Truyện Ngắn Lắng Nghe Gió Hát - Haruki Murakami

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Gill, 9 Tháng ba 2020.

  1. Gill

    Bài viết:
    6,243

    Tác giả: Haruki Murakami

    Dịch giả: Tam Diệp Thảo

    Nguồn: Tamdiepthao. Wordpress.com​

    Giới thiệu

    Lắng nghe gió hát (風の歌を聴け Kaze no uta wo kike) là tên tiểu thuyết đầu tay phát hành năm 1979 của Murakami Haruki. Đây là cuốn đầu tiên trong chùm sách "Bộ ba Chuột", theo sau là tiểu thuyết Pinball, 1973 và Cuộc săn cừu hoang.

    Bối cảnh tiểu thuyết diễn ra vào khoảng thời gian từ ngày 8 đến 28 tháng 8 năm 1970. Truyện Lắng nghe gió hát xoay quanh nhân vật chính là một sinh viên không rõ tên và cậu bạn của cậu tên Chuột; địa điểm hai người thường lui tới là quán bar tên Jay's Bar. Chủ đề câu chuyện xoay quanh tình yêu và mất mát. Đây cũng là cuốn tiểu thuyết duy nhất của Murakami Haruki mà không mô tả trực tiếp cảnh quan hệ tình dục.

    Tác giả nghĩ ra ý tưởng cho cuốn tiểu thuyết lúc xem đội bóng chày Yakult Swallows chơi ở sân vận động Meiji Jingu. Trong vòng 4 tháng liên tục, ngày nào ông cũng dành ra một tiếng đồng hồ để viết. Những chương đầu tiên của tiểu thuyết được định kỳ trên tạp chí văn học Gunzo năm 1979 nhưng truyện được để tên Chúc mừng sinh nhật và Giáng sinh trắng. Tháng 7 cùng năm, các chương được tổng hợp thành tiểu thuyết phát hành dưới tên Lắng nghe gió hát. Năm 1987, cuốn sách được dịch sang tiếng Anh với tên Hear the Wind Sing và được phát hành bởi Kodansha English Library với số lượng cực kỳ hạn chế.

    Năm 1981, tiểu thuyết được chuyển thể thành phim nhựa cùng tên đạo diễn bởi Ōmori Kazuki.

    Các giải thưởng: Đoạt giải tại Giải Văn học Gunzo, Để cử tại Giải Akutagawa, Đề cử tại Giải Văn học mới Noma

    Tác giả

    Haruki Murakami, nhà văn Nhật Bản lừng danh, là tác giả nhiều tiểu thuyết thuộc hàng bán chạy nhất thế giới đồng thời nhận được sự đánh giá cao của giới phê bình nghiêm túc, "hàn lâm". Nhiều tác phẩm của ông đã dịch ra tiếng Việt và được người đọc Việt Nam ưa thích, như Rừng Na Uy, Biên niên ký Chim vặn dây cót, Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời, Kafka bên bờ biển, Người tình Sputnik, Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới..

    Mời các bạn đón đọc Lắng Nghe gió hát của tác giả Haruki Murakami.
     
    Last edited by a moderator: 18 Tháng ba 2020
  2. Đăng ký Binance
  3. Gill

    Bài viết:
    6,243
    Chương 1

    Bấm để xem
    Đóng lại
    1.

    "Không có câu văn hoàn hảo. Cũng như chẳng có nỗi tuyệt vọng hoàn toàn."

    Một nhà văn tôi tình cờ quen biết khi còn học đại học đã nói với tôi câu này. Phải rất lâu sau đó tôi mới hiểu hết ý nghĩa câu nói. Nhưng ít ra, tôi đã xem nó như những lời an ủi.

    Tuy vậy tôi luôn thấy nỗi tuyệt vọng cồn cào mỗi lúc định viết một điều gì. Bởi phạm vi những gì tôi có thể viết rất giới hạn. Nói như, tôi có thể viết về voi, nhưng có lẽ sẽ chẳng biết viết gì về người huấn luyện voi. Đại loại là vậy.

    Tôi mắc kẹt trong thế tiến thoái lưỡng nan đó mãi suốt tám năm trời. Tám năm. Đó là một quãng thời gian dài.

    Miễn có thái độ ham học hỏi từ mọi điều, thì việc già đi hẳn cũng chẳng đau khổ mấy. Mọi người vẫn thường nghĩ thế.

    Từ khi bước qua ngưỡng tuổi hai mươi, tôi cố duy trì triết lý sống đó. Kết quả là, vài lần bị đấm, bị lừa dối, bị hiểu lầm, và đồng thời có được những trải nghiệm lạ kỳ. Nhiều loại người tìm đến tôi tâm sự, bước ngang qua tôi bằng những bước chân gây buốt nhói như thể đang đi qua một cây cầu, rồi không bao giờ quay trở lại. Suốt quãng thời gian đó, tôi ngậm miệng, chẳng nói lấy một lời. Đó là cái cách tôi nhớ đến những năm cuối tuổi hai mươi của mình.

    Giờ đây tôi đã sẵn sàng để kể về nó.

    Vẫn chưa có bất kỳ vấn đề nào được giải quyết, và có lẽ vẫn sẽ nguyên như thế khi câu chuyện này kết thúc. Rốt lại, viết không phải phương cách để tự chữa lành chính mình, mà chẳng hơn gì ngoài những cố gắng nhỏ nhoi trong nỗ lực tự chữa lành đó.

    Tuy vậy, thật khó khăn để có thể kể hết sự thật. Tôi càng cố gắng thành thật, những câu từ chính xác lại càng lặn sâu hơn vào trong bóng tối.

    Tôi không có ý biện hộ. Ít ra, điều tôi kể ra đây là những gì chắt lọc nhất tồn tại trong tôi lúc này. Không thêm bớt điều gì. Dù vậy, tôi cũng đã nghĩ thế này. Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, thì tương lai có lẽ tôi sẽ có thể tìm thấy một tôi đã được chữa lành, sau mấy năm hay mấy chục năm không biết nữa. Lúc đó những con voi sẽ lại quay về đồng cỏ, và có lẽ tôi sẽ bắt đầu kể về thế giới này với những ngôn từ đẹp đẽ hơn nhiều.



    Tôi đã học rất nhiều từ Derek Heartfield về những câu văn. Lẽ ra tôi phải nói rằng hầu như tất cả tôi đều học được từ ông. Đáng tiếc, Heartfield là một nhà văn thất bại. Nếu đã đọc tác phẩm của ông, hẳn bạn sẽ hiểu. Câu văn khó hiểu, cốt truyện rối rắm, và chủ đề ấu trĩ. Tuy nhiên ông là một trong số ít nhà văn vĩ đại có khả năng đấu tranh bằng cách biến ngôn từ thành vũ khí. Tôi nghĩ, nếu so sánh với những nhà văn cùng thời như Hemingway và Fitzgerald, phong cách chủ nghĩa tiền vệ của Heartfield hoàn toàn không hề thua kém. Đáng tiếc, đến cuối đời Heartfield cũng chẳng thể xác định rõ đối thủ mình chiến đấu là ai. Cuối cùng, ông thất bại.

    Ông đã tiếp tục cuộc chiến thảm bại của mình suốt tám năm hai tháng trước khi tìm đến cái chết. Vào một sáng Chúa nhật trong lành của tháng Sáu năm 1938, ông nhảy từ đỉnh tòa nhà Empire State với chân dung Hitler ôm trong tay phải và chiếc ô mở bung bên tay trái. Không khác gì lúc sống, cái chết của ông cũng chẳng phải chuyện gì hệ trọng.

    Quyển sách đầu tiên của Heartfield – chưa từng được tái bản – tôi có được lần đầu là vào một mùa hè oi bức khi đang học lớp 9, chính xác lúc đó tôi đang đau đớn với căn bệnh da liễu trầm trọng ngay vùng bẹn. Ba năm sau khi cho tôi quyển sách đó, cậu tôi mắc bệnh ung thư ruột, cả người như bị cắt lát. Với dây nhợ chèn đặc những lỗ ra và vào trên người, ông mất trong đau đớn. Lần cuối tôi gặp ông, cơ thể ông nhăn nhúm có màu đỏ bầm, trông như một con khỉ tinh quái.



    Tôi có ba ông cậu, một người chết ở ngoại ô Thượng Hải. Ông mất vì giẫm phải địa lôi do chính mình cài hai ngày sau khi chiến tranh kết thúc. Ông cậu thứ ba, người duy nhất còn sót lại, trở thành ảo thuật gia và đi biểu diễn quanh các suối nước nóng khắp nước.



    Heartfield từng viết về một câu văn hay như sau. "Viết văn không khác gì việc xác định khoảng cách giữa bản thân với mọi điều quanh mình. Do đó, điều cần thiết không phải cảm xúc mà là thước đo." (What's So Bad About Feeling Good? 1936)

    Vào năm tổng thống Kennedy mất, tôi bắt đầu rụt rè trải tầm nhìn ra quanh mình với chiếc thước đo bên tay. Kể từ đó, đã mười lăm năm trôi qua. Trong mười lăm năm, tôi thật sự đã vứt bỏ tất cả mọi điều. Chẳng khác gì chiếc máy bay hỏng máy, hàng hóa trong ca-bin bị vứt đi để giảm tải, kế đó là ghế ngồi, và cuối cùng là nữ tiếp viên xinh đẹp. Suốt mười lăm năm tôi đã vứt tất cả mọi thứ tồn tại trong tôi, và đổi lại nơi đó là một sự trống rỗng.

    Tôi không chắc hành động đó là đúng hay sai. Dù thật sự cảm thấy nhẹ nhõm hơn, tôi sợ hãi khi nghĩ đến những gì còn sót lại nơi mình khi tuổi già và cái chết đón đợi. Có lẽ đến một mẫu xương cũng chẳng còn sau khi tôi được hỏa thiêu.

    "Kẻ ác tâm sẽ chỉ gặp toàn ác mộng. Nếu tâm càng thêm ác độc, đến giấc mơ cũng chẳng còn." Bà ngoại quá cố của tôi luôn nói vậy.

    Vào đêm ngoại mất, điều đầu tiên tôi làm là đưa tay chậm rãi vuốt mắt bà nhắm lại. Ngay lúc đó, cơn mộng bà mãi ôm ấp suốt bảy mươi chín năm trời cũng dần tan biến như cơn mưa mùa hạ oi nồng rơi trên con đường rải nhựa. Sau đó, chẳng còn gì sót lại.



    Một lần nữa tôi sẽ viết về việc viết. Lần cuối cùng.

    Với tôi, viết là một việc đau khổ. Tôi đã từng không viết dòng nào suốt một tháng trời. Tôi cũng đã từng viết mê mãi suốt ba ngày ba đêm, nhưng đến cuối mọi câu chữ đều hóa ra vô nghĩa.

    Dù vậy, viết cũng là một điều hạnh phúc. Vì việc gán nghĩa cho những câu từ có lẽ là dễ dàng hơn so với những khó khăn phải sống.

    Tôi hiểu ra thực tế đó khi mới mười mấy tuổi. Lúc đó, tôi đã hốt hoảng đến nỗi không thể mở miệng nói câu nào suốt một tuần liền. Giả có thái độ thông minh hơn một chút thôi, tôi đã có thể xếp đặt thế giới theo ý mình, mọi thứ giá trị sẽ đổi thay, và cả thời gian cũng sẽ chuyển dòng.. Tôi có cảm giác như vậy.

    Đáng tiếc, tôi chỉ nhận ra đó là cái bẫy khi thời gian trôi đã đủ lâu. Tôi gạch một đường kẻ chia đôi quyển sổ của mình, phía trái ghi ra tất cả những gì tôi có được vào thời điểm đó, trong khi phía phải tôi ghi tất cả những điều mình đã mất. Những thứ đã biến mất, những thứ tôi đã chà đạp, những thứ tôi chỉ vậy mà vứt bỏ, những thứ tôi đã hy sinh, những thứ tôi đã phản bội.. tôi đã chẳng thể ghi ra tất cả cho đến hết.

    Có một khe vực thẳm sâu chia cách giữa điều chúng ta cố gắng thấu hiểu và điều chúng ta thực tế thấu hiểu. Không cần biết thước đo ta mang theo dài đến đâu, chúng ta cũng không thể đo được độ sâu của nó. Điều tôi có thể viết ra đây đơn thuần chỉ là một danh sách. Không phải tiểu thuyết, chẳng phải văn chương, cũng không là nghệ thuật. Chỉ là một chương ghi chép với đường kẻ chia đôi trang giấy. Trong khi đó, thông điệp nó chứa đựng có lẽ là rất ít.

    Nếu hứng thú với nghệ thuật hay văn chương, tốt hơn bạn nên đọc các tác phẩm của người Hy Lạp. Vì hệ thống nô dịch rất cần thiết để tạo ra nghệ thuật chân chính. Đó là điều đã diễn ra vào thời Hy Lạp cổ, người nô lệ đóng thuế ruộng đất, chế biến thức ăn, chèo thuyền, trong khi những thị dân đắm mình trong việc sáng tác thơ ca dưới ánh dương Địa Trung Hải và chắp nối những con tính. Đó được gọi là nghệ thuật.

    Những câu văn tôi có thể viết chỉ giới hạn đến đó, chẳng khác gì một người chà rửa tủ lạnh trong bếp vào lúc 03.00 sớm. Vậy đấy, người đó chính là tôi.

    2.

    Câu chuyện này bắt đầu ngày 8 tháng 8 năm 1970, và kết thúc 18 ngày sau đó, tức là ngày 26 tháng 8 cùng năm.

    3.

    "Quẳng hết bọn nhà giàu ra biển cho xong!"

    Hai tay vẫn đặt trên quầy, Chuột quay sang phía tôi với vẻ mặt u ám rồi chửi như vậy.

    Cũng có thể Chuột[1] đang chửi chiếc máy pha café đặt phía sau tôi. Vì tôi và Chuột đang ngồi cạnh nhau bên quầy bar, thực tế cậu ta không cần phải quay sang phía tôi để chửi rủa. Nhưng nếu đã lớn tiếng, như mọi khi Chuột sẽ lại nốc bia với nét mặt thỏa mãn.

    Vả lại cũng chẳng ai xung quanh thấy phiền cái giọng lanh lảnh của Chuột. Quán bar nhỏ chật kín khách, và mọi người đều trò chuyện to tiếng. Không khí nơi đây chẳng khác gì trên một con tàu sắp sửa đắm đến nơi.

    "Bọn giòi bọ!" Chuột lầm bầm lắc đầu như thể cảm thấy rất giận dữ.

    "Bọn nó chẳng biết làm đếch gì cả. Cứ trông bộ mặt hãnh tiến ta đây giàu có của chúng là đã thấy tởm."

    Tôi chỉ gật đầu trong lúc dán chặt môi vào miệng chai bia mỏng tanh. Sau đó Chuột không nói gì thêm. Vừa xoay lật bàn tay đặt trên mặt quầy, như thể đang sưởi ấm những ngón tay gầy guộc của mình bên đám lửa, Chuột vừa chăm chú ngắm nhìn chúng. Còn tôi cứ lờ đi và ngước nhìn trần nhà. Chuột sẽ chẳng tiếp tục câu chuyện nếu chưa lần lượt săm soi đủ hết mười đầu ngón tay của mình. Luôn là vậy.

    Suốt mùa hè oi bức, như bị ám, tôi và Chuột đã uống hết số bia tương đương thể tích một hồ bơi dài hai mươi mét, và vứt số vỏ đậu phộng dày đến năm xen-ti-mét trên mặt sàn quán Jay's Bar. Mùa hè năm đó quả thật buồn tẻ và có lẽ sẽ chẳng chịu trôi qua nếu chúng tôi không làm những điều tương tự.

    Bên quầy quán Jay's Bar có treo một bức tranh khắc gỗ đã ám màu khói thuốc. Khi thấy đã quá tẻ ngắt, tôi nhìn mãi bức tranh đó suốt hàng giờ liền quên cả ăn. Trong mắt tôi, bức tranh có đường nét như những bức vẽ thường dùng trong các trắc nghiệm Rorschach[2] đó trông ra hai con khỉ màu xanh lá đang ngồi đối diện và ném hai quả bóng quần gần như lép xẹp vào nhau.

    Khi tôi nói điều đó với Jay, người pha chế, anh ta thoáng nhìn bức tranh một lúc rồi hờ hững bảo, "Cũng giống đấy."

    "Thế thì hàm ý gì nhỉ?" tôi hỏi.

    "Con khỉ bên trái là cậu, còn con bên phải là tôi. Nếu tôi ném chai bia về phía cậu, thì cậu sẽ quẳng tiền thanh toán cho tôi."

    Tôi uống bia của mình với cảm giác thán phục.

    "Thật tởm."

    Chuột lặp lại mấy lời ban nãy khi đã kiểm tra xong các ngón tay của mình từng ngón một.

    Đó không phải lần đầu tiên Chuột thóa mạ người giàu. Cậu ta thậ sự rất ghét người giàu. Mặc dù gia đình Chuột cũng phải nói là khá giàu, mỗi lần tôi nhắc đến điều đó Chuột sẽ cãi lại, "Đó không phải lỗi của tớ." Có lúc, ừ, phần lớn là khi đã uống quá nhiều bia, tôi bảo, "Không đâu. Đó là lỗi của cậu." Sau khi nói vậy hiển nhiên tôi không thấy thoải mái cho lắm, vì thật ra Chuột cũng có lý.

    "Theo cậu, sao tớ lại ghét người giàu đến vậy?"

    Đêm đó, Chuột nói tiếp lời mình. Đó là lần đầu câu chuyện của chúng tôi đi tiếp đến tận đấy.

    Tôi lắc đầu tỏ ý không biết.

    "Tớ bảo cậu biết, tớ ghét bọn nhà giàu vì chúng chẳng suy nghĩ gì cả. Giả không có đèn pin hay thước kẻ, chắc chúng cũng chẳng thể tự gãi lấy lưng mình."

    "Tớ bảo cậu biết." Đó là cách nói đặc trưng của Chuột.

    "Vậy sao?"

    "Ừ. Chúng chẳng bao giờ suy nghĩ điều gì quan trọng cả. Chúng chỉ giả vờ nghĩ ngợi.. Theo cậu, sao chúng lại như vậy?"

    "Chả biết."

    "Vì chúng chẳng cần phải suy nghĩ. Để làm giàu, quả thật người ta cần động não đôi chút, nhưng để tiếp tục giàu có, người ta không cần làm gì cả. Cũng như vệ tinh nhân tạo chẳng cần dùng đến nhiên liệu. Chỉ cần xoay quanh mãi một chỗ là đủ. Nhưng tớ thì không như vậy, cậu cũng không. Chúng ta phải suy nghĩ lien tục để có thể sống. Nghĩ từ việc thời tiết ngày mai thế nào cho đến kích thước nắp chặn lỗ thoát nước bồn tắm. Đúng không?"

    "Ừ," tôi nói.

    "Đúng thế đấy."

    Sau khi nói hết những gì muốn nói, Chuột mò tìm khăn giấy trong túi rồi xì mũi thật mạnh như thể buồn chán lắm. Tôi chẳng thể biết được Chuột nghiêm túc đến mức nào khi nói những lời đó.

    "Gì thì cuối cùng mọi người đều sẽ chết cả," tôi nói ý dò xét.

    "Cái đó thì hẳn rồi. Một lúc nào đó mọi người đều phải chết. Nhưng mà họ đã phải sống ít nhất năm mươi năm cho đến lúc đó. Tớ bảo cậu biết, sống năm mươi năm suy nghĩ đủ điều thì mệt nhọc hơn nhiều so với sống suốt năm ngàn năm chẳng nghĩ ngợi gì cả. Đúng không?"

    Điều đó thì đúng thật.

    4.

    Tôi gặp Chuột vào mùa thu ba năm trước. Thời gian đó là năm đầu đại học, và chúng tôi đang say bí tỉ. Vì vậy, tôi hoàn toàn chẳng nhớ tình huống nào khiến chúng tôi cùng ngồi lên chiếc Fiat 500 màu đen của Chuột vào lúc 04.00 hơn buổi sớm. Có lẽ do cùng đường về.

    Quan trọng là lúc đó chúng tôi đã say thật sự, tệ hơn nữa, kim đo tốc độ chỉ đến con số 80 km. Vì lẽ đó, chúng tôi lái xe lũi vào hàng rào công viên, cán nát dãy hoa đỗ quyên, và theo tôi nhớ cũng đã đâm vào một trụ đá. Vì chúng tôi chẳng xây xát một chút nào, nên không có từ nào chính xác hơn để miêu tả tình trạng của chúng tôi là tốt số.

    Khi đã hoàn hồn, tôi đạp tung cánh cửa xe móp méo bước ra ngoài. Mui chiếc Fiat bật văng tới trước chuồng khỉ cách khoảng 10 mét về phía trước, còn mũi xe thì đã lõm vào theo dáng trụ đá. Mấy con khỉ la thét tức giận vì bỗng đâu bị đánh thức.

    Tay vẫn nắm chặt vô-lăng, Chuột cúi gập người, nhưng cậu ta không bị thương. Cậu ta chỉ ói hết miếng pizza vừa ăn một giờ trước đó lên bảng điều khiển. Tôi trườn lên trên nóc xe rồi ngó nhìn ghế lái qua sunroof.

    "Cậu không sao đấy chứ?"

    "Ừ, nhưng chắc tớ uống nhiều quá. Ói gần hết cả rồi."

    "Bước ra được không?"

    "Kéo tớ giúp với!"

    Chuột tắt máy xe, lấy gói thuốc đặt trên bảng điều khiển nhét vào trong túi, rồi chậm rãi nắm lấy tay tôi trườn lên nóc xe. Ngồi cạnh nhau trên nóc chiếc Fiat, chúng tôi ngước nhìn bầu trời đã bắt đầu rạng, và đốt vài điếu thuốc mà chẳng nói lời nào. Chẳng biết sao tôi lại nhớ đến cảnh phim chiến tranh có Richard Burton thủ vai[3] . Không biết Chuột đang nghĩ điều gì.

    "Này, bọn mình may quá nhỉ," năm phút sau Chuột nói vậy. "Nhìn xem. Bọn mình chẳng xây xát chút nào. Tin nổi không?"

    Tôi gật đầu. "Nhưng xe thì nát bét rồi."

    "Nghĩ làm quái gì. Xe có thể mua, nhưng vận may thì có tiền cũng không mua được."

    Tôi nhìn mặt Chuột, sững sờ. "Cậu giàu lắm à?"

    "Chắc vậy."

    "Nếu vậy thì tốt rồi."

    Chuột không đáp trả, nhưng cậu ta lắc đầu đôi lần cứ như không vừa ý. "Nhưng điều quan trọng là chúng ta may mắn."

    "Ừ, đúng đấy."

    Chuột dụi tắt điếu thuốc dưới đế giày tennis của mình, rồi búng mẩu thuốc về phía chuồng khỉ.

    "Này, bọn mình làm thành một đội thì sao? Hẳn mọi việc sẽ suôn sẽ lắm."

    "Trước hết, chúng ta sẽ làm gì?"

    "Uống bia thôi."

    Chúng tôi mua nửa tá bia từ máy bán hàng tự động đặt cách đó không xa, đi về phía biển, nằm dài trên bãi cát, uống hết tất cả số bia, rồi ngắm biển. Tiết trời hôm đó thật trong lành.

    "Gọi tớ là Chuột nghen," cậu ta nói.

    "Sao lại gọi vậy?"

