Tiểu Thuyết Tĩnh Hải Loạn Lạc - Kizaru105

Thảo luận trong 'Truyện Của Tôi' bắt đầu bởi kizaru105, 24 Tháng mười hai 2024.

?

Bạn thích nhân vật nào trong Tĩnh Hải Loạn Lạc?

  1. Hạo Thiên

  2. Trương Siêu

  3. Tử Trọng

  4. Bá Hầu

  5. Lê Hầu

  6. Lê Cung

  7. Lý Sử

  8. Trần Lượng

  9. Ông lão bí ẩn

  10. Hạo Vũ

  11. Quách Tuấn

  12. Nguyễn Lương, Nguyễn Sơn

Nhiều phiếu bầu.
Results are only viewable after voting.
  1. kizaru105

    Bài viết:
    0
    Chương 20: Lê Hầu thuận ý, Tử Trọng dâng kế đánh Soái

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hạo Thiên chợt đứng dậy, gương mặt tỏ ra suy tư, nói:

    - Ta cảm thấy trong người hơi mệt, muốn về nghỉ sớm, Tước Vũ Hầu và các vị xin lượng thứ!

    Nói rồi rời đi thẳng về phủ.

    Chu Đức ngạc nhiên, hỏi Tử Trọng:

    - Hạo tướng quân sao vậy quân sư? Chúng ta đang uống rượu vui vẻ kia mà!

    Tử Trọng nói:

    - Có lẽ chúa công biết, tháng ngày bình yên sắp trôi qua rồi!

    Hạo Thiên về phủ, ghé qua phòng Hạo Kiên và Hạo An Nhiên, lặng nhìn chúng ngủ. Hạo Thiên tiến tới chỉnh lại chăn cho hai con, lấy tay xoa nhè nhẹ đầu Hạo Kiên, thơm lên trán Hạo An Nhiên.

    Hạo Thiên biết rằng mình sẽ không thể ở mãi bên chúng, không thể ở mãi chốn Bình Nguyên này sống một cuộc sống êm đềm và hạnh phúc. Thù Hạo Gia chưa trả, giặc Soái đến gần hơn bao giờ hết, Hạo Thiên nghĩ mình hành quân chuyến này chẳng biết bao giờ mới gặp lại gia quyến, trong lòng lưu luyến vô cùng.

    Hạo Thiên trở về phòng, thấy Phạm Thư đã ngủ, y tiến tới khẽ vuốt nhẹ làn tóc mượt mà của thê tử. Ngắm nhìn nàng, Hạo Thiên cảm thấy trân quý công sức của Phạm Thư vun vén gia thất, quán xuyến việc trong việc ngoài, chăm lo cho hai đứa trẻ mà không một lời than phiền, mặc dù nàng xuất thân là một công chúa đài các. Trong mắt Hạo Thiên, nàng tựa như một ngọn đèn âm thầm cháy, giữ ấm cả mái nhà trong trời đông giá rét.

    Hạo Thiên thay y phục, nằm lên giường hồi lâu nhưng không sao ngủ được. Hạo Thiên đang lo lắng về cái nguy nước Soái, dù chưa từng đối đầu nhưng y có cảm giác Soái Vương và Nguyên Hà là hai kẻ tâm cơ thâm hiểm, hơn hẳn Bá Hầu - người y từng cho là gian ác nhất. Việc Chu Đức để mất Diễn Châu vào tay Soái càng khiến Hạo Thiên bất an, đối đầu với kẻ vừa thâm độc lại vừa tài trí quả thực không dễ dàng.

    Đang nghĩ ngợi thì chợt Phạm Thư quay sang, hỏi:

    - Chàng bận lòng điều gì mà không ngủ được sao?

    Hạo Thiên nắm lấy tay Phạm Thư, đáp:

    - Sắp tới ta sẽ cùng Tước Vũ Hầu tiến quân đánh đuổi giặc Soái khỏi Diễn Châu, nàng và hai con ở lại Bình Nguyên bảo trọng, ta sẽ nhớ nàng và các con lắm!

