Lộc vừng dệt áo cô dâu Tác giả: Trần Linh Thể loại: Tản văn Tháng sáu, người gặp người sau khoảng thời gian bận rộn, cùng ăn một bữa cơm thân mật kỉ niệm ngày thành lập Hội liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Trong bữa cơm ấy người hỏi người chốn xưa, cảnh cũ, nơi ấy, lộc vừng đã nở hay chưa? Người bảo, giữa tháng sáu, thêm một tuần nữa thôi là hoa đã bung lụa rồi. Tôi chợt nhớ bốn câu thơ mình đã viết khi về thăm Làng Cội ngày ấy, cũng thời gian này, đương lúc lộc vừng dệt áo cô dâu. Một đêm trĩu nặng thân gầy Đỏ không ai biết bởi ngày nhạt hương Sớm mai trút áo bỏ buông Thắm hơn xác pháo phủ đường tiễn dâu. Người ta viết về hoa lộc vừng nhiều tới không đếm nổi, là loài hoa tượng trưng cho may mắn, cho mĩ miều, cho tình yêu thuỷ chung như sự tích ông bà kể lại, lại cũng là man dại, kiêu sa. Riêng tôi, mỗi lần bần thần lộc vừng vào mùa hoa, chẳng biết vì sao tôi lại thấy buồn, buồn như có thể khóc lên ngay lập tức; như có một chiều cô gái cởi váy cưới ở sân trước, một mình rơi nước mắt xuống những chiếc bát ngất ngư trong chậu ở sân sau. Vì sao ư? Tôi không biết. Tôi luôn có những tưởng tượng hoang tàn với màu đỏ, cho nên lộc vừng đỏ cũng không ngoại lệ bị gạt ra. Có lẽ bởi vì, sinh thời anh trai tôi mang về một cây lộc vừng và nói, "anh trồng cây hoa đỏ này, sau này em gái anh lớn, chờ người và hoa cùng nở, hái hoa vào thêu lên váy em mang." Váy đỏ bắt mắt, hoa đỏ người cứ khiến phải quay đầu. Mặc dù chơi hoa lộc vừng cũng phải kiên nhẫn giống như chờ hoa quỳnh nở vậy. Khi phía bên kia đồi mặt trời không còn gay gắt nắng, đàn chim chậm rì chao nghiêng về chân núi, hoàng hôn lảng bảng hững hờ rơi; thì phía bên này – nơi ven hồ mặt trời ai xô ngã vào nước lăn tăn hồng tươi, con cá trắm phi thân đớp ngọn cỏ lả lơi – những chùm lộc vừng tưởng như ủ rũ cả ngày bắt đầu rục rịch, chầm chậm rũ sợi, len lén tỏa hương. Từng chút từng chút bung tròn rồi thả dài, tới khi nắng tắt, cũng nhuộm đỏ cả một khoảng trời, cũng níu đỏ cả một lòng người, mắt say không nỡ chớp, chỉ sợ gió lướt qua nhẹ tênh một cái, nhành hoa run rẩy, rụng đầy dưới chân. Ngắm hoa lộc vừng nở cần một tâm hồn ưa phiêu bạt, một cái cổ không biết mỏi, và một chiếc mũi không bị viêm xoang. Bởi vì khoảnh khắc khi những dải sợi xanh bắt đầu xoè chấm tròn luồn kim chuẩn bị may áo cưới, ta sẽ thấy được giây phút thăng hoa nhất của cả một đời hoa, ta sẽ không thể không ngẩng đầu như bị đóng đinh trên thánh giá, lại càng không ngừng hít lấy hít để những sợi hương thơm dịu, đằm mình trong từng bông thắm, bện xoắn lấy cả đất trời. Hương lộc vừng không nồng, không ngọt ngấy, cánh hoa rực rỡ là vậy mà mùi hương lại đối lập ít nồng nàn. Vừa đủ để nâng mũi hít thêm nhiều lần nữa, vừa đủ để thấy lòng yên lại, dịu ngoan. Nếu có thêm chiếc máy ảnh, quay chậm lại khoảng thời gian tuyệt vời này, nhất định đó sẽ là một thước phim để đời của riêng kẻ yêu hoa có