Đề bài: Viết văn bản nghị luận về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên trong truyện ngắn đã học

Thảo luận trong 'Bài Sưu Tầm' bắt đầu bởi Lê Tấn Lộc, 18 Tháng sáu 2024.

  1. Lê Tấn Lộc

    Bài viết:
    20
    [​IMG]

    Bài làm

    "Muối của rừng" : Lòng trắc ẩn muộn màng của con người trước tự nhiên​

    Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã từng chia sẻ về truyện ngắn "Muối của rừng" như thế này: "Muối của rừng là cuộc đi săn tìm lẽ sống, lẽ đời.. Cuộc sống là cuộc đi săn tìm thói xấu trong bản thân ta để tự mình trục độc, tự mình thoát thân từ khỉ thành người..". Tác phẩm đậm tính nhân văn xoay quanh nhân vật Diểu-người đàn ông chuyên đi săn thú rừng. Tác giả đã thành công trong việc miêu tả diễn biến tâm lý phức tạp của ông Diểu từ khi nhìn thấy con mồi cho tới lúc chứng kiến tình cảm giữa cặp khỉ hoang cùng ánh mắt cầu xin của chúng. Đó là một cuộc chiến âm thầm nhưng không kém phần dữ dội, quyết liệt giữa con người với thiên nhiên và quan trọng hơn là trong chính nội tâm con người. Dĩ nhiên, mọi phép màu chấm dứt cuộc xung đột dai dẳng giữa con người và thiên nhiên không nằm trong trí tưởng tượng mà thuộc về những hành động cụ thể. Điều đó càng thúc đẩy văn chương hôm nay bớt đi sự vội vàng, lãng mạn thêu dệt tình yêu môi trường. Nó đã thể hiện nỗi lòng hi vọng, bàn luận vấn đề một cách tha thiết có tầm viễn kiến của nhà văn "bốc trần" thực trạng về nạn săn bắn thú rừng hoang dã của con người hiện nay.

    Với kỹ năng viết bậc thầy, qua "Muối của rừng", tác giả đã khơi dậy trong lòng người đọc lòng trắc ẩn và tính nhân văn sâu sắc. Đọc xong "Muối của rừng" người ta mới thấy động vật cũng còn biết yêu thương nhau huống chi là con người. Nó cũng có cuộc sống gia đình với vợ, chồng, con cái.. Tính chất kịch hóa câu chuyện trên nền khung cảnh núi rừng đang vào độ xuân ấy, có thể nói, là một thủ pháp cao tay của Nguyễn Huy Thiệp để làm mờ đi những lớp nghĩa mà ông tinh tế gài cắm: Toàn bộ tổ chức xã hội, nhân tính hay văn hóa, văn minh đều lép vế trước thiên nhiên, bị thiên nhiên bóc mẽ, trừng phạt và xóa vỡ ảo tưởng quyền uy, sức mạnh. Với bản tính kiêu hãnh, thống soái, đầy danh vọng, đố kị, khi đối mặt với thiên nhiên loài vật hồn nhiên, trong trẻo, đầy tính nhân bản, con người đã hoàn toàn bị đẩy vào một tình thế thảm bại, bi hài khó tránh khỏi. Thông qua tác phẩm này, nhà văn đề cao sự vị tha, hướng thiện của con người cùng vẻ đẹp của thiên nhiên, tạo hóa.

    Ông Diểu chọn săn khỉ bởi "loài thú này khôn tựa người". Bắn trúng con khỉ đực, nó "ngã nhào xuống đất nặng nề", ông Diểu "sợ hãi run lên" vì "vừa làm điều ác". Nhưng khi thấy con khỉ cái "hy sinh thân mình" để cứu con khỉ đực, ông Diểu lập tức thấy "căm ghét" bởi đó là thứ hành động "chứng minh tấm lòng cao thượng hệt như một bà trưởng giả!". Những phức cảm tâm lí, suy nghĩ chồng chéo bắt đầu đẩy ông Diểu vào trạng thái giằng co, nước đôi giữa ham muốn truy sát và tình thương buông bỏ gia đình con khỉ tinh quái. Chẳng đặng đừng, ông Diểu đã chọn cách băng bó, cứu thương cho con khỉ đực, cái cách mà ông tự nhận do người già "dễ mủi lòng". Sau hết, ông dùng nốt "chiếc quần lót" để cầm máu cho con khỉ, và cứ thế, ông "nồng nỗng" vác con vật đi xuyên rừng. Tình thế ông Diểu bị gia đình đàn khỉ dẫn dắt, tước bỏ gần hết những vật dụng vật chất (quần áo, vũ khí) không những bi hài mà còn cho thấy sự thất bại ê chề của con người khi tấn công thiên nhiên. Trước thiên nhiên, ông muốn dạy cho con khỉ một bài học sống mái nhưng rút cuộc, con khỉ, với tất cả những nỗ lực và chiêu trò của nó, đã đáp trả ông thích đáng. Thiên nhiên không dễ dàng khoác chiến công lên ông vai Diểu mà dần rút tỉa sức lực, ý chí lẫn ham muốn thắng đoạt của ông. Điều duy nhất ông Diểu giành được ở cuộc đi săn tưởng mĩ mãn ấy là nỗi buồn "tê tái đến tận đáy lòng". Ông buồn vì hiểu rằng "trách nhiệm đè lên lưng mỗi sinh vật quả thật nặng nề". Hóa ra, con người đã quá ảo tưởng khi nhấc mình khỏi muôn loài, khi đứng trong danh xưng nhân tính để phủ nhận, loại bỏ cầm thú hoang dã. Nhưng nếu đủ tỉnh táo thức nhận về mình, con người xét đến cùng cũng là một sinh thể nhỏ bé, yếu ớt. Con người cần đến và nên thấu hiểu cả sự bất lực, cảm giác thua cuộc, mùi vị của đau đớn như số phận của muôn vật từng chịu đựng thì mới đủ năng lượng bước đến thanh bình, phong túc.

