Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm văn học (kịch bản văn học) hoặc tác phẩm nghệ thuật (bộ phim)

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Lê Tấn Lộc, 14 Tháng sáu 2024.

  1. Lê Tấn Lộc

    Bài viết:
    20
    YẾU TỐ ĐẶC SẮC VỀ CỐT TRUYỆN VÀ HỆ THỐNG NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN TÂY DU KÝ

    Nói đến văn học cổ điển Trung Hoa người ta thường kể: Tản văn bách gia, thơ Đường, từ Tống, kịch Nguyên, tiểu thuyết Minh Thanh. Quả vậy, Minh Thanh (thế kỷ 14 – 19) là thời kỳ phồn vinh của tiểu thuyết, nói cho chính xác là kể truyện kể chương hồi. Có thể thấy ở đây loại truyện lịch sử, căn cứ chút ít vào sử sách rồi phát triển hư cấu thêm, mà Tam quốc là tác phẩm tiêu biểu; loại truyện anh hùng nghĩa hiệp, viết về cuộc đời các hảo hán phi thường mà Thủy hử là tiêu biểu; loại truyện thần tiên ma quái mà Tây du ký là tiêu biểu; loại truyện thế cố nhân tình mà Hồng lâu mộng là tiêu biểu. Trong kho tàng hơn 300 bộ trường thiên tiểu thuyết đó, Tây du ký có một vị trí đặc biệt. Đó là tác phẩm lãng mạn mang sắc thái thần thoại hiếm có trong lịch sử văn học cổ điển Trung Quốc.

    Tây du ký kể chuyện Tôn Ngộ Không cùng với Trư Bát Giới và Sa hòa thượng phò Đường Tăng sang phương Tây (Ấn Độ ở về phía Tây Trung Quốc). Đường đi gặp biết bao gian nan trắc trở, tổng cộng 81 nạn, cuối cùng đến được xứ sở của Phật tổ, mang kinh Phật truyền bá về phương Đông. Với một cốt truyện như thế, phải chăng Tây du ký chỉ là truyện hài hước, "đùa cợt với đời" chẳng bao hàm một ý nghĩa sâu xa nào cả ". Một tác giả suốt đời long đong lận đận, luôn luôn bất mãn với hiện thực, nhất định không thể cặm cụi hoàn thành tác phẩm lớn của mình vào những năm cuối đời mà không nhằm một mục đích nghiêm túc nào. Cứ so sánh khuynh hướng tư tưởng của câu chuyện Tây du ký trong thoại bản và tạp kịch với Tây du ký thì đủ rõ Ngô Thừa Ân không đơn thuần làm công việc sưu tầm và sao chép để tiêu khiển. Dưới ngòi bút của ông, truyện Tây du đã có nhiều thay đổi cơ bản. Có thể thấy từ ba mặt sau. Thứ nhất, tác giả đã khắc họa hình tượng nhân vật trong tác phẩm đặc trưng cho những đức tính khác nhau của con người. Phải chăng" Tây du là điển hình một con người. Tam Tạng điển hình cho lý trí, Tề Thiên điển hình cho sức mạnh, Bát Giới điển hình cho tham lam, lười biếng. Sa Tăng cho sự nhân hậu, chất phác. Bốn đức tính ấy họp thành con người mà đường đi thỉnh kinh là đường đời, lý trí điều khiển được cả ". Nếu coi đây là ý nghĩa suy rộng của Tây du ký thì hoàn toàn thuộc quyền mỗi độc giả – một tác phẩm lớn thường có những vang động khác nhau đối với những loại độc giả khác nhau. Nhưng nếu coi đây là giá trị cơ bản của Tây du ký thì hoàn toàn không ổn. Trên thực tế, nó đã tách tác phẩm văn học khỏi bối cảnh xã hội, khỏi hoàn cảnh cụ thể của nhà văn, bởi vậy nó không giải thích nổi tia hồi quang của triều đại chuyên chế nhà Minh còn in đậm nét trong tác phẩm. Một tác phẩm văn học dù lấy đề tài từ trong lịch sử xa xưa, từ cuộc sống những xứ sở xa lạ thì vẫn là sản phẩm của một tác giả cụ thể. Sống trong một hoàn cảnh cụ thể dù ít dù nhiều, dù gián tiếp, dù trực tiếp, nó vẫn mang hơi thở của thời đại nhà văn đang sống. Huống hồ Ngô Thừa Ân lại là người bất mãn sâu sắc với thời cuộc và thường mượn văn chương để tỏ bày tâm sự. Hiểu Tây du ký là con người với tất cả những thói xấu và khả năng chiến thắng thói xấu của nó, thì cũng chẳng khác gì khẳng định tác phẩm này không cần có quê hương, không cần có năm sinh tháng đẻ, nó treo lơ lửng trên mọi thời gian và không gian. Vả lại, con đường thỉnh kinh mà tác giả mô tả cụ thể, sinh động, đâu có phải chỉ có cản trở là dục vọng và sự lười biếng; thắng lợi của cuộc Tây du cũng đâu phải chỉ do một mình Tam Tạng quyết định. Cách hiểu này do đó vừa thoát ly hoàn cảnh xã hội đẻ ra tác phẩm, vừa thoát lý nội dung cụ thể của tác phẩm. Đó là một lối suy diễn gượng gạo, mang màu sắc xã hội dung tục.​

