Phim: Chernobyl Đạo diễn: Johan Renck Diễn viên: Jared Harris, Stellan Skarsgard, Paul Ritter, Jessie Buckley, Adam Nagaitis, Con O.. Năm ra mắt: 2019 Chernobyl không chỉ đơn thuần là một bộ phim, mà nó còn là cơn ác mộng của nhân loại. Được đạo diễn bởi Johan Renck, Chernobyl đã tái hiện thảm họa hạt nhân kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại, vạch mặt sự dối trá và nêu lên những hậu quả kinh hoàng trong thảm họa đó. Mở đầu phim là một bầu không khí nặng nề. Không có sự kịch tính giả tạo, không có những màn phô trương hoành tráng, nhưng từng cảnh quay đều mang một sức nặng khủng khiếp. Ngay phút đầu tiên, khán giả bị đặt vào một không gian ảm đạm, nơi tiếng đồng hồ tích tắc vang lên trong căn phòng u tối. Valery Legasov, nhà khoa học từng điều tra nhà máy hạt nhân Chernobyl, chậm rãi ghi lại những sự thật cuối cùng trước khi tự sát. Đó là những đoạn băng ghi lại tội lỗi của những người lãnh đạo năm xưa. Và rồi, phim tua ngược về ngày 26 tháng 4 năm 1986 - thời khắc mọi thứ sụp đổ. Lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl phát nổ. Tiếng nổ vang lên trong đêm tối, xé toang bầu trời. Những người dân sống gần đó đứng trên một cây cầu, nhìn ngọn lửa cháy rực trong màn đêm mà không hề biết rằng từng hạt bụi phóng xạ đang rơi xuống, len lỏi vào phổi, vào máu, vào từng tế bào của họ. Cảnh tượng này khiến người xem rùng mình. Không có những con quái vật gớm ghiếc, không có những pha hù dọa giật gân, nhưng nỗi sợ hãi len lỏi vào từng khung hình, từ những điều đáng sợ nhất. Bộ phim không né tránh sự thật. Nó tàn khốc, trần trụi và lạnh lẽo. Những người lính cứu hỏa đến hiện trường mà không hay biết rằng họ đang bước vào địa ngục. Họ nhìn thấy những mảnh vụn phát sáng, chạm vào chúng bằng tay không, tò mò như thể đó là một thứ kim loại lạ lẫm. Và rồi chỉ vài giờ sau, cơ thể họ bắt đầu bị phóng xạ tàn phá. Da phồng rộp, máu chảy ra từ mắt, từ miệng, cơ thể có dấu hiệu rữa nát. Không có sự cường điệu nào ở đây cả, tất cả đều dựa trên những gì đã thực sự xảy ra. Sự khủng khiếp của Chernobyl không chỉ nằm ở thảm họa hạt nhân, mà còn ở cách con người đối diện với nó. Ngay từ khi vụ nổ xảy ra, giới chức trách đã tìm mọi cách để che đậy sự thật. "Không có gì nghiêm trọng," "Tất cả vẫn trong tầm kiểm soát," "Chúng ta không cần báo động toàn bộ dân cư" - những câu nói lạnh lùng vô trách nhiệm ấy chính là nguyên nhân khiến hàng ngàn người phải chết một cách oan uổng. Hệ thống lãnh đạo của Liên Xô khi ấy bị bóp méo bởi sự kiêu ngạo và giấu giếm sự thật.. Cảnh khiến người xem ám ảnh là khoảnh khắc những người lính được cử đi "dọn dẹp" các khu vực bị nhiễm phóng xạ. Họ phải giết sạch những con chó, mèo bị bỏ lại, vì chúng đã mang trong mình chất phóng xạ có thể lan truyền. Những con vật nhỏ bé chạy trốn, kêu lên trong tuyệt vọng, và những người lính, với vẻ mặt cứng rắn nhưng ánh mắt đầy ám ảnh, nổ súng. Đó không chỉ là một nhiệm vụ đơn thuần - đó là một sự tra tấn tinh thần, là một minh chứng cho việc con người không chỉ hủy diệt chính mình mà còn kéo theo tất cả những gì sống xung quanh họ vào cơn ác mộng. Sự thành công của Chernobyl không chỉ đến từ kịch bản xuất sắc và cách dựng phim ấn tượng, mà còn nhờ vào diễn xuất của dàn diễn viên. Ví dụ như Jared Harris, trong vai Valery Legasov, ông không cần những lời thoại dài dòng để thể hiện nỗi đau đớn và giằng xé nội tâm, chỉ cần một cái nhìn trống rỗng, một hơi thở nặng nề, một khoảnh khắc do dự khi đứng trước sự thật. Bên cạnh đó, Stellan Skarsgard trong vai Boris Shcherbina cũng là một điểm sáng của bộ phim. Ban đầu, nhân vật này xuất hiện như một quan chức cứng nhắc, chỉ biết làm theo mệnh lệnh, nhưng qua thời gian, chúng ta thấy sự thay đổi trong con người ông. Từ một người chỉ quan tâm đến chính trị, ông dần nhận ra mức độ nghiêm trọng của thảm họa và dành những ngày cuối đời của mình để bảo vệ sự thật. Cảnh ông biết rằng mình sẽ không bao giờ có thể thoát khỏi hậu quả của phóng xạ nhưng vẫn tiếp tục đấu tranh để