Tản Văn Những Ngày Đầu Đi Làm - SCRVN

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi SCRVN, 23 Tháng mười một 2018.

  1. SCRVN

    Bài viết:
    8
    Những ngày đầu đi làm

    Tác giả: SCRVN

    Thể loại: Truyện ngắn, tản văn

    Tập 1

    Bấm để xem
    Đóng lại
    18.10.2013

    Hơn 11 giờ trưa, như mọi khi, tui đã ở bên Mỹ Hòa Hưng. Bữa nay, Bác ba không ăn cơm cùng với tui và thằng Minh vì đi ăn đám giỗ nhà hàng xóm. Tui hối thúc thằng Minh ăn cơm ngay vì tui buồn ngủ quá, ăn nhanh để đi ngủ, đây cũng là lí do chính mà tui qua đây. Nếu ở nhà thì tui không ngủ trưa vì thói quen bấm điện tử, vả lại không ngủ trưa để tối dễ ngủ hơn.

    Tui qua bên cái Thất cao ráo ở gần nhà để lấy thức ăn vì thằng Minh để đồ đám giỗ cúng bên đó từ trước. Trong lúc đó nó đang chiên lại mớ xương cá cho sáu con chó ăn, những con chó này thường ngày vẫn ăn đồ chay hoặc trứng chiên cũng ngán. Kể ra mấy con này được đối xử cũng tốt, chiên thức ăn cho nóng để diệt khuẩn và rửa dĩa trước khi cho ăn.

    Tui mở cổng rào có cái chốt cửa ở trên, lần đầu tiên qua đây tui loay hoay kiếm một chút mới gặp, cái chốt gắn tiện lợi vì mình không phải thò tay qua ô cửa nhỏ để mở. Cái Thất có chín bậc thềm cao khoảng hai mét so với mặt đất. Hành lang bao quanh để tránh mưa hoặc ngồi hóng mát. Xung quanh phủ một lớp cỏ đậu phộng xanh rì, có sức sống mãnh liệt, bám víu lên những cây khác như Thiên tế, cây Trà xanh, cây Sứ. Xa hơn nữa là những cây trồng để làm hoa trang trí, nấu uống hoặc làm rau và có cả những cây ăn trái như xoài, ổi nhưng lại không có trái vì không xịt thuốc.. Cầm cái mâm thức ăn trên tay, tui thận trọng, đi chậm từng bước để đem qua nhà bên kia ăn với thằng Minh, mặc dù tui chưa từng làm đổ bể trong việc bưng bê tương tự như vầy, nhưng tui vẫn sợ.

    Thịt heo quay cuốn bánh hỏi, sườn non, canh tôm củ cải đỏ, mắm, đương nhiên mọi thứ điều là đồ chay. Tui thì chỉ thích chén nước tương có dầm trái ớt chín ngâm dấm, mặn mặn cay cay. Không phải tui chê thức ăn mà chỉ vì tui bị bệnh biếng ăn và cơn buồn ngủ làm cho tui không thể tập trung vào mâm cơm, chỉ ăn cho nhanh rồi đi ngủ. Bữa nay thằng Minh dành rửa chén, chuyện mà tui vẫn làm hằng ngày. Tui đi ngủ.

    Cái Thất được lót hoàn toàn bằng đá hoa cương, bốn cửa mở bốn hướng, gió thổi từ cánh đồng từ cổng chính thổi vào thật mát, hiện tại nước đang lên nên cánh đồng hóa thành dòng sông phẳng lặng có màu phù sa. Hơn 12h trưa, chỉ với chiếc gối tai bèo tui nằm dưới chân các bước tượng Phật, gió thổi khi mạnh khi nhẹ mang đến oxi từ các cây lớn bé xung quanh đến cho tui. Nhiều lúc tui ngủ dậy trễ thì thấy Bác ba đi vòng quanh Thất niệm Phật, trên tay có cầm cái chén đựng trầm hương đốt thay nhang. Trầm hương này được làm từ vỏ bưởi, lá thuộc bài (tên sinh học là gì thì tui đã quên) và một số loại lá khác, phơi khô, xây nhuyễn, khi thành phẩm là bột màu vàng như nhang nhưng chưa se lại.

    Đang ngủ ngon lành thì chuông cổng reo, Bác ba trai hôm nay qua cúng đèn vì là mười bốn âm lịch. Bốn mươi chín chiếc ly đèn màu vàng nhỏ, cầm nhẹ tay, được tui với Bác ba vô tim đèn hồi chiều hôm qua, sáng nay thì thằng Minh đã đổ dầu ăn vô từng ly để chuẩn bị cúng.. Tui thức giấc lúc 12h40, chào Bác ba rồi qua bên bếp kiếm gì làm để mọi người cúng kiến.

    Tui nấu nước, cũng rất lâu rồi mới có dịp ngồi bên bếp củi có ống khói để nấu nướng. Mỗi ngày ở đây nấu nước, để uống, cúng và chở về bên Long Xuyên mười lít cũng với mục đích như vậy. Nước được nấu bằng cái nồi nhôm lớn, những khúc củi khô, to được thằng Minh để trong lò rồi bỏ đó ra ngoài trồng cây, đào đất.. Tui ngồi đó, thi thoảng để vài cành cây nhỏ vào cháy cho vui mắt, hơi nóng tỏa ra ấm ấm, tiếng lửa cháy nghe cũng êm tai. Một hồi lâu thì nước cũng sôi, tui kêu thằng Minh vô đổ nước ra bình để nấu tiếp. Da tay tui mỏng, nên không thể chịu nóng giỏi như nó được. Canh giờ ở nồi thứ hai tui mới biết là mất đến năm mươi phút mới nấu xong, cũng may là tui thấy thích chuyện này, say sưa để củi vào lò, chỉnh sửa, có khi cái lò chỉ toàn một màu cam đỏ rừng rực nhưng không có lửa, tui lấy giấy báo để mồi, loại giấy này cũng lạ, tan biến đi trong than nhưng không có lửa, đến khi gần như không còn gì thì bùng cháy. Trong lúc nấu nước thì tui cũng uống ly sữa đậu nành từ nhà hàng xóm cho và ăn chén chè gồm năm loại đậu với bột khoai, trong đó bột khoai là thứ tui thích nhất trong chén chè lúc còn nhỏ, bây giờ cũng vậy.

    Nấu xong hai nồi nước, bắt trên bếp một nồi. Tui ra ngoài để kiếm chuyện làm, khi nấu nước cũng đã chán, ăn uống cũng đã no. Thằng Minh đang cậm cụi trồng cây hoa gì đó màu tím nhỏ li ti, lá từa tựa lá cây Dương xỉ. Thao tác nhanh, gọn, nhẹ nhàng nên tui kêu thằng Minh để tui làm. Hỏi ra mới biết đây là cây hoa Cẩm tú, rễ mọc trên nhánh nên lúc trồng để từng nhánh nằm sát đất cho rễ bám.

