Tác phẩm: Đầu đất Tác giả: Thương Nguyễn Thanh Gã vừa đi vừa xách quần. Cái quần cứ tuột xuống. Nó quá rộng so với gã. Đằng sau đầu bỗng nhói đau, gã sờ lên đầu. Chân cũng nhói đau, gã liền sờ xuống chân. Bỗng vang lên một trận cười khúc khích. Một đám trẻ chạy ra từ những hẻm nhỏ ngoằn nghèo xung quanh con hẻm lớn. Đứa lớn nhất cười toe toét chỉ tay vào gã: - Đầu Đất ngu ngốc, tụi tao bắn mày đó. – Nó nói xong liên giơ cái dây thun và hòn đá trong tay lên. Mấy đứa bé hơn xung quanh cười rộ lên, tiếp lời: - Lớn to đầu mà ngu như vậy, chắc chắn không biết chữ rồi. Biết chữ này là chữ gì không, không biết thì quỳ xuống lạy tụi này, tụi này chỉ cho biết. Gã gãi đầu, nhìn nhìn vào quyển sách, mày nhíu chặt rối rắm. Bọn trẻ nhìn thấy lại cười ha ha, ngó bộ đang thật sự chờ gã quỳ xuống. Gã bị nhiều ánh mắt chăm chú nhìn đến, sự quẫn bách tăng lên gấp trăm lần. Chân thật sự muốn khuỵu xuống. Vài người trong xóm lục tục mở cửa đi ra ngoài thấy vậy liền mắng bọn nhỏ vài câu, hối chúng nhanh đi học rồi nhìn gã ái ngại lắc đầu. Gã không biết tên thật của mình là gì. Gã thường xuyên quên luôn tên người trong xóm chợ nhỏ này đặt cho gã. Nhưng gã lại luôn nhớ bọn trẻ xung quanh gọi gã là “Đầu Đất”. Từ lúc mọi người thấy gã chỉ luôn phản ứng với cái tên đó, người ta cũng dần lãng quên luôn cái tên mà thuở ban đầu khi gã dạt tới đây họ đã đặt cho. Bà Tư nhổ toẹt bãi nước bọt ra trước hiên nhà, vừa ngồi vừa chửi đổng: - Chẳng biết lại chạy đi đâu mất rồi, thuê nó phụ trông tiệm mà y như ông nội người ta. Làm việc thì lười nhác, ăn thì như trâu. Hàng xóm xung quanh vừa thức giấc mở hàng dường như đã quen, chỉ nhìn nhau lắc đầu ngao ngán. “Đầu Đất” phụ bán cho bà Tư tạp hóa đầu chợ đã được năm năm. Lúc ban đầu gã đến với hai bàn tay trắng chẳng có một chút kí ức gì trong trí óc, ngơ ngơ ngẩn ngẩn nằm lì trước cửa nhà bà Tư. Bà ta đuổi đi mấy bận, dùng đủ mọi cách từ ngon ngọt đến đòn roi mà chẳng được. Gã cứ như một cái bị bông, đấm vào thì đàn hồi ra. Bà Tư tạp hóa vốn là một mụ góa bụa, dáng người phốt pháp mập mạp, nổi tiếng hung dữ keo kiệt nhất chợ, sống cùng một đứa con trai hơn ba mươi thất nghiệp lêu lổng. Ấy thế cũng phải chịu thua. Thế là bà ta đành phải vời ông thánh vào tiệm nhà mình, bắt phụ bưng bê các thứ, bao ăn ở âu cũng coi như vừa làm phước vừa có người đỡ đần. Xóm chợ nhỏ trong con hẻm bé tí hin cũng không vắng lặng. Một chuyện xảy ra ở đầu chợ chỉ cần vài phút sau là truyền cuối chợ ngay. Ngày bà Tư đem gã đàn ông trôi sông lạc chợ ăn ở nhà mình, đăng kí tạm trú, lại còn để hắn phụ tiệm, cả con hẻm ầm ầm kháo nhau thành muôn vạn câu chuyện không tên. Có người cười thầm trong lòng, có người che mặt cười, càng nhiều hơn là cười ra mặt. Đặc biệt còn có lắm kẻ thầm chờ xem đến khi nào cái nhà đó sẽ bị gã đàn ông nhìn có vẻ đần độn khuân đi bằng hết. Thế nhưng chỉ vài tháng sau, những người đang chờ xem kịch hay đã xuất hiện vài người tiếc nuối. “Đầu Đất” là một đứa ngốc một nghìn phần trăm, ngay cả đứa trẻ năm tuổi cũng chẳng coi ra gì nhưng không ai phủ nhận được sự thật “Đầu đất” là một gã đàn ông cao