    "Tớ quên rồi. Thì cũng đã khá lâu. Lúc đầu nghe gọi vậy cũng thấy bực, nhưng giờ thì chẳng sao nữa. Quen rồi."

    Chúng tôi ném hết số lon bia rỗng xuống biển, rồi nằm dựa vào con đê chắn sóng chúng tôi lấy áo khoác duffle[4] chùm kín đầu và ngủ khoảng một tiếng đồng hồ. Khi tỉnh dậy, tôi cảm thấy có một sức sống ngập tràn cơ thể. Một cảm giác kỳ lạ.

    "Tớ thấy như mình đủ sức chạy bộ suốt một trăm kí-lô-mét đấy," tôi bảo.

    "Tớ cũng vậy," Chuột nói.

    Tuy nhiên thực tế điều chúng tôi buộc phải làm là đóng phạt cho tòa thị chính chỗ phí tu sửa công viên cũng như vườn hoa trong suốt ba năm.

    * * *

    [1] Chuột, nghĩa tiếng Nhật của tên nhân vật Nezumi [ ラット] trong nguyên bản.

    [2] Một loại trắc nghiệm tâm lý do nhà phân tâm học người Thụy Sĩ Rorschach tạo ra năm 1917, trong đó người ta dựa vào những hình ảnh mà một người nhìn thấy khi xem những vết "mực loang" đối xứng để rút ra kết luận. Theo ông, những vết mực loang đã tạo nên một "môi trường chân không tri giác" chảy vào các khuynh hướng nội tâm của đối tượng trắc nghiệm.

    [3] The Desert Rats (1953) là bộ phim về thế chiến II của đạo diễn Robert Wise, lấy bối cảnh cuộc vây hãm Tobruk ở Bắc Phi. Phim có sự tham gia của Richard Burton trong vai sĩ quan người Anh "Tammy" MacRoberts, Robert Newton thủ vai Tom Bartlett, và James Mason trong vai tư lệnh người Đức Erwin Rommel.

    [4] Một loại áo len thô và dày.
     
  4. Gill

    Bài viết:
    6,243
    Chương 2

    Bấm để xem
    Đóng lại
    5.

    Chuột không bao giờ đọc sách. Tôi chưa từng thấy cậu ta đọc một chữ nào ngoài báo thể thao và thư tín. Cứ khi tôi đọc sách để giết thời gian, cậu ta lại liếc nhìn quyển sách như thể vật gì quý hiếm lắm, chẳng khác nào con ruồi ngắm cái vỉ đập ruồi.

    "Sao cậu đọc sách mãi vậy?"

    "Sao cậu uống bia mãi vậy?"

    Vừa ăn gỏi cá thu luân phiên với sa-lát trộn, tôi vừa hỏi lại mà không quay nhìn Chuột. Chuột ngẫm nghĩ về điều đó, và năm phút sau cậu ta mở miệng.

    "Mặt tốt của bia, thứ chất lỏng đó sẽ hóa thành nước tiểu và từ cơ thể thải hết ra ngoài. One out, first base, double play[1] . Không một chút gì còn sót lại," Chuột trả lời trong lúc nhìn tôi vẫn đang mãi ăn.

    "Sao cậu chỉ đọc sách không vậy?"

    Sau khi chiêu món gỏi cá thu bằng một ngụm bia, tôi dọn đĩa, với lấy quyển sách nhan đề Sentimental Education đặt bên cạnh, rồi lật mở vài trang.

    "Bởi lẽ Flaubert[2] đã chết."

    "Cậu không đọc sách của những tác giả vẫn còn sống sao?"

    "Tác phẩm của tác giả còn sống không đáng đọc."

    "Sao lại thế?"

    "Vì tớ cảm thấy mình có thể tha thứ nhiều điều cho người đã chết."

    Tôi trả lời như vậy trong lúc xem Route 66[3] trên chiếc tivi di động đặt giữa quầy. Chuột lại một lần nữa ngẫm nghĩ.

    "Này, còn với người thường thì sao? Cậu có thể tha thứ mọi điều cho họ không?"

    "Sao nhỉ. Tớ chưa từng suy nghĩ nghiêm túc đến thế. Nhưng nếu hoàn cảnh ép buộc, có lẽ tớ sẽ có thể tha thứ cho họ. Cũng có khả năng tớ sẽ không thể tha thứ cho họ."

    Jay tiến lại gần rồi đặt hai chai bia mới trước mặt chúng tôi.

    "Cậu sẽ làm gì nếu không thể tha thứ cho họ?"

    "Tớ sẽ ôm gối đi ngủ."

    Chuột lắc đầu vẻ bối rối.

    "Quái thật. Tớ chẳng hiểu gì cả," Chuột lầm bầm.

    Tôi rót bia vào ly của Chuột, trong lúc cậu ta lại cúi gập người thoáng nghĩ ngợi.

    "Lần cuối tớ đọc sách là mùa hè năm ngoái," Chuột nhớ lại. "Tớ quên mất tựa đề và tên tác giả rồi. Tớ cũng chẳng nhớ vì sao mình lại đọc cuốn sách ấy. Cái chính, đó là tiểu thuyết của một nữ tác giả. Nhân vật chính là một phụ nữ mới chỉ ba mươi tuổi và là một nhà thiết kế thời trang danh tiếng. Nhưng cô ta cứ khăng khăng rằng mình mắc một căn bệnh vô phương cứu chữa."

    "Bệnh gì vậy?"

    "Tớ quên rồi. Ung thư hay đại loại vậy. Còn căn bệnh vô phương cứu chữa nào khác ngoài ung thư sao? Thế rồi cô ta đi nghỉ hè tại một bãi biển, và thủ dâm từ đầu chí cuối. Cô ta thủ dâm ở đủ mọi nơi, ví dụ như trong bồn tắm, trong rừng, trên giường, và giữa biển."

    "Ở giữa biển?"

    "Ừ. Tin được không? Sao phải viết mấy thứ đó vào trong tiểu thuyết cơ chứ? Còn bao nhiêu thứ khác có thể viết được cơ mà?"

    "Chẳng biết nữa."

    "Tiểu thuyết kiểu đó thối thật. Đọc cứ muốn mửa."

    Tôi gật đầu.

    "Phải tớ, tớ sẽ viết một tiểu thuyết hoàn toàn khác biệt."

    "Ví dụ như?"

    Chuột suy nghĩ trong lúc đưa ngón tay vân vê mép ly bia.

    "Thế này thì sao? Tớ bị đắm tàu ngay giữa Thái Bình Dương. Bám vào phao cứu sinh, một mình tớ vừa trôi nổi bập bềnh giữa biển đêm vừa ngắm sao trời. Một đêm yên bình và trong lành. Rồi từ phía đối diện, một người phụ nữ trẻ cũng bám vào áo phao bơi về phía tớ."

    "Phụ nữ đẹp?"

    "Đúng vậy."

    Tôi hớp một ngụm bia rồi lắc đầu.

    "Nghe ngớ ngẩn sao ấy?"

    "Nghe hết cái đã! Sau đó, hai người bọn tớ vừa trôi giữa biển vừa nói đủ thứ chuyện. Chẳng hạn như, đến từ đâu, muốn đi đâu, sở thích, số phụ nữ tớ đã lên giường, chương trình truyền hình, giấc mơ đã thấy đêm qua, ừ, mấy chuyện phiếm đại loại vậy. Rồi bọn tớ uống bia với nhau."

    "Này, khoan đã. Bia đâu mà cậu uống?"

    Chuột thoáng suy nghĩ.

    "Bia trôi giữa biển. Mấy lon bia đã lăn ra khỏi căng-tin tàu. Cùng với mấy hộp cá mồi. Đủ chưa?"

    "Được rồi."

    "Bình minh dần ló dạng.'Tiếp theo, chúng ta sẽ làm gì đây?'người phụ nữ hỏi tớ.'Tôi sẽ thử bơi về phía đảo, ' người phụ nữ nói tiếp.'Nhưng chưa chắc có hòn đảo nào quanh đây. Tốt hơn chúng ta cứ vừa trôi ở đây vừa uống bia, chắc rồi sẽ có máy bay cứu hộ đến thôi, ' tớ nói thế. Nhưng người phụ nữ đó vẫn cứ bơi đi một mình."

    Chuột thoáng thở dài rồi uống bia.

    "Người phụ nữ đó bơi suốt hai ngày hai đêm đến cuối cùng cũng tới được một hòn đảo. Trong khi đó, tớ đang trong tình trạng say khước đã được một máy bay giải cứu. Vài năm sau họ tình cờ gặp lại nhau trong một quán bar nhỏ ở vùng Yamanote."

    "Rồi họ lại uống bia cùng nhau đúng không?"

    "Chuyện tớ viết không dở chứ?"

    "Chẳng biết," tôi nói.

    6.

    Có hai điểm dị biệt trong tiểu thuyết của Chuột. Trước hết là truyện không có cảnh ân ái, kế đó là không một nhân vật nào chết cả. Lý do là dù không đả động đến, con người chắc chắn rồi sẽ phải chết và đàn ông chắc chắn sẽ ngủ với phụ nữ. Thực tế là vậy.



    "Theo anh, tôi có sai lầm không?" người phụ nữ đó hỏi.

    Chuột hớp ngụm bia rồi chậm rãi lắc đầu. "Tôi bảo cô biết, mọi người đều sai lầm."

    "Sao anh nghĩ vậy?"

    "Hừm," Chuột lẩm bẩm rồi liếm môi trên của mình. Cậu ta không trả lời.

    "Tôi bơi gần chết tới đảo đến nỗi tay như muốn long cả ra. Thật sự mệt mỏi và tôi cứ tưởng mình sẽ chết. Lúc đó tôi đã nhiều lần nghĩ thế này. Có lẽ tôi đã sai và anh đúng. Nhưng sao anh cứ trôi trên biển không làm gì cả, trong khi tôi lại phải chịu đựng như thế? Tôi đã nghĩ vậy."

    Sau khi nói thế, người phụ nữ lặng lẽ cười rồi đưa tay ấn nhẹ khóe mắt như thấy mỏi mệt. Trong khi đó, Chuột lúng túng mò tìm thứ gì trong túi chẳng rõ. Sau ba năm cai thuốc, đột nhiên cậu ta lại muốn hút.

    "Cô có nghĩ đáng ra tôi phải chết?"

    "Có, một ít."

    "Thật chỉ một ít?"

    "Tôi quên rồi."

    Họ im lặng một lúc. Rồi Chuột thấy cần phải nói thêm một điều gì đó.

    "Này, con người sinh ra đã không bình đẳng."

    "Ai nói vậy?"

    "John F. Kennedy."

    7.

    Lúc nhỏ, tôi là một đứa trẻ rất kiệm lời. Vì lo lắng, ba mẹ đã mang tôi đến nhà một người quen là bác sĩ tâm thần.

    Nhà vị bác sĩ đó nằm trên một ngọn đồi, từ đấy có thể trông thấy biển. Tôi cứ ngồi vậy trên chiếc trường kỷ đặt giữa phòng khách ngập tràn ánh mặt trời, một phụ nữ trung niên có vóc người tao nhã đưa tôi ly orange juice lạnh cùng hai khoanh donat. Tôi cẩn thận ăn nửa khoanh donat để bột đường không rơi vãi lên đùi, rồi uống hết ly orange juice.

    "Uống nữa không?" vị bác sĩ hỏi. Tôi lắc đầu. Chúng tôi đang ngồi đối diện nhau. Trên bức tường trước mặt có treo chân dung Mozart với đôi mắt mở trừng nhìn tôi đầy nét thù hằn như thể một chú mèo đang hoảng sợ.

    "Thuở trước, có một chú dê núi tốt bụng."

    "Chú dê núi luôn đeo trên cổ một chiếc đồng hồ vàng rất nặng và đi khắp nơi với hơi thở mệt nhọc. Chiếc đồng hồ vàng đó không chỉ rất nặng mà còn đã hỏng với những chiếc kim không còn chuyển động. Một ngày nọ, bạn của dê núi là một chú thỏ nói thể này.'Này, dê núi, sao cậu cứ mang mãi chiếc đồng hồ đó? Không những nặng mà cũng đã hỏng mất rồi phải không?'Đúng là nặng thật, ' dê núi đáp.'Nhưng tớ quen rồi, dù chiếc đồng hồ vừa nặng lại vừa đã hỏng.'"

    Sau khi nói vậy, vị bác sĩ uống ly orange juice của mình rồi trầm ngăm nhìn tôi. Tôi chỉ im lặng đợi nghe tiếp câu chuyện.

    "Đến ngày sinh nhật dê núi. Chú thỏ tặng dê núi một chiếc hộp nhỏ có đính nơ thật đẹp. Món quà đó có vẻ là một chiếc đồng hồ mới chạy đúng giờ, nhẹ và lấp lánh. Dê núi thấy rất vui. Chú ta đeo chiếc đồng hồ mới vào cổ rồi đi khắp nơi khoe với muôn thú."

    Câu chuyện đột ngột kết thúc tại đó.

    "Cháu là chú dê núi, ta là thỏ, và chiếc đồng hồ chính là trái tim cháu."

    Có cảm giác mình bị xỏ mũi, tôi gượng ép gật đầu.

    Mỗi tuần một lần, chính xác là chiều Chúa nhật, tôi đón xe lửa rồi đổi sang xe buýt đến nhà vị bác sĩ đó. Vừa ăn coffee roll, bánh táo, pannekoek[4], hay croissant phết mật ong, tôi vừa chấp nhận trị liệu. Sau một năm, bởi những thức quà đó tôi cũng đã phải đến thăm một vị nha sĩ.

    "Văn minh là thông tin," vị bác sĩ nói vậy. "Nếu cháu không thể diễn đạt một điều gì đó, nghĩa là điều đó chưa hề tồn tại. Hiểu chứ? Số không to tướng! Chẳng hạn bụng cháu đói. Cháu chỉ cần nói, 'bụng cháu đói'. Có vậy, ta sẽ cho cháu bánh. Ăn đi nào." Tôi nhận lấy một miếng bánh. "Nếu cháu không nói gì cả, thì sẽ không có bánh để ăn." Vẻ tinh quái, bác sĩ đem cất đĩa bánh xuống dưới bàn. "Số không to tướng! Hiểu chứ? Cháu không muốn nói chuyện. Nhưng bụng cháu đói. Rồi cháu muốn nói điều đó mà không phải dùng đến ngôn từ. Cứ gọi là trò ngôn ngữ hình thể. Thử làm xem."

    Tôi ôm bụng làm nét mặt đau đớn. Vị bác sĩ bật cười. "Đó là rối loạn tiêu hóa đấy chứ."

    Rối loạn tiêu hóa..

    Kế đến, chúng tôi chơi trò 'nói tự do'.

    "Thế kể xem cháu biết gì về con mèo."

    Tôi xoay xoay đầu, vờ suy nghĩ.

    "Cháu có thể liệt kê bất cứ thứ gì cháu nhớ."

    "Động vật có bốn chân."

    "Voi cũng có bốn chân."

    "Nhỏ hơn nhiều."

    "Gì nữa?"

    "Được nuôi trong nhà. Nếu hứng, động vật đó có thể giết chuột."

    "Nó ăn gì nào?"

    "Cá."

    "Xúc xích thì sao?"

    "Ăn xúc xích luôn."

    Vậy đấy.

    Vị bác sĩ đó nói đúng. Văn minh là thông tin. Khi một điều đáng lẽ phải được nói ra và được truyền đạt đã không còn, thì nền văn minh cũng kết thúc. Bùm.. OFF.

    Thật khó tin, nhưng vào mùa thu tôi bước qua tuổi mười bốn, đột nhiên tôi bắt đầu nói huyên thuyên chắng khác gì con đập vỡ tràn. Tôi không nhớ mình đã nói những gì khi đó, nhưng tôi đã mãi huyên thuyên không ngừng suốt ba tháng như cố gắng bù đắp lại khoảng trống suốt mười bốn năm trời. Đến giữa tháng Bảy, khi đã thôi huyên thuyên, tôi sốt cao 40°C đến nỗi phải nghỉ học mất ba ngày. Cuối cùng khi đã hạ sốt, tôi trở thành một thanh niên bình thường, không câm lặng cũng chẳng nhiều lời.

    * * *

    [1] Thuật ngữ bóng chày, nghĩa là hai người chơi bị loại, gồm người đập bóng và người chốt gôn môt.

    [2] Gustav Flaubert, một nhà văn người Pháp. Tác phẩm nổi tiếng của ông là Madame Bovary.

    [3] Một phim truyền hình của đài CBS phát sóng hằng tuần ở Mỹ từ năm 1960 đến năm 1964.

    [4] Một loại bánh kếp Hà Lan, thường lớn và mỏng hơn so với bánh kếp Mỹ và Xcốt-len.
     
  5. Gill

    Bài viết:
    6,243
    Chương 3

    Bấm để xem
    Đóng lại
    8.

    Có lẽ vì khô cổ, tôi tỉnh giấc lúc 06: 00 kém. Nếu phải thức giấc ở nhà người khác, tôi luôn thấy thân xác mình như đã bị một linh hồn khác chiếm ngụ. Nỗ lực hết sức cuối cùng tôi cũng đứng dậy được khỏi chiếc giường ngủ nhỏ hẹp, uống vài ly nước máy rót từ chiếc bồn rửa chén giản đơn đặt cạnh cửa như chú ngựa đang cơn khát, sau đó tôi quay lại phòng ngủ.

    Biển thấp thoáng ngoài ô cửa để mở. Sóng biển rầm rì phản chiếu ánh dương lấp lánh vừa nhú trên cao, và nếu nheo mắt nhìn kỹ, tôi trông thấy vài chiếc thuyền xỉn màu lờ lửng trôi đi. Có vẻ sẽ là một ngày dài nóng bức. Những ngôi nhà xung quanh vẫn còn đang say ngủ, chỉ nghe thấy mỗi tiếng đường ray xe lửa rít lên mỗi lúc hay giai điệu lờ mờ bài nhạc thể dục buổi sáng từ radio.

    Vẫn trong tình trạng lõa thể, tôi tựa vào lưng giường. Sau khi châm điếu thuốc, tôi ngắm cô gái đang nằm ngủ cạnh bên. Từ ô cửa mở ra phía nam, ánh mặt trời rọi xuyên vào bao phủ cơ thể cô. Cô gái say ngủ dưới chiếc chăn thô dày che kín cơ thể đến bàn chân. Đôi lúc cô thở vội, khiến bộ ngực căng tròn phập phồng chuyển động lên xuống. Cơ thể thường xuyên được tắm nắng, và cùng thời gian trôi, phần cơ thể rám nắng bắt đầu tối màu, trong khi phần da thường được lớp đồ bơi che kín trắng đến nỗi trông như đang thối rữa.

    Hút xong điếu thuốc, tôi thử nhớ lại tên cô gái trong suốt khoảng mười phút, nhưng chỉ vô ích. Vả chăng tôi cũng chẳng nhớ liệu mình có biết tên cô ta hay không. Tôi bỏ cuộc, rồi lại ngắm nhìn cơ thể cô gái một lần nữa. Có vẻ cô ta vẫn chưa đến hai mươi, và cơ thể khá gầy gò. Tôi duỗi thẳng bàn tay rồi thử đo cơ thể cô gái từ phía đầu. Tám gang tay, và phần gót chân dư ra độ một ngón tay cái. Cô ta cao khoảng 158 cm.

    Phía dưới ngực phải có cái bớt trông như vết nước xốt rơi đổ to cỡ đồng bạc mười yen, trong khi ở phần hạ bộ, lớp lông mu cụt ngủn mọc thẳng hàng như loài thủy tảo dưới con sông nhỏ sau cơn lũ. Tệ hơn nữa, bàn tay phải của cô chỉ còn bốn ngón.

    9.

    Ba tiếng sau cô gái mới tỉnh giấc. Cô mất năm phút để kết nối chuỗi sự kiện. Trong lúc việc đó diễn ra, tôi khoanh tay chăm chú nhìn về phía đám mây dày đang treo trên bầu trời. Đám mây chuyển dạng rồi trôi về phía đông

    Vài khắc sau, khi tôi quay nhìn, cô gái đã bọc kín mình trong chăn đến tận cổ, cố nén vị whiskey còn sót lại trong dạ dày cô nhìn tôi vô cảm.

    "Anh là ai?"

    "Cô không nhớ sao?"

    Cô lắc đầu một cái. Tôi châm thuốc rồi mời cô một điếu, nhưng cô lờ đi.

    "Thử giải thích xem."

    "Tôi phải bắt đầu từ đâu đây?"

    "Từ đầu đi."

    Ngoài việc chẳng rõ bắt đầu từ đâu, tôi cũng chẳng biết phải kể việc đó như thế nào để cô có thể hiểu. Có lẽ sẽ thành công, cũng có lẽ sẽ hoàn toàn thất bại. Sau khi suy nghĩ khoảng mười giây, tôi bắt đầu kể.

    "Mặc dù oi bức, hôm đó là một ngày dễ chịu. Tôi đến hồ bơi bơi suốt buổi trưa, sau đó về nhà đánh một giấc trước bữa tối. Lúc đó khoảng 20.00 giờ. Tôi lái xe ra ngoài đi dạo. Đỗ xe trên con đường ven biển, tôi vừa ngắm biển vừa nghe radio. Đó là điều tôi luôn làm.

    Ba mươi phút trôi qua, đột nhiên tôi muốn gặp mặt ai đó. Nếu cứ ngắm biển mãi thường tôi lại muốn gặp ai đó, trái lại nếu cứ mãi nhìn người thường tôi sẽ muốn trông thấy biển. Thật lạ phải không. Vì vậy tôi quyết định đến quán Jay's Bar. Tôi muốn uống bia và có thể sẽ gặp được một người bạn ở đó. Tuy nhiên bạn tôi hình như không đến quán. Cuối cùng tôi quyết định uống bia một mình. Trong một tiếng đồng hồ, tôi đã uống hết ba chai bia."

    Tôi ngắt ngang câu chuyện ở đó rồi gạt tàn thuốc vào chiếc gạt tàn.

    "Nhân tiện, cô đã đọc quyển A Cat in a Hot Tin Roof[1] chưa?"

    Cô không trả lời câu hỏi, chỉ lặng ngắm trần nhà với cơ thể bọc kín trong chăn trông như con cá nược bị nhấc lên bãi biển. Không quan tâm đến điều đó, tôi tiếp tục câu chuyện.

    "Cái chính là tôi luôn nhớ tới câu chuyện đó mỗi lần uống bia một mình. Như thể có tiếng the thé trong đầu nhắc nhở rằng mọi việc rồi sẽ tốt đẹp hơn thôi. Tuy nhiên hiện thực chẳng như mơ ước. Hơn nữa, thật ra chẳng có thứ gì lên tiếng cả. Vì đã chán chờ đợi, tôi thử gọi điện đến căn hộ người bạn. Tôi định rủ cậu ta đến uống bia cùng. Nhưng người trả lời điện thoại hình như là một phụ nữ. Tôi thấy rất lạ. Cậu ta không phải loại đàn ông như vậy. Ví dụ, cậu ta cùng lúc dắt năm mươi phụ nữ về phòng và bản thân đang say bí tỉ, thì cậu ta vẫn sẽ tự mình trả lời điện thoại. Hiểu ý tôi không?

