Tổng hợp các đoạn nghị luận xã hội 200 chữ

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 7 Tháng năm 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024

    Các đoạn văn nghị luận xã hội
    (Soạn: Thùy Minh)

    Đoạn NLXH 200 chữ: Làm thế nào để phát huy giá trị của bản thân?

    [​IMG]


    Mỗi người đều có những đặc điểm tuyệt vời riêng, đó chính là giá trị bản thân. Giá trị bản thân sẽ giúp chúng ta khẳng định được vị thế của mình trong xã hội, trong cuộc sống. Vậy làm thế nào để phát huy giá trị bản thân? Để phát huy được giá trị bản thân, việc trước tiên của bạn là nhận thức, khám phá ra những giá trị của mình, giá trị ấy là sở trường, năng lực nổi bật, là sự riêng biệt của bạn, là niềm đam mê, là thái độ sống tích cực...hay đơn giản chỉ là sự nhiệt thành, là tấm lòng nhân ái, là khả năng mang đến những điều tốt đẹp cho những người xung quanh. Sau đó, hãy không ngừng xây dựng, phấn đấu, bồi đắp giá trị để chúng phát triển trong chính môi trường sống và làm việc của bạn. Hãy biến sở trường của bạn thành những hành động, việc làm, sự cống hiến thực sự. Ví như, khi làm việc, bạn phải thật trách nhiệm, nhiệt huyết, dồn hết khả năng hiện có của bạn vào đó. Những giá trị nổi trội sẽ giúp ta đạt hiệu quả công việc và mở rộng con đường thăng tiến. Và khi ấy, giá trị của bạn ngày càng được khẳng định, phát huy. Ngay cả khi bạn không có tài năng đặc biệt, bạn vẫn có thể phát huy giá trị bản thân bằng sự tận tâm với công việc mà mình lựa chọn hay bằng khả năng đem đến cho chính mình và những người xung quanh những giá trị tinh thần phi vật chất như niềm vui, sự chia sẻ, tình yêu thương... Bởi giá trị bản thân không chỉ nằm ở tài năng của bạn, mà còn ở cả những điều tốt đẹp mà bạn mang đến cho cuộc đời này. Jack ma có thể khẳng định giá trị bản thân trong lĩnh vực kinh doanh, bạn cũng có thể phát huy giá trị bản thân bằng những hành động thiết thực cho cộng đồng: làm từ thiện, bảo vệ môi trường... Như vậy, bạn cần hiểu được giá trị bản thân mình là gì, từ đó hãy tìm cách khám phá và nuôi dưỡng chúng thành nét đặc trưng của mình. Hãy để giá trị của bạn là công cụ hỗ trợ đắc lực để bạn tự tin tỏa sáng.

     
    Chỉnh sửa cuối: 21 Tháng mười hai 2021
  2. Đăng ký Binance
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đoạn NLXH 200 chữ: Giá trị của những điều bình thường, giản dị