to, khỏe mạnh, làm việc lưu loát. Một lúc lâu sau, Đầu Đất hớt hải chạy về. Cả người đầy mồ hôi nhớp nháp. Dáng người của gã khi chạy trông cũng cực kì lạ đời. Hai chân cứ díu díu vào nhau, trông rõ là buồn cười. - Mày lại đi đâu đó? Hôm qua tao bảo dậy sớm kiểm hàng với tao cơ mà. – Bà Tư nhìn thấy gã, mắt long lên, có vẻ tức giận vô cùng. Gã cười cười, khuôn mặt khờ khạo dại ra, trông lại thêm phần ngu ngốc. Bà Tư thấy thế cũng chẳng thèm để ý đến gã nữa. Từ trước đến giờ, mỗi khi bà ta chửi thằng ngốc này đều được đáp lại bằng khuôn mặt như vậy. Gã cẩn thận dùng băng dính giấy dính lên tất cả những món hàng đã được khui ra, xếp những chiếc thùng carton đựng bánh kẹo lại với nhau. Bà Tư chép chép miệng, tay thoăn thoắt bấm bấm chiếc máy tính cầm tay nhỏ màu đên. - Mẹ ơi, cho con tiền đi ăn sáng với bạn. – Một người đàn ông béo mập đi xuống từ chiếc cầu thang gỗ góc phòng, sau đó chìa tay ra trước mặt bà Tư. - Không phải hôm qua mới cho hai trăm à? Mày tiêu cái gì mà nhanh thế. – Bà hơi bực mình hỏi. - Con đi tạo mối quan hệ đấy. Mẹ cũng biết dạo này xin việc làm cần nhiều mối quan hệ lắm. – Anh ta đưa cánh tay trái lên gãi gãi đầu, tay còn lại vẫn để nguyên xòe ra trước mặt mẹ mình. Bà Tư nghe thế, cũng không nói nhiều, mở ngăn kéo tủ lấy vài tờ một trăm ngàn đưa cho anh ta. Anh con trai bà vẫn áo sơ mi, quần tây, như thể là nhân viên của một văn phòng nào đó. Bà sâu kín thở dài rồi quay đi tiếp tục công việc. Anh con trai đi ngang qua Đầu Đất đang ngồi bệt dưới sàn nhà loay hoay cắt băng dính, thuận chân đá vào mông gã một cái rồi cười khoái chí dắt xe máy chạy thẳng. Đầu Đất đưa tay ra sờ sờ mông, cũng chẳng nói gì, lại nở nụ cười khờ, tay vẫn làm việc. Trời sập tối. Những ánh đèn bắt đầu được bật lên khắp các gian nhà. Mùi thức ăn cũng bắt đầu thơm ngào ngạt khắp con hẻm. Bà Tư dọn mâm cơm lên chiếc bàn gỗ mòn vẹt trong góc nhà. Bà ngồi xuống vừa xem ti vi lâu lâu lại nhìn ra cửa. Anh con trai vẫn chưa về nhà. Đầu Đất đi giao hàng cũng chưa về nhà nốt. Tiếng xe quen thuộc dừng trước cửa nhà. Bà Tư không nhìn ra cũng biết là anh con trai vô tích sự nhà mình, đang bực bội cũng không khỏi mềm miệng lại: - Con đã ăn cơm chưa? Sao về trễ thế? Anh con trai vuốt vuốt mái tóc bóng nhẫy, ngồi xuống chiếc chiếc ghế cạnh bàn ăn, hít lấy hít để rồi nói: - Đói quá, con chưa ăn. Chà! gà kho. – Anh ta cầm đũa lên gắp một miếng gà cho vào miệng nhuồm nhoàng nhai. Bà Tư không buồn động đũa, mắt vẫn cứ dán vào màn hình ti vi. Anh con trai nhai hết miếng gà, lấy tay áo quẹt quẹt cái miệng dính đầy mỡ, bâng quơ hỏi: - Đầu Đất đâu rồi mẹ? - Đi giao hàng. – Bà Tư trả lời gọn lỏn. - Đã bảy giờ tối rồi nó còn đi giao hàng gì nữa. Mẹ thật là, nó ngốc lắm. – Anh con trai hơi nhíu mày. - Mày ở nhà giúp mẹ thì mẹ có cần như vậy không? – Thậm chí còn không thèm quay lại. Anh con trai phất phơ cười cười, dường như không quan tâm lắm lời mẹ mình nói, tiếp tục ngồi ăn cơm, cũng không thắc mắc tại sao mẹ mình không động đũa. Trời càng về khuya, xung quanh khu chợ càng im ắng. Mâm cơm chỉ còn hai cái bát không. Bà Tư bồn chồn nhìn ra cửa. Đầu