mổ xong mẹ và cô L tranh thủ về ăn cơm. Lúc ngang qua cây si đó mẹ và cô L thấy người con gái mặc đồ trắng đứng đó. Cô L rú lên quay đầu bỏ chạy về khu làm việc còn mẹ tôi nhặt đất ném vừa ném bà vừa chửi. Lúc cô L rú lên thì cô gái kia biến mất. Từ đó trở đi, mẹ tôi chẳng bao giờ nhìn thấy cô gái ấy nữa. Bẵng đi một thời gian rất dài, lúc đó cả khu tập thể chỉ còn duy nhất gia đình tôi sống ở đó các cô chú khác đã mua nhà chuyển hết ra ngoài sinh sống. Lúc này một loạt tai hoa mới xảy ra với những người từng sống trong khu tập thể. Đầu tiên là gia đình tôi. Chị gái đầu của tôi do sử dụng dầu để nhóm bếp, do bất cẩn lửa bén vào can dầu làm cả người chị bùng cháy như một bó đuốc. May mà có chị gái thứ 2 ở nhà. Nhanh trí, chị trùm cả cái chăn lên người chị cả tôi nên chị thoát chết nhưng chị bị bỏng rất nặng. Lửa bén lên cả mặt chị tôi tàn phá một phần guơng mặt của chị. Gia đình tôi tức tốc đưa chị đến bệnh viện 108 chữa trị. Chị phải trải qua rất nhiều lần phẫu thuật thì gương mặt mới đỡ đi được phần nào. Tiếp đến là gia đình cô D. Cô D có chồng làm giáo viên. Các bạn biết đấy, thời những năm 70, 80 giáo viên nghèo như thế nào rồi nhưng họ rất chú ý giữ gìn nhân phẩm của mình. Ấy thế mà, Chú T (chồng cô D) lại có bồ và li hôn với cô D. Tất nhiên sự việc này phần nhiều là do lỗi của cô D coi thường chồng nghèo nên coi thường cả gia đình chồng. Kế đến là gia đình cô L, chú N. Cô chú có 4 người con toàn là trai cả. Anh T, con trai thứ 3 của cô chú thị bị hen chẳng mấy khi gặp anh mà thấy anh khỏe mạnh cả, gần như lúc nào cũng thấy anh thở khò khè như đang thổi kèn vậy. Anh N (anh gặp ma trong bếp ấy) là con trai lớn nhưng anh rất nghịch phá làm cô chú rất phiền lòng. Thế nhưng học xong lớp 10 (hồi ấy hệ 10 năm) anh đi làm và bỗng nhiên đổi tính, chăm chỉ làm ăn, thương cha mẹ. Ai cũng mừng cho cô chú. Sự đời không ai nói hết được chữ ngờ. Anh N bất ngờ gặp tai nạn trên đường đi làm. Tôi cũng chẳng biết anh ấy làm việc gì và làm ở đâu chỉ biết anh ấy bị một chiếc xe tải cán qua người và bỏ chạy lúc đó trời còn mờ tối. Có người phát hiện ra chạy lại hỏi, anh không trả lời được chỉ lấy tay vuốt khuôn mặt đầy máu cho người ta nhìn rõ mặt rồi mất. Cuối cùng là cô Đ. Cô có 2 người con, trai gái đủ cả. Dòng họ nhà cô chỉ sinh toàn con trai nên chị H, con cô D, là cháu gái duy nhất của dòng họ. Cả dòng họ cùng nâng niu cưng nựng chị. Chị rất ngoan, hiếu thảo lễ phép với mọi người nên chị càng được chiều chuộng hơn. Thế nhưng chị cũng chỉ có duyên với cô chú Đ 17 năm, năm 17 tuổi chị cũng bị xe tải cán chết. Tôi kể những chuyện này có thể có người sẽ nói do làm nghề mổ lợn nên việc gánh nghiệp là không thể tránh khỏi. Thôi thì tùy mọi người, mỡi người sẽ có cách nhìn nhận và đánh giá riêng. Hẹn mọi người ở câu chuyện sau chuyện tâm linh về nghịch phá tượng phật.
