Truyện Ngắn Lắng Nghe Gió Hát - Haruki Murakami

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Gill, 9 Tháng ba 2020.

  1. Gill

    Bài viết:
    6,269
    Chương 10

    Bấm để xem
    Đóng lại
    37.

    Chào, khỏe chứ? Đây là thời điểm radio NEB phát sóng chương trình Pop Telephone Request. Tối cuối tuần lại đến. Giờ hãy bắt đầu lắng nghe những bản nhạc tuyệt hảo trong suốt hai giờ tới đây. Mà này, sắp hết hè rồi nhỉ. Thế nào? Mùa hè năm nay vui chứ?

    Hôm nay, trước khi cho chơi nhạc, mình sẽ mở đầu bằng một trong những lá thư mà các bạn đã gửi đến. Mình sẽ đọc nó. Thư viết thế này.

    "Anh khỏe không?

    Em luôn háo hức đón nghe chương trình của anh mỗi tuần. Thời gian trôi nhanh quá. Thật đấy! Từ khi nhập viện vào mùa thu, đã gần ba năm qua em sống tại đây. Với em, người chỉ có thể ngắm nhìn một thoáng cảnh vật bên ngoài qua ô cửa phòng bệnh, hẳn là việc chuyển mùa chẳng có chút ý nghĩa nào. Dù vậy, khi một mùa trôi đi và mùa mới lại đến thật sự khiến lòng ta xao xuyến.

    Em mười bảy tuổi. Suốt ba năm nay em không thể đọc sách, xem truyền hình cũng như đi lại.. Không chỉ vậy, ngồi dậy khỏi giường hay trở mình lúc ngủ em cũng chẳng thể làm được. Đó là cuộc đời mà em đã sống. Lá thư này em nhờ người chị gái luôn ở bên em viết hộ. Chị đã nghỉ học để trông nom em. Dĩ nhiên em rất biết ơn chị. Điều em học được trong suốt ba năm nằm trên giường bệnh là người ta luôn có thể học hỏi được điều gì đó dù trong hoàn cảnh đau khổ đến mức nào. Nhờ vậy em mới có thể sống tiếp dù chỉ sống qua từng giai đoạn.

    Em mắc bệnh dây thần kinh cột sống. Chứng bệnh rất khó chữa, nhưng dĩ nhiên vẫn có cơ hội hồi phục. Dù chỉ có ba phần trăm.. Đó là số người hồi phục trong tổng số những người mắc bệnh tương tự, bác sĩ nói vậy với em (bác sĩ là một người rất tốt). Trên lý thuyết, con số này còn khả quan hơn so với việc một pitcher tân binh phải lập no hit no run trước đối thủ là đội Giants. Nhưng để có thể thắng trắng một trận đấu quả thật khá khó khăn. Bác sĩ đã nói vậy.

    Đôi lúc em sợ lắm khi tưởng tượng mọi việc sẽ chẳng diễn ra suôn sẻ. Em quá sợ đến nỗi chỉ muốn thét lên. Nếu tưởng tượng suốt đời mình phải nằm mãi trên giường như hòn đá, chỉ ngắm nhìn trần nhà, không thể đọc sách, không thể dạo bước trong làn gió thoảng, chưa từng hò hẹn yêu đương, già đi nơi đây khi thời gian mấy chục năm đã trôi qua, rồi thì cái chết đến, em lại thấy buồn đến không chịu nỗi. Những khi giật mình tỉnh giấc lúc 03.00 sớm, đôi lúc cảm giác như em có thể nghe được tiếng cột sống của mình tan chảy từng chút từng chút một. Mà thực tế, có lẽ đúng là như vậy.

    Câu chuyện buồn tẻ này em chỉ kể đến đây thôi. Như chị em vẫn nói, mỗi ngày mấy trăm lần em sẽ cố gắng chỉ nghĩ đến những điều vui vẻ. Rồi em cũng sẽ ngon giấc trong đêm, vì những điều muộn lòng thường chỉ đến vào giữa đêm khuya.