    Tôi vờ gọi nhầm số rồi xin lỗi trước khi cúp máy. Tôi cảm thấy đôi chút lo lắng sau đó. Nhưng lại không rõ vì lý do gì. Rồi tôi uống thêm một chai bia nữa. Nhưng vẫn chẳng cảm thấy yên lòng hơn chút nào. Tôi cũng biết điều đó thật ngu ngốc. Nhưng quả thật nó là vậy. Uống hết chai bia, tôi gọi Jay, thanh toán, và định về nhà nghe kết quả trận đấu bóng chày trong bản tin thể thao rồi đi ngủ. Jay nói với tôi, 'Rửa mặt trước đã.'Cứ như anh ta tin rằng, dù uống hết một két bia, tôi vẫn sẽ có thể lái xe miễn là đã rửa mặt trước đấy. Do đó, tôi buộc lòng phải vào toilet để rửa mặt. Nói thật tôi hoàn toàn chẳng có ý định rửa mặt. Tôi chỉ giả vờ thôi. Do đường cống bị nghẹt nên toilet của quán thường ngập nước. Tôi ngại phải vào đó. Tuy nhiên không như mọi khi, đêm qua nước không đọng lại. Nhưng thay vào đó, lại là cô đang nằm sóng soài trên sàn."

    Cô gái thở dài rồi nhắm mắt lại.

    "Rồi thì?"

    "Tôi đỡ cô ra khỏi toilet, rồi đi quanh quán hỏi tất cả mọi người xem liệu có ai trong số họ biết cô không. Nhưng không một người nào quen cô cả. Rồi tôi và Jay chữa vết thương cho cô."

    "Vết thương?"

    "Có lẽ cô va đầu vào thứ gì đó lúc ngã. Cơ mà vết thương không nặng lắm đâu."

    Cô gật đầu, đưa tay ra khỏi lớp chăn rồi dùng đầu ngón tay chậm rãi ấn vào miệng vết thương trên trán.

    "Rồi tôi bàn với Jay xem chúng tôi sẽ phải làm gì. Cuối cùng, chúng tôi quyết định là tôi sẽ phải đánh xe đưa cô về tận nhà. Tôi lấy đồ trong túi xách cô ra, trong đó có ví, móc khóa, và một tấm bưu thiếp được gửi đến địa chỉ nhà cô. Tôi thanh toán tiền nước cho cô rồi đưa cô về đây theo địa chỉ đề trong bưu thiếp, chỉ việc mở cửa thôi. Tôi đã bỏ hóa đơn thanh toán hôm qua vào trong ví của cô."

    Cô hít một hơi thở sâu.

    "Sao anh lại qua đêm ở đây?"

    "Hả?"

    "Sao anh không đi ngay sau khi đưa tôi về đây?"

    "Tôi có người bạn đột tử vì ngộ độc cồn. Sau khi nốc rất nhiều whiskey, cậu ta nôn mửa rồi đi bộ về nhà. Lúc đó cậu ấy vẫn còn khỏe lắm. Cậu ta đánh răng, thay áo ngủ, rồi lên giường nằm. Hình như đến sáng, cơ thể đã lạnh ngắt. Cậu ta chết. Tang lễ cũng hoành tráng lắm."

    "Vậy nên anh trông chừng tôi cả đêm?"

    "Đúng ra khoảng 04.00 giờ tôi đã định về. Nhưng tôi ngủ quên. Khi nãy vừa tỉnh giấc tôi cũng đã định về. Nhưng nghĩ rồi lại thôi."

    "Tại sao?"

    "Vì tôi nghĩ mình cần phải giải thích cho cô rõ chuyện đã xảy ra."

    "Anh kỹ tính quá nhỉ."

    Tôi chỉ nhún vai đáp lại mấy lời ngụ ý mỉa mai của cô. Rồi lại ngắm mây trời.

    "Tôi có nói điều gì không?"

    "Một ít."

    "Về chuyện gì?"

    "Linh tinh thôi. Mà tôi quên cả rồi. Cũng đâu có gì quan trọng."

    Cô nhắm mắt, từ trong cổ họng phát ra tiếng hổn hển.

    "Tấm bưu thiếp?"

    "Tôi bỏ lại vào túi xách rồi."

    "Anh đã đọc?"

    "Có lẽ là không."

    "Tại sao?"

    "Tôi chẳng việc gì cần phải đọc cả."

    Tôi nói vậy, cảm giác uể oải. Thấy như có điều gì đó trong giọng nói cô ta khiến tôi chán ngán. Nhưng bên cạnh đó cũng khiến tôi hoài nhớ đôi chút. Hoài nhớ một điều đã thuộc về quá khứ.

    Giả như chúng tôi gặp nhau trong một tình huống thông thường nào đó, có lẽ khoảng thời gian chúng tôi trải qua có thể sẽ ít nhiều vui vẻ hơn lúc này. Tôi có cảm giác như vậy. Tuy nhiên, thực tế là, tôi hoàn toàn chẳng nhớ ý mình là gì khi bảo 'gặp gỡ cô gái đó trong một tình huống thông thường'.

    "Mấy giờ rồi vậy?" cô ta hỏi.

    Tôi đứng dậy với cảm giác ít nhiều nhẹ nhõm. Sau khi nhìn đồng hồ đặt trên bàn, tôi rót nước vào ly rồi quay lại giường ngủ.

    "09.00 giờ."

    Cô uể oải gật đầu rồi ngồi dậy, tựa vào tường và chỉ một hớp uống cạn ly nước.

    "Đêm qua tôi uống nhiều lắm sao?"

    "Kha khá. Nếu là tôi, hẳn đã chết rồi."

    "Tôi cũng cảm thấy muốn chết cho rồi."

    Cô lấy gói thuốc đặt dưới gối rồi châm một điếu, phả khói thuốc ra cùng tiếng thở dài, rồi đột ngột ném chiếc bật lửa về phía cảng biển qua ô cửa để mở.

    "Lấy giúp tôi bộ đồ."

    "Bộ nào đây?"

    Ngậm điếu thuốc trên môi, cô lại nhắm mắt một lần nữa.

    "Sao cũng được. Làm ơn đi, anh không cần hỏi nhiều làm gì."

    Tôi mở tủ đồ đứng bên cạnh giường ngủ, sau một thoáng phân vân, tôi chọn chiếc đầm liền màu xanh cụt tay rồi đưa nó cho cô. Không mặc đồ lót vào trước, cô luồn chiếc đầm vào đầu, tự kéo sẹc-mơ-tuya sau lưng, rồi thở dài lần nữa.

    "Tôi phải đi đây."

    "Đi đâu?"

    "Thì đi làm."

    Sau khi phun ra mấy từ đó, cô lảo đảo đứng dậy khỏi giường. Tôi vẫn ngồi bên mép giường chăm chú ngắm cô rửa mặt rồi chải tóc mà chẳng có ý định gì cụ thể.

    Căn phòng được bày trí gọn ghẽ, nhưng chỉ một mức độ nào đó khiến không khí nơi đây toát lên vẻ gì cam chịu, làm tôi có cảm giác ít nhiều nặng nề hơn.

    Trong căn phòng rộng chừng mười mét vuông, sau khi chen đầy mọi thứ đồ đạc rẻ tiền, chỉ sót lại khoảng trống vừa đủ một người nằm. Cô ta đứng đó chải tóc.

    "Công việc gì vậy?"

    "Không liên quan đến anh."

    Ừ, quả thật là vậy.

    Tôi tiếp tục im lặng hút tàn điếu thuốc. Vẫn quay lưng về phía tôi, nhìn qua gương tôi thấy cô đang nhấn ép những quầng thâm hiện lên dưới mắt.

    "Mấy giờ rồi?" cô lại hỏi.

    "Quá mười phút."

    "Tôi trễ giờ rồi. Tốt hơn anh cũng nhanh mặc quần áo rồi đi về đi," cô nói, rồi lấy eau de cologne aerosol xịt vào nách.

    "Anh có nhà đấy chứ?"

    "Có," tôi đáp, rồi mặc chiếc T-shirt qua đầu. Vẫn ngồi trên giường ngủ, tôi lại một lần nữa nhìn qua ô cửa.

    "Muốn đi đến đâu?"

    "Gần bến cảng. Thì sao?"

    "Tôi chở đi cho. Vậy cô sẽ không trễ giờ."

    Vẫn cầm chiếc lược trên tay, cô nhìn tôi sắc lẻm với đôi mắt trông như sắp khóc đến nơi. Giả như cô có thể khóc, cảm giác hẳn sẽ nhẹ nhõm hơn nhiều, tôi thầm nghĩ. Tuy nhiên cô không khóc.

    "Này, có một điều anh phải rõ. Đúng thật là tôi uống quá nhiều và đã say. Do đó, giả có việc gì xảy ra ngoài ý muốn thì đó là trách nhiệm của tôi."

    Sau khi nói thế, cô gõ gõ cán lược vào lòng bàn tay như thể một động thái thị uy. Tôi chỉ im lặng đợi cô nói tiếp.

    "Đúng không?"

    "Chắc vậy."

    "Nhưng thứ đàn ông lên giường với phụ nữ đang hôn mê là.. thứ đàn ông hạ tiện."

    "Nhưng tôi chẳng làm gì cả."

    Cô im lặng một thoáng như thể cố nén cảm xúc đang dâng trào.

    "Nếu vậy, sao tôi lại trần truồng?"

    "Chính cô tự cởi quần áo của mình."

    "Tôi không tin."

    Cô ném chiếc lược lên giường rồi nhét ví, son môi, thuốc nhức đầu, cùng mấy món đồ linh tinh khác vào trong túi xách tay.

    "Anh có thể chứng minh là mình thật sự không làm gì cả không?"

    "Tự kiểm tra đi."

    "Bằng cách nào?"

    Có vẻ cô ta đã thật sự mệt mỏi.

    "Thề đấy."

    "Tôi không tin."

    "Muốn hay không cô cũng phải tin," tôi đáp trả. Sau đó, tôi cảm thấy thật ghê tởm.

    Có vẻ cô đã bỏ cuộc nên ngừng câu chuyện và xua tôi ra khỏi phòng. Sau đó, cô cũng đi ra rồi khóa cửa phòng lại.

    Không nói một câu nào, chúng tôi bước trên con đường trải nhựa nằm dọc mép sông hướng ra bãi đất trống nơi tôi đỗ xe.

    Trong lúc tôi dùng khăn giấy lau bụi trên kính trước, cô bước chậm rãi quanh xe đầy cảnh giác. Sau khi đi quanh một vòng, cô thoáng nhìn chăm chăm gương mặt con bò khá to được vẽ bằng sơn trắng trên nắp ca-pô. Con bò có đeo khoen mũi, trong khi miệng ngậm một cành hồng trắng. Con bò cười. Nụ cười bất nhã.

    "Anh vẽ nó à?"

    "Không. Chủ trước của xe."

    "Sao lại vẽ con bò chứ?"

    "Chẳng biết." tôi nói.

    Cô lùi hai bước về phía sau rồi lại ngắm nhìn hình con bò. Rồi như thể mệt mỏi vì đã nói quá nhiều, cô im lặng bước lên xe.

    Nhiệt độ trong xe khá nóng, cô không nói một lời nào tới tận lúc chúng tôi đã đến bến cảng. Cô chỉ liên tục lau mồ hôi tuôn chảy bằng chiếc khăn nhỏ và không ngừng hút thuốc. Sau khi châm điếu thuốc và rít khoảng ba hơi, cô ngắm điếu thuốc như đang kiểm tra vết son môi in trên đầu lọc, dụi điếu thuốc vào chiếc gạt tàn trên xe, rồi lại châm điếu mới.

    "Chuyện đêm hôm qua đấy.. tôi đã nói những gì vậy?" Đột nhiên cô lên tiếng hỏi khi khắc nữa sẽ bước xuống xe.

    "Linh tinh đủ chuyện."

    "Nói tôi nghe đi, một chuyện thôi."

    "Về Kennedy."

    "Kennedy?"

    "John F. Kennedy."

    Cô lắc đầu rồi thở dài. "Tôi không nhớ."

    Trước khi bước xuống xe, không nói gì, cô lặng lẽ nhét tờ mười ngàn yen vào sau kính sau.

    10.

    Đó là một đêm ôi ả. Cái nóng đủ để ốp-la một quả trứng.

    Như thường lệ, sau khi đẩy vai mở cánh cửa nặng nề của quán Jay's Bar, tôi hít sâu luồng khí lạnh phả ra từ máy điều hòa. Trong quán, lập lờ mùi khói thuốc, whiskey, khoai tây chiên, mùi lông nách, và nước cống hòa trộn thành một tựa mùi bánh baumkuchen[2] .

    Tôi ngồi xuống chiếc ghế cuối mép quầy như mọi khi, vừa tựa lưng vào tường vừa trải tầm nhìn khắp quán. Trong quán hiện có ba lính hải quân Pháp vận đồng phục trước đó tôi chưa thấy bao giờ, hai phụ nữ đi cùng họ, và một nhóm thanh niên độ tuổi hai mươi. Hết, chỉ có vậy thôi. Trong khi đó, chẳng thấy bóng dáng Chuột đâu.

    Sau khi gọi sandwich cornbeef và bia, tôi lấy sách đọc và quyết định đợi Chuột đến.

    Khoảng mười phút sau, một phụ nữ độ tuổi ba mươi có nụ hoa như quả nho và vận một bộ đầm liền sặc sỡ bước vào quán ngồi xuống cạnh tôi. Như trước đó tôi đã làm, cô ta hướng nhìn quanh quán rồi gọi gimlet[3] . Sau khi uống xong mỗi một ngụm, cô đứng dậy đi gọi điện thoại khá lâu với gương mặt tỏ vẻ hối hả. Gọi điện xong, cô kẹp túi xách trong tay đi vào nhà vệ sinh. Cô ta lặp lại cùng chuỗi hành động đó ba lần trong vòng bốn mươi phút. Một ngụm gimlet, gọi điện thoại thật lâu, kẹp túi xách trong tay, và đi vào nhà vệ sinh.

    Jay, người pha chế, bước tới đối diện tôi với vẻ mặt chán nản rồi thầm thì, "Chẳng sợ mòn mông hay sao ấy?" Mặc dù là người Hoa, Jay nói tiếng Nhật tốt hơn tôi nhiều.

    Lần thứ ba quay trở ra từ nhà vệ sinh, người phụ nữ lại hướng tầm nhìn một lượt quanh quán rồi ngồi xuống cạnh tôi và thì thầm. "Xin lỗi, cậu cho tôi mượn vài xu lẻ được không?"

    Tôi gật đầu, gom mớ xu lẻ có trong túi xếp lên mặt quầy. Đồng mười yen, tổng cộng có mười ba xu.

    "Cảm ơn. Tôi được cứu rồi. Cứ mãi đổi tiền ở quầy, gã pha chế lại sưng sỉa với tôi."

    "Không có chi. Nhờ cô mà người tôi nhẹ hơn được một ít."

    Cô ta gật đầu mỉm cười, rồi vội gom mớ xu lẻ trên quầy và đi về phía điện thoại.

    Tôi bỏ ý định đọc sách, nhờ Jay mang chiếc tivi di động đặt lên quầy và quyết định xem trận đấu bóng chày được phát lại. Trận đấu cũng khá sôi động. Mới vào nửa đầu inning thứ tư đã có năm quả đánh thành công, gồm hai quả home run được ghi từ cú ném của hai pitcher khác nhau, đến nỗi cầu thủ chốt vòng ngoài không chịu được nữa và cuối cùng ngất xỉu vì hạ huyết áp. Suốt khoảng thời gian thay pitcher có sáuquảng cáo được phát. Quảng cáo bia, bảo hiểm nhân thọ, vitamin, công ty hàng không, potato chips, và băng vệ sinh.

    Với ly bia vẫn cầm trên tay, một trong ba lính hải quân người Pháp, người hình như không có bạn hẹn, bước đến sau lưng tôi rồi bằng tiếng Pháp hỏi tôi đang xem cái gì.

    "Base ball," tôi trả lời bằng tiếng anh.

    "Base ball?"

    Tôi giải thích ngắn gọn luật chơi bóng chày. Người này ném bóng, người kia vụt bóng bằng bat rồi chạy quanh gôn một vòng để ghi một điểm. Anh ta chăm chú xem tivi trong khoảng năm phút, nhưng khi quảng cáo xuất hiện anh ta quay sang hỏi tôi sao trong jukebox[4] không có bài nào của Johnny Hallyday[5] .

    "Vì ông ta không nổi tiếng," tôi bảo.

    "Nếu vậy, ca sĩ người Pháp nào nổi tiếng ở đây?"

    "Adamo[6] ."

    "Anh ta là người Bỉ mà."

    "Michel Polnareff[7] ."

    "Gã đó à, rác rưởi!"

    Sau khi nói vậy, anh ta quay về bàn của mình.

    Bước vào inning thứ năm, người phụ nữ cuối cùng cũng quay trở lại.

    "Cảm ơn. Cho phép tôi mời cậu thứ gì đó."

    "Không phải phiền đâu."

    "Tôi thuộc loại người chưa nhẹ lòng khi còn mắc nợ ai đó. Kể cả ân lẫn oán."

    Tôi cố mỉm cười, nhưng gượng gạo chẳng thành. Tôi đành chỉ gật đầu im lặng. Cô giơ ngón tay gọi Jay rồi nói, "Bia cho cậu ta và gimlet cho tôi." Jay gật đầu ba lần rồi biến mất sau góc quầy.

    "Người tôi đợi sẽ chẳng đến. Cậu thì sao?"

    "Hình như cũng không."

    "Chắc cậu đang đợi một phụ nữ?"

    "Không, đàn ông."

    "Tôi cũng vậy. Có vẻ chúng ta hợp nhau nhỉ."

    Tôi miễn cưỡng gật đầu.

    "Theo cậu, tôi khoảng bao nhiêu tuổi?"

    "Hai mươi tám."

    "Cậu cứ đùa."

    "Hai mươi sáu."

    Người phụ nữ bật cười.

    "Vui thật đấy. Chứ cậu xem tôi vẫn độc thân hay đã có gia đình?"

    "Có tiền thưởng không?"

    "Được thôi."

    "Đã cưới."

    "Hừm, câu trả lời chỉ đúng phân nửa. Tôi vừa ly hôn tháng trước. Trước giờ cậu có từng trò chuyện với phụ nữ vừa mới ly hôn chưa?"

    "Chưa. Nhưng với bò điên thì đã từng."

    "Ở đâu?"

    "Trong phòng thực hành ở trường đại học. Năm người chúng tôi cùng đẩy con bò vào phòng."

    Người phụ nữ thích chí cười nắc nẻ.

    "Cậu là sinh viên à?"

    "Ừ."

    "Lúc trước tôi cũng là sinh viên đó nghen. Khoảng những năm sáu mươi ấy. Quả là quãng thời gian tươi đẹp."

    "Điều gì tươi đẹp?"

    Cô ta không nói, chỉ cười khúc khích rồi uống một ngụm gimlet. Đột nhiên cô nhìn đồng hồ như chợt nhớ ra điều gì.

    "Tôi phải gọi điện lần nữa," cô ta nói rồi đứng dậy với túi xách kẹp trong tay.

    Khi cô ta đã đi mất, câu hỏi tôi để ngỏ khi nãy lửng lơ một lúc trong không khí.

    Sau khi uống hết nửa chai bia, tôi gọi Jay thanh toán.

    "Tính bỏ chạy sao?" Jay hỏi.

    "Có lẽ."

    "Cậu không thích lái máy bay bà già à?"

    "Chẳng liên quan gì đến tuổi tác cả. Quan trọng là, giúp tớ gửi lời chào nếu Chuột có đến."

    Khi tôi rời khỏi quán, người phụ nữ đó chỉ mới gọi điện thoại xong và sẽ lại đi vào nhà vệ sinh lần thứ năm.

    Tôi mãi huýt sáo trên suốt quãng đường về. Tôi huýt theo một giai điệu không biết từng nghe được ở đâu, cố mãi cũng chẳng nhớ ra tựa. Một bản nhạc đã rất xưa. Tôi dừng xe sát dọc bãi biển, và trong lúc ngắm mặt biển giữa đêm tối mịt mờ tôi cố gắng nhớ lại tên bài hát đó.

    Đó là bài Mickey Mouse Club. Nếu không nhầm, lời bài hát thế này:

    "Come along and sing a song and join the jamboree! M-I-C-K-E-Y M-O-U-S-E."

    Có lẽ khoảng thời gian đó quả thật là quãng đời tươi đẹp.

    * * *

    [1] Vở kịch viết bởi Tennessee Williams, được trao giải Pulitzer cho thể loại kịch vào năm 1955.

    [2] Một loại bánh của Đức, làm thành nhiều lớp, khi cắt ra, phần lõi bánh trông như chiếc nhẫn màu vàng..

    [3] Một loại cocktail pha bằng gin hay vodka với nước tắc.

    [4] Máy chơi nhạc tự động khi được bỏ xu vào.

    [5] Ca sĩ và diễn viên gốc Pháp, tên thật là Jean-Philippe Smet, được xem như Elvis Presley của nước Pháp.

    [6] Adamo Salvatore, nhạc sĩ và ca sĩ nhạc ballad gốc Bỉ.

    [7] Ca sĩ người Pháp rất nổi tiếng vào giữa thập niên 1960 và đầu thập niên 1980.
     
  6. Gill

    Bài viết:
    6,243
    Chương 4

    Bấm để xem
    Đóng lại
    11.

    ON

    Xin chào, xin chào các bạn! Khỏe cả chứ? Mình thì khỏe quá chừng khỏe! Khỏe đến độ chỉ muốn chia cho tất cả mọi người phân nửa sức khỏe này! Đây là Radio NEB, và như thường lệ chương trình Pops Telephone Request đã đến giờ phát sóng. Trong hai tiếng đồng hồ từ giờ đến 21.00 giờ sắp tới mình sẽ cho phát liên tục những bản nhạc đang hot để náo động hết mức buổi tối cuối tuần tuyệt đẹp này. Nhạc tiền chiến, nhạc vàng, nhạc trẻ, nhạc khiến bạn muốn nhún nhảy, nhạc gây mê, nhạc bạn nghe là muốn ói, nhạc gì cũng được! Nhanh lên, gọi điện cho nhiều vào! Các bạn đã biết số điện thoại rồi đúng không. Cẩn thận nghen, chớ có nhầm số. Người gọi nhầm chịu lỗ, người nghe thì bực bội, nàh, đó gọi là nhầm số điện thoại! Trời đất, nói lạc đề rồi. Sẵn tiện, kể từ khi mở tổng đài lúc 18.00 giờ, chục cái điện thoại trong phòng thu không ngừng đổ chuông suốt một giờ qua. Này, muốn nghe thử chuông điện thoại đang reo không? Sao hả? Rộn ràng quá phải không? Ừ, phải vậy chứ lại! Coi nào, gọi điện tiếp đi, đến rộp ngón tay mới thôi. Nói thêm cái nữa, tuần rồi điện thoại gọi đến nhiều tới nỗi đứt cầu chì đấy. Rốt lại, chúng tôi làm khó mọi người rồi. Nhưng chớ lo. Hôm qua chúng tôi đã nối cáp loại đặc biệt lắm. Sợi cáp bự bằng cái chân voi. Chân voi thì bự hơn chân hươu cao cổ nhiều! Trời, lạc đề nữa rồi. Bởi vậy, các bạn không cần lo lắng làm gì, cứ gọi điên cuồng vào! Dù mọi người ở phòng thu có điên lên hết, cầu chì vẫn chả thèm đứt đâu. Oke? Nàh, hôm nay cũng nóng không chịu nổi, nhưng chúng ta cứ hãy giảm độ bằng mấy bản rock cuồng nhiệt thôi. Các bạn biết không, bản nhạc hay là để dùng cho mấy việc như thế. Giống con gái xinh vậy. Oke, giờ là bài hát đầu tiên. Im lặng thưởng thức nghen. Bài này hay cực. Quên cái nóng đi. Đây là Brook Benton với Rainy Night in Georgia.

