Chào mừng các bạn đã quay trở lại với Game Show - Ai là nhà tâm lý tài ba? Hôm nay mình có một câu hỏi khá là thú vị muốn gửi đến các bạn, và mình nghĩ nó khá là cần thiết trong cuộc sống 4.0 ngày nay. Câu hỏi đó là: Bạn nghĩ gì về icon? Tại sao lại cần sử dụng icon đúng cách khi trò chuyện? Các bạn cũng biết rồi đấy, thời đại 4, 0 đã mở ra kỷ nguyên Internet, và các MXH lục tục nối đuôi nhau ra đời, nổi trội nhất là Messenger và Facebook. Chính các nền tảng này đã giúp cho khoảng cách giữa người với người trở nên không còn xa cách nhờ dịch vụ nhắn tin và gọi điện free. Trong tin nhắn, đặc biệt là các bạn trẻ ngày nay rất hay sử dụng icon để làm cho cuộc trò chuyện thêm sinh động. Tuy nhiên, nhiều người lại không ý thức được việc sử dụng đúng cách và lạm dụng chúng, thế nên icon từ một thứ vô hại lại dần trở thành con dao hai lưỡi cắt đứt tình bạn, tình cảm giữa người với người. Vậy, bạn nghĩ sao về icon? Làm thế nào để sử dụng icon đúng cách? Hãy cho mình biết câu trả lời của các bạn ở dưới nhé!
Icon có cũng được mà không có cũng được kkkk icon chỉ là thứ để làm sinh động cho cuộc trò chuyện mà thôi, không nên quá lạm dụng. Cách tốt nhất để không xảy ra điều gì ngoài ý muốn, chính là muốn nhắn gì thì viết thẳng ra, khỏi dùng icon nữa là được. Hắc hắc! (ý kiến cá nhân thôi, các đạo hữu đừng ném đá a)
Mình thấy icon khá là dễ thương, nhất là icon thể hiện cảm xúc. Chúng có thể thể hiện cảm xúc vui, buồn, giận hờn, cười ra nước mắt.. của mình mà không cần phải ghi ra thành chữ. Ưu điểm thứ nhất của icon là nhanh chóng, thuận tiện. Icon có nhiều màu sắc, giúp cuộc trò chuyện của mình trở nên thú vị, bớt nhàm chán hơn. Có những lúc icon thay thế cho chữ một cách hợp lí thì đoạn tin nhắn nhìn thoải mái hơn hẳn. Đó là ưu điểm thứ hai. Nhưng có ưu điểm thì cũng có nhược điểm. Nhiều người lạm dụng icon quá mức khiến cuộc trò chuyện trở nên ngắn ngủn, tạo cảm giác lười nói tiếp nữa. Mình cũng hay nhận được icon hình bánh kem thay cho lời chúc mừng sinh nhật, thấy cũng hơi buồn vì người ta tiết kiệm chữ quá đáng. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để sử dụng icon đúng cách. Vậy trước hết phải xem đối tượng trò chuyện của mình là ai đã. Mình không dùng icon khi nhắn tin cho người lớn, chỉ nhắn chữ và chấm phẩy chuẩn "thanh niên nghiêm túc" thôi. Còn với bạn bè thì mình thoải mái hơn, đôi khi dùng icon cho thú vị. Ví dụ như kể bạn nghe câu chuyện vui vui thì mình sẽ thêm icon cười tít mắt, hay khi nhờ giúp đỡ thì mình sẽ thêm icon chắp tay cầu xin cho "đáng thương". ^^ Thú vị và vô vị chỉ khác nhau một chữ thôi. Vì vậy mình không lạm dụng icon quá nhiều, chỗ nào cần viết chữ đầy đủ thì không lười, chỗ nào dùng được icon thì mới dùng.
Không biết các bạn khác thì sao nhưng mình cảm thấy sử dụng icon làm cuộc trò chuyện sinh động hơn. Mà mình cũng thường sử dụng tuy chỉ giới hạn hi, OK, Chào buổi sáng, ngủ ngon, bye.. Mặc dù nhiều khi nhắn tin với mấy đứa bạn nó gửi icon mình chả hiểu có nghĩ gì cả.