    Phạm Thư mặt đượm buồn, nói:

    - Phu quân đi rồi thiếp sẽ buồn lắm, nhưng thiếp hiểu rằng chàng không thể ngồi yên nhìn nước Soái một tay che Trời. Chàng là bậc trượng phu, chí ở bốn phương, thiếp sẽ luôn ủng hộ con đường mà chàng chọn, thiếp và các con nhất định sẽ chờ chàng đại thắng trở về!

    Hạo Thiên mỉm cười, ôm Phạm Thư vào lòng, nói:

    - Nàng an tâm, ta nhất định sẽ trở về!

    Tiệc rượu đã tàn, mọi người ra về hết, chỉ còn lại Tử Trọng và Chu Đức ngồi lại với nhau.

    Tử Trọng nói với Chu Đức:

    - Ta cảm thấy quý mến Tước Vũ Hầu, muốn nói lời thực lòng, nếu ngài cho là không phải thì Tử Trọng xin tạ tội trước!

    Chu Đức nói:

    - Tiên sinh cứ nói, lời của tiên sinh ắt có giá trị!

    Tử Trọng nói:

    - Ta thấy những điểm lợi mà Tước Vũ Hầu nói ban chiều thuyết phục nhưng chưa đủ để Lê Hầu và Lý Sử gật đầu.

    Chu Đức hỏi:

    - Vì sao?

    Tử Trọng nói tiếp:

    - Chúa công và ta có thể rất tin tưởng ngài nhưng Lê Hầu, Lý Sử chưa chắc đã vậy. Ngài đưa ra năm điểm lợi nhưng kết quả cuối cùng cũng chỉ là giúp Diễn Châu giành lại lãnh thổ, Ái Châu không thu được gì cả!

    Chu Đức hỏi:

    - Nhưng mối đe dọa nước Soái đang đến rất gần Ái Châu kia mà?

    Tử Trọng nói:

    - Nước Soái sau khi chiếm Diễn Châu nguyên khí đã hao tổn rất nhiều, ít nhất hai năm Soái không thể khởi binh Nam phạt. Quân sư Lý Sử hoàn toàn có thể khuyên Lê Hầu từ chối giúp ngài sau đó đem quân chiếm lại Diễn Châu nhưng khi ấy lãnh thổ sẽ thuộc về Ái Châu chứ không phải ngài!

    Chu Đức nói:

    - Tiên sinh nói rất phải, vậy ta phải làm thế nào?

    Tử Trọng nói tiếp:

    - Nếu muốn thuyết phục được Lê Hầu, ngài nên chủ động đưa ra lợi ích có thể nhìn thấy rõ ràng, giả dụ như hai thành Bạch Lộc và Ngọc Môn tiếp giáp Ái Châu.

    Chu Đức ngẫm nghĩ một hồi, nói:

    - Ta tay trắng tới Ái Châu nương nhờ giúp đỡ, bỏ hai thành mà giữ được nước thì cũng đáng lắm!

    Tử Trọng nâng chén rượu, nói:

    - Tước Vũ Hầu quả là thức thời!

    Chu Đức cũng uống cạn chén, rồi hỏi Tử Trọng:

    - Cho dù quý ta nhưng lời khuyên vừa rồi chẳng phải không nên nói ra hay sao, dù gì tiên sinh cũng là người của Ái Châu kia mà?

    Tử Trọng cười, đáp:

    - Bởi vì ta nghĩ việc Ái Châu chiếm Diễn Châu cho riêng mình là thất sách!

    Chu Đức ngạc nhiên, hỏi:

    - Cớ sao lại vậy?

    Tử Trọng giải thích:

    - Thứ nhất, nếu Ái Châu chiếm lại Diễn Châu từ tay nước Soái, bách tính trong thành sẽ nghĩ về Ái Châu thế nào? Chắc chắn là không khác gì Soái cả! Trong không yên thì tất sẽ mất!

    Thứ hai, chiếm thì dễ, giữ mới khó. Thay vì phải dàn quân giữ lãnh thổ, việc giúp Tước Vũ Hầu lấy lại Diễn Châu vừa giúp tăng uy danh của Ái Châu, vừa có thêm một đồng minh đáng tin cậy là ngài, chỉ có ngài mới cai quản Diễn Châu được tốt nhất mà thôi!