    Sau khi trồng xong hoa Cẩm tú thì đến màn đào đất. Thấy thằng Minh xúc từng thớt đất như cắt bánh kem tui cũng muốn thử, giờ nhớ lại là mình chưa từng đào đất bằng len như vậy bao giờ. Đào được chút xíu mồ hôi chảy lộp độp, tim đập nhanh, rất mệt, dép thì dính sình. Tui nghỉ, ngồi ở bậc thềm mé sông rửa chân, nước mát lạnh, đi đi lại lại một hồi cũng hết mệt. Tui lấy bình bông sen để tưới cây, trong đó có những cây Cải trời hồi hôm qua tui trồng được một hàng cũng dài. Xong xuôi, tui ngồi nói chuyện với thằng Minh trong khi nó vẫn đào đất từ đầu đến giờ, quả là sức mạnh phi thường.

    Minh kể quá trình lao động từ nhỏ đến giờ cho tui nghe, mới lớp sáu đã nghỉ học để đi giữ em, một tháng trời được một trăm ngàn, đó là tiền lương đầu tiên. Khi nhắc về cái nghề này nó lớn giọng, mắt sáng hở với vẻ tự hào: "Đây là tiền em kiếm được đầu tiên, hồi đó em thấy lớn hết sức lớn luôn". Sau đó là đi cắt lúa, rồi làm bánh tráng, rồi làm cho Bác ba bây giờ cũng được sáu, bảy năm rồi. Tui hỏi Minh về quá trình làm bánh tráng, Minh kể: Thức dậy lúc 12h đêm làm liên tục đến 5h chiều, 7 giờ tối đi ngủ. Để có được miếng bánh tráng trước tiên là làm bột, tráng bánh, phơi bánh. Điều đặc biệt là những chiếc bánh phơi khi không có nắng thì ăn không ngon, nên khi vô bọc để đem bán thì cứ chín cái bánh đủ nắng sẽ chêm vào một cái như vậy, nhiều lúc khách đặt vài muôn bánh là làm không xuể tay (một muôn là mười ngàn). Bây giờ thì Minh đã hai mươi ba tuổi.

    Tui kể với thằng Minh về game Harvest moon trên máy PS 2, game này mô phỏng người làm vườn. Ban đầu người chơi được cho một trang trại hoang sơ đầy cỏ, củi, đá. Người chơi phải thu dọn cho sạch sẽ rồi cuốc đất, mua hạt giống về gieo và mỗi ngày phải tưới nước cho cây lớn lên, ra hoa, kết trái rồi đem bán. Có tiền lại trồng trọt nhiều hơn, đồng thời mua thêm gà, bò, cừu để có thêm thu nhập từ trứng, sữa, lông. Mỗi sáng phải cho gà, bò, cừu ăn, chải lông cho bò, cừu. Nuôi thú cưng: Chó, ngựa. Dần dà về sau kết bạn với hàng xóm, tham gia lễ hội, cua gái, cưới vợ, xây nhà. Game giống hệt như ngoài thực tế và người chơi mất rất nhiều thời gian mới hoàn thành nhưng thực tế thì cuốc đất, tưới cây quá nặng nhọc so với tui.

    Nói chuyện đến trời sập tối, 17h30 tui và hai Bác về lại Long Xuyên, Minh ở lại một mình trong căn nhà khang trang, lo trồng trọt và chăm nom cái Thất. Trên phà, gió thổi lồng lộng, phà vẫn chạy xuyên suốt không kể giờ giấc.
     
    Khôi, Tố VănTinh Tổng thích bài này.
    Last edited by a moderator: 28 Tháng hai 2020
  2. Đăng ký Binance
  3. SCRVN

    Bài viết:
    8
    Tập 2

    Bấm để xem
    Đóng lại
    21.10.2013

    Tui đến cửa hàng của Bác ba với USB chứa danh sách khách hàng mà Bác ba tin tưởng giao cho tui đánh máy. Thông thường, những bảng báo giá hoặc những thứ không cần tính bảo mật cao thì tui in ở tiệm in gần nhà, nơi đó tui và anh chủ tiệm hay nói tiếng cảm ơn với nhau, mặc dù tui chỉ in vài tờ.

    Phòng để máy tính ở tầng trên cùng, tui vừa ngồi in bài vừa nói chuyện với Bác ba, các đoạn chuyện không liên quan gì đến công việc, in xong Bác ba coi sơ qua về cách trình bày theo đề nghị của tui, vì lỗi chính tả, số điện thoại được tui dò đến hai, ba lần rồi. Thậm chí, tui còn lưu trữ dữ liệu ở mail và các trang lưu trữ trên mạng để dễ lấy ra khi USB bị hư.

    Mọi chuyện đã ổn, tui cùng Bác ba qua Mỹ Hòa Hưng. Đến nơi, tui bất ngờ vì nước ngập sâu cả gang tay ở đoạn đường từ cổng vô nhà, tui lấy miếng ván ở gần đó để lót đi dễ hơn, với tay lụm khúc củi chêm cho chắc ăn.

    Bước lên ba bậc thềm nhà tui mới nghĩ rằng trước đây, ở đây nước ngập còn nhiều hơn bây giờ. Ăn nhanh gói bắp hầm mà mẹ tui mua cho hồi sáng chưa ăn kịp, sợ trễ giờ ra Bác ba nên tui đem theo xe để khi thuận tiện thì ăn, ở trên phà thì nói chuyện với Bác ba suốt nên cũng không ăn được.

    Bữa nay là đám giỗ nhà Bác ba nên thằng Minh không dọn cơm ăn ở bếp như thường lệ mà lo dọn đồ cúng bên Thất, đám giỗ cũng gọn, ít người, chỉ có Bác ba, tui và thằng Minh. Đồ ăn thì đã được Bác ba kêu người làm chuẩn bị hồi hôm qua, làm ở nhà, đến tương xây cũng làm ở nhà (mua tương hột ngoài chợ về nghiền nhuyễn ra, nêm nếm rồi bắt lên bếp kho lại là thành tương xây). Tui với Bác ba chở qua đây để làm đám. Các món ăn ở đây tui cũng có đóng góp một phần nhỏ, đó là nấu canh, nguyên liệu bắp cải, củ cải đỏ, bí rợ được rửa sạch, xắt sẵn, bỏ bọc từ Long Xuyên đem qua (nấu nước bỏ củ cải, bí rợ vào trước vì hai thứ này lâu chín, khi nước sôi thì bỏ bắp cải vào, trong lúc nấu thì nêm muối, đường cho vừa ăn. Nhấc bếp xuống, bỏ thêm một muỗng canh bột ngọt, chia đều ra ba tô canh vì cúng ba mâm, rắc ít tiêu cho thơm là xong), thằng Minh thì nấu cơm, Bác ba thì nhờ người khác làm đồ ăn, ai cũng có công.

    Dịp đám giỗ này tui cũng học hỏi được cách thức làm mâm cúng như câu bông hoa trà quả để nói những thứ thiết yếu cần có; cúng ông bà thì bốn ly, cúng đất đai thì mười lăm ly trong đó nước, trà, rượu mỗi thứ năm ly, cúng ông Thiên, ông Táo thì ba ly; đũa thì để bên phải..

