Xuyên Không Tôi Là Thúy Kiều? - Sad Or Happy

Thảo luận trong 'Truyện Drop' bắt đầu bởi Sad or Happy, 28 Tháng sáu 2020.

  1. Sad or Happy Frog Bimm

    Bài viết:
    53
    Chương 10: Tương kế tựu kế

    Bấm để xem
    Đóng lại
    [​IMG]

    Đúng như tôi dự đoán, Tú Bà đang nghĩ cách đối phó với những chiêu trò của tôi. Hùa theo bà ta, từ sau hôm đó tôi ngày nào cũng giả vờ ngồi khóc một mình, nhịn đói bỏ ăn, nhất quyết không chịu tiếp khách. Có như vậy, tôi mới tiếp cận được tên Sở Khanh mà Tú Bà phái đến.

    Chiều buông xuống, tôi cuộn tròn mình trong góc nhỏ nơi nhà kho tối tăm. Tôi nghe thấy bước chân của những con trâu đủng đỉnh về chuồng, tiếng cào cào đánh càng lách tách bên vệ cỏ, tiếng đôi vợ chồng chim rúc rích trên ngọn tre. Và khói lam chiều ấm áp lan tỏa trên những mái nhà phía xa xa. Cảm giác bình yên đến lạ, tự nhiên tôi thấy nhớ nhà, nhớ cuộc sống của tôi..

    Tú Bà cay cú lắm khi tôi cứ ở lì trong kho, không chịu bước chân ra ngoài nửa bước. Vì tôi cứ khăng khăng "thủ thân như ngọc" nên lượng khách của thanh lâu cũng giảm dần đi, điều này khiến Tú Bà rất nhọc tâm.

    Khoảng vài giờ sau, tôi không nghe thấy tiếng Tú Bà đe dọa, cằn nhằn bên ngoài nữa. Nhẹ nhàng mở cửa ra, tôi thấy các vị tỷ tỷ đang bàn tán về một vị khách điển trai mới đến. Nghe nói, hắn không phải một tay chơi nhưng vẫn thường đi khắp nơi thưởng thức vị rượu ngon. Tôi tò mò ra hóng hớt, thì ra đó chỉ là một cái bẫy thôi.

    Vị khách điển trai đó có tên là Sở Khanh. Người ta có câu "Cái tên nói lên tất cả", quả không sai. Tôi không hiểu sao nàng Kiều lại có thể làm bạn với cái tên này, để rồi cuối cùng bị hắn cắn ngược lại, tuyệt vọng đến vô cùng.

    Sở Khanh thực chất là tay sai của Tú Bà. Bà ta phái hắn đến để lấy lòng tin của Thúy Kiều, giúp Kiều trốn thoát khỏi lầu xanh rồi cuối cùng bỏ rơi nàng, để Tú Bà có cớ đánh đập nàng, ép nàng tiếp khách. Tôi biết tỏng cái âm mưu bỉ ổi này rồi. Khi con người ta đặt hết niềm tin và hi vọng vào một ai đó nhưng người ta lại bán đứng, phản bội mình, ta sẽ rơi vào hố sâu tuyệt vọng không lối thoát.

    Đang đứng hóng chuyện thì có một bàn tay đặt lên vai tôi từ phía sau. Ngoảnh đầu lại, tôi giật bắn mình vì cái mặt già nua lão hóa nhưng đầy son phấn của Tú Bà dí sát vào tôi.

    Tôi nghĩ chuyến này cụ đi chân lạnh toát rồi, đang yên đang lành lại đi ra đây hóng chuyện làm gì cơ chứ?

    Nhưng Tú Bà lại nhìn tôi bằng vẻ mặt ôn hòa, giả tạo:

    - Có một vị khách từ kinh thành xuống chơi, không gần nữ sắc nhưng vẫn tò mò muốn chiêm ngưỡng dung nhan của mày. Hầu hạ người ta cho cẩn thận vào, đừng thách thức giới hạn chịu đựng của tao.

    Ở cuộc sống hiện đại, tôi có một người chị họ chuyên về nhạc cụ dân tộc. Vì vậy, tôi cũng được học đánh đàn tỳ bà và thổi sáo, tất nhiên cũng chỉ dừng lại ở mức cơ bản thôi. Từ khi ở đây, có vẻ kĩ năng của tôi đã được nâng cao lên rất nhiều vì tôi không hầu rượu khách mà chủ yếu chỉ đánh đàn.

    Tôi xuất hiện lung linh như một "thần tiên tỷ tỷ" vậy. Y phục màu tím có phần già nua thường ít người mặc nhưng với làn da trắng mịn màng cùng dáng người thon thả của Kiều thì dù y phục có kén người mặc cả về màu sắc hay kiểu dáng, tôi cũng có thể tôn lên vẻ đẹp của nó.

    Tôi được đưa lên lầu hai của thanh lâu- nơi mà tôi từng thề sẽ không bao giờ bước lên. Lầu một được coi là nơi khá sạch sẽ, khách ở đây đa số chỉ nghe đàn, thưởng rượu, ngắm mỹ nữ nhảy múa.. Khác với lầu hai, nơi các phòng tiếp khách bị đóng kín, phục vụ cho "chuyện giường chiếu". Lần này, tôi chịu bước chân lên đây là để lợi dụng lại tên Sở Khanh và có cơ hội thoát khỏi lầu Ngưng Bích.

    "Phòng vip" ở lầu hai đúng là khác bọt. Tầm nhìn của phòng hướng ra con sông lớn bên ngoài và gần đó là một vườn hoa. Khung cảnh hữu tình, thơ mộng như trong truyện cổ tích vậy. Từng đàn bướm đủ sắc màu bay rập rờn quanh những khóm hoa tươi đang đua nhau khoe sắc. Vài con thuyền của ngư dân trôi êm đềm trên dòng sông hòa cùng tiếng hò của một cô nương xinh đẹp nào đó..

    Cầm cây đàn tỳ bà trên tay, tôi ngẫu hứng gảy một điệu nhạc mang âm hưởng da diết, vương vấn chút buồn thương cho số phận nàng Kiều. Có tiếng vỗ tay vang lên, người này đang từ từ đi vào phòng.

    - Bà chủ ở đây nói cô tinh thông âm luật, là một quốc sắc thiên hương, quả không sai. Cô nương thực sự đã khiến tại hạ mở rộng tầm mắt.

    Mặc dù đã biết hắn là ai nhưng tôi vẫn ra vẻ điềm đạm, làm bộ mặt khó hiểu có chút đề phòng nhìn hắn.

    - Tại hạ tên Sở Khanh, cô nương yên tâm ta chỉ đến thanh lâu này thưởng rượu và ngắm cảnh sắc nơi đây thôi chứ không hề có ý khác. Cô có thể coi ta là một người bạn để giãi bày tâm tư.

    Hắn nhìn tôi bằng vẻ mặt ôn nhu, hiền từ, ánh mắt toát ra một vẻ chân thành giả tạo. Nếu ở thời đại này có giải diễn viên xuất sắc, tôi chắc chắn hắn sẽ được bình chọn nhiều nhất.

    Tôi ra hiệu cho hắn rằng mình không thể nói được, hắn gật gù bảo hắn đã biết qua lời giới thiệu của Tú Bà. Tôi biết hắn sẽ cố giả nhân giả nghĩa để có được lòng tin của tôi và đề xuất giúp tôi trốn thoát khỏi đây. Và, không như nàng Kiều ngây thơ, tin người không điều kiện, tôi sẽ lợi dụng lại hắn.

    Những ngày sau, tên Sở Khanh ngày nào cũng tới nghe tôi gảy đàn và tâm sự với tôi toàn những điều không đâu. Thấy hắn cũng có vẻ ngốc ngốc, chắc chỉ bị Tú Bà thao túng chứ cũng không có ác ý nên tôi tiết lộ cho hắn rằng mình không hề bị câm.

    - Cảm ơn chàng ngày nào cũng tới đây giãi bày tâm sự với ta, không chê ta là kỹ nữ bẩn thỉu. Thấy chàng thành tâm như vậy, ta không nỡ tiếp tục lừa dối chàng nữa. Nhưng hi vọng chàng giữ bí mật này giúp ta.

    Sau khi nghe xong, hắn có vẻ sốc lắm nhưng vẫn không quên phản ứng bình tĩnh trong vai một người bạn chí cốt.

    Sở dĩ tôi quyết định nói với hắn ta vì tôi biết hắn sẽ nói tin này cho Tú Bà. Khi hắn cùng tôi tẩu thoát khỏi đây, tôi sẽ trốn đi trước khi hắn kịp phản bội tôi. Nếu tin tức này có thể giúp hắn ghi điểm trong mắt Tú Bà thì tới lúc hắn làm hỏng chuyện, hi vọng Tú Bà sẽ nể tình hắn được việc mà không phạt hắn ta.

    Bạn biết không, cái cảm giác khi ta biết có người đang lừa dối mình nhưng ta vẫn phối hợp diễn cùng người đó thật sự rất sướng. Người kia không hề hay biết, vẫn tưởng ta ngu ngốc, cả tin nhưng thực chất, họ mới là người thấp hèn, nực cười. Như thế người ta gọi là "Gậy ông đập lưng ông".
     
