Phân tích khổ 1 bài thơ Bếp lửa Bằng Việt

Thảo luận trong 'Cần Sửa Bài' bắt đầu bởi magic.vacation, 29 Tháng bảy 2023.

  1. magic.vacation

    Bài viết:
    12
    Phân tích khổ 1 bài thơ Bếp lửa Bằng Việt (Bếp lửa khơi nguồn hồi tưởng cảm xúc về bà)

    Bài làm

    Bài thơ "Bếp lửa" của Bằng Việt đã khắc họa chân thật hình ảnh người bà gắn liền với những kỷ niệm trong quá khứ để từ đó tác giả bộc lộ tâm trạng nhớ nhung cùng với những tình cảm yêu thương xen lẫn cảm phục của mình đối với người bà thân yêu. Đây là những vần thơ, câu thơ tha thiết của Bằng Việt gợi thương, gợi nhớ trong lòng tuổi thơ chúng ta. Tình cảm và những kỉ niệm về bà được khơi gợi từ hình ảnh bếp lửa. Ở nơi đất khách quê người, bắt gặp hình ảnh bếp lửa, tác giả chợt nhớ về người bà.

    Ở phương xa, người cháu luôn hướng về quê nhà, nơi có gia đình, có người thân yêu, có bà và có cả những kỉ niệm ầu ơ khi còn nhỏ. Và dòng cảm xúc hồi tưởng ấy được bắt đầu từ hình ảnh "bếp lửa" yêu thương:


    "Một bếp lửa chờn vờn sương sớm.

    Một bếp lửa ấp iu nồng đượm.

    Cháu thương bà biết mấy nắng mưa."

    Ba câu thơ đầu nói lên hai nỗi nhớ: Nhớ bếp lửa, nhớ thương bà. Nhà thơ nhớ về những kỉ niệm gắn với hình ảnh "bếp lửa" : "Một bếp lửa chờn vờn trong sương sớm". Từ láy tượng hình "chờn vờn" thật sống động, gợi lên ngọn lửa không định hình khi to khi nhỏ, khi lên khi xuống nhưng rất mạnh mẽ, ánh lửa cháy bập bùng được nhìn qua làn sương mỏng giăng giăng buổi sớm. Sử dụng hình ảnh ấy rất thích hợp với trạng thái tâm lý hồi tưởng những đã qua, đã rời ra nhưng lại có sức ám ảnh day dứt. Câu thơ mở đầu có một bếp lửa chờn vờn mang đậm màu cổ tích. Bếp lửa được thắp lên, nó hắt ánh sáng lên mọi vật và tỏa sáng tâm hồn đứa cháu thơ ngây. Đó là một hình ảnh thực in dấu trong tâm khảm, được nhà thơ nhớ lại nó thành một hình ảnh huyền ảo trong ánh hồi quang, mang đầy kỉ niệm đẹp về bếp lửa quê hương. Từ hình ảnh ấy nhà thơ cảm nhận được một sức ấm nóng tỏa ra không chỉ từ bếp lửa hồng sớm mai: "Một bếp lử ấp iu nồng đượm". Từ láy "ấp iu" có giá trị biểu cảm cao, bao gồm hàm ý bé nhỏ, thầm kín bên trong, đồng thời còn làm cho ta hình dung một bàn tay khéo léo, kiên nhẫn và chăm chút của người nhóm lửa. Điệp ngữ "một bếp lửa" được lặp lại ở đầu những câu thơ có tác dụng nhấn mạnh dấu ấn kỷ niệm sâu lắng trong ký ức tác giả. Nó trở thành hình tương xuyên suốt hết bài thơ. Hồi tưởng về bếp lửa của quê hương, cũng chính là hồi tưởng về người bà thân yêu của mình. "Cháu thương bà biết mấy nắng mưa". Đọng lại trong 3 dòng thơ đầu có lẽ là chữ "thương" là tình cảm chân thành, xuất phát từ trái tim giàu tình yêu thương, sự sẻ chia vả bao hảm cả sự kính trọng, niềm biết ơn sâu sắc, cùng nỗi nhớ khôn nguôi của người cháu dành cho bà của mình và hình ảnh người bà lặng lẽ, âm thầm trong khung cảnh lầm lũi "biết mấy nắng mưa". Hai chữ "nắng mưa" không chỉ để nói đến nắng mưa của thiên nhiên mà còn gợi cho ta nghĩ đến nắng mưa cuộc đời, gợi tả sự cần cù, chịu khó, vất vả, giàu đức hi sinh của người bà. Biết bao tình cảm xúc động mà nghẹn ngào trong câu thơ ấy!

    Với sự góp mặt của hai từ láy "chờn vờn", "ấp iu" khiến cho câu thơ mang nặng kỉ niệm về kí ức ân tình, về bếp lửa, về tấm lòng bà, về tình bà cháu thiêng liêng. Bếp lửa được thắp lên đó cũng là bếp lửa của cuộc đời bà đã trải qua "biết mấy nắng mưa". Từ đó, hình ảnh người bà hiện lên. Dù đã cách xa nữa vòng trái đất nhưng dường như Bằng Việt vẫn cảm nhận được sự vỗ về, yêu thương, chăm chút từ đôi tay kiên nhẫn và khéo léo của bà. Trong cái khoảnh khắc ấy, trong lòng nhà thơ lại trào dâng một tình yêu thương bà vô hạn. Tình cảm bà cháu thiêng liêng ấy cứ như một dòng sông với con thuyền nhỏ chở đầy ắp những kỉ niệm mà suốt cuộc đời này chắc người cháu không bao giờ quên được và cũng chính từ đó, sức ấm và ánh sáng của tình bà cháu cũng như của bếp lửa lan tỏa toàn bài thơ.

    Như vậy, với ba câu thơ mở đầu tác phẩm, Bằng Việt đã thể hiện tình cảm nỗi nhớ da diết của mình về bếp lửa quê hương và người bà thân yêu. Có thể coi đây là khúc dạo đầu viết về nỗi nhớ. Từ đó định hướng cảm xúc cho toàn bài. Bài thơ sẽ là lời tâm tư, nỗi nhớ của người cháu về bếp lửa, về người bà và cả những kỉ niệm buồn vui khi còn bên cạnh bà.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...