    Bác ba nói với tui và cười: "Đám giỗ làm đơn giản giống chơi nhà chòi không con? Tuy đơn giản nhưng cũng đủ các món canh cải, tàu hủ kho nấm rơm, bò bía chấm tương xây, chả giò chiên, đu đủ xào. Tui ăn bò bía, chả giò với một chén canh rồi dừng, bụng cũng vừa đủ no (hồi nhỏ thỉnh thoảng tui với bạn bè ra hồ Nguyễn Du buổi chiều ăn bò bía, uống nước mía, thảnh thơi ngồi trò chuyện, cắn khúc bò bía mằn mặn quyện cùng củ sắn, tôm khô, rau thơm, bùi bùi của hạt đậu phộng rang, cảm nhận vị cay có trong chén tương ớt, rồi kéo một hơi mát lạnh từ ly nước mía. Ngồi dựa lưng vào ghế dây, thoải mái ngắm nhìn lác đác vài chiếc xe chạy chầm chậm trên đường).

    Xong bữa ăn trưa tại Thất, tui với thằng Minh bưng bế, thu dọn cái gọi là chơi trò chơi nhà chòi về bên nhà để rửa chén. Tui rửa chén, bọt nước trắng xóa, những cái chén trắng sạch dưới dòng nước làm tui thích thú, với cảm giác man mát ở tay, trong lòng thấy vui vui vì mình đang làm việc chứ không chỉ ăn và ngủ. Bất thình lình, thằng Minh nói lớn làm tui giật mình:" em thưởng cho anh nè ", tui ngớ người khi thấy vài cái dĩa thằng Minh mang đến cho tui, tui trả lời gọn lỏm: Ờ. Vì cũng chả buồn phiền hay vui sướng gì vì điều đó.

    Tui rửa sạch miếng cước sau khi rửa chén, dĩa, muỗng, đũa.. rồi úp lên cái rổ nhựa bên dưới có cái thau inox để nước không chảy lênh láng ra nhà. Tui đi ngủ, thức giấc khi trời mưa, Bác ba vừa đốt trầm hương, đốt đèn trên bàn Phật vừa nói chuyện với tui khi mưa rào rào ngoài trời. Bữa nay chủ đề đa số nói về cách thức làm ăn, trong đó tui ấn tượng về câu chuyện bên Singapore và cách tiệm vàng kiếm lời.

    Do dân mình không thích hàng Trung Quốc nên Singapore nhập của Trung Quốc rồi vô bọc, đóng hộp bán qua Việt Nam, tức là người Việt Nam bị mua giá cao bởi qua trung gian. Bác ba nói" Bác đã qua Singapore và nhìn là biết hàng của Trung Quốc làm liền, thực chất Singapore không làm một thứ gì cả ". Bác ba kể thêm, ở tỉnh nào đó (tui quên) ngoài miền trung cũng thấy được điều này và làm như Singapore, tức là mua hàng Trung Quốc rồi làm nhãn hàng Việt Nam, Bác ba từng có mua bán với công ty này vì Bác ba cho rằng thà ủng hộ người Việt Nam thì hơn.

    Đến đoạn tui thắc mắc về các tiệm vàng sao mà giàu có quá, trong khi mua bán một chỉ vàng chỉ lời khoảng vài chục ngàn đồng. Bác ba mới giải thích, tiệm vàng kiếm lời từ nữ trang: Khi khách đặt mua vàng bảy tuổi thì họ chỉ bán ba tuổi thôi (bảy tuổi tức tỉ lệ vàng bảy, bạc ba, đại khái là vậy) như vậy sẽ có hai trường hợp xảy ra là khách mua một thời gian (thường rất lâu) thì bán lại vậy là khách đã gián tiếp cho tiệm vàng mượn tiền không lãi suất, nếu khách mua mà không bán lại tức là đã mua với giá cắt cổ rồi. Bằng chứng, mình mua vàng ở tiệm A, bán ở tiệm B thì họ không mua với nhiều lí do khác nhau tuy vậy họ tuyệt nhiên không nói vàng đó thiếu tuổi, vì bản thân họ cũng làm giống tiệm A, luật bất thành văn của các tiệm vàng là không ai tiết lộ điều này. Còn vài lí do khác để tiệm vàng kiếm sống được nhưng tui cũng không dám kể ra, chỉ nghe cho biết mà thôi. Cuối cùng Bác ba nói:" tiệm vàng họ cũng giàu sẵn rồi mới mở tiệm vàng ".

    Lúc Bác ba lật cuốn sách mà khi tui hỏi thì Bác nói là sách của Đài Loan, tui mới biết cách đọc sách tiếng Tàu là từ trái qua phải, từ trên xuống dưới, trang cuối cùng của sách Việt Nam là trang đầu tiên của sách Tàu. Tui phát hiện ra một điều buồn cười mà nói ra Bác ba cũng cười, người Việt đọc sách thì lắc đầu, người Tàu đọc sách thì gật đầu. Bác ba cũng nói tiếng tàu hay thế nọ, thế kia mà tui không nhớ hết được, chỉ nhớ kỹ khi Bác nói chữ niệm trong niệm Phật là được ghép từ hai chữ kim – tâm, kim là hiện tại, nên niệm Phật tức là dùng tâm hiện tại để nghĩ Phật. Tui cũng rất thích câu mà Bác ba hay nói:" vạn pháp duy tâm "pháp trong chữ phương pháp, hiểu nôm nay là mọi thứ điều do tâm mà ra, buồn vui do tâm quyết định, thiện ác do tâm làm chủ.

    Mưa hơi nhỏ hạt thằng Minh đã ra đào đất ở vách nhà gần bên Thất, rồi khi mưa lớn tui vẫn không thấy nó đi vô nên tui nhắc khéo cho Bác ba kêu nó vô nhà sợ nó bệnh, chứ tui đâu phải chủ của thằng Minh mà dám kêu nó vô.

    Hết mưa, tui ra sân lấy bao xác cà phê đem từ Long Xuyên qua để bón cây cho Bác ba, sẵn tiện cầm theo cây kéo tỉa cỏ đậu phộng cho nó đừng bám cây kiểng, Bác ba gọi chuyện này là" bóp cổ người ta không cho người ta thở"

    Cắt cỏ đậu phộng xong thì tui cắt mớ rau cải trời để Bác ba về ăn chiều, Bác ba cũng gởi cho mẹ tui một bọc và mấy ngày sau mẹ tui làm canh rau cải trời với cá lóc đồng ngọt ngây.
     
    KhôiTinh Tổng thích bài này.
    Last edited by a moderator: 20 Tháng một 2019
  4. SCRVN

    Bài viết:
    8
    Tập 3

    Bấm để xem
    Đóng lại
    22.10.2013

    Trời nắng chang chang, làn gió nhẹ không đủ thổi bay những tia nắng gay gắt đang đổ như trút xuống dòng sông đục ngầu, trên phà người xe chen nhau lúc hơn mười một giờ, làm cho không gian trở nên ngột ngạt hơn, ai cũng mong nhanh về nhà. Ai cũng muốn mình là người lên phà, xuống phà đầu tiên, vội vả quay đầu xe ra mỏ phà, phà chưa cập bến đã inh ỏi tiếng máy xe gầm gú như muốn trốn chạy khỏi cảnh "lụy đò" này.

    Tui nói với Bác ba: "Phải chi có mái che trên phà thì tốt quá", Bác ba: "Có mái che thì xe tải lên không được, mà không ai lo cho mình như mẹ mình đâu", tui với Bác ba đi lại băng ghế sắt có mái vòm nhỏ như trạm chờ xe buýt để nói chuyện cho qua thời gian phà chạy.