Đất vẫn chưa về. Đã quá 8 giờ. Anh con trai tắm táp xong rồi bước xuống từ cầu thang, vừa lau tóc vừa hỏi: - Đầu Đất vẫn chưa về hả mẹ? Bà Tư hơi thất thần gật đầu. Anh con trai ngưng lau đầu, vắt cái khăn qua cửa, ở trần định bụng dắt chiếc xe ga, vừa đi vừa nói: - Để con chạy một vòng tìm nó. Mặt bà Tư đăm chiêu: - Thôi con đi làm gì, vừa về mệt mỏi thế mà. - Mẹ lo thế mà còn giả vờ làm gì. – Anh con trai cười, những nếp nhăn trên khóe mắt hằn sâu, đôi mắt bình thường mờ đục chợt sáng lên. Nói xong, anh ta quay lưng lấy chiếc chìa khóa xe trên bàn thì một người chạy ào vào nhà họ, đầu tóc rũ rượi, khuôn mặt hoảng loạn: - Bà Tư, thằng Đầu Đất bị tai nạn giao thông! Đang đưa đến bệnh viện thành phố đấy. Hai người trong phòng bàng hoàng không nói nên lời, bà Tư mắt trố ra, anh con trai đánh rơi chiếc chìa khóa trên tay xuống dưới đất kêu keng một tiếng. Anh con trai hoàng hồn vội vàng hỏi: - Chú Ba, sao chú biết? - Nó té trước cửa nhà thằng Long cháu họ chú mà. Thằng Long mới gọi báo cho chú. – Chú Ba nói nhanh. Bà Tư dường như đã tỉnh lại, quơ vội chiếc túi trên bàn, chạy ra cửa, chợt nhớ ra mình không biết lái xe cũng không có phương tiện gì để đi liền quay đầu lại nói: - Mày còn chờ gì nữa, em trai mày nhập viện rồi kìa. Anh con trai cũng vội vàng dắt xe ra, hai mẹ con leo lên xe, chạy thẳng, thậm chí còn quên khóa cả cửa. Chú Ba thấy thế lắc đầu, cẩn thận đóng cánh cửa lại rồi chạy đi báo xóm giềng xung quanh. Hai mẹ con vừa tới cửa bệnh viện liền tất tả chạy vào phòng cấp cứu. Đầu Đất nằm đó, băng quấn quanh đầu, máu rỉ ra từ vết thương đỏ au. Một thanh niên ngồi cạnh giường, thấy hai người chạy tới liền nói: - Cô Tư, Đầu Đất nó bị người ta tông rồi chạy mất. Hai thằng ác nhơn đi trên cái xe ga. Mấy đứa trong xóm chạy dí theo mà không kịp. Bác sĩ bảo phải làm phẫu thuật nên kêu người thân đến làm thủ tục. Bà Tư mắt đỏ au, tiến đến giường bệnh, nhưng chân có vẻ không vững. Anh con trai thấy thế đỡ bà ngồi xuống bên giường rồi quay sang người thanh niên: - Cảm ơn mày. Em tao sống được là nhờ mày. Sau này nó khỏe lại tao sẽ mang nó qua cảm ơn mày. Còn mấy thằng kia dí không được thì thôi. Ác giả ác báo. - Hàng xóm láng giềng. Ơn nghĩa cái gì. Thôi mày với cô coi chăm sóc thằng nhỏ. Số nó khổ quá. – Người thanh niên lắc lắc đầu. – Tao về nhà báo tin cho ba mẹ tao. Anh con trai tiễn thanh niên ra cửa phòng cấp cứu mới nhận ra mình vẫn mặc độc cái quần đùi và mang đôi dép lê, nhưng anh cũng mặc kệ vì thấy bác sĩ đi tới giường của Đầu Đất. Vị bác sĩ khá già, tóc muối tiêu hỏi bà Tư: - Bà là người thân của bệnh nhân à? - Vâng, tôi là người giám hộ của nó. – Bà Tư quệt mắt, vành mắt vẫn đỏ. - Cậu ấy bị chấn động khá mạnh, máu tràn mạch não, mắt cũng bị ảnh hưởng. Đang hôn mê sâu. Bây giờ sẽ ngay lập tức chuyển qua phòng phẫu thuật. Phiền bà đến quầy làm thủ tục. Bà Tư dè dặt hỏi: - Phẩu thuật tốn bao nhiêu vậy bác sĩ? - 60 triệu, cộng thêm chi phí giường bệnh và chăm sóc hậu phẫu, gia đình cần chuẩn bị khoảng 80 triệu là đủ. – Bác sĩ suy nghĩ rồi đáp – Gia đình làm thủ tục, tôi sẽ đi chuẩn bị phẫu thuật