Chuyện tâm linh – Phá tượng phật Bấm để xem Chuyện này xảy ra ở khu Thực phẩm Cẩm Phúc, khoảng năm 1983, 1984 gì đó, lúc đó tôi chừng 6, 7 tuổi. Một buổi sáng, nghe lũ trẻ chăn trâu hò hét ở cái ao bên cạnh lò mổ, chúng tôi chạy ào ra xem thì thấy một bức tượng sơn đỏ đang trôi lập lờ ở dưới ao. Tôi chỉ còn nhớ đó là pho tượng nữ nhưng không nhớ là pho tượng thờ vị phật nào. Đám trẻ chăn trâu dùng những cành tre khô kéo lên bờ. Khi lôi được lên bờ, các anh ấy lại vứt xuống ao ra xa hơn rồi lại kéo vào. Chán chê, các anh ấy người thì cạo lớp sơn, người thì bẻ chân, kẻ bẻ tay. Hai chị gái đầu của tôi cũng tham gia nhóm này nhưng chỉ ném pho tượng xuống nước rồi lại vớt lên thôi. Đám trẻ đang chơi vui vẻ thì chú T, chồng cô D đi dạy học về, thấy thế chú can ngăn bọn trẻ gói ghém pho tượng lại về tắm rửa sạch sẽ và gắn lại chân tay cho tượng. Tôi cũng không biết chú để ở nhà thờ cúng hay thỉnh lên chùa nữa. Sau sự việc ấy, cô D vợ chú T có kể lại ngay buổi tối chú mang pho tượng về nhà. Khuya đó, cô chú thấy nơi đặt bức tượng cứ sáng rực lên. Chú T còn thấy phật báo mộng rằng sẽ phù hộ cho gia đình chú, đám trẻ chăn trâu lúc đó 15, 16 tuổi rồi nên sẽ bị phạt. Phật còn nói rõ: Con L, con L (tên hai chị gái tôi) còn nhỏ quá nên phật chẳng trách. Quả đúng như lời chú T, ngay sau đó đám trẻ chăn trâu anh thì bị gẫy tay, anh thì bị gẫy chân nhẹ hơn thì cảm sốt riêng 2 chị của tôi thì không bị sao cả. Một thời gian ngắn sau, cô D (vợ chú T) được điều chuyển từ bộ phận thu mua lợn sang bộ phận bán hàng. Bộ phận thu mua thì chỉ sống bằng lương thôi nhưng bộ phận bán hàng ngoài lương ra còn có lậu nữa thế nên nhà cô giàu lên từ đó. Ngoài công việc nhà nước, cô chú còn chăn nuôi lợn nái kiếm thêm thu nhập. Có một đêm cô chú đang ngủ say sưa bỗng nghe tiếng gọi: "Dậy mau! Con lợn nhà mày nó đang trở dạ. Mau dậy đỡ cho nó chứ không nó đè chết con". Cô chú choàng tỉnh chạy xuống thì quả là con lợn nái đang chuẩn bị sinh con. Chuyện phá chùa, phá tượng phật không phải chỉ có chuyện này. Mẹ kể, hồi xưa có một số người ở làng LĐ (Hải Dương) tham gia phá chùa, hủy tượng cũng nhận lãnh hậu quả. Người thì con cái chết yểu, người thì rơi vào cảnh túng quẫn đến chết.
Bác tôi Bấm để xem Ông bà ngoại tôi sinh được 7 người con nhưng chỉ nuôi lớn được 6 người. Mẹ tôi là con út, trước mẹ tôi là bác M. Người ta nói trong một gia đình bao giờ cũng có một người con gánh nghiệp cho cả nhà không biết có đúng không nữa? Trong gia đình, bác M là người chịu thiệt thòi nhất. Bác đã thấp bé, đen đúa rồi mà năm lên 4 tuổi bác còn bị bệnh đậu mùa nên mặt bác bị rỗ, những nốt rỗ chằng chịt và khá sâu. Lớn lên, ai cũng có gia đình yên ấm riêng bác M lại vô cùng lận đận. Bác tôi sinh được 3 người con gái. Người chồng bỏ rơi bác khi chị H (người con gái đầu) mắc bệnh thần kinh, yếu cơ, chân tay co rút đi lại khó khăn lúc chị lên 6 tuổi. Bác tôi tuy vậy nhưng tình cảm, thương chị em và con cháu lắm. Thuở nhỏ hầu như chúng tôi đều được mẹ gửi về cho bác chăm sóc vì công việc của mẹ rất bận. Bác tôi là nông dân chính hiệu, quanh năm chỉ biết ruộng đồng, con gà, con lợn nhưng không hiểu sao năm bác trên 30 tuổi bỗng dưng biết xem bói. Bác xem bói chỉ tay, bói tướng mà nói vanh vách ai cũng phải nể phục. Thời gian đó, bác siêng đi đình chùa, miếu mạo lắm. Theo như người ta đồn thì bác tôi được thánh