    Chu Đức nghe xong như bừng tỉnh, trong lòng cảm thấy mình còn suy tính chưa đủ sâu xa. Chu Đức nói:

    - Tiên sinh vừa giỏi mưu lược, vừa giỏi việc nước, ta quả không sánh kịp!

    Sáng hôm sau, Chu Đức cùng Hạo Thiên, Tử Trọng khởi hành đến cung Thái Hòa yết kiến Lê Hầu.

    Nhờ lời khuyên của Tử Trọng và sự thuyết phục của mình, Chu Đức được Lê Hầu đồng ý giúp đánh Soái. Hạo Thiên được trao ấn Nguyên soái cho trận đánh này, có toàn quyền quyết định.

    Lê Hầu cho truyền riêng Hạo Thiên và Tử Trọng đến họp bàn.

    Lê Hầu nói:

    - Mối nguy phía Nam từ Bá Hầu vẫn luôn còn đó, ta khó lòng trao nhiều binh lính giúp ngươi đánh Soái. Chỉ dựa vào sức của Bình Nguyên và một vạn quân Tước Vũ Hầu liệu có đánh được Soái không?

    Tử Trọng đáp:

    - Rất khó! Muốn giành lại Diễn Châu tất phải dùng kế!

    Lê Hầu hỏi:

    - Kế ấy thế nào?

    Tử Trọng nói:

    - Ta phải nhờ đến sự trợ giúp từ phương Bắc, tức Phong Châu của Trịnh Hầu!

    Lê Hầu hỏi tiếp:

    - Ta xưa nay chỉ gặp Trịnh Hầu vài lần, vốn không hề có thân tình qua lại, nhờ trợ giúp thế nào?

    Tử Trọng nói:

    - Trịnh Hầu là người dùng võ, các trận đánh lớn nhỏ đều đích thân ra trận mạc. Ái Châu ta có bảo vật Thiên Uy Bảo Khải, dâng tặng Trịnh Hầu lấy thân tình quả rất hợp. Ngoài lễ vật, tiếng của Soái Vương cướp ngôi, lừa chư hầu, xâm chiếm lãnh thổ tất khiến Trịnh Hầu đứng ngồi không yên vì Phong Châu tiếp giáp với nước Soái. Trịnh Hầu biết rằng Soái Vương chỉ tạm hòa hoãn với các châu phương Bắc để dễ bề Nam phạt, tới khi Soái chiếm hết phía Nam rồi Phong Châu chẳng mấy mà mất. Ta cần một thuyết khách có tài ăn nói đến thuyết phục Trịnh Hầu hợp lực đánh vào nước Soái khiến Soái Vương buộc phải lui quân về giữ nước. Khi ấy ta mới có thể chiếm lại được Diễn Châu!

    Lê Hầu mừng rỡ, nói:

    - Kế ấy rất diệu! Có điều ai sẽ đi sứ được?

    Tử Trọng đáp:

    - Thần biết một người có tài hùng biện, giỏi ăn nói, tên Trương Ngũ, tài vốn chẳng kém Tô Tần nước Yên thời Chiến Quốc. Lời của Trương Ngũ khiến kẻ quyền quí thì kính nể, kẻ gian xảo thì kiêng dè, biết tùy người mà nói, tùy cảnh mà ứng, trong cương có nhu, trong nhu có cương. Người này đi sứ ắt sẽ được việc!

    Lê Hầu nói:

    - Tốt lắm, cứ thế mà làm!
     
  2. kizaru105

    Bài viết:
    0
    Chương 21: Chu Đức đàm đạo trận pháp cùng Tử Trọng, Trương Ngũ trổ tài thuyết khách

    [​IMG]


    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sau khi được Lê Hầu chấp thuận, Hạo Thiên cùng Chu Đức trở về Bình Nguyên chỉnh đốn binh mã, định ngày đánh Diễn Châu.

    Thời gian ở Bình Nguyên, cảnh vật và con người nơi đây khiến Chu Đức cảm thấy rất yên bình, ăn ngon miệng, ngủ an giấc. Hai đứa trẻ nhà Hạo rất quý mến Chu Đức, thường xuyên đến rủ thúc đi chơi. Chu Đức cũng thường ghé qua phủ Hạo Thiên và Tử Trọng uống trà, đàm đạo. Dần dần, Chu Đức cảm thấy gắn bó với Bình Nguyên, có cảm giác thân thuộc.