    Ông Diểu cũng là một người đi săn bại trận khi không những trở về với hai bàn tay trắng mà còn bị mất khẩu súng và trên người không còn mảnh vải che thân. Tuy nhiên, cuộc đi săn đó đã giúp ông nhận ra được nhiều giá trị trong cuộc sống. Thiên nhiên cũng để ông quay lại điểm xuất phát vốn dĩ từng thuộc về con người trước khi sinh vật này tạo dựng xã hội của mình. Ông Diểu "cứ trần truồng như thế, cô đơn như thế mà đi" là hình ảnh sau chót của ông Diểu nhưng cũng có thể hiểu là hình ảnh đầu tiên, khởi nguyên của con người. Chúng cho phép con người, trong nhiều tình huống được hòa mình, thậm chí, được trở thành mình khi trung thực tận đáy với thiên nhiên. Như vậy, cái được lớn nhất mà ông Diểu nhận được từ chuyến đi săn này không phải là con mồi mà ông đã tốn bao công sức để theo đuổi mà là thiên lương của ông đã được gột rửa. Cuộc đi săn đã giúp ông Diểu tìm lại được chính mình, nhận ra điều quan trọng nhất của con người là cần phải sống hòa hợp với thiên nhiên chứ không phải hủy hoại và thống trị nó.

    Rõ ràng đọc văn học Việt Nam hiện nay, ta nhận thấy có một khuynh hướng văn xuôi sinh thái với cảm hứng phê phán trên tinh thần sinh thái và xác lập đạo đức sinh thái. Các nhà văn hiện nay đã thể hiện trong tác phẩm của mình một tư duy sinh thái trong việc nhận diện, phân tích và thể hiện những nỗi đau của con người trong cuộc khủng hoảng môi sinh cũng như hướng con người sống có trách nhiệm với thiên nhiên, biết hòa mình vào tự nhiên để được thanh thản, cân bằng trong cuộc sống. Nhà văn đã dừng lại ngay khi con người và thiên nhiên đều cùng bao dung, tha thứ, hài hòa. Đó là một triết lí thâm sâu cho thời chúng ta đang sống. Những năm qua, vấn đề sinh thái môi trường đang dần trở thành tâm điểm trong hiểu biết của giới nghiên cứu, phê bình và sáng tác văn chương ở Việt Nam. Trong sáng tác, một số tác phẩm có chủ ý hoặc ngẫu nhiên lấy môi trường, thiên nhiên làm đề tài chính để tạo nên dòng mạch văn chương sinh thái. Trong nghiên cứu, phê bình, có hẳn một "phong trào" vận dụng phê bình, xác thực rõ hơn các đóng góp của văn chương khi đối diện các vấn đề gai góc, thời sự của thiên nhiên, môi trường sống. Dẫu hơi muộn màng nhưng văn đàn Việt hôm nay đã không thể cho phép mình đứng ngoài công cuộc rung lên hồi chuông cứu lấy trái đất, thiên nhiên đang dần kiệt quệ.

    Thực trạng phá hủy thiên nhiên hiện nay đang diễn ra nghiêm trọng. Theo Báo cáo Sức sống Hành tinh 2020 của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), trong vòng 50 năm qua, quần thể các loài động vật có xương sống đã suy giảm 68%. Tại Việt Nam, nhiều loài động vật hoang dã đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do bị buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp vì nhiều mục đích khác nhau như làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức. Đặc biệt gần đây, giới trẻ rộ lên phong trào nuôi thú cưng là các loài động vật hoang dã độc, lạ. Tại vườn Quốc gia Tràm Chim - Đồng Tháp, trước đây có khoảng 7.000 cò ốc và hàng chục ngàn chim di cư khác cư ngụ. Nay các loài này gần như vắng bóng, chỉ còn lác đác một số con, một số đàn tìm đến. Minh chứng năm 2019 chỉ có 4 con sếu đầu đỏ bay về, trong năm 2020, gần như không thấy đàn nào di cư về. Tương tự thành phố Cần Thơ, nơi đây vườn chim Bằng Lăng, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt từng được ví là thiên đường chim trời bởi sự đa dạng phong phú các loài chim di cư bay về cư ngụ. Song hiện nay, tại vườn chim này, số lượng chim, đàn bay về quá ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay.