    OFF

    * * *Uuuuuuh.. ngột ngạt quá đi..

    * * * Này, không chỉnh điều hòa lạnh hơn được à? Trong này cứ như địa ngục ấy.. Này đừng vậy chứ, tớ đổ mồ hôi cả rồi..

    * * * ừ, phải vậy chứ..

    * * * Này, tớ khát khô cổ rồi, có ai đưa giúp tớ chai cola lạnh với? Không phải lo, tớ sẽ chẳng đi tiểu đâu. Bọng đái tớ khỏe và đặc biệt lắm.. ừ, bọng đái..

    * * * Cảm ơn nghen Mie, em dễ thương ghê.. uhm, lạnh thật!..

    * * * Này, sao không có đồ khui nắp chai vậy..

    * * * Cậu điên à, sao dùng răng mở nắp được!.. Này, bản nhạc phát sắp hết rồi. Không đủ thời gian đâu! Lấy đại cái nào đó đi.. Wuee! Đồ khui đâu!

    * * * Chết tiệt!..

    ON

    Tuyệt không. Âm nhạc đấy. Nghe Brook Benton hát Rainy Night in Georgia các bạn đã thấy mát dịu hơn chút nào chưa? Nhân tiện, các bạn biết nhiệt độ hôm nay cao nhất là bao nhiêu không? Ba mươi bảy độ đó! Ba mươi bảy độ. Dù đã mùa hè, nóng thế cũng quá đáng thật. Như nướng trong lò ấy. Tiết trời ba mươi bảy độ thì ôm gái sẽ dễ chịu hơn là tha thẩn một mình. Cái ôm ấm áp làm chúng ta thấy dịu mát hơn. Tin không? Oke, mình lảm nhảm tới đây là đủ rồi. Sẽ chơi tiếp một đĩa nhạc khác. Credence Clearwater Revival với Full Stop the Rain, hãy thưởng thức, baby!

    OFF

    * * * Thôi, không cần nữa, tớ dùng đế mic-crô mở được rồi..

    * * * Uwaah, đã quá..

    * * * Không phải lo. Sẽ chẳng nấc cục đâu. Cậu cứ hay lo thế nhỉ..

    * * * Này, trận bóng chày kết quả sao rồi? Được phát trên đài khác đúng không?

    * * * Này, trong phòng thu chẳng có cái radio nào cả là sao? Thế gọi là tội ác đấy..

    * * * Oke, tớ hiểu. Thôi, được rồi, bỏ đi. Giờ tớ lại muốn uống bia đây. Bia ướp thật lạnh..

    * * * Trời, phiền quá đi. Tớ muốn nấc cục làm chi..

    * * * hức..

    12.

    Điện thoại đổ chuông lúc 19.15.

    Lúc đó tôi đang trong phòng khách thư giãn trên chiếc ghế mây, uống bia và liên tục nhai cracker phô mai.

    "Xin chào. Đây là radio NEB với chương trình Pops Telephone Request. Bạn có đang nghe radio không?"

    Tôi nuốt vội một ngụm bia để tống mấy miếng cracker phô mai còn trong miệng trôi xuống cổ.

    "Radio?"

    "Ừ, radio. Chiếc máy tuyệt vời nhất, hức, được nền văn minh tạo ra. Chiếc máy thông minh hơn nhiều so với vacuum cleaner, nhỏ hơn so với tủ lạnh, và rẻ hơn so với tivi. Bạn đang làm gì vậy?"

    "Tôi đang đọc sách."

    "Chậc, chậc, chậc. Không tốt đâu. Lẽ ra bạn phải nghe radio. Bạn sẽ chỉ thấy thêm cô độc nếu đọc sách. Đúng không?"

    "Ừ."

    "Sách thì cầm đọc bên tay lúc đang trụng spagetti là đủ. Hiểu chứ?"

    "Ừ."

    "Tuyệt, hức, bây giờ, chắc chúng ta có thể bắt đầu trò chuyện được rồi đấy. Mà, bạn có từng trò chuyện với phát thanh viên nào không thể dừng nấc cục chưa?"

    "Chưa."

    "Nếu vậy, đây là lần đầu đấy. Các thính giả đang lắng nghe radio cũng mới lần đầu nghe một phát thanh viên nấc cục. Nhân tiện, bạn có biết vì sao mình gọi cho bạn khi đang phát sóng thế này không?"

    "Không."

    "Thật ra có một cô gái gửi tặng bạn một bài hát, hức. Đoán xem có biết đó là ai không?"

    "Không."

    "Cô gái yêu cầu một bản nhạc xưa, California Girls của Beach Boys. Sao, nhớ ra điều gì không?"

    Suy nghĩ một thoáng, tôi đáp. "Tôi hoàn toàn chẳng nhớ gì cả."

    "Hừm, tệ thật này. Nếu bạn đoán đúng, chúng tôi sẽ tặng bạn một chiếc T-shirt đặc biệt. Cố nhớ lại đi."

    Tôi cố nhớ lại lần nữa. Lần này, dẫu chỉ thoáng qua, tôi nhận thấy có điều gì thoáng hiện nơi một góc ký ức của mình.

    "California Girls, Beach Boys, sao, có nhớ không?"

    "Nếu không nhầm, tôi có mượn một đĩa than Beach Boys của cô bạn cùng lớp khoảng năm năm trước."

    "Quan hệ thế nào vậy?"

    "Tôi tìm giúp kính sát tròng cô ấy đánh rơi trong chuyến tham quan. Thay lời cảm ơn, cô ấy cho tôi mượn đĩa nhạc đó."

    "Kính sát tròng à. Nhân tiện, bạn có trả lại đĩa nhạc cho cô ta không?"

    "Không. Tôi đánh mất đĩa than đó rồi."

    "Wah, thật là. Tốt hơn bạn nên mua và gửi trả cô ấy một đĩa nhạc mới đi. Có câu ngạn ngữ thế này, có thể ban ơn cho phụ nữ, hức, những chớ nên mắc nợ họ. Hiểu chứ?"

    "Ừ."

    "Tốt lắm. Cho cô gái năm năm trước đã đánh rơi kính sát tròng của mình trong chuyến tham quan, hẳn bạn đang nghe chương trình phải không? Ơ, tên cô ấy là gì vậy?"

    Tôi nói ngay cái tên mà mình cũng chỉ vừa nhớ ra.

    "Này, cô gái, bạn cô bảo sẽ mua trả lại cho cô đĩa nhạc đó đấy. Vui quá đi chứ. Nhân tiện, bạn nhiêu tuổi vậy?"

    "Hai mươi mốt tuổi."

    "Woa, cái tuổi đẹp đấy. Sinh viên à?"

    "Ừ."

    "Hức."

    "Sao?"

    "Bạn học ngành gì?"

    "Sinh học."

    "Ooh. Bạn thích động vật?"

    "Ừ."

    "Bạn thích bộ phận nào?"

    ".. Bộ phận mà chúng không cười."

    "Ooh, động vật thật ra đâu biết cười?"

    "Chó và ngựa cũng cười đấy thôi, dù chỉ đôi lúc."

    "Ooh, vậy à? Lúc nào nhỉ?"

    "Lúc đang vui."

    Chẳng biết sao tôi bỗng bắt đầu thấy ngán ngẫm, một điều suốt mấy năm gần đây tôi không cảm thấy nữa.

    "Nếu vậy, hức, chắc cũng có chó diễn hài đấy."

    "Chắc là anh."

    "Hahahahahahaha."

    13.

    California girls

    Well east coast girls are hip

    I really dig those styles they wear

    And the southern girls with the way they talk

    They knock me out when I'm down there

    The mid-west farmer's daughters really make you feel alright

    And the northern girls with the way they kiss

    They keep their boyfriends warm at night

    I wish they all could be California girls

    14.

    Ba ngày sau, vào một buổi chiều tôi nhận được chiếc T-shirt gửi đến qua đường bưu điện. Chiếc T-shirt như thế này:

    Link

    15.

    Sáng hôm sau, tôi mặc chiếc T-shirt mới, lớp vải chọc vào da ngứa ngáy, dạo quanh bến cảng chẳng có ý định gì cụ thể. Rồi mở cửa bước vào một tiệm nhỏ bán đĩa than tôi tình cờ bắt gặp. Không một người khách nào trong tiệm, chỉ có một nữ nhân viên trông tiệm đang ngồi một mình bên quầy. Cô ta đang kiểm tra mớ hoa đơn với vẻ mặt chán chường trong lúc uống lon coca cola. Sau một thoáng ngắm nhìn kệ đĩa than, bất chợt tôi nhận ra mình đã từng gặp cô gái này. Đó là cô gái không có ngón út đã nằm ngất trong nhà vệ sinh tuần trước. Này, tôi chào. Cô thoáng hoảng hốt khi trông thấy mặt tôi, nhìn chiếc T-shirt tôi đang mặc, rồi uống hết lon coca cola của mình.

    "Sao anh biết được tôi làm việc ở đây?"

    Cô nói như thấy vô vọng.

    "Tình cờ thôi mà. Tôi đến mua đĩa than."

    "Đĩa gì?"

    "Album LP[1] Beach Boys có bài California Girls."

    Cô gật đầu đầy nghi hoặc rồi đứng dậy sải những bước dài đi về phía kệ đĩa than, cắp một chiếc đĩa và quay lại như một chú chó đã được huấn luyện thuần thục.

    "Đĩa này phải không."

    Tôi gật đầu rồi đưa mắt nhìn quanh tiệm với bàn tay vẫn đút vào trong túi.

    "Đĩa Piano Concerto No. 3 của Beethoven nữa."

    Im lặng một thoáng và lần này cô quay lại mang theo hai chiếc đĩa than.

    "Anh muốn đĩa nào, Glenn Gould[2] hay Backhaus[3] ?"

    "Glenn Gould."

    Cô đặt một chiếc đĩa than lên mặt quầy và mang chiếc đĩa còn lại cất vào chỗ cũ.

    "Cả đĩa than của Miles Davis có bài Gal in Calico nữa."

    Lần này cô mất khá nhiều thời gian, nhưng cuối cùng cũng quay lại với một chiếc đĩa than.

    "Gì nữa không?"

    "Không, đủ rồi. Cảm ơn."

    Cô xếp ba chiếc đĩa than lên mặt quầy.

    "Anh sẽ nghe hết chỗ đĩa này à?"

    "Không. Để làm quà."

    "Tốt bụng quá nhỉ."

    "Cũng nhiều người bảo vậy."

    Cô nhún vai với vẻ mặt gượng ép rồi nói, "Năm ngàn năm trăm năm mươi yen." Tôi trả tiền rồi cầm lấy mấy đĩa than đã được gói gọn.

    "Ờ, nhờ anh mà sáng giờ đã bán được ba chiếc đĩa than."

    "Tốt đấy."

    Cô thở dài, ngồi xuống chiếc ghế đặt giữa quầy, rồi lại bắt đầu kiểm tra mớ hóa đơn.

    "Cô thường trông tiệm một mình sao?"

    "Còn một nhân viên khác nữa. Giờ cô ấy đang ra ngoài ăn trưa."

    "Còn cô thì sao?"

    "Chúng tôi sẽ đổi chỗ khi cô ấy quay về."

    Tôi lấy thuốc lá trong túi, dùng bật lửa châm thuốc, rồi nhìn cô làm việc một lúc.

    "Nếu cô không phản đối, chúng ta cùng ăn trưa được chứ?"

    Không dời mắt khỏi mớ hóa đơn, cô lắc đầu.

    "Tôi thích ăn một mình."

    "Tôi cũng vậy thôi."

    "Thế sao?"

    Như thể quá ngán ngẩm, cô đẩy đống hóa đơn qua một bên rồi đặt album mới của Harpers Bizarre[4] lên máy hát đĩa và hạ đầu kim xuống.

    "Nếu vậy, sau anh lại mời tôi?"

    "Thi thoảng tôi cũng muốn đổi thói quen."

    "Thay đổi một mình đi."

    Cô lại với lấy mấy tờ hóa đơn rồi tiếp tục công việc của mình. "Đủ rồi, đừng phiền tôi nữa."

    Tôi gật đầu.

    "Hình như lúc trước tôi có nói rồi, anh là thứ đàn ông hạ tiện." Sau khi nói vậy, cô bễu môi và vẫn giữ nguyên nét mặt đó cô lại lật mở những hóa đơn với bốn ngón tay của mình.

    16.

    Khi tôi bước vào quán Jay's Bar, Chuột đang đọc một trường thiên tiểu thuyết của Henry James, dày như cuốn danh bạ điện thoại trong lúc cau mày và chống khuỷa tay lên mặt quầy.

    "Hay không?"

    Chuột ngẩng mặt khỏi quyển sách rồi lắc đầu. "Nhưng giờ thì tớ đã đọc nhiều sách lắm đấy. Cậu có nhớ đoạn thoại trong cái phim chúng ta xem lần đó không? Lời thoại thế này, 'Tôi yêu lời dối trá đẹp đẽ hơn sự thật yếu đuối.'"

    "Chả nhớ nổi."

    "Roger Vadim[5] . Đạo diễn người Pháp. Cũng có đoạn thoại thế này, 'Thứ được gọi tên trí thức cao siêu là dù cùng lúc tồn tại hai ý niệm đối nghịch nhau, vẫn có thể đưa ra chức năng tối ưu cho cả hai ý niệm đó.'"

    "Ai nói vậy?"

    "Tớ quên rồi. Theo cậu vậy có đúng không?"

    "Dối trá thôi."

    "Tại sao?"

    "Chẳng hạn thế này. Chúng ta tỉnh giấc vào lúc 03.00 sớm và thấy đói bụng. Mở tủ lạnh xem thì chẳng còn thứ gì trong đó cả. Theo cậu, tốt nhất ta nên làm gì?"

    Suy nghĩ một thoáng, Chuột phá ra cười ầm ĩ. Tôi gọi Jay yêu cầu bia và khoai tây chiên, rồi lấy đĩa than đã được gói đưa cho Chuột.

    "Gì đây?"

    "Quà sinh nhật cho cậu."

    "Tháng tới mới sinh nhật tớ mà."

    "Tháng tới tớ đã chẳng còn ở đây nữa."

    Chuột thoáng nghĩ trong lúc vẫn cầm gói quà.

    "Đúng vậy nhỉ. Cậu đi rồi sẽ vắng lắm đây," Chuột vừa nói vừa mở gói quà, lấy ra chiếc đĩa than rồi mãi ngắm nhìn một lúc.

    "Piano Concerto No. 3 của Beethoven do Glenn Gould và Reynold Bernstein trình tấu. Hừm, chưa từng nghe đấy. Cậu nghe chưa?"

    "Chưa."

    "Cảm ơn nghen. Tớ nói cậu biết, tớ vui lắm."

    * * *

    [1] Long-playing record, đĩa hát quay được 33 vòng/phút.

    [2] Nghệ sĩ dương cầm người Canada.

    [3] Wihelm Backhaus, nghệ sĩ dương cầm người Đức.

    [4] Ban nhạc Mỹ theo trào lưu pop-rock, nổi tiếng vào khoảng thập niên 1960.

    [5] Phóng viên, tác giả, diễn viên, biên kịch, và là đạo diễn đã đưa tên tuổi Brigitte Bardot đến với công chúng qua phim And God Created Woman.
     
  7. Gill

    Bài viết:
    6,243
    Chương 5

    Bấm để xem
    Đóng lại
    17.

    Suốt ba ngày tôi mãi tìm số điện thoại của cô gái, người đã cho tôi mượn album LP Beach Boys.

    Tôi quay về trường trung học, tới phòng hành chính để xin tra giúp danh sách tốt nghiệp. Cuối cùng, tôi cũng có được số điện thoại. Nhưng khi gọi đến, tôi lại nghe đoạn thu âm từ tổng đài báo rằng số điện thoại này đã không còn liên lạc được. Tôi liên hệ tới tổng đài danh bạ điện thoại và nói tên cô, sau khi tra tìm khoảng năm phút, người trực tổng đài cho biết cái tên đó không tồn tại trong danh bạ. Câu nói 'cái tên đó' nghe thật hay. Tôi cảm ơn và cúp máy.

    Hôm sau, tôi gọi hỏi vài người bạn đồng học lúc trước xem có biết cô ta đang ở đâu không, nhưng không một ai trong số họ biết cả, phần lớn lại còn chẳng nhớ cô gái đó đã từng tồn tại. Người cuối cùng tôi gọi hỏi thậm chí còn bảo rằng không muốn nói chuyện với tôi rồi cúp máy. Vì lý do gì tôi chẳng rõ.

    Ngày thứ ba, tôi lại quay về trường lần nữa và nhờ nhân viên phòng hành chính tìm xem cô gái đó đã vào đại học nào sau khi tốt nghiệp. Có vẻ cô ta đã học tiếp đại học nữ thục ở Yamanote. Đại học đó bao gồm cả bậc đào tạo thạc sỹ. Cô ta chọn ngành Văn Học Anh. Tôi gọi đến phòng hành chính đại học và bảo mình là quản trị viên dầu giấm hiệu McCormick muốn liên hệ để làm cuộc khảo sát nên cần biết rõ địa chỉ và số điện thoại của cô. Tôi nhã nhặn nói, "Tôi xin lỗi, nhưng việc này rất quan trọng." Nhân viên phòng hành chính nói cần phải tra tìm trước đã và yêu cầu tôi năm phút sau hẳn gọi lại, sau đó bảo rằng hồi tháng Ba cô ta đã nộp đơn thôi học. Nhân viên phòng hành chính cho biết lý do thôi học là để chữa bệnh. Nhưng khi tôi hỏi, "Bệnh gì vậy? Đã khỏe lại để có thể ăn salad chưa? Sao không xin nghỉ phép mà lại nộp đơn thôi học?" người nhân viên đó không thể trả lời.

    Khi tôi hỏi, "Cô có biết địa chỉ cũ của cô ấy không?" người nhân viên đã tìm thấy địa chỉ đó. Có vẻ cô ta ở trọ gần trường đại học. Khi gọi điện đến đó, người trả lời điện thoại hình như là bà chủ nhà trọ. Bà ta bảo rằng cô gái đó đã thôi trọ vào mùa thu trước và không rõ là đã đi đâu. Sau khi nói vậy, bà chủ nhà trọ cúp máy. Cái cách bà ta cúp máy như thể bảo rằng tôi không muốn biết bất kỳ điều gì về cô gái đó.

    Đấy là điểm cuối mối dây liên hệ giữa tôi và cô.

    Tôi quay về nhà, vừa uống bia một mình vừa nghe bản California Girls.

    18.

    Điện thoại đổ chuông.

    Nằm gà gật trên chiếc ghế mây, tôi nhìn quyển sách để mở bằng đôi mắt mơ màng. Cơn mưa chiều buông nặng hạt, ướt đẫm cây lá ngoài vườn, sau đó tạnh hẳn. Rồi cơn gió nam ẩm ướt mang theo vị biển bắt đầu thổi, nhẹ chuyển lay lũ lá cành trong dải chậu kiểng xếp thẳng hàng dưới hiên, phơ phấp bức mành.

    "Chào," cô lên tiếng. Giọng cô nói như thể người ta đang đặt một chiếc ly mỏng manh lên mặt bàn dao động dễ lung lay. "Còn nhớ tôi chứ?"

    Tôi thoáng giả vờ hồi tưởng.

    "Việc buôn bán đĩa than thế nào rồi?"

    "Không tốt lắm. Hẳn là do đang suy thoái. Chẳng ai nghe đĩa than nữa."

    "Ừm."

    Cô gõ gõ móng tay vào tay cầm điện thoại.

    "Tìm số điện thoại của anh cũng phiền phức gớm."

    "Sao vậy?"

    "Tôi đến quán Jay's Bar hỏi. Người trong quán lại hỏi bạn anh. Cái người cao cao, quái quái ấy. Anh ta đang đọc Molière[1] ."

    "Oh, vậy sao."

    Im lặng.

    "Mọi người đều nhớ anh. Họ bảo hẳn anh đang ốm vì suốt tuần rồi không đến quán."

    "Tôi không biết là mình nổi tiếng đến thế."

    ".. Anh giận tôi sao?"

    "Sao lại phải giận?

    " Vì tôi đã nói những lời bất nhã với anh. Do đó tôi muốn xin lỗi. "

    " Này, cô không cần phải bận lòng vì tôi đâu. Nhưng nếu vẫn thấy áy náy thì cứ đến công viên rải đậu cho lũ chim bồ câu ấy. "

    Cô thở dài, tôi nghe tiếng cô châm thuốc phía bên kia tay cầm điện thoại. Bản nhạc Nashville Skyline của Bob Dylan nghe vang từ phía sau. Có lẽ cô đang gọi điện từ cửa tiệm.

    " Vấn đề không phải là anh cảm thấy thế nào. Mà tôi thấy đáng ra mình không nên nói với anh như vậy, "cô nói nhanh.

    " Cô quá nghiêm khắc với bản thân đấy. "

    " Ừ. Tôi luôn nghĩ là mình muốn vậy. "

    Rồi cô im lặng.

    " Chúng ta có thể gặp nhau tối nay không? "

    " Được thôi. "

    " 20.00 giờ ở Jay's Bar. Được chứ? "

    " Cứ vậy đi. "

    ".. Này, tôi đã trải qua rất nhiều chuyện bực mình, biết chứ "

    " Tôi hiểu mà. "

    " Cảm ơn. "

    Cô cúp máy.

    19.

    Nếu kể ra thì rất dài dòng, cốt yếu là ít lâu nữa tôi sẽ bước qua tuổi hai mươi mốt.

    Quả thật vẫn còn rất trẻ, nhưng không trẻ như trước đó nữa. Nếu thấy không hạnh phúc với điều đó, thì chẳng còn cách nào khác ngoài việc nhảy xuống từ đỉnh Empire State Building vào một sáng Chúa nhật.

    Tôi từng nghe câu nói đùa thế này trong một phim khá xưa lấy bối cảnh về cuộc đại khủng hoảng.

    " Anh biết không, mỗi lần ngang qua Empire State Building tôi luôn phải che ô. Vì có quá nhiều người từ trên trời rơi xuống. "

    Bây giờ tôi đã hai mươi mốt tuổi, ít ra lúc này tôi chưa có ý định sẽ chết. Cho đến giờ tôi đã ngủ với ba người phụ nữ. Người đầu tiên là bạn đồng học thời phổ thông, lúc đó chúng tôi mới chỉ mười bảy tuổi và vẫn đinh ninh rằng chúng tôi yêu nhau. Một chiều sau bụi cây rậm rạp, cô cởi bỏ đôi giày nâu, đôi vớ bông trắng, chiếc đầm xanh diệp lục, chiếc áo ngực rõ ràng là to quá cỡ, và sau một thoáng chần chừ cô tháo cả đồng hồ ra. Rồi chúng tôi ôm ấp nhau trên tấm báo Asahi số ra Chúa nhật.

    Rồi đột ngột chúng tôi chia tay chỉ vài tháng sau khi tốt nghiệp phổ thông. Tôi đã quên mất vì lý do gì, ừ chỉ là một lý do có thể dễ dàng quên lãng vậy thôi. Kể từ đó, tôi chưa lần nào gặp lại cô ấy. Đôi lúc tôi cũng nghĩ về cô trong những đêm trằn trọc. Chỉ vậy mà thôi.