    Một hôm, Chu Đức cùng Sấm Hỏa tới thao trường để xem huấn luyện quân sĩ. Tuy thao trường của Bình Nguyên có nhỏ hơn nhiều so với Diễn Châu nhưng không khí huấn luyện nơi đây rất khí thế, kỷ luật, quân trang và dụng cụ luyện binh đều tân tiến.

    Chu Đức từ xa trông thấy Tử Trọng đang huấn luyện trận đồ cho binh sĩ, tiến tới gặp.

    Chu Đức chào:

    - Quân sư hôm nay cũng ra thao trường luyện binh à?

    Tử Trọng quay ra thấy Chu Đức, liền căn dặn cho Nguyễn Lương, Nguyễn Sơn:

    - Các ngươi đã nhớ cách khai triển Bát Quái Trận chưa?

    Nguyễn Lương nói:

    - Chúng tôi đã nhớ kỹ, thưa quân sư!

    Nói xong rồi đi ra chỗ Chu Đức. Tử Trọng nói:

    - Tước Vũ Hầu hôm nay có nhã hứng đi xem Bình Nguyên huấn luyện quân sĩ thế nào ru?

    Chu Đức cười, nói:

    - Không dám! Không dám! Ta chỉ tò mò đội quân đã đánh bại mình được huấn luyện thế nào thôi! Quân sư thường ngày có hay tới đây không?

    Tử Trọng đáp:

    - Trước kia khoảng một tuần lễ là ta lại đến cho binh sĩ luyện trận đồ. Nguyễn Lương và Nguyễn Sơn huấn luyện rất tốt, gần như ta không phải can thiệp nhiều. Gần đây chúng ta sắp khởi binh đánh Diễn Châu nên ta tranh thủ tới đốc thúc cùng hai huynh đệ Lương Sơn.

    Chu Đức hỏi:

    - Quân sư đang cho binh sĩ luyện Bát Quái Trận ru?

    Tử Trọng nói:

    - Đúng, ta chính là đang cho binh sĩ luyện Bát Quái Trận!

    Chu Đức nói:

    - Ta nghe danh trận đồ này đã lâu, đã thử huấn luyện cho binh sĩ Diễn Châu nhưng không mấy hiệu quả. Trận đồ này rất rối rắm, khó triển khai!

    Tử Trọng hỏi:

    - Tước Vũ Hầu từng luyện trận đồ này chứng tỏ đã ngâm cứu kỹ? Có thể nói cho ta ngài hiểu trận này đến mức nào, để xem thiếu sót ở đâu mà luyện binh không hiệu quả?

    Chu Đức đáp:

    - Bát Quái Trận là trận đồ trứ danh của Thừa tướng Khổng Minh nhà Hán, có thể đánh mười vạn quân tinh nhuệ. Giống như sự tích Khổng Minh xếp đá dọa Chu Du, Bát Trận Đồ được sắp xếp tám hướng tương ứng với tám quẻ: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đài. Việc này cũng đòi hỏi người triển khai trận đồ phải có tri thức thiên văn, địa lý. Trận pháp này hoạt động theo ba nguyên lý cơ bản:

    - "Địch ở trong tối, ta ở ngoài sáng", điều này giúp đội quân có thể tấn công bất ngờ, khiến địch cảm thấy như là lạc vào mê cung rồi bị tiêu diệt trước khi kịp phản ứng.

    - Kìm hãm hành động của đối phương, trong không gian hạn chế những vũ khí lớn không thể sử dụng, từ đó ta cho người luyện thuần thục vũ khí nhỏ để phản công.

    - Đánh vào tâm lý kẻ địch, khi lạc vào trận đồ, địch dễ bị hoang mang, trong khi quân ta đã quen thuộc địa hình từ đó tạo ra lợi thế không nhỏ.

    Tử Trọng nói:

    - Tước Vũ Hầu quả rất am hiểu về Bát Quái Trận! Vậy bố cục thế nào?