ngay. - Vâng. – Bà Tư đáp, mắt hơi nhìn xuống dưới. Anh con trai nãy giờ đứng bên cạnh nghe, nhìn mẹ hỏi: - Nhà mình không đủ tiền sao mẹ? - Mẹ có để dành tiền lấy vợ cho con với Đầu Đất, con 30 triệu, thằng Đầu Đất 20 triệu trong sổ tiết kiệm. Không đủ con à. – Bà Tư ngập ngừng đáp. – Mấy năm nay có chợ mới, buôn bán không có lời. Anh con trai thở phào nhìn mẹ: - Số còn lại con có. Mẹ cứ đi làm thủ tục đi. Con sẽ về nhà chuẩn bị. Bà Tư ngạc nhiên nhìn con trai, rồi hoảng sợ nói: - Con đừng đi vay nặng lãi, cùng lắm mình mượn hàng xóm. Con cũng biết mọi người trông vậy chứ thương nhau lắm. - Mẹ yên tâm. Tiền của con. Con đang kinh doanh với bạn, cũng lời được chút ít. Chỉ có điều chưa ổn định nên con không dám nói với mẹ thôi. – Anh con trai vỗ vỗ vai bà trấn an. Bà Tư mở tròn mắt nhìn anh, như chưa bao giờ thấy anh trong đời. Anh con trai thấy mẹ như vậy, liền hối: - Mẹ đi làm thủ tục ngay đi, càng để lâu thằng nhỏ càng nguy hiểm. Bà Tư cũng nhớ ra Đầu Đất còn đang nằm trên giường bệnh hôn mê sâu, tương lai không biết thế nào. Vì vậy, bà cũng không gạn hỏi nữa mà tất tả xách túi đi làm thủ tục. Phẫu thuật xảy ra thuận lợi. Đầu Đất đã qua cơn nguy kịch. Chỉ là mọi người được biết một bí mật mà chính ngay chính chủ có lẽ cũng không hay: Đầu Đất từng bị đập mạnh vào đầu vài năm trước, máu bầm vẫn còn tụ lại, lần này vừa hay làm tan đám máu đó. Đó cũng là lí do tại sao cậu ta lại không nhớ gì cả và ngu ngơ. Chuyện ngạc nhiên trong xóm chợ nhiều vô cùng. Bà Tư keo kiệt bỏ cả gia tài ra chữa bệnh cho đứa ở nhờ. Anh con trai ăn bám vậy mà biết kinh doanh, còn làm ăn có lời. Mấy đứa nhỏ hằng ngày bắt nạt Đầu Đất cuối tuần không đi học hay mang kẹo đến phòng bệnh, kể chuyện trên trường cho Đầu Đất nghe. Ai trong chợ cũng đến thăm mấy lần. Đã ba tuần kể từ đó mà Đầu Đất vẫn chưa tỉnh. Bác sĩ nói cậu ta đang hồi phục rất tốt nhưng tỉnh lại phải mất một thời gian, có thể vài tuần, có thể vài tháng, cũng có thể vài năm. Dù sao thứ ảnh hưởng cũng là não. Bà Tư lấy khăn nhúng nước ấm rồi vắt khô. Lau mặt sạch sẽ rồi nâng tay Đầu Đất lên lau kĩ, bà lẩm nhẩm nói: - Con trai à, chừng nào mày mới tỉnh đây? Thằng anh mày bây giờ đi làm rồi. Thì ra nó đã làm được vài tháng rồi. Tối nào nó cũng đến đây ngủ với mày. Mấy người trong xóm còn lấy ngày mày tỉnh lại để cá cược nữa đấy. Nếu còn không tỉnh sớm thì còn bao nhiêu chuyện nữa. Mà mày có biết một đêm ở đây bao nhiêu tiền không hả thằng phá của? - Mẹ. Bà Tư sững người, ngước lên, nhìn thấy đôi mắt to tròn trong sáng vô ngần nhìn mình. Giờ đây, nó không còn đám sương mù như trước mà tỏa ra ánh sáng kì lạ. Bà run run đưa tay lên mặt người đối diện. Đầu Đất cũng vô cùng ngoan ngoãn nghiêng đầu cho bà chạm vào. - Rốt cuộc con cũng tỉnh. Thằng nhóc này, mày làm mẹ, anh mày với mọi người trong xóm lo chết đi được. – Bà vòng tay ôm ghì lấy Đầu Đất, khóc tu tu lên như trẻ con. Đầu Đất mỉm cười, đôi tay vòng quanh vòng hông rộng lớn của bà, đôi mắt dịu dàng đỏ lên, khóe mắt rớm nước.
Phần giới thiệu tác giả, tác phẩm này mình có viết một đoạn tóm tắt truyện không bạn? Mình không hiểu lắm.