    Triệu triệu cát vàng làm nên sa mạc, vạn vạn suối sông làm nên biển lớn. Mỗi bước chân đưa ta đi vạn dặm, bé nhỏ mỗi điều sẽ gom góp những lớn lao.. Lớn có giá trị của lớn, nhỏ có giá trị của nhỏ. Vậy giá trị của những điều bình thường, giản dị ấy là gì? Điều bình thường, giản dị là những thứ không cao sang, hào nhoáng: một bông hoa nở, một ánh nắng tươi, một nụ cười ấm, một điệu ru hời, một lời dịu ngọt.. Chúng luôn tồn tại xung quanh chúng ta, không xa xôi, không trừu tượng, ai cũng có thể cảm nhận và tận hưởng. Chính những điều bình thường giản dị ấy sẽ giúp con người cân bằng cảm xúc, giúp cuộc sống thêm tươi đẹp, đáng sống hơn. Còn gì vui hơn khi đến nơi công sở, ai đó cũng đón ta bằng nụ cười thân thiện, bằng ánh mắt mến yêu? Còn gì hạnh phúc hơn sau một ngày làm việc vất vả, ta trở về nhà, trong tiếng cười con trẻ, trong hương tỏa bữa cơm chiều? Còn gì thú vị hơn giữa bụi bặm phố phường, giữa còi xe inh ỏi, ta có riêng cho mình một góc nhỏ ban công nơi có giàn hoa khoa sắc, trái chín đong đưa? Trân trọng những điều bình thường, giản dị, ta sẽ cảm thấy tâm hồn luôn nhẹ nhõm, an yên. Đó có lẽ cũng là lí do mà Bác Hồ- vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta, Người hoàn toàn có thể sống trong những căn nhà cao rộng với kẻ hầu người hạ, nhưng lại chọn cách sống thanh tịnh giữa vườn cây, ao cá, trong nhà sàn đơn sơ. Và dù bận bịu việc nước nhà, Người vẫn dành thời gian làm những việc nhỏ bé: nuôi cá, trồng rau. Chính những điều giản dị và nhỏ bé đó đã mang đến cho Bác niềm vui, sự thanh thản tâm hồn. Tóm lại, những điều ý nghĩa nhất luôn xuất phát từ những điều giản dị nhất. Ta cần phải biết ơn và trân trọng những điều bình thường giản dị hàng ngày vẫn luôn hiện hữu xung quanh chúng ta.
     
    Chỉnh sửa cuối: 12 Tháng tám 2021
  4. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đoạn NLXH 200 chữ: Tác hại của thói đố kị

    "Ganh tị với sự thành công của người khác sẽ khiến chúng ta đánh mất cơ hội thành công của chính mình." – quan điểm của George Matthew Adams đã nói lên phần nào tác hại của thói đố kị. Đố kị nghĩa là bực tức, khó chịu trước những may mắn và thành công của người khác. Đố kị là thói xấu, như một thứ vi rút gặm nhấm tâm hồn ta, vì thế cần phải từ bỏ thói đó kị. Cần từ bỏ thói xấu này bởi đố kị không bao giờ khiến tâm hồn ta được thanh thản, khi lúc nào cũng bực tức trước thành công của người khác. Đố kị còn khiến ta mệt mỏi, chán nản, vì vậy mà hạn chế sự phát triển của bản thân. Khi dành nhiều thời gian vào việc chê bai, hạ bệ thành quả của người khác vì thói đố kị, ta sẽ không tận dụng hết năng lực để đạt được điều mình muốn. Người có thói đố kị khó có thể tạo được thiện cảm và lòng tin với mọi người, không kết giao được những mối quan hệ bền vững, đánh mất cơ hội thành công.. Đố kị trong gia đình khiến tình thân rạn nứt, đố kị ngoài xã hội gây hại cho tập thể. Không ít người vì đố kị nhau mà gây hiềm khích, thiệt mình, thiệt người, ảnh hưởng tới người khác. Thử ngẫm xem, nếu trong tập thể, người này đố kị với người kia thì tập thể đó liệu có đoàn kết, phát triển vững mạnh không? Hơn nữa đố kị sẽ gây nên thù hằn, thù hằn sinh ra dối trá. Đố kị là nguồn gốc của mọi tâm tính xấu. Như vậy, đố kị chỉ có hại, chứ không mang lại giá trị cho con người, nên đừng để con rắn đố kị len vào tâm trí. Ta cần loại bỏ thói đố kị và tập trung vào việc phát triển năng lực, sở trường của chính mình. Bởi mỗi người đều có giá trị riêng, mình không giỏi lĩnh vực này nhưng lại có khả năng ở lĩnh vực khác. Hãy tự hào về sự khác biệt của bản thân và vui mừng cho thành công của người khác, để đố kị không còn là thứ vi rút ăn mòn tâm hồn và tính cách của chính bản thân ta. Hãy khắc ghi lời dạy của nhà Phật:

    "Ở đời ganh ghét chẳng được chi

    Thù hận hại nhau chẳng được gì

    Xã hội bao la người mỗi tính

    Rộng lượng bao dung bớt sầu bi."
     