Icon giờ rất thịnh hành trong giới trẻ ngày nay, nó làm cuộc trò chuyện trở nên vui hơn. Và icon thì đa dạng rất nhiều : >, (◍•ᴗ•◍), Dù cho icon vào cuộc trò chuyện rất vui, nhưng nếu thể hiện icon nhiều thì cuộc trò chuyện của chúng ta sẽ ít lại và khiến nhàm chán hơn. Chỉ cần một nút like thì có lẽ cuộc trò chuyện của bạn sẽ kết thúc gọn lẹ. Mình thì cũng có sử dụng icon nhưng không nhiều lắm, chỉ những câu tin nhắn nào vui vui thì mình sẽ thả haha thôi.
Hmu hmu, vốn đã gõ ra một bài dài loằng ngoằng rồi mà giờ phải gõ lại. (Nản quá) Hôm nay, em ra sân để chiến đấu hết mình với câu hỏi "Bạn nghĩ gì về icon? Tại sao lại cần sử dụng icon đúng cách khi trò chuyện?". Khẩu hiệu hôm nay của em sẽ là "hết mình, tận tình, giật giải thưởng lớn!" Như mọi lần, trước tiên em sẽ đưa ra một vài khái niệm về icon. 1. Icon là gì? Icon được dịch là "biểu tượng". Icon thông thường được chia làm hai loại: - Icon ứng dụng: Đây chính là loại icon cực kì phổ biến, nó tồn tại ở khắp mọi web, app, phần mềm.. Bất cứ web nào, app nào đều có một icon riêng. Ví dụ như icon của diễn đàn VNO chính là lá cờ tổ quốc. - Icon biểu cảm, cảm xúc: là loại icon được dùng để biểu lộ cảm xúc, sắc thái nào đó. Icon cảm xúc cũng chính là loại được bàn đến hôm nay. (Nếu không có chú thích gì thêm thì mọi người tự hiểu "icon" chính là nói về icon cảm xúc nhé) Ngoài ra cũng còn một loại icon không phổ biến bằng chính là loại icon được dùng để biểu diễn những hành động, đồ vật, động vật, thực vật, hiện tượng.. 2. Lợi ích của icon? Mọi thứ tạo ra đều phải mang trong mình một lợi ích nhất định, và icon cũng vậy. Icon trong mọi cuộc trò chuyện được dùng để khiến cuộc trò chuyện đó sinh động, đặc sắc hơn rất nhiều. Hãy thử tượng tượng nếu đứa bạn đang kể một câu chuyện cười cho mình mà chẳng dùng một icon nào? Cứ như mình đang nhắn tin với nhau qua SMS vậy. Thế nên, không phải có icon là rất vui sao. 3. Tác hại của icon. Lợi ích của nó thì rõ ràng rồi, ta sẽ tìm hiểu về tác hại của nó. Để mà nói thật thì icon chẳng có một tác hại nào cả. Thứ tai hại chính là cách dùng icon và cách hiểu icon của mọi người. Mọi icon được tạo ra theo chủ ý đều có ý nghĩa riêng. Nhưng dần dà, sau này mọi người tự hiểu về một ý nghĩa khác của icon. Ví dụ: Ngày trước, like đơn thuần chỉ là đồng ý, cùng quan điểm.. Nhưng bây giờ, trong một đoạn chat, like dường như là một điều cấm kị. Khi đang trò chuyện hăng say, tự nhiên một cái like to đùng đùng đập vào mắt mình thì tự nhiên, mình hết hứng. Nhìn cái like xanh lè lè đó là kiểu chán chả buồn nói nữa. Hay không chỉ dừng lại ở like mà còn một số icon khác bây giờ mà mọi người sử dụng cũng rất dễ bị cho là đang "gợi đòn". Mọi người có thể tự tìm hiểu thêm về những icon gợi đòn này nhé. Trên đó là cách hiểu icon của mọi người, bây giờ em sẽ nói về cách mọi người sử dụng icon. Việc sử dụng icon cũng rất