    Bác ba nói: "Chuyện lặt vặt trong nhà đều cho lính làm hết chứ không mướn người ngoài, như đóng bàn ghế, sơn phết, dọn dẹp, sửa sang nhà cửa.. dù không đẹp bằng thợ nhưng nhờ vậy mà lính có thêm tiền thưởng, thay vì tiền đó mướn người ngoài. Vậy là đồ đạc nhìn không đẹp một chút mà lính mình có thêm chút đỉnh. Như vụ đám giỗ hồi hôm qua, thay vì mua ở ngoài chắc người ta lời chừng năm chục ngàn, Bác ba cho con M tiền để nó làm ở nhà".

    Nói chuyện được vài câu thì phà cũng cập bến, chạy xe chưa đến mười phút thì đã đến nơi, bấm chuông cho thằng Minh ra mở cửa. Bữa nay chúng tui ăn cơm với canh rau muống, sườn non, chén chao để chấm rau. Rau muống ở đây trồng hai tuần là thu hoạch, như thằng Minh nói nếu trồng bán thì hai mươi ngày cho rau lớn hơn nữa, cân kí có giá hơn. Thằng Minh cũng muốn xịt thuốc cho rau muống nhưng Bác ba không cho: "Đã sợ thuốc mới trồng chứ nếu không thì mua ngoài chợ rẻ hơn".

    Luộc canh rau muống cũng có bí quyết của nó: Luộc với muối và dầu ăn thì cọng rau muống mới xanh và bóng mượt nhìn hấp dẫn lắm. Rau muống chứa chất sắt nên ăn rất bổ máu, mà muốn cơ thể hấp thụ nhanh thì vắt thêm chanh vô canh vì có chất vitamin C, vừa ngon vừa tốt. Mấy chuyện này Bác ba nói nhưng tui cũng đã biết rồi, có thể là từ mẹ hoặc từ truyền thông, Bác ba dẫn chứng thêm là bộ đội hồi xưa, sống chiến đấu được cũng là nhờ rau muống.

    Tui cũng rửa chén như mọi khi nhưng là ở sàn nước khác chứ không phải ở bếp, sàn nước này có bồn chứa nước mưa, rộng chừng ba mét vuông đặt ở giữa nhà, tức là khi vào nhà thì có ngay cái bàn để uống trà, thường thì bàn này tui để đồ lên ngay lúc vô nhà vì xách từ ngoài sân vô cũng một đoạn hơi xa, bên trái là nhà vệ sinh lúc nào cũng đóng kín, ở ngoài có đôi dép cho sạch chân, sạch phòng. Sau cái bàn là hai cái giường, đối diện giường đặt cái sàn nước này. Đi thẳng thì ra bếp. Nhà còn nhiều chỗ khác nữa mà tui kể chưa hết.

    Nước mưa mát lạnh, khác nhiều so với nước máy. Trên máy tôn thiết kế rất hay, có thể mở ra cho sáng nhà và đóng lại khi trời mưa, chức năng như giếng trời ở các nhà cao tầng. Rửa chén ở đây vừa thoáng rộng, mát tay mà tiết kiệm, bữa nay tui rửa chén ở đây theo lời Bác ba vì mấy ngày này trời mưa, bồn sắp đầy rồi.

    Khoảng thời gian còn lại cũng như mọi ngày, không có gì mới: Ngủ, nấu nước, bón xác trà, cà phê cho cây, cắt đám cỏ đậu phộng vây quanh kiểng, cắt vài cành hoa đem về Long Xuyên cho Bác ba, Bác ba nói: "Cho tiên đồng ngọc nữ cắm hoa, giờ Bác ba bỏ nghề cắm hoa rồi" (tiên đồng ngọc nữ là người làm ở nhà), nhổ cỏ cho mấy luống rau sau nhà, tưới cây. Tui mang túi xách cho Bác ba ra cổng khi nắng tắt, chiều buông. (trong túi có kính, sách, chuỗi, máy đo huyết áp, thuốc).
     
    KhôiTinh Tổng thích bài này.
    Last edited by a moderator: 20 Tháng một 2019
  5. SCRVN

    Bài viết:
    8
    Tập 4

    Bấm để xem
    Đóng lại
    23.10.2013

    Tui vừa bước ra ngoài chuẩn bị dẫn xe, chất đồ (thường là đồ ăn và chai đựng nước để chiều đem về Long Xuyên) để qua Mỹ Hòa Hưng thì có một ông khách lại tiệm. Ông này nói là có anh thợ giới thiệu lại mua đồ với số lượng lớn để dành bán lại cho bà con ở địa phương. Có Bác ba trai ở đó tiếp ông này và giải thích là sẽ lựa những món đồ bán chạy hàng để ông này về bán, Bác ba gái tiếp lời: "Chỉ cần anh nói anh ở đâu tụi tui sẽ biết ở chỗ đó cái gì bán đắt để anh lấy bán". Sau đó Bác ba lên xe cùng tui qua Mỹ Hòa Hưng, Bác ba trai thì ghi lại tên và địa chỉ của ông khách.

    Trên xe, Bác ba nói: "Trường hợp này là thợ giúp mình, giới thiệu khách cho mình, nên những người thợ này đều có mã số để sau này tặng quà, những khách hàng mua nhiều, đạt doanh số thì cũng có quà". Khi tui hỏi quà là tiền hay hiện vật thì Bác ba giải thích rằng: "Hiện vật chứ tiền người ta chê ít đó con". Đoạn đến bến phà nên tui tập trung chạy xe nên không hỏi Bác ba nữa.

    Bữa nay tui ăn được hai chén cơm, một chén canh (canh chỉ nêm với muối, từ lúc tui đem qua mấy bịt muối tiêu để dành ăn thì thằng Minh lấy để thay muối hoặc tiêu khi cần. Để làm được muối tiêu ngon thì phải rang muối cục và tiêu cho thơm, tốt nhất là nên rang riêng ra, rồi nghiền muối và tiêu cũng riêng sẽ dễ hơn, không bị văng, trộn muối, tiêu, bột ngọt là xong).

    Ngủ thức dậy, tui với Bác ba nói chuyện về việc làm, Bác ba cho rằng: "Nếu con học sư phạm Toán thì giờ đã không thất nghiệp", tui vui vẻ: "Dạ đúng rồi, nếu con học sư phạm Toán thì không chứ sư phạm khác thì cũng thất nghiệp thôi", tui nói tiếp: "Mỗi năm trường đào tạo khoảng năm mươi giáo viên các môn, trong khi mỗi năm số lượng trường lớp tăng lên không nhiều, giáo viên về hưu ít hơn sinh viên vừa tốt nghiệp". Đến lượt Bác ba nói về khó khăn của sinh viên trường Y "phải quen biết hoặc lo tiền để vào làm thí công trong bệnh viện vì để lâu ngày quên nghề, ngành Y thì nhẹ nhàng nhất là mắt, răng hàm mặt nên nhiều người học, trong khi đó khoa ung bướu, tâm thần thì rất ít".

    Tui xuống bếp múc chén chè đậu xanh nấu với đường phèn để ăn, nồi chè vẫn còn âm ấm trên bếp than hồng. Chè được nấu lúc chuẩn bị bữa trưa xong thì bắt lên bếp, ngủ thức dậy là có ăn. Chè đậu xanh ăn ngọt, mát người, có thể ăn nóng, lạnh tùy thích. Đường phèn để trong hủ lâu ngày bị kiến bu, phải trải ra mâm đem phơi nắng để đuổi kiến nên Bác ba muốn giải quyết hết cái gia vị ngọt mà không bán mùi chè này (không làm mất mùi chè), lá dứa cắt sát góc chừng năm, bảy lá, rửa sạch rồi dùng nó buộc nó như lời Bác ba nói rồi để vào nồi chè khi chè sôi để không mất mùi lá dứa.

    Tóm lại, để nấu chè đậu xanh đường phèn lá dứa thì làm theo các bước sau: Rửa sạch đậu xanh bằng nước muối, cho vào nồi nước để nấu, đậu mềm thì bỏ đường phèn vào, nêm nếm để thêm đường nếu lạc hoặc thêm nước nếu quá ngọt, chè chín thì để lá dứa vào nồi là xong.

    Ăn xong chén chè, uống ly nước, tui ra sau nhà nhổ rau muống cho Bác ba đem về Long Xuyên để mấy người kia ăn, trời chiều cũng mát mà tui ngồi ngay lỏm nắng còn sót lại, thằng Minh nhắc: "Sao không lại chỗ mát, ngồi ngoài nắng chi?". Đúng là trước khi làm việc gì nên quan sát tổng thể thì sẽ dễ làm hơn, nhổ rau muống được một chút, tui gặp con cào cào, lâu lắm rồi mới gặp cào cào ở ngoài đời thật, chắc từ tiểu học đến giờ. Nhìn thấy con cào cào làm tui nhớ có bài hát cào cào lá tre nghe cũng hay lắm, không chỉ có cào cào còn có tiếng chim hót, tiếng gà gáy văng vẳng nữa, hình ảnh đồng quê chưa bao giờ hiện diện rõ như lúc này.

    Đang thư thả nhổ rau muống, nghe tiếng gà gáy, trời mát.. bất ngờ thằng Minh ngồi kế bên: "Để em nhổ tiếp cho nhanh", nhìn nó nhổ vài cọng tui khen: "Đúng là chuyên gia có khác nha" nó nhổ một tay rồi ngoạm cọng rau muống đó vô lòng bàn tay, làm liên tục như vậy, không như tui nhổ từng cọng rồi chuyền qua tay bên trái từng cọng. Rau muống đã chất đầy thau, có chút nước để rau vẫn giữ được độ tươi. Tui xách bình bông sen xuống mé sông lấy nước để tưới cây, khi cầm đi thì một tay nhưng khi tưới phải dùng hai tay cho nhẹ và đi nhanh như chạy để dòng nước chảy liên tục từ cây này qua cây khác không bị gián đoạn.

    Tưới cây rồi thì tui đi bón xác cà phê cho cây như mấy bữa trước, cắt vài chục lá sò huyết cho Bác ba nấu với đường phèn uống mát người (lá sò huyết tương tự như lá dứa nhưng mặt ngoài có màu tím, mặt trong màu xanh lá, cầm nặng và dầy hơn so với lá dứa). Chở mười lăm lít nước đựng trong ba bình để dầu ăn đã xài hết về Long Xuyên, Bác ba nói "nấu nước bằng củi tiết kiệm".
     
    Last edited by a moderator: 20 Tháng một 2019
  6. SCRVN

    Bài viết:
    8
    Tập 5

    Bấm để xem
    Đóng lại
    24.10.2013

    Bánh mì nóng giòn, mềm xốp, được Bác ba mới mua ở lò bánh, dù mua ít hay nhiều cũng chỉ một ngàn rưởi, so với mua ở bánh mì Thanh Lan là hai ngàn. Tui lấy ra ăn ngay khi chưa ngồi xuống ghế, với tay lấy chai nước tương để trên kệ gạch men màu trắng, xịt vô ổ bánh mì, ăn đến đâu xịt đến đó, vừa ăn vừa đi ra sau sân ngắt trái ớt hiểm còn xanh trên cây để ăn kèm cho thêm vị.

    Ăn xong ổ bánh mì, thì cơm cũng dọn ra rồi. Thực đơn hôm nay cũng đơn sơ như mọi ngày: Trứng chiên, rau muống luột, sườn non. Trứng chiên là phần ăn cho năm con chó đóm, ba con đóm trắng đen, một con đen, một con trắng. Trước khi cho chó ăn thì món này cũng bày trên bàn, ăn không hết thì mới đến mấy con chó, cũng như bánh mì, Bác ba cũng mua sáu ổ, ăn không hết thì chó cũng ăn, dường như những con chó ở đây có thể ăn được mọi thứ, những ngày đầu mới qua đây, dép của tui để trong nhà có cửa cao chừng nửa mét chặn ngang để chó không vô nhà, nếu dép tui ở ngoài thì bị chó cắn hư, bây giờ thì tui nghĩ là chúng nó đói chứ không phải là cắn dép cho vui. Mỗi ngày chó ăn hai lần, trưa và chiều, mỗi lần một dĩa cơm thì quá ít so với dáng dấp cao ráo của tụi nó.

    Ăn cơm rồi, rửa chén xong, tui đi ngủ. Bữa nay tui ngủ dậy không nổi, mới biết mình đã bị say nắng nên ngủ tới gần chiều mới gượng dậy được. Công việc đầu tiên sau khi ngủ của tui là cắt bông để Bác ba cúng, khi thì cúng tại Thất, khi thì đem về Long Xuyên. Vẫn câu nói cũ: "Con cắt bông gì thì Bác ba cúng bông đó", bông ở đây trồng cũng nhiều nhưng không đủ để cắt. Xách hộp sơn đã xài rồi, bây giờ tận dụng như cái xô để đựng hoa, bên trong có chút nước để hoa vừa cắt xong là để vô liền sẽ giữ được độ tươi. Hoa trồng sát hàng rào b bốn mươi xung quanh Thất, hai bên đường từ cổng rào vô nhà. Trong thùng đựng hoa của tui bữa nay có: Hồng môn, bạch môn, hoa hạnh phúc (hoa này có màu đỏ đậm, xếp thành tầng như ngọn tháp hình trụ dài, cành hoa dài chừng một mét rưởi, khi cắt phải cắt sát gốc vì hoa chỉ nở một lần cho mỗi gốc), trắc bá dịp (lá thuộc bài), hoa chuối (không phải từ cây chuối, có cánh màu vàng tươi, dài nhưng mau tàn, Bác ba dặn tui nên cắt khi nó chưa nở tức còn búp tựa như búp sen), bông trang.

    Sau khi đi ngoài nắng cắt hoa, bị kiến lửa cắn khi cắt hoa hạnh phúc, hình như kiến ăn loài hoa này. Tui vô ăn chén chè, có nhiều loại đậu: Đậu xanh, đậu đỏ, đậu nành, đậu đen. Bác ba nói ăn kiểu này bổ lắm, với mát người nữa, mà ăn kiểu này bổ hay không thì tui chưa biết, chỉ thấy là ăn không ngon, lạt, không có mùi vị.