  2. Sad or Happy Frog Bimm

    Bài viết:
    53
    Chương 11: Ung dung tự tại

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ánh nắng ban mai xuyên qua lớp giấy mỏng ô cửa sổ, những hạt bụi nhỏ trong không khí cứ như tìm thấy vị cứu tinh vậy. Chúng bay lơ lửng, nhanh chóng về phía vệt nắng. Những chú chim ríu rít gọi nhau trên vòm lá ngoài vườn. Từng giọt sương buổi sớm nhỏ tí tách trên hiên nhà, trượt xuống nền đất ẩm. Ngoài những chú gà dậy sớm gáy chào buổi sáng thì còn có thím làm vườn của thanh lâu nữa.

    Thím làm vườn rất chăm chỉ, ngày nào cũng đi làm từ sáng sớm tinh mơ, dọn sạch cỏ dại, tưới nước bón phân đều đặn, dù nắng hay mưa tôi cũng thấy thím ở đó.

    Thím làm vườn là người duy nhất không bao giờ bị Tú Bà trách mắng một câu nào ở cái thanh lâu này. Vừa ngưỡng mộ vừa thương thím làm việc vất vả, tôi cũng thường bưng trà mời thím và đàn cho thím nghe mỗi lúc rảnh rỗi nhưng tôi giấu thím chuyện mình không hề bị câm.

    Cho tới cái đêm tôi tiết lộ bí mật cho tên Sở Khanh biết, thím đã vô tình nghe được và khá giận tôi vì tôi đã giấu thím lâu như vậy. Hôm nay, tên Sở Khanh đến thanh lâu từ sáng và vẫn bỏ tiền nghe tôi đàn.

    - Ngày mai ta phải về kinh thành để chăm em gái bị ốm. Nàng có muốn cùng ta rời khỏi nơi đây không?

    Cuối cùng hắn và Tú Bà cũng tung ra đòn chí mạng cuối cùng rồi, tôi nhẫn nhịn đợi mãi cái khoảnh khắc này. Tôi trợn tròn mắt nhìn hắn:

    - Chàng bảo sao cơ? Cùng chàng tẩu thoát khỏi địa ngục này ư?

    Sở Khanh khẽ nhếch mép, đủ nhanh để qua mắt Thúy Kiều nhưng đã lọt vào tầm quan sát của tôi.

    - Đúng vậy. Ta biết nghe hơi hoang đường và đột ngột nhưng nàng có tin ta không? Nếu nàng nguyện ý, chúng ta sẽ cùng nhau trốn đi.

    Chỉ có những đứa ngu ngốc mới không bị lời này dụ dỗ thôi. Ai mà chẳng muốn nhanh chóng thoát cái nơi ô uế này? Dĩ nhiên không ngoại trừ tôi đây, tôi gật đầu đồng ý cùng Sở Khanh trốn khỏi Tú Bà.

    - Đến canh ba tối nay, ta sẽ đợi nàng ở khu vườn dưới lầu hai. Nàng hãy lên lầu hai và nhảy xuống. Yên tâm, ta sẽ cưỡi ngựa đón nàng ở đó, hãy tin ta.

    Sau khi bàn bạc kĩ lưỡng kế hoạch trốn thoát, tên vô lại Sở Khanh cáo từ rồi ra về. Ngày hôm nay, thời gian trôi qua lâu đến lạ, tôi cứ ngồi đếm từng phút từng giây, mong chờ đến canh ba. Tú Bà-người nắm rõ trong tay kế hoạch đào tẩu của tôi cũng không làm khó dễ bắt tôi tiếp khách nữa. Như một con nhện độc chăng tơ, bà ta im lặng chờ con mồi sa lưới.

    Canh ba sắp đến. Ánh sáng le lói từ chiếc đèn dầu của con thuyền nhỏ phía xa cùng với tiếng mái chèo nhẹ khuấy động dòng nước. Có tiếng chó tru lên vài hồi nơi thôn làng tối om. Bầu trời đen kịt, không có trăng chiếu sáng mà chỉ có những ngôi sao rực rỡ, lấp lánh tỏa sáng. Trong bộ y phục gọn gàng cùng chiếc nón có mạng che mặt, tôi bước chân lên thành lan can, dang đôi tay hứng lấy gió trời, tưởng tượng như đang đứng trước mũi tàu Titanic.

    - Kiều, nàng mau nhảy xuống đây. Cố gắng đừng kêu to tiếng nhé, ta đỡ nàng.

    Tôi nhắm chặt mắt, thu đầu gối lại và để cơ thể rơi tự do xuống dưới. Tên Sở Khanh kịp thời ôm lấy eo tôi, cẩn thận đặt tôi lên ngựa rồi dặn tôi bám chặt lấy áo hắn vì hắn sẽ phi ngựa rất nhanh.

    Đi được một quãng khá xa, bên tay trái tôi là một khu rừng rậm rạp. Lấy trong tay nải một nắm tro tàn vét ở lư hương, tôi ném tro vào mặt Sở Khanh rồi nhảy xuống ngựa, mất hút vào rừng sâu.

    Nghe có vẻ hơi bỉ ổi, nhưng nếu không "ăn cháo đá bát" thì tôi sẽ lại rơi vào tay Tú Bà mất. Nàng Kiều ngây thơ đã bị hắn lừa như vậy đấy. Hắn thả Kiều gần một tửu quán rồi bảo nàng đợi hắn đi dò đường, cuối cùng thì người quay lại không phải Sở Khanh mà là Tú Bà.

    Tên Sở Khanh sau đó có phản ứng gì thì tôi không rõ, chỉ biết hắn hét lên như con lợn bị chọc tiết rồi văng một đống câu từ tục tĩu. Tôi chạy thục mạng vào sâu trong rừng, thoăn thoắt như một chú sóc nhỏ được thả tự do.

    Trong rừng sâu nguy hiểm, không biết có gặp phải thú dữ không nhưng may mắn thay, ánh sáng xanh của những con đóm đóm bay lên đã soi đường cho tôi không bị vấp ngã. Tôi cứ chạy mãi như thế, tự nhủ rằng chạy càng xa càng tốt..

    Khi đã bắt đầu có tiếng gà gáy sáng, phía chân trời dần ửng hồng, tôi cũng đã mệt lả rồi. Cổ họng thì khát khô, bụng cũng đói meo cả. Đúng là nhân vật chính có khác, từ sau những tán cây rậm rạp, tôi thấy thấp thoáng có một làn khói bốc lên kèm theo hương thơm ngọt bùi của cơm trắng.

    Có một túp lều lụp xụp dựng ở cuối khu rừng. Đằng sau nó là đường làng đầy sỏi đá, trước mắt là một cánh rừng sâu thăm thẳm. "Dựng nhà kiểu gì kì cục ghê" - Tôi nghĩ bụng.

    - Kiều? Thúy Kiều đúng không? Sao con lại ở đây?

    Nước mắt tôi bắt đầu rưng rưng quanh khóe mắt, như một đứa bé lâu ngày nhìn thấy mẹ của mình. Túp lều nhỏ này lại là của thím làm vườn ở thanh lâu! Đây có lẽ là duyên phận giữa tôi và thím rồi. Vậy là tôi có thể sống tự do trong rừng với thím, sống những tháng ngày có "hương vị cuộc sống".

    [​IMG]
     
  3. Sad or Happy Frog Bimm

    Bài viết:
    53
    Chương 12: Cuộc gặp gỡ định mệnh

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Dân làng bắt đầu một ngày mới. Tiếng xe ngựa qua lại trên đường lóc cóc nghe thật vui tai. Mấy bà thím to tiếng gọi nhau đi cấy lúa, giặt đồ. Lũ trẻ trong xóm, thay vì cắp sách đi học như ở thế giới hiện đại thì chúng phải ra đồng phụ mẹ, lên nương giúp cha hay đi làm thuê ở những gia đình giàu có.

    Sau khi thu nhận tôi ở cùng, thím làm vườn cũng xin nghỉ làm ở thanh lâu luôn. Thím muốn có nhiều thời gian để bầu bạn và chăm sóc tôi.

    - Ta là Nhã Lâm, sống cô độc ở đây một mình thôi. Từ lâu ta đã coi con như con gái của mình, cứ yên tâm mà sống ở đây nhé.

    Thím nói nhỏ nhẹ, trầm ấm như tiếng của mẹ vậy. Tôi là người rất dễ bị lay động nên lập tức tin tưởng vào người phụ nữ này. Thím thực sự rất tốt, luôn quan tâm và chăm sóc tôi khi còn ở thanh lâu.

    Nhiều ngày trôi qua, tôi vẫn sống rất bình yên ở căn nhà nhỏ này. Hàng ngày, tôi vào rừng hái quả, ra sông giặt đồ hoặc dạy đàn cho mấy nhóc tì gần đây.

    - Tỷ tỷ ơi, sắp tới lễ hội hoa đăng rồi đó, tỷ có muốn vào trong làng cùng chơi với bọn ta không.

    Lũ nhóc cứ xôn xao cả lên, tranh nhau hỏi đủ thứ. Lễ hội ư? Vậy thì sẽ có đông người lắm nhỉ, lại còn có rất nhiều trò vui nữa.

    - Đã lâu rồi con chưa được thả lỏng và sống cho chính mình, cùng đi đi! Nhân dịp này cứ chơi cho thoải mái, cho khuây khỏa đầu óc.