đa dạng, cả về số lượng, tần suất sử dụng icon và dụng ý của việc sử dụng. Một tâm sự thật đó là: Em cảm thấy hoa mắt khi phải đọc một đoạn văn, một đoạn tâm sự.. mà cứ hết một câu thì lại có ba đến bốn icon, mà đau khổ đó là đây là cả một đoạn, cả chục câu, vài chục câu ấy chứ. Em cá là không chỉ mình em không muốn đọc một bài cả đống icon đấy đâu. Việc sử dụng một lượng lớn icon và tần suất icon xuất hiện đã quá nhiều dễ khiến người đọc rất mệt mỏi, nên, mọi người nếu ai đang có hành động như trên thì có thể dừng việc đó được rồi đấy. Ngoài ra, sử dụng icon còn phải phụ thuộc vào từng hoàn cảnh, trường hợp nhé. Việc sử dụng icon nên hạn chế (hoặc không nên) xuất hiện trong những cuộc trò chuyện mang tính nghiêm túc, tính trang trọng cao. Mọi người ơi, mọi người hãy sử dụng icon một cách có chọn lọc, sử dụng một cách vừa phải nhé. Đó chính là cách duy nhất để các bạn nắm được chìa khóa về cách sử dụng icon đúng nhé.
Icon là gì? Theo như một vài bài báo, thì tạm hiểu ngắn gọn là: Icon là hình vẽ, biểu tượng.. đại diện cho một thứ gì đó. Nó có thể là cảm xúc, hành động, đồ vật.. giúp người dùng biểu đạt trạng thái của mình một cách dễ hiểu và rõ ràng nhất. Vì Icon là hình ảnh, nên nó sinh động, và dễ dàng kích thích thị giác. Đây là đặc điểm hấp dẫn trí não trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Theo như quan sát của mình thì đúng là như vậy. Từ khi có những hình ảnh sinh động đó: Mặt cười, mặt khóc nước mắt rơi, mặt lạnh lùng, mặt nghi ngờ.. hay hình hoa lá, xe cộ.. Các bạn trẻ có xu hướng sử dụng chúng nhiều hơn. Một phần vì biểu đạt được suy nghĩ của người dùng, một phần khác vì ngắn gọn, và thêm nữa: Nó giúp cho cuộc nói chuyện trở nên nhẹ nhàng, thoải mái hơn rất nhiều. Icon rất phù hợp cho những đoạn chat của nhóm bạn cùng tuổi, cùng chơi với nhau. Tán gẫu và trao đổi học tập, vui chơi với nhau. Vì các bạn còn trẻ, đang trong giai đoạn khám phá cuộc sống, nên khá là thoải mái trong câu chữ và ngôn từ. Nếu bạn lỡ dùng sai icon, hoặc vô tình bấm nhầm thì cũng dễ dàng được bỏ qua. Tuy nhiên, không phải vì những ưu điểm đó mà chúng ta lạm dụng, dùng nhiều thái quá. Ví dụ: Câu hỏi ngắn gọn: "Cậu có thấy vui không?" mà dùng nào là: Mặt cười, mặt đeo kính, hình chạy maraton.. hay là biểu tượng thích đơn giản, nhưng lại dùng đến 10 cái cùng lúc, thì bạn bắt đầu cần bị đưa vào diện xem xét rồi đó. Trong những cuộc nói chuyện mang tính chất nghiêm túc như: Nhắn tin trao đổi công việc với Sếp, hoặc trong những cuộc nói chuyện giữa học sinh và thầy cô.. chúng ta nên hạn chế dùng Icon. Vì những hình ảnh sinh động đó sẽ phá vỡ không khí nghiêm túc, đôi lúc nó còn khiến cho người lớn tuổi cảm thấy không được tôn trọng. Khi chúng ta đến một độ tuổi trưởng thành nhất định, có người sẽ là 30, hoặc 35, hay thậm chí là từ 40 tuổi trở đi, chúng ta đã có một vị thế nhất định trong xã hội: Khẳng định được mình là ai, có thêm nhiều mối quan hệ, xây dựng được niềm tin.. thì chúng ta sẽ cần hơn sự công nhận và tôn trọng từ mọi người. Vì vậy, bạn sẽ có xu hướng cân nhắc nên nói gì, làm gì, dùng icon gì để vừa tôn trọng người đối diện, vừa tạo cảm giác thoải mái, gần gũi. Đó là những cái nhìn của mình về việc: "Thả Icon thế nào cho hợp lí" ạ
