Tự Truyện Duyên Phận Của Mẹ - Ân

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Anahita, 17 Tháng sáu 2020.

  1. Anahita

    Bài viết:
    8
    [​IMG]

    Tên truyện: Duyên phận của mẹ

    Tác giả: Ân

    Thể loại: Tự truyện - truyện ngắn.
    Links thảo luận: [Thảo Luận - Góp Ý] - Các Tác Phẩm Của Ân

    ----

    Khi qua nửa bên kia con dốc đời người, trí nhớ và nhan sắc sẽ dần bị thời gian độc ác tước đoạt. Tại khoảnh khắc sống còn quyết định, vệt bụi hồi ức bất ngờ vùng vẫy đòi quyền được lưu giữ, dẫu có chỉ là ám ảnh dư quang.

    * * *

    "Đừng kể lể con cà con kê với ai đấy nhé." - Mẹ lặng lẽ dặn.

    * * *

    Thiếu nữ 18 tuổi hoa khôi trường làng; cậu lớp trưởng cận thị, nhà giàu, học giỏi của cô bạn ấy.

    Ngược dòng về năm 1994, thời mà xốn xang thinh thích nhau rồi, mạnh bạo lắm cũng chỉ dám cầm tay một cái lướt nhẹ, vành tai đã đỏ lừ.

    "Có thế thôi!" Mẹ khẳng định chắc nịch.

    Con gái mới lớn buồn cười, nghĩ thầm về chủ đề tình yêu và hôn nhân của giới trẻ hiện đại, được cộng đồng đem ra bàn tán rôm rả, căn bản ai cũng muốn "tận tâm, tận hiến và tận diệt" - trích "Lời mẹ dạy". Không chỉ là vấn đề "chữ trinh đáng giá nghìn vàng" - danh dự hay phẩm giá của một người con gái không bao giờ nằm ở cái màng be bé mà xung động nhỏ nhất từ bên ngoài cũng có khả năng làm nó rách - mẹ đơn giản, muốn chừa lại một đường lùi. Suy nghĩ ấy thâm căn cố đế, bén rễ sâu hoắm trong lòng mẹ, mẹ tiếp tục truyền cho con gái mình, và dù nó phản kháng, cũng dần bị lí lẽ như mưa dầm thấm lâu của mẹ thuyết phục, trở thành "người lạc hậu". Con gái giống mẹ, và giống bà ngoại của con - dù cách đến mấy chục năm đời người, cùng những pha trộn về dòng máu huyết thống, hay cả những xoay vần trong đời sống - xã hội náo nức xô bồ - giống y khuôn đúc, ở một trạng thái non trẻ hơn mà thôi.

    Mẹ bảo tên Ngoan của mẹ, thầy giáo môn Hán Nôm trước đây đã than rằng: "Tôi chả thấy cái chữ ấy có tí chút ý nghĩa nào, chỉ có duy nhất từ Ngoan của Ngoan cố mà thôi!"

    Mẹ chấp nhất với quá khứ nghèo đói, truyền thống lỗ chỗ cổ hủ, chê trách cảnh ngộ mẹ góa con côi, bà ngoại còng lưng gánh gồng nuôi sáu miệng con ăn rồi học, đến núi cũng lở. Đêm nằm nghiến răng ken két vì mơ đánh nhau với ma, cũng phải vùng dậy chống đỡ, vạch đường sống cho ruộng mạ lăn lác bên bờ. Mẹ bám víu sợ sệt và mặc cảm để tồn tại, bước thật thận trọng, dò dẫm vào đời như người mù. Vẫn rất ngây thơ, và dại lắm. Nhưng đã đủ trí khôn để hiểu việc tai nghe mắt thấy. Không anh chị nào đậu thuyền nơi bến tri thức, đều đứt gánh giữa đường, vốn sống dày cộp tỉ lệ thuận với độ chai sần của đôi tay hao gầy. Mỗi người lớn lên lại cùng bà kết thành một hàng rào chắn, che bão táp giông giật sà xuống vách nứa mốc meo, mà nào hay sóng lòng cô út gầm gào, môi cô cười nhưng văn chương viết ra thấm đẫm mặn mòi vùng biển. Trong bể đó có sự an toàn và tròn trịa đã mất của cô, chúng nó giống như giấy chứng nhận thuyền trưởng của ông ngoại, ông quay lại cố vớt khi tàu chìm, nhưng chẳng bao giờ tìm thấy, và linh hồn yên ổn tại vị vĩnh viễn miền sâu thẳm. Đối với dáng hình người cha cô mịt mờ đắp nặn, là vừa hận, vừa yêu. Đỉnh điểm của hoang mang cuồn cuộn dâng trào, là ngày nhận được giấy báo trúng tuyển Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên, và khi lòng bàn tay cậu trai khẽ cọ vào mấu tay thô ráp, cô rụt lại, và cứ thế, chạy miết.

    Bà ngoại vuốt ve mái tóc ngắn ngủn, lơ thơ cháy nắng của con gái út, ngậm ngùi: "Thôi thì mình cùng cố gắng, con ạ!" - cô nghẹn ngào, khóc tức tưởi.

