Tản văn của Giả Bình Ao Vũ Công Hoan dịch Giả Bình Ao – Một nhà văn Trung Hoa đương đại – là người không ham quyền lực. Niềm say mê và mục tiêu duy nhất của đời ông là suốt đời vì văn, vì người. Ông ví mình như người đang bê hòn đá kéo lúa leo lên từng bậc thềm, không dám buông tay, hễ buông tay là hòn đá rơi xuống. Văn ông ngắn gọn, hàm xúc, ngôn từ chính xác, đắc địa, từ đầu đến cuối chan chứa một tình cảm chân thành.. * * * Ham đọc sách thì phải chịu nghèo. Tâm huyết dành cho sách còn bụng dạ đâu mà buôn quần áo từ Quảng Đông về chợ nhà bán giá cao, cũng chẳng thể khôn ngoan mua thịt gà ở chợ Đông về ướp muối bán ở chợ Tây; lại càng không có chuyện buộc mấy cây sắt, vài tấm gỗ của cơ quan vào gác-ba-ga đèo về nhà đóng bàn ghế, cũng chẳng có hiện tượng bỏ xi măng của công trường vào ăng-gô đem về nhà xây bể. Tiền chỉ là mấy đồng lương còm, đã không có tiền thưởng, lại còn bớt ra mua sách mới. Vậy thì đành phải mặc quần áo vải xoàng, hút thuốc lá hạng bét khét mù, ăn cơm bụi, cưỡi xe đạp tòng tọc, không chuông không phanh. Nhưng trong căn nhà nhỏ chật chội có những bốn năm giá sách, màu sắc còn loè loẹt hơn đồ điện. Đọc được chút kiến thức mới, thì mấy ngày không ăn thịt mà mồm vẫn thơm. Trên tay hà tất phải đeo vàng bạc nặng trình trịch. Vàng bạc là quặng, cùm tay cũng là quặng! Mặt bà xã hà tất phải bôi phấn sáp dày bì bì. Chính vì cáo quá yêu lông da của nó nên mới có nghề săn bắn ở đời. Ai cũng bảo ngày nay lắm trộm cắp, trộm cắp lại không ăn cắp sách là trộm cắp tốt. Trộm cắp vào nhà, sẵn có chìa khóa trên bậu cửa, muốn uống nước thì uống, muốn đọc sách thì đọc. Bằng chứng nhận của nhà văn để trong ngăn kéo có kẹp hai tờ ngân phiếu, nhưng trộm cắp không lấy, biết đâu còn để lại mẩu giấy "ngươi nghèo hơn ta! Ba trăm năm sau, mẩu giấy ấy quả thật sẽ thành kỷ vật cao giá. Thật ra nói nghèo, cũng chưa đến nước phải ngửa tay ăn xin, ra khỏi nhà cũng vẫn có dăm mười đồng, bậc đại trượng phu coi tiền như rơm rác, bỏ nó trong giày da. Ham đọc sách thì đừng làm quan. Lúc nào cũng để tâm vào sách, thì ngay đến đi tiểu cũng không hết nước, để ướt đũng quần, còn thì giờ đâu đến nhà các xếp trao đổi tâm tình, cũng chả đào đâu ra tiền đánh thông cửa này cửa khác. Dù có làm quan, liệu có ngồi họp cả ngày được không? Trên các công văn gửi đi có thể tùy tiện viết cảm tưởng như đọc xong cuốn sách mới được không? Đã biết trước mặt cấp trên phải cung kính lễ phép, song lười nhác thoải mái quen thân, liệu có thể ngồi mép ghế xa lông khi tiếp kiến? Cũng hiểu cái lý, lợn không xương không lớn được, thì làm sao nét mặt vốn quen bông đùa bỗng dưng trở nên nghiêm túc? Phải chỉnh ai, phải phòng ai chỉnh, có thể không để lộ vui giận trên nét mặt được không? Việc nào phải vuông, việc nào phải tròn, liệu có thể kìm giữ được tình cảm khi xử lý công việc? Người ham đọc sách không phản đối làm quan, song không thể làm ông quan tốt. Bắt mèo kéo xe, xe sẽ đổ. Vậy thì, ở nhà gác phải ở tầng trên cùng; ở trên cao sẽ nhìn được xa. Đi xem kịch phải ngồi hàng ghế sau; ngồi hàng ghế sau không nhìn rõ diễn viên, nhưng nhìn rõ người