    Muối của rừng "đưa ra lời cảnh báo, nhắc nhở độc giả về những hậu quả khôn lường của việc săn bắn động vật hoang dã. Việc săn bắt chim, thú rừng tuỳ tiện cùng với nạn đốt phá rừng bừa bãi đã phá hoại nghiêm trọng môi trường sống của nhiều loài động vật, làm cho một số loài trở nên hung dữ, gây ra những thảm họa đối với con người. Mất chỗ trú, nhiều đàn chim di cư đến các lùm cây, bụi rậm, các cánh rừng ngập mặn, cánh đồng để trú ngụ và tìm kiếm thức ăn. Đây là cơ hội cho một số tay săn chim bán làm thức ăn mà không biết rằng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao. Một bộ phận người tiêu dùng luôn cho rằng, ăn thịt thú rừng thể hiện đẳng cấp sang trọng. Nhưng đây là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm! Khi thú rừng tiềm ẩn nhiều loại dịch bệnh khó lường trong điều kiện biến đổi khí hậu, môi trường diễn biến phức tạp lại them nhiều ngày đi săn trong rừng buộc tay săn phải dùng hóa chất bảo quản là hiểm họa khôn lường, ảnh hưởng đến sức khỏe, kể cả tính mạng con người. Có lẽ, cả người săn bắt lẫn người tiêu thụ có thể vô tình hay cố ý mà không nghĩ đến vi phạm pháp luật trong bảo tồn, bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm, có nguy cơ vướng vào vòng lao lý. Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp trong và ngoài nước vi phạm săn bắt, tiêu thụ, giam nhốt động vật rừng quý hiếm đã bị phạt tiền và phạt tù.

    Thiên nhiên ban tặng cho chúng ta rất nhiều thứ, vậy mà ta không biết giữ gìn và bảo vệ. Giờ đây, khi môi trường đang dần bị xuống cấp, xuất hiện nhiều" bệnh lạ "hơn, con người mới nhận thức được tầm quan trọng của môi trường. Do vậy, chúng ta phải sống gần gũi, hòa hợp với thiên nhiên; đưa thiên nhiên đến gần với cuộc sống của mình chính là trách nhiệm của mỗi con người. Tại Việt Nam, tội phạm liên quan đến động vật hoang dã ngày càng trở thành mối nguy hiểm lớn cho công tác bảo tồn và phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy đấu tranh phòng chống tội phạm động vật hoang dã dần trở thành ưu tiên số một của các cơ quan thực thi pháp luật. Cần có những biện pháp nào để xử lí vấn đề săn bắn động vật hoang dã? Trước tiên cần bổ sung" hành vi sử dụng động vật hoang dã "vào nhóm đối tượng các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã nhằm hạn chế nhu cầu, thói quen sử dụng, tiêu dùng động vật hoang dã bất hợp pháp của một bộ phận người dân. Hơn nữa, về lâu dài, cần xây dựng luật riêng về bảo vệ động vật hoang dã. Cần tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, đồng thời đẩy mạnh sự phối hợp liên ngành trong hoạt động phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm giữa các cơ quan thực thi pháp luật như kiểm lâm, hải quan, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, an ninh hàng không, Interpol.. Bên cạnh đó, cần xây dựng bộ cẩm nang nhận diện các loài động vật hoang dã được pháp luật bảo vệ, giúp các cơ quan chức năng giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm hiệu quả hơn. Hơn cả là sự tham gia của cộng đồng có vai trò quan trọng trong quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã. Các tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước kêu gọi cộng đồng tham gia bảo vệ, nâng cao nhận thức về các nguy cơ liên quan đến hành vi săn bắt, tiêu thụ thịt động vật hoang dã nhằm giảm nhu cầu về mua bán.

    Xét về cơ bản, văn chương không thể đưa ra một giải pháp mang tính khoa học kỹ thuật cho thảm họa môi trường, ít có vai trò trong việc bảo vệ hệ sinh thái. Tuy nhiên, điều văn chương có thể làm là xóa bỏ những định kiến về sự đối đầu với thiên nhiên, tách con người khỏi vị trí tối cao để loài người có thể tái sinh và trở thành những người bạn của Trái đất." Muối của rừng"của tác giả Nguyễn Huy Thiệp đã phản ánh lên nạn săn bắn thú rừng hoang dã hiện nay cũng như đưa ra giải pháp cho tất cả chúng ta: Trước khi nói tới chính sách, tới bền vững, tới bảo tồn, hãy thay đổi những định kiến, nhận thức trong bản thân mỗi người. Khi ấy, ta sẽ thấy mình trong thiên nhiên, và thấy thiên nhiên trong mình. Ta thường nghĩ trọng trách cứu thiên là của các tập đoàn, các tổ chức quốc tế, và các nhà khoa học mà không biết rằng văn chương và nghệ thuật có vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh vì một môi trường sống trong sạch hơn. Vậy nên, thay đổi nhận thức của con người về thiên nhiên là điều cần thiết. Hãy yêu thiên nhiên để lòng mình được thảnh thơi, yên bình.
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...