    Chỉnh sửa cuối: 29 Tháng tư 2022
  5. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đoạn NLXH 200 chữ: Tầm quan trọng của "những mục tiêu nhỏ bé" đối với việc thực hiện tham vọng của bản thân
    ***

    Một tòa nhà cao chỉ vững vàng khi có một nền móng chắc chắn. Một hành trình dài chỉ đến đích khi bước những bước đầu tiên. Những thứ lớn lao đều bắt đầu từ những điều hết sức bình thường. Tham vọng mỗi người muốn đạt được đều bắt đầu từ những mục tiêu nhỏ bé. Bởi "mục tiêu nhỏ bé" nhưng có tầm quan trọng không hề nhỏ. Những mục tiêu nhỏ, dễ thực hiện sẽ giúp bạn có được những thành công nhỏ bước đầu. Những thành công nhỏ ấy sẽ lại tiếp thêm động lực và niềm tin để bạn từng bước chinh phục những mục tiêu, tham vọng lớn. Khi hoàn thành được những mục tiêu nhỏ, hành động của bạn sẽ không bị chi phối bởi nỗi sợ thất bại và bạn sẽ thấy con đường tiến tới mục tiêu lớn tưởng chừng như xa vời trở nên thiết thực và dễ nắm bắt hơn. Có rất nhiều người đặt ra mục tiêu cho mình, những mục tiêu thật sự lớn nhưng họ lại chần chừ, do dự khi thực hiện vì tâm lí sợ hãi thất bại. Họ không biết rằng, muốn đạt được tham vọng lớn, phải từng bước thực hiện những mục tiêu nhỏ, muốn lên đến đỉnh cao, phải bước từng bậc thấp. Một vận động viên marathon người Nhật Bản từng vô địch thế giới vào năm 1984 và 1986 đã kể về quá trình chinh phục đường đua của mình bằng cách trước cuộc đua, ông đã khảo sát cả quãng đường thi đấu và ghi lại từng cột mốc nhỏ (ngân hàng, cây cổ thụ, tòa nhà). Khi bắt đầu cuộc đua, ông sẽ dồn hết tốc lực để chinh phục từng cột mốc, bởi qua mỗi cột mốc ông lại có thêm động lực để chinh phục các cột mốc tiếp theo, cho đến khi về đích. Thành công của ông cho ta hiểu thêm nhiều điều về tầm quan trọng của những mục tiêu nhỏ đối với việc thực hiện tham vọng của bản thân. Vậy nên, đừng coi thường những mục tiêu nhỏ, bởi sự tích lũy của những điều nhỏ bé sẽ làm nên những thứ lớn lao.
     
    Chỉnh sửa cuối: 12 Tháng tám 2021
  6. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đoạn NLXH 200 chữ: Không thể hi sinh quên mình vì người khác thì hãy làm những điều tốt nhỏ nhoi.

    [​IMG]