xem kịch. Không mong có người đến biếu, cũng khỏi lo có kẻ đến phiền, ra khỏi nhà gặp người, không ai mời chào hớn hở, cũng không có chuyện khi giậu đổ bìm leo. Ham đọc sách tất nhiên cơ thể gày gò, một là không có tiền mua sữa ong chúa tẩm bổ, suy nghĩ nhiều quá nên tóc rụng đầu thưa, ăn rau dưa thì răng tốt nhưng dạ dày và đường ruột hư lạnh; hai là không có quyền ở nhà to, tranh giành với con cái bàn học, tâm tình nóng vội, dễ mắc bệnh viêm gan; ba là không có thời gian, ban ngày đi làm, ban đêm thức khuya, tránh sao được thần kinh suy nhược. Nhưng người ham đọc sách đi toa-lét lâu lắm. Chẳng phải táo bón, mà ngồi xổm trên hố xí đọc sách. Người ham đọc sách chúa chịu đựng bà xã càu nhàu, cũng chẳng phải mát tính tốt nết, à mê đọc sách hai tai như đút nút. Ăn cơm đọc sách thường gắp đầu mẩu thuốc lá trong gạt tàn đưa lên miệng. Nhưng không hay bị bệnh phù chân, bởi vì thường hay bóp chân trong khi đọc sách. Đáng thương, người ham đọc sách ai cũng có thân hình như con nhện, mắt mọng như cá vàng, khuôn mặt chẳng thể nghiêng thành nghiêng nước, chỉ có tấm thân đa cảm đa bệnh. Bệnh của người đọc sách chữa bằng thuốc đọc sách. Thuốc không ở" bản thảo cương mục ", mà trực tiếp là sách, một là được quyển sách bản thân thíc thú, hai là được quyển sách đang cần, ba là được quyển sách mới. Nhưng thuốc này bác sỹ thường không dùng, ốm đau cứ phải vào nằm viện; nằm viện cũng được, nghĩa là có thì giờ đọc sách ngấu nghiến. Cho nên kết bè đánh nhau không nên tìm người ham đọc sách, tay như móng chân gà làm gì có sức. Muốn bắt nạt thì cũng không nên bắt nạt người ham đọc sách, hổ ăn gà không phải vua trong rừng. Người ham đọc sách hay thư thả chậm, có muốn thúc cũng chẳng thúc nổi, lòng lại lớn, có bực tức cũng chẳng bực tức nổi. Muốn người ham đọc sách chết, thật ra rất đơn giản, bởi họ là mọt sách, chỉ cần vài viên long não. Kể ra làng lô cái xấu của người ham đọc sách, đương nhiên vẫn chưa kể hết. Ví dụ, ham đọc sách không phải là người chồng tốt, ham đọc sách không có nhân duyên tốt, ham đọc sách tính tình cổ quái lập dị. Nhưng ham đọc sách tất có cái hay của đọc sách, chẳng hạn biết được cái cao rộng của đất trời, hiểu được nỗi khó khăn của người đời, có cái sáng suốt của tự biết, có cái đi trước của dự đoán, không vì khổ mà bi, không vì được muông chiều mà thích, khi vắng vẻ không hưu quạnh, không cô đơn khi lẻ loi. Cho nên không tham vọng quyền lực, vứt bỏ phù hoa, tự do thoải mái, không oán thoán cuộc đời mà tự tôn tự trọng, tự cường, tự lập, không tự ti, không khiếp sợ, không tục tĩu, không nịnh bợ. Nói đến đây thì có người sẽ chửi: – Gớm nhỉ, đó là tinh thần" cao sáng ", là lòng hăng hái" cay đắng "của người ham đọc sách. Sao chẳng bảo:" Mọi thứ đều hạng bét, chỉ có đọc sách là cao quý đi"? Đúng là tinh thần AQ! Chửi hay đấy, chửi được AQ chứng tỏ bạn là người đọc sách, không đọc sách làm sao biết được ngài Lỗ Tấn đã từng viết truyện AQ? Vì vậy, đọc sách vẫn cứ là hay. Theo Cây Phật.
Nếu bạn thích sách, thơ, truyện thiếu nhi và các tác phẩm văn học VN và cả quốc tế thì đến vs box Thư Viện Sách nha!