    Ăn xong, tui ra sân sau chỗ hồi trưa ngắt ớt ăn với bánh mì để nhổ cỏ, nếu không thì nhìn mấy cây rau không đẹp (ở đây chỉ trồng vài cây chưa nhiều để nói là luống), vả lại thằng Minh nói: "Nếu không nhổ khi cỏ còn nhỏ thì nó cao như mấy cây cỏ dại ngoài kia, Minh vừa nói vừa chỉ tay ra ngoài xa, nơi cỏ cao um tùm. Cỏ mọc nhiều và nhanh kinh khủng, nhiều hơn cả rau, cách vài ngày là tui lại ra đây nhổ cỏ mà cỏ vẫn không hết. Bây giờ tui mới thấm thía câu:" trời sinh voi sinh cỏ "tức là cỏ nhiều đến mức đủ để cho voi ăn, khi tui gõ bài viết này cũng đã hơn không giờ, sực nhớ lại bài hát:" Không giờ rồi"cũng có nhắc đến câu tục ngữ này, nội dung bài hát hay, thỉnh thoảng tui cũng hay nghe vừa đồng cảm vừa say mê thưởng thức cái tình người mà hai ca sĩ gửi gấm đến người nghe.

    Trong lúc tui nhổ cỏ thì Bác ba với thằng Minh nhổ rau muống đồng ở ngoài xa nhà, rau muống đồng màu tím, cọng lớn, cứng cáp hơn so với rau muống trồng. Bác ba chỉ tui cách làm rau muống đồng cho ngon: Nấu rau sơ, nấu dấm với đường, thêm tỏi đập dập, ớt cắt miếng lớn, tất cả để vô keo hoặc hủ để dành ăn trong nhiều ngày. Trong dĩa cơm tấm hột vịt kho, thịt nướng thường có vài cọng rau muống như vậy.
     
    Last edited by a moderator: 20 Tháng một 2019
  7. SCRVN

    Bài viết:
    8
    Tập 6

    Bấm để xem
    Đóng lại
    25.10.2013

    In lời chúc mừng năm mới 2014 ở tháng 10.2013 để chuẩn bị quà tặng khách hàng thân thiết cho tết nguyên đán năm nay, tui đã chuẩn bị sẵn cho Bác ba nhiều màu sắc, kiểu chữ khác nhau để lựa chọn. Cuối cùng, Bác ba vẫn quyết định như năm rồi (chữ đen, nền hồng), chứ không chọn một trong nhiều mẫu tui đã in sẵn. Bác ba kêu tui in hai tờ a4 với các miếng chúc mừng năm mới (có ghi tên cửa hàng) san sát nhau để sau này cắt ra dán lên các phần quà tặng khách hàng. Trước khi photo, Bác ba dặn một anh trong tiệm là cắt từng miếng nhỏ ra dán đầy lên mặt giấy của tờ còn lại (chỗ khoảng trống để canh lề), như vậy khi in sẽ in thêm được vài tờ nữa.

    Bữa nay qua bên Mỹ Hòa Hưng tui học được một việc làm quan trọng mặc dù tui đã gặp và tiếp xúc với việc này nhiều lần nhưng vẫn không biết làm. Đó là cuốn bánh tráng, ở nhà hay đi ăn với bạn bè thì tui đều được người khác cuốn dùm, có thể vì thích tui cũng có thể vì phép lịch sự tối thiểu. Nên gần ba mươi tuổi tui mới biết cuốn bánh tráng, thật ra chịu quan sát và tập thì dễ chứ không khó. Đầu tiên, nhúng bánh tráng vô nước xung quanh rìa bánh cho mềm để bánh tráng không bị bung ra và dễ cuốn, đặt bánh lên cái dĩa bằng phẳng (thằng Minh thì để trên lòng bàn tay), xếp miếng bánh tráng từ phía gần người mình nhất vô trong tâm miếng bánh (chừng nửa lóng tay), để rau, thức ăn vô sát phía trong chỗ vừa xếp, xếp hai bên trái, phải của bánh vô trong, lúc này miếng bánh tráng từ hình tròn đã biến thành hình vuông mà thiếu cạnh phía trên, vậy là vừa giữ miếng bánh vừa cuốn lên là được một cuốn, dùng tay túm gọn hai đầu bánh lại, chấm nước chấm, ăn.

    Rửa chén ở sàn nước rộng rãi, chỗ này có thể vừa cho một người nằm ngủ. Thằng Minh sống một mình trong căn nhà này thì đúng là lãng phí. Đối diện sàn nước này có đến hai cái giường, bên hông có một cái tủ đựng quần áo, trước tủ có ghi miếng giấy viết những thứ có trong tủ. Gần đó là phòng riêng của thằng Minh: Giường, bàn, nhà vệ sinh riêng, trước phòng nó cũng có một cái đi văng nhỏ. Phía trước phòng khách cũng là nơi để tủ thờ, tủ có khảm xà cừ, một số tượng Phật và ly, đèn dầu để cúng kiến (đèn dầu được lộng trong khung kính với tác dụng gió thổi không tắt đèn), một cái bàn lớn bằng gỗ, ở trên có đặt miếng kiếng dầy cho dễ lau chùi. Về quê tui thường thấy những chiếc bàn này để nhiều ảnh chụp các thành viên trong gia đình, tui nghĩ chuyện này rất hay vì những hình ảnh đẹp đó được đặt ở vị trí gần gũi nhất, dễ thấy nhất, nên dù vài tấm hình thôi cũng đủ làm cho không khí gia đình đầm ấm hơn so với hàng trăm tấm được chọn lọc, sắp xếp cẩn thận trong album rồi cất vô tủ, có khi cả năm trời cũng không lấy ra coi một lần. Phía trên là cái gác lửng gọn gàng (có chiếc giường và một cái tủ hộp rất bự, đựng đồ đạc khi cần mới lấy ra nên không có hai chữ bừa bộn xuất hiện ở đây), khi tui bước lên rất bất ngờ vì ở đây cũng có một nhà vệ sinh, vậy là nhà này có đến ba cái giống vậy, vòi nước thì có ở khắp nơi không nhớ hết, tổng quan rõ ràng đây là một ngôi nhà được xây dựng rất khoa học và tiện nghị.

    Cổng chính đối diện con rạch nhỏ, có lẽ là nước được dẫn ra sông vì lúc nào tui cũng thấy nước chảy, vì vậy con rạch sạch sẽ, man mát với những tán cây lớn nghiêng mình ra phía con rạch như muốn nhảy ào xuống để những cành cây được tắm mình với dòng chảy không ngừng. Cây che mát cho con rạch, thi thoảng rơi rớt vài cành khô, lá úa như những món quà nho nhỏ tặng con rạch thêm nhiều dinh dưỡng, dinh dưỡng ấy lại nuôi sống chính cái cây nầy. Ánh mặt trời soi rọi cây tươi tốt, nước bốc hơi để bắt đầu một sự tuần hoàn mới.