Đối với tôi, công nghệ đang khiến con người trở nên lạnh lùng hơn với nhau! Thay vì gặp mặt trực tiếp để trò chuyện, thể hiện rõ nét cảm xúc, biểu cảm của bản thân ra thì chúng ta đã bị những thứ máy móc cứng đơ và lạnh lùng điều khiển! Tuy nhiên, vì con người đang dần để máy móc thay thế con người nên hiện trạng kết nối với nhau bằng máy móc và không cần gặp nhau một lần ngoài đời là thực tế hiện nay! Vì sao ư? Vì theo trào lưu số đông, vì hoàn cảnh đưa đẩy mà có rất ít sự lựa chọn hoặc không có sự lựa chọn, vân vân. Đối với tôi, icon chỉ mang tính chất "play for fun"! Icon không bao giờ lột tả được hết một con người. Công nghệ, máy móc chỉ là những sản phẩm do con người chế tạo vì vậy nó chỉ mang tính chất giải quyết các vấn đề như giao tiếp xa về khoảng cách địa lý, kết nối các thứ từ phạm vi xa xôi, hẻo lánh còn về cảm xúc con người icon chỉ đánh giá được dưới 5 điểm! Mặt trái của những icon là con người lười sống thật với cảm xúc của bản thân khi gặp nhau thực tế! Đây là con dao đâm 1 nhát chí mạng! Chúng ta có thể che dấu rất nhiều điều sau màn hình máy tính mà khi gặp nhau thực tế chúng ta không có nhiều điều kiện để che dấu đến vậy! Tôi có thể dùng icon một cách bừa bãi, không thận trọng! Tuy nhiên, tôi cũng có thể dùng icon để che đậy bộ mặt thật của tôi! Môi trường và điều kiện cho tôi làm như thế. Việc sử dụng icon để đánh giá một con người là một sự VÔ CÙNG NÔNG CẠN VÀ HỜI HỢT. Thẳng thắn mà nói! Có đến vài trăm nghìn cái icon và không phải cái biểu tượng icon nào tôi cũng thích thú với chúng! Ban đầu tôi có thể hồ hởi với mấy thứ đó nhưng chắc chơi tầm 6 tháng đến 1 năm là tôi đã chán phè ra! Máy móc vẫn chỉ là thứ lạnh lùng và tàn nhẫn! Chỉ có gặp nhau trực tiếp, tay bắt mặt mừng thì mọi thứ mới trở nên rõ nét và minh bạch hơn bao giờ hết. Dùng icon để đoán tính cách thật của tôi ư? Dùng icon để đánh giá bản chất một con người "lòng dạ nông sâu" ư? Phải chăng bạn được sinh ra từ một hành tinh khác? Con người sáng chế ra máy móc, công nghệ vì vậy mấy cái biểu tượng icon đâu có thể lột tả được hết một con người quá đỗi phức tạp và khó đoán! Vậy nên, khi nhận định một con người thì biểu tượng icon chỉ là điều kiện cần, điều kiện thêm vào, điều kiện nhìn thấy một góc nhỏ nhoi trong một con người mà thôi! Nếu như dùng icon mà cắt đứt được tình người thì thứ tình người đó nên đứt trước lúc dùng icon! Nếu như dùng icon mà có thể biết luôn người này là kẻ ác, người kia là người tốt thì sinh ra tập đoàn hacker nổi tiếng toàn cầu làm gì! Icon chỉ đơn giản là bề nổi của tảng băng trôi mà thôi! Nếu như không phải vì chủ quan coi thường tảng băng nhỏ nhoi giữa biển khơi thì đâu đến nỗi tàu Titanic bị bẻ làm đôi và hơn 1500 người chết đuối! Nếu cuộc sống này nó mà đơn giản đến thế thì chắc thế giới đã không phải rát họng kêu gọi hòa bình và chiến tranh đã không bùng nổ liên miên đến vậy! Đúc kết lại, phần lớn con người trong xã hội Việt Nam thích đánh giá người khác qua cách sử dụng icon! Thế giới có như vậy hay không thì tôi nào biết! Tôi là người Việt Nam nên trước tiên mình phải hiểu bản chất của con người Việt Nam trước đã! Mà tôi sống theo kiểu tầm nhìn toàn cầu nên tôi sẽ bới móc, đảo lộn mọi thứ lên để nắm rõ bản chất mọi thứ! Chứ dăm ba cái icon thì đối với tôi nó cũng cho tôi biết về người khác tầm 10 điểm, có khi là 8 điểm, có khi là 5 điểm, có khi là chẳng biết gì về họ! Ai mà biết được chứ! Nếu người ở sau cái màn hình lạnh lẽo kia chọn sống thật thì mấy cái icon đó là tâm trạng thật của họ! Còn nếu như sau cái màn hình kia là một thế giới lạnh lẽo và u tối thì có khả năng cao là bạn đang thả icon với hacker nguy hiểm nhất thế giới mà không biết đấy! Vì cuộc đời này là cái gì cũng có thể xảy ra hết á. Tại mọi người cứ thích chủ quan mà chẳng bao giờ nhìn mọi thứ từ người ngoài cuộc. Icon chỉ mang tính chất xã giao và nó chỉ đơn giản là như thế mà thôi.
Icon và việc sử dụng Icon. Với mình, Icon là một số biểu tượng, hình ảnh, mình thường hay gọi "phụ kiện đính kèm", có thể có, có thể không. 1. Với các đoạn chat, nói chuyện mang tính nghiêm túc, công việc: không nên sử dụng Icon, nó làm cho buổi nói chuyện, câu chuyện rời rạc, mất tập trung, dễ gây khó chịu cho người xem (người trong buổi nói chuyện đó). Bạn đang nghiêm túc bàn công việc, tự dưng đứa nói chuyện với mình nói thì không nói rõ, cứ đưa mấy cái icon "vớ vẩn" vào cuộc nói chuyện, làm cho bạn cảm thấy người đó không có tập trung, không chú trọng trong cuộc giao tiếp, thậm chí có thể bị đánh giá xấu về cái hành vi "nhây" đó. 2. Tuy nhiên, icon cũng khá thú vị trong các cuộc nói chuyện Tám. Chính xác là dùng để 8 chuyện tào lao bí đao, nó sẽ làm cho cuộc nói chuyện thêm động hơn. Trong cuộc nói chuyện này, bạn tám tào lao, bạn có thể làm icon dễ thương hay icon hài hước, tránh mấy cái icon gây phản cảm (icon "đã seen"). Ví dụ, bạn muốn hỏi có đang online không, bạn có thể dùng icon đang gõ cửa, rồi viết hỏi "có đó không?" chẳng hạn.. - Tùy tính chất đoạn nói chuyện, chúng ta cần hiểu rõ và xem coi có thích hợp sử dụng icon không, và sử dụng tần suất hợp lý, quá nhiều cũng không tốt, tránh lạm dụng. - Trong đoạn văn, bạn có thể kết hợp Icon để tạo sự dễ đọc, thông thoáng cho đoạn văn bản với điều kiện cái icon đó phù hợp nội dung đoạn văn và cuộc nói chuyện đó. - Hoặc khi đang nói chuyện, cảm thấy nó quá căng thẳng, có thể sử dụng