tấm lòng lang bạt. Một bông, mười bông, một chùm, mười chùm, một sợi, ngàn sợi.. Mắt không đếm kịp, tay không ôm hết, cả một vòm rộ đỏ, cả một rừng chuông hoa. Trong đêm tối, gió sẽ đung đưa nhẹ, côn trùng sẽ cùng hòa ca. Nếu có thêm tri kỷ, ngồi pha một tách trà dưới những chiếc chuông hoa ấy, thi vị đủ cả, ngắm hoa thưởng trà, thi nhân ngày xưa chắc cũng chỉ cầu có vậy. Lãng mạn cũng từ đó mà sinh ra. Chỉ một đêm thôi, thưởng thức cho đã đời sắc màu của mộng mị. Ngủ một đêm ngon giấc, sáng hôm sau muốn ngắm hoa rụng phải dậy trước năm giờ. Không cần gió thổi, không chờ bình minh. Từ xa đã phải ngỡ ngàng trước những thảm hoa dày đặc, đỏ như máu, đỏ như pháo, đỏ như son môi cô gái trẻ. Bán kính xung quanh cây, bán kính cây nghiêng trên mặt hồ, nơi nơi phủ kín. Chỉ một đêm thôi, chỉ còn trơ lại trên cành những nhuỵ hoa cứng cáp, những li ti đỏ vụn, những run rẩy mảnh tơ, đều đã một lần trút xuống sạch trơn, im lặng đợi chờ, chờ chân ai bước đến. Đừng giẫm lên mà tội, đừng trách vội mà đau. Nếu như chiếc thảm đỏ ấy được bện chỉ thành hình, được nhẹ nhàng cẩn trọng nâng lên, được dịu dàng khoác vào vai cô gái nhỏ còn đang ngơ ngác trước tạo hóa, ta liền có được một cô dâu. Nhớ nhặt một bông hoa ấy lên cài trên đầu. Chỉ thế thôi, buổi sớm này không cần khăn voan trắng. Chờ một lát mặt trời mọc, những tia nắng đầu ngày lười biếng rọi tới, thấy mình đi lạc hồn ai. Năm đó tôi cưới vào cuối thu, khi sương trắng đã chạy một hơi dài, mà lộc vừng hoa từ lâu đã cạn. Chỉ nhớ tôi đã đi qua mười mấy lần tháng sáu, tháng bảy, mấy trăm con đường người ta trồng lộc vừng làm cảnh, cũng mười mấy mùa chứng kiến hoa rơi dệt áo, dệt rồi chẳng tặng cho ai. Bởi kiếp hoa không dài, người lại không thể chờ nổi một đêm trời lặng gió. Anh trai tôi không đợi được cùng tôi ngắm hoa lộc vừng nở, người tôi thương không đợi được cùng tôi chứng kiến khoảnh khắc lộc vừng tàn. Vế trước buồn diễm lệ, vế sau sầu đa đoan. Ngày ấy tôi không biết vì sao váy cô dâu phải cài lên hoa đỏ, ngay cả lớn lên, đọc qua bao nhiêu sách tôi cũng không thấy phong tục nơi nào như vậy bao giờ. Tôi tạm gọi điều này là phong tục của anh trai. Anh tôi yêu chiều tôi theo cái cách mà mỗi người anh cả không mang trong mình tế bào nghệ thuật, vắt kiệt cả não mới nghĩ ra được một điều nhỏ nhoi con gái, dỗ dành em gái được vui. Cho nên, tôi cứ thương nhớ mãi cây lộc vừng của anh tôi không bao giờ kịp nở hoa mùa ấy. Khi anh tôi mất, bằng một sự tâm linh nào đó, cây cũng rũ lá trước trời. Để bây giờ, ngay cả khi có thể tự mình mặc váy cưới không vì một người đặc biệt nào cả, tôi vẫn muốn chọn cho mình tháng sáu; tự mình ghim những li ti đỏ, mềm mại đỏ, thương nhớ đỏ, của một mùa hè không trở lại, của cây lộc vừng không sống lại, của trái tim anh tôi chẳng trở về, của những mùa lộc vừng ngắn ngủi, nhưng lòng tôi vẫn luôn bất tận, dài lê thê.. Nguồn: Lộc vừng dệt áo cô dâu - Tản văn hay