    Thứ hai, thông qua cốt truyện đặc sắc tác giả đã khắc họa nên hiện thực xã hội phong kiến thời Minh lúc bấy giờ. Tác giả đã dành 7 hồi đầu để ca ngợi hành vi nổi loạn của Tôn Ngộ Không, dẫn mọi người đi đến kết luận: Chỉ có phản kháng, đấu tranh mới giải quyết được bất công ngang trái. Tôn Ngộ Không nêu khẩu hiệu: Thay nhau làm vua, sang năm đến lượt ta. Nếu trên lịch sử Trung Quốc không có những cuộc khởi nghĩa nông dân quy mô lớn, có lúc lật nhào một triều đại, thì không thể tưởng tượng nổi một Tôn Ngộ Không với khẩu khí ngang tàng như vậy. Đó cũng chính là tiếng vang động của phong trào nổi dậy của nông dân đời Minh. Thực tế từ Minh Hiến Tông đến Minh Thánh Tông biết bao cuộc khởi nghĩa nông dân đã nổ ra và nhất định có ảnh hưởng đến tác giả. Mới nhìn qua, tưởng như Tôn Ngộ Không đã quấy phá bừa bãi không có lý do rõ rệt. Kỳ thực đâu phải vậy. Bằng hình thức quanh co, tác giả cho chúng ta thấy nguyên do nổi loạn là hiện thực đen tối, vua quan thối nát. Thái độ của Ngọc hoàng thượng đế đối với Tôn Ngộ Không là một ví dụ. Vừa nghe lời tâu thiên vị của Long vương và Địa tạng vương đã lật đật hạ chỉ đánh dẹp. Đến chừng nghe Thái bạch kim tinh phân tích lý lẽ lại xuống chiều chiêu an, phong cho Tôn Ngộ Không chức Bật mã ôn hữu danh vô thực để cầm chân. Đến khi Tôn nổi giận bỏ về núi Hoa Quả, Thượng đế sai binh tướng đánh dẹp không nổi, bất đắc dĩ phải phong làm: Tề Thiên đại thánh". Thái độ hẹp hòi, mềm nắn rắn buông đó, có khác gì cách cư xử của vua quan nhà Minh với viên thừa lại một huyện nhỏ như Ngô Thừa n? Rồi sao Mộc lang xuống trần bắt gái, rồi các đệ tử nơi cửa Phật đòi tiền hối lộ người thỉnh kinh. Đó là hiện thực nơi cung trời, nơi cửa Phật, cũng chính là hiện thực xã hội đời Minh. Trong tác phẩm còn biết bao ma quỷ, thú dữ, trùng độc, cũng nham hiểm quỷ quyệt chẳng khác gì con người, nhờ tu luyện giỏi, có con biến thành kẻ quân tử, có con biến thành mỹ nữ, có con thành nhà thuyết giáo. Đó chính là hình bóng bọn cường hào, ác bá, quan lại, văn nhân học sĩ nhan nhản trong đời sống hiện thực. Tác giả không chỉ dừng lại ở sự châm biếm quanh co. Có thể tác giả đả kích thẳng vào đời sống hiện thực. Trên đường thỉnh kinh, tác giả dựng lên 9 nước trần gian, trong đó nhiều nước vua vô đạo, quan văn võ bất tài. Ví dụ, vua nước Xa Trì tôn ba con yêu quái hóa thành đạo sĩ làm quốc sư, chúng có thể "lên điện không lạy vua, xuống điện không chào chúa", vua nước Tỳ Khưu thì tin vào thuốc trường sinh luyện bằng 1111 bộ tim gan trẻ con. Tuy tên gọi khác nhau nhưng tình trạng thối nát nói ở đây, so với hiện thực đời Minh cũng chỉ là một.