cho ăn lộc nên phải lập bàn thờ điện ở nhà. Ngoài Bắc chúng tôi gọi là thờ điện, trong Nam không biết gọi là gì? Các bạn cũng biết đấy, thời gian đó người ta bài trừ mê tín dị đoan dữ lắm nên dù có thờ điện ở nhà nhưng bác tôi cũng không dám lập đầy đủ và cúng tế bài bản như ngày nay. Một thời gian sau bác bị bệnh ung thư đại tràng người ta lại rỉ tai nhau: Thánh cho ăn lộc nhưng cúng tế không bài bản nên bị phạt. Người ta nói thánh thần chỉ phạt những người biết còn những người không biết thì không phạt, bác tôi biết cúng lễ đấy nhưng cúng lễ không đàng hoàng nên mới thế! Có phải không mọi người ơi? Bác tôi mất lúc các chị họ của tôi người thì còn quá nhỏ, người thì bệnh tật giầy vò. Chắc có lẽ vì thế mà bác thiêng lắm. Lúc nhỏ, tôi thường về chơi với các chị và ngủ lại qua đêm. Buổi tối lúc đang mơ màng ngủ hầu như bao giờ tôi cũng thấy bóng bác ngồi bên giường nhìn các chị ngủ. Có lần ở khu thực phẩm tôi ngủ mơ thấy ma dìm tôi xuống nước. Lúc đó tôi cảm nhận rõ ràng mình không thể thở được, người đang lịm dần đi bỗng tôi thấy bác đánh đuổi con ma đó đi và nhấc tôi lên. Lúc đó tôi mới thở được. Đây là giấc mơ tôi đã giữ kín suốt hơn 30 năm trời nay. Chị H (con đầu của bác) mất cách đây khoảng 10 năm. Khi chị mất tôi không về được vì tôi ở tận trong miền nam. Chỉ nghe chị T (con gái thứ 2 của bác) và người chị gái thứ 2 của tôi kể lại như sau: Khi chi H có dấu hiệu sắp ra đi, các chị tôi có về. Ban đêm, chị thứ 2 của tôi có ngủ cùng chị H vì chị rất đau đớn và có người giúp chị xoa bóp, trở mình thường xuyên. Đến khuya, nghe tiếng chị H rên, chị hai tôi choàng tỉnh. Đang tính giúp chị H trở mình bỗng chị thấy bác M. Bác đưa tay ra hiệu cho chị tôi đùng giúp chị mà để bác giúp. Chị tôi hốt hoảng tung cửa chạy ra ngoài không dám vào đó nữa mà để chị T vào trong ngủ với chị H. Chị T kể thấy mẹ mình ngồi bên chị H, mỗi lúc chị H rên rỉ lại thấy bác và lạ thay chị không còn rên rỉ nữa. Bác ngồi bên chị cho đến lúc chị ra đi. Thật cảm động cho tấm lòng của người mẹ, ngay cả lúc chết vẫn lo lắng cho con cái của mình. Bác tôi mất khi các con còn quá nhỏ, lại thêm đứa con tật nguyền nên bác cứ quanh quẩn mãi không siêu thoát được. Tôi nghĩ chắc giờ này Bác đã siêu thoát được rồi vì hai con gái sau của bác đã có gia đình còn chị H cũng mất rồi. Bác ơi hãy yên nghỉ nhé. Cầu cho bác nếu có kiếp sau thì sẽ có cuộc sống tốt đẹp viên mãn bác ơi!
Con ma lợn Bấm để xem Xung quanh khu Thực phẩm Cẩm Phúc là ao. Hai bên bờ ao có rất nhiều chiếc tiểu sành bị lộ ra do bị nước ao xói mòn. Tôi chẳng thấy có xương cốt bên trong. Có lẽ niên đại của những chiếc tiểu sành đó đã rất lâu đời rồi nên xương cốt đã mục nát hết, người thân cũng chẳng còn nên mới chịu cảnh lạnh lẽo như vậy. Ngay đầu cổng ra vào khu thực phẩm có một cái ruộng trồng rau muống. Mẹ có sai tôi ra hái rau thì cho vàng tôi cũng chẳng dám vì dọc bờ ruộng cũng có đầy rẫy tiểu sành. Tôi sợ như vậy còn có một lí do khác đó là nghe lỏm được mẹ và các cô kể chuyện cô B trong một lần vớt bùn làm ruộng trồng rau muống vô tình đụng phải một chiếc tiểu sành còn nguyên xương cốt của ai đó. Vốn tin vào tâm linh cô vội vớt chiếc tiểu khỏi đáy ao mang ra bãi tha ma cúng bái, chôn cất tử tế. Mọi người ai cũng nghĩ cô làm ơn cho người ta như thế sẽ có phúc báo, ai mà ngờ được ma cũng có ma tốt ma xấu, lấy oán báo ơn. Từ hôm