    Không thể hi sinh quên mình vì người khác thì hãy làm những điều tốt nhỏ nhoi. Đó là bức thông điệp nhân sinh sâu sắc, đề cao vai trò những điều tốt nhỏ nhoi trong cuộc sống. "Không thể hi sinh quên mình vì người khác" có thể hiểu là không thể làm những điều lớn lao, vĩ đại, thậm chí hi sinh cả bản thân vì người khác. Còn "điều tốt nhỏ nhoi" là những hành động, việc làm dù bé nhỏ nhưng xuất phát từ lòng tốt, từ tâm thiện lành của con người và mang đến những điều đẹp đẽ cho người khác, cho cuộc sống này. Vậy tại sao "Không thể hi sinh quên mình vì người khác thì hãy làm những điều tốt nhỏ nhoi"? Bởi lẽ, không phải ai cũng đủ điều kiện và năng lực để hi sinh quên mình vì người khác. Giống như việc bản thân bạn không biết bơi, bạn khó có thể lao vào giữa dòng lũ xiết để cứu người. Hay bạn phải chật vật với miếng cơm manh áo mỗi ngày, bạn khó có thể bỏ ra một số tiền lớn để ủng hộ chi phí điều trị cho một người bạn quen biết nào đó bị bệnh hiểm nghèo. Mặc dù, không thể có được tinh thần hi sinh vĩ đại ấy, bạn vẫn có thể làm những điều tốt nhỏ nhoi. Bởi lẽ nhiều khi những điều tốt nhỏ bé ấy lại mang lại ý nghĩa lớn lao. Làm việc tốt dù nhỏ, cũng góp phần hoàn thiện nhân cách, nâng cao giá trị bản thân. Giúp đỡ người khác dù việc nhỏ, cũng có thể mang lại niềm vui, sự ấm áp cho họ. Thường xuyên làm việc tốt dù nhỏ, còn lan tỏa giá trị sống tốt đẹp đến những người xung quanh, thậm chí định hướng suy nghĩ, hành vi của không ít người.. Và nhiều việc tốt nhỏ gom lại, sẽ thành những điều lớn lao. Ví như mỗi người một chút chung tay ủng hộ đồng bào lũ lụt, có thể giúp họ vượt qua khó khăn hiện tại.. Sự vĩ đại luôn được kết tinh từ những điều nhỏ bé trong dòng đời. Con người chỉ đáng trách khi không thể hi sinh quên mình vì người khác mà việc tốt nhỏ cũng không chịu làm. "Không phải tất cả chúng ta đều làm được những điều vĩ đại, nhưng chúng ta có thể làm những điều nhỏ nhặt với tình yêu vĩ đại" (Mẹ Teresa), như vậy mỗi người, hãy luôn cố gắng làm những điều tốt, dù điều tốt đó là nhỏ nhoi.
     
    Chỉnh sửa cuối: 12 Tháng tám 2021
  7. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đoạn NLXH 200 chữ: Niềm hạnh phúc được sống thật với mình và sống thật với mọi người.


    [​IMG]

    Hạnh phúc là một đóa hoa mà ai ai cũng muốn tận hưởng sắc hương ngọt ngào của nó mang đến. Con người có nhiều lựa chọn để đi đến hạnh phúc, trong đó nhất thiết phải chọn sống thật: Sống thật với mình và với mọi người. Sống thật với mình là sống với những giá trị tốt đẹp mình vốn có và theo đuổi. Sống thật với mọi người là luôn chân thật, không giả dối trong các mối quan hệ với những người xung quanh. Sống thật là món quà tốt đẹp nhất mà bạn có thể dành tặng cho mình. Bởi sống thật sẽ mang lại cho chúng ta thật nhiều hạnh phúc. Còn gì hạnh phúc hơn khi được theo đuổi những điều tốt đẹp ta mơ ước mà không phải uốn mình theo sự chi phối của người khác, thực hiện ước mơ của người khác? Chỉ khi được sống thật là mình, ta mới có thể phát huy hết sức mạnh bản thân, mới vươn đến ước mơ, chạm đến hạnh phúc. Chỉ khi được sống thật là mình, ta mới có thể tự tay viết nên câu chuyện cuộc đời của chính ta, mới có thể kiêu hãnh, tự tin vững bước. Chỉ khi được sống thật là mình, ta mới cảm nhận được cuộc sống này tươi đẹp và đáng sống biết bao. Ta có thể là chính mình – trọn vẹn, ở mọi nơi, mọi lúc, điều đó quả thật rất tuyệt vời. Bạn chỉ có thể cảm nhận sâu sắc điều tuyệt vời ấy nếu như bạn từng phải gồng mình lên cố gắng sống theo sự điều khiển của ai đó hay làm gì đó không đúng với tính cách của chính mình. Chẳng phải nhân vật Trương Ba trong vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" (Lưu Quang Vũ) chỉ vì không được sống thật là mình mà cuối cùng phải chọn cái chết đó sao? Lựa chọn cái chết sau đoạn đời phải sống giả dối của Trương Ba khiến ta thấm thía sâu sắc hơn niềm hạnh phúc được sống là chính mình. Hạnh phúc không chỉ đến khi ta được sống thật là mình, hạnh phúc còn đong đầy khi ta sống thật với người khác. Sống với người thân, bạn bè, đồng nghiệp.. bằng tất cả tấm chân tình, không tính toan, lừa lọc, hạnh phúc ta nhận về chính là lòng tin yêu, sự tin tưởng, là khả năng kết nối vững bền.. Niềm tin là điều vô cùng quý giá, nó chỉ đến với ta khi ta sống chân thật với mọi người. Và khi sống chân thật như vậy, ta còn nhận về nơi ta điều quý giá khác, đó là sự thanh thản, an yên trong tâm hồn. Bởi khi sống thật, ta không bao giờ phải tạo vỏ bọc cho mình khi sống giả dối để rồi lo sợ một ngày nào đó chiếc vỏ bọc đó bị xé rách, ta sẽ phải đối diện với sự khinh bỉ, coi thường của người khác. Vậy nên, hãy sống thật, với mình và với mọi người, hạnh phúc sẽ đến với ta.
     