để điều hòa không khí. - Khi dùng icon, không nên dùng đơn độc icon, mà nên nhắn tin viết rõ ràng, sau cho 1 cái icon vô thì sẽ hợp lý hơn. Ví dụ như chúc mừng sinh nhật: Nên viết 1 câu chúc dài dài, xong thêm cái icon tung hoa, ôm tim.. chẳng hạn, nó sẽ thêm sinh động cho câu chúc mừng của mình. - Cũng nhiều người ít nói, mà muốn cho người đang chat với mình biết mình đã đọc tin nhắn đó, thì thường họ sẽ thả Like, tim. Tuy nhiên, nếu được, chúng ta nên viết rõ ra, hạn chế icon này, vì icon này dễ gây khó chịu, bởi "tôi muốn biết bạn nói gì, chứ không phải ngồi nhìn bạn Like". Đôi lúc nhận được tin nhắn mà cứ "nhoi nhoi" icon đầy đó, là khéo mình sẽ không trả lời, bởi vì tôi chả hiểu bạn muốn gì cả. Vậy nên, mình thường dùng icon theo kiểu "phụ kiện đính kèm" mà thôi, có thì thêm sinh động, không có cũng không sao. Chúng ta nên Muốn gì thì hỏi, viết rõ ràng ra, muốn thêm dễ thương thì cho 1 cái icon thêm vô là được rồi, chứ quá nhiều dư thừa sẽ bị ghét, lơ luôn. Icon là phương tiện cho mình sinh động hơn mà thôi, nhưng dùng sai (lạm dụng) làm cho người khác phản cảm và Icon đó bị hiểu sai mục đích ban đầu được tạo ra. Nói chung, lỗi là do người dùng, không phải do chính icon.
Icon là gì? Thực chất thì icon là hình vẽ, là biểu tượng và đại diện cho một cái gì đó. Cụ thể có thể là cảm xúc, là đồ vật cũng có thể là hành động.. Nhờ vào icon nên người dùng có thể biểu đạt trạng thái của mình cho người khác hiểu dễ hơn, rõ ràng hơn. Có đa dạng những icon với nhiều ý tưởng khác nhau mang lại cho người dùng cảm xúc vô cùng thích thú khi sử dụng. Có 2 nhóm icon chính sau: Thứ nhất: Icon biểu tượng cho phần mềm Nhóm icon này là biểu tượng hiển thị các phần mềm cũng như các ứng dụng trên máy tính, trên điện thoại.. Nó sẽ giúp người dùng dễ dàng trong việc phân biệt cùng nhiều phần mềm khác. Mỗi một ứng dụng sẽ có những icon khác nhau vì vậy không cần nhìn tên bạn cũng đã biết được đó là phần mềm gì. Thứ hai: Icon biểu tượng cho cảm xúc Nhóm icon này biểu tưởng cho cảm xúc như nào? Trên những trang mạng xã hội thì icon sẽ được dùng để biểu thị cảm xúc cũng như giúp truyền tải những thông điệp khác nhau. Dù buồn, vui, giận dỗi, đang ăn, đang đi chơi.. thì cũng sẽ có những icon riêng biểu thị mà chúng ta không cần trực tiếp nhắn chữ thông thường. Có đến hàng nghìn những icon khác nhau để bạn có thể sử dụng nhằm giúp cho câu chuyện, cuộc trò chuyện thêm phần hấp dẫn. Những rắc rối thường xoay quanh nhóm biểu tượng thứ hai, nhóm icon thể hiện cảm xúc. Nhưng tựu chung lại đều do người sử dụng con không đúng cách, không đúng lúc và không đúng nơi hoặc quá lạm dụng icon dẫn đến câu chuyện trở nên nhạt nhẽo, nội dung không sâu sắc. Tóm lại, theo mình icon là một tiện ích vô cùng cần thiết và thú vị. Quan trọng là người dùng phải biết dùng nó đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ.