Học tâm lý là học cái gì? Chia sẻ kinh nghiệm của mình về ngành tâm lý học

Thảo luận trong 'Trà Đá - Tán Gẫu' bắt đầu bởi Alice108, 11 Tháng tư 2021.

  1. Alice108

    Bài viết:
    93
    Sắp đến kì thi đại học rồi, và đây chính là bước chuyển tiếp giữa từ một học sinh chuẩn bị bước vào đường đời. Gần đây, đã có rất nhiều câu hỏi được đặt ra bởi các bạn học sinh lớp 11, 12, rằng nên học ngành gì, làm nghề gì. Thế nên hôm nay mình quyết định viết bài viết này dành tặng cho ai đang tò mò về ngành tâm lý học, một ngành còn khá mới mẻ ở Việt Nam, và cũng được khá nhiều người quan tâm.

    [​IMG]

    Nói về background của mình, mình hiện nay đang học Thạc sĩ chuyên ngành Tâm lý học xã hội, và mình không học đại học ở Việt Nam. Thế nên, các thông tin mình chia sẻ hoàn toàn mang tính cá nhân, và nhiều khi có thể không đúng lắm với môi trường học đại học ở Việt Nam, nhưng mình tin rằng kiến thức thì ở đâu cũng như nhau. Đối với những bạn có ý định học ngành này, thì có thể tham khảo một chút thông tin từ bài viết này nha, hi vọng mình sẽ đỡ được các bạn một phần trong công cuộc đi tìm kiếm một ngành nghề phù hợp với bản thân.

    Đầu tiên, tâm lý học là gì? Nói ngắn gọn, tâm lý học là một bộ môn khoa học xã hội nghiên cứu về các hiện tượng tâm lý và sư hình thành của nó, để từ đó giải thích các hành động, quyết định của con người. Thực ra phạm vi nghiên cứu của ngành tâm lý là rất rất rộng, chứ không chỉ có nghiên cứu về các chứng bệnh tâm thần, hay về tâm lý học tội phạm như nhiều người vẫn thường nghĩ.

    Vậy khi đi học thì mình đã phải học những gì?

    Đầu tiên, sẽ có 2 hướng đi chính cho các bạn:

    Hoặc là làm nghiên cứu, tức là các bạn sẽ học cử nhân, thạc sĩ rồi tiến sĩ, làm nghiên cứu sinh, sau đó viết sách báo, làm việc trong các phòng lab, có thể sẽ có cơ hội trở thành giảng viên trong trường đại học

    Hoặc là chuyên về thực hành, tức là học xong (ở nước mình học thường mọi người sẽ học thạc sĩ) rồi ra trường đi làm thực tế

    Các chuyên ngành chính của ngành tâm lý nhìn chung chia thành mấy chuyên ngành như sau:

    Tâm lý học lâm sàng: Học về các chứng bệnh, triệu chứng, các phương pháp chữa trị của nó, v. V. Đây là ngành phổ biến nhất khi mọi người nhìn vào tâm lý học. Thực ra, đây chỉ là một trong những chuyên ngành mà thôi. Ở nước mình học, các nhà tâm lý học lâm sàng có quyền tiếp xúc với bệnh nhân, nhưng không có quyền cung cấp các loại thuốc uống cũng như làm phác đồ điều trị (phân biệt với Bác sĩ tâm lý là những người học y, chuyên ngành tâm thần. Họ mới có quyền điều trị bằng thuốc cho các bệnh nhân. Thông thường, một người có vấn đề về tâm lý, hoặc cảm thấy không ổn, có thể đi gặp những nhà tâm lý trước, nếu bệnh quá nặng sẽ được họ khuyên đi bệnh viện để nhận được điều trị mức độ cao hơn).

    Tâm lý học nhận thức: Nghiên cứu về nhận thức, trí nhớ, suy nghĩ, sự chú ý, cách sử dụng ngôn ngữ và cách giải quyết vấn đề

    Tâm lý học nhận thức: Nghiên cứu về nhận thức, trí nhớ, suy nghĩ, sự chú ý, cách sử dụng ngôn ngữ và cách giải quyết vấn đề.

    Thần kinh học: Một chuyên ngành rất nặng về khoa học và hóa-sinh, đối với một đứa ngu sinh như mình thì thật sự là vừa học vừa muốn khóc.. Nói chung ngành này học về mối quan hệ giữa não bộ và hành vi của con người, học về cấu tạo não, các chất dẫn truyền thần kinh. Hãy học cái này để biết tại sao nên (hoặc không nên) chơi đồ các bạn nhé :)

    Tâm lý học xã hội: Chuyên ngành mà mình đang theo đuổi, để tìm cách giải thích cho các hành vi trong xã hội (ví dụ như giải thích tại sao lại có phân biệt chủng tộc, phân biệt vùng miền, tương tác xã hội)

    Tâm lý tổ chức/tâm lý nghề nghiệp (tiếng anh: Workplace psychology) : Thực ra mình không rõ ở Việt Nam thì ngành này gọi là gì nên mình dịch tạm như vậy. Ngành này nghiên cứu về hành vi của con người ở trong môi trường công việc ở các tổ chức và nơi làm việc.

    Tâm lý học phát triển: Đối tượng nghiên cứu chính của ngành này là trẻ em, về sự phát triển và hình thành của một đứa trẻ từ bé đến lớn, qua các độ tuổi từ sơ sinh, trẻ em, vị thành niên đến người trẻ (hơn 18 nhưng chưa hẳn là người trưởng thành). Một nhánh nhỏ của ngành này là chuyên ngành nghiên cứu về người già và tuổi già (tiếng anh: Psychogerontology)

    Đấy là vài ngành chính mà mình đã được học, ngoài ra còn khá nhiều những chuyên ngành nhỏ khác nữa. Như các bạn có thể thấy, ngành tâm lý học tội phạm thật sự chiếm số khá nhỏ trong các nghiên cứu tâm lý học, và có lẽ nó hoàn toàn khác so với các bạn tưởng tượng.

    Ngoài ra, một điều quan trọng nữa, là các nghiên cứu của ngành tâm lý được làm ra dựa trên tần suất của một hành động/sự việc. Vậy nên phương pháp nghiên cứu chính đó chính là xác suất thống kê. Khi mới vào học, mình thật sự rất shock vì không ngờ mình phải học nhiều xác suất đến vậy. Và nó hoàn toàn không giống như toán cấp 3 đâu các bạn, nó thuộc dạng khác hẳn, và thực sự mình cũng phải cố mới theo được, còn bọn tây, có rất nhiều đứa trượt môn này vì chúng nó không giỏi toán. Một ví dụ để các bạn thấy dễ hiểu, nếu như mình muốn nghiên cứu về việc các học sinh lớp chuyên toán sẽ giỏi môn lý hơn học sinh lớp chuyên văn, thì mình phải xem xem điểm trung bình môn lý của học sinh lớp toán là bao nhiêu, sau đó so sánh với điểm trung bình môn lý của học sinh lớp văn. Đó là cơ bản thôi, học cao lên thì lằng nhằng hơn nhiều.

    Vậy trên đây chính là cơ bản những điều mà bạn sẽ phải học nếu bạn quyết định theo ngành này. Thực sự nó cũng không khó đến thế, vì theo mình, ngành nào cũng khó. Nhưng, ngành này yêu cầu bạn vừa phải có khả năng đọc, viết, phân tích và có tư duy phản biện, vừa có tư duy logic để học được một số môn mang hơi hướng "tự nhiên", và phải học được toán nếu không các bạn không làm nổi luận văn đâu. Nhưng toán ở đây tuyệt đối không khó kiểu đạo hàm tích phân đâu, nếu học toán ở cấp 3 mà ổn ổn, tầm 7-8 điểm thì mình nghĩ là vẫn ok thôi. Quan trọng nhất thì vẫn là phải chăm chỉ và có đam mê, thì ngành nào các bạn cũng theo được hết.

    Vậy thôi, chúc các bạn buổi tối vui vẻ, và chúc các bạn sẽ sớm tìm được ngành học phù hợp nhé.

    Bài viết tâm huyết lắm nên cho mình xin cái like nhé, nếu nhiều bạn thích, mình sẽ tiếp tục chia sẻ về chủ đề này.
     
    Last edited by a moderator: 19 Tháng tư 2021
  2. Dương dương minh Minh Nguyệt (明月)

    Bài viết:
    791
    Mình không có ý kiến gì khác, chỉ là chia sẻ thêm rằng mình từng nghe một chuyên gia phân tích kinh tế từng đưa ra phât biểu, đại ý là thời đại công nghệ và robot ngày càng tiên tiến, kèm theo đó là cơ hội công việc cho mọi người ngày càng bị thu hẹp, vậy ngành nào vẫn chưa bị máy tính, công nghệ can thiệp và còn có nhiều không gian để phát triển thì chuyên gia đó đã từng ngay lập tức nói ra ngành tâm lý học. Mình thấy rất đúng vì dù sao tâm lý con người không phải máy móc có thể phan tích và hiểu cho được
     
    Phượng Chiếu Ngọc thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...