cô chôn cất cho chủ nhân chiếc tiểu sành kia không hôm nào gia đình cô được yên thân. Tối ngủ người kia hiện lên hết đòi thứ này rồi đòi thứ khác, lại còn đe dọa sẽ hại gia đình cô nếu cô không làm theo. Chịu hết nổi, vốn là người nổi tiếng chua ngoa đanh đá, cô ra nơi chôn cất người nọ chỉ tay mắng: "Này nhé! Bà bảo cho mà biết, bà đã vớt từ đáy ao lạnh lẽo đem đến nơi cao ráo chôn cất tử tế mà còn không biết điều! Bà có tội gì với mày hả? Nếu tử tế thì bà cho nằm yên ở đây, nếu không bà lấy cái nồi hông (cái chậu đựng nước tiểu) bà chụp lên đầu mày; bà đào xới mày lên, bà quẳng lại xuống ao cho mày biết mặt bà nhé!". Nói xong, cô bỏ về. Kể cũng lạ thật, từ đó chở đi người kia tuyệt không dám hiện ra quấy phá cô thêm một lần nào nữa. Đúng là sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người. Khu thực phẩm ban ngày ít khi vắng vẻ, nhưng về ban đêm đó là nơi hoang vắng thật sự. Buổi tối không có đèn điện, cả khu chìm trong màn đêm đen tối mênh mông chỉ có tiếng ếch nhái kêu à uôm không dứt, tiếng côn trùng kêu rỉ rả. Tối đến chúng tôi không dám bước chân ra ngoài, ngay cả người lớn nếu có việc gì mới đi thôi. Có những đêm muốn đi vệ sinh thì đành kêu mẹ dậy đưa ra vườn điền thanh bên cạnh đi bậy thôi vì nhà vệ sinh ở rất xa cách khu tập thể khoảng hai ba chục mét. Nhưng đi bậy cũng đâu có yên, ngay cả người lớn và trẻ con cùng gặp chung một hiện tượng thường thấy một bóng người cao lừng lững, đen sì sì, một tay đứng chống hông một tay gác lên ngọn chuối đứng ngay trước mặt. Cứ mở miệng kêu lên là biến mất ngay lập tức. Mẹ tôi thuộc dạng cứng bóng vía, bà chẳng sợ ma nhưng rất hay gặp ma. Thường những ngày mổ lợn trùng với ngày cuối quý của năm thì hầu như mẹ và các cô phải họp đêm vì ban ngày còn mổ lợn, bán thịt, tổng kết tem phiếu, tiền bạc.. Hôm đó, mẹ và các cô đi họp đến 9h đêm mới về khu tập thể. Trên đường về, khi đi qua gốc si một đoạn thì họ nghe thấy tiếng sùng sục ở dưới ao. Nhìn ra, họ thấy một vật to tròn thấp lùn đang khuấy nước. Do trời tối họ nghĩ đó là người trong làng đến đánh dậm. Nhưng giờ này mà ai còn đánh dậm nữa chứ? Một lát sau cùng với tiếng quẫy nước là tiếng ụt ịt phát ra. Mẹ và các cô nhìn nhau và cùng cho rằng lợn ở khu chăn nuôi bị xổng chuồng. Mọi người tri hô gọi thêm người ra vây bắt lợn. Con lợn bơi qua cái ao đến bên bờ đê và chui vào một bụi tre. Chú N (chồng cô L) lấy gậy chọc vào bụi tre, con vật đó chạy vụt vào cánh đồng lúa. Mọi người đuổi theo nó nhưng lạ thay nó chạy rất khỏe, bốn năm người chạy đuổi mà không sao đuổi kịp. Con vật chạy vào bãi tha ma giữa cánh đồng rồi biến mất. Đến lúc đó đoàn người đuổi theo mới biết đó là vật gì vội lủi thủi ra về.
Ma trong trường học Bấm để xem Cô bạn làm giáo viên ở ĐN của tôi có kể rằng ngôi trường cô ấy đang dạy cũng có khá nhiều chuyện ma, chuyện tâm linh xảy ra. Trong thời gia trường đang được xây mới, mọi người xì xèo với nhau không biết cánh công nhân xây dựng gặp chuyện gì mà phải lập bát nhang. Sau này những người công nhân đó kể lại, buổi tối họ bị tiếng cười đùa của con nít đánh thức dậy, táo bạo hơn có hôm họ còn bị kéo chân, kéo tay khi đang ngủ; cơm và đồ ăn mới làm buổi sáng đến trưa đã thiu nhớt ra rồi. Người bán cantin trường học cũng xác nhận, con trai của chị ấy đang ngủ cũng bị kéo chân tay thậm chí còn bị bàn tay con nít chọc chọc vào chỗ kín. Cáu tiết, thằng bé tưởng đứa em trai trêu chọc nên hùng hổ vùng dậy tính đánh em nhưng thấy nó đang nằm ngủ ngon lành bên cạnh từ đời nào rồi. Trường cô ấy có một người thợ sửa máy vi tính bị trụy tim chết ở trong một căn phòng làm việc trên lầu 1 của trường. Lúc anh thợ kia lên cơn đau không một ai có mặt ở đó. Một giáo viên vô tình đi lên lầu. Lúc vừa bước đến chân cầu thang cô chợt vô tình thoáng thấy bóng một người đàn ông mặc áo xanh đi lướt qua mình. Cô hơi chững lại nhưng nghĩ mình hoa mắt lên tiếp tục đi lên. Ngang qua căn phòng, thấy anh thợ nằm gục ở đó cô mới bang hoàng nhận ra cái bóng cô gặp dưới chân cầu thang kia là anh thợ đó, cái áo xanh đó chính là đồng phục của văn phòng nơi anh làm việc. Cô lay gọi đồng thời gọi người đến giúp nhưng anh đã chết. Cô cũng khẳng định rằng anh vừa chết tức thời vì lúc cô ở trên lầu 1 xuống vẫn thấy anh đang lui hui sửa máy và còn nói chuyện với anh nữa. Đó là những sự việc cô được nghe kể lại, nhưng chính bản thân cô cũng gặp phải vấn đề tâm linh ngay trong ngôi trường này. Sự việc này mới chỉ xảy ra vào tháng 8 năm 2020 tức và vào tháng 7 âm lịch. Vào hè rồi nhưng cô bạn tôi vẫn đến trường để sắp xếp hồ sơ chuẩn bị cho kiểm định chất lượng giáo dục. Tuy hè nhưng trường lúc nào cũng có người trực: Hiệu trưởng, các nhân viên, bảo vệ và một số giáo viên cũng sắp xếp hồ sơ chuẩn. Hồ sơ của chuẩn bạn tôi phụ trách nằm ở phòng riêng trên lầu 1 cách xa với những chuẩn khác. Bữa đó khoảng 10h30, biết là đã trưa rồi nhưng bạn tôi vẫn cố sắp xếp cho xong để ngày mai khỏi phải lên trường nữa. Lúc đó không hiểu sao cô thấy lòng nôn nao lo sợ, nhưng cô vẫn cố vì cho rằng 11h mọi người mới ra về. Được tầm 5 phút cô bỗng thấy tiếng dép đúc đi lại dọc hành lang tiến về phía phòng của cô, cô nghĩ đó là tiếng bước chân của bác bảo vệ trường. Thêm vài phút nữa cô không còn nghe tiếng dép nữa mà chỉ thấy cánh cửa phòng nơi cô làm việc tự nhiên không gió máy gì mà đóng đến sầm lại. Hoảng hốt cô vội vàng ra ngoài thì không thấy ai trên hành lang, cả ngôi trường vắng lặng như tờ. Cô vội xuống lầu lấy xe về thì hỡi ôi cả trường đã về hết tự bao giờ. Cổng trường thì bị khóa. Cô gọi điện cho bác bảo vệ thì bác bảo hôm nay bác không trực, người trực là cô phục vụ vì cô này kiêm luôn bảo vệ. Sau một hồi liên lạc không được với cô phục vụ, cô hiệu trưởng vội chạy đến trường với bạn tôi vì biết bạn tôi sợ ma hơn nữa hôm nay lại đúng vào ngày 16 tháng 7 (ngày cúng cô hồn). Cô Hiệu trưởng đứng ngoài cổng, bạn tôi đứng trong cổng nói chuyện qua lại thì bạn tôi được biết mọi người ra về lúc 10h30, khi ra về mọi người chẳng ai chú ý đến xe của bạn tôi nên không biết còn người. Còn cô phục vụ hôm đó lại giao cho đứa con gái của cô trực cổng, con bé nói có thấy xe của bạn tôi nhưng nó nghĩ xe hỏng nên bạn gửi ở trường và về rồi nên khóa cửa đi mua nước uống. Suốt thời gian đứng một mình trong trường bạn tôi có suy nghĩ tiếng dép kia là tiếng dép của một thầy giáo của trường mới bị chết do tai nạn giao thông vì thầy hay đi loại dép ấy, tiếng bước chân ấy cũng là bước chân rất quen thuộc của thầy. Bạn tôi cho rằng từ tiếng dép cho đến cánh cửa bị đóng sầm lại khi trời không có gió máy kia không phải là hành động trêu chọc của những người khuất mặt khuất mày mà chỉ là hành động họ nhắc nhở cô mọi người đã về hết rồi cô nên về nhà thôi.