    Từ cửa sổ phòng bệnh có thể trông rõ cảng biển. Em tưởng tượng.. sẽ hạnh phúc dường nào nếu mỗi sáng tỉnh giấc mình có thể đi ra bến cảng và hít thật sâu vị biển.. Giá chỉ một lần thôi em thật sự có thể làm điều đó, có lẽ rồi em sẽ có thể hiểu được sao thế giới lại được tạo ra như thế này. Em cảm thấy như vậy. Nếu có thể hiểu được điều đó dù chỉ một ít, có lẽ em sẽ có thể chịu đựng để sống tiếp trên giường bệnh của mình.

    Tạm biệt. Mọi người hãy bảo trọng."

    Thư không đề tên.

    Anh nhận được bức thư này lúc 15.00 giờ hôm qua. Anh đọc thư trong lúc uống café ở phòng ăn studio. Rồi sau khi xong việc lúc chiều, anh đã đi đến bến cảng và nhìn về phía núi. Nếu từ cửa số phòng bệnh nơi em nằm có thể trông thấy cảng biển, chắc chắn là từ cảng biển cũng có thể trông thấy phòng em. Nhìn về phía núi có rất nhiều ánh đèn. Nhưng dĩ nhiên chẳng biết được đâu là ánh đèn phòng em. Ánh đèn từ nhà một gia đình nghèo khó, ánh đèn từ một cao ốc sang trọng, ánh đèn từ khách sạn, và ánh đèn khác từ trường học hay một công ty. Đủ mọi loại người với những cách sống của riêng mình, anh nghĩ thế. Lần đầu tiên anh nghĩ như vậy. Sau đó bỗng dưng anh rơi nước mắt. Cũng đã lâu rồi anh không khóc. Nhưng hãy nhớ, anh khóc không phải vì thương hại em. Anh muốn nói điều này, và vì mình sẽ nói điều này chỉ một lần duy nhất, nên hãy nghe thật kỹ nhé.

    Mình yêu tất cả các bạn.

    Nếu mươi năm nữa các bạn vẫn còn nhớ đến chương trình này, vẫn nhớ những đĩa nhạc mà mình đã phát, vẫn nhớ đến mình, thì cũng hãy nhớ những lời mình vừa nói.

    Giờ mình sẽ phát bài hát mà em ấy yêu cầu. Goodluck Charm của Elvis Presley. Khi bản nhạc này kết thúc, sẽ vẫn còn thời gian 1 giờ 50 phút nữa và mình sẽ lại điên khùng như mọi khi.

    Cảm ơn các bạn đã lắng nghe.

    38.

    Buổi chiều hôm quay về Tokyo, mang theo túi xách tôi cũng kịp ghé qua quán Jay's Bar. Quán vẫn chưa chính thức mở cửa, nhưng Jay cho phép tôi vào và lấy bia mời tôi.

    "Tối nay em sẽ đón buýt đi về."

    Jay gật gù, vẫn mãi gọt vỏ khoai tây để làm khoai tây chiên.

    "Chắc sẽ vắng lắm nếu không có cậu. Sẽ chẳng còn nhóm khỉ nữa," Jay vừa nói vừa chỉ bức tranh treo trên quầy. "Chuột chắc cũng sẽ thấy cô độc lắm."

    "Vâng."

    "Tokyo có vui không?"

    "Ở đâu cũng vậy thôi mà."

    "Chắc vậy. Từ lúc Olympic Tokyo diễn ra, tôi chưa từng rời khỏi thành phố này lần nào."

    "Anh thích thành phố này?"

    "Giống như cậu bảo. Ở đâu cũng vậy thôi."

    "Ừ."

    "Mà vài năm nữa tôi cũng muốn quay về Trung Quốc ít lâu. Dù tôi chưa bao giờ đến đó.. Mỗi lần nhìn những con thuyền nơi bến cảng, tôi luôn nghĩ vậy."

    "Cậu em mất ở Trung Quốc đấy."

    "Vậy sao? Người chết đủ loại cả, nhưng tất cả đều có họ hàng."

    Jay đãi tôi vài chai bia, còn cho tôi một túi khoai tây chiên nóng hổi.

    "Cảm ơn."

    "Không đáng bận tâm. Chỉ mấy thứ vặt vãnh thôi. Mà mọi người trưởng thành nhanh thật đấy. Lần đầu tôi gặp cậu, cậu mới chỉ học trung học phổ thông."

    Tôi bật cười và gật đầu, rồi nói lời từ biệt.

    "Nhớ bảo trọng đấy," Jay nói.

    Dưới tờ lịch ngày 26 tháng Tám có viết câu châm ngôn như sau.