    Khoảng sân trước nhà rộng chừng hai lăm mét vuông có các chậu sứ hai bên đường đi, phần còn lại trồng cải trời, rau thơm, rau răm, hành lá, ớt, rau muống. Một chút khoảng trống đủ để cái bàn, hai ba cái ghế ngồi uống trà mà Bác ba đã nói với tui. Phòng khách cũng là nơi đặt tủ thờ, từ ngoài nhìn vô phía bên trái là cầu thang bằng gỗ màu xám tro, có tay vịn đi lên gác lửng, phía bên trái để chiếc bàn lớn bên cửa sổ rộng (ngoài cửa sổ là trái bếp), đi thẳng ra sau là phòng của thằng Minh, tiếp theo bên trái là bếp ăn, bên phải là cửa vào phía sau, cửa này tui ra vào thường xuyên nên cứ tưởng nó là cửa chính.

    Nửa trưa, thằng Minh đang lui cui cầm cái chét (lưỡi dao có hình tam giác cân, hai cạnh bằng nhau có chiều dài gấp đôi cạnh còn lại, đầu lưỡi chính là cạnh còn lại) trồng cải ngọt, xà lách từ bịch hạt giống, hạt nhỏ li ti. Xới đất cho tơi bằng chét, rải trấu hết líp đất (trấu màu đen nuôi rau rất tốt, xin ở mấy lò nấu rượu), bỏ hạt giống lên, rải rơm thưa thớt rồi tưới nước (rơm có tác dụng giữ nước và giúp rau bám đất sau này).

    Sau này Bác ba mua một trăm cây bông cúc nhỏ để trồng khoảng hai tháng nở đúng dịp tết với giá năm chục ngàn (mỗi cây năm trăm đồng) để thu được năm chục ngàn này người trồng hoa phải trải qua rất nhiều giai đoạn: Ươn từ những hạt giống li ti, cây cao khoảng ngón tay thì bầu lại (đặt trong trấu đen, gói bằng lá chuối hoặc miếng bìa nhựa cứng màu trắng), xếp gọn trong thùng, giao hàng tận nơi. Người mua tiếp tục chăm sóc vài tháng để nó lớn lên, nở hoa chưng trong nhà hoặc đem bán. Những người làm nghề này sống được là do bán hàng ngàn cây như vậy mới có lời. Có năm tui ra bán hoa vạn thọ tiếp thằng bạn dịp tết nguyên đán, hoa của nó đẹp nhất ở chợ nên giá cũng cao nhất: Chín chục ngàn một cặp, cây cao, xanh tươi, hoa to khác biệt nhiều so với cùng loại.

    Trước khi về tui cũng làm một số công việc quen thuộc: Cắt cỏ đậu phộng, cắt hoa, bón xác cà phê cho cây.
     
    Last edited by a moderator: 20 Tháng một 2019
  8. SCRVN

    Bài viết:
    8
    Tập 7

    Bấm để xem
    Đóng lại
    29.10.2013

    Hôm nay, mẹ, chị, em, anh rể thằng Minh ghé thăm chỗ ở và làm việc của nó, sẵn tiện đem một bao hoa Cẩm tú, cây dừa cho thằng Minh trồng. Bác ba đãi mọi người bằng món bún sả.

    Món bún sả giống bún cá. Làm nước dùng trước, củ cải đỏ, củ cải trắng, bí đao, bắp cải, rửa sạch cắt miếng hơi lớn, khi chín nó rút lại là vừa ăn, đặc biệt không thể thiếu là ngải bún, đậm dập cho tất cả vô nồi nước đang sôi, sả xắt nhuyễn, xào sơ rồi bỏ vô nồi luôn, thêm nấm rơm, tàu hủ.. Vừa hầm vừa nêm nếm, xong thì bỏ ngải bún ra ngoài vì tạo mùi chứ không ăn được. Bún để sẵn trong tô, khi ăn thì trụng vài lần với nồi nước dùng đang nóng, để các thành phần vô tô, nước dùng, vài cọng rau răm trên cùng, đi kèm với chén muối ớt, cái muỗng để miếng chanh cắt làm tư, đôi đũa cũng nằm gọn trong chén nhỏ. Thưởng thức tô bún sả nóng hôi hổi ngay giữa trưa, húp muỗng nước súp thơm mùi sả, ngon ngót từ rau củ, nhai trọn vẹn miếng nấm rơm, tàu hủ.. giải nhiệt bằng ly đá hạnh mới hái trên cây xuống tức thì, khuấy đều với đường, vài hạt muối cục là xong một bữa ăn ngon lành và cân bằng.

    Mẹ thằng Minh làm một bọc lớn khoai lang chiên để tặng Bác ba và để cho thằng Minh ăn dần. Khoai lang tím cắt miếng mỏng, có chiều dài, chiên trên chảo dầu nóng, sau đó vớt ra, trộn đều với đường cát trắng là có một món ăn giòn giòn, ngọt ngọt ăn hoài không ngán.

    Chắc cũng lâu rồi mọi người không gặp nhau nên nói chuyện rất rôm rã, ai nấy cũng vui vẻ, một phần cũng do thằng Minh có công việc tốt và chỗ ở ngon lành như vầy.
     
    Last edited by a moderator: 20 Tháng một 2019
  9. SCRVN

    Bài viết:
    8
    Tập 8

    Bấm để xem
    Đóng lại
    30.10.2013

    Như thường lệ, trước khi qua Mỹ Hòa Hưng thì tui ngồi ở tiệm Bác ba chờ hơn một giờ để Bác ba buôn bán, thu xếp công việc. Xung quanh tiệm đầy ấp các phụ tùng đựng trong hộp để trên kệ hoặc đựng trong rổ nằm ở tủ kính. Bàn làm việc có hai điện thoại bàn, một máy Fax, sổ sách ghi giá bán, danh sách khách mua, khách bán.. Bác ba với chị kế toàn ngồi làm việc ở khu vực bàn, dưới hộc bàn có nhiều ngăn nhỏ để tiền theo từng loại, tui cũng có vài lần đếm tiền cho Bác ba và có một chút kinh nghiệm, đếm số tờ rồi ghi ra giấy, sau đó nhân và cộng lại hoặc đếm từ tờ tiền lớn nhất đến nhỏ nhất thì sẽ không bị lộn. Phía sau, các anh người làm thì để hàng vô thùng, vô kiện chở đi gửi cho khách đặt từ xa. Khách đến mua trực tiếp thì có người cầm thước chuyên dụng ra đo độ dày, bán kính phụ tùng, hỏi loại khách cần mua và lấy hàng, giao hàng, xuất hóa đơn, lấy tiền, trả tiền dư (ở đây bán hàng không giảm giá dù là một ngàn, có thể là đã giảm quá nhiều rồi).

    Trên cái tủ kiếng, người đi vô cửa hàng thấy ngay, có để nước đun sôi từ Mỹ Hòa Hưng đem qua mỗi ngày cho khách uống, đặt biệt hai khai đựng ly: Chưa sử dụng, đã sử dụng. Hết ly thì có người ra lấy rửa bằng tro, cho tiệt trùng. Thêm cái rổ nhỏ đựng nhiều cuốn sổ: Làm cách nào để trị bệnh tai biến mạch máu não, một số toa thuốc chữa bệnh gan. Ai cần thì cho người ta.