    Chu Đức nói:

    - Trung tâm là người chỉ huy, tám cánh quân bố trí theo tám quẻ, giữa các quẻ bố trí lối giả, lối thật thì được che kín, chỉ quân ta mới biết, mỗi bước đi nhầm sẽ bị dẫn vào trùng trận.

    (*trùng trận: Trận trong trận)

    Tử Trọng hỏi tiếp:

    - Cách triển khai thế nào?

    Chu Đức nói:

    - Người triển khai trận đồ cần hiểu địa hình, tốt nhất là địa hình đồi núi, sông ngòi, đồng rộng có lùm cây. Nếu bằng phẳng phải dựng thêm cọc gỗ, hố bẫy, bụi cây, mương nước giả để tạo ảo giác. Căn cứ theo tám quẻ Bát Quái:

    - Càn (Tây Bắc)

    - Khảm (Bắc)

    - Cấn (Đông Bắc)

    - Chấn (Đông)

    - Tốn (Đông Nam)

    - Ly (Nam)

    - Khôn (Tây Nam)

    - Đoài (Tây)

    - Mỗi hướng đều bố trí một cụm quân chuyên trách, thường là đội trưởng chỉ huy. Quân nhanh nhẹn thì bố chí ở Chấn, quân cố thủ thì đặt ở Cấn. Mỗi nhóm quân phải biết trước mật lệnh, khi nào chặn đầu, khi nào dồn ép, khi nào giả thua để dụ địch. Khổng Minh năm xưa còn dùng trống, chiêng, còi điều khiển nhịp di chuyển, đánh ba hồi trống thì đổi đội hình, một hồi chiêng thì bủa vây.

    Tựu chung lại, Bát Quái Trận đòi hỏi người chỉ huy có tầm nhìn xuất chúng, biết vận hành theo âm dương, trời đất, nhân tâm, mê hoặc. Một người chỉ huy đã khó, những tướng lĩnh dưới trướng cũng phải rất tinh thông binh pháp mới lĩnh hội được, mỗi binh sĩ đều phải là tinh binh có nhiều kinh nghiệm, độ tuổi còn trẻ, đầu óc nhanh nhạy để di chuyển theo hiệu lệnh một cách thuần thục.

    Tử Trọng trong lòng tỏ ý thán phục Chu Đức, nghĩ:

    "Người này có kiến thức binh pháp rất uyên thâm, chẳng thua Hàn Tín năm xưa!"

    Tử Trọng nói với Chu Đức:

    - Nếu Tước Vũ Hầu đã hiểu biết Bát Quái Trận như vậy, chắc hẳn biết được mình còn thiếu sót gì! Có điều ta bổ sung một vài ý, Bát Quái Trận sẽ phát huy hiệu quả nếu ngài có một người biết xem thiên văn, nếu có gió, sương mù hoặc trời tối thì càng dễ tăng hiệu quả ảo giác. Đặc biệt quan trọng là gió, vì đặc tính của Bát Quái Trận là để gió thổi xuyên trận làm khuếch đại âm thanh và cờ xí, khiến địch càng hoang mang hơn. Về mặt triển khai trận pháp, ngài nên lựa chọn những binh sĩ trẻ tuổi, đầu óc nhanh nhạy để dễ dàng thích ứng. Các tướng lĩnh nếu chưa thuần thục thì ta có thể điều huynh đệ Nguyễn Lương, Nguyễn Sơn tới huấn luyện, họ đã nắm được Bát Quái Trận bảy, tám phần.

    Chu Đức cảm tạ:

    - Được vậy thì tốt quá rồi! Đa tạ quân sư!

    Tử Trọng cười, đáp:

    - Tước Vũ Hầu đừng khách sáo, chúng ta đã ngồi cùng thuyền, mai này ắt có việc ta phải nhờ ngài giúp!

    Chu Đức gật đầu, nói:

    - Chỉ cần Hạo tướng quân và quân sư nhờ cậy, việc gì ta cũng dốc tâm can ra giúp!

    Nói chuyện với Tử Trọng xong, Chu Đức xuống thao trường theo dõi huynh đệ Lương Sơn luyện binh. Chu Đức thấy hai vị tướng của Hạo Thiên oai phong, nghiêm nghị, kỷ luật, quân lính ai nấy đều nghe răm rắp, không dám sai hiệu lệnh.