    Người phụ nữ thứ hai là một cô gái hippie tôi gặp trong ga điện ngầm Shinjuku. Cô ta mười sáu tuổi, hoàn toàn rỗng túi và không có cả chỗ ngủ, và tệ hơn nữa là gần như không có ngực. Tuy nhiên cô có đôi mắt đẹp tỏa cái nhìn thông minh sắc sảo. Đêm đó là thời điểm cuộc biểu tình đang nổ ra rầm rộ ở Shinjuku đến nỗi tàu điện, xe buýt, và tất cả mọi phương tiện giao thông đều ngừng hoạt động hoàn toàn.

    " Cứ lang thang ở đây thì em sẽ bị cảnh sát tóm đấy, "tôi nói. Cô ngồi xổm gần quầy vé đã đóng cửa, đang đọc tờ báo thể thao nhặt được từ thùng rác.

    " Nhưng nếu cảnh sát bắt, họ thường sẽ cho ăn. "

    " Nhưng em cũng sẽ bị đánh đập. "

    " Cũng đã quen quá rồi. "

    Tôi châm thuốc và đưa cô một điếu. Mắt tôi dính phải khói cay, đau buốt như bị kim châm.

    " Em ăn gì chưa? "

    " Chưa, từ sáng giờ. "

    " Chốc nữa tôi sẽ mua đồ ăn cho. Quan trọng là giờ chúng ta phải rời khỏi đây trước đã. "

    " Sao anh lại muốn mua đồ ăn cho tôi? "

    " Chả biết nữa. "Không biết vì sao, chính tôi cũng chẳng rõ lý do. Tôi kéo cô ra khỏi quầy vé rồi đi dọc con đường vắng lặng hướng về Mejiro.

    Cô gái câm lặng đó ở lại chung cư của tôi suốt khoảng một tuần. Mỗi ngày cô tỉnh giấc khi đã quá trưa, ăn, hút thuốc, mơ màng đọc sách, xem tivi, và thi thoảng làm tình với tôi dù không chút gì hứng thú. Hành lý của cô độc mỗi chiếc túi vải bố màu trắng, bên trong có chiếc áo khoác windbreaker[2] dày, hai chiếc T-shirt, quần jean xanh, ba chiếc quần lót cáu bẩn, cùng một hộp băng vệ sinh.

    " Quê em ở đâu? "

    Một ngày nọ tôi hỏi cô như thế.

    " Một nơi anh không biết đến. "

    Sau khi trả lời vậy, cô không nói gì thêm nữa.

    Rồi một ngày, khi tôi từ siêu thị trở về mang theo một túi thức ăn, cô đã đi mất. Chiếc túi vải trắng cũng chẳng còn đó. Ngoài ra, vài món đồ cũng biến mất. Một ít tiền xu tôi quẳng trên bàn, một cây thuốc lá, và chiếc T-shirt tôi vừa mới giặt sạch. Trên mặt bàn có mảnh giấy ghi chú vài chữ" Phiền quá đi ". Hẳn là nói tôi.

    Người phụ nữ thứ ba là sinh viên khoa Văn Học Pháp tôi quen trong thư viện đại học. Kỳ nghỉ hè năm tiếp theo cô treo cổ tự vẫn chết trong cánh rừng nhỏ nằm cạnh sân bóng quần. Không một ai phát hiện ra xác cô mãi đến khi học kỳ mới bắt đầu, và suốt hai tuần đấy cái xác cứ đong đưa trong gió. Bây giờ, một khi trời bắt đầu choạng vạng, chẳng ai dám đến gần khu rừng đó cả.

    20.

    Cô đang ngồi bồn chồn bên quầy quán Jay's Bar, dùng ống hút khuấy đáy ly ginger ale đã tan gần hết đá.

    " Tôi đã nghĩ anh sẽ không đến. "Cô nói, thoáng nhẹ nhõm khi tôi đến ngồi xuống bên cạnh.

    " Tôi chưa bao giờ thất hẹn. Tôi đến trễ vì vừa nãy có chút việc. "

    " Việc gì? "

    " Giày. Trước đó tôi phải lau giày. "

    " Giày chơi bóng rổ của anh kia sao? "Cô chỉ đôi giày thể thao của tôi nghi ngờ dò hỏi.

    " Làm gì có. Giày của cha tôi. Việc này đã thành lệ trong nhà. Con cái có nghĩa vụ phải lau giày cho cha mình. Lệ là vậy. "

    " Sao phải thế? "

    " Chả biết nữa. Có thể đôi giày tượng trưng một điều gì đó. Quan trọng là mỗi đêm cha tôi sẽ về nhà lúc 20.00 giờ, như đã ấn định và lên khuôn sẵn. Rồi tôi sẽ lau giày cho ông, sau đó đi uống bia. "

    " Thói quen tốt đấy chứ. "

    " Cô nghĩ vậy à? "

    " Ừ. Anh phải biết ơn cha mình. "

    " Tôi luôn biết ơn vì cha tôi chỉ có mỗi hai chân mà thôi. "

    Cô cười khúc khích.

    " Hẳn gia đình anh tuyệt lắm nhỉ. "

    " Ừ. Một gia đình tốt và không có tiền, thật sự khiến tôi muốn rơi lệ. "

    Cô tiếp tục dùng đầu ống hút khuấy đều ly ginger ale của mình.

    " Mà nhà tôi còn nghèo hơn nhiều. "

    " Sao cô biết? "

    " Nhờ mùi. Tương tự như người giàu có thể phân biệt kẻ giàu sang bằng cánh ngửi mùi, người nghèo cũng có thể đánh hơi để biết người nghèo. "

    Tôi rót bia Jay vừa đưa vào ly.

    " Cha mẹ cô ở đâu? "

    " Tôi không muốn nói về họ. "

    " Tại sao? "

    " Người tốt thì chẳng bêu rếu chuyện xấu trong nhà cho người ngoài biết. Đúng không? "

    " Cô là người tốt? "

    Cô suy nghĩ mất mười lăm giây.

    " Tôi muốn làm người tốt. Nghiêm túc đấy. Ai chả muốn vậy đúng không? "

    Tôi quyết định không trả lời câu hỏi.

    " Nhưng chẳng có gì sai trái nếu cô kể ra, "tôi nói.

    " Tại sao? "

    " Thứ nhất, trước sau gì cô cũng sẽ phải kể chuyện này với một ai đó. Thứ hai, tôi sẽ không kể ai khác biết chuyện này. "

    Cô bật cười rồi châm thuốc. Suốt ba lần phả khói thuốc, cô vẫn lặng im ngắm nhìn khối gỗ đính trên mặt quầy.

    " Cha tôi mất năm năm trước vì khối u não. Ông đã chịu nhiều đau đớn. Suốt hai năm dài khổ sở. Trong khi đó, gia đình tôi đã tiêu tốn hết tiền chữa chạy cho ông. Sạch trơn! Không sót lại đồng nào. Tệ hơn nữa, mọi người trong nhà đều thấy mệt mỏi rồi cuối cùng ly tán hết cả. Chuyện như vậy rất thường xảy ra. Đúng không? "

    Tôi gật đầu." Còn mẹ cô thì sao? "

    " Bà vẫn còn sống, nhưng chẳng rõ đang ở đâu nữa. Chỉ biết mỗi năm bà luôn gửi thiệp chúc Tết. "

    " Có vẻ cô không thích mẹ mình lắm nhỉ. "

    " Thì là vậy. "

    " Anh chị em? "

    " Tôi có một đứa em gái song sinh. Chỉ vậy thôi. "

    " Em cô giờ đang ở đâu? "

    " Xa lắm, đâu chừng ba mươi năm ánh sáng. "

    Sau khi nói vậy, cô bật cười ngần ngại và kéo ly ginger ale sang một bên.

    " Bêu rếu chuyện gia đình thật chẳng hay ho gì. Cảm giác khó chịu làm sao ấy. "

    " Đừng nghĩ linh tinh. Ai cũng phải có những khó khăn của riêng mình. "

    " Anh cũng vậy sao? "

    " Ừ. Tôi luôn bật khóc mỗi lần cầm lọ kem cạo râu. "

    Cô bật cười giòn tan. Tiếng cười như thể đã hàng năm dài kiềm nén.

    " Sao lại uống ginger ale? "Tôi hỏi." Chẳng phải cô đang kiêng rượu đó sao? "

    " Ừm, muốn thì muốn vậy, nhưng thôi bỏ đi cho rồi. "

    " Muốn uống gì đây? "

    " Vang trắng có đá. "

    Tôi gọi Jay và yêu cầu bia mới cùng rượu vang trắng.

    " Này, có em gái song sinh thì cảm giác thế nào? "

    " Sao nhỉ. Cảm giác lạ lắm đấy. Gương mặt chúng tôi giống hệt, IQ tương đồng, cỡ áo ngực cũng giống, hừ, điều đó khiến tôi phát chán. "

    " Hẳn nhiều người gọi nhầm lắm? "

    " Ừ, mãi đến năm tám tuổi. Vì năm đó ngón tay tôi chỉ còn lại chín ngón, không ai gọi nhầm nữa. "

    Sau khi nói vậy, cô xếp gọn hai tay và đặt lên mặt quầy, như thể người nghệ sĩ dương cầm đang tập trung tâm tưởng trong buổi hòa nhạc. Tôi nâng bàn tay trái của cô lên rồi ngắm nó thật gần dưới ánh đèn mờ tỏa. Bàn tay cô bé nhỏ lạnh lẽo tựa ly cocktail. Trên đó có bốn ngón tay thư thái xếp thẳng hàng, rất tự nhiên như sinh ra đã vậy. Sự tự nhiên đó gần như một điều kỳ diệu, vâng, ít nhất nó có sức thuyết phục hơn nhiều nếu so với việc có sáu ngón tay xếp hàng trên đấy.

    " Năm tám tuổi, ngón tay tôi bị máy vacuum cleaner cắt đứt. Bay vụt mất, ngón tay của tôi ấy. "

    " Hiện giờ đang ở đâu? "

    " Cái gì? "

    " Ngón út của cô. "

    " Tôi quên mất rồi, "cô nói, bật cười nắc nẻ." Anh là người đầu tiên hỏi như vậy. "

    " Có lúc nào cô phiền lòng vì mình thiếu mất ngón út không? "

    " Có. Khi mang găng tay. "

    " Ngoài ra? "

    Cô lắc đầu.

    " Sẽ dối lòng nếu bảo tôi hoàn toàn chẳng lúc nào nghĩ ngợi. Nhưng đại loại cũng như những người phụ nữ khác phiền lòng nếu cổ họ quá to hay lông chân quá rậm mà thôi. "

    Tôi gật đầu.

    " Anh làm nghề gì? "

    " Tôi đang học. Ở Tokyo. "

    " Ồ, vậy lúc này anh đang về quê nghỉ hả? "

    " Là vậy. "

    " Anh học ngành gì? "

    " Sinh học. Tôi thích động vật. "

    " Tôi cũng vậy. "

    Tôi uống hết chỗ bia còn sót lại trong ly rồi nhón lấy vài miếng khoai tây chiên.

    " Này.. cô có biết con báo đen nổi tiếng ở Bhagalpur, Ấn Độ, đã ăn hết 350 người trong ba năm không. "

    " Thật sao? "

    " Đại tá người Anh Jim Corvett được triệu tập đến để tiêu diệt con vật, đã giết hết 125 con báo đen và hổ trong khoảng thời gian tám năm, bao gồm cả con báo đen tôi đã nhắc đến. Dù là vậy, cô vẫn cứ thích động vật sao? "

    Cô dụi tắt điếu thuốc, nhấp một ngụm vang, rồi thoáng ngắm gương mặt tôi như thấy khâm phục.

    " Anh quả thật có hơi quái lạ nhỉ."

    * * *

    [1] Tên khai sinh là Jean-Baptiste Poquelin. Nhà biên kịch và diễn viên người Pháp được xem như bậc thầy hài kịch trong văn học phương Tây.

    [2] Áo khoác được thiết kế để chịu gió và mưa không quá lớn.
     
  8. Gill

    Bài viết:
    6,243
    Chương 6

    Bấm để xem
    Đóng lại
    21.

    Nửa tháng trôi qua sau ngày bạn gái thứ ba của tôi mất, tôi đọc tác phẩm Witch của Michelet[1] . Quyển sách rất tuyệt. Trong đó có một câu viết như sau.

    "Remi, vị thẩm phán vĩ đại của vùng Lorainne, đã thiêu sống 800 phù thủy, và cảm thấy mình chiến thắng trong 'sự cai trị khủng bố' này. Ông nói, 'Nhờ công lý của ta ngay chính là vậy, mười sáu người bị bắt vài ngày trước đã treo cổ tự tử không đợi đến ngày xét xử.'(Kōichirō Shinoda dịch)"

    Câu viết 'Nhờ công lý của ta ngay chính là vậy', thật sự hay tuyệt.

    22.

    Điện thoại đổ chuông.

    Lúc đó, tôi đang xoa kem dưỡng carmaine để làm dịu gương mặt cháy nắng đỏ au vì đã bơi liên tục trong hồ bơi. Sau khi để điện thoại đổ chuông khoảng mười hồi, tôi buộc phải ngồi dậy khỏi ghế và nhấc điện thoại sau khi thả miếng tăm bông đã được xếp thẳng hàng thành dáng một bàn cờ.

    "Xin chào. Tôi đây."

    "Ờ," tôi nói.

    "Anh đang làm gì vậy?"

    "Chẳng làm gì cả."

    Tôi dùng khăn chặm lên gương mặt đang xót buốt.

    "Hôm qua vui thật. Lâu rồi tôi không vui đến vậy."

    "Tốt quá rồi."

    "Àhh, anh thích thịt bò hầm không?"

    "Có."

    "Tôi vừa mới làm xong, nhưng một mình thì chắc ăn suốt tuần mới hết. Anh có muốn ăn không?"

    "Cũng được thôi."

    "Oke. Đến đây ngay trong vòng một tiếng. Nếu đến trễ, tôi sẽ quẳng tất cả vào thùng rác đấy. Hiểu chứ?"

    "Này.."

    "Tôi không thích chờ đợi. Có vậy thôi."

    Sau khi nói vậy, cô cúp máy ngay mà chẳng đợi tôi đáp lời.

    Tôi lại nằm xuống ghế bành. Trong lúc nghe top forty qua radio tôi mơ màng ngắm trời mây suốt gần mười phút, tắm vòi sen, cạo râu bằng nước nóng, rồi mặc áo sơ-mi và quần Bermuda vừa được gửi đến từ chỗ giặt là. Buổi chiều yên bình. Tôi lái xe dọc theo bờ biển ngắm nhìn ánh tà dương. Trước khi rẽ vào đại lộ tôi mua hai chai vang lạnh cùng một cây thuốc lá.

    Trong lúc cô dọn bàn và xếp bộ đồ ăn màu trắng bạch, tôi mở nút bần chai rượu bằng đầu dao gọt trái cây. Làn hơi mỏng tỏa ra từ món bò hầm khiến không khí trong phòng trở nên ngột ngạt.

    "Tôi không nghĩ trời sẽ nóng thế này. Cứ như luyện ngục vậy."

    "Luyện ngục nóng hơn nhiều."

    "Cứ như anh từng đến luyện ngục ấy?"

    "Tôi nghe người ta kể vậy. Nếu ai đó bị nóng đến sắp phát điên, người ta sẽ chuyển họ vào chỗ mát. Sau khi đã khỏe hơn một chút, họ lại được đưa về chỗ cũ."

    "Như trong phòng tắm hơi nhỉ."

    "Đúng vậy. Nhưng trong số đó cũng có người thật sự phát điên và mãi mãi không trở về chỗ cũ."

    "Những người như vậy sẽ ra sao?"

    "Được đưa lên thiên đường. Ở đó họ sẽ được yêu cầu đi sơn tường. Nói cách khác, tường thiên đường phải luôn luôn trắng sạch. Không được phép có bất kỳ vết bẩn nào. Nếu không sẽ làm xấu hình ảnh thiên đường. Vì thế, hầu hết họ đều mắc bệnh hô hấp vì phải sơn tường liên tục mỗi ngày từ sáng đến tận đêm."

    Sau đó, cô không hỏi gì thêm nữa. Sau khi cẩn thận vớt vụn bần sót lại trong chai, tôi đổ rượu vào hai ly thủy tinh.

    "Vang lạnh ấm tình."

    Cô nói vậy khi chúng tôi chạm ly.

    "Nghĩa là gì?"

    "Một quảng cáo trên truyền hình. Vang lạnh ấm tình. Anh chưa từng xem quảng cáo đó sao?"

    "Chưa."

    "Anh không bao giờ xem truyền hình nhỉ?"

    "Hiếm khi. Lúc trước tôi cũng thường xem truyền hình. Tôi thích nhất là phim Lassie. Dĩ nhiên là những tập đầu tiên."

    "Anh quả thật rất thích động vậy đấy."

    "Ừ."

    "Tôi thì có thể xem truyền hình mỗi ngày nếu đang rảnh rỗi. Đủ mọi chương trình. Hôm qua tôi có xem buổi tranh luận giữa chuyên viên sinh học với chuyên viên hóa học. Anh có xem không?"

    "Không."

    Sau khi uống một ngụm vang, cô lắc đầu như thể chợt nhớ ra một điều gì đó.

    "Này, Pasteur quả là có trực giác khoa học đấy."

    "Trực giác khoa học?"

    ".. Nghĩa là vầy. Nhà khoa học thông thường sẽ suy nghĩ kiểu này. A bằng B, B bằng C, vậy nên A bằng C, QED. Đúng không?"

    Tôi gật đầu.

    "Nhưng Pasteur thì không vậy. Thứ ông nghĩ trong đầu là A bằng C mà thôi. Không cần chứng minh gì cả. Nhưng thật tình cờ giả thuyết của ông đã được lịch sử chứng minh, và suốt đời mình những phát minh quan trọng ông đã tạo ra nhiều không đếm xuể."

    "Vắc-xin đậu mùa."

    Cô đặt ly vang của mình lên bàn rồi chăm chăm nhìn tôi sững sờ.

    "Này, chẳng phải Jenner mới là người tìm ra vắc-xin đậu mùa sao? Cũng lạ là anh có thể đậu đại học đấy."

    ".. Vắc-xin bệnh dại và phương pháp tiệt trùng Pasteur, nếu không nhầm."

    "Chính xác."

    Sau khi mím môi cười đắc thắng, cô uống hết chỗ vang trong ly rồi lại rót rượu thêm vào.

    "Trong chương trình tranh luận đó, khả năng như thế được gọi là trực giác khoa học. Anh có không?"

    "Hầu như là không."

    "Theo anh, tốt hay không nếu mình có khả năng đó?"

    "Có lẽ sẽ hữu dụng cho một việc nào đó. Chẳng hạn, có thể dùng được lúc lên giường với đàn bà."

    Cô bật cười rồi đi vào bếp và trở ra mang theo chảo thịt bò hầm, một tô salad, và bánh mì khoanh. Cơn gió mát lành từng chút một thổi luồn vào qua ô cửa rộng mở.

    Chúng tôi thong thả vừa dùng bữa vừa nghe nhạc phát ra từ máy hát đĩa than. Trong lúc ăn, cô hỏi tôi về cuộc sống ở đại học và ở Tokyo. Chẳng phải chuyện hấp dẫn gì. Tôi kể về việc thí nghiệm với mèo. "Dĩ nhiên tôi không giết chúng," tôi nói dối, "chỉ là những thí nghiệm để quan sát khía cạnh tâm lý mà thôi." Tuy vậy, thực tế, trong hai tháng tôi đã giết ba mươi sáu con mèo, cả lớn lẫn nhỏ. Tôi cũng kể về những cuộc biểu tình và bãi công. Rồi tôi cho cô xem chiếc răng cửa bị cảnh sát chống bạo động đập gãy.

    "Anh có ý định báo thù không?"

    "Chẳng thể đâu," tôi trả lời.

    "Tại sao? Phải tôi, tôi sẽ tìm tên cảnh sát đó rồi dùng búa đập gãy vài ba chiếc răng của hắn."

    "Tôi là tôi, dẫu sao mọi chuyện cũng đã rồi. Hơn nữa tất cả cảnh sát chống bạo động đều có dáng người từa tựa nhau, nên tôi chẳng thể nào tìm ra hắn ta."

    "Nếu vậy, chẳng có ý nghĩa gì cả đúng không?"

    "Ý nghĩa?"

    "Điều khiến răng anh bị gãy đấy."

    "Đúng là không có thật," tôi bảo.

    Cô thở dài như thể chán chường, rồi đưa vào miệng một muỗng thịt bò hầm.

    Dùng bữa xong chúng tôi uống café, cùng nhau rửa chén trong căn bếp chật hẹp, rồi quay lại bàn, châm thuốc và nghe đĩa nhạc MJQ[2] .

    Cô mặc áo sơ-mi, mỏng đến độ trông rõ bộ ngực, và quần thun ngắn hơi hở phần eo; tệ hơn nữa, chân chúng tôi đôi lần chạm vào nhau dưới bàn, lâu dần mặt tôi đỏ bừng mỗi lúc điều đó xảy ra.

    "Ngon chứ?"

    "Rất ngon."

    Cô cắn nhẹ môi dưới.

    "Sao anh chẳng nói gì cả nếu chưa được hỏi vậy?"

    "Chả biết nữa. Có lẽ là thói quen. Tôi luôn quên mất phải nói những điều cơ bản nhất."

    "Tôi có thể khuyên anh không?"

    "Cứ tự nhiên."

    "Anh sẽ bị tổn thương nếu không thay đổi thói quen đó."

    "Cũng có thể là vậy. Nhưng tôi chẳng khác gì chiếc xe cũ nát. Nếu chỉ sửa một phần, những phần còn lại trông sẽ chói mắt lắm."

    Cô cười nắc nẻ, rồi thay đĩa than đang hát bằng đĩa Marvin Gaye[3] . Đồng hồ đã điểm 20.00 gần kề.

    "Hôm nay anh không phải lau giày sao?"

    "Lát khuya về tôi sẽ lau, sẵn tiện đánh răng luôn."

    Cô chống khuỷa tay gầy gò của mình lên mặt bàn và thư thái tựa cằm lên hai tay, rồi thể hiện nét mặt như thể đang trộm nhìn vào sâu trong mắt tôi. Việc đó khiến tôi thấy lúng túng. Đôi lần tôi vờ châm thuốc hay nhìn ra ngoài cửa sổ để tránh ánh nhìn của cô, và mỗi lần tôi làm vậy cô ngay lập tức nhìn tôi như thấy chuyện gì nhộn lắm.

    "Này, tôi tin rồi."

    "Tin gì?"

    "Rằng đêm hôm ấy anh không làm gì tôi cả."

    "Sao cô lại nghĩ vậy?"

    "Muốn biết tại sao không?"

    "Không," tôi trả lời.

    "Tôi đã đoán anh chắc chắn sẽ nói vậy," vừa nói cô vừa cười khúc khích. Cô rót rượu vang vào ly cho tôi, rồi nhìn ra bóng đêm bên ngoài ô cửa như đang nghĩ ngợi điều gì.

    "Đôi lúc tôi nghĩ sẽ tuyệt làm sao nếu có thể sống mà không làm phiền người khác. Theo anh, giả chừng tôi có thể không?" cô hỏi.

    "Sao nhỉ."