khắc phục sai lầm của mình là một trong những khoảnh khắc đau lòng và ấn tượng nhất phim. Emily Watson, trong vai Ulana Khomyuk, đại diện cho tiếng nói của khoa học và sự liêm chính. Dù nhân vật này không có thật trong lịch sử, cô vẫn là một nhân tố quan trọng. Ulana Khomyuk là hiện thân của những con người dám đứng lên chống lại sự dối trá, dám đặt câu hỏi, dám chấp nhận nguy hiểm để bảo vệ sự thật. Khi cô đối diện với những quan chức cấp cao, khi cô bất chấp tất cả để tìm kiếm dữ liệu về những sai lầm trong thiết kế của lò phản ứng RBMK, khán giả không chỉ thấy sự trong sáng trong tâm hồn của một nhà khoa học mà còn thấy một con người với lòng trắc ẩn sâu sắc. Bối cảnh của Chernobyl được tái hiện với độ chính xác đáng kinh ngạc, tạo nên một cảm giác chân thực đến đáng sợ. Thị trấn Pripyat hiện lên đầy đau đớn, một nơi từng tràn đầy tiếng cười, giờ đây chỉ còn là một thành phố ma, nơi mà mọi dấu vết của sự sống đã bị xóa sạch bởi thứ vũ khí vô hình mang tên phóng xạ. Không thể không nhắc đến âm thanh trong phim - yếu tố góp phần quan trọng vào bầu không khí ngột ngạt và căng thẳng của Chernobyl. Không có những bản nhạc nền hào hùng hay những đoạn nhạc kịch tính, mà chỉ có những tiếng động lạnh lẽo: Tiếng Geiger đo mức phóng xạ, tiếng thở gấp của những người công nhân, tiếng nước nhỏ giọt trong những căn hầm bỏ hoang. Đặc biệt, tiếng bíp bíp của máy đo phóng xạ trở thành một nỗi ám ảnh xuyên suốt bộ phim. Nó không giống như báo hiệu mức độ nguy hiểm, mà là tượng trưng cho sự hiện diện của phóng xạ, không có hình dạng, không có màu sắc, không có mùi vị, nhưng nó ở khắp mọi nơi, lặng lẽ xâm nhập vào cơ thể con người, để lại hậu quả không thể cứu vãn. Một trong những phân đoạn đau đớn nhất của bộ phim là cảnh xử lý của đội "thợ lặn". Khi lò phản ứng phát nổ, hàng triệu tấn nước làm mát bên dưới có nguy cơ gây ra một vụ nổ thứ hai, lớn hơn gấp nhiều lần, đủ sức phá hủy toàn bộ châu Âu. Để ngăn chặn điều đó, ba người đàn ông lần lượt là Aleksei Ananenko, Valeri Bespalov và Boris Baranov đã tình nguyện lặn xuống bể nước ngầm để mở van xả. Họ biết rõ rằng đây là một nhiệm vụ tự sát, nhưng vẫn chấp nhận, vì họ hiểu rằng ngoại trừ họ thì không ai có thể làm điều đó. Cảnh những chiếc đèn pin chập chờn trong dòng nước tối đen, tiếng thở dốc vang vọng trong không gian chật hẹp, và cuối cùng là bóng dáng của ba con người nhỏ bé đối diện với cái chết. Đó là một trong những khoảnh khắc bi tráng nhất phim. Nhưng Chernobyl không chỉ là một câu chuyện về thảm họa, mà còn là câu chuyện về hậu quả của sự dối trá. Bộ phim vạch trần cách mà chính quyền Liên Xô đã cố gắng che giấu sự thật, cách mà những người có quyền lực đã coi mạng sống con người như những con số thống kê vô nghĩa. Khi Valery Legasov đứng trước tòa án, khi ông vạch trần những sai lầm trong thiết kế của lò phản ứng RBMK, ông biết rằng mình đang ký vào bản án tử hình của chính mình. Nhưng ông vẫn nói ra sự thật, vì ông hiểu rằng nếu không ai dám lên tiếng, thì những bi kịch như Chernobyl sẽ còn tiếp diễn. Cái kết của Chernobyl không mang lại kết thúc có hậu. Chỉ có sự thật trần trụi và những con người sống sót phải đối diện với tội lỗi, với hậu quả và nỗi ám ảnh suốt đời. Những vùng đất bị bỏ hoang, những gia đình tan nát, những đứa trẻ sinh ra với dị tật, những người lính cứu hỏa chết trong đau đớn - đó là những "di sản" mà Chernobyl để lại. Bộ phim khép lại bằng mốc thời gian phim ban đầu, hình ảnh Valery Legasov bước ra khỏi phòng xử án, ông biết rằng sự thật đã được nói ra, biết rằng không có gì có thể thay đổi quá khứ. Và rồi ông tự sát, để lại những cuộn băng ghi âm như một lời trăn trối cuối cùng. Chernobyl không chỉ là một tác phẩm phim xuất sắc, mà còn là một bài học lịch sử quan trọng. Nó nhắc nhở chúng ta rằng những sai lầm của quá khứ không bao giờ có thể bị lãng quên; rằng sự thật có thể bị che giấu trong một thời gian, nhưng cuối cùng, nó vẫn sẽ trồi lên, phơi bày tất cả những gì đã xảy ra. Chúc các bạn xem phim vui vẻ!