    Chỉnh sửa cuối: 12 Tháng tám 2021
  8. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đoạn NLXH 200 chữ: Nếu ta cứ chìm đắm mãi trong những thất vọng của đời mình.

    [​IMG]


    "Một suy nghĩ tiêu cực sẽ chẳng bao giờ mang lại một cuộc sống tích cực". Chìm đắm trong những thất vọng của bản thân chính là một trong những hạt mầm tiêu cực. Khi hạt mầm ấy nảy nở trong suy nghĩ, tư tưởng của con người sẽ chỉ mang lại những cái cây èo uột, khô héo. Bởi khi ta cứ chìm đắm mãi trong những ám ảnh thất vọng về chính mình là ta đang uổng phí cuộc sống, đang lún sâu vào sự bất hạnh. Những nỗi thất vọng giống như một thứ virut độc hại ăn mòn ý chí, niềm tin. Cái cây cuộc đời chẳng thể xanh tươi khi mang trên mình thứ virut đó. Chúng có tác động xấu đến tinh thần, chúng khiến ta tự hạ thấp khả năng và làm giảm giá trị của chính mình. Khi ta mãi đắm chìm trong những thất vọng ấy lâu dần sẽ dẫn đến việc suy giảm động lực phấn đấu, thui chột ý chí vươn lên. Tác động từ những ám ảnh thất vọng vì thế khiến ta bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để chinh phục thành công, để tận hưởng một cuộc đời đáng sống. Làm sao ta có được thành quả ngọt ngào khi cứ găm vào đầu suy nghĩ "Đã quá muộn để làm bất cứ điều gì" hay "Mình mãi chỉ là kẻ thất bại"? Một cánh cửa khép lại, sẽ có muôn vàn cánh cửa khác mở ra. Nếu ta cứ đứng chôn chân mãi trước cánh cửa im ỉm đóng mà than buồn, kể khổ, làm sao ta có thể nhìn thấy những cánh cửa khác? Nếu ta cứ đắm chìm mãi trong những thất vọng về bản thân, làm sao ta có thể tư duy thông suốt để giải quyết tình huống bế tắc hiện tại, để giải phóng bản thân khỏi xiềng xích của suy nghĩ tiêu cực đang đè nặng tâm trí? Hố đen của suy nghĩ thất vọng về chính mình chỉ khiến cuộc đời con người chìm trong tăm tối. Như vậy chẳng bi thương lắm sao? Chẳng phải sống mà đang chết đó sao? Ai cũng chỉ có một cuộc đời, sao không chọn sống với những niềm tin và xúc cảm tích cực? Hãy mạnh dạn bước ra khỏi nỗi ám ảnh của những thất vọng bản thân, ta sẽ nhận ra cuộc sống còn rất nhiều điều tươi đẹp đang chờ ta phía trước. Vậy nên:
    Đừng thở dài hãy vươn vai mà sống

    Bùn dưới chân nhưng nắng ở trên đầu.
     
    Chỉnh sửa cuối: 12 Tháng tám 2021
  9. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đoạn NLXH 200 chữ: Sự cần thiết của lối sống có trách nhiệm ở mỗi người.