Xung quanh chuyện cúng khấn Bấm để xem Tôi lấy chồng năm 2005. Nhà chồng tôi nằm ngay sát mặt đường quốc lộ 1A Nên tôi thường xuyên chứng kiến cảnh tai nạn giao thông xảy ra xung quanh khu vực nhà tôi ở. Có người chết vì tông xe, có người nhậu xỉn tự tông vào con lươn đứt đầu mà chết, toàn là những cái chết thương tâm. Hồi năm 75 khu vực chỗ tôi sinh sống người chết nhiều lắm, bộ đội cũng có, lính cộng hòa cũng có, thậm chí dân thường có người chạy nạn đến đây chết hết cả gia đình. Cả vùng ao hồ quanh nhà tôi trở thành mồ chôn tập thể của biết bao người. Lúc còn ở nhà với mẹ, mẹ thường cúng ngày 16 âm lịch hàng tháng. Khi về nhà chồng tôi nhắc mình phải cúng cháo thí nhưng không thực hiện được vì lúc đó gia đình tôi còn sống chung với rất nhiều thành viên khác thậm chí là còn cô em chồng đã có chồng nhưng vẫn chưa tách ra ở riêng. Tôi tự hứa rằng đến rằm tháng 7 sẽ cúng. Năm đó tôi học chuyên tu lớp Đại học ở cách nhà hơn 30 km. Tôi phải ở trọ tại nơi học nên rằm tháng 7 tôi không về được. Ngày thứ 7 tuần đó tôi về nhà đêm tôi nằm mơ nghe rất nhiều tiếng khóc nỉ non oai oán ở dưới giường, một lát sau có một bàn tay phụ nữ nhỏ nhắn với những ngón tay búp măng nhưng đen sì thò ra từ dưới gầm giường nắm và kéo tay tôi khóc lóc than đói khát khổ sở. Toát mồ hôi tỉnh dậy tôi sực nhớ đã qua rằm tháng 7. Sáng ra tôi dò hỏi chồng tôi 16 tháng 7 nhà có cúng kiếng ở ngoài sân không? Chồng tôi cho hay chưa bao giờ nhà chồng cúng ngoài sân cả. Nghe vậy tôi tức tốc đi chợ mua đồ cúng và bầy mâm cúng ngoài sân. Tối đó tôi ngủ rất ngon và không có chuyện gì xảy ra nữa. Dạo đó hầu như ngày 16 hàng tháng tôi đều cúng cả nhưng có lần tôi đến 2 tháng tôi quên cúng. Tôi mơ thấy có người phụ nữ dọa nạt vì tôi quên cúng. Tôi tức lắm, nhất khoát không cúng đến 3-4 tháng tiếp sau. Trong mơ tôi vẫn thấy người ta trách móc, giận dỗi. Rồi tôi gặp điều không may trên đường đi nhưng nhẹ thôi. Hôm sau, tuy không phài mồng 2 hay 16 nhưng tôi vẫn mua đồ cúng bày cúng ở ngoài. Tôi có khấn đại khái là cúng kiếng là xuất phát từ cái tâm, tôi có lòng thành cúng kiếng nhưng tại sao nỡ tôi quên 1-2 tháng lại dọa dẫm quấy rối tôi như vậy? Tôi đâu có nghĩa vụ bắt buộc phải cúng kiếng cho mọi người. Thôi thì tôi làm mâm cháo cúng này mong mọi người hiểu cho và xin từ nay tôi sẽ không cúng thường xuyên nữa. Trong lúc khấn vái, người tôi nổi hết cả gai ốc, các sợi tóc sau gáy cũng như dựng ngược hết cả lên. Tuy nhiên sau đó, có khi cả nửa năm tôi mới cúng một lần nhưng không thấy bất cứ hiện tượng nào xảy ra nữa. Chồng tôi có một đời vợ trước. Chị ấy mất do bị ung thư. Trong một lần đi uống cà phê với bạn bè, vô tình có một người khách bàn kế bên nói anh có một đứa con trai bị rơi rớt luôn đi theo anh. Về nhà anh kể với tôi khi mới lấy nhau chị mang thai được chừng 1, 2 tháng thì bị xẩy. Tôi hỏi thế có bao giờ anh chị cúng cho nó cái gì không? Chồng tôi lắc đầu. Tôi nói chồng tôi đặt tên cho đứa bé theo lời ông khách kia đi, cũng sắp đến rằm tháng 7 rồi tôi sẽ mua quần áo, tiền bạc đốt cho cháu. Rằm tháng 7 năm đó tôi làm cơm cúng tổ tiên và cúng luôn cho cháu. Buổi trưa ngày hôm sau, không biết tôi và chồng có mâu thuẫn gì nữa nên có to tiếng với nhau. Tôi cau có bước lên phòng khách và vô tình nhìn ra ngoài sân, tôi thoáng thấy một người thanh niên dong dỏng cao, nước da trắng, cực kì đẹp trai khảng từ 17 đến 19 tuổi, ló mình ra khỏi sau xe ô tô của chồng tôi với khuôn mặt cực kì hớn hở và cười với tôi. Nhưng cái vẻ hớn hở ấy lập tức thay bằng vẻ sợ hãi khi thấy tôi cau có và tôi thấy người đó vội rụt người lại và biến mất ngay lập tức. Sự việc ấy diễn ra rất nhanh chỉ chừng mấy giây đồng hồ thôi nhưng tôi biết chắc đó là con trai bị rơi rớt của anh vì nó trông rất giống chị. Tôi cũng có phần băn khoăn vì con trai anh bị hư lúc mới 1, 2 tháng còn ở trong bụng mẹ cơ mà. Tôi kể lại thì chồng tôi nói nếu tính tuổi thì nó cũng 18 tuổi rồi. Một lần, do vô tình, tôi thấy quyển lí lịch của chồng tôi. Tò mò tôi đọc thấy anh có một ông cậu đi bộ đội và hi sinh tại chiến trường miền nam lúc còn rất trẻ lại chẳng có vợ con gì cả. Ông bà ngoại chồng tôi lại chỉ sinh được có mỗi 2 người con đó là mẹ chồng tôi và người cậu này. Đọc xong tôi thương lắm vì nghĩ xưa nay chồng tôi kêu tôi cúng chưa bao giờ anh nhắc tới tên người cậu này. Tôi hỏi có ai hiện giờ cúng cho cậu không? Chồng tôi nói khi mẹ chồng tôi còn sống không thấy bà nhắc đến. Còn bây giờ thì tin chắc chẳng còn ai cúng nữa vì ông bà ngoại chỉ có 2 người thôi. Tôi trách chồng tôi vô tâm. Kể từ đó trở đi khi cúng, tôi có cúng cả người cậu chồng này nữa. Chẳng biết ông đã siêu thoát hay chưa hay có vào nhà tôi mà hưởng hương hoa được hay không nữa nhưng ngay tháng đầu tiên tôi cúng người cậu này, có một hôm đang đi xuống bếp, tôi chợt khựng lại vì thấy bóng một người đàn ông mặc quần áo giống bộ đội đặc công, đứng chắn lối tôi đi, một tay chống hông còn một tay đặt lên nóc tủ gần đó. Nếu quả thật là cậu chồng thì tôi cũng rất mừng vì dù sao ông cũng được phép vào nhà tôi mà hưởng nhang khói phải không các bạn?