    "Này, liệu tôi có không làm phiền anh không?"

    "Không đâu."

    "Tại thời điểm này?"

    "Ừ, thời điểm này."

    Cô chậm rãi đưa tay lên mặt bàn rồi đặt lên trên tay tôi, sau đó vài giây cô rút tay lại.

    "Mai em sẽ đi."

    "Đi đâu?"

    "Em chưa biết nữa. Nhưng em định sẽ đi đến nơi nào đó thật yên tĩnh và mát mẻ. Trong khoảng một tuần."

    Tôi gật đầu.

    "Khi nào quay về, em sẽ gọi điện cho anh."



    Trên đường về, trong xe hơi, bỗng nhiên tôi nhớ đến cô gái đầu tiên mình hẹn hò. Đó đã là chuyện bảy năm về trước.

    Suốt buổi hẹn, cảm giác như tôi mãi hỏi thế này từ đầu chí cuối, "Này, mày không thấy chán hay sao?"

    Chúng tôi đang xem phim có Elvis Presley thủ vai chính. Nhạc nền thế này.

    We had a quarrel, a lover's spat

    I write I'm sorry

    But my letter keeps coming back

    So then I dropped it in the mailbox

    And send it special D

    Bright and early next morning

    It came right back to me

    She wrote upon it:

    Return to sender, address unknown.

    No such person, no such zone.

    Thời gian trôi nhanh là thế.

    23.

    Người phụ nữ thứ ba tôi quan hệ đã gọi dương vật của tôi là 'raison d'être[4] của anh.'



    Ngày trước có lần tôi thử viết truyện dài lấy chủ đề raison d'être của nhân loại. Viết chẳng tới đâu, nhưng suốt thời gian đó tôi mãi nghĩ về raison d'être của con người, và vì vậy ngắm dần một thói quen kỳ lạ. Tôi không thể không biến đổi một điều gì đó thành ra con số. Nỗi ám ảnh đó đeo đuổi tôi mãi suốt đâu chừng tám tháng. Khi lên xe lửa, điều đầu tiên tôi làm là đếm số hành khách, đếm số bậc thang, và nếu có thời gian tôi sẽ đếm cả nhịp tim của mình. Dựa theo ghi chép trong thời gian ấy, từ ngày 15 tháng Tám năm 1969 đến ngày 3 tháng Tư năm sau, tôi đã đến lớp học cả thẩy 358 lần, làm tình 54 lần, và hút hết 6.921 điếu thuốc.

    Thời điểm đó tôi tin rằng mình có lẽ sẽ truyền đạt được điều gì đó đến người khác thông qua thói quen số hóa mọi điều. Và chừng nào còn có điều muốn truyền đạt đến người khác, chừng đó mình còn thật sự tồn tại, tôi đã nghĩ vậy. Tuy nhiên như tôi đã đoán được trước đó, không một ai tỏ ra hứng thú với tổng số thuốc lá tôi đã hút, số bậc thang tôi đã đếm, cũng như kích cỡ dương vật của tôi. Rốt cuộc, tôi đánh mất raison d'être của mình, và cô độc đến tận cùng.



    Khi người ta báo tôi biết cái chết của cô, số thuốc tôi hút đã là 6.922 điếu.

    * * *

    [1] Jules Michelet, một sử gia người Pháp.

    [2] Viết tắt của từ Modern Jazz Quartet, thành lập năm 1952 bởi Milt Jackson (đàn tăng rung), John Lewis (dương cầm và đồng thời là ca sĩ chính), Percy Heath (bass) và Kenny Clarke (bộ trống) sau được thay bởi Connie Kay vào năm 1955.

    [3] Tên thật là Marvin Pentz Gay Jr. Sinh ngày 2 tháng 4 năm 1939, ông là ca sĩ, nhà soạn nhạc, viết ca khúc, sản xuất âm nhạc, đồng thời là một nhạc sĩ đa năng từng hai lần đoạt giải Grammy.

    [4] Lý do hay mục đích của sự tồn tại.
     
  9. Gill

    Bài viết:
    6,243
    Chương 7

    Bấm để xem
    Đóng lại
    24.

    Đêm đó Nezumi không đụng đến một giọt bia nào. Hoàn toàn không phải một dấu hiệu tốt. Thay vào đó, cậu ta đã lần lượt uống cạn năm ly Jim Beam[1] có đá.

    Trong góc khuất của quán bar, chúng tôi chơi pinball để giết thời gian. Pinball chỉ là cỗ máy cổ lổ xỉ để tiêu phí thời gian thừa thãi bằng mấy đồng bạc cắc xem như phí tổn. Thế nhưng Chuột luôn nghiêm túc với bất kể mọi điều. Vì thế, trong tổng số sáu lần chơi đêm đó, hai lần tôi thắng cuộc hẳn có thể nói là một điều gần như kỳ diệu.

    "Này, cậu sao vậy hả?"

    "Chẳng sao cả," Chuột trả lời.

    Chúng tôi quay lại quầy bar, uống bia và Jim Beam.

    Rồi hầu như chẳng nói một lời, chúng tôi lặng lẽ lắng nghe những đĩa nhạc nối tiếp nhau xoay vòng trong jukebox. Everyday People, Woodstock, Spirit in the Sky, Hey There Lonely Girl..

    "Tớ muốn nhờ cậu việc này," Chuột nói.

    "Việc gì?"

    "Tớ muốn cậu gặp mặt một người."

    ".. Phụ nữ?"

    Thoảng chút ngần ngại rồi Chuột gật đầu.

    "Sao lại nhờ tớ?"

    "Bộ còn ai khác ngoài cậu nữa sao?" Chuột nói nhanh điều đó, rồi nhấp ngụm đầu tiên từ ly wishkey thứ sáu của mình. "Cậu có vét-tông và cà-vạt chứ?"

    "Thì có, nhưng mà.."

    "Ngày mai lúc 14.00," Chuột nói. "Theo cậu, phụ nữ ăn gì để sống?"

    "Đế giày."

    "Cậu lại đùa," Chuột nói.

    25.

    Thứ Chuột thích là bánh kếp vừa chín tới. Cậu ta sẽ chồng vài lớp bánh kếp vào trong chiếc đĩa trũng, dùng dao cắt thành bốn phần, rồi đổ một chai coca cola lên trên. Lần đầu tôi đến chơi nhà, Chuột đang ngồi trước chiếc bàn đặt ngoài vườn, dưới ánh mặt trời tỏa dịu tháng Năm, và lùa món ăn kinh tởm đó vào trong dạ dày.

    "Sự độc đáo của món ăn này là," Chuột bảo, "hợp nhất giữa ăn và uống cùng một lúc."

    Trong khu vườn rộng lớn đầy cây cối um tùm rậm rạp, tập trung đủ loại chim đa dạng màu sắc lẫn dáng hình đang hăm hở mổ bắp rang trắng rơi vãi trên bãi cỏ.

    26.

    Tôi sẽ kể về cô gái thứ ba đã ngủ với tôi.

    Kể về người đã mất là một việc khó khăn, thì kể về một thiếu nữ chết trẻ lại còn khó hơn nhiều. Bởi người thiếu nữ đó sẽ trẻ mãi cùng cái chết.

    Trái ngược những kẻ còn sống như chúng ta, mỗi năm, mỗi tháng, mỗi ngày, tuổi lại chồng thêm tuổi. Thậm chí có lúc tôi cảm thấy như mình già mãi thêm sau mỗi giờ trôi. Đáng sợ là điều đó quả thật như vậy.



    Cô ấy hoàn toàn không xinh đẹp. Cụm từ 'không xinh đẹp' nghe có vẻ hơi bất công. Tôi nghĩ phải nói 'cô ấy không có nét đẹp tương thích với bản thân mình' thì đúng hơn.

    Tôi chỉ có mỗi một bức ảnh của cô. Phía sau ảnh có dòng ghi chú, đề tháng Tám 1963. Đó là năm tổng thống Kennedy bị bắn vào đầu. Người thiếu nữ ngồi trên bờ đê chắn sóng ở một bãi biển có lẽ là nơi nghỉ dưỡng mùa hè, đang mỉm cười với vẻ mặt hơi gượng gạo. Cô cắt tóc ngắn kiểu Jean Seberg[2] gợi tôi nhớ đến Auschwitz[3], và mặc chiếc đầm dài tay màu đỏ may bằng vải gingham[4] . Trông cô có vẻ ngượng ngiụ và xinh đẹp. Nét đẹp hẳn có thể xuyên thủng phần nhạy cảm nhất của trái tim người ngắm nhìn cô.

    Đôi môi mím chặt, cái mũi nhỏ nghiêng nghiêng cao tựa một thứ xúc tu nhạy cảm, tóc đuôi ngựa không đều, như thể cô tự cắt lấy, rũ lên vầng trán rộng xuống tận hai gò má hơi nhô ra và lấm tấm tàn nhang.

    Năm đó cô mười bốn tuổi, khoảnh khắc đẹp nhất trong cuộc sống chỉ kéo dài hai mươi mốt năm. Thế rồi, chỉ là khoảng khắc ấy đột ngột biến mất, đó là điều tôi thầm nghĩ. Tôi không hiểu lý do nào và mục đích gì khiến một điều như vậy có thể xảy ra. Dù là ai cũng không thể hiểu.



    Cô cất giọng nghiêm túc (không đùa), "Em vào đại học là để đón nhận mặc khải từ thiên đường." Cô nói vậy vào lúc 04.00 sớm khi chúng tôi đang nằm khỏa thể trên giường. Tôi hỏi, "Mặc khải từ thiên đường như thế nào?"

    "Sao em biết được," cô trả lời vậy, rồi nói tiếp, "nhưng là thứ mặc khải đại loại như điều gì đó rơi lửng lờ từ trời cao tựa lông vũ từ cánh thiên thần."

    Tôi thử tưởng tượng khoảnh khắc chiếc lông vũ từ cánh thiên thần lượn bay rơi xuống giữa sân trường, nhưng nếu nhìn từ xa trông lại giống mảnh khăn giấy hơn.



    Không ai biết được lý do cô tự sát. Tôi nghĩ, có vẻ chính bản thân cô cũng không biết rõ lý do đó.

    27.

    Tôi gặp ác mộng.

    Tôi là một con chim lớn màu đen đang bay về phương tây phía trên cánh rừng rậm rạp. Tôi bị thương khá sâu và máu đông đã hóa đen kịt bết trên cánh. Phía tây, gió mây âm u kinh sợ bắt đầu tỏa rộng khắp nẻo bầu trời, trong khi quanh quất đã thoảng hơi mưa.

    Đã lâu rồi tôi không nằm mộng. Và vì đã đủ lâu, nên phải mất một lúc tôi mới nhận ra đó chỉ là giấc mơ.

    Tôi bật dậy khỏi giường, và sau khi tắm vòi sen để tẩy sạch mồ hôi ướt đẫm cơ thể, tôi ăn sáng với bánh mì nướng và nước ép táo. Bởi thuốc lá và bia, tôi có cảm giác như bị nhét vải bông vào cổ họng. Sau khi đặt chén đĩa vào bồn rửa, tôi chọn áo thun màu xanh ô-liu, áo sơ-mi đã được là phẳng, cùng với ca-vát bằng vải len màu đen. Rồi ôm đống áo quần đó ngồi trước máy lạnh trong phòng khách.

    Phát thanh viên đài truyền hình đầy vẻ tự tin dự báo hôm nay sẽ là ngày oi bức nhất mùa hạ năm này. Sau khi tắt tivi, tôi đi vào phòng anh trai nằm cạnh phòng khách, chọn lấy vài quyển từ đống sách vở chất chồng, rồi vừa ngủ gà gật trên chiếc trường kỷ trong phòng khách vừa xem lướt những quyển sách đó.

    Hai năm trước, không vì lý do gì, anh trai tôi đã bỏ đi Mỹ để lại một căn phòng chất đầy sách cùng một người tình. Thi thoảng tôi và bạn gái anh tôi vẫn đi ăn cùng nhau. Cô ấy bảo, tôi và anh tôi giống nhau như đúc.

    "Giống chỗ nào?" tôi kinh ngạc đến độ hỏi cô như vậy.

    "Tất cả," cô trả lời.

    Có lẽ là vậy thật. Tôi nghĩ đó là do đôi giày anh em tôi đã thay nhau mải miết lau chùi suốt mười mấy năm trời.

    Đồng hồ điểm 12.00, tôi mệt lả người vừa nghĩ đến tiết trời oi bức bên ngoài vừa thắt ca-vát rồi mặc vét-tông vào.

    Vẫn còn nhiều thời gian, trong khi tôi chẳng có việc gì cần làm. Tôi lái xe loanh quanh thành phố. Phố nhỏ muộn sầu, kéo dài từ hướng biển về phía núi. Dòng sông và sân quần, sân gôn, những căn nhà to rộng xếp dài ngăn nắp, tường và tường, những nhà hàng nhỏ nhắn tinh tươm, cửa tiệm thời trang, tòa nhà thư viện cũ kỹ, đồng cỏ ươm đầy ánh trăng, công viên thành phố được xây thêm chuồng khỉ, quang cảnh phố thị luôn chẳng đổi thay là vậy.

    Sau một lúc loanh quanh trên con đường uốn lượn đặc trưng vùng Yamanote, tôi theo hướng dòng sông ra biển. Đến gần cửa sông tôi xuống xe và ngâm chân vào dòng nước. Trên sân quần, hai người phụ nữ da cháy nắng đang đập bóng qua lại trong lúc vẫn đội mũ và mang kính râm. Đã qua đỉnh ngày, ánh mặt trời như càng thêm thiêu đốt, mồ hôi họ cứ tóe lên sân quần mỗi lần vung vợt.

    Tôi ngắm họ suốt khoảng năm phút rồi quay vào trong xe, ngả ghế về phía sau rồi nhắm mắt, thơ thẩn lắng nghe tiếng bóng quần trộn lẫn vào sóng biển. Ngọn gió nam thoảng nhẹ mang theo mùi nhựa đường khét lẹt cùng hương biển làm tôi hồi nhớ những mùa hè trong ký ức. Hơi ấm da thịt đàn bà, nhạc rock n roll xưa cũ, áo sơ-mi vừa mới giặt, mùi thuốc lá ngửi nồng trong phòng thay đồ, những linh cảm mơ hồ, tất cả là giấc mộng hè oi bức ngọt ngào và bất tận. Rồi một mùa hè năm nào đó (khi nào nhỉ), giấc mộng ấy chẳng bao giờ trở lại.

    Khi tôi dừng xe trước quán Jay's Bar đúng lúc 14.00, Chuột đang ngồi trên rào chắn dọc đoạn đường đọc quyển The Last Temptation of Christ do Kazantzakis[5] viết.

    "Cô ta đâu?" tôi hỏi.

    Chuột gấp sách lại không nói một lời, rồi mang kính râm sau khi leo vào trong xe.

    "Tớ hủy hẹn rồi."

    "Hủy?"

    "Ừ. Hủy hẹn."

    Tôi thở phào nới lỏng ca-vát, rồi châm thuốc sau khi ném áo vét lên băng ghế sau.

    "Này, giờ chúng ta đi đó chứ?"

    "Thảo cầm viên."

    "Cũng được," tôi nói.

    28.

    Tôi sẽ kể về thành phố của mình. Thành phố nơi tôi sinh ra, lớn lên, và lần đầu tiên biết mùi phụ nữ.

    Trước mặt là biển, sau lưng là núi, và gần đấy là phố cảng khổng lồ. Một thành phố bé nhỏ thật sự. Khi từ cảng biển lái xe về nhà trên đại lộ, tôi tập thói quen không đốt thuốc. Bởi ngay khi vừa đưa tay bật lửa, tôi chắc đã vượt qua thành phố của mình.

    Tổng số thị dân có hơn bảy mươi ngàn người một chút. Con số này hẳn sẽ không thay đổi dẫu thời gian đã trôi qua năm năm sau đó. Hầu hết thị dân sống trong những ngôi nhà hai tầng có vườn tược và xe hơi. Không ít người có hai chiếc xe hơi.

    Con số trên chẳng phải ước đoán không căn cứ, trái lại được dựa trên báo cáo của phòng thống kê hội đồng thành phố được công bố cuối mỗi năm tài khóa. Những ngôi nhà hai tầng một phần số liệu tích cực.

    Chuột sống trong một ngôi nhà ba tầng, và trên mái có cả nhà kính. Một khoảnh đèo được đào xây nhà xe, nơi chiếc Mercedes Benz của cha cậu ta và chiếc Triumph TR III của Chuột nằm kề nhau gần gũi. Lạ lùng là trong nhà Chuột, chỉ mỗi nhà đỗ xe thật sự có không khí gia đình. Trong nhà xe rộng lớn đó, rộng đến độ có thể đỗ vừa một máy bay cỡ nhỏ, rải rác đồ đạc như tivi, tủ lạnh cũ đã lỗi thời, trường kỷ, bàn, dàn máy hát, quầy giải khát, và linh tinh những thứ tương tự. Chúng tôi thường ở đó uống bia để tiêu phí khoảng thời gian có vẻ thảnh thơi.

    Tôi hầu như chẳng biết gì về cha của Chuột. Gặp mặt thôi cũng chưa từng. Nếu tôi hỏi, "Ông ấy là người thế nào?" Chuột sẽ thuần túy trả lời, "Lớn hơn tớ, và là một người đàn ông."

    Nghe bảo, cha của Chuột lúc trước là một người rất nghèo. Đó là khoảng thời gian trước chiến tranh. Ngay trước khi chiến tranh nổ ra, ông đã nỗ lực có được một xưởng thuốc hóa học và bắt đầu kinh doanh thuốc mỡ chống côn trùng. Công dụng thứ thuốc đó rất khả nghi, nhưng tình cờ thuốc của ông bắt đầu bán chạy khi chiến tranh bắt đầu lan rộng về phía nam.

    Thế rồi chiến tranh kết thúc, ông trữ lại tất cả số thuốc mỡ và bắt đầu kinh doanh thực phẩm chức năng mà công dụng cũng rất khả nghi. Vào thời điểm chiến tranh Triều Tiên kết thúc, bất thình lình ông biến mặt hàng thực phẩm chức năng thành thuốc tẩy dùng trong sinh hoạt gia đình. Có người bảo rằng thuốc tẩy này được làm từ cùng một nguồn nguyên liệu với thực phẩm chức năng trước đó. Điều này thật cũng có khả năng.

    Hai mươi năm trước, trong rừng rậm xứ New Guinea, xác những người lính Nhật bôi thuốc mỡ chống côn trùng xếp thành núi. Bây giờ, trong phòng vệ sinh mỗi nhà ngổn ngang bột kem dùng cọ rửa bồn cầu cùng nhãn hiệu với loại thuốc mỡ đó.

    Chuyện chỉ vậy, cuối cùng cha của Chuột trở nên giàu có.

    Dĩ nhiên trong đám bạn của tôi cũng có đứa là con nhà nghèo. Cha cậu ta là tài xế xe buýt do chính quyền thành phố điều hành. Cũng nhiều tài xế giàu có, nhưng cha cậu bạn tôi là một tài xế nghèo. Cha mẹ cậu ta hầu như luôn vắng mặt nên tôi đến chơi nhà thường xuyên. Cha cậu ta luôn ở trên xe buýt hoặc ở trường đua ngựa, trong khi mẹ cậu ta một ngày làm việc hết nửa thời gian.

    Cậu ta với tôi là bạn cùng lớp hồi trung học phổ thông. Chuyện chúng tôi kết bạn với nhau cũng có sự tích của nó.

    Một hôm khi tôi đang đi tiểu vào giờ nghỉ trưa, cậu ta đến bên cạnh tôi và mở khóa quần. Chúng tôi cùng nhau đi tiểu trong im lặng, rồi cùng nhau rửa tay.

    "Này, tớ có hàng khủng đây," cậu ta bảo trong lúc chùi tay vào đũng quần.

    "Vậy sao?"

    "Muốn xem không?"

    Cậu ta lấy một tấm ảnh từ trong ví ra và đưa cho tôi. Đó là ảnh một phụ nữ đang giạng rộng háng và một chai bia được nhét vào giữa khe háng đó.

    "Đã không?"

    "Ừ, tuyệt."

    "Còn nhiều thứ tuyệt hơn nữa nếu cậu đến nhà tớ," cậu ta lại nói.

    Vậy đấy, cuối cùng chúng tôi trở thành bạn.

    Thành phố nơi tôi sinh ra dung chứa đủ mọi loại người. Suốt mười tám năm dài tôi đã học hỏi được rất nhiều từ nơi ấy. Thành phố nơi tôi sinh ra đã bám rễ vào sâu trong tim tôi, và gần như mọi kỷ niệm chắc chắn rồi sẽ hướng về nơi ấy. Tuy vậy, mùa thu khi rời phố vào học đại học, tôi có cảm giác nhẹ nhõm tận sâu thẳm trong tim.

    Vào kỳ nghỉ hè và nghỉ thu, tôi thật có quay về thành phố quê mình, nhưng phần nhiều thời gian lại để trôi qua bằng những chai bia đã uống.

    * * *

    [1] Một loại Bourbon wishkey.

    [2] Nữ diễn viên người Mỹ đã đóng khoảng ba mươi bốn phim điện ảnh Hollywood và Pháp. Cô đã tư sát vào ngày 8 tháng Chín năm 1979.

    [3] Tên một thành phố ở Phần Lan nơi bị biến thành trại tập trung của phát xít Đức. Vào thời kỳ bị phát xít Đức chiếm đóng, mái tóc những người phụ nữ bị đưa vào trại đều phải bị cắt rất ngắn.

    [4] Loại vải bông được nhuộm phẩm màu.

    [5] Nikos Kazantzakis (18 tháng Ba 1883 – 26 tháng 10 1967), triết gia và tác gia người Hy Lạp.
     
  10. Gill

    Bài viết:
    6,243
    Chương 8

    Bấm để xem
    Đóng lại
    29.

    Suốt khoảng một tuần tâm trạng Chuột rất tệ. Có lẽ vì mùa thu đã về gần, hay có lẽ bởi người phụ nữ ấy. Chuột không mở miệng nói một lời về việc đó.

    Khi Chuột đã khuất dáng, tôi gọi Jay thử hỏi xem sao.

    "Này, theo anh, Chuột đang bị cái quái gì vậy?"

    "Sao biết được. Tôi cũng chẳng rõ. Chắc vì mùa hạ đã sắp trôi qua."

    Nếu mùa thu gần kề, như thông lệ tâm trạng Chuột lại xấu dần đi. Cậu ta sẽ ngồi bên quầy mơ màng đọc sách, và giả tôi có gọi thì cậu ta chỉ lơ đãng trả lời lấy lệ. Nếu hoàng hôn dần buông và gió bỗng cuộn thổi mát lành, là khi hương mùa thu bắt đầu nghe thoảng hoặc, Chuột sẽ nốc bia đến cạn và bắt đầu uống bourbon với đá viên, rồi liên tu nhét xu lẻ vào máy jukebox đặt cạnh quầy, đập đạp máy pinball đến độ nó rú lên báo hiệu gian lận khiến Jay phát hoảng.

    "Có lẽ cậu ta thấy mình bị bỏ rơi. Tôi có thể hiểu cảm giác đó," Jay nói.

    "Sao vậy?"

    "Mọi người đều đi cả chẳng biết về đâu, đúng không. Quay về trường học hay về nơi làm việc. Cậu cũng vậy, không phải sao?"

    "Ừ, đúng vậy."