    Chu Đức khen:

    - Hai vị Nguyễn Lương, Nguyễn Sơn quả không hổ danh chiến tướng của Hạo tướng quân, cách luyện binh thật khiến ta phải học hỏi!

    Nguyễn Sơn đáp:

    - Tước Vũ Hầu quá lời rồi, bọn tôi phải kính nể ngài nhiều lắm!

    Ba người cười nói vui vẻ một lúc thì có tên lính vào báo tin:

    - Bẩm Tước Vũ Hầu, hai vị tướng lĩnh, bên ngoài có người xưng là Chiến Phong và Trí Viễn đòi gặp ạ!

    Chu Đức mừng rỡ:

    - Tốt quá rồi, Sấm Hỏa, cùng ta đến gặp họ!

    Chu Đức đi ra gặp, Chiến Phong và Trí Viễn quỳ xuống, tạ tội:

    - Chúng thần đã cố gắng hết sức mà không giữ được Diễn Châu, chúng thần tội đáng muôn chết!

    Chu Đức vội bước tới, đỡ hai người dậy, nói:

    - Các ngươi toàn mạng trở về là ta mừng lắm rồi, cớ gì trách phạt các ngươi chứ!

    Chiến Phong nói:

    - Thần tạ ơn chúa công, thần bảo toàn được một vạn quân đến đây đợi lệnh chúa công!

    Chu Đức nói:

    - Tốt lắm, đúng là chiến tướng của ta! Giữ được một vạn quân này quả quý hơn ngàn vàng!

    Sấm Hỏa kể hết ngọn ngành chuyện hộ giá Tước Vũ Hầu từ Diễn Châu đến việc Ái Châu đồng ý giúp đỡ đánh Soái.

    Chiến Phong và Trí Viễn mừng lắm, quyết tâm trả thù giặc Soái.

    Trương Ngũ sau khi được Hạo Thiên giao phó việc thuyết khách, tức tốc ngày đêm đến Phong Châu yết kiến Trịnh Hầu.

    Trịnh Hầu nghe tin có sứ giả Ái Châu đến xin yết kiến, lưỡng lự hỏi thừa tướng Đinh Lục:

    - Ta xưa nay vốn không giao du với đất phương Nam, nay đột nhiên có sứ đến, Thừa tướng thấy có nên tiếp không?

    Đinh Lục nói:

    - Thần đoán là việc có liên quan đến nước Soái, nước Soái giờ cũng là mối hiểm họa sau này của chúng ta, có thêm đồng minh càng tốt!

    Trịnh Hầu gật gù, nói:

    - Thừa tướng nói cũng phải lắm! Người đâu, cho truyền sứ giả!

    Trương Ngũ cùng đám tùy tùng mang vàng ngọc châu báu, bốn cung nữ nhan sắc mỹ miều, biết đàn ca sáo nhị, đồ vật quý hiếm cùng bảo vật Thiên Uy Bảo Khải vào dâng cho Trịnh Hầu.

    Trịnh Hầu đẹp lòng lắm, khen Ái Châu có thiện chí giao hảo.

    Trịnh Hầu hỏi Trương Ngũ:

    - Ngươi tới đây chắc không phải chỉ để biếu quà cho ta?

    Trương Ngũ đáp:

    - Trịnh Hầu đã hỏi thì tại hạ xin được phép nói! Chắc ngài đã nghe về chuyện nước Soái chiếm được Diễn Châu?

    Trịnh Hầu nói:

    - Ta có nghe chuyện đó!

    Trương Ngũ nói:

    - Trương Ngũ có lời ngay, xin được tâu thẳng với Trịnh Hầu!

    Trịnh Hầu nói:

    - Ngươi cứ nói!

    Trương Ngũ tiếp lời:

    - Ngài cũng đã biết chuyện Soái Vương âm mưu phản nghịch, giết thế tử Lữ Minh cướp ngôi. Sau đó còn lừa chư hầu, giết sạch ba vị Quân Hầu Bố Hải, Tế Giang, Giao Châu, Soái Vương không từ mọi thủ đoạn để đạt được mục đích. Hắn đã nuôi tham vọng Nam phạt nhiều năm, nay đã chiếm được Diễn Châu, chẳng mấy cả vùng phương Nam cũng thuộc về tay hắn. Nếu tham vọng này của Soái Vương thành, không sớm thì muộn hắn cũng sẽ khởi binh Bắc phạt, thống nhất giang sơn, và nơi gần nhất đó chính là Phong Châu!