    [​IMG]

    Cuộc đời con người có khác chi đồng bãi, đất đai. Muốn thu hoa, hái trái, ta cần gieo lên đó những hạt mầm có thể cho ta hoa trái. Nếu không chịu gieo trồng, ta chỉ thu được cỏ dại mà thôi. Sống có trách nhiệm là một trong những hạt mầm khiến mảnh đất cuộc đời cho hoa thơm, quả ngọt. Brian Tracy từng nói "Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm về tất cả con người bạn hiện tại, tất cả mọi thứ bạn có và tất cả những gì bạn sẽ trở thành". Câu nói đó phần nào khẳng định vai trò của lối sống có trách nhiệm ở mỗi người. Sống có trách nhiệm là làm tròn nghĩa vụ bổn phận với bản thân, gia đình, xã hội.. Sống có trách nhiệm còn là dám làm, dám chịu trách nhiệm về những lời nói, hành động của chính mình.. Sống có trách nhiệm thực sự cần thiết đối với mỗi người. Vì sao vậy? Bởi lẽ, khi bạn sống có trách nhiệm với chính mình, bạn đồng thời là một người tôn trọng nguyên tắc, kỉ luật. Với những phẩm chất ấy, bạn sẽ hoàn thành tốt công việc, nhiệm vụ được giao. Bạn sẽ ngày càng trở nên tốt đẹp, hoàn thiện mình, khẳng định được giá trị bản thân. Sống trách nhiệm còn góp phần định hướng hành vi, khiến bạn luôn vững vàng trước cuộc đời, không bị cám dỗ, sa đà vào những điều vô bổ. Sống trách nhiệm vì thế còn giúp bạn dần đi tới đỉnh cao của thành công và mang đến cho bạn thật nhiều niềm vui trong cuộc sống. Không chỉ vậy, khi sống có trách nhiệm với mọi người, với cộng đồng, bạn còn nhận được sự tin tưởng, quý mến của những người xung quanh, của đồng nghiệp, cấp trên. (Có khi nào ta lại tin tưởng, quý mến một kẻ sống tùy tiện, vô trách nhiệm?). Sống có trách nhiệm còn góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp đến với cộng đồng. Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội, nên khi mỗi người đều nâng cao ý thức trách nhiệm, xã hội sẽ văn minh, đất nước phát triển.. Trong thời điểm dịch bệnh đang hoành hành như ngày nay, ta càng thêm yêu mến, trân trọng những con người hết lòng vì trách nhiệm với cộng đồng. Đó là những bác sĩ ngày đêm chống dịch, những anh bộ đội chịu mưa dầm nắng dãi, nhường chiếu giường cho khu cách li... Sống có trách nhiệm thực sự là một bông hoa đẹp trong vườn hoa nhân cách con người. Vì vậy, mỗi chúng ta cần phải sống có trách nhiệm, với bản thân và với mọi người.
     
    Chỉnh sửa cuối: 12 Tháng tám 2021
  10. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đoạn NLXH 200 chữ: Nếu bạn không có bất cứ mục tiêu nào..

    [​IMG]