    Thứ ba, Tây du ký còn phản ánh lý tưởng tự do bình đẳng cũng như tinh thần khắc phục khó khăn, chiến thắng thiên tai nhân họa để thực hiện bằng được lý tưởng của nhân dân và tầng lớp thị dân mới trỗi dậy đương thời. Tuy kể chuyện nhà sư đi tìm thầy học đạo, nhưng tác giả không coi đạo Phật như một giải pháp chính trị để xóa sạch bất công ngang trái, để giải phóng con người. Về mặt này, tác giả chịu ảnh hưởng rõ rệt khuynh hướng tư tưởng của các truyền thuyết về chuyện Tây du vốn lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Theo dõi thái độ của tác giả đối với hai nhân vật Đường Tăng và Tôn Ngộ Không thì rõ. Dưới ngòi bút của tác giả, Đường Tăng là một hòa thượng ngây thơ, muốn thực hiện lý tưởng sống không có biện pháp gì khả thủ. Trái lại, Tôn Ngộ Không với cây thiết bổng trong tay đã mở đường máu để đi tìm lý tưởng. Không làm như y thì không thể đạt mục đích. Nhiều lần nhà sư đã rầy la y về chuyện sát sinh, nhưng đã bất chấp giới luật nhà Phật, và rõ ràng y đúng. Y cũng quy y Phật pháp, cũng mặc áo cà sa, nhưng tư tưởng và hành động của y thì rõ ràng đi ngược hẳn giáo lý nhà Phật. Bởi vậy, đạo Phật ở đây cũng chỉ là biểu tượng của tự do, bình đẳng, bác ái nói chung mà thôi. Đó là tư tưởng chính trị và quan niệm đạo đức của nhân dân được thể hiện dưới cái vỏ tôn giáo. Là "thuốc phiện tinh thần của nhân dân", mọi thứ tôn giáo đều nói đến tự do, bình đẳng, bác ái. Các thần tượng tối cao của các loại tôn giáo đều ban phát tình thương yêu như nhau cho mọi người, đều mở rộng cửa thiên đường để đón tiếp các linh hồn tội lỗi. Trong xã hội mà cường quyền và bạo lực thống trị, nhân dân vẫn mượn ảo tưởng tự do, bình đẳng, bác ái đó để đối lập với bất công ngang trái trong cuộc đời. Ở chỗ này tác giả đã tiếp thụ quan điểm của nhân dân – những người đã lưu truyền và không ngừng sáng tạo thêm các truyền thuyết về công cuộc Tây du. Lý tưởng tự do, bình đẳng, bác ái cũng như tinh thần táo bạo, bất chấp mọi khó khăn, gian khổ để thực hiện lý tưởng đó, cũng phản ánh những ước mơ sôi nổi của tầng lớp thị dân mới trỗi dậy thời bấy giờ. Đó là tư tưởng dân chủ sơ khai, hình thành trong thời kỳ các nhân tố kinh tế tư bản chủ nghĩa đã nảy mầm. Lý tưởng mới mẻ cũng như tinh thần năng nổ táo bạo đó, đã tạo nên màu sắc dân chủ ít thấy trong những tác phẩm trước kia.

    Ngôn ngữ Tây du ký lưu loát, mang màu sắc khẩu ngữ linh hoạt, sáng sủa. Tác giả đã thành công trong yêu cầu cá thể hóa ngôn ngữ nhân vật, đặc biệt là ngôn ngữ của Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới. Ví dụ: Khi Tôn Ngộ Không bị Thái Bạch kim tinh dẫn đến yết kiến Ngọc hoàng thượng đế, Ngọc hoàng hỏi: "Kẻ nào là yêu tiên?". Tôn liền đáp: "Lão Tôn ta đây!". Bốn tiếng đó đúng là khẩu khí ngang ngạnh xem thường quyền uy của Tôn. Lại như khi ở núi Vạn Thọ, Đường Tăng hỏi ba đồ đệ ai ăn cắp quả nhân sâm, Trư Bát Giới liền tranh nói trước: "Tôi thật thà, không biết, không hề thấy!". Nói "tôi thật thà" để đánh tháo thì cũng chỉ là cách nghĩ nông cạn của Trư Bát Giới. Ngôn ngữ phù hợp với cá tính nhân vật như vậy đã thể hiện rõ tính cách nhân vật và làm cho tác phẩm thêm sinh động, đa dạng.

    Tóm lại, Tây du ký trước hết là một tác phẩm phản kháng mạnh mẽ hiện thực đen tối. Diện phản kháng của tác phẩm rất rộng. Đó là tất cả những gì bất công ngang trái, hủ bại và tàn bạo ở trên trời, dưới đất và giữa trần gian. Mũi nhọn của sự chống đối đó, trước hết nhằm vào hiện thực xã hội thời Minh, một xã hội mà cường quyền và bạo lực thống trị, một xã hội đầy rẫy bất công ngang trái mà chính tác giả là nạn nhân. Sức tưởng tượng mạnh mẽ của tác giả đưa người đọc vào một thế giới huyền ảo, diệu kỳ. Đọc Tây du ký chúng ta gặp hết việc ly kỳ này đến việc ly kỳ khác, không thể đoán trước được. Mỗi hồi mỗi đoạn đều mới mẻ và hấp dẫn, không chỗ nào giống chỗ nào. Tất nhiên, thế giới huyền ảo đó đã được miêu tả căn cứ vào hiện thực. Tác giả làm cho chúng ta vừa kinh ngạc vừa cảm thấy gần gũi. Điều đó là công phu quan sát, khám phá hiện thực của tác giả.​
     
    Chỉnh sửa cuối: 14 Tháng sáu 2024
Trả lời qua Facebook
Đang tải...