    Trịnh Hầu nghe Trương Ngũ nói trúng tim đen, nói:

    - Quả thực ta cũng lo ngại lắm!

    Trương Ngũ nói tiếp:

    - Ái Châu không thể khoanh tay đứng nhìn Soái Vương lộng hành cho nên Lê Hầu đã giao ấn Nguyên Soái cho chúa công tôi, Hạo Thiên chuẩn bị khởi binh cùng Tước Vũ Hầu giành lại Diễn Châu.

    Trịnh Hầu ngạc nhiên, hỏi:

    - Lê Hầu chịu liên minh cùng Tước Vũ Hầu ru?

    Trương Ngũ đáp:

    - Đúng ạ! Với sự giúp sức của Tước Vũ Hầu, cùng tài trí của chúa công tôi và quân sư Tử Trọng, Soái ắt phải bị khuất phục!

    Trịnh Hầu nói:

    - Cái tài của Tước Vũ Hầu ta không lạ gì, gần đây ta cũng có nghe nói đến đại thần mới của Lê Hầu là Hạo Thiên và Tử Trọng, quả không tầm thường! Có điều nếu vậy sao ngươi còn đến đây gặp ta?

    Trương Ngũ đáp:

    - Lê Hầu muốn chia sẻ lợi ích cho phương Bắc, không ai khác chính là Phong Châu! Nếu ngài không muốn thì tại hạ sẽ sang tâu những châu khác!

    Trịnh Hầu cười lớn:

    - Giúp Phong Châu? Ngươi nói ta nghe lợi ích thế nào?

    Trương Ngũ nói:

    - Khi Ái Châu và Diễn Châu khởi binh đánh Soái, chẳng phải nước Soái không có quân giữ phương Bắc hay sao? Người xưa có câu "Trong công có thủ", nếu Trịnh Hầu lo nghĩ đến mối hiểm họa nước Soái, sao không nhân cơ hội này khởi binh đánh phủ đầu trước chẳng hóa ở thế chủ động hơn sao? Thứ hai, nếu ngài qua lại cùng Lê Hầu, Tước Vũ Hầu, khi Soái có ý đồ xâm phạm Phong Châu, chúng tôi giúp ngài đánh Soái từ phía Nam thì há Soái Vương chẳng phải lui binh?

    Trịnh Hầu nghe Trương Ngũ nói với giọng đanh thép, đầy hợp tình hợp lý, trong lòng cũng muốn làm theo. Đinh Lục nói:

    - Cứ cho những điều ngươi nói là đúng, Phong Châu vẫn cần làm tin. Ta thấy ngươi là kẻ hiền tài, có tầm nhìn sâu rộng, khéo ăn khéo nói, tất là công thần của Ái Châu.

    Đinh Lục quay sang Trịnh Hầu, nói:

    - Thần có ý này, chúa công thấy sao? Chúng ta sẽ giữ Trương Ngũ lại làm tin, bao giờ xong việc thì trả hắn về Ái Châu sau cũng không muộn!

    Trịnh Hầu quay sang nhìn Trương Ngũ, nói:

    - Ngươi thấy ý đó thế nào?

    Trương Ngũ nói:

    - Tại hạ sẵn lòng lưu lại Phong Châu vì mối giao hảo cùng Ái Châu. Nếu tại hạ nói sai, Trịnh Hầu muốn chém muốn giết cứ việc!

    Trịnh Hầu cười khoái chí, nói:

    - Được lắm, đúng là bậc hào kiệt! Ngươi an tâm, Phong Châu sẽ tiếp đãi ngươi như thượng khách!

    Trương Ngũ sau khi yết kiến Trịnh Hầu, lập tức viết thư cho người báo về cho Hạo Thiên trong đêm.
     
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng tư 2025 lúc 1:03 PM
Trả lời qua Facebook
Đang tải...