    Giống như "kim chỉ nam" cho toàn bộ nhận thức và hành động, mục tiêu có vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi người. Mục tiêu là những dự định, dự tính, những "cái đích" mà chúng ta cần chinh phục trong hành trình sống của mình. Nếu có mục tiêu đúng đắn, bạn đã có ngọn lửa chỉ đường soi lối, nhưng nếu không có bất cứ mục tiêu nào, thì cuộc sống của bạn thực sự sẽ rất tệ. Nếu không có mục tiêu, bạn sẽ trở nên hoang mang, vô định, như con thuyền không bánh lái, như đứng giữa ngã ba đường mà không biết đi đâu, về đâu. Nếu không có mục tiêu, làm sao bạn có động lực để học tập và làm việc hiệu quả? Mọi thành công mà những người thành đạt gặt hái được đều có nền tảng từ những mục tiêu, kế hoạch cụ thể và đều xuất phát từ quyết tâm cao độ. Nếu không có mục tiêu, làm sao bạn có được quyết tâm để làm nên việc lớn lao, vì bạn đâu đặt ra mục tiêu, đâu có nhu cầu đạt được điều đó. Như vậy, đồng nghĩa với việc bạn sẽ không có được thành quả gì đáng kể trong cuộc sống. Nếu không có mục tiêu, con người còn dễ bị lôi kéo, sa ngã vào con đường lầm lạc. Lúc ấy chẳng phải bạn sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội hay sao? Thật kinh khủng nếu ta không có bất cứ một mục tiêu nào để phấn đấu. Lối sống bất cần, tùy tiện, được tới đâu hay tới đó chỉ là tồn tại chứ không phải thực sống. Sống như vậy phàm có ích chi? Sống như vậy làm sao tạo nên giá trị con người? Xã hội có biết bao người nghiện ngập, trộm cướp.. cũng chỉ vì những người đó không có mục tiêu sống, hoặc mục tiêu quá tầm thường: Làm sao để thỏa thú vui, làm sao để cướp giật nhiều tiền.. Như vậy, sống mà không có mục tiêu hoặc mục tiêu không đúng đắn thì không phải cuộc sống. Ai cũng chỉ sống một lần trong đời, hãy gieo trồng trên mảnh đất cuộc đời mình những hạt mầm khỏe mạnh, hữu ích. Mục tiêu đúng đắn, lành mạnh chính là những hạt mầm đó, hãy nuôi lớn chúng bằng quyết tâm cao độ, ngày nào đó, quả ngọt sẽ trĩu cành..
     
    Chỉnh sửa cuối: 24 Tháng mười một 2021
  11. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đoạn NLXH 200 chữ: Tác hại của thói đố kị

    [​IMG]

    "Ganh tị với sự thành công của người khác sẽ khiến chúng ta đánh mất cơ hội thành công của chính mình." – quan điểm của George Matthew Adams đã nói lên phần nào tác hại của thói đố kị. Đố kị nghĩa là bực tức, khó chịu trước những may mắn và thành công của người khác. Đố kị là thói xấu, như một thứ vi rút gặm nhấm tâm hồn ta, vì thế cần phải từ bỏ thói đó kị. Cần từ bỏ thói xấu này bởi đố kị không bao giờ khiến tâm hồn ta được thanh thản, khi lúc nào cũng bực tức trước thành công của người khác. Đố kị còn khiến ta mệt mỏi, chán nản, vì vậy mà hạn chế sự phát triển của bản thân. Khi dành nhiều thời gian vào việc chê bai, hạ bệ thành quả của người khác vì thói đố kị, ta sẽ không tận dụng hết năng lực để đạt được điều mình muốn. Người có thói đố kị khó có thể tạo được thiện cảm và lòng tin với mọi người, không kết giao được những mối quan hệ bền vững, đánh mất cơ hội thành công.. Đố kị trong gia đình khiến tình thân rạn nứt, đố kị ngoài xã hội gây hại cho tập thể. Không ít người vì đố kị nhau mà gây hiềm khích, thiệt mình, thiệt người, ảnh hưởng tới người khác. Thử ngẫm xem, nếu trong tập thể, người này đố kị với người kia thì tập thể đó liệu có đoàn kết, phát triển vững mạnh không? Hơn nữa đố kị sẽ gây nên thù hằn, thù hằn sinh ra dối trá. Đố kị là nguồn gốc của mọi tâm tính xấu. Như vậy, đố kị chỉ có hại, chứ không mang lại giá trị cho con người, nên đừng để con rắn đố kị len vào tâm trí. Ta cần loại bỏ thói đố kị và tập trung vào việc phát triển năng lực, sở trường của chính mình. Bởi mỗi người đều có giá trị riêng, mình không giỏi lĩnh vực này nhưng lại có khả năng ở lĩnh vực khác. Hãy tự hào về sự khác biệt của bản thân và vui mừng cho thành công của người khác, để đố kị không còn là thứ vi rút ăn mòn tâm hồn và tính cách của chính bản thân ta. Hãy khắc ghi lời dạy của nhà Phật:

    "Ở đời ganh ghét chẳng được chi

    Thù hận hại nhau chẳng được gì

    Xã hội bao la người mỗi tính

    Rộng lượng bao dung bớt sầu bi."
     
    Chỉnh sửa cuối: 8 Tháng mười hai 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...