    Thím Lâm từ trong nhà đi ra, trên tay bê một giỏ đầy những vải hoa, vải trơn, lụa đỏ.. Chắc thím mới mua được ở phiên chợ hôm qua đây mà. Dù sống trong túp lều nhỏ nơi rừng núi nhưng thím không hề nghèo khó đâu nha!

    Tạm biệt lũ nhóc dễ thương với lời hẹn chắc chắn sẽ tham gia lễ hội, tôi cùng thím Lâm bắt tay vào công cuộc may y phục. Tôi chọn cho mình một cuộn vải đỏ trơn, không có hoa văn hay họa tiết gì cả, để tránh cho mình không quá nổi bật chỗ đông người.

    Chiều hôm sau, khi mặt trời bắt đầu khuất bóng phía sau ngọn núi, ngôi làng tự nhiên sáng rực nhờ ánh quang lung linh, huyền ảo của đèn hoa đăng, đèn lồng.. Tiếng cười nói náo nhiệt, rộn ràng khắp cả thôn làng. Những khúc ca vui tươi, nhộn nhịp bắt đầu vang lên, tô điểm cho nụ cười giòn giã, thích thú của em bé nào đó.

    Tôi mặc bộ y phục đỏ tươi, đeo khuyên tai bông hoa và cài điểm xuyết thêm một đóa mẫu đơn lên mái tóc. Vì thời tiết có vẻ oi bức nên thím Lâm dặn tôi nhớ đem theo quạt giấy. Sửa soạn xong xuôi, tôi cùng dì nhanh chân rảo bước vào làng.

    Dù đã cố gắng đơn giản hóa hết mức có thể nhưng nhan sắc của Kiều thực sự quá lợi hại. Ai đi qua cũng phải ngoái đầu lại nhìn tôi một cái, xuýt xoa trước vẻ đẹp mỹ miều này. Thím Lâm đi bên cạnh cứ cười tủm tỉm mãi, rồi thím kéo tôi vào một đám đông đang xúm lại gần đó. Thì ra là một cuộc thi múa đường phố của mấy cô nương xinh đẹp.

    Bà quản trò nhìn thấy tôi trong đám đông, liền lớn tiếng rao:

    - Cô nương nào nhận được nhiều tiếng vỗ tay và lời cổ vũ nhất sẽ có cơ hội nhận được số tiền lớn!

    Thím Lâm nhìn tôi rồi khuyến khích tôi thử xem sao. Vì cũng từng học múa nên tôi cũng không ngại biểu diễn cho mọi người xem. Tôi bước lên khán đài, múa quạt một cách uyển chuyển và nhịp nhàng. Dưới ánh đèn đủ màu tỏa sáng rực rỡ, lấp lánh, người kéo đến xem tôi múa ngày càng đông. Phen này, hẳn bà quản trò kiếm được món tiền lớn!

    Sau khi kết thúc điệu múa, tôi nhận được tràng vỗ tay, hò hét mãnh liệt của mọi người. Có chút ngại ngùng, tôi vội kéo tay thím rời khỏi đám đông. Bà quản trò lúc nãy tới gần tôi, hỏi thăm lịch sự:

    - Ta đã nhìn trúng tài năng và nhan sắc của cô nương trong hàng trăm người biểu diễn tối nay. Liệu cô nương có muốn tham gia đoàn múa của ta và dùng khả năng múa của mình để kiếm tiền không?

    Tôi lễ phép từ chối bà ta nhưng bà ta vẫn sấn tới và tiếp tục:

    - Xin cô nương hãy nghĩ kĩ lại, cô như vậy là lãng phí cuộc đời đó!

    Thấy tôi vẫn không hề lung lay trước lời đề nghị béo bở, bà ta lập tức trở mặt:

    - Vậy phiền cô nương trả ta một trăm lượng tiền biểu diễn đi.

    Tôi đanh mặt, lớn tiếng hỏi:

    - Tiền nào?

    - Thì cô biểu diễn trên sân khấu nhà ta, phải trả ngân lượng chứ? Đừng nói xinh đẹp như vậy mà chút xu lẻ cũng không có chứ? - Bà ta vênh mặt đáp trả.

    - Cứ xinh đẹp thì phải giàu có à? Bổn cô nương đây đúng là không thiếu tiền nhưng ta tuyệt đối không lãng phí một cắc nào cho loại lừa đảo như bà!

    Thấy có to tiếng cãi vã, nhiều người đi qua cũng dừng chân hóng hớt. Bà quản trò nắm chặt lấy tay tôi không cho đi, còn tôi thì vẫn ngoan cố nói lý với bà ta. Bỗng từ đám đông hiếu kỳ có một công tử điềm đạm, có chút đào hoa bước ra phía trước. Người này mang dáng vẻ phong lưu của một dân chơi lão làng, phe phẩy chiếc quạt trên tay, lại gần tôi và gỡ tay mụ quản trò ra:

    - Tại hạ Thúc Sinh, xin được trả trăm lượng thay cho cô nương đây.

    [​IMG]
     
  4. Sad or Happy Frog Bimm

    Bài viết:
    53
    Chương 13: Lời đề nghị ngọt ngào

    Bấm để xem
    Đóng lại
    [​IMG]

    Trong khi mọi người ra sức vỗ tay, tỏ vẻ ngưỡng mộ vì một vị đại hiệp ra tay cứu giúp thì tôi lại đứng hình.

    Nếu như trong Truyện Kiều, Thúc Sinh phải đem vàng đến đưa Tú Bà để chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh thì tại giờ phút này, chàng phải bỏ tiền ra tương trợ cho tôi.

    Tôi chợt nhận ra, dù mình cố gắng thay đổi cuộc đời của Thúy Kiều ra sao thì vẫn không thể thoát khỏi vòng quay số phận. Tôi vẫn sẽ gặp những nhân vật trong Truyện Kiều, vẫn phải đối mặt với muôn trùng khó khăn và đau khổ.

    Vội vàng đa tạ vị công tử áo đen, tôi cùng thím Lâm nhanh chóng rời khỏi tầm mắt của Thúc Sinh và bà quản trò. Tôi dừng chân gần bờ sông, gục mặt xuống đầu gối nhìn bóng mình dưới nước. Thím Lâm vỗ vai an ủi tôi:

    - Vị công tử kia quả là người tốt. Con ngồi đây nhé để ta mua chút nước uống.

    Ngồi thẫn thờ được một lúc, tôi nghe thấy trong tiệm nước ven đường có tiếng chửi bới om sòm. Tính tò mò lại nổi lên, tôi chầm chậm đứng dậy và lại gần hóng chuyện.

    - Bà hậu đậu đụng vào lán nước của ta, bây giờ đổ vỡ hết hàng của ta rồi bà phải đền chứ? - Tiếng ông chủ quán to tiếng hét.

    - Ta xin lỗi, là lỗi của ta, ta sẽ đền cho ông nhưng chỗ hàng này cũng không đến tám trăm lượng chứ?

    Tôi lao vào đám đông, bà lão tội nghiệp kia đắc tội với ông chủ quán nổi tiếng hay ăn chặn tiền của khách rồi!

    - E hèm, Thúc Sinh công tử đến kìa!

    Bà vợ của ông chủ quán hắng giọng, trừng mắt ra hiệu với chồng.

    - Mới mấy ngày không tới đây mà quán nước nhỏ này lại lộn xộn thế nhỉ?

    Ông chủ quán xoắn xuýt giải thích với Thúc Sinh rồi lên giọng:

    - Nể tình Thúc Sinh công tử lâu ngày ghé chơi, ta không so đo tính toán với bà nữa. Mau về đi, lần sau đừng để ta nhìn thấy bà.

    - Vừa nãy còn to tiếng đòi tiền cơ mà? Sao thế, sợ người ta phát hiện hàng rởm, hết đát nên lấp liếm cho qua à? - Tôi tức lắm nhưng vẫn hỏi bằng vẻ mặt lạnh tanh.

    Người dân quanh đó bắt đầu xì xào bàn tán, thím Lâm cũng ở đó, nhặt hàng lên kiểm chứng. Ông chủ quán mặt đỏ tía tai, vội lạy mọi người rồi lủi thủi trốn vào nhà.

    - Cô nương là người trượng nghĩa, luôn phân biệt rõ trắng đen, phải trái. Chỉ một đêm hội mà chúng ta có duyên được gặp nhau hai lần. Không biết ta có phước được mời cô nương một tách trà không nhỉ?

    Vốn định khước từ nhưng nghĩ tới màn giải vây vừa rồi, tôi đồng ý theo hắn vào một trà quán gần đó. Thúc Sinh quả là con người hài hước, dù có dáng vẻ đào hoa nhưng vẫn biết giữ chừng mực. Suốt cả buổi hàn huyên đủ thứ chuyện nhưng Thúc Sinh không bao giờ nhìn tôi chằm chằm quá lâu.

    Tuy trẻ tuổi nhưng Thúc Sinh cũng được lòng thím Lâm lắm, am hiểu nhiều thứ và nói chuyện rất phải phép. Sau khi kết thúc lễ hội bằng tiết mục thả hoa đăng cầu nguyện, tôi và thím Lâm tạm biệt Thúc Sinh cùng lũ trẻ trong làng.

    Lại nói tới thím Lâm, từ sau khi nghỉ việc ở thanh lâu, thím vẫn luôn đi làm thuê cho một địa chủ trong vùng. Bình thường, thím phải tự chuẩn bị bữa trưa mang đến chỗ làm, tiền công thì ít ỏi, lại còn thường xuyên phải làm từ sáng sớm cho đến tối muộn mới được về. Nhưng, kể từ sau lễ hội hoa đăng dạo nọ thì công việc của thím bỗng nhiên thuận lợi hơn nhiều.

    Thay vì phải đi làm từ sáng sớm thì thím chỉ làm việc khoảng hai, ba canh giờ là được về. Không những thế, thím còn được bao bữa trưa, tiền lương cũng đột nhiên nhiều hơn. Điều kì lạ là, cả tôi cũng vậy. Từ sau hội hoa đăng, tôi nhận được nhiều lời mời dạy đàn của các phú bà với mức ngân lượng cao ngất ngưởng. Tôi vốn không tin vào thần thánh hay cúng bái gì cả nên quyết định sẽ vào làng thăm dò.

    Đúng là mò kim đáy bể, tôi còn chẳng biết mình phải bắt đầu điều tra từ đâu nữa. Buổi tối, khi tôi và thím quây quần bên nhau quanh mâm cơm ấm cúng, tôi mở lời:

    - Dạo này công việc của con và thím đều lên cao như diều gặp gió, thím nhỉ!

    Những tưởng thím Lâm sẽ vui vẻ giải đáp cho tấm lòng hiếu kì của mình, nhưng thím chỉ lặng lẽ gật đầu và giục tôi ăn cơm.

    Sáng hôm sau, tôi tỉnh dậy khá muộn, không biết vì sao mà lại ngủ đến tận giờ này. Ấy vậy mà thím Lâm lại không gọi tôi dậy, lại còn chuẩn bị sẵn một bàn ăn đầy đủ sơn hào mỹ vị nữa. Lấy làm lạ, tôi đứng dậy và chạy ra ngoài.

    Từ phía xa, Thúc Sinh bước tới trong bộ y phục đỏ, có chút chỉn chu và trịnh trọng hơn thường ngày, phía sau là hai tì nữ bê vàng và trầu cau.

    - Cô nương Thúy Kiều, tuy chúng ta chỉ mới gặp nhau gần đây nhưng sự trượng nghĩa, thông minh và khéo léo của nàng đã lay động trái tim ta. Nay, tuy đã có một người vợ nhưng ta vẫn muốn cưới nàng về làm vợ lẽ, nàng có nguyện đi cùng ta không?
     
  5. Sad or Happy Frog Bimm

    Bài viết:
    53
    Chương 14: Trí thông minh lượm nhặt

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi sững sờ trước lời hỏi cưới của Thúc Sinh. Ở xã hội phong kiến, trai năm thê bảy thiếp là chuyện bình thường nhưng tôi vẫn không thích nghi ngay được. Thím Lâm từ phía sau lại gần nói:

    - Dù công tử đây đã có chính thê nhưng ta thấy hắn là thật lòng yêu thương con. Ta tin chắc rằng, nếu con theo công tử về làm vợ lẽ, người ta nhất định sẽ không để con chịu tủi thân đâu! Con xem, công tử còn thẳng thắn nhận là đã có vợ, vì không muốn có chút gì giấu diếm con.

    Tôi biết chứ, Thúc Sinh là thật lòng trân trọng Thúy Kiều, nhưng điều tôi băn khoăn chính là cuộc sống sau này, khi Hoạn Thư- vợ cả của Thúc Sinh biết đến sự tồn tại của tôi. Thấy tôi có vẻ vẫn lưỡng lự, thím Lâm tiếp lời:

    - Ta cũng không nỡ gả con đi, dẫu sao chúng ta cũng chỉ mới gặp công tử Thúc Sinh. Nhưng con biết không, nhờ công tử mà công việc của ta và con mới được như ý muốn. Con cứ hỏi trái tim mình xem?

    Hóa ra, từ sau lần gặp hôm lễ hội, Thúc Sinh vẫn luôn âm thầm giúp đỡ tôi và thím Lâm có cuộc sống tốt hơn. Tấm lòng chân thành của hắn thật sự đã làm tôi động lòng.

    Dù biết trong tương lai, còn nhiều nữa những gian nan thử thách nhưng tôi thà chọn đối mặt với nó còn hơn là trốn tránh suốt đời.

    Tôi e thẹn gật đầu đồng ý, dù trái tim và lí trí đều mách bảo tôi, gả vào nhà người này cũng giống như sống trong hang cọp vậy. Vì là vợ lẽ nên tôi không được tổ chức lễ rước dâu, mà chỉ được Thúc Sinh đưa về nhà ra mắt cha.

    Thúc Ông nghe tin con trai về thì mừng lắm, nghênh đón hắn linh đình từ xa. Dù đã già, trên đầu điểm lốm đốm vài sợi bạc nhưng ông vẫn nhanh nhẹn lắm. Với nụ cười hiền từ, Thúc Sinh dắt tay tôi vào nhà, quỳ xuống trước Thúc Ông:

    - Cha, con cùng cha rời quê nhà Vô Tích đi làm ăn cũng hơn một năm trời, thứ lỗi cho con giờ này mới về.

    - Được rồi, đứng dậy đi. Thế còn cô nương này là? - Thúc Ông nhìn tôi bằng ánh mắt không mấy thiện cảm.

    - Tiểu nữ Thúy Kiều, hân hạnh được gặp Thúc Ông. Tiểu nữ vô tình được công tử cứu giúp, nay công tử không những không chê mà còn muốn cưới tiểu nữ làm vợ, tiểu nữ xin lão gia tác thành.

    Thúc Ông nổi giận lôi đình, lập tức sai tên người làm đi điều tra về lai lịch của tôi. Tôi thầm nghĩ, hành động này nên làm một cách kín đáo chứ nói thẳng ra trước mặt tôi như vậy, có vẻ khá bất lịch sự.

    Tôi và Thúc Sinh quỳ khoảng bốn canh giờ thì tên thuộc hạ của Thúc Ông quay về, hoảng hốt báo:

    - Lão gia, người này trước kia từng là kĩ nữ của một thanh lâu.

    Thúc Ông vung tay, bộ ấm trà trên bàn rơi xuống đất vỡ tan tành:

    - Thúc Sinh ơi là Thúc Sinh! Đành rằng muốn cưới vợ lẽ thì cũng được thôi, nhưng sao lại đi lấy một con điếm dơ bẩn chứ? Con muốn mặt mũi của ta phải để đi đâu?

    Sau khi tuôn một loạt những lời chửi mắng, trách móc, Thúc Ông sai người lôi tôi ra khỏi nhà, rồi đi báo quan. Thúc Ông cho rằng tôi là loại con gái không đứng đắn, dùng nhan sắc để mê hoặc, dụ dỗ con trai ông ta. Quỳ gối ngoài sân với cái gông trên cổ, tôi tự thấy có chút tủi thân.

    Thúc Sinh vẫn quỳ trong nhà, liên tục van nài, cầu xin Thúc Ông. Đối diện với sự nghiêm nghị, đáng sợ của Thúc Ông, Thúc Sinh dọa sẽ tự tử nếu cha hắn cố tình làm hại tôi. Trời buổi trưa nắng gắt oi ả, những tán cây cổ thụ trong sân không đủ rộng để làm bóng râm che cho người con gái tội nghiệp này. Mang tiếng về làm vợ lẽ mà bây giờ phải chịu cảnh đau khổ như tù nhân. Vài giờ sau, tôi bị áp giải lên công đường.

    Trên công đường, vị quan của buổi xét xử hôm nay ngồi nghiêm chỉnh trên ghế, gương mặt đầy vẻ uy nghiêm nhưng vẫn rất nhân hậu và thiện chí. Sau khi nghe Thúc Ông trình bày sự việc, quan hỏi:

    - Nhà ngươi từng làm kĩ nữ trong thanh lâu, tiết hạnh đã bị vấy bẩn, tại sao vẫn muốn lấy chồng?

    - Quả thực tiểu nữ đã từng bị bán vào thanh lâu, nhưng xin thề với trời đất, tấm thân này của tiểu nữ vẫn trong sạch. -Với ánh mắt long lanh và tràn đầy kiên định, tôi ngẩng mặt lên nhìn quan lớn.

    Thúc Ông sốt ruột, nói ngay:

    - Làm gì có ai ở lầu xanh mà vẫn còn trinh tiết chứ? Cô định lừa trẻ con à?

    Quan lớn chỉ tay vào mặt tôi, thét:

    - Trật tự! Bây giờ, nếu nhà ngươi thú nhận mình đã mê hoặc công tử Thúc Sinh nhằm chiếm lấy tiền tài của nhà họ Thúc thì sẽ được đưa trả về lầu xanh, coi như không có tội. Còn, nếu vẫn ngoan cố không nhận sẽ bị phạt mười trượng.

    Tất nhiên là không quay lại lầu xanh rồi, tôi có vấn đề về thần kinh đâu? Vả lại, tôi cũng không nhắm vào tài sản gì cả, nên đành cắn răng chịu đòn. Mấy tên lính chẳng biết thương hoa tiếc ngọc gì cả, vẫn cứ đánh tôi như bình thường.

    Mới đánh hai roi mà tôi đã thấy đau đớn rồi, quan nhận ra và lệnh cho dừng tra tấn. Thúc Sinh vội lao vào và nhận hết mọi tội lỗi về mình. Thúc Ông lườm thằng con ngu ngốc, tặc lưỡi tỏ vẻ khó chịu. Thấy Thúc Sinh bảo vệ tôi như vậy, quan cho người về làng tôi hỏi thăm. Tin báo về đúng sự thật, quan gật gù hài lòng.

    Đúng như trong Truyện Kiều, vị quan này rất trọng người tài. Để làm Thúc Ông yên lòng trước khi thả tôi, theo lời của Thúc Sinh, biết tôi có học vấn tốt, quan thử tài:

    - Được, vậy nhà ngươi thử vịnh thơ về chiếc gông trên cổ ngươi xem?

    Trước con mắt mong chờ của quan và sự khinh bỉ của Thúc Ông, tôi cố lục lại trí nhớ. Tôi hắng giọng, đọc y nguyên những câu thơ mà nàng Kiều đã vịnh. Nghe xong, Thúc Ông vuốt chòm râu bạc mỉm cười, quan lớn vỗ tay rồi xử tôi vô tội.

    Trên đường về nhà, Thúc Ông bảo Thúc Sinh:

    - Cô nương này đúng là rất xứng với con. Nhưng dù gì con cũng đã có vợ, không thể tùy tiện xưng phu thê được. Hai đứa tạm sống ở nơi khác đi.

    Thế là, bằng sự thông minh của "người khác", tôi đã thành công qua ải Thúc Ông. Chuẩn bị nghênh đón những quan ngại phía trước, tôi phóng tầm mắt ra xa, nhìn cánh đồng lúa vàng ươm, rộng bao la, bạt ngàn.

    [​IMG]
     
  6. Sad or Happy Frog Bimm

    Bài viết:
    53
    Chương 15: Sải cánh

    Bấm để xem
    Đóng lại


    [​IMG]

    Thúc Sinh quả thực rất yêu thương và trân trọng tôi. Tuy vậy, tôi vẫn không hề cảm thấy trái tim mình rung động. Thúc Sinh trong lòng tôi giống một người bạn, một người cộng sự hơn. Chàng lo cho tôi chu toàn mọi thứ, từ chỗ ở cho tới đồ ăn, sức khỏe, tâm trạng. Chung sống với nhau được vài tuần thì Thúc Sinh có việc phải đi xa một chuyến:

    - Nàng cứ yên tâm ở nhà nhé, ta đi khoảng ba tháng sẽ về. Đến lúc đó, ta sẽ mua về cho nàng thật nhiều đồ hay thức lạ.

    Tôi chỉ gật đầu mà không chút bịn rịn, lưu luyến hay níu kéo. Thay vì cảm thấy như vậy thì tôi lo lắng nhiều hơn. Rồi bà vợ cả của Thúc Sinh sẽ bắt tôi về hành hạ cho bõ tức. Biết là vậy nhưng tôi sẽ dũng cảm đứng trước cô ta, khẳng định mình không giống thứ "tiểu tam giật chồng" như cô ta nghĩ.

    Thúc Sinh rất tốt nhưng tôi rất tiếc, cái tính sợ vợ và trăng hoa khiến tôi ghét cay ghét đắng. Giờ mà hối hận vì gả cho hắn thì cũng muộn rồi, vì vậy tôi sẽ không hối hận.

    Hai ngày sau khi Thúc Sinh rời nhà đi, tôi chợt có dự cảm không lành. Đêm nay, trời mưa to. Những giọt mưa rơi rả rích xuống mặt hồ trước nhà, tạo thành những xoáy nước tròn. Những con cóc gọi bạn kêu vang cả một vùng. Tôi đứng trước hiên nhà nhìn ra bên ngoài, một màn đêm tĩnh mịch không chút ánh sáng nào.

    Gần sáng, mưa bắt đầu ngớt dần, chỉ còn nghe thấy tiếng tí tách rơi trên mái nhà. Mùi nước mưa thoảng trong gió, mát lành vô cùng. Chợt có tiếng ồn ào từ ngoài đường cái, người dân chung quanh ai nấy đều khúm núm to tiếng:

    - Khuyển đại nhân! Ưng đại nhân! Có chuyện gì mà các ngài phải lặn lội từ Vô Tích đến tận vùng Tề nhỏ bé này ạ?

    Vừa nghe thoáng thấy nhắc đến Vô Tích, tôi giật mình hiểu ra mình sắp bị vợ Thúc Sinh bắt về rồi. Loay hoay nhưng không kịp, tôi bị hai tên côn đồ to con bịt miệng, kề dao cạnh cổ. Sau đó, chúng để xác một người chết lên giường, tưới dầu khắp ngóc ngách trong nhà rồi châm lửa thiêu rụi nơi này. Vì đã biết trước sự việc nên tôi không hề kháng cự hay ngạc nhiên gì cả. Hai tên Khuyển và Ưng trói tôi lại, trốn ra cửa sau tránh dân làng rồi thẳng tiến ra cảng biển.

    Trên con thuyền to rẽ sóng hướng về Vô Tích, tôi được cởi trói vì ngoan ngoãn, không chống đối lại bọn chúng. Đứng chơi vơi trước mũi thuyền, tôi có chút chạnh lòng. Tiếng sóng vỗ rì rào cứ đều đều nhấp nhô trên mặt biển, vài chú chim hải âu chao liệng quanh vòm trời xanh biếc. Những đợt sóng bạc đầu mang theo hơi muối mặn của đại dương bao la có lẽ là khoảng thời gian tự do và bình yên nhất mà tôi có được.

    Sau một đêm lênh đênh trên biển, con thuyền cuối cùng cũng cập bến. Tôi bị Ưng, Khuyển trói lại một lần nữa rồi tống vào một cỗ xe ngựa chật chội hướng thẳng về phía Tây. Hình như do cố tình, mà người đánh xe liên tục quẹo phải, rẽ trái bất thình lình, làm tôi nghiêng ngả, chóng mặt vô cùng.

    Xe dừng bánh tại một căn nhà nguy nga, tráng lệ. Lớp sơn màu trắng bao trùm trên bê tông săn chắc, cổng được dát vàng trông rất sang trọng, cũng không kém một ngôi nhà hiện đại là bao. Chắc hẳn chủ nhân của nó phải là người cực kỳ giàu có và quý phái.

    Vừa nghĩ xong, Khuyển-Ưng tiếp tục lôi tôi xềnh xệch vào trong nhà, quăng tôi vào một căn phòng nhỏ sau vườn có chứa củi và rơm. Đã quen chịu cảnh khốn khổ thế này rồi, vả lại cũng nắm bắt rõ tình hình nên tôi cũng không hề kêu ca hay hoang mang gì cả. Hai tên thuộc hạ của Hoạn Thư lấy làm lạ, bèn cởi khăn bịt mồm tôi ra, hỏi:

    - Đang yên đang lành bị bắt đi mà suốt dọc đường lại không một lời hỏi han gì, đầu óc ngươi có vấn đề à?

    - Không, ta biết rõ mồn một mình đang ở đâu, các ngươi là ai và bắt ta với mục đích gì. -Tôi nhếch đôi lông mày, tỏ vẻ thông thái.

    - Không thể có chuyện đó được, trừ phi ngươi có siêu năng lực, haha- Khuyển, Ưng phá lên cười như mấy ông già đang đánh thắng mạt chược.

    Được nước làm tới, cảm ơn hai vị "đại nhân" đã gợi ý giúp ta một vai diễn mới trong cuộc đời. Không làm kẻ câm nữa thì làm người mang siêu năng lực vậy. Có như vậy, ít nhiều cũng giúp tôi bảo toàn được tính mạng bé nhỏ này.

    - Không tin ta là một sai lầm của những kẻ ngu xuẩn. Hai ngươi là Khuyển và Ưng, cánh tay đắc lực của Hoạn Thư phu nhân. Chắc hẳn cô ta đã nghe thấy việc chồng ở bên ngoài lấy một kĩ nữ xinh đẹp, nên mới lệnh cho các ngươi bắt ta về, đúng không?

    Tôi ung dung khoanh tay trước ngực, cúi gằm mặt xuống ra vẻ nguy hiểm, thần bí. Hai tên Khuyển, Ưng cũng rất gì và

    Này nọ, tuy tỏ vẻ hoài nghi nhưng vẫn vội thụp xuống lạy tôi, mở lời:

    - Cô nương quả thực có năng lực nhìn thấu mọi việc à? Vậy mạo muội hỏi một câu để chứng thực.

    Ngập ngừng đôi chút, hai tên Khuyển và Ưng nhìn nhau rồi đồng thanh:

    - Cô thử nói xem cha mẹ chúng ta tên gì?
     
  7. Sad or Happy Frog Bimm

    Bài viết:
    53
    Chương 16: Chỉ là con hổ giấy

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hỏi thế này thì đúng là khó hơn lên trời rồi, ai mà biết cha mẹ các ngươi tên là gì chứ?

    Tôi chậm rãi quay người lại, giả vờ trầm ngâm suy tư:

    - Có những việc trên đời, không phải muốn biết là biết được. Cũng như ta biết rõ tuổi thọ của hai ngươi nhưng lại không thể nói ra vậy, vì như vậy là trái với thiên ý.

    Có vẻ cũng miễn cưỡng chấp nhận hoặc do đần độn, mà Khuyển và Ưng không làm khó tôi nữa. Ưng ở lại trông chừng tôi, trong khi Khuyển nhận nhiệm vụ báo cáo tình hình với cô chủ của chúng.

    Ưng và Khuyển mang tới cho tôi một bộ y phục trang nhã, thanh lịch và cũng không kém phần sang trọng, quý phái. Thay vì bị hành hạ trong ghen tuông như ở Truyện Kiều thì tôi lại được đối xử như khách quý vậy. Khi gặp Hoạn Thư, chưa kịp để cô ta mở miệng hỏi thì tôi đã mau mồm:

    - Rất vui được gặp tiểu thư, ta là một pháp sư tâm linh cũng có chút tiếng tăm, vì việc làm ăn của Thúc Sinh công tử gặp khó khăn, thất bại liên tiếp nên công tử đã đến gặp ta để hỏi.

    - Rồi sao nữa? - Hoạn Thư nhìn tôi, sắc sảo.

    - Ta bói ra thấy công tử bị một vong nữ bám theo, có thể là vợ công tử từ kiếp trước hoặc người bị chết oan vì công tử. Vì vậy, ta mới đưa ra kế sách để ta làm vợ lẽ của Thúc Sinh, khiến vong nữ không còn tơ tưởng bám theo nữa. Mong tiểu thư không để bụng ta, cũng đừng hiểu lầm Thúc Sinh công tử.

    Bán tín bán nghi nhìn tôi, có vẻ như cụm từ "người bị chết oan vì công tử" đã làm Hoạn Thư hơi dè dặt. Tôi có thể đã nói trúng tim đen của cô ta chăng? Cũng đúng thôi, người độc ác và ghen tuông như vậy phải bức chết bao nhiêu người vô tội rồi cơ chứ.

    - Người đâu? Dọn dẹp căn phòng cũ của ta thật sạch sẽ rồi hầu hạ tiểu thư đây cho thật tốt.

    Tôi được một nô tỳ dễ thương dắt tới một căn phòng cực kỳ gọn gàng, ngăn nắp và sạch sẽ. Hoạn Thư thật sự tin những lời tôi bịa ra sao?

    Không nghĩ ngợi nhiều nữa, tôi đặt chân vào căn phòng rộng rãi và ngồi xuống ghế một cách duyên dáng, sang trọng. Với lấy chiếc quạt giấy tròn trên mặt bàn, tôi khẽ phe phẩy nó với chút buồn bã trong lòng. Ngồi được một lúc thì có một cậu nhóc bưng khay trà và bánh lên:

    - Cô chủ của chúng tôi muốn mời tiểu thư chút điểm tâm, xin tiểu thư nếm thử và cho nhận xét vì cô chủ chúng tôi tự tay làm. Trước giờ cô chủ chưa tự tay làm gì đâu, tiểu thư quả là có phúc.

    Tuy miệng nói như vậy nhưng tay cậu nhóc cứ run run, đôi mắt lấm lét sợ sệt điều gì đó. Nhận thấy điều bất thường, tôi vội đón lấy khay bánh, đóng cửa lại và ra hiệu cho cậu nhóc ngồi xuống.

    Khóe mắt cậu nhóc rưng rưng, quỳ xuống và liên tục dập đầu lạy tôi, không dám khóc to tiếng. Tôi hỏi khẽ, cậu bé cũng trả lời tôi một cách nhỏ nhẹ. Hoạn Thư đúng là khẩu Phật tâm xà, cô ta dám hạ độc vào khay bánh này. Cơn tức giận của tôi như lên đến đỉnh điểm, nhưng cậu nhóc xin tôi nhắm mắt làm ngơ, nếu không sẽ liên lụy tới nhiều người.

    Những ngày sau đó, tôi được gia nhân trong nhà đối xử rất tốt, không hề có chút gì kì lạ xảy ra. Mọi việc vẫn đi theo những dự đoán trong đầu tôi. Lí do Hoạn Thư không để tôi rời đi là vì vẫn cần sự xác nhận của Thúc Sinh.

    Đã gần một tuần trôi qua, tôi cũng chỉ suốt ngày quanh quẩn trong phòng với nàng nô tỳ nhỏ. Hai chúng tôi đã tâm sự và trò chuyện rất nhiều với nhau. Cô bé cũng tỏ vẻ bất bình với Hoạn Thư, nhưng vì mắc nợ cô ta nên đành cắn răng chịu đựng sống trong cái căn nhà đầy thủ đoạn, thâm độc này.

    "Cốc cốc cốc" - có tiếng gõ cửa phòng tôi. Hoạn Thư thế mà lại đích thân đến gõ cửa, không sai nô tỳ ư? Chắc có điều chẳng lành đây.

    - Kiều cô nương, cô hãy sửa soạn đôi chút đi, vài giờ nữa Thúc Sinh sẽ về đó.

    Hoạn Thư thông báo cho tôi nghe bằng giọng có vẻ mỉa mai, vẫn muốn thấy tôi là "một thứ gì đó đáng ghét". Tất nhiên tôi sẽ không để cô ta đắc ý rồi. Phải đánh phủ đầu trước chứ, tôi nhờ nô tỳ tốt bụng chạy ra đầu làng núp ở dưới cánh đồng chờ Thúc Sinh.

    - Em dặn Thúc Sinh nói giống ta nhé! Ta là pháp sư, làm vợ lẽ cũng là để giúp hắn hóa giải khó khăn trong việc buôn bán, hoàn toàn không có gì khác.

    Tôi yên tâm và tin tưởng tuyệt đối về cô bé này. Vì theo như Truyện Kiều, khi Hoạn Thư và mẹ cô ta hành hạ tôi thì chỉ có mỗi cô bé ngốc này đối xử tốt với tôi thôi. Tôi quyết định sẽ đánh cược đời mình vào cô bé.

    [​IMG]
     
  8. Sad or Happy Frog Bimm

    Bài viết:
    53
    Chương 17: Vạch trần lời dối trá

    Bấm để xem
    Đóng lại
    [​IMG]

    Không làm tôi phải thất vọng, cô bé ngốc đã hoàn thành lời dặn dò của tôi một cách xuất sắc, không để lại chút sơ hở nào.

    Nghe tin Thúc Sinh về mà tôi vẫn không chút động tĩnh nào, ngồi yên thưởng trà trong phòng, Hoạn Thư có chút thả lỏng.

    Xưa nay, phụ nữ thường ganh tị nhau bởi sự khác biệt về đấng phu quân, tiền bạc, địa vị, thậm chí là sắc đẹp. Bởi vậy, không phải đẹp là sướng đâu, nhất là trong thời kỳ phong kiến loạn lạc. Cứ nhìn nàng Kiều là biết, quả đúng với câu nói "hồng nhan bạc mệnh".

    Phòng tôi ở có cửa sau hướng ra phía dãy tre đầu làng, thỉnh thoảng cơn gió lớn lướt qua làm những chiếc lá vàng rụng xuống theo chiều gió, xoáy vào nhau như đang khiêu vũ trên không trung. Mặt trời dần khuất bóng sau ngọn tre, vệt nắng vàng cũng yếu dần đi, để lại những đám mây ánh hồng lững lờ trên bầu trời rộng lớn.

    Trong ánh chiều tà, Thúc Sinh rảo bước từ đầu làng về nhà, bất giác liếc nhìn về phía phòng tôi. Tôi gật đầu ra hiệu cho Thúc Sinh, chàng đáp lại bằng nụ cười gượng gạo lẫn chút đau lòng. Vì để nhập tâm vào nhân vật pháp sư mà mình đã vẽ ra trong mắt mọi người, hôm nay tôi cũng khác hẳn.

    Tôi trang điểm, quấn tóc và mặc y phục già dặn, nghiêm túc nhưng cũng không làm giảm đi nét đẹp quý phái, thông minh của mình. Bộ trâm cài bằng vàng với những viên ngọc xanh đính trên đó được khéo léo điểm trên tóc tôi, nhìn chúng lấp lánh vô cùng. Để thêm phần ma mị, tôi còn gắn một hạt kim tuyến nhỏ giữa trán nữa, nhìn chung cũng khá giống một nữ pháp sư đáng gờm.

    Hoạn Thư đón chồng về bằng khuôn mặt niềm nở nhưng đầy giả tạo. Đến Thúc Sinh còn phải dè dặt trước cô ta thì cũng đủ hiểu người đàn bà này độc tài đến mức nào. Lại còn cả mẹ cô ta nữa, thấy con rể lâu ngày mới về mà cũng chẳng hỏi han gì, chỉ luôn mồm nhắc đến chuyện tiền nong.

    Hoạn Thư sai người tới gọi tôi lên gian nhà chính, để tôi gặp "chồng hờ" của mình. Tôi chậm rãi, đĩnh đạc bước chân đi theo nữ nô tỳ của cô ta.

    - A, Thúy Kiều pháp sư, sao người lại ở đây?

    Vừa trông thấy tôi, Thúc Sinh vội chắp tay, cúi người hành lễ.

    Tôi mỉm cười. Vở kịch này hoàn hảo quá đi mất, tôi cười vì mình quá thông minh, và cũng cười vì sự ngu ngốc của mẹ con Hoạn Thư.

    - Hoạn Thư tiểu thư muốn thỉnh ta về vì một số chuyện đó mà. Ngươi cũng biết đấy, có ai mà không biết đến tên tuổi của ta trong nghề này chứ.

    Thúc Sinh gật gù, đứng khép nép rót trà vào ly, mời mẹ vợ, Hoạn Thư và tôi. Khó thể tin được, ở xã hội phong kiến lại có một gia đình như vậy. Chồng thì sợ vợ, cứ như kiểu "đội vợ lên đầu thì trường sinh bất tử" ấy. Mải suy nghĩ mông lung, tôi quên mất cái tình thế căng thẳng mất rồi.

    - HAHA, Thúy Kiều cô nương diễn xuất không tồi, bọn ta suýt tin cô sái cổ luôn. Thúc Sinh cũng phối hợp với cô rất tốt, đúng là thuận vợ thuận chồng mà.

    Tôi nuốt nước bọt, cứng đờ cả người nhìn Hoạn Thư chằm chằm. Cô ta là thứ gì đó quá kinh khủng, vốn tưởng chỉ có tính ghen tuông thái quá thôi ai ngờ cũng thông minh đó chứ. Tôi nở nụ cười hiền từ:

    - Tiểu thư nói vậy là có ý gì?

    Hoạn Thư đập bàn, hét lớn:

    - Lôi con nô tỳ phản chủ lên đây.

    Tôi đứng dậy ngay tắp lự. Trước mắt tôi là cô bé nô tỳ đã bầu bạn với mình bấy lâu nay. Cô bé bị đánh đập tơi bời, toàn thân máu me bầm tím, chỉ còn thoi thóp thở. Cô bé nhìn tôi với đôi mắt bất lực, giàn giụa nước mắt, môi mím chặt.

    - Nói nhanh, con ả đàn bà từ trên trời rơi xuống này là ai? Ta đã cho người đi dò hỏi rồi, làm quái gì có pháp sư tâm linh nào cơ chứ!

    Mặt Hoạn Thư đỏ bừng lên, lớn tiếng thét vào mặt Thúc Sinh.

    - Thúy Kiều pháp sư thật sự là người mà ta mời về để hóa giải chuyện làm ăn. Nàng có thể không tin người khác, sao lại không tin ta chứ?

    Thúc Sinh ra sức phân bua, hết cầm tay Hoạn Thư rồi lại nhìn cô ta bằng ánh mắt chân thành.

    Sự việc rối ren hết mức. Tôi đành bịa ra một lời nói dối để cứu vãn tình hình:

    - Bây giờ các ngươi không tin ta, vậy thì ta đành phải chứng minh thôi. Ngày mai là lễ mừng thọ Hoạn bà đúng không? Hãy để ta nhờ ông trời tặng bà một món quà đặc biệt.

    - Ha, thật nực cười. Lại còn nhờ ông trời nữa cơ đấy? Hết cái để nói rồi nên lại bịa chuyện vớ vẩn đây mà.

    Hoạn Thư cười khẩy, ngồi vắt chân trên ghế.

    - Cứ thử sẽ biết. Đến lúc đó, tiểu thư xin lỗi ta cũng chưa muộn.

    Sau khi thương lượng xong xuôi, Hoạn Thư về phòng với vẻ mặt hậm hực, cay nghiệt, hận không "xử" luôn tôi cho nhanh. Còn tôi vội dìu nô tỳ nhỏ về phòng.

    - Tiểu thư, cô đã nghĩ ra cách gì rôi sao? Con người Hoạn Thư nhiều thủ đoạn và cũng thông minh nữa, chắc chắn cô ta sẽ nhìn ra mánh khóe của người đó!

    Dù nằm liệt trên giường với sự đau đớn bao trùm toàn thân nhưng cô bé vẫn lo lắng cho an nguy của tôi. Đó là biểu hiện của những người trọng tình trọng nghĩa, khác xa những kẻ chỉ có bản thân trong mắt mình.
     
  9. Sad or Happy Frog Bimm

    Bài viết:
    53
    Chương 18: Sống lâu trả nghiệp

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tất nhiên tôi biết Hoạn Thư rất thông minh, nhưng trí thông minh thời phong kiến không đủ để hiểu được tư duy và chiêu trò của một người hiện đại.

    Bây giờ là buổi tối, chỉ qua một đêm là tới lễ mừng thọ rồi. Tôi cần gấp rút chuẩn bị bất ngờ cho Hoạn bà. Đây không chỉ là món quà đáp lễ vì đã cho tôi ở nhờ mà còn là một sự "dằn mặt" với Hoạn Thư nữa.

    Trong đêm khuya tĩnh mịch, thanh vắng, tiếng xe ngựa chở tôi lóc cóc trên mặt đường đầy sỏi đá tiến thẳng tới nơi tổ chức lễ mừng thọ.

    Giới nhà giàu thật khó hiểu, làm lễ mừng thọ mà cũng phải thuê hẳn một tửu quán đắt đỏ ở giữa hồ. Chuyện này không thể sai người khác làm được, nếu có người làm lộ ra thì Hoạn Thư sẽ thành công nắm thóp tôi mất.

    Ở thế giới của mình, tôi đã xem bộ phim cung đấu Diên Hi Công Lược và rất yêu thích nó. Vì vậy, những trò khôn lỏi của nữ chính vẫn in sâu trong đầu tôi mà bây giờ mới có dịp vận dụng đây. Tôi bỏ tiền ra mua 80 hộp lưới sắt rồi để mồi ngon cho cá vào đó. Tôi tự mình lặn xuống hồ sâu, đặt các hộp mồi vào từng điểm đã định sẵn. Các điểm này nối với nhau sẽ tạo thành chữ "Thọ".

    Có tận 80 hộp, mà tôi lại là thân nữ nhi nên hơi bất khả thi. Loay hoay hơn hai canh giờ mà mới chỉ đặt được có 10 hộp. Đang nghĩ cách đẩy nhanh tiến độ thì tôi nghe thấy có tiếng bước chân chạy rầm rập trên cầu. Như một phản xạ tự nhiên, tôi ở dưới nước nhẹ nhàng lẩn mình vào chân cầu nghe ngóng.

    - Quái lạ, mình vừa thấy nàng ở đây mà?

    Nhận ra giọng nói quen thuộc của Thúc Sinh, tôi vội bơi ra, vẫy tay gọi chàng. Sau khi nghe tôi trình bày ý tưởng, Thúc Sinh trợn tròn mắt:

    - Nàng quả nhiên thông minh tài giỏi. Thứ lỗi cho ta vì không thể bảo vệ nàng, ta biết mình không xứng đáng để giữ nàng bên ta. Sau ngày mai, hãy đi tìm hạnh phúc và tự do của riêng mình, ta sẽ luôn ủng hộ nàng.

    Tôi và Thúc Sinh mỉm cười nhìn nhau, Thúc Sinh bắt tay vào công cuộc đặt hộp mồi giúp tôi. Đúng là hai người làm bao giờ cũng tốt hơn là một mình, chỉ trong vòng bốn canh giờ, tôi đã hoàn thành món quà của mình. Giờ chỉ cần ngồi ngắm thành quả là xong.

    Vì để canh chừng món quà của mình không xảy ra sơ suất gì, tôi ở lại trong xe ngựa thay y phục và ngủ luôn ở đó. Chỉ kịp chợp mắt một lúc, tiếng gà gáy sớm đã đánh thức tôi dậy rồi. Bước xuống xe ngựa, tôi khoan thai đứng ở cửa tửu quán chờ mọi người đến.

    - Có tật giật mình hay sao mà phải đến sớm thế? Đừng có nói với ta là mạch tượng hôm nay không tốt nên ông trời không giúp được ngươi nhé?

    Vẫn cái vẻ ngạo mạn chua ngoa chết tiệt đó, Hoạn Thư dìu mẹ ngồi xuống sập, đối diện với mặt hồ trong veo. Tôi bực mình lắm, hai tay siết chặt vào nhau chỉ muốn đấm vào bản mặt của cô ta cho bõ tức.

    Người ta có câu "Quân tử động khẩu không động thủ", tôi ung dung ngồi xuống chiếc ghế gỗ nhỏ bên cạnh, nhắc nhở:

    - Lát nữa, nếu có thiên ý giáng xuống thì nhớ nhận nhé, hạng người như cô sẽ không được nhìn lần thứ hai trong đời đâu.

    Hoạn Thư đứng dậy, tiến về phía tôi với ngọn lửa hừng hực của sự ức chế. Thúc Sinh kịp thời chạy lại, nhanh nhảu dỗ dành Hoạn Thư hạ hỏa. Tôi nhếch đôi lông mày, từ từ thưởng thức tách trà nóng với vẻ mặt khiêu khích đắc ý.

    Giờ lành đã điểm, quan khách được mời đến cũng đã an tọa đầy đủ, ai cũng mang đồ quý hiếm, độc lạ tới mừng thọ Hoạn bà. Đến lượt tôi, mọi người nhìn tôi xì xào:

    - Người thì đẹp mà sao đi mừng thọ lại tới người không chứ? Như vậy là không nể mặt Hoạn bà rồi.

    Tôi đặt tách trà xuống, nhẹ nhàng đứng dậy và vỗ tay hai cái. Từ hai bên bờ hồ, nô tỳ trong nhà xếp hàng dài ở đó, trên tay cầm chậu cá chờ hiệu lệnh của tôi.

    - Thưa các vị quan khách và Hoạn bà, mừng thọ thì phải phóng sinh để tích công đức cho con cháu đời sau. Vì vậy, món quà ta tặng Hoạn bà là những chú cá vàng này.