    Cậu con trai đứng trước niềm đau đầu đời, chết lặng: "Ngoan không tin mình. Ngoan không cho mình cơ hội giải thích."

    Cô cúi đầu, canh cánh trong tim tiếng thở dài dồn ứ: Đỉa đeo chân hạc.


    Mình tin cậu. Mình chỉ không tin si mê ngốc nghếch, không tin miệng đời cay nghiệt, không tin kết thúc có hậu, cô Tấm cùng hoàng tử sống hạnh phúc mãi mãi về sau.

    Gió và biển không đánh tan tình yêu non trẻ, mà mưa-ngày-xưa rơi nặng hạt khiến người ta lạnh lòng. Đêm đen huyễn hoặc in hằn đuôi mắt, chưa truy ra lối dẫn tới cầu vồng. Lay động quá nhiều, yếu đuối ăn sâu, bóng ma tâm lí vởn vơ kề cận, mái hiên nhỏ không ủ ấm nổi mảnh hồn run rẩy, nên tự nguyện, BUÔNG.

    * * *

    Năm 1998, cô giáo Ngoan sau bốn năm đi xa về làng, chính thức cưỡi con xe đạp Phượng Hoàng trắng, sớm sớm chở cặp thước du ngoạn mười hai cây số đường đất, đến "vùng cao" - xã Liên Vị hẻo lánh của đảo Hà "đưa đò".

    Trên vai vươn thẳng, nàng mang danh "gái ế" mọt sách chan chứa tự hào, cùng món nợ học phí sinh viên không ai trong nhà đủ tiềm năng chi trả.

    Đầu cầu Cốc, vài thằng "chã" nhân mùa biển động vô công rồi nghề, vừa sáng bảnh mắt đã túm tụm "chè bàn" phét lác. Đám ấy có chú H, bận áo hawaii cánh buồm đỏ thắm, dáng dấp mỏng mảnh như ngọn cỏ chực chờ bị ngã rạp, đang cười khanh khách vì mới bắn đạn nhựa trúng mông gái. Một cơn gió thổi ào, bóng trắng khẽ vụt qua, chú yếu ớt hắt xì một cái, lúc mở mắt ra thì nàng tiên đẹp tuyệt trần trên yên xe đạp ngoái lại nhìn.

    Như ngôn tình, vậy là gái ngoan gặp gỡ trai hư, rước nàng về dựng xây lâu đài tình ái.

    Một mở đầu không tác giả nào dám kể, sau đám cưới rình rang là quãng thời gian "vỡ mật", con mọn quấy quả, chồng yếu kém còn cục tính, khổ cực thực sự không muốn nhắc đến.

    "Mẹ không kể vì không muốn bôi xấu hình ảnh bố trong con. Là đấng đã sinh thành, dưỡng dục các con nên người, dẫu thế nào mấy đứa cũng phải tỏ lòng kính trọng." Mẹ nghiêm mặt.

    Con gái hồi đó ôm thất vọng về đức lang quân tương lai dựa trên mẫu hình tình phụ tử, dẩu môi hỏi mẹ kỳ cùng: "Thế mẹ có hối hận không?"

    Mẹ hỏi ngược lại nó: "Hối hận vì cái gì?"

    Ơ, con gái cũng không rõ..

    "Thậm chí nếu có kiếp sau, mẹ cũng muốn được làm người. Vì mẹ đang hưởng hạnh phúc."

    Tại suy nghĩ của con, mẹ là lẽ thật hiển nhiên, là thần tượng dung dị, là siêu nhân sở hữu phép thần, là từ điển sống uyên bác. 20 năm thanh xuân hy sinh, ở nhà đầu tắt mặt tối chăm lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ và lắng nghe tâm sự của chồng con, khéo léo đối nhân xử thế giữa thân thích hai họ, tuyệt không bén rễ tí chút liên quan nào với thế giới bên ngoài. Bộn bề và sinh sản làm mẹ già hơn thêm 10 tuổi, từng có cô gái trẻ ngoài chợ vô tư hỏi: "Cô đã nghỉ hưu chưa ạ, chắc cô cũng tầm 52 rồi ấy nhỉ?" làm mẹ cười, buồn. Sự tuần hoàn trong vòng lặp cuộc đời vét vơi nhiệt huyết, há chẳng phải cách sống đó quá tù túng và vô vị sao? Nhưng kỳ cục, mẹ gọi nó là "hạnh phúc"?

    "Bình thường thôi mà. Cha mẹ bỏ lỡ cảnh vật để con ngẩng cao đầu."

    Trôi qua vài năm nữa con gái mới hiểu lời ấy.

    Còn lúc bấy giờ, nó chỉ tò mò.

    Con chưa thể phác họa hình dung cô gái năm ấy, dù hiện thời, cô ấy đang hiện diện nơi bản thể con.

    "Mẹ còn gặp lại người ấy không?"

    "Có."

    * * *

    Sau khi mẹ lấy chồng, có con, người ấy quay về đảo, đóng bộ đẹp đẽ đến nhà mới của mẹ phát thiệp hồng.

    Cặp vợ chồng trẻ chỉ có gian nhà ngang, vẫn ở chung cùng ông bà nội. Bố đang nằm chơi trên giường, mẹ ngại, kéo tấm rèm che khuất bố. Con gái gần ba tuổi say sưa vì cái ti vi đen trắng, nó bị Xuân Mai nhập, ríu ra ríu rít múa ca. À, đến đây thì con gái mơ hồ nhớ, nhưng không dám nói với mẹ. Dù mẹ và chú chỉ nói chuyện xã giao thông thường, không hơn, không kém (đã có sự xác nhận của bố "tàu ngầm" bên cạnh), nhưng nó biết chú ngắm nó chằm chặp, và ấn tượng mãi tới tận giờ, do chú là người thật đẹp trai nhất mà nó từng gặp (đấy, mẹ cứ chê nó háo sắc nữa đi, hóa ra do gen di truyền cả). Cái nhìn ấy, chà, nó không dám giải nghĩa.. nhưng nghe giọng mẹ lăn tăn vỗ nhẹ, nó cũng chẳng cần nghĩ, hồ hởi khóa hồi ức trong vali, chuẩn bị hành trang mang sang bên kia bán cầu du học.


    .. Ngày mai mẹ sẽ trông con gái một mình rảo bước vào sảnh check-in của sân bay, cùng hồi hộp, hãnh diện và sung sướng. Mẹ muốn đến xoa mái tóc dày mượt của con một lần nữa, nắm lấy bàn tay con mềm mại không tí xíu dấu vết gồ ghề, và kiểm tra xem hành lí con cầm liệu đã đầy đủ - con là chúa hay quên - mà khi mẹ gắt lên vì cái tính đễnh đoảng của con thì con lại chống chế là đứa con gái nào ở tuổi mình cũng thế. Mẹ chẳng rõ "con nhà người ta" thì như thế nào, mẹ chỉ nhớ mãi hình ảnh của đứa bé đỏ hỏn to chừng chai nước suối Lavie kêu mấy tiếng trọ trẹ, và như lửa đốt trong lòng khi thấy nó chưa kịp trưởng thành đã phải tiến về phương xa. Tuy nhiên mẹ chỉ được phép lặng im đứng ở ngưỡng này, với quá khứ, hiện tại, tương lai, tất cả của mẹ, dừng lại.

    ..

    Hết
     
    Last edited by a moderator: 17 Tháng sáu 2020
  2. Đăng ký Binance
  3. Anahita

    Bài viết:
    8
    "Chào chú Duy Đoàn,

    Vì cháu xem trong hồ sơ cá nhân của chú thấy phần tuổi tác ghi là 38 nên cháu nghĩ rằng gọi bằng" chú "sẽ phải vai vế hơn ạ.

    Và cũng như đã viết trong phần giới thiệu đôi nét về bản thân mình, sở đoản của cháu là" không thể hiểu hay bóc tách rõ ràng được cuộc sống của mình ", và" Duyên phận của Mẹ ", thuộc về" cuộc đời "cháu - là một kí ức, một truyện cũ được nghe kể lại - nghĩa là khi viết ra cháu cũng chưa hẳn hiểu mình thực sự đang làm gì. Ở nhiều khía cạnh, cháu viết hồi ức theo cách thể hiện của mình: Bản chất của cháu là mơ mộng, khá lan man, thường bị lạc mất sự súc tích, tính liền mạch. Cháu bày biện, sắp đặt và tồn tại trong ma trận của chính mình.

    Bên cạnh đó, cháu không phải là người sáng tác chuyên nghiệp; cháu viết để giải tỏa. Hơi xấu hổ nhưng cháu thừa nhận là mình không hiểu rành mạch về" trình bày dẫn dắt ý lời thoại "hay" tạo sự thông thoáng lời thoại ". Cháu chắc chắn phải coi lại cách dùng từ ngữ nữa ạ. Sự hoa mỹ, mỹ từ của cháu chỉ là tổng hợp của mấy năm đọc sách không đáng kể, nó bao bọc sự mất nhận thức của cháu. Cháu vẫn đang cố để gỡ rối, rèn giũa cuộc đời một người trẻ, cũng như cách viết của mình.

    Có lẽ đa phần những điều trong câu trả lời này chú không muốn và cần biết, nhưng vì" Duyên phận của Mẹ "biểu lộ dấu ấn cá nhân, nên cháu cần đưa chúng nó ra làm biện giải cho mình ạ :)) .

    Cháu rất biết ơn sự góp ý chân tình của chú, cháu cảm ơn chú thật nhiều vì bình luận này ạ! Cháu chúc chú có một buổi chiều vui vẻ :).

    Chân thành, Cháu Ân."
     
    Duy Đoàn thích bài này.
  4. Anahita

    Bài viết:
    8
    Cảm ơn chú. Cháu nghĩ chú đã quá lời rồi ạ.

    Cháu vẫn cần học hỏi nhiều, mong chú chỉ giáo thêm. Hy vọng là sau này, cháu còn nhận được những bình luận góp ý của chú nữa ạ.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...