Hồn ma anh học trò Bấm để xem Câu chuyện này tôi được bà ngoại kể lại. Bà kể từ rất lâu rồi cách rất xa Cách mạng Tháng Tám 1945, dân tình đói khổ, đa số là những người bần nông, cố nông vì vậy việc học tập rất khó khăn đối với những gia đình này. Cả xã thậm chí cả tổng mới có một ông hai ông đồ mở lớp dạy học, theo học cũng là đa số con nhà có của ăn của để. Ở thôn Đ nay thuộc xã TK, GL, Hải Dương có một ông đồ mở lớp dạy học. Trong một lớp học bao giờ cũng có học trò giỏi, học trò không được giỏi thậm chí chậm tiến bộ nữa là đằng khác. Ông đồ này dữ dằn lắm. Học trò nào học không tiến bộ bị ông đánh ghê lắm. Ông toàn lấy cây thước (hay roi gì đó tôi không nhớ) đánh vào đầu con người ta. Ở lớp ông có anh học trò kia rất chậm hiểu, học mãi không vào đầu nên bị ông đánh như cơm bữa. Một lần, không may ông đánh vào chỗ hiểm trên đầu anh nên anh lăn ra chết tươi. Thời đó người ta coi trọng thầy đồ lắm nên việc ông đánh chết học trò không bị gia đình người bị nạn kiện cáo gì cả. Sự việc cứ thế qua đi mà ông vẫn tiếp tục làm nghề gõ đầu trẻ. Nhưng có một sự kiện cứ lặp đi lặp lại xảy ra với gia đình và con cháu ông, những người con, người cháu của ông không người nào thọ quá 30 tuổi; dưới 30 tuổi họ đã lăn ra chết bất đắc kì tử mà chẳng có bệnh tật nào cả. Sự việc này khiến cho đa số con cái của ông không có vợ, chồng vì ai cũng sợ cái huông của nhà ông. Gia đình ông đi xem thầy bà ở rất nhiều nơi nhưng chẳng tìm ra được nguyên nhân. Vô tình một năm kia ông gặp được một ông thấy bói. Ông thầy đến nhà ông xem xét và nói tỉnh bơ: "Nó kìa! Nó là thằng thanh niên khoảng trên 20 tuổi (rồi ông tả ngoại hình người thanh niên này). Nó ngồi ngay ngã ba đường vào nhà ông miệng lẩm bẩm: Mày giết tao! Tao sống đẻ bao nhiêu con cháu thì bắt bấy nhiêu con cháu của mày bù vào". Ông đồ hoảng sợ vì nhận ra người người thanh niên ấy chính là anh học trò bị ông đánh chết năm nào. Ông van xin thầy bói cứu giúp gia đình ông vì lúc này ông đã già rồi mà chỉ còn lại duy nhất một người con trai sắp đến tuổi trưởng thành. Ông thầy bói lắc đầu nói ông không giúp được vì con ma này đã thành tinh rồi không ai giúp được ông nữa đâu. Sau đó quả nhiên người con trai ông thầy đồ cũng mất nốt chỉ còn lại mình ông sống đau khổ rất lâu trên đời.