    Hơn mười một giờ, kim xăng bắt đầu di chuyển về chữ E, hôm nay trước khi qua Mỹ Hòa Hưng thì Bác ba đi gặp một chủ doanh nghiệp bán vật liệu xây dựng lớn và Sư thầy để bàn bạc về việc cứu một người đang bệnh. Tui ngồi ở ghế đá trước kho của doanh nghiệp này để chờ Bác ba suốt hơn ba giờ đồng hồ không ăn, không uống, trước khi đến đây Bác ba chu đáo để sẵn vài trái chuối trong túi xách có dặn tui khi nào đói thì lấy ăn. Đến giờ ăn trưa, chủ doanh nghiệp này đãi Sư thầy và Bác ba bữa bún sả (Bác ba kể tui nghe, Bác ba nghỉ là tui cũng được một tô, khi biết là tui không có, Bác ba cũng không đề nghị vì sợ hết đồ ăn sẽ làm cho người ta lúng túng. Tui trấn an nhưng rất thật lòng với Bác ba: Không sao đâu Bác, chuyện này nhỏ nhặt thôi mà, đối với tui chuyện ăn uống rất nhỏ vì có những chuyện khác đáng quan tâm hơn), đồng thời có một chị ra hỏi tui có ăn trưa chưa? Tui trả lời chưa, chị kêu tui về nhà ăn, chút nữa chị chở Bác ba về dùm tui (chị không biết Bác ba còn phải qua Mỹ Hòa Hưng), tui gọi cho Bác ba thì Bác ba kêu chờ, vậy là tui chờ. Thêm khoảng thời gian dài nữa, một chị khác ra đề nghị với tui như cũ và tui vẫn tiếp tục chờ.

    Đối diện chỗ tui ngồi là phòng sổ sách, tui đếm có bảy người ngồi, ghi ghi chép chép nếu không thì nói chuyện điện thoại liên tục. Phía trong kho có ba chiếc xe tải chở hàng, một chiếc lớn, hai chiếc nhỏ thỉnh thoảng cũng chạy ra vô chứ không ngồi một chỗ như tui. Trước khi ngồi ở đây tui cũng đi lướt sơ qua chỗ trưng bày sản phẩm: Gạch, vòi nước, tui nảy ra một ý nghĩ nếu gạch ốp tường mà có khả năng thay đổi màu sắc, hình ảnh như những tấm quảng cáo điện tử trên sân bóng đá thì chắc bán chạy lắm, vì dù đẹp đến đâu mà không bao giờ thay đổi mà chỉ cũ kỷ hơn thì ít nhiều gì cũng chán.

    Trưa nắng, cặp vợ chồng chở thằng con nhỏ trên chiếc năm mươi màu xanh nước biển vô mua gì đó nhưng do ở khoảng cách xa nên tui không nghe được. Một lúc, thằng nhỏ gào lên đòi mua dừa, tui cũng đã thấy xe dừa tươi dựng bên hông lúc mới ghé doanh nghiệp này, trái dừa nhỏ xíu vừa lòng bàn tay, màu vàng nghệ nhìn lạ mắt đối với tui, chiếc bảy chỗ chở Sư thầy thì đậu ngay cửa. Ba mẹ thằng bé không một lời cằn nhằn, la mắng, dỗ dành, giải thích gì, một mình nó độc thoại mỗi lúc một lớn hơn. Khi xe quay trở ra, chạy về hướng chiếc xe dừa nhưng tui không biết họ có dừng lại mua dừa cho con hay là không vì khuất tầm nhìn, tui cũng không chạy với ra để coi kết quả như thế nào. Vì tui ngồi đó tức là tui hy vọng, tui cũng sợ biết sự thật nếu như sự thật đó không như ý mình mong muốn, không phải là tui không dám đương đầu với kết quả mà tui chỉ trì hoãn kết quả khi nó dễ dàng dự đoán được.

    Trong lúc chờ đợi, tui lấy điện thoại ra chơi game, tui đã đạt điểm cao nhất từ trước đến giờ. Lúc trước, khi còn xài điện thoại Nokia 1280 có trò rắn săn mồi mà tui rất yêu thích, tui chơi rất nhiều lần với khát khao đạt số điểm cao nhất nhưng những điểm cao nhất đạt được lại là lúc tui không tập trung cao nhất. Lần này cũng vậy, chỉ đơn giản là bấm bấm cho khuây khỏa một chút thôi thì lại được.

    Hơn hai giờ trưa, Sư thầy bước ra, chào tui rồi lên xe, tui cũng vui vẻ chào Sư thầy, khoảnh khắc quá nhanh nên niềm vui của tui từ gương mặt cởi mở của Sư thầy chứ không phải vì tui nhận ra là không phải chờ nữa. Tui đề nghị với Bác ba về luôn chứ không qua Mỹ Hòa Hưng vì đi lại cũng mất gần một tiếng nhưng Bác ba vẫn quyết định đi. Ý định của tui là chở Bác ba đến bến phà rồi tui quay về một mình, Bác ba cũng đồng ý như vậy, nhưng khi đến bến phà gọi cho thằng Minh không được nên tui chở Bác ba đến tận nhà, theo đề nghị thì tui nghỉ ngơi ở đây luôn cho tiện.

    Lên bến phà, bên trái có quầy soát vé, bên phải có quán cà phê cặp mé sông, chạy một mạch trên con đường trải nhựa, hai bên có những cây me, cây xoài tán lá rộng làm lòng tui cũng dịu xuống, đỡ mệt, có đoạn hàng rào dăm bụt thẳng tâm tấp rất đẹp, nếu có bông còn đẹp hơn (hồi nhỏ tui cũng có hay bông dăm bụt hút nước ngọt lắm, bông màu đỏ, nhụy màu vàng, cành lá màu lá xanh), chạy thẳng chừng hai trăm mét, qua cây cầu làm bằng xi măng, cầu cao có độ cong, thì quẹo trái liền, tốt nhất là lên đến dốc cầu di chuyển dần về phía bên trái là hợp lí. Đoạn đường này nhiều cây lớn lâu năm nên mát hơn, chạy một chút thì thấy một cây cầu nữa, gần dốc cầu chừng mười mét, nhìn bên phải có cái dốc đi xuống, ngay tại con dốc có cổng nhỏ bằng gỗ sơn màu xanh da trời, quẹo xuống dốc, chạy qua cái cầu ván là tới cổng nhà.

    Dọn cơm ra ăn, Bác ba cũng ăn với tui một chén cho vui, cơm bữa ăn với phô mai chan nước tương. Loay hoay một hồi cũng đến chiều, ra về Bác ba bị đám con nít ở hàng xóm vây quanh như thường ngày vì Bác ba hay cho bánh, kẹo tui nó, có lần tui chở Bác ba lại lò bánh để mua bánh men về cho tụi nhỏ, một kg bánh men chưa tới năm mươi ngàn, mua về chia ra từng bọc nhỏ rồi đem phát. Tết trung thu năm nay Bác ba cũng mua lồng đèn bằng pin mà mua dạng sỉ nên mỗi cái khoảng mười lăm ngàn để cho mấy đứa vui tết trung thu.

    Hết.

    Cảm ơn bạn đã đọc, mọi thắc mắc, kết bạn xin vui lòng liên lạc với mình:

    Anh Phi
     
    Last edited by a moderator: 20 Tháng một 2019
Trả lời qua Facebook
Đang tải...