    "Thử nghĩ đến cảm giác cậu ta xem."

    Tôi gật đầu. "Người phụ nữ đó thì sao?"

    "Tôi chắc cậu ta rồi sẽ quên cô ấy nhanh thôi."

    "Liệu có gì tồi tệ đã xảy ra không?"

    "Chả biết."

    Jay nói mà miệng cứ như đang lẩm bẩm, rồi lại bận rộn làm việc cùa mình. Tôi không hỏi gì thêm nữa. Cho xu lẻ vào máy jukebox, tôi chọn vài bản nhạc, rồi quay lại quầy ngồi uống bia.

    Chừng mười phút sau, Jay đến trước mặt tôi.

    "Này, Chuột không nói gì với cậu hết sao?"

    "Không hề."

    "Lạ nhỉ."

    "Sao vậy?"

    Búng nhẹ chiếc ly trên tay, Jay như suy nghĩ miên man.

    "Chắc chắn cậu ta muốn nói với cậu điều gì đó."

    "Sao cậu ta không nói?"

    "Có lẽ khó nói. Ngại bị xem là ngu ngốc."

    "Em đâu có nghĩ cậu ta ngốc."

    "Nhìn thì thấy vậy thôi. Từ đầu tôi đã cảm thấy cậu ta ngốc thật. Mặc dù là một đứa hiền lành. Trong khi cậu thì, trời, nói sao nhỉ, quan trọng là ở cậu có một phần nào đó đã đạt đến sự giác ngộ.. Tôi không có ý bêu xấu gì cậu đâu đấy."

    "Em biết mà."

    "Chỉ là, tôi lớn hơn cậu những hai mươi tuổi, và đã nằm gai nếm mật đủ điều. Bởi vậy, trời, nói sao nhỉ.."

    "Quan tâm kẻ cả."

    "Đúng rồi."

    Tôi bật cười rồi uống bia.

    "Em sẽ nói chuyện với Chuột."

    "Ừh, được thế thì tốt."

    Jay dụi tắt thuốc và quay lại làm việc. Tôi ngồi dậy khỏi ghế rồi vào nhà vệ sinh. Trong lúc rửa tay, tôi ngắm gương mặt mình trong gương. Rồi cảm thấy chán chường, tôi uống thêm một chai bia nữa.

    30.

    Có một giai đoạn khi mọi người đều nghĩ đến cách sống khép kín lạnh lùng.

    Cuối cấp ba, tôi quyết định sẽ chỉ nói phân nửa những gì mình nghĩ trong lòng. Tôi quên mất vì lý do gì, nhưng tôi đã thực hiện ý định đó suốt mấy năm trời. Rồi một ngày, tôi nhận ra mình đã trở thành loại người chỉ có thể nói ra một nửa những gì mình nghĩ.

    Tôi không rõ điều đó có liên hệ gì với phong cách lạnh lùng. Tuy nhiên giả băng đá đóng trong chiếc tủ lạnh già nua cần phải tốn cả năm trời để làm tan chảy là một điều gì được xem như 'lạnh lùng' thì tôi cũng đã tồn tại giống như thế.

    Bởi vậy, vừa đánh thức cái siêu ngã luôn muốn ngủ vùi ngay lập tức trong dòng chảy chậm chạp của thời gian bằng bia và thuốc lá, tôi vừa viết mãi những câu chữ này. Tôi mấy lần tắm mình dưới nước vòi sen ấm áp, cạo râu hai lần trong ngày, và nghe những đĩa than xưa cũ ngày vài ba lần. Lúc này phía sau tôi, Peter, Paul and Mary[1], những ca sĩ một thời đang hát vang.

    "Đâu cần nghĩ suy mãi làm gì. Tất cả đã kết thúc đúng không."

    31.

    Hôm sau, tôi rủ Chuột đến hồ bơi trong khách sạn Yamanote. Vì mùa hè đã sắp trôi qua và thiếu phương tiện di chuyển, nên hồ bơi chỉ có khoảng chục người. Quá nửa là khách Mỹ đang nghỉ lại khách sạn và họ chỉ lo tắm nắng thay vì bơi lội. Khách sạn được trùng tu từ biệt thự cổ của một quý tộc, có sân vườn thoáng đãng được phủ xanh cỏ, và nếu ta đi dọc hàng rào hoa hồng phân tách hồ bơi với gian nhà chính, leo lên ngọn đồi nhỏ, thì sẽ trông thấy rõ mặt biển, bến cảng và cả thành phố.

    Tôi và Chuột bơi đua với nhau trong hồ bơi dài hai mươi lăm mét. Sau vài vòng ngược xuôi, chúng tôi ngồi cạnh nhau trên ghế thư giãn và uống coca cola ướp lạnh. Trong lúc tôi cố điều hòa nhịp thở và hút một điếu thuốc, Chuột bâng quơ ngắm một cô bé người Mỹ đang vui vẻ bơi mãi một mình.

    Vài chiếc phản lực bay ngang bầu trời rạng rỡ để lại một vệt trắng như đông đặc.

    "Hồi nhỏ, cảm giác có nhiều máy bay trên trời hơn nhỉ."

    Chuột nói vậy sau khi ngửa mặt nhìn trời.

    "Nhưng hầu như mọi máy bay thời đó đều của quân đội Mỹ cả. Mấy chiếc có cánh quạt ở hai bên cánh ấy. Cậu vẫn nhớ chứ?"

    "P38?"

    "Không phải. Loại máy bay chuyên chở. To hơn P38 nhiều. Nó từng bay thấp đến độ có thể thấy rõ quân hiệu quân đội Mỹ.. Tớ còn nhớ cả loại máy bay DC6, DC7, và cũng đã từng thấy chiếc Saver Jet nữa đấy."

    "Chà, xưa lắm đấy."

    "Ừ. Thời Eisenhower. Khi tàu viễn dương cập cảng, cả thành phố sẽ tràn đầy quân cảnh và lính hải quân, cậu từng thấy quân cảnh chứ?"

    "Đã từng."

    "Tất cả mọi thứ đều mất đâu hết cả. Ừ, nhưng không có nghĩa là tớ thích quân đội đâu đấy.."

    Tôi gật đầu.

    "Saver là chiếc máy bay rất đỉnh. Giá mà nó không được dùng để ném bom napalm. Cậu từng thấy mấy hố bom napalm chưa?"

    "Trong phim chiến tranh."

    "Nhân loại quả nghĩ ra lắm điều thật. Hơn nữa, sản phẩm từ suy nghĩ của họ cũng thật sự vĩ đại. Mười năm nữa thôi, bom napalm hẳn cũng chỉ còn là ký ức."

    Tôi cười nắc nẻ và châm điếu thuốc thứ hai. "Cậu thích máy bay à?"

    "Hồi trước tớ mơ ước được làm phi công. Nhưng mắt tớ kém dần đến độ phải từ bỏ ước mơ đó."

    "Vậy sao?"

    "Tớ thích bầu trời. Bầu trời chẳng bao giờ khiến người ta thấy chán nhìn ngắm bất kể lúc nào, nhưng khi không muốn nhìn thấy, ừ thì không cần nhìn nữa."

    Chuột im lặng suốt năm phút, rồi đột ngột mở miệng.

    "Thi thoảng có điều gì đó tớ không thể chịu đựng nổi, dù cố gắng đến mấy. Tớ không chịu được sự thật rằng bản thân mình là người giàu. Đôi lúc tớ chỉ muốn bỏ đi. Cậu hiểu không?"

    "Sao vậy?" tôi nói giọng sững sờ. "Nhưng nếu cậu muốn bỏ trốn, ừ thì cứ đi. Nếu quả thật cậu có ý định trốn chạy."

    ".. Có lẽ đó là cách tốt nhất. Đi đến một thành phố xa lạ, và bắt đầu lại mọi thứ từ đầu tại nơi đó. Ý tưởng không tồi phải không."

    "Cậu không định quay lại trường sao?"

    "Tớ thôi học rồi. Không muốn quay trở lại."

    Qua cặp kính đen của mình, Chuột dõi mắt nhìn theo cô bé vẫn đang bơi lội mải miết.

    "Sao lại thôi học?"

    "Không biết nữa. Chắc là thấy chán. Cơ mà tớ đã rất nỗ lực theo cách của riêng mình. Đến độ chính tớ còn phải bất ngờ. Tớ đã nghĩ cho người khác nhiều như nghĩ cho chính mình, bởi vậy mới bị cảnh sát đánh đấy thôi. Nhưng đến thời điểm của nó, mọi người cuối cùng rồi sẽ quay về chốn cũ của họ. Chỉ mỗi tớ không có nơi nào để quay về. Giống như trò chơi cướp ghế ấy."

    "Rồi sau này, cậu sẽ làm gì?"

    Chuột thoáng nghĩ trong lúc dùng khăn lau chân.

    "Tớ sẽ thử viết tiểu thuyết. Cậu nghĩ sao?"

    "Ừ, viết đi."

    Chuột gật đầu.

    "Mà tiểu thuyết như thế nào?"

    "Tiểu thuyết hay. Dĩ nhiên là hay đối với tớ. Tớ chưa từng nghĩ mình có tài cán gì. Nhưng ít ra tớ nghĩ sẽ thật vô nghĩa nếu trí não chúng ta không thoáng mở hơn với mỗi câu chữ viết ra. Phải không?"

    "Cũng đúng."

    "Viết cho mỗi riêng mình thôi.. hay sẽ viết cho lũ dế."

    "Dế?"

    "Ừ."

    Chuột mất một lúc xoay lật con lắc dạng đồng xu có hình gương mặt Kennedy đeo trên tấm ngực trần của mình.

    "Vài năm trước, tớ từng đi cùng một cô gái đến Nara. Buổi chiều mùa hạ nóng đổ lửa, chúng tớ đi dọc dốc núi trong khoảng ba tiếng đồng hồ. Suốt đoạn đường, chúng tớ chỉ gặp những loài chim rừng vụt bay để lại tiếng kêu lanh lảnh, hay lũ dế rơi trong con đê cánh đập liên hồi. Chỉ thế thôi. Bởi ngày hôm đó thật sự rất oi bức. Sau chuyến đi, chúng tớ ngồi một lúc bên triền núi mọc đầy những sắc hoa mùa hạ rực rỡ và lau mồ hôi trong lúc thưởng ngoạn làn gió mát trong lành. Xa phía dưới trải dài một đoạn hào rộng, và bên kia triền núi là những ngôi mộ cổ vươn cao tựa những hòn đảo với cây cỏ phủ dầy rậm rạp. Những ngôi mộ đó là lăng tẩm vua chúa ngày trước. Cậu từng thấy chúng chưa?

    Tôi gật đầu.

    " Lúc đó tớ nghĩ, sao phải xây những lăng tẩm xa hoa đến vậy? Lẽ dĩ nhiên mỗi ngôi mộ đều mang một ý nghĩa. Là người thì ai rồi cũng đến một lúc nào đó phải chết. Vậy đấy. Nấm mộ gợi chúng ta nghĩ đến điều đó. Nhưng những ngôi mộ kia lại quá lộng lẫy. Đôi lúc, sự xa hoa biến đổi bản chất một điều thành điều khác. Thực tế, lăng tẩm đó trông hoàn toàn không giống những ngôi mộ. Giống những trái núi thì đúng hơn. Mặt hào đầy những ếch và thủy tảo, còn quanh gờ tường giăng đầy mạng nhện. Tớ lặng im ngắm nhìn những nấm mồ đó và lắng nghe tiếng gió lướt trên mặt nước. Cảm xúc lúc đó thật rất khó diễn tả bằng lời. Ừhm, không hẳn là thứ có thể gọi tên cảm xúc. Đó là thứ cảm giác được bao bọc gọn gẽ. Nói cách khác, lũ dế, muỗi, nhện, gió, tất cả hòa thành một và lửng lơ trên bầu trời. "

    Sau khi nói vậy, Chuột uống cạn ngụm coca cola cuối cùng đã không còn chút bọt.

    " Mỗi lần đặt bút viết, tớ luôn hồi nhớ lại buổi chiều mùa hạ hôm ấy cùng những nấm mồ cây cỏ rậm rạp phủ đầy. Rồi tớ nghĩ thế này. Sẽ tuyệt làm sao nếu mình có thể viết điều gì đó cho lũ dế, ếch, nhện, cùng những bông hoa mùa hạ và gió. "

    Nói xong, Chuột choàng hai tay sau cổ rồi im lặng ngắm nhìn bầu trời.

    " Vậy rồi.. cậu đã thử viết gì chưa? "

    " Chưa. Tớ chưa viết một dòng nào cả. Tớ không thể viết được điều gì hết. "

    " Sao vậy? "

    " Các con là muối đất. [2] "

    " Hả? "

    " Nếu muối đã lạt, phải ướp muối thêm cho mặn lại. "Chuột nói.

    Chiều buông và ánh ngày dần tắt lịm, chúng tôi rời khỏi hồ bơi và vào quầy bar nhỏ trong khách sạn. Một bản dân ca Ý của Mantovani[3] đang hát vang. Chúng tôi uống bia lạnh. Ánh đèn bến cảng trông thấy rõ qua ô cửa rộng.

    " Người phụ nữ đó sao rồi? "

    Tôi lấy can đảm để hỏi về việc đó.

    Chuột lấy mu bàn tay chùi lớp bọt dính trên mép rồi nhìn trời mây như thể đang nghĩ ngợi điều gì.

    " Tớ bảo cậu biết, thật ra tớ định chẳng nói gì với cậu về chuyện này. Vấn đề là, việc đó quả thật rất ngu ngốc. "

    " Nhưng cậu đã từng định bàn bạc việc đó với tớ, đúng không? "

    " Thì có. Nhưng sau một đêm suy nghĩ tớ lại thôi. Tớ hiểu ra trên đời này luôn có những điều mình sẽ chẳng thể nào giải quyết được. "

    " Chẳng hạn? "

    " Chẳng hạn cái răng sâu. Một ngày kia, cái răng sâu bỗng dưng đau nhói. Ai đó cố an ủi chúng ta, nhưng không có nghĩa cảm giác nhức nhói đó sẽ hết. Nếu đã vậy, chúng ta bắt đầu thấy khó chịu với bản thân mình. Rồi chúng ta cũng bắt đầu thấy bực bội với những người không cảm thấy khó chịu với bản thật họ. Hiểu không? "

    " Một ít, "tôi đáp." Nhưng cậu thử nghĩ tích cực xem. Thân phận mọi người đều như nhau. Giống như chúng ta cùng ngồi trên một chuyến bay gặp nạn. Dĩ nhiên trong máy bay có người may mắn và người xui xẻo. Có người mạnh mẽ, cũng có kẻ yếu đuối; có người giàu, lẫn người nghèo. Chỉ là, không ai mạnh mẽ hơn ai quá nhiều. Mọi người như nhau. Người sở hữu điều gì đó luôn sợ hãi lỡ điều mình đang có lúc này sẽ biến mất, trong khi người không có gì cả luôn lo sợ lỡ mình mãi mãi sẽ là kẻ trắng tay. Mọi người như nhau! Bởi vậy, người sớm hiểu ra điều đó phải cố gắng mạnh mẽ hơn đôi chút. Cũng chỉ đến mức giả vờ như không có việc gì. Đúng không? Đâu cũng vậy, chẳng ai là mạnh mẽ. Chỉ có người giả vờ mạnh mẽ mà thôi. "

    " Tớ hỏi cậu một điều được không? "

    Tôi gật đầu.

    " Cậu có thật sự khẳng định điều đó? "

    " Có. "

    Chuột thoáng nghĩ ngợi, ngắm nhìn chai bia.

    " Cậu có sẵn lòng bảo rằng nãy giờ cậu chỉ toàn nói dối? "

    Chuột nói giọng nghiêm túc.

    Sau khi đưa Chuột về nhà, tôi ghé vào quán Jay's Bar một mình.

    " Sao rồi? Đã nói chuyện với cậu ta chưa? "

    " Rồi. "

    " Nếu thế thì tốt quá. "

    Sau khi nói vậy, Jay đặt dĩa khoai tây chiên trước mặt tôi.

    32.

    Mặc dù viết rất nhiều, Derek Heartfield là tác gia rất hiếm khi trực tiếp kể về cuộc sống, mơ mộng, và tình yêu. Trong tác phẩm nhan đề Around a Rainbow in One and a Half Circle (1973) viết theo lối bán tự truyện tương đối nghiêm túc (nghiêm túc ở đây nghĩa là không có mẫu nhân vật người ngoài hành tinh hay hồn ma), Heartfield đã thổ lộ đôi chút nỗi lòng mình qua những câu chữ ngắn gọn, được ngụy trang bằng những lời châm biếm, giễu cợt, mỉa mai, và ngạo ngược.

    " Tôi xin thề trên quyển sách linh thánh nhất trong căn phòng này, tức quyển danh bạ điện thoại được viết theo thứ tự bảng chữ cái, rằng tôi sẽ chỉ nói sự thật và sự thật. Cuộc sống là một sự trống rỗng. Tuy nhiên chắc chắn có sự cứu rỗi. Bởi lẽ thuở ban đầu sống không phải là điều gì thật sự rỗng không. Mà trên thực tế, chính chúng ta đã chất chồng khổ đau lên đau khổ rồi lại nỗ lực mài mòn nỗi bất hạnh ấy từng chút một, đến độ cuộc sống cũng trở nên trống rỗng. Tôi sẽ chẳng kể tỉ mỉ chúng ta đã nỗ lực thế nào, và làm thế nào chúng ta tiêu mòn nó. Bởi việc đó sẽ rất phiền phức. Nếu ai đó thật lòng muốn biết, xin mời đọc tác phẩm Jean Cristophe của Romain Rolland[4] . Tất cả được viết trong đó. "

    Heartfield rất thích Jean Cristophe vì tác phẩm đó đã miêu tả một cách hài hòa và rõ ràng duy mỗi một người từ khi sinh ra đến lúc mất đi, và cũng bởi tác phẩm đó thuộc loại tiểu thuyết dài hơi. Ông cho rằng thứ được gọi là tiểu thuyết, miễn có dạng thông tin, phải có thể được thuật lại một cách sống động và theo trình tự thời gian. Theo ông, sự tỉ mỉ nêu trên tương đồng với mặt lượng của tiểu thuyết.

    Ông luôn phê phán tác phẩm War and Peace của Tolstoy. Ông nói," Về mặt lượng quả thật không có vấn đề. "Ông cũng nói rằng trong tác phẩm đó không thấy tồn tại quan điểm nào về vũ trụ." Bởi vậy, tiểu thuyết đó tạo cho tôi một ấn tượng rất không hài hòa, "ông nói. Khi sử dụng cụm từ 'quan điểm về vũ trụ', thường ông muốn nói đến 'sự trống rỗng'.

    Tiểu thuyết ông thích nhất là A Dog of Flanders[5] . Ông từng nói," Này, tin nổi không con chó có thể chết chỉ vì một bức tranh? "

    Trong một buổi phỏng vấn, ký giả một tờ báo đã hỏi Heartfield thế này." Nhân vật chính trong tiểu thuyết của ông, Wald, đã chết hai lần ở Hỏa tinh và một lần ở Kim tinh. Liệu có mâu thuẫn lắm không? "

    Heartfield trả lời như sau," Anh có biết thời gian chuyển động thế nào trong vũ trụ? "

    " Không, "tay ký giả đáp." Nhưng cũng chẳng một ai biết được điều đó. "

    " Vậy chứ viết tiểu thuyết mà nội dung của nó mọi người điều biết cả rồi thì có ý nghĩa gì? "



    Trong số những tác phẩm của Heartfield, có một truyện ngắn rất khác so với những tác phẩm còn lại, tựa truyện là A Well in Mars. Nội dung truyện ngắn đó như mốc đánh dấu sự xuất hiện của Ray Bradbury[6] . Vì đã đọc truyện đó cách đây rất lâu, tôi cũng không nhớ rõ nội dung cho lắm, song dù gì tôi cũng xin phác thảo lại câu chuyện ấy.

    Chuyện kể về một thanh niên đã bước vào một cái giếng không đáy, thứ được đào rất nhiều trên bề mặt sao Hỏa. Người ta đã xác định những cái giếng đó do người sao Hỏa đào hàng chục ngàn năm trước, nhưng lạ kỳ là tất cả những cái giếng được đào một cách tỉ mỉ đó lại không chứa một dòng nước nào. Không ai biết được mục đích họ đào những cái giếng đó. Trên thực tế, người sao Hỏa không để lại bất kỳ thứ gì ngoại trừ những cái giếng. Không ký tự, nhà cửa, bộ đồ ăn, sắt thép, mồ mả, hỏa tiễn, phố thị, máy bán hàng tự động, đến vỏ sò cũng không. Chỉ có giếng. Các nhà khoa học trái đất gặp khó khăn khi phải đánh giá với điều kiện như vậy có thể được gọi là nền văn minh. Dù gì đi nữa, những cái giếng đó đã được đào một cách tỉ mỉ, và sau hàng mấy chục năm một phiến đá cũng chẳng rời ra.

    Hiển nhiên cũng đã có vài nhà thám hiểm và nhóm nghiên cứu đi vào trong những cái giếng đó. Những người có buộc dây phải quay ra vì những cái giếng quá sâu và những nhánh rẽ sang bên quá dài. Còn những kẻ không mang theo dây thì chẳng bao giờ trở lại.

    Một ngày kia, một thanh niên đang du hành ngoài không gian đi vào trong giếng. Anh đã chán ngán vũ trụ bao la và mong mỏi một cái chết không ai biết đến. Càng đi sâu xuống, cái giếng càng khiến anh cảm thấy thân thuộc, và một nguồn sinh lực lạ kỳ bắt đầu bao bọc nhẹ nhàng khắp cơ thể. Sau khi đã đi xuống khoảng một cây số, anh gặp một nhánh rẽ sang phía bên, và bước vào trong đấy. Anh vô định đi mãi theo những đoạn đường uốn khúc quanh co. Anh không rõ mình đã đi được bao lâu vì đồng hồ đeo tay đã chết. Có thể là hai tiếng, cũng có thể đã hai ngày. Anh không thấy đói khát hay mệt mỏi, và nguồn sinh lực kỳ lạ bao bọc cơ thể anh lúc trước đến giờ vẫn còn cảm thấy.

    Đến một lúc đột ngột anh cảm thấy có ánh mặt trời. Nhánh rẽ sang phía bên đó có vẻ đã thông qua một cái giếng khác. Anh leo lên miệng giếng và ló ra lại trên bề mặt sao Hỏa.

    Anh ngồi trên miệng giếng, dõi nhìn thảo nguyên bao la không gì che chắn, rồi ngắm mặt trời. Có điều gì thật lạ. Vị gió, mặt trời.. Mặc dù treo giữa đỉnh ngày, mặt trời đã hóa thành khoanh tròn lớn màu đỏ rực, chẳng khác gì lúc hoàng hôn.

    " Hai trăm năm mươi ngàn năm nữa mặt trời sẽ nổ tung đấy. Bùm.. OFF. Hai trăm năm mươi ngàn năm. Không phải là quá dài đúng không. "

    Gió thì thầm với anh.