Cây đa của bà H Bấm để xem Cô ruột của bố tôi tên H. Bà lấy chồng đi lính khố đỏ. Nghe kể lại tiền bà có hàng rương, hàng rương. Thời đó, hầu như ai cũng nghèo nhưng nghe bố kể lại tiền giấy bà cất đi lâu ngày quên đi đến khi lôi ra thì bị mối ăn nham nhở. Giàu như vậy nhưng tuyệt bà không bao giờ giúp đỡ anh chị em con cháu bên bà mà chỉ giúp đỡ con cháu nhà chồng thôi. Do làm lính khố đỏ nên chồng bà rất ít khi về nhà, có khi cả năm trời ông mới được nghỉ phép về thăm vợ một lần. Ở nhà cô quạnh, lại rất xinh đẹp và đang tuổi thanh xuân nữa nên không biết bà qua lại với ai mà có bầu. Có bầu bà dấu kỹ lắm nên chỉ có con sen, người thân cận với bà nhất mới biết mà thôi. Chẳng biết bà có tìm cách bỏ cái thai không hay bỏ nhưng không được nên hơn chín tháng sau bà sinh ra được một người con trai đẹp và trắng trẻo lắm. Một tuần sau, chưa kịp tính toán cho con đi thì bà được tin báo chồng bà đã về đến đình làng rồi. Sợ bị lộ, bị chồng bỏ vì hơn cả năm nay bây giờ ông mới về. Không biết tính làm sao bà vội vùi đứa bé vào giành đựng tro bếp. Tất nhiên kết quả đứa bé ra sao mọi người cũng biết. Nhưng có điều không biết chồng bà có phát hiện ra không chỉ biết rằng ông vẫn tiếp tục sinh sống với bà. Sau 1 thời gian, ông xuất ngũ về quê sinh sống. Bà H sau đó trải qua rất nhiều lần sinh nở, lần sinh nào cũng toàn con trai nhưng các con của bà không ai sống quá 30 tuổi, cũng lạ một điều chẳng ai trong số đó có vợ con gì cả. Lúc trẻ sống trong sung sướng nhưng về già bà sống trong cô quạnh nghèo khó một phần vì gia cảnh sa sút phần còn lại thì bị họ hàng bên chồng bòn rút tiền của, có vay mà không có trả. Lúc cuối đời, bà hầu như bị mù lòa. Họ hàng bên chồng không ai nhòm ngó; anh chị em con cháu bên bà thì giận bà lúc giàu có không biết giúp đỡ nên hầu như chẳng ai ngó ngàng đến. Chỉ có ông bà nội tôi thường sai bố tôi đem cơm, thức ăn sang cho bà. Bà mù lòa nhưng tai thính lắm, cứ nghe tiếng bước chân là bà lại mừng rỡ hỏi: "Thằng Đ đấy hả?" (Đ là tên bố tôi). Nghe bố kể tôi tức lắm hỏi: "Sao không mặc kệ bà ấy! Lúc bà ấy giàu có, tiền để mối mọt trong khi ông bà nội, các chú bác và bố đến cám lợn chẳng có mà ăn thì bà chẳng giúp đỡ chỉ biết giúp đỡ họ hàng đằng chồng thôi". Bố chỉ nói: "Mày trẻ con, hiểu cái gì! Lớn lên thì biết" Lúc còn giàu có, chẳng hiểu sao bà H có trồng cây đa trên con đường Nhãn (gọi là đường Nhãn vì dọc con đường người ta trồng một hàng nhãn) dẫn từ bờ đê sông Nhuệ về đến con đường phía sau của làng. Cây đa đó cho đến ngày nay, người làng hầu như chẳng còn ai biết là ai trồng nữa. Cả làng chỉ còn có ông cụ T lẩm cẩm sống đến gần trăm tuổi mới biết thôi. Ngày nhỏ tôi thường đọc những bài văn tả cây đa tỏa bóng mát xum xê, làm nơi trú mát trong những ngày hè nắng nóng của mọi người. Cây đa bà cụ H trồng lại hoàn toàn khác, nó xác xơ chẳng thấy tươi tốt bao giờ. Những trưa hè nắng nóng nó cũng chỉ giúp khoảng 2 chiếc xe bò chở lúa tránh nắng là cùng. Chiếc xe bò chở lúa không phài là chiếc xe do con bò kéo mà là chiếc xe có hai tay cầm, 2 bánh ở hai bên thùng xe có kích thước khoàng 1 m x 1, 5 m do người kéo. Các bạn nếu ai đã tửng nhìn thấy cây đa thì sẻ biết bộ rễ của nó to đến độ nào. Ruộng người dân ngay cạnh gốc đa đó, người ta muốn mở rộng diện tích nên vỡ đất, phạt cả một phần rễ cây đi. Cách đây khoảng 10 năm tôi nghe mẹ kể có một ông thầy phong thủy được một người thành đạt trong làng dẫn về quê xem phong thủy cho nhà ông ta. Lúc đi qua cây đa đó ông thầy phán một câu xanh rờn: "Cái cây đa này do một người đàn bà sống không có hậu trồng. Nếu cây đa này chết thì thanh niên làng này sống không quá 30 tuổi". Nghe kể lại, các cụ già bán tín bán nghi hỏi cụ T thì được biết cây đa đó do bà H trồng. Cả làng tá hỏa huy động thanh niên chở đất bồi vào gốc đa. Cách đây khoảng 5 năm tôi có về quê, có ghé ngang gốc đa nhưng thấy nó vẫn như xưa: Vẫn cằn cỗi xác xơ, vẫn trơ trọi lẻ loi trên con đường dài về làng.