    - Thế thì có gì đâu mà khoe khoang?

    Ai đó lên tiếng. Tôi nở nụ cười sắc sảo:

    - Ta là pháp sư, ta sẽ điều khiển những chú cá này xếp thành chữ Thọ để mừng Hoạn bà.

    Sau khi nghe tôi nói xong, ai nấy đều cười ngặt nghẽo cho là tôi bị hoang tưởng. Không kéo dài thêm nữa, tôi ra hiệu cho mọi người đồng loạt thả cá xuống hồ. Những chú cá cứ thế bơi loạn trong nước.

    Hoạn Thư đắc ý cười lớn, nhìn tôi với vẻ chán nản. Chỉ một lúc sau, những chú cá lao vào những điểm mồi tôi đã đặt sẵn, từng đàn từng đàn chen chúc nhau tạo thành chữ "Thọ" trên mặt hồ. Những bông sen rung rinh xung quanh chữ Thọ, khung cảnh tuyệt diệu vô cùng. Tôi vội quỳ xuống trước mặt hồ, ra sức kêu:

    - Đa tạ ông trời có thiêng, chúc thọ Hoạn bà sống lâu trăm tuổi, con cháu hiếu thảo.

    Mắt chứng kiến hiện tượng lạ, tai nghe những lời cầu khẩn của tôi, người nào cũng quỳ rạp xuống, chắp tay lạy "ông trời". Riêng Hoạn Thư thì đứng hình, vẫn ngạc nhiên với việc trước mắt. Cô ta nhìn hồi lâu xuống mặt nước rồi lại quay sang liếc tôi. Hoạn bà khấn lấy khấn để rồi nắm tay tôi:

    - Pháp sư quả là cao tay, đây là lần đầu tiên trong đời ta được nhìn thấy việc tâm linh hiện hữu trước mắt.

    - Không sao, bà cứ ngắm cho thỏa con mắt đi. Vì đây cũng là lần cuối cùng bà được nhìn thấy điều kì diệu như vậy.

    Tôi gạt tay Hoạn bà ra, nhìn thẳng vào Hoạn Thư bằng ánh mắt hả dạ.

    [​IMG]
     
  10. Sad or Happy Frog Bimm

    Bài viết:
    53
    Chương 19: Ân đoạn nghĩa tuyệt

    Bấm để xem
    Đóng lại
    [​IMG]

    Màn chúc thọ Hoạn bà thành công mỹ mãn, tôi đã chính thức được tôn sùng với cái danh "pháp sư" đầy cao quý. Mấy ông to bà lớn lần lượt chạy lại chỗ tôi hỏi đủ thứ chuyện trên trời dưới biển. Dĩ nhiên tôi có biết gì đâu mà trả lời, chỉ mỉm cười huyền bí tỏ vẻ ta đây thôi.

    - Pháp sư Thúy Kiều là ta tốn tiền mời về làm phép chứ có phải tùy tiện hỏi gì cũng được đâu? Xin các vị tự trọng.

    Thúc Sinh hắng giọng giải vây cho tôi, không quên để ý sắc mặt cô vợ Hoạn Thư.

    - Bữa tiệc nào rồi cũng đến lúc phải tàn, ta đã hết phần việc của ta ở đây rồi. Tiếp theo nên rời khỏi thôi.

    Tôi đứng dậy, kiêu sa và nghiêm nghị. Hoạn Thư trân mắt nhìn mà không nói gì nhưng tôi biết cô ta đang suy tính điều gì đó đáng sợ.

    Chiều đến, tôi đã sắp xếp xong xuôi đống đồ đạc được Hoạn Thư "ban tặng". Bé nô tỳ nhìn tôi rời đi với ánh mắt long lanh:

    - Tiểu thư đi đường cẩn thận. Đừng trách nô tỳ nhiều lời, nhưng nô tỳ luôn cảm thấy Hoạn Thư nhất định không chịu nuốt cục tức này đâu.

    Tôi khẽ gật đầu, cất bước đi mà không quay lại nhìn. Không phải do vô tâm mà tôi sợ rằng, mình sẽ lưu luyến nụ cười trong sáng ấy, vấn vương cái ấm áp, hồn nhiên đó của cô bé.

    Gia nhân trong nhà xếp hàng tiễn tôi rời khỏi nơi này. Hoạn bà cũng đứng ở gian nhà chính cúi đầu chào vị pháp sư "linh thiêng". Chỉ có Hoạn Thư và Thúc Sinh là vắng mặt không thấy đâu. Cũng man mác buồn chứ, dẫu sao Thúc Sinh cũng là người tốt và luôn quan tâm chăm sóc tôi suốt quãng thời gian qua. Vậy mà đến lúc rời xa lại chẳng thấy người đâu.

    Hoạn bà vẫn hí hửng từ hôm qua tới giờ, cho rằng mình thực sự được ông trời chúc Thọ luôn mà, bắt đầu làm việc thiện nhiều hơn.

    - Hoạn bà, sống trên đời cần phải bao dung, nhân hậu trong đối nhân xử thế. Làm thế nào để tích đức cho con cháu, hi vọng lần sau gặp lại, bà sẽ kể với ta rằng bà lại được nhìn thấy thiên ý.

    Tôi từ chối lời mời ở lại ăn cơm của Hoạn bà, trong lòng thật sự mong rằng bà ta sống thiện hơn, không giống như con gái bà ta.

    Xe ngựa chở tôi đã chờ sẵn ngoài cổng, giục tôi nhanh chân lên xe kẻo trời sắp tối. Tôi từ biệt mọi người và lên xe một cách an toàn nhưng trong lòng vẫn cảm thấy có gì đó sẽ xảy ra.

    Điều gì đến rồi cũng sẽ đến. Con đường phía trước mà tôi phải băng qua là một khe hẹp rất nhỏ ở chân núi. Phía bên phải là biển xanh sâu thẳm đầy hiểm nguy. Sau khi thông báo về tình hình phía trước, chú đánh xe dặn tôi ngồi im, không được gây ra động tĩnh lớn để xe có thể thuận lợi băng qua dải núi.

    Xe chậm rãi đi trên con đường nhỏ hẹp, tưởng chừng như một cơn gió lớn thoảng qua cũng đủ khiến chiếc xe nghiêng ngả, rơi xuống biển. Khi xe từ từ đi lên dốc, có tiếng ngựa hí vang trời phía sau lưng. Tôi vén tấm mành nhìn ra sau thì thấy một người mặc đồ đen, che kín mặt đang đuổi theo.

    Mái tóc đó, dáng người đó tôi không thể nhầm được, là Thúc Sinh đây mà!

    - Thúc tạm dừng xe được không? Có người muốn gặp ta một lát.

    Tôi gọi với ra ngoài, hỏi dò người đánh xe.

    - Được thôi nhưng phải nhanh lên đấy.

    Xe ngựa dừng lại. Thúc Sinh cũng vội ghì cương ngựa và nhảy xuống. Hai chúng tôi tay bắt mặt mừng đứng giữa vách núi và biển xanh. Thúc Sinh dúi vào tay tôi một túi vải khá nặng:

    - Tuy mang danh là vợ lẽ của ta nhưng nàng phải chịu ủy khuất rồi. Cứ giữ lấy vật này coi như món quà tạ lỗi ta tặng nàng. Sau này mỗi khi cài trâm lên đầu, đeo khuyên vào tai hay buộc ngọc bội bên mình, hãy nhớ rằng ta nợ nàng một đoạn tình duyên, cứ tìm ta nếu nàng gặp trắc trở.

    Tôi nghẹn ngào, cầm lấy túi vải và gật đầu, chẳng biết nói gì hơn nữa. Biết tôi thích trâm cài, khuyên tai và ngọc bội, hẳn Thúc Sinh đã cất công mua những món đồ đó để dành cho tôi.

    Bỗng, từ phía sau, một toán người từ con đường phía trên tràn xuống ồ ạt, tay cầm kiếm lao về phía hai chúng tôi. Tôi quay đầu nhìn xung quanh, quả nhiên thấy Hoạn Thư từ phía xa nhìn lại, nở nụ cười nham hiểm.

    Tình thế cấp bách, tôi đẩy Thúc Sinh vào xe ngựa và dặn chú đánh xe chạy hết mã lực. Còn tôi, đang định nhảy lên ngựa của Thúc Sinh thì nhận ra không kịp nữa rồi. Trong khoảnh khắc bất lực đến đau khổ, tôi nhắm chặt mắt và thả mình rơi xuống biển cả bao la.

    Mở mắt dưới làn nước trong xanh, tôi thấy đám người kia đang xúm lại nhìn từ nơi tôi vừa đứng. Mình thật là liều lĩnh quá mà, cũng may biết bơi nếu không cũng chẳng khác nào tự tử.

    Biển cả mênh mông làm gì có chỗ trú chân cho kẻ bạc mệnh này chứ? Tôi cứ bơi mãi, bơi mãi mà không biết đâu là bờ.. Tay tồi vẫn nắm chặt lấy túi vải Thúc Sinh đưa cho nhưng đầu tôi lúc này trống rỗng hoàn toàn, chẳng còn thiết tha cứu lấy chính mình nữa rồi. Muốn sống cũng chẳng còn sức mà bơi nữa..
     
    Phan Kim Tiên thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...