Con cái cho cha mẹ nhiều hơn hay cha mẹ cho con cái nhiều hơn? Chào mọi người! Lagan đây. Chuyện là hôm nay mình vô tình đọc được một bài viết với chủ đề "lòng hiếu thảo". Đoạn cuối tác giả có gợi ra rằng: "Cha mẹ là lá, cũng là cội, con cái là cội, cũng là lá, vậy rốt cuộc, ai cho ai?" Sau khi đọc một vài comment dưới bài, mình thấy rất nhiều ý kiến rằng con cái và cha mẹ có mối liên hệ ngang bằng nhau, cùng bổ sung, hỗ trợ và phát triển nhau; cũng có ý kiến rằng cha mẹ là cái lớn nhất, con cái muôn đời nợ cha mẹ; cũng có người nói rằng cha mẹ mới là người nợ nần con cái. Theo Bạn, bạn nghĩ sao về điều này?
Mình nghĩ rằng cha mẹ cho con cái nhiều hơn tuy vẫn suy nghĩ rằng "Sinh con rồi mới sinh cha. Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông". Nhưng vấn đề không phải ai cho ai nhiều hơn mà là đâu mới là khởi nguồn, là điểm bắt đầu. Cha mẹ mình sinh mình ra, cho mình cuộc sống, nuôi nấng dạy bảo dìu dắt mình đi trong cuộc đời. Mình lớn lên có con lại chăm chồng vợ con. Cha mẹ già héo chưa kịp báo hiếu thì các cụ đã ra đi. Như vậy thật tiếc nuối. Nên nếu yêu cha mẹ hãy thể hiện bằng hành động hoặc lời nói và báo hiếu ngay đi. Đừng để cha mẹ mất rồi chỉ còn nắm tro thì đốt cho tiền vàng cũng phí hoài mà thôi.
Mình cũng đồng tình với quan điểm của bạn! Đúng như bạn nói, cha mẹ là người đã sinh ra chúng ta, nuôi dưỡng chúng ta để chúng ta lại sinh thành và nuôi nấng những đứa con của mình. Tuy nhiên, cha mẹ chăm bẵm con cái thì con cái cũng là nguồn động viên tinh thần, niềm vui trong cuộc sống của cha mẹ. Khi cha mẹ lớn, những người con cũng sẽ chăm sóc cha mẹ. Vậy thì việc cho đi và nhận lại giống như một quá trình trong đó cha mẹ và con cái ĐỔI CỰC cho nhau vậy. Khi còn nhỏ, cha mẹ chu cấp tiền bạc, thời gian chăm sóc các con thì khi cha mẹ lớn tuổi, con cái cũng sẽ dành công sức, tiền của để báo hiếu cha mẹ, còn về phần tình cảm thì nó đã đi cùng với cha mẹ và con cái trong suốt chặng đường đời rồi. P/s: Câu hỏi này rất hay nhỉ? Mong được đọc suy nghĩ của các bạn ghê!
Mình nghĩ rằng cha mẹ cho con cái nhiều hơn đó. Chỉ riêng việc bố mẹ đã sinh thành ra mình cho chúng ta sự sống đã là điều vô cùng lớn lao mà ta không thể làm được cho bố mẹ rồi. Mình tính trung bình một người bình thường nhé, ít nhất cũng phải đến năm 22 thì chúng ta mới gần như học hành các thứ xong xuôi hết đi ra ngoài kiếm tiền tự lập. Vậy là bố mẹ lại phải mất thêm 22 năm để nuôi dưỡng chúng ta. Rồi sau này kể đến trường hợp các bạn có con cái, các bạn bận đi làm bố mẹ lại còn phải phụ giúp chúng ta chăm sóc cháu. Ngược lại, chúng ta làm được những gì cho bố mẹ khi mới lớn chúng ta bận rộn với công việc, với các mối quan hệ khi mới bước vào đời. Chúng ta có chắc sẽ báo hiếu được tốt cho cha mẹ rồi sau này khi có con cái chúng ta lại bận rộn với con cái của mình và không thể tận tâm chăm sóc bố mẹ. Đấy là chưa kể đến trường hợp nhiều bố mẹ tuy cuộc sống không dễ dàng gì nhưng vẫn luôn muốn có của để lại cho con cháu.
Đây quả thực là một vấn đề mà chắc chắn ai cũng sẽ từng nghĩ quá ít nhất một lần trong đời. Vai trò của cả cha mẹ và con cái đều rất quan trọng để tạo nên một gia đình. Đầu tiên là ơn sinh thành, không ai có thể phủ nhận công lao to lớn của cha mẹ. Họ cho ta hơi thở, cho niềm vui, tất nhiên cũng cho cả nỗi buồn. Nhưng như thế chúng ta mới có thể thực sự trở thành một con người hoàn chỉnh. Tiếp theo là về cha mẹ. Để nuôi dưỡng con cái, họ quả thực đã bỏ ra rất nhiều. Nhưng đổi lại họ cũng có niềm vui cho riêng mình vì họ có gia đình. Tình cảm của con người rất phức tạp, đôi khi lại rất đơn giản. Trước đây thực ra mình đã từng hỏi mẹ: "Mẹ ơi, tại sao nuôi con khó khăn thế mà mẹ vẫn kiên trì được cho đến bây giờ?" Mẹ mình không có trả lời mình câu hỏi này tại mình và mẹ đều không phải người giỏi bày tỏ tình cảm. Nhưng mình vẫn nhớ từng than vãn với mẹ một câu: "Còn cảm thấy nợ mẹ quá nhiều.." Mẹ mình đã trả lời: "Mẹ không muốn con mắc nợ ai cả, còn chỉ cần nợ mẹ là đủ rồi" Mẹ còn nói ngày bé mẹ thiếu thốn rất nhiều thứ nên mẹ đang cố gắng bù đắp cho mình những thứ ấy. Phải nói mình cũng giống như một hi vọng, một cuộc đời mới của cha mẹ vậy. Tất nhiên sẽ có những người không may mắn, hối hận nhưng mình sẽ không nhắc đến vấn đề này. Với cha mẹ và con cái, mình nghĩ không nên nói đến chữ mắc nợ. Đã là một gia đình thì đã là cái duyên rồi, rồi cần gì phải so đo tính toán? Chỉ hơn nhau ở chỗ mình có thể bình tĩnh ngồi lại với nhau giải quyết vấn đề hay không thôi.
Mình nghĩ rằng hầu hết mọi người đều sẽ nghĩ theo chiều xuôi, đó là cha mẹ nuôi con, rồi con nuôi con của con. Điều đó đúng, nhưng còn ngược lại thì sao: Con cái nuôi cha mẹ, cha mẹ nuôi cha mẹ của cha mẹ. Mình đồng tình với ý kiến của @Chang Đàm, bố mẹ sinh ra chúng ta là điều vô cùng lớn lao và chúng ta không thể sinh ngược lại cha mẹ, thế nhưng trước khi trở thành bố mẹ, thì bố mẹ cũng chỉ là những người con. Tính theo số liệu bạn đưa ra một chút, nếu năm 22 tuổi con cái mới có thể tự kiếm cái ăn (giả sử cha mẹ sinh con năm 25 tuổi), khi con 22 cha mẹ 47 và tuổi thọ của cha mẹ rơi vào khoảng 70-80 tuổi. Tức là con cái có thể phụng dưỡng cha mẹ 23 - 33 năm. Khi con cái có gia đình của riêng mình, cha mẹ phải ở một mình thui thủi, việc có cháu bồng bế vừa là gánh nặng nhưng nhiều hơn đó là niềm vui, vì làm gì có người ông, người bà nào không thương cháu. Đặc biệt là khi về già, sống cô đơn thì còn mong có tiếng cười tiếng nói trẻ con trong nhà hơn bao giờ hết. Mình đồng tình với bạn rằng con cái cũng có thể vì công việc mà bỏ quên mất những đấng sinh thành của mình. Nhưng bạn có chắc rằng cha mẹ không bỏ rơi cha mẹ của cha mẹ không? Nó giống như luật nhân quả ấy. Nếu cha mẹ phụng dưỡng, chăm sóc cho ông bà, trở thành tấm gương tốt cho con cái thì dù khi lớn lên, con cái bận rộn đến đâu cũng sẽ nhớ về cha mẹ. P/s: Phản bác và chứng minh mình sai đi nào mọi người
Mình đồng ý với quan điểm này, dù sao không phải cha mẹ hay con cái nào cũng tốt. Đôi lúc còn liên quan đến môi trường và hoàn cảnh sống của người ta nữa.
Câu trả lời của bạn làm mình bất ngờ ghê. Ngồi nghĩ mãi mới ra một vài luận điểm phản bác nè! Trước hết thì về vai trò của cha mẹ và con cái, mình đồng tình với bạn. Thế nhưng nói về MẮC NỢ, mình nghĩ không thể nào không nợ nhau được rồi. Trong Phật pháp có đoạn rằng có duyên, có nợ thì mới gặp được nhau, gặp gỡ kiếp này để trả duyên cho kiếp trước. Mình vẫn luôn tin là như thế và niềm tin ấy làm mình có được sự RÀNG BUỘC nhiều hơn. Nếu như không có nợ nần, há chẳng phải người dưng, chỉ khi còn NỢ, tức nợ tình, nợ nghĩa, nợ đời thì mới song hành cùng nhau, để mà TRẢ NỢ. Bạn cũng đã nói, ngày bé mẹ thiếu thốn, nên mẹ mong con được đủ đầy, đó cũng chính là một loại duyên nợ, nợ mẹ trả con, NỢ không xấu, vì NỢ mang một hi vọng, một cuộc đời và một đức tin cho con người. Thực ra đôi lúc nói đến hai chữ MẮC NỢ cũng giải quyết được nhiều vấn đề lắm chứ. Mỗi khi có xung đột, có thể trong lúc vô tình gợi lại những hồi ức, những lời hứa với nhau từ khi còn yêu đương, hay từ khi còn thơ bé để mà nhìn lại bản thân, rồi soi chiếu vào con, vào cha mẹ để mà hành xử. Mình không nhất thiết phải NGỒI để giải quyết, ta có thể ĐỨNG LÊN để nói chuyện kia mà
Ha ha, cá nhân mình thì không tin vào Phật pháp hay kiếp sau kiếp trước cho lắm. Nhưng quả thật mình đã suy nghĩ theo hướng chủ quan nhiều hơn. Cái này là mình thiếu sót rồi.
Trong phần trả lời trên của mình cũng là ý kiến chủ quan, còn thiếu sót, bạn có thể bổ sung thêm ý kiến của bạn không? Mình muốn được đọc ý kiến của bạn, sẽ lại thật bất ngờ cho xem