    "Cho đi chân thành chính là nhận lại."

    Tôi mua vé xe đêm, rồi ngồi xuống băng ghế phòng chờ ngắm nhìn ánh đèn phố thị rực rỡ. Những ánh đèn bắt đầu tắt phụt cùng với màn đêm buông xuống, chỉ còn đèn đường và hộp đèn quảng cáo mãi tỏa sáng. Tiếng còi tàu xa xăm thoảng mang theo làn gió biển.

    Nơi cửa xe, hai nhân viên đứng đối diện nhau, kiểm tra vé và số ghế. Khi tôi chìa ra tấm vé của mình anh ta nói, "Số 21 Trung Quốc."

    "Trung Quốc?"

    "Vâng, số 21 C. Chữ cái đầu. America là A, Brazil là B, China là C, và Denmark là D. Nếu cậu ta nghe nhầm thì sẽ phiền lắm," anh ta vừa nói vừa chỉ người đồng nghiệp đang kiểm tra danh sách ghế ngồi. Tôi gật đầu rồi leo lên xe, ngồi xuống ghế C số 21, và ăn khoai tây chiên vẫn còn nóng.

    Mọi thứ trôi đi mất. Không ai có thể bắt lấy chúng.

    Đó là cách chúng ta vẫn sống.

    39.

    Chuyện tôi kể chỉ đến đây, nhưng dĩ nhiên nó vẫn còn tiếp diễn.

    Tôi bước qua tuổi hai mươi chin và Chuột đến tuổi ba mươi. Cái tuổi đã khá già. Quán Jay's Bar phải sửa chữa vì con lộ được mở rộng và lúc này đã là một bar khá oách. Dù vậy, Jay vẫn tự mình gọt vỏ một rổ khoai tây mỗi ngày, vừa mãi uống bia vừa càu nhàu rằng khách ngày trước đến quán tốt hơn nhiều.

    Tôi kết hôn và giờ đang sống ở Tokyo.

    Mỗi khi có phim của Sam Peckinpah[1], vợ chồng tôi lại đến rạp chiếu bóng. Trên đường về chúng tôi ghé công viên Hibiya uống một chai bia và rải popcorn cho lũ chim bồ câu nơi đó. Trong những phim của Sam Peckinpah, tôi thích phim Bring Me the Head of Alfredo Garcia, còn vợ tôi lại hết lời ca ngợi phim Convoy. Ngoài phim của Peckinpah, tôi thích Ashes and Diamonds[2], trong khi vợ tôi lại thích Mother Joan of the Angels[3] . Nếu chung sống với nhau đủ lâu, có lẽ sở thích cũng sẽ thành ra tương tự.

    "Anh có hạnh phúc không?" Nếu được hỏi vậy tôi chỉ có thể trả lời, "Dĩ nhiên." Vì thứ được gọi là ước mơ cuối cùng cũng chỉ là mơ ước.

    Chuột vẫn viết tiểu thuyết. Mỗi năm vào dịp Giáng Sinh cậu ta lại gửi tôi vài bản thảo tiểu thuyết của mình. Năm trước cậu ta gửi câu chuyện về một bếp trưởng làm việc ở bệnh viện tâm thần, còn hai năm trước cậu ta có gửi truyện vui phóng tác từ tiểu thuyết The Brothers Karamazov[4] . Như thường lệ, trong tiểu thuyết cậu ta viết chưa từng có yếu tố tình dục và cũng chẳng có nhân vật nào phải chết.

    Trang đầu bản thảo luôn đề 'Happy birthday' và 'White Christmas'. Vì sinh nhật tôi là ngày 24 tháng Mười Hai.

    Tôi chưa từng gặp lại cô gái, người có bàn tay trái chỉ còn bốn ngón. Mùa đông tôi quay về thành phố, cô đã nghỉ việc tại tiệm bán đĩa than và dọn khỏi căn hộ của mình. Rồi cô biến mất không chút vết tích giữa biển người và dòng chảy thời gian.

    Khi quay về thành phố vào mùa hè, tôi đã đi dọc con đường tôi vẫn thường cùng cô dạo bước, ngồi xuống bậc thang đá trước dãy nhà kho, và cô độc ngắm nhìn biển cả. Mỗi lần tôi muốn khóc thì dứt khoát nước mắt chẳng chịu trào ra. Vậy đấy.