    " Ngươi không cần nghĩ ngợi về ta. Ta chỉ là gió. Nếu muốn, ngươi có thể gọi ta là người sao Hỏa. Nghe cũng không tệ lắm. Hơn nữa, với ta ngôn từ chẳng mang ý nghĩa gì. "

    " Nhưng ngươi có thể nói. "

    " Ta? Chính ngươi là người đang nói. Ta chỉ gợi lời trong tim ngươi thôi. "

    " Chuyện gì xảy ra với mặt trời? "

    " Mặt trời đã già cỗi. Đã giãy chết. Ngươi hay ta cũng không thể làm gì được nữa. "

    " Sao bất ngờ lại? "

    " Ai bảo vậy? Khi ngươi ra khỏi miệng giếng, thời gian đã trôi đi khoảng 1, 5 triệu năm. Như thành ngữ thế giới ngươi vẫn nói, thời gian như tên bắn. Cái giếng nơi ngươi bước ra được đào theo nhánh thời gian. Nói cách khác, chúng ta đang trôi lơ lững giữa thời gian. Khoảng thời gian giữa sáng thế và cái chết. Do đó, chúng ta không sống, cũng không chết. Chỉ là gió. "

    " Tôi hỏi một câu có được không? "

    " Rất sẵn lòng. "

    " Ngươi đã học hỏi được điều gì? "

    Không khí khẽ rung động, gió cười. Rồi sự tĩnh lặng vĩnh hằng trở lại bao trùm bề mặt sao Hỏa. Người thanh niên rút khẩu súng lục ra khỏi túi, ép nòng súng vào thái dương, rồi chậm rãi bóp cò.

    * * *

    [1] Cũng thường được gọi là PP&M, ban nhạc người Mỹ nổi tiếng khoảng thập niên 1960

    [2]" Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại?"(Mathew 5: 13–16)

    [3] Annunzio Paolo Mantovani, nhạc trưởng người Ý.

    [4] Tác gia và kịch gia người Pháp (29 tháng Một 1866 – 30 tháng Mười Hai 1944). Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là loạt truyện Jean Cristophe dài mười chương.

    [5] Tác phẩm của Marie Louise de la Ramée viết về một đứa bé tên Nello và con chó tên là Patrasche.

    [6] Ray Douglas Bradbury, nhà văn giả tưởng, khoa học viễn tưởng vả kinh dị người Mỹ, sinh ngày 22 tháng Tám 1920.
     
  11. Gill

    Bài viết:
    6,243
    Chương 9

    Bấm để xem
    Đóng lại
    33.

    Điện thoại đổ chuông.

    "Em về rồi," cô nói.

    "Anh muốn gặp em."

    "Anh ra ngoài lúc này được không?"

    "Được chứ."

    "Vậy 17.00 giờ trước cổng YWCA nghen."

    "Đang làm gì ở YWCA vậy?"

    "Khóa đàm thoại tiếng Pháp."

    "Đàm thoại tiếng Pháp?"

    "QUI."

    Sau khi gác điện thoại tôi tắm vòi sen rồi uống bia. Vừa uống bia xong, cơn mưa chiều bắt đầu trút xuống như thác đổ.

    Khi tôi đến trước cổng YWCA, mưa đã tạnh hẳn, và những phụ nữ bước ra khỏi cổng ngước mặt nhìn trời một cách nghi ngại, rồi đóng mở ô dù của họ. Tôi đỗ xe cạnh cổng, tắt máy, rồi châm thuốc hút. Cây cột cổng sẫm ướt nước mưa trông như hai tấm mộ chí đứng thẳng giữa cánh đồng khô hạn. Nằm cạnh tòa nhà YWCA bẩn thỉu và u ám là những cao ốc mới xây cho thuê giá rẻ, và trên ban công có treo bảng quảng cáo chiếc tủ lạnh cỡ đại. Một phụ nữ tuổi chừng ba mươi mang tạp-dề, trông như mắc bệnh thiếu máu, đang đứng cong người về phía trước, hào hứng mở cửa tủ. Nhờ cô ta, tôi có thể thấy được những gì có trong tủ lạnh.

    Trong ngăn freezer có đá viên, một lít kem va-ni, và một gói tôm đông lạnh. Trong ngăn thứ hai có một hộp trứng, bơ, phô mai Camembert, và thịt heo không xương. Trong ngăn thứ ba có cá và đùi gà. Trong ngăn nhựa dưới cùng có cà chua, dưa leo, măng tây, rau diếp, và nho, còn ở ngăn cửa thì có coca cola và bia mỗi thứ ba chai lớn, với thêm một lốc sữa.

    Suốt thời gian chờ đợi, vẫn tựa người vào bánh lái, tôi mãi nghĩ thứ tự dùng hết các thứ có trong tủ lạnh. Nhưng dù gì đi nữa, một lít kem thật sự là quá nhiều, và chết người ở chỗ trong tủ lạnh lại không có nước sốt làm xà-lách.

    Khoảng 17.00 hơn, cô bước ra khỏi cổng. Cô mặc áo thun polo Lacoste màu đỏ bầm với váy bông ngắn màu trắng, tóc búi ra sau, và đeo mắt kính. Mới chỉ một tuần mà trông cô đã già thêm ba tuổi. Có lẽ do mái tóc mới cắt và mắt kính.

    "Mưa to quá," cô nói khi bước vào trong xe và ngồi xuống cạnh tôi. Cô bối rối chỉnh lại chiếc váy.

    "Ướt sũng nhỉ?

    " Chút ít. "

    Tôi với lấy chiếc khăn vẫn vứt nằm đấy trên băng ghế sau kể từ buổi đi bơi hôm trước, rồi đưa cho cô. Cô dùng khăn lau mồ hôi trên mặt, rồi sau vài lần chùi tóc, cô đưa trả lại tôi chiếc khăn.

    " Lúc mưa bắt đầu đổ hạt, em đang uống café gần đây. Thật cứ như lũ lụt vậy. "

    " Nhưng nhờ mưa mà trời mát ra đấy chứ. "

    " Ừ nhỉ. "

    Sau khi gật đầu, cô thò tay ra khỏi cửa sổ kiểm tra nhiệt độ bên ngoài. Bầu không khí giữa tôi và cô bỗng có chút gì ngượng nghịu, một điều khác hẳn so với những lần gặp trước.

    " Chuyến đi của em thế nào? Vui chứ? "

    " Em chẳng đi đâu cả. Em nói dối anh đấy. "

    " Sao em lại nói dối? "

    " Chốc nữa em sẽ kể. "

    34.

    Tôi cũng đôi lần nói dối

    Lần cuối cùng tôi nói dối là năm ngoái.

    Dối trá quả thật không phải điều gì vui vẻ. Có thể nói sự dối trá và câm lặng là thứ tội lỗi khủng khiếp đang hoành hành trong xã hội hiện nay. Thực tế, chúng ta thường xuyên dối trá và cũng thường xuyên câm lặng.

    Song nếu chúng ta cứ nói mãi, và điều chúng ta nói ra chỉ luôn là sự thật, có lẽ giá trị sự thật đó cũng sẽ biến mất.



    Mùa thu năm ngoái, tôi và bạn gái đang nằm trên giường trong tình trạng lõa thể. Lúc đó chúng tôi thấy đói thật sự.

    " Chúng ta không có gì để ăn cả sao? "Tôi hỏi cô ấy.

    " Để em xem. "

    Cô vẫn trần truồng, ngồi dậy, mở tủ lạnh và tìm thấy bánh mì đã khá cũ, rồi cô làm lát sandwich đơn giản với rau diếp và xúc xích. Cô mang bánh mì sandwich đến bên giường cùng với café pha sẵn. Đó là một đêm tháng Mười, nhưng tiết trời đã rét buốt. Khi quay lại chỗ nằm, cơ thể cô lạnh như cá mòi trong hộp.

    " Không có mù-tạc. "

    " Vậy cũng được rồi. "

    Vẫn dùng chăn quấn quanh người, chúng tôi vừa ăn bánh mì sandwich vừa xem bộ phim kinh điển trên truyền hình, The Bridge on the River Kwai.

    Đến đoạn cây cầu bị nổ sập trong cảnh cuối, cô thoáng lầm bầm.

    " Sao anh ta phải khó nhọc dựng cây cầu ấy nhỉ? "Cô hỏi trong lúc chỉ về phía Alec Guinness[1] đang đứng im như tượng.

    " Để có thể bảo toàn niềm kiêu hãnh. "

    " Hừm, "vẫn nhai bánh mì trong miệng, cô thoáng nghĩ về sự kiêu hãnh của loài người. Như thường lệ, tôi chẳng thể biết được điều gì đang diễn ra trong đầu cô.

    " Này, anh có yêu em không? "

    " Dĩ nhiên. "

    " Anh có muốn cưới em không? "

    " Bây giờ, ngay lúc này? "

    " Sau này cơ.. vẫn còn lâu mà. "

    " Dĩ nhiên là anh muốn cưới em. "

    " Nhưng chưa lần nào anh nói với em điều đó, mãi đến tận lúc này. "

    " Anh quên không nói. "

    ".. Anh muốn có mấy đứa con? "

    " Ba. "

    " Trai? Gái? "

    " Gái hai đứa, trai một đứa. "

    Sau khi chiêu ngụm café để nuốt bánh mì trong miệng, cô nhìn tôi chăm chăm.

    " Đồ dối trá. "Cô nói.

    Nhưng cô đã sai. Tôi nói dối mỗi chỉ một điều.

    35.

    Chúng tôi bước vào một nhà hàng nhỏ ven biển, sau khi dùng vài món đơn giản, tôi gọi bloody mary và bourbon.

    " Anh có muốn biết sự thật không? "Cô hỏi.

    " Năm ngoái anh có mổ một con bò, "tôi nói.

    " Vậy sao? "

    " Khi banh bụng nó ra, trong dạ dày có một nắm cỏ. Anh cho mớ cỏ ấy vào túi nhựa mang về nhà, rồi đặt trên bàn. Mỗi lúc có điều gì thấy nhói lòng, anh luôn ngắm nhìn nắm cỏ đó, và tập tự nhủ mình thế này. Sao con bò lại nhai thứ thức ăn trông dở tệ và đáng thương này như thể một thứ gì quan trọng lắm vậy? "

    Cô chỉ mỉm cười rồi bỉu môi. Cô ngắm nhìn tôi một lúc.

    " Em hiểu. Em sẽ không nói gì thêm nữa, "cô nói.

    Tôi gật đầu.

    " Có điều này em muốn hỏi anh. Được không? "

    " Cứ tự nhiên. "

    " Sao con người phải chết? "

    " Vì họ tiến hóa. Vì cơ thể một cá nhân không đủ khả năng tiếp nhận nguồn năng lượng tiến hóa, thế nên mới diễn ra việc tiếp nối thế hệ. Dĩ nhiên điều này chỉ là lý thuyết không hơn không kém. "

    " Ngay lúc này con người cũng đang tiến hóa sao? "

    " Ừ, từng chút từng chút một. "

    " Sao lại phải tiến hóa? "

    " Có vài ý kiến về điều này. Tuy nhiên điều chắc chắn là bản thân vũ trụ cũng trải qua tiến hóa. Bỏ qua việc có hay không sự can thiệp của khuynh hướng cùng ước muốn, vũ trụ vẫn liên tục tiến hóa, và chúng ta chỉ là một phần trong sự tiến hóa đó. "

    Tôi đặt ly whiskey xuống và châm thuốc hút.

    " Không ai biết được nguồn năng lượng đó đến từ đâu. "

    " Vậy sao? "

    " Ừ. "

    Vừa khuấy đều nước đá trong ly bằng đầu ngón tay, cô vừa ngắm tấm khăn trải bàn màu trắng.

    " Này, nếu em chết, sẽ không một ai nhớ về em sau một trăm năm nữa trôi qua. "

    " Dĩ nhiên, "tôi nói.

    Rời nhà hàng, chúng tôi dạo bước dọc theo khu nhà kho bỏ hoang trong tiết trời chiều trong lành. Vì bước cạnh nhau, tôi có thể thoảng ngửi thấy mùi dầu gội đầu của cô. Gió đong đưa cành liễu rũ gợi chúng tôi nhớ đã là cuối hạ, dẫu chỉ trong thoáng chốc. Dạo bước một lúc, cô nắm lấy tay tôi bằng bàn tay còn đủ năm ngón.

    " Khi nào anh quay về Tokyo? "

    " Tuần tới. Có bài kiểm tra. "

    Cô im lặng.

    " Anh sẽ quay về đây vào mùa đông. Đúng lễ Giáng Sinh. Ngày 24 tháng Mười Hai là sinh nhật anh. "

    Cô gật đầu, nhưng có vẻ như đang nghĩ ngợi điều gì khác.

    " Cung Nam Dương sao? "

    " Ừ. Còn em? "

    " Cũng vậy. Mười tháng Một. "

    " Coi bộ chúng ta sinh ra dưới chòm sao xấu nhỉ. Giống như Jesus Christ ấy. "

    " Ừ ừ. "

    Cô vừa nói vừa xoay trở bàn tay đang nắm lấy tay tôi.

    " Chắc là, vắng anh rồi em sẽ thấy cô đơn lắm. "

    " Một lúc nào đó chúng ta chắc chắn sẽ gặp lại. "

    Cô không nói gì.

    Những kho hàng đã khá cũ, và khoảng hở giữa những viên gạch phủ rêu xanh mềm. Ô cửa trên cao thẫm tối chăng lớp rào mắt cáo trông có vẻ rắn chắc, còn ở mỗi cánh cửa nặng nề hoen rỉ có treo bảng tên các công ty thương mại. Khu nhà kho chấm dứt nơi vị biển đã nghe đặc quánh. Rặng liễu cũng kết thúc tựa chiếc răng nào đã long đi mất. Chúng tôi vẫn đi tiếp, băng qua đường ray mọc um tùm cỏ hoang trong bến cảng, rồi ngồi xuống bậc thang kho hàng nơi phía đầu cầu tàu vắng vẻ và ngắm biển.

    Phía đối diện, trông rõ ánh đèn cầu cảng của công ty đóng tàu, bên cạnh lững lờ chiếc tàu hàng từ Hy Lạp đang bốc dỡ hàng hóa, và dãy kiện hàng trông đã trồi lên cao. Chiếc tàu cứ bập bềnh như thể cứ thế bị vứt bỏ. Vạch sơn trắng trên boong đã bạc màu bởi gió biển, và phía dưới bụng tàu, rất nhiều san hô bám chặt vào tựa miệng vết thương của người đang ốm.

    Cả một khoảng thời gian khá dài, chúng tôi chỉ mãi ngắm biển, bầu trời và tàu thuyền trong tĩnh lặng hoàn toàn. Suốt lúc cơn gió chiều thổi lướt qua mặt biển làm rung động bãi cỏ, hoàng hôn chậm chạp chuyển sắc thành đêm, trong khi vài ngôi sao bắt đầu nhấp nháy phía trên bến cảng.

    Sau khoảng câm lặng thật dài, cô siết chặt bàn tay trái rồi hoang mang đấm không ngừng vào lòng bàn tay phải của mình. Sau khi bàn tay đã đỏ ửng, cô ngắm nhìn lòng bàn tay vẻ như mỏi mệt.

    " Em ghét tất cả mọi người! "Cô đột ngột thét lên.

    " Kế cả anh? "

    " Xin lỗi, "gương mặt cô ửng đỏ. Như thể gió đã thổi dịu lòng, cô đặt bàn tay trở lại trên đầu gối.

    " Anh không phải loại người gây khó chịu. "

    " Có đúng là không phải? "

    Cô cười ngượng nghịu. Sau khi gật đầu, cô châm thuốc với đôi tay khẽ rung rung. Cơn gió từ biển thổi vào bốc khói thuốc lên cao, trôi vụt qua phía bên mái tóc và biến mất vào khoảng tối.

    " Nếu lặng im cô độc, em lại nghe rõ đủ loại người đang gọi tên em.. Những người em biết, những người em không biết, cha em, mẹ em, giáo viên ở trường, cái chính là, đủ cả mọi loại người. "

    Tôi gật đầu.

    " Phần lớn cứ nói những điều gây khó chịu. Chẳng hạn, "Mày chết đi!", sau đó là những lời lẽ thối tha.. "

    " Như thế nào? "

    " Em không muốn nói những lời đó. "

    Cô dùng dép da dụi tắt điều thuốc chỉ vừa mới hút hai hơi, rồi chậm rãi dùng đầu ngón tay dụi mắt.

    " Em bị bịnh sao? "

    " Chẳng rõ, "tôi lắc đầu như thể không biết gì." Mà nếu thấy mình ốm, tốt nhất em nên đến khám bác sĩ. "

    " Không cần đâu. Anh cũng không cần phải lo. "

    Cô châm điếu thuốc thứ hai rồi cố cười, nhưng tiếng cười nghe ra gượng gạo.

    " Anh là người đầu tiên em kể cho nghe những điều thế này đấy. "

    Tôi nắm chặt tay cô. Đôi tay luôn khẽ run rẩy. Mồ hôi lạnh thấm giọt giữa những kẽ tay.

    " Thật ra em không muốn nói dối. "

    " Anh hiểu. "

    Chúng tôi lại lặng im lần nữa, cứ mãi lặng im như thế trong lúc lắng nghe tiếng sóng biển đập vào cầu cảng. Khi đó thời gian trôi qua chậm chạp đến độ tôi chẳng thể nhớ nỗi điều gì.

    Khi tôi choàng tỉnh, cô đang khóc. Tôi dùng ngón tay lau gò má thấm đẫm nước mắt, rồi ôm choàng lấy vai cô.

    Cũng đã khá lâu tôi mới lại có thể ngửi thấy hương mùa hạ. Vị biển, tiếng còi tàu xa xăm, da thịt phụ nữ mịn màng, mùi dầu gội hương chanh, ngọn gió chiều, hy vọng mỏng manh, và giấc mơ mùa hạ..

    Dẫu vậy, mọi thứ chẳng thay đổi gì như thể tracing paper. Tất cả chỉ dịch chuyển từng chút một, nhưng thế đã là khác trước, và mọi thứ chẳng thể nào thay đổi lại.

    36.

    Đi chừng ba mươi phút, chúng tôi đến căn hộ của cô.

    Đó là một tối yên bình, và điều đáng lo là cô có vẻ rất vui dù trước đó vừa mới khóc. Trên đường về, chúng tôi ghé vài cửa tiệm và mua đủ thứ linh tinh không mấy cần thiết. Kem đánh răng vị dâu, khăn tắm màu sặc sỡ, vài bộ puzzle của Đan Mạch, và bút bi sáu màu. Chúng tôi xách mớ đồ leo lên con dốc, và thi thoảng dừng bước nhìn về phía cảng.

    " Này, xe anh cứ đỗ đó sao? "

    " Mặc nó đi. Anh sẽ lấy sau. "

    " Để đến sáng mai thì sao? "

    " Không sao cả. "

    Thế rồi, chúng tôi đi tiếp đoạn đường về.

    " Đêm nay em chẳng muốn ở một mình. "

    Cô vừa nói vừa ngước nhìn con đường lát đá trải dài.

    Tôi gật đầu.

    " Nhưng vậy thì anh không thể đánh giày được rồi. "

    " Cứ một lần để ông ấy tự đánh giày. "

    " Cha anh có muốn tự mình đánh giày không? "

    " Ông ấy thuộc tuýp người rất dễ thích nghi. "

    Đêm bình lặng.

    Cô chậm rãi xoay người và để chóp mũi chạm vào vai phải của tôi.

    " Lạnh quá. "

    " Lạnh? Nhiệt độ gần 30 độ đấy. "

    " Chả biết, cái chính là em thấy lạnh. "

    Với lấy chiếc chăn vải sợi đang phủ trên chân, tôi kéo chăn choàng qua vai rồi ôm lấy cô. Người cô run khẽ.

    " Em thấy không khỏe trong người sao? "

    Cô chậm rãi lắc đầu.

    " Em sợ. "

    " Sợ gì? "

    " Sợ tất cả. Anh không thấy sợ sao? "

    " Hoàn toàn không. "

    Cô im lặng. Im lặng như thể muốn xác định sự tồn tại câu trả lời của tôi trong lòng tay mình.

    " Anh có muốn làm tình với em không? "

    " Có. "

    " Xin lỗi. Hôm nay em không thể. "

    Vẫn ôm chầm lấy cô, tôi gật đầu không nói điều gì.

    " Vì em vừa mới tiến hành phẫu thuật. "

    " Phá thai? "

    " Ừ. "

    Cô nới nhẹ vòng tay đang ôm choàng lưng tôi, rồi dùng đầu ngón tay vẽ những vòng tròn nhỏ lên vai.

    " Lạ thật. Em không nhớ gì cả. "

    " Vậy sao? "

    " Cái gã đã ngủ với em. Em quên hết cả rồi. Gương mặt anh ta ra sao em cũng chẳng nhớ. "

    Tôi đưa tay vuốt nhẹ tóc cô.

    " Ngày ấy, em thấy mình có thể thích anh ta. Nhưng cũng chỉ một thoáng.. Anh có từng thích một ai đó không? "

    " Có. "

    " Anh vẫn nhớ mặt họ chứ? "

    Tôi cố nhớ lại gương mặt ba cô gái đó, nhưng lạ là không một ai tôi có thể nhớ rõ.

    " Không, "tôi nói.

    " Lạ thật. Sao thế nhỉ? "

    " Hẳn là, có như vậy, chúng ta sẽ thấy nhẹ lòng hơn. "

    Vẫn áp má lên tấm ngực trần của tôi, cô gật đầu vài lần mà không nói gì.

    " Này, nếu anh thật sự muốn quan hệ, chúng ta làm bằng cách khác thì sao? "

    " Không cần đâu, em đừng nghĩ ngợi nữa. "

    " Thật chứ? "

    " Thật. "

    Cô lại xiết chặt vòng tay ôm choàng lưng tôi. Tôi cảm thấy ngực cô quanh vùng bụng dưới của mình. Không thể kiềm chế được nữa, tôi muốn uống bia.

    " Kể từ mấy năm trước, chẳng việc gì diễn ra suôn sẻ cả. "

    " Kể từ mấy năm trước? "

    " Mười hai, mười ba.. Cái năm cha em đổ bệnh. Trước đó thì em chẳng nhớ gì cả. Hoàn cảnh lúc đó thật đáng chán. Trên đầu em luôn có cơn gió ác nào vụt thổi. "

    " Rồi có lúc gió cũng sẽ đổi hướng. "

    " Anh thật nghĩ như vậy? "

    " Ừ, đến một lúc nào đó. "

    Cô thoáng im lặng. Trong thoáng chốc, những lời tôi nói chìm mất cả vào sự thinh lặng khô khốc tựa một đồng cát, chỉ đọng lại vị đắng trên khóe miệng.

    " Đã nhiều lần em cố nghĩ như thế, nhưng rồi chỉ luôn thất bại. Em cũng đã cố gắng yêu thương, cố tập nhẫn nại, nhưng rồi.. "

    Chúng tôi chẳng nói gì thêm nữa mà chỉ ôm chầm lấy nhau. Cô tựa đầu vào ngực tôi, hôn nhẹ nụ hoa tôi và nằm im bất động khá lâu, như thể đang ngủ.

    Cô im lặng rất lâu, thật sự rất lâu, nửa mê nửa tỉnh, ngước nhìn trần nhà thẳm tối.

    " Mẹ ơi.."

    Thầm thì thật khẽ như đang mơ màng. Cô chìm vào giấc ngủ.

    * * *

    [1] Sir Alec Guinness (2 tháng Tư 1914 – 5 tháng Tám 2000), nam diễn viên người Anh từng đoạt giải Oscar cho thể loại Nam Diễn Viên Chính Xuất Sắc Nhất trong phim The Bridge on the River Kwai.
     
Trạng thái chủ đề:
Đã bị khóa
Trả lời qua Facebook
Đang tải...