Bài viết chia sẻ kinh nghiệm của Hannah dành cho cả người thuê trọ lẫn chủ trọ - Em ở trọ có 3 tháng thôi, đăng ký làm gì cho phiền? - Chủ nhà trọ không đòi, công an cũng không hỏi, kệ đi! - Tạm trú là việc của người thuê, liên quan gì tới chủ trọ? Nếu bạn cũng từng nghĩ như vậy - thì xin chia buồn: Bạn đang hiểu sai luật đấy! Là một người với nhiều năm gắn bó với các vụ việc dân sự - hành chính, tôi đã chứng kiến không ít trường hợp "dở khóc dở cười" chỉ vì.. không đăng ký tạm trú khi ở trọ. (Nguồn ảnh: Ketoananpha.vn) Vậy, không đăng ký tạm trú thì bị gì? Câu trả lời: Cả người thuê và chủ trọ đều có thể bị phạt, thậm chí dính rắc rối pháp lý nghiêm trọng. 1. Pháp luật quy định sao? Theo Luật cư trú 2020: - Nếu bạn sống ở nơi khác ngoài hộ khẩu thường trú trên 30 ngày, bạn bắt buộc phải đăng ký tạm trú. - Chủ nhà trọ cũng phải có trách nhiệm khai báo và hỗ trợ người thuê đăng ký tạm trú. Trên thực tế, khi đi thuê trọ thì chủ nhà trọ thường là người chủ động liên hệ để đăng ký tạm trú cho người đi thuê trọ bởi những người chủ trọ thường sẽ quen thuộc với cơ quan công an địa phương đó. Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 27 Luật cư trú 2020 thì việc đăng ký tạm trú do người đi thuê trọ (từ 30 ngày trở lên) thực hiện chứ không nhất thiết phải là chủ trọ. Theo khoản 1 Điều 9 Nghị định 144/2021 quy định vi phạm về đăng ký và quản lý cư trú. Người thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng, cụ thể: Điều 9. Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú 1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, tách hộ hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú. b) Không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng. c) Không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, xác nhận thông tin về cư trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Như vậy, cả chủ trọ và người đi thuê đều sẽ bị xử phạt nếu không đăng ký tạm trú, với mức phạt tiền từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng. 2. Không đăng ký - rủi ro gì? - Đối với người thuê trọ: + Bị phạt hành chính từ 500.00 đồng - 1.000.000 đồng nếu không đăng ký tạm trú sau 30 ngày. + Không đủ điều kiện làm CCCD gắn chip, mua BHYT, cho con nhập học, vay vốn.. + Nếu có sự việc xảy ra (bị đánh, mất đồ, bị tình nghi phạm tội) mà không có giấy tạm trú - cực kỳ thiệt thòi! Đợt dịch COVID -19 năm 2021 là minh chứng rõ nhất: Hàng ngàn người thuê trọ phải "ngậm đắng" vì không được nhận tiền trợ cấp, không có phần lương thực cứu trợ - tất cả chỉ vì không có tên trong danh sách tạm trú ở địa phương. Tôi từng gặp trường hợp: Một bạn nữ thuê trọ không đăng ký tạm trú, bị mất xe máy trong đêm. Khi làm việc với công an, không có giấy tạm trú, không chứng minh được mình sống ở đó - hồ sơ bị xử lý rất chậm, gần như "xếp xó". Bạn thấy đấy, không đăng ký tạm trú -> Không được coi là cư dân hợp pháp tại nơi mình sinh sống - > Không được ưu tiên cứu trợ, hỗ trợ y tế hoặc lương thực khi khẩn cấp. Trên hệ thống, bạn không tồn tại -> nên không được bảo vệ, không được hỗ trợ. - Đối với chủ nhà trọ + Bị phạt hành chính từ 500.00 - 1.000.000 đồng nếu không khai báo lưu trú, không hỗ trợ người thuê. + Có thể bị liên đới trách nhiệm hình sự nếu để người phạm tội ẩn náu tại nhà trọ mà không quản lý cư trú chặt chẽ. Có vụ việc ở TP. HCM, một nghi phạm truy nã thuê trọ ẩn thân, chủ trọ không khai báo tạm trú. Khi công an vào điều tra, chủ trọ bị triệu tập, thậm chí bị xử lý vì "thiếu trách nhiệm quản lý nhân khẩu" (Nguồn ảnh: Lsvn.vn) 3. Vài hiểu lầm phổ biến (và nguy hiểm) - Chỉ ở vài tháng, khỏi cần đăng ký -> Sai. Ở trên 30 ngày là phải đăng ký. - Chủ trọ không nhắc thì thôi -> Cả hai bên đều có nghĩa vụ. - Có CCCD rồi khỏi đăng ký -> CCCD chỉ xác nhận danh tính, không chứng minh nơi cư trú hợp pháp . 4. Nên làm gì? - Nếu bạn là người thuê trọ: + Hãy tự giác làm tạm trú tại công an phường/xã, tại Cổng dịch vụ công, trên app VNeID. + Nếu chủ trọ không hỗ trợ, có thể phản ánh lên công an khu vực. - Nếu bạn là chủ trọ: + Yêu cầu người thuê cung cấp CMND/CCCD. + Lập sổ theo dõi người thuê. + Hỗ trợ khai báo và lưu trú đúng quy định. (Nguồn ảnh: Eva.vn) => Đăng ký tạm trú không khó, không tốn nhiều tiền, nhưng lại rất quan trọng để bảo vệ bạn trước pháp luật. Đừng vì chủ quan mà biến mình thành người ngoài vòng pháp luật. Cư trú hợp pháp - sống an tâm - giữ quyền lợi đầy đủ. Nếu bạn còn thắc mắc về đăng ký cư trú, giấy tờ pháp lý khi thuê trọ - cứ mạnh dạn bình luận dưới bài viêt, Hannah sẽ tư vấn tận tình. Bài viết dành cho cộng đồng VNO - chia sẻ là giúp người khác tránh rắc rối! Hannah!