    Đĩa than California Girls vẫn nằm trong góc kệ đĩa. Mỗi mùa hạ tôi lại lấy ra và lắng nghe vài lần. Vừa mơ tưởng về California tôi vừa uống bia.

    Bên cạnh kệ đĩa than có một cái bàn, trên mặt bàn đặt một nắm cỏ đã khô như xác ướp. Là mớ cỏ tôi lấy ra từ bao tử bò.

    Bức ảnh người bạn gái cũ học khoa Văn Học Pháp đã mất khi tôi bận rộn chuyển nhà.

    Beach Boys phát hành album mới sau thời gian dài tan rã.

    I wish they all could be California girls..

    40.

    Cuối cùng, tôi sẽ một lần nữa kể về Derek Heartfield.

    Heartfield sinh năm 1909 tại một thị trấn nhỏ ở Ohio và trưởng thành tại đó. Cha ông là một kỹ sư viễn thông câm lặng, còn mẹ ông là một người phụ nữ phốp pháp giỏi bói toán và nướng bánh. Chàng trai trẻ u sầu Heartfield không có bất kỳ người bạn nào. Thời gian rỗi ông dùng đọc truyện tranh hay pulp magazine hay thưởng thức món bánh mẹ ông làm. Với lối sống như thế ông đã đi qua hết thời trung học. Sau khi tốt nghiệp ông thử làm việc tại bưu điện thị trấn, nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Kể từ lúc đó, ông khẳng định con đường mình phải đi trong cuộc sống không gì khác hơn là trở thành một tiểu thuyết gia.

    Truyện ngắn thứ năm của ông, Weird Tales, đăng báo năm 1930 và nhuận bút ông nhận được là hai mươi đô-la. Năm tiếp theo, trong một tháng, ông viết tiểu thuyết dài 70 ngàn chữ, và năm kế tiếp ông viết thêm thành 100 ngàn chữ, rồi một năm trước ngày mất của ông tổng số chữ đã là 150 ngàn. Nghe bảo cứ mỗi nửa năm ông lại phải thay máy đánh chữ hiệu Remington của mình.

    Hầu hết mọi tiểu thuyết ông viết đều thuộc thể loại phiêu lưu và huyền bí. Tiểu thuyết nhiều kỳ Wald: The Adventurer Kid đã kết hợp một cách hài hòa hai yếu tố trên và trở thành tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, tổng cộng có bốn mươi hai kỳ. Trong tiểu thuyết nói trên, Wald được kể đã chết 3 lần, giết 5000 kẻ thù, và ngủ với 375 phụ nữ bao gồm cả phụ nữ sao Hỏa. Vài kỳ tiểu thuyết kể trên chúng ta có thể tìm đọc qua những bản dịch.

    Heartfield ghét rất nhiều thứ. Bưu điện, trung học phổ thông, nhà xuất bản, cà rốt, phụ nữ, chó.. nếu tính ra thì nhiều vô số kể. Ông chỉ thích mỗi ba điều. Súng, mèo, và bánh mẹ ông nướng. Không tính đến studio Paramount và FBI, có lẽ Heartfield là nhà sưu tầm vũ khí gần như đầy đủ nhất trên toàn nước Mỹ. Ngoài súng cao xạ và xe tăng, ông có tất cả mọi loại vũ khí. Thứ ông tự hào nhất trong bộ sưu tập của mình là khẩu revolver 38 mm có khảm ngọc trai trên báng súng; khẩu revolver này chỉ nạp mỗi một viên đạn mà thôi. Ông luôn nói. "Rồi có lúc tôi sẽ dùng vật này tự tay kết liễu chính mình."

    Tuy nhiên vào năm 1938, khi mẹ ông mất, ông đã đến New York để leo lên tòa nhà Empire State Building, rồi nhảy xuống khỏi ban-công và chết nát thây như một con ếch.

    Thể theo di nguyện, người ta khắc lên bia mộ ông những lời của Nietzche như sau.

    "Sao ánh dương kia hiểu được

    Ảm đạm đêm thâu."

    Heartfield đang.. (thay lời kết).

    Nếu không gặp nhà văn có tên Derek Heartfield này, có lẽ tôi đã không viết tiểu thuyết và tương tự.. tôi sẽ không có ý định kể ra câu chuyện này. Tuy nhiên tôi nghĩ chắc rồi con đường tôi đi sẽ rất khác so với bây giờ.

    Thời còn trung học phổ thông, tôi từng mua vài cuốn tiểu thuyết của Heartfield do một thủy thủ nước ngoài để lại trong tiệm sách cũ. Thời đó một quyển sách giá chỉ năm mươi yen. Nếu đó không phải là một tiệm sách, thứ tôi mua có lẽ sẽ không thể xem là một quyển sách bởi vẻ ngoài tồi tàn của nó. Bìa sách khôi hài đã long gần hết, còn mấy trang sách đã ố đỏ cả. Hẳn mấy quyển sách đã bị vứt chỏng gọng trên giường của viên thủy thủ trên con tàu hàng hay một chiến hạm, vượt biển Thái Bình Dương, và sau khoảng thời gian dài trôi qua đã nằm lại trên bàn tôi.



    Mấy năm sau tôi có đến Mỹ. Chuyến đi ngắn ngày chỉ với mục đích viếng mộ Heartfield. Tôi biết đến ngôi mộ thông qua thư từ với Thomas McLure, người nghiên cứu Heartfield rất tận tâm (và cũng là duy nhất).

    "Ngôi mộ nhỏ chỉ to chừng đế giày cao gót. Đừng bước qua lúc nào không hay đấy," ông viết như vậy trong thư.

    Từ New York tôi đón chuyến Bus Greyhound trông như một chiếc áo quan khổng lồ, và đến cái trấn nhỏ ở Ohio lúc 07.00. Ngoài tôi ra không ai khác dừng lại nơi đây. Sau khi vượt qua đồng cỏ bên ngoài thị trấn, tôi tìm đến được khu nghĩa trang. Nghĩa trang rộng lớn còn hơn cả thị trấn. Trên đầu tôi, vài cánh chim sẻ lượn quanh thành những vòng tròn trong lúc ríu rít điệu flight song.

    Tôi mất đúng một giờ tìm kiếm mộ của Heartfield. Cuối cùng tôi cũng tìm thấy. Sau khi đặt bó hồng dại phủ đầy bụi bặm ngắt được trên cánh đồng ven thị trấn, tôi chấp hai tay về phía mộ, rồi ngồi xuống hút thuốc. Dưới ánh mặt trời dịu ngọt tháng Năm, sự sống và cái chết có vẻ đều tĩnh tại như nhau. Tôi nằm xuống ngửa mặt nhìn trời, mắt nhắm nghiền, và suốt mấy tiếng đồng hồ mãi lắng nghe bầy chim sẻ ríu rít.

    Tiểu thuyết này khởi đầu từ một nơi như vậy đấy. Tôi chẳng biết nó sẽ kết thúc nơi đâu.

    "So với vũ trụ tinh tế," Heartfield nói vậy, "thế giới chúng ta chỉ như bộ óc giun."

    Mong là thế, tôi hy vọng.



    Một điều cuối cùng, những thông tin liên quan đến Heartfield, tôi đã trích từ quyển The Legend of the Sterile Stars của Thomas McLure, người tôi đã nhắc đến trước đó. Xin được nói lời tri ân.

    Tháng Năm 1979

    Haruki Murakami

    * * *

    [1] David Samuel 'Sam' Peckinpah (21 tháng Ba 1925 – 28 tháng Mười Hai 1984), đạo diễn người Mỹ đã đạo diễn các phim Straw Dogs (1971), Pat Garret & Billy the Kid (1973), Bring Me the Head of Alfredo Garcia (1974).

    [2] Chuyển thể từ một tiểu thuyết của nhà văn Phần Lan Jerzy Andrzejewski, có tựa gốc Popiól i diament, xuất bản năm 1948. Tiểu thuyết này được đưa lên màn bạc với cùng tựa gốc bởi đạo diễn người Phần Lan, Adrzej Wajda vào năm 1958.

    [3] Tựa gốc là Matka Joanna od aniolów (1961). Phim về việc trừ tà được đạo diễn bởi Jerzy Kawalerowicz.

    [4] Tiểu thuyết của Fyodor Dostoyevsky.

    Hết.
     
Trạng thái chủ đề:
Đã bị